IEA: Năng lượng tái tạo là nguồn cung cấp điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn cung cấp điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025, trong giai đoạn 2022-2027, năng lượng tái tạo sẽ tăng gần 2.400 gigawatt (GW).

Trong báo cáo năng lượng tái tạo mới nhất, IEA cho biết giá nhiên liệu tăng cao trên toàn cầu đã tạo ra một cú hích đối với an ninh năng lượng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến một số quốc gia ngày càng phụ thuộc vào năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. IEA kỳ vọng công suất tái tạo toàn cầu sẽ tăng thêm 2.400 gigawatt (GW) trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2027.

Năng lượng tái tạo sẽ vượt qua than đá để trở thành nguồn phát điện hàng đầu toàn cầu vào đầu năm 2025. Tỷ trọng phát điện của năng lượng tái tạo từng năm sẽ tăng 10% trong suốt thời gian dự báo và đạt khoảng 38% vào năm 2027. Trong giai đoạn dự báo, năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 90% trong công suất điện bổ sung trên toàn cầu.

Năng lượng tái tạo cũng là nguồn phát điện duy nhất có tỷ trọng dự kiến tăng, trong khi tỷ trọng điện năng của than, khí đốt tự nhiên, năng lượng hạt nhân và dầu mỏ suy giảm.

Trong đó, sản xuất điện từ năng lượng gió và mặt trời sẽ tăng hơn gấp đôi trong vòng 5 năm tới và chiếm gần 20% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2027. Trong giai đoạn dự báo, năng lượng gió và mặt trời chiếm 80% mức tăng toàn cầu về sản xuất năng lượng tái tạo trong yêu cầu bổ sung những nguồn linh hoạt cho hệ thống điện.

Công suất phát điện của hệ thống quang điện đã được lắp đặt sẽ vượt qua công suất phát điện của than đá vào năm 2027. Khi đó, đây sẽ là nguồn phát có công suất lớn nhất thế giới. Công suất lưu trữ quang điện cũng sẽ tăng gấp 3 lần theo dự báo của IEA, tăng gần 1.500 GW trong giai đoạn này, vượt qua khí đốt tự nhiên vào năm 2026 và than đá vào năm 2027.

Công suất quang điện bổ sung hàng năm sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tới. Mặc dù hiện nay chi phí đầu tư cao do giá thành hàng hóa cao, nhưng điện mặt trời là lựa chọn hiệu quả nhất về chi phí để phát điện mới ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Việc lắp đặt các nguồn quang điện (PV) độc lập như tấm pin mặt trời trên mái nhà sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm tiền trên hóa đơn năng lượng do giá điện bán lẻ từ các nhà cung cấp điện lưới cao hơn và những chính sách hỗ trợ sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng tăng.

Trong khi đó, công suất điện gió toàn cầu sẽ tăng gần gấp đôi, trong đó các dự án điện gió ngoài khơi chiếm 1/5 mức tăng trưởng. Các trang trại điện gió trên bờ mới, dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2022-2027 sẽ cung cấp hơn 570 GW.

Tuy nhiên, việc bổ sung năng lượng điện gió trên bờ sẽ không phá vỡ kỷ lục hàng năm, được thiết lập vào năm 2020 cho đến khi kết thúc giai đoạn dự báo, nguyên nhân chính là do quy trình cấp phép kéo dài và cơ sở hạ tầng lưới điện không kịp thời được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu gia tăng nguồn cung điện năng.

Tăng trưởng công suất điện gió ngoài khơi đang tăng tốc trên toàn cầu, nhưng tỷ lệ công suất điện gió ngoài khơi của châu Âu trong tổng công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu giảm từ 50% vào năm 2021 xuống còn 30% vào năm 2027 do các chính sách hỗ trợ cấp tỉnh của Trung Quốc được triển khai nhanh hơn, đồng thời Mỹ trở thành một thị trường quan trọng đối với điện gió ngoài khơi.

IEA cũng cho biết, số liệu dự báo công suất năng lượng tái tạo tăng chủ yếu là do Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Ấn Độ đã xây dựng các chính sách năng lượng tái tạo, đồng thời thực hiện cải cách các chính sách và thị trường nhanh hơn dự đoán.

Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng một nửa công suất năng lượng tái tạo toàn cầu bổ sung mới từ năm 2022 đến năm 2027 như một phần của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Tại Ấn Độ, các công trình lắp đặt năng lượng tái tạo mới sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn dự báo, dẫn đầu là điện mặt trời và được thúc đẩy bởi các cuộc đấu tranh giá cạnh tranh để đáp ứng mục tiêu của chính phủ là 500 GW công suất năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030. Trong khi đó, Đạo luật giảm thiểu lượng phát của Hoa Kỳ đã đưa ra các đề xuất hỗ trợ bổ sung và tầm nhìn dài hạn cho việc mở rộng năng lượng tái tạo được tạo ra ở Hoa Kỳ.

H.T
https://petrotimes.vn/iea-nang-luong-tai-tao-la-nguon-cung-cap-dien-lon-nhat-toan-cau-vao-dau-nam-2025-673515.html

5 cách sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp doanh nghiệp tăng năng suất

Trí tuệ nhân tạo (AI) cung cấp thông tin quan trọng giúp các nhà quản lý đưa ra quyết định kinh doanh sáng suốt hơn, góp phần nâng cao năng suất trong doanh nghiệp.

Thị trường AI dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 52% từ năm 2017 đến năm 2025. Nhờ những cải tiến gần đây trong điện toán đám mây và lưu trữ, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đang tạo ra những bước tiến lớn giúp cải thiện môi trường sản xuất hiệu quả hơn. AI cũng cung cấp thông tin quan trọng giúp các nhà quản lý đưa ra quyết định kinh doanh sáng suốt hơn. Sau đây là 5 cách mà các nhà sản xuất có thể nâng cao năng suất của họ bằng cách sử dụng AI.

1. Dự báo nhu cầu chính xác hơn

Sử dụng AI và khả năng tự học, hệ thống có thể kiểm tra hàng trăm mô hình toán học về khả năng sản xuất và phân tích chính xác hơn trong khi thích ứng với thông tin mới như sản phẩm mới, sự gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc sự thay đổi đột ngột nhu cầu. Theo hãng tư vấn McKinsey, nhờ khả năng tự học, số lượng hàng tồn kho giảm khoảng 20% đến 50%.

2. Bảo trì dự đoán

Các tổ chức nhận ra rằng đáng để đầu tư vào các giải pháp bảo trì dự đoán, bởi vì đó là cách chắc chắn để cải thiện hiệu quả hoạt động và có tác động gần như ngay lập tức trên điểm mẫu chốt. Bảo trì dự đoán sử dụng cảm biến để theo dõi các điều kiện của thiết bị và phân tích dữ liệu liên tục, cho phép các tổ chức bảo trì thiết bị khi chúng thực sự cần thiết thay vì bảo trì theo lịch trình, nhờ vậy giảm thiểu thời gian chết trong sản xuất. Ngoài ra, trong bảo trì dự đoán, người ta có thể sử dụng các thuật toán dựa trên dữ liệu lớn để dự đoán các lỗi thiết bị trong tương lai.


Ảnh minh hoạ

3. Cá nhân hóa sản xuất

Cải tiến trong AI và phần mềm thông minh cho phép các công ty cá nhân hóa sản phẩm và dịch vụ theo yêu cầu của từng khách hàng. Trong một cuộc khảo sát gần đây, 20% người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng trả 20% phí cho các sản phẩm hoặc dịch vụ được cá nhân hóa. Và các thương hiệu sẵn sàng cá nhân hóa sản phẩm cũng có thể xây dựng lòng tin lớn hơn với khách hàng của họ. Theo Accenture, 83% người tiêu dùng ở cả Hoa Kỳ và Vương quốc Anh sẵn sàng cho các nhà bán lẻ đáng tin cậy sử dụng dữ liệu cá nhân của họ để nhận các sản phẩm phù hợp với nhu cầu riêng.

4. Tối ưu hóa quy trình sản xuất

Dự kiến sẽ có một số loại máy được vận hành bởi thuật toán AI có khả năng tự động cải thiện hiệu quả của quy trình sản xuất. Hệ thống AI sẽ giám sát số lượng máy móc được sử dụng, chu trình, nhiệt độ, thời gian chờ, lỗi và giảm thời gian xuống để tối ưu hóa các hoạt động sản xuất.

Bước đầu tiên trong quá trình triển khai AI sẽ là chế độ “hỗ trợ người vận hành”, trong đó AI sẽ đề xuất câu trả lời cho người vận hành. Hệ thống AI sẽ sử dụng quyết định cuối cùng của người vận hành để tìm hiểu cách thức hoạt động của trí óc con người, từ đó có thể triển khai chế độ “thay thế người vận hành”.

5. Mua sắm nguyên vật liệu tự động

Hệ thống AI kết hợp với khả năng tự học có thể ghi lại và nhận xét mọi thông tin trong suốt chuỗi cung ứng. McKinsey dự đoán AI sẽ giúp giảm sai số dự báo chuỗi cung ứng xuống 50% và giảm chi phí liên quan vận chuyển và kho bãi từ 5% đến 10% và chi phí quản trị chuỗi cung ứng từ 25% đến 40%. Honeywell đã tích hợp các thuật toán AI và khả năng tự học vào mua sắm, tìm nguồn cung ứng chiến lược và quản lý chi phí.

Phong Lâm
https://vietq.vn/5-cach-su-dung-tri-tue-nhan-tao-giup-doanh-nghiep-tang-nang-suat-d206233.html

Đột phá hóa học tạo ra sản phẩm hữu ích từ nhựa PVC khó tái chế

Các nhà khoa học đã phát triển phương pháp chuyển đổi chất thải PVC (polyvinyl clorua) thành sản phẩm có thể sử dụng được, mở ra một số khả năng mới thú vị khi nói đến loại vật liệu truyền thống không thể tái chế này.

PVC nằm trong số ít nhựa hàng đầu về sản lượng và khối lượng, được sử dụng từ đường ống, sàn, đến rèm tắm và quần áo. Tuy nhiên, tỷ lệ tái chế của nó ở Mỹ nằm ở mức 0, với những nỗ lực tái chế vật liệu bị cản trở bởi các thành phần độc hại của nó.

Bà Danielle Fagnani, tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: “PVC là loại nhựa mà không ai muốn xử lý vì nó có những vấn đề riêng. PVC thường chứa nhiều chất hóa dẻo, làm ô nhiễm mọi thứ trong dòng tái chế và thường rất độc hại. Nó cũng giải phóng axit clohydric rất nhanh với một chút nhiệt”.

Chất hóa dẻo được thêm vào các loại nhựa thông thường để cải thiện độ bền và tính linh hoạt của chúng, nhưng một số chất này có nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, trong đó BPA là ví dụ đặc biệt nổi tiếng. Một loại khác là phthalates được gọi là “hóa chất ở mọi nơi” do chúng sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm hàng ngày và có liên quan đến rối loạn nội tiết, ung thư ở trẻ em và tử vong sớm.


Tỷ lệ tái chế PVC ở Mỹ hiện ở mức 0, nhưng một kỹ thuật hóa học mới có thể thay đổi điều đó.

Phthalates trong PVC là một trong những thành phần độc hại nhất của vật liệu, những chất này cùng các chất hóa dẻo khác bị rò rỉ ra ngoài trong quá trình tái chế thông thường dựa trên xử lý nhiệt. Quá trình này cũng giải phóng axit clohydric từ PVC, có thể gây bỏng hóa chất và ăn mòn thiết bị tái chế.

Do đó, bà Fagnani và các đồng nghiệp của mình đã thử nghiệm các cách tái chế PVC không phụ thuộc vào nhiệt, dẫn đến một kỹ thuật điện hóa mới với một số tiềm năng thú vị. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các điện tử để phá vỡ liên kết cacbon-clo trong vật liệu và bằng cách sử dụng một trong các chất hóa dẻo PVC để làm trung gian cho quá trình này, họ có thể kiểm soát cẩn thận việc giải phóng axit clohydric.

Bà Fagnani cho biết: “Những gì chúng tôi phát hiện ra là nó vẫn giải phóng axit hydrochloric, nhưng với tốc độ chậm hơn và được kiểm soát nhiều hơn”.

Điều này cho phép axit được thu thập và sử dụng làm thuốc thử cho các phản ứng hóa học khác, đồng thời tạo ra các ion clo có thể được sử dụng để clo hóa các phân tử sử dụng trong dược phẩm và nông sản. Phương pháp này cũng để lại các vật liệu khác mà các nhà khoa học đang cố gắng tìm cách sử dụng. Họ nói rằng công trình cho thấy cách thức tái chế hóa học có thể được tận dụng để mang lại cuộc sống thứ hai cho các vật liệu có vấn đề.

Hà My
https://vietq.vn/dot-pha-hoa-hoc-tao-ra-san-pham-huu-ich-tu-nhua-pvc-kho-tai-che-d206171.html

Đan Mạch lưu trữ carbon số lượng lớn trong mỏ dầu cũ

Đan Mạch đang xúc tiến dự án Greensands, một sáng kiến thu giữ và hóa lỏng lượng khí thải carbon công nghiệp trên đất liền, sau đó vận chuyển đến một giàn khoan dầu ở Biển Bắc và bơm xuống các bể sa thạch từng chứa dầu và khí đốt.


​​Carbon công nghiệp sẽ được thu giữ và hóa lỏng, sau đó vận chuyển ra biển và bơm đầy các mỏ dầu cũ. Ảnh: Semco

Sau khi được trao khoản tài trợ đơn lẻ lớn nhất trong lịch sử Đan Mạch vào tháng 12/2021 – khoảng 26 triệu Euro (27 triệu USD) – Ineos Energy – công ty đứng vai Trưởng dự án đã mời tư vấn kỹ thuật đến từ Vương quốc Anh để tiến hành các nghiên cứu sàng lọc về Chuỗi giá trị thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) từ các địa điểm khai thác, hóa lỏng trên bờ, lưu trữ trên bờ, vận chuyển và cô lập ngoài khơi.

Theo đó, dự án sẽ tái sử dụng giàn khoan dầu Nini A, cách bờ biển Đan Mạch khoảng 200km ở Biển Bắc, đảo ngược dòng chảy trước đó để bơm CO2 hóa lỏng ở độ sâu 1.800m dưới đáy biển. Tại đây, CO2 sẽ bắt đầu làm đầy lại bể sa thạch Paleocene, nơi đã chứa dầu và khí đốt trong 20 triệu năm qua và được xác định là một địa điểm tuyệt vời để cô lập carbon.


Giàn khoan dầu Nini 2 ở Biển Bắc hiện đang chạy ngược lại, bơm CO2 xuống một bể chứa dầu gần như đã cạn kiệt bên dưới. Ảnh: Ineos

Đan Mạch có kế hoạch bắt đầu cô lập carbon ở đây với tốc độ 1,5 triệu tấn một năm vào năm 2025, từ năm 2030 sẽ tăng lên 8 triệu tấn một năm, tương đương hơn 13% lượng khí thải hiện tại của đất nước. Tuy nhiên, hiện việc vận chuyển carbon vẫn phải sử dùng tàu.

Trang web của dự án tuyên bố có đủ không gian trong bể chứa duy nhất này để lưu trữ tất cả lượng carbon mà Đan Mạch đã từng tạo ra trong lịch sử và có đủ tiềm năng cô lập trong lòng đất của Đan Mạch để chứa lượng khí thải trị giá 500 năm với tốc độ ngày nay.

Để giải bài toán khí thải CO2, rất nhiều phương án lưu giữ CO2 khác nhau đã được nhiều nước thử nghiệm. Trong đó có phương pháp bơm CO2 vào các bể dầu khí.

Các bể chứa dầu đã khai thác hoặc bị bỏ hoang được xem là những điểm lưu trữ CO2 đầy tiềm năng vì nhiều lý do. Thứ nhất, lượng dầu khí ban đầu đã không thoát ra được trong hàng triệu năm, chứng tỏ cấu trúc kín khít hoàn hảo của các bể chứa. Thứ hai, các khảo sát khai thác dầu đã cung cấp đặc điểm địa chất của các bể chứa và các mô hình máy tính giúp khảo sát sự vận động của hydrocarbon trong bể chứa có thể áp dụng cho việc bơm CO2 sau này. Cuối cùng, hoàn toàn có thể tận dụng cơ sở hạ tầng khai thác dầu khí để tiến hành lưu trữ CO2.

H.T
https://petrotimes.vn/dan-mach-luu-tru-carbon-so-luong-lon-trong-mo-dau-cu-672742.html

Thử nghiệm thiết bị cảm biến bền, giá rẻ sử dụng tín hiệu vệ tinh để theo dõi mực nước

Cảm biến mực nước rất quan trọng ở các dòng sông nhằm cảnh báo lũ lụt và các điều kiện giải trí không an toàn. Mới đây, các nhà khoa học tại Đức đã phát triển loại cảm biến mực nước giá rẻ và được cho là tân tiến hơn so với những thiết bị cảm biến cũ.

Các cảm biến mực nước thường có một hoặc nhiều hạn chế như bị hư hỏng trong lũ lụt, khó đọc từ xa, không đo được mực nước liên tục hoặc chúng quá đắt. Người đứng đầu nhóm nghiên cứu là Tiến sĩ Makan Karegar đã phát triển một giải pháp thay thế để không gặp phải những vấn đề như trên. Thiết bị này có dạng ăng-ten được lắp đặt cạnh một con sông, ngoài mặt nước. Nó liên tục nhận tín hiệu vệ tinh GPS và GLONASS – một phần của mỗi tín hiệu được nhận trực tiếp từ vệ tinh, phần còn lại được nhận gián tiếp, sau khi nó được phản xạ khỏi mặt sông. Bề mặt càng xa so với ăng-ten thì khoảng cách mà sóng vô tuyến phản xạ cuối cùng truyền đi càng dài.


Công nghệ này xoay quanh ăng-ten GPS/GLONASS (trái) có thể chạy bằng năng lượng mặt trời.

Khi phần gián tiếp của mỗi tín hiệu được đặt chồng lên trên phần nhận được trực tiếp sẽ tạo ra các mẫu giao thoa. Bằng cách phân tích các mẫu đó, một máy vi tính Raspberry Pi tích hợp có thể xác định mực nước hiện tại với độ chính xác cộng hoặc trừ ~1,5 cm (0,6 inch). Dữ liệu đó được truyền đến chính quyền thông qua các mạng di động hiện có.

Toàn bộ thiết lập chỉ tốn khoảng 156 đô la Mỹ để xây dựng và có thể được cung cấp năng lượng bởi một tấm pin mặt trời. Trên thực tế, một trong những cảm biến đã được sử dụng trong hai năm trên sông Lower Rhine. Điều đó nói rằng, công nghệ hiện chỉ hoạt động trên các con sông rộng ít nhất 40 m (131 ft), phần lớn tín hiệu phản xạ đến từ đất liền. Hy vọng rằng bằng cách tinh chỉnh phần mềm Raspberry Pi, con số đó có thể giảm đáng kể.

An Hạ
https://vietq.vn/thu-nghiem-thiet-bi-cam-bien-ben-gia-re-su-dung-tin-hieu-ve-tinh-de-theo-doi-muc-nuoc-d206003.html

New Zealand chính thức áp dụng tiêu chuẩn xe sạch từ 1/12

Theo quy định từ Chính phủ New Zealand, tiêu chuẩn về xe sạch sẽ được áp dụng theo từng giai đoạn từ ngày 1/12, góp phần làm giảm đáng kể lượng khí phát thải CO2 của các phương tiện xe hạng nhẹ.

Ông Michael Wood, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải New Zealand cho biết lượng khí thải phát ra từ các phương tiện hạng nhẹ chiếm tỷ lệ lớn nhất ở New Zealand, do nước này có nhiều phương tiện chạy động cơ cũ (không tiết kiệm nhiên liệu) và gây phát thải nhiều nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải New Zealand nói thêm rằng điều này gây tổn hại đến sức khỏe và môi trường. Ông đồng thời cho biết cần phải tăng nguồn cung các phương tiện có khả năng tiết kiệm nhiên liệu, phát thải thấp cho người dân New Zealand có thêm nhiều lựa chọn xe sạch hơn.


Ảnh minh hoạ

Ông Wood cho biết thêm kể từ ngày 1/1/2023, những phương tiện nhập khẩu sẽ phải chịu một khoản tín dụng hoặc phí dựa trên lượng khí thải CO2. Hệ thống này khuyến khích các nhà nhập khẩu nhập nhiều xe tiết kiệm nhiên liệu hoặc phát thải ít để bù đắp cho khoản phí được áp dụng cho những xe phát thải nhiều.

Theo Bộ trưởng Wood, tiêu chuẩn này được đưa ra sau các cuộc thảo luận với các nhà nhập khẩu xe, đồng thời cho biết thêm quy định cho phép tiến hành từng giai đoạn sẽ được thông qua trong tuần này.

Tiêu chuẩn xe sạch yêu cầu các nhà nhập khẩu xe giảm đáng kể lượng khí thải CO2 từ các phương tiện hạng nhẹ, cả mới và đã sử dụng, được nhập khẩu vào New Zealand. Bộ trưởng Wood cho biết việc khuyến khích các nhà nhập khẩu nhập những loại xe tiêu thụ ít nhiên liệu, phát thải thấp sẽ giúp New Zealand thoát khỏi danh sách những nước phát thải khí bẩn nhiều nhất thế giới.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/new-zealand-chinh-thuc-ap-dung-tieu-chuan-xe-sach-tu-112-d205871.html