Nghiên cứu đột phá công nghệ tạo ra điện Mặt Trời vào ban đêm

Nghiên cứu từ Đại học UNSW (Australia) cho thấy, nhiệt hồng ngoại bức xạ của Trái Đất có thể được sử dụng để tạo ra điện, ngay cả sau khi Mặt Trời lặn.

Nghiên cứu từ Đại học UNSW (Australia) cho thấy, nhiệt hồng ngoại bức xạ của Trái Đất có thể được sử dụng để tạo ra điện, ngay cả sau khi Mặt Trời lặn, theo cách tương tự như Trái Đất nguội đi bằng cách bức xạ vào không gian lúc ban đêm.

Mặc dù lượng điện được tạo ra ở giai đoạn này rất nhỏ, ít hơn khoảng 100.000 lần so với lượng điện do tấm pin Mặt Trời, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng kết quả có thể được cải thiện trong tương lai.

Phó Giáo sư Ned Ekins-Daukes cho biết, năng lượng chiếu xuống Trái Đất vào ban ngày dưới dạng ánh sáng Mặt Trời và làm ấm hành tinh. Vào ban đêm, cùng mức năng lượng này bức xạ trở lại vào không gian dưới dạng ánh sáng hồng ngoại và có thể tạo ra điện bằng cách tận dụng quá trình này.

Theo Tiến sĩ Phoebe Pearce, khi có dòng năng lượng, có thể chuyển đổi thành các dạng khác nhau. Quá trình chuyển đổi trực tiếp ánh sáng Mặt Trời thành điện, do con người phát triển để chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện năng. Quá trình nhiệt bức xạ cũng tương tự, chuyển năng lượng trong tia hồng ngoại từ Trái Đất ấm vào vũ trụ lạnh.


Nghiên cứu sử dụng nhiệt hồng ngoại bức xạ của Trái Đất để tạo ra điện ngay cả sau khi Mặt Trời lặn. Ảnh minh họa

Nhóm nghiên cứu tin rằng, công nghệ mới có thể có nhiều ứng dụng trong tương lai, giúp sản xuất điện theo những cách hiện không thể thực hiện được.

Theo Tiến sĩ Michael Nielsen, từ nghiên cứu tới thương mại hoá vẫn còn chặng đường dài, tuy nhiên mở ra giải pháp tạo ra điện từ Mặt Trời ban đêm.

Liên quan tới tấm pin điện Mặt Trời, trước đó nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ) chế tạo pin Mặt Trời với khả năng thu năng lượng từ môi trường cả ngày lẫn đêm, giúp loại bỏ nhu cầu sử dụng thêm bộ lưu trữ điện.

Ban đêm, pin Mặt Trời tỏa nhiệt ra không gian và nhiệt độ bề mặt pin sẽ mát hơn vài độ so với không khí xung quanh. Thiết bị mới sử dụng một module nhiệt điện để tạo ra điện áp và dòng điện từ sự chênh lệch nhiệt độ giữa pin mặt trời và không khí. Quá trình này phụ thuộc vào cấu trúc nhiệt của hệ thống, bao gồm một bên nóng và một bên lạnh.

“Module nhiệt điện cần tiếp xúc tốt với cả bên lạnh (pin Mặt Trời ) lẫn bên nóng (môi trường xung quanh). Nếu không đảm bảo điều đó, bạn sẽ không thu được nhiều năng lượng”, Sid Assawaworrarit, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Nhóm chuyên gia đã chứng minh khả năng phát điện của thiết bị mới vào ban ngày, khi thiết bị hoạt động theo chiều ngược lại và đóng góp thêm năng lượng cho pin Mặt Trời truyền thống, cũng như vào ban đêm.

Nhóm nhà khoa học đặt mục tiêu tối ưu hóa khả năng cách nhiệt và các thành phần nhiệt điện của thiết bị. Họ cũng đang tìm cách cải tiến pin mặt trời để tăng hiệu quả tỏa nhiệt mà không ảnh hưởng đến khả năng thu năng lượng Mặt Trời.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực điện mặt trời

Nhằm mục đích đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa, có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo trong nước, từng bước gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng quốc gia để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, cải thiện cơ cấu ngành năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội bền vững, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở nước ta trong đó có điện Mặt Trời. Các cơ chế cũng đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ, đến tài chính, bảo hiểm…, góp phần hình thành thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Song song với đó, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cũng đang hoàn thiện để có được các tiêu chuẩn kỹ thuật kiểm soát an toàn, chất lượng của hệ thống điện Mặt Trời. Tính đến hết năm 2019 có khoảng 1000 TCVN trong lĩnh vực điện và điện tử, trong đó có 19 TCVN về hệ thống điện Mặt Trời. Các tiêu chuẩn quốc gia TCVN về điện Mặt Trời phần lớn được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC (Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà quản lý, tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận có thể thừa nhận lẫn nhau kết quả thử nghiệm cũng như chứng chỉ chứng nhận.

Việc biên soạn các TCVN này được thực hiện chính bởi Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/E13 Năng lượng Tái tạo. Tiêu chuẩn quốc gia về tấm pin Mặt Trời hiện nay đã có bộ tiêu chuẩn về an toàn điện của tấm pin TCVN 12232 được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 61730, bộ tiêu chuẩn về đánh giá chất lượng thiết kế của tấm pin TCVN 6781 được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 61215. Bên cạnh đó còn có các tiêu chuẩn đối với thành phần của hệ thống pin mặt trời như bộ TCVN 12231 về an toàn của bộ nghịch lưu inverter được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 62109 và các TCVN cho hộp kết nối, cáp điện, v.v…

An Dương (T/h)

https://vietq.vn/australia-nghien-cuu-dot-pha-cong-nghe-tao-ra-dien-mat-troi-vao-ban-dem-d225631.html

Phương pháp đánh giá rủi ro khi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật

Thực trạng hiện nay cho thấy, có rất nhiều bất cập và khó khăn trong việc xây dựng, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật. Để giải quyết những bất cập trên cần có phương pháp để đánh giá rủi ro khi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật.

Tính đến nay đã có 756 QCVN và 56 Quy chuẩn địa phương được xây dựng và ban hành, tuy nhiên vẫn còn những bất cập trong việc áp dụng QCVN về phòng cháy chữa cháy, thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi….. cùng với đó, các chỉ tiêu kỹ thuật ngày càng cao hơn mức cần thiết; Chi phí điều chỉnh dây truyền sản xuất, thử nghiệm, chứng nhận cao; Đối tượng, phạm vi quá rộng (Đ3 Luật…); Hạ tầng kỹ thuật, năng lực thử nghiệm không đảm bảo triển khai, áp dụng QCKT hiệu quả.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Khôi – Trưởng ban Tiêu chuẩn, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã đưa ra phương pháp đánh giá rủi ro, phương pháp này được tham khảo tại CENELEC Guide 32: Hướng dẫn đánh giá rủi ro đối với Thiết bị điện gia dụng và ASEAN/JSCEE Guide: Hướng dẫn đánh giá rủi ro UB Hỗn hợp Điện-Điện tử.

Theo đó, các thông tin cần cho đánh giá rủi ro: thứ nhất là, xác định phạm vi, đối tượng, mục đích áp dụng phù hợp của QCKT; thứ hai là, xác định các trường hợp sử dụng sai có thể xảy ra tai nạn của SPHH; thứ ba là, xác định các mối nguy (SX, lắp đặt, sử dụng…); thứ tư là, ước lượng rủi ro gây ra do từng mối nguy xác định; thứ năm là, thống kê tai nạn, sự cố của SP (5-10 năm gần đây); thứ sáu là, thông tin liên quan đến các rủi ro có thể xảy ra (tiếng ồn, độ rung, bụi, khói, hóa chất được sử dụng hoặc vật liệu được xử lý bởi thiết bị…).

Về nhận diện rủi ro từ mối nguy từ điện bao gồm: Dòng điện rò, nguồn điện, tích điện, phóng điện hồ quang, điện giật, bỏng; Nhận diện rủi ro từ mối nguy cơ học bao gồm: Sự mất ổn định, hư hỏng trong quá trình hoạt động; rơi/bắn ra vật thể có khả năng gây tai nạn; bề mặt, góc, cạnh không thích ứng; các bộ phận chuyển động; rung; lắp không đúng linh kiện; phát nổ; Nhận diện rủi ro mối nguy điện từ trường, bức xạ Ion… bao gồm: Nhiễu điện, điện từ; bức xạ quang; cháy; nhiệt độ; tiếng ồn; phát xạ chất độc hại; kết nối và gián đoạn nguồn điện; kết hợp thiết bị.

Ông Khôi cũng đưa ra công thức đánh giá rủi ro: R = C x P x N, trong đó, R: Mức độ rủi ro của sản phẩm; C: Mức độ nghiêm trọng của mối nguy; P: Xác suất xảy ra mối nguy; N: Mức độ thông dụng của sản phẩm.

Về đánh giá năng lực thử nghiệm: Khảo sát các tổ chức đánh giá sự phù hợp (3 miền); Đánh giá năng lực thử nghiệm (dựa trên các chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật trong dự thảo QCKT); Đánh giá, xác định mức chi phí thử nghiệm, chứng nhận cho SPHH, dịch vụ…. (Theo các phương thức chứng nhận khác nhau 1, 5, 6, 7, 8).

Kế hoạch triển khai tại Ủy ban TCĐLCLQG, ông Khôi cho biết, sẽ sửa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, trong đó, bổ sung quy định Báo cáo đánh giá thẩm định và thẩm định nội dung này; Xây dựng Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động (Hội thảo, lấy ý kiến…); Áp dụng các QCVN của Bộ KH&CN (QCVN về Thép, Led, CNG/LNG, Ổ cắm phích cắm, Automat…), trong đó, triển khai thu thập số liệu, tính toán, lập BCĐGTĐ.

Tiểu My
https://vietq.vn/phuong-phap-danh-gia-rui-ro-khi-xay-dung-quy-chuan-ky-thuat-d225381.html

Bộ lọc than hoạt tính giúp loại bỏ hóa chất vĩnh cửu trong nước uống hàng ngày

Các nhà nghiên cứu tại một trường đại học của Mỹ đã tìm ra phương pháp giúp loại bỏ một lượng hóa chất vĩnh cửu có trong nguồn nước uống hàng ngày.

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học trên khắp thế giới đã liên tục tìm kiếm các phương pháp nhằm loại bỏ các hóa chất này trong nước uống. Mới đây, Trường đại học British Columbia, Mỹ, đã tìm ra chất xúc tác có thể loại bỏ hóa chất vĩnh cửu có trong nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của con người. Các hóa chất vĩnh cửu, viết tắt là PFAS, được sử dụng rất nhiều vì chúng giúp cho đồ vật chịu nhiệt cao, chống bẩn và kháng nước. Tuy nhiên, khi không còn được sử dụng và vứt bỏ ra bãi rác, những sản phẩm có chứa PFAS sẽ gây ô nhiễm nguồn nước vì các hóa chất này rất khó phân hủy. Chúng là những nhân tố nguy hiểm đe dọa sức khỏe, có liên quan đến các bệnh gan, ung thư, tuyến giáp và nhiều bệnh khác.

Theo phương pháp này, chỉ cần vài giờ để làm sạch nước, ngay cả khi không có nguồn tia cực tím ổn định để khử. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một bộ lọc than hoạt tính có chứa chất xúc tác đã được cấp bằng sáng chế. Chất xúc tác quang lai oxit sắt (Fe/g-C) có thể thu giữ PFAS trong nước và phân hủy các hóa chất này thành các thành phần vô hại. Toàn bộ quá trình này khá nhanh, tùy vào lượng nước cần được xử lý.

 Bộ lọc than hoạt tính cho phép loại bỏ một lượng lớn hóa chất vĩnh cửu tồn tại trong nước uống

Các nhà nghiên cứu cho biết một số giải pháp trước đây chỉ có thể thực hiện hoặc thu giữ hoặc phân hủy các hóa chất này, nhưng với công nghệ được sử dụng trong nghiên cứu mới này, cả hai vấn đề nêu trên đều có thể được xử lý trong thời gian ngắn.

Theo các nhà khoa học, giải pháp mới này nhanh hơn rất nhiều so với các cách thức khác. Chất xúc tác được nghiên cứu chỉ cần 3 giờ đồng hồ là có thể loại bỏ 90% các hóa chất vĩnh cửu trong nước. Bên cạnh đó, phương pháp này còn có ưu điểm tiết kiệm chi phí và dễ thực hiện hơn các phương pháp khác đang được áp dụng.

Chẳng hạn như một số phương pháp cần có tia cực tím để tạo các phản ứng hóa học, nhưng phương pháp mới của nhóm nghiên cứu lần này hoàn toàn áp dụng được ở những nơi không có đủ ánh sáng. Trong điều kiện thiếu sáng, công nghệ mới này vẫn loại bỏ được 85% PFOA. PFOA cũng là một hóa chất vĩnh cửu.

Hơn nữa, công nghệ mới này có thể dùng để loại bỏ các thành phần “cứng đầu” khác gây ô nhiễm nước chứ không chỉ các hóa chất vĩnh cửu. Chất xúc tác đặc biệt này có thể dùng để xử lý các hệ thống cấp nước đô thị và các cơ sở công nghiệp.

Đây quả là một thành tựu nghiên cứu có giá trị quan trọng. Hiện, các nhà khoa học đã liên kết với một công ty thương mại để đưa công nghệ mới này đi vào đời sống.

 Bảo Linh (t/h)
https://vietq.vn/bo-loc-than-hoat-tinh-giup-loai-bo-hoa-chat-vinh-cuu-trong-nuoc-uong-hang-ngay-d224975.html

Tái sử dụng pin – Giải pháp bền vững lưu trữ năng lượng sạch

Nhằm giảm thiểu rác thải điện tử ra môi trường cũng như hướng đến một xã hội phát triển bền vững, Uỷ ban tiêu chuẩn IEC mới đây đã công bố bộ tiêu chuẩn hướng dẫn về việc tái sử dụng đối với loại pin xe điện đã hết hạn.

Pin là vật liệu quan trọng và cần thiết để lưu trữ và tái tạo nguồn năng lượng để sử dụng khi cần thiết. Theo Kịch bản Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), pin là một phần thiết yếu của hệ thống năng lượng toàn cầu hiện nay và là công nghệ năng lượng phát triển nhanh nhất trên thị trường.

Để sản xuất ra một sản phẩm pin, cần rất nhiều chi phí, chưa kể, khi pin hết một vòng đời sử dụng có thể thải ra các chất ô nhiễm độc hại nếu không được xử lý đúng cách, có thể gây ra các vấn đề về rác thải điện tử, gây ô nhiễm môi trường.

Theo IEA ước tính rằng các loại pin không còn đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng trong xe điện (EV), vẫn có thể duy trì tới 80% tổng dung lượng sử dụng được đối với các thiết bị khác. Với số lượng xe điện ngày càng tăng, dần thay thế cho dòng xe xăng, việc tái sử dụng pin sẽ là giải pháp có giá trị để lưu trữ năng lượng và bảo vệ môi trường, hướng tới một mục đích phát triển bền vững.


Tiêu chuẩn IEC 63338 – Hướng dẫn chung về việc tái sử dụng và tái chế pin và ắc quy thứ cấp

Tuy nhiên, việc tái sử dụng pin không hề dễ dàng, vì những thách thức về quy định công nghệ vẫn là rào cản đối với việc áp dụng. Không chỉ có rủi ro không may xảy ra trong quá trình tái sử dụng pin mà còn trong quá trình sử dụng chúng. Hơn nữa, nhiều quốc gia và khu vực đang xây dựng các yêu cầu và quy định khác nhau về việc tái sử dụng và tái sử dụng pin, hầu hết tập trung về các vấn đề về kỹ thuật hoặc an toàn.

Đây là thời điểm thích hợp để tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng nhằm giải quyết vấn đề này, cũng như tạo khung quy định chung, chuẩn mực để các quốc gia tham khảo. Tiêu chuẩn IEC 63338 – Hướng dẫn chung về việc tái sử dụng và tái chế pin và ắc quy thứ cấp, mới được công bố nhằm giải quyết trực tiếp vấn đề này. Tiêu chuẩn đề cập đến các rủi ro về an toàn liên quan đến hệ thống lithium ion và niken cũng như xác định tính phù hợp để tái sử dụng hoặc tái chế, hay quy định chung về cảnh báo của nhà sản xuất, v.v.

Tiêu chuẩn này được phát triển bởi ủy ban kỹ thuật IEC TC 21/SC 21A dành cho các loại ắc quy và pin thứ cấp chứa chất điện phân kiềm hoặc chất điện phân không phải axit khác.

Đây là tiêu chuẩn mới nhất trong số nhiều tiêu chuẩn của Uỷ ban TC 21/SC 21A được thiết kế để hỗ trợ việc tái sử dụng và thay đổi mục đích sử dụng pin và hệ thống lưu trữ năng lượng pin một cách an toàn và đáng tin cậy.

Các tiêu chuẩn khác của Uỷ ban bao gồm IEC 63330-1 (yêu cầu chung về việc tái sử dụng các cell thứ cấp, mô-đun, bộ pin và hệ thống pin), IEC 62933-4-4 (yêu cầu về môi trường đối với hệ thống lưu trữ năng lượng dựa trên pin (BESS) có pin tái sử dụng) và IEC 62933-5-3 (yêu cầu về an toàn đối với hệ thống EES tích hợp lưới điện).

Bảo Linh (biên dịch từ IEC)
https://vietq.vn/tai-su-dung-pin—giai-phap-ben-vung-luu-tru-nang-luong-sach-d224706.html

2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Theo đó, danh mục lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm:

Năng lượng: Công nghiệp sản xuất năng lượng; tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; khai thác than; khai thác dầu và khí tự nhiên.

Giao thông vận tải: Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải.

Xây dựng: Tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng.

Các quá trình công nghiệp: Sản xuất hóa chất; luyện kim; công nghiệp điện tử; sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozon; sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác.

Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất: Chăn nuôi; lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; trồng trọt; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải khác trong công nghiệp.

Chất thải: Bãi chôn lấp chất thải rắn; xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; xử lý và xả thải nước thải.


2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê

Quyết định nêu cụ thể danh mục 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024; trong đó có 1.805 cơ sở thuộc ngành công thương; 75 cơ sở thuộc ngành giao thông vận tải; 229 cơ sở thuộc ngành xây dựng và 57 cơ sở thuộc ngành tài nguyên và môi trường.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở theo hướng dẫn của các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính của cơ sở theo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon theo quy định.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc có liên quan đôn đốc các cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn thuộc danh mục ban hành kèm theo Quyết định này thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định; cập nhật, điều chỉnh danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ quản lý lĩnh vực có liên quan theo quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Quyết định 13/2024/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024. Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính hết hiệu lực từ ngày 1/10/2024.

Các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục quy định tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg nhưng không thuộc danh mục quy định tại Quyết định 13/2024/QĐ-TTg không có nghĩa vụ thực hiện và nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở năm 2025.

Nam Dương
https://vietq.vn/2166-co-so-phat-thai-khi-nha-kinh-phai-thuc-hien-kiem-ke-khi-nha-kinh-d224385.html

Mỹ phát triển các dung môi có khả năng loại bỏ hơn 98% hạt nhựa siêu nhỏ khỏi nước

Một nhóm nghiên cứu Mỹ đang phát triển các dung môi có khả năng loại bỏ hơn 98% hạt nhựa siêu nhỏ khỏi nước. Kết quả này có hiệu quả với cả nước mặn và nước ngọt.

Các nhà khoa học tại Đại học Missouri (Mỹ) đã tạo ra các dung môi chống thấm nước làm từ thành phần tự nhiên, có thể nổi như dầu trên mặt nước. Sau khi trộn dung môi với nước, chúng sẽ từ từ nổi lên lại trên mặt nước, mang theo các hạt nhựa siêu nhỏ (nhựa nano) trong cấu trúc phân tử của chúng.

Trong phòng thí nghiệm, nhóm chỉ sử dụng một lọ nhỏ dung môi để loại bỏ các hạt nhựa nano khỏi nước. Các nghiên cứu trong tương lai sẽ tập trung vào việc mở rộng toàn bộ quy trình lọc nhựa nano để có thể ứng dụng dung môi vào các vùng nước lớn hơn như ao hồ, hay thậm chí là đại dương.

Nhóm cho biết phương pháp mới này hiệu quả với cả nước mặn và nước ngọt. “Những dung môi này được làm từ các thành phần an toàn, không độc hại cùng khả năng chống thấm nước giúp ngăn ô nhiễm lan sang các nguồn nước khác”, bà Piyuni Ishtaweera, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Missouri, cho biết.

Những dung môi dùng để lọc nhựa ra khỏi nước được làm từ các thành phần an toàn, không độc hại. Ảnh: Tuổi Trẻ

“Chiến lược của chúng tôi là sử dụng một lượng nhỏ dung môi để hấp thu các phân tử nhựa có trong một lượng nước lớn”, ông Gary Baker, một tác giả của nghiên cứu và làm việc tại khoa hóa Đại học Missouri, nói.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm dung môi với 5 kích cỡ khác nhau của hạt nhựa nano có gốc polystyrene – một loại nhựa phổ biến trong ly nhựa. Kết quả cho thấy dung môi của nhóm có hiệu quả vượt trội hơn so với các nghiên cứu trước đây, vốn tập trung vào một cỡ hạt nhựa nano.

Hiện tại nhóm nghiên cứu vẫn chưa hiểu hết khả năng của dung môi, do đó họ cần nghiên cứu thêm về điều này cũng như khám phá các phương pháp để tái sử dụng dung môi nhiều lần.

Phương pháp cải tiến này không chỉ mang lại giải pháp thiết thực cho vấn đề ô nhiễm các hạt nhựa nano, mà còn mở đường cho những nghiên cứu và phát triển sâu hơn về công nghệ lọc nước tiên tiến.

Nhựa nano có thể phá vỡ hệ sinh thái dưới nước và xâm nhập chuỗi thức ăn, gây rủi ro sức khỏe như bệnh tim mạch hay hô hấp cho con người và động vật. Do đó việc loại bỏ nhựa nano để giúp nước sạch hơn luôn là một thách thức cấp thiết của giới khoa học. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí ACS Applied Engineering Materials.

Liên quan tới rác thải nhựa, theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.

Theo đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường nước, đất và không khí.

Do đó, Việt Nam cần xây dựng chính sách phát triển thị trường sản phẩm tái chế, dán nhãn xanh cho các sản phẩm, quy định tỷ lệ tái chế trong mỗi sản phẩm nhựa…Đặc biệt muốn chống rác thải nhựa, điều quan trọng đầu tiên phải kéo dài vòng đời sản phẩm nhựa, giảm thiểu thải bỏ ra môi trường. Muốn vậy phải có quy chuẩn cho các sản phẩm nhựa.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 32:2018/BTNMT về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất

Quy chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về các loại phế liệu nhựa được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; các loại phế liệu nhựa không được phép nhập khẩu; tạp chất không được lẫn trong phế liệu nhựa nhập khẩu; tạp chất không mong muốn được phép còn lẫn trong phế liệunhựa nhập khẩu; các yêu cầu kỹ thuật khác đối với phế liệu nhựa nhập khẩu từ nước ngoài. Quy chuẩn này không điều chỉnh đối với phế liệu nhựa nhập khẩu từ các doanh nghiệptrong khu phi thuế quan trên lãnh thổ Việt Nam.

Yêu cầu về phân loại, làm sạch phế liệu quy chuẩn quy định phế liệu nhựa nhập khẩu bao gồm một hoặc một số khối hàng phế liệu nhựa đã được phân loại riêng biệt theo từng mã HS thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Từng khối hàng phế liệu nhựa nhập khẩu phải được sắp xếp tách riêng trong lô hàng hoặc công ten nơ nhập khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra tại địa điểm đăng ký kiểm tra theo quy định của pháp luật. Trong mỗi khối hàng phế liệu nhựa nhập khẩu được phép lẫn lượng phế liệu nhựa có mã HS khác (thuộc Danh mục phế liệu nhựa được phép nhập khẩu) so với mã HS khai báo trong hồ sơ nhập khẩu. Tỷ lệ khối lượng phế liệu nhựa có mã HS khác không vượt quá 20% tổng khối lượng của khối hàng phế liệu nhựa nhập khẩu.

Phế liệu nhựa nhập khẩu phải được loại bỏ các chất, vật liệu, hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu.

Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/my-phat-trien-cac-dung-moi-co-kha-nang-loai-bo-hon-98-hat-nhua-sieu-nho-khoi-nuoc-d224314.html