Liệu đầu tư vào năng lượng mặt trời sẽ sớm “vượt mặt” khai thác dầu mỏ?

Vào hôm 27/5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết: Các khoản đầu tư vào năng lượng ít carbon đang tăng mạnh. Trong năm 2023, năng lượng mặt trời sẽ “vượt mặt” số tiền đầu tư vào hoạt động khai thác dầu. Bên cạnh đó, là sự “phục hồi” của hoạt động đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Báo cáo hàng năm của IEA về đầu tư vào năng lượng cho thấy, các cuộc khủng hoảng năng lượng và khí hậu đã trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ carbon thấp, với tổng số tiền đầu tư năm 2023 dự kiến ​​sẽ là 1,7 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, chỉ có khoảng 1 nghìn tỷ USD sẽ được rót vào dầu, khí đốt và than đá.

Những dòng tiền này, đi vào năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, v.v.), hạt nhân, ô tô điện, máy bơm nhiệt, v.v. sẽ tăng 24%/năm trong giai đoạn 2021-2023.

Đồng thời, lượng đầu tư dành cho hydrocarbon và than tiếp tục tăng 15% mỗi năm.

Giám đốc IEA Fatih Birol cho biết: “Năng lượng sạch đang phát triển nhanh chóng, nhanh hơn nhiều người tưởng tượng. Cứ mỗi USD đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, lại có khoảng 1,7 USD dành cho năng lượng sạch. Vào 5 năm trước, tỷ lệ đó chỉ là 1-1”.

Đặc biệt, theo Báo cáo thì “năng lượng mặt trời là ngôi sao”, ghi rõ: “Dự kiến trong năm 2023, sẽ có hơn 1 tỷ USD/ngày được đầu tư vào năng lượng mặt trời (tức 380 tỷ USD cho cả năm). Đây là lần đầu tiên số tiền này vượt mặt số tiền đầu tư vào khai thác dầu”.

Trong khi đó, đầu tư vào khai thác dầu năm 2023 (thăm dò và khai thác) dự kiến là 370 tỷ USD.

Báo cáo cũng nêu ra một ví dụ khác: Hiện nay, các công nghệ carbon thấp chi phối 90% khoản đầu tư vào hoạt động sản xuất điện trên toàn cầu.

Sự biến động của giá nhiên liệu hóa thạch, do tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine và những biện pháp hỗ trợ do Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ thực hiện, cũng đã củng cố xu hướng này.

Vua Mặt Trời và Vua Than Đá

Tuy nhiên, IEA cũng đưa ra một số cảnh báo, đầu tiên là về sự thống trị cực độ của Trung Quốc và những nền kinh tế tiên tiến khác trong phong trào này.

Mặc dù có một số điểm sáng (năng lượng mặt trời ở Ấn Độ, Brazil, Trung Đông), nhiều khoản đầu tư ở những nơi khác đang gặp khó khăn. Do đó, IEA kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động để cải thiện tình trạng này.

Ông Dave Jones – Trưởng bộ phận Xu hướng quốc tế của tổ chức tư vấn năng lượng Ember trả lời: “Năng lượng mặt trời sẽ “đăng quang” làm một siêu cường năng lượng thực sự, làm phương tiện chính để chúng ta nhanh chóng khử carbon khỏi nền kinh tế.

Chưa hết, ông nói thêm: “Điều trớ trêu ở đây, là một số nơi nhiều nắng nhất trên thế giới lại có mức đầu tư vào năng lượng mặt trời thấp nhất, đó là một vấn đề cần phải được giải quyết”.

Một nhược điểm lớn khác được IEA chỉ ra: Chi phí thăm dò và khai thác dầu khí dự kiến ​​sẽ tăng 7% vào năm 2023 và quay trở lại mức năm 2019, làm thế giới trật khỏi lộ trình hướng tới trung hòa carbon vào giữa thế kỷ.

Vào năm 2021, IEA đã đưa ra một kịch bản về việc đạt trung hòa carbon, gây thu hút rất nhiều chú ý. Kịch bản nhấn mạnh tính cần thiết của việc từ bỏ ngay lập tức bất kỳ dự án khai thác năng lượng hóa thạch mới nào.

Để đạt trung hòa carbon, thế giới không được thải ra nhiều khí nhà kính hơn mức có thể hấp thụ. Phải như vậy, nhiệt độ toàn cầu mới không tăng quá 1,5°C, giúp tránh gây ra những tác động lớn và không thể đảo ngược.

Tuy nhiên, nhu cầu than đá năm 2022 đã đạt mức đỉnh trong lịch sử. Trong năm 2023, đầu tư vào lĩnh vực này dự kiến sẽ tăng cao gấp 6 lần so với mức khuyến nghị mà IEA đề ra cho năm 2030.

Vào năm 2022, các gã khổng lồ dầu khí đã điều hướng gần 5% chi phí sản xuất của họ vào năng lượng carbon thấp (khí sinh học, năng lượng gió, v.v.) và công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon. Theo IEA, tuy con số trên có cao hơn một chút đối với những gã khổng lồ châu Âu, nhìn chung, tỷ lệ này hầu như không tăng so với năm 2021.

Ngọc Duyên/AFP
https://petrotimes.vn/lieu-dau-tu-vao-nang-luong-mat-troi-se-som-vuot-mat-khai-thac-dau-mo-685869.html

Mỹ công bố cơ hội mới cho năng lượng nhiệt hạch

Tạp chí Science for America (SfA) vừa xuất bản một sách trắng với chủ đề: Khám phá những cơ hội mới và thú vị cho năng lượng nhiệt hạch. Báo cáo trình bày 2 lối tiếp cận đầy hứa hẹn, giúp mang lại triển vọng cho sự tiến bộ nhanh chóng, làm giảm chi phí và đơn giản hóa những thách thức kỹ thuật.

Cả hai cách tiếp cận này đều thử nghiệm được trên một hệ thống demo duy nhất, giúp đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm và tiết kiệm chi phí.

Nhiệt hạch là quá trình cung cấp năng lượng cho mặt trời, thông qua sự kết hợp những nguyên tử nhẹ với nhau để tạo thành những nguyên tử nặng hơn, giúp giải phóng năng lượng cực lớn mà không phát thải CO2. Phản ứng nhiệt hạch tỏa ra năng lượng cực lớn, gần như không giới hạn mà lại miễn phí. Trong nhiều thập kỷ, nhiệt hạch được xem là nguồn năng lượng lý tưởng để bổ sung cho những nguồn năng lượng sạch khác như năng lượng mặt trời và gió. Tuy nhiên, những thách thức quan trọng về khoa học và kỹ thuật phải được cải thiện để phản ứng tổng hợp hạt nhân đem lại tính khả thi về mặt thương mại.

“Bộ đánh lửa từ tính” và “Lò nung tối ưu hóa”

Những năm gần đây, giới khoa học đã ghi nhận được những tiến bộ đáng kể, bao gồm sự tăng trưởng đáng chú ý trong hoạt động thương mại và tiến bộ lớn về khoa học. Hai cách tiếp cận được trình bày trong sách trắng: “Bộ đánh lửa từ tính” (Magnetic Igniter) và “Lò nung tối ưu hóa” (Ideal Point Burner).

“Bộ đánh lửa từ tính” sử dụng một dòng điện xung cực nhanh để tạo ra một từ trường dao động kìm hãm và chứa dòng plasma cực nóng. So với những phương pháp tổng hợp bằng laser, phương pháp này mang lại tiềm năng hiệu quả cao hơn, quy mô nhỏ hơn, chi phí thấp hơn và có trình tự đơn giản hơn.

“Lò nung tối ưu hóa” sử dụng thời lượng xung tối ưu để điều tiết năng lượng tối thiểu cần thiết và công suất tối thiểu cần thiết cho một hệ thống nhiệt hạch khả thi. Cách tiếp cận này mang lại tiềm năng cho những hệ thống năng lượng nhiệt hạch nhỏ gọn và rẻ tiền, sản xuất hàng loạt được, giúp nhanh chóng triển khai trên toàn cầu.

Một đặc điểm thú vị khác của hai phương pháp này, là chúng đều sử dụng từ trường. Như vậy, cả hai có thể được thử nghiệm trên cùng một hệ thống demo, giúp đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm và tiết kiệm chi phí.

Ngoài bàn về phản ứng tổng hợp, SfA còn đề cập đến những dự án khác, với nội dung tập trung vào việc thu giữ và sử dụng khí CO2 trong bầu khí quyển, giúp đẩy nhanh hoạt động phát triển thuốc điều trị ung thư, chuẩn bị cho đại dịch trong tương lai, cải thiện mặt giáo dục và công bằng trong mô hình giáo dục STEM.

Ngọc Duyên/AFP
https://petrotimes.vn/my-cong-bo-co-hoi-moi-cho-nang-luong-nhiet-hach-685598.html

Phương pháp mới cho phép tự kiểm tra nồng độ PFAS có trong đời sống hàng ngày

Việc phát hiện sớm nồng độ PFAS trong máu có thể giúp giảm mức độ phơi nhiễm và sàng lọc y tế, từ đó tìm ra các giải pháp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Theo một nghiên cứu mới của Trường Đại học Bang Michigan (MSU), Mỹ, việc những người có nguy cơ phơi nhiễm PFAS cao dễ dàng tự kiểm tra có thể cải thiện khả năng tiếp cận thử nghiệm đối với các “hóa chất vĩnh viễn” này.

Từ đó, dẫn đến việc phát hiện sớm các tình trạng sức khỏe có hại. Nghiên cứu đã thử nghiệm một phương pháp cải tiến để mọi người có thể tự lấy mẫu máu xét nghiệm PFAS.

PFAS là viết tắt của các chất per- và polyfluoroalkyl. Đây là một nhóm gồm hơn 9.000 hóa chất được sử dụng rộng rãi để sản xuất các sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng. PFAS thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu” do tính bền bỉ cực cao trong môi trường cũng như cơ thể con người – nơi chúng có thể tồn tại trong nhiều năm.


Hóa chất vĩnh viễn PFAS có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người

Đối với những người có mức độ phơi nhiễm cao, thông qua nước uống hoặc nguy cơ nghề nghiệp, việc phát hiện sớm nồng độ PFAS trong máu có thể giúp giảm mức độ phơi nhiễm và sàng lọc y tế. Nhờ đó, bảo vệ chống lại tác hại liên quan đến gan, thận và tuyến giáp; hệ miễn dịch; sinh sản và phát triển cũng như nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

Các biện pháp can thiệp đặc biệt quan trọng để bảo vệ trẻ sơ sinh, trẻ em và phụ nữ mang thai. Bởi, PFAS tích lũy trong cơ thể suốt đời, đi qua nhau thai. Sau đó, chúng tích lũy trong bào thai và truyền vào sữa mẹ. Chúng có liên quan đến một loạt ảnh hưởng sức khỏe bao gồm cholesterol cao, một số bệnh ung thư, vô sinh và nhẹ cân.

Courtney Carignan – Giáo sư trợ lý tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp, Tài nguyên thiên nhiên và Thú y thuộc MSU, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Nhiều người thường muốn biết nồng độ PFAS trong máu của họ. Song, họ gặp khó khăn trong việc lấy máu và xét nghiệm.

Kết quả xét nghiệm máu có thể được sử dụng để ghi lại mức độ phơi nhiễm, so sánh với mức độ trong quần thể nói chung, thông báo mức giảm phơi nhiễm và thực hiện hành động bảo vệ sức khỏe”.

Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường. Các nhà khoa học đã kiểm tra mức độ phơi nhiễm PFAS được đo bằng cách tự lấy máu bằng cả phương pháp chích ngón tay mới và phương pháp lấy máu truyền thống trong số 53 người có tiền sử uống nước nhiễm PFAS.

Trước tiên, những người tham gia cung cấp một mẫu máu được lấy truyền thống. Sau đó, họ dùng kim chích chích vào ngón tay – phương pháp thường được sử dụng để xét nghiệm máu cho bệnh nhân tiểu đường.

Từ đó, lấy một lượng máu chính xác vào dụng cụ lấy mẫu mới. Các mẫu máu được phòng thí nghiệm Eurofins phân tích cho 45 loại PFAS cụ thể. Trong các phân tích, tác giả nghiên cứu đã báo cáo tần suất phát hiện tương tự và mối tương quan cao giữa hai phương pháp.

Ông Christopher Higgins thuộc Trường Mỏ Colorado và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết, phương pháp mới có thể đưa ra một bức tranh toàn diện hơn về PFAS trong máu, bao gồm các hợp chất như FOSA.

FOSA là một PFAS được phát hiện trong khoảng một nửa số mẫu máu toàn phần, nhưng không có trong bất kỳ mẫu huyết thanh nào.

Bảo Linh (t/h)
https://vietq.vn/phuong-phap-moi-cho-phep-tu-kiem-tra-nong-do-pfas-co-trong-doi-song-hang-ngay-d210750.html

Quy hoạch điện VIII chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Theo đó, Quy hoạch điện VIII quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.

Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia. 

Trong đó, về mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050; Bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy.

Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; Phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Đối với chuyển đổi năng lượng công bằng, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%; Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050.

Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất; Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo, dự kiến đến 2030, hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi. Bên cạnh đó, phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000 MW.

Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch điện VIII cũng xác định các phương án phát triển nguồn điện, phương án phát triển lưới điện, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, định hướng phát triển điện nông thôn, định hướng phát triển sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, nhu cầu vốn đầu tư. Theo đó, giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD; định hướng giai đoạn 2031-2050 ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 – 523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4-511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỷ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.

Quy hoạch điện VIII được phê duyệt nhất quán quan điểm: Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống Nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch phát triển điện phải có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, bền vững và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Phát triển điện lực theo nguyên tắc tối ưu tổng thể các yếu tố về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, có lộ trình phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chuyển đổi mô hình kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với chi phí thấp nhất.

Quy hoạch phát triển điện phải dựa trên cơ sở khoa học, có tính kế thừa, mang tính động và mở nhưng không hợp thức hóa những sai phạm. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với xuất, nhập khẩu hợp lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Coi phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cơ hội để phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng.

Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng điện và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, miền.

Phát triển điện phải bám sát xu thế phát triển của khoa học – công nghệ trên thế giới, nhất là về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp. Chuyển dịch năng lượng phải phù hợp với xu hướng quốc tế và đảm bảo bền vững, công bằng, công lý.

Theo Quyết định được phê duyệt, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ quy hoạch, bảo đảm thống nhất với nội dung của Quyết định; Tổ chức công bố quy hoạch theo quy định và triển khai thực hiện Quyết định gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của pháp luật, xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; Tổ chức đánh giá thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện xây dựng và trình Chính phủ Luật Điện lực sửa đổi và Luật về năng lượng tái tạo để trình Quốc hội trong năm 2024. Trình Chính phủ ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, rà soát kỹ quy định của pháp luật, các cam kết, thỏa thuận giữa các bên để xử lý dứt điểm các dự án đang gặp khó khăn trong triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

Lê Kim Liên
https://vietq.vn/quy-hoach-dien-viii-chinh-thuc-duoc-thu-tuong-chinh-phu-phe-duyet-d210664.html

Phát triển bê tông siêu vật liệu cho hệ thống cơ sở hạ tầng thông minh

Các kỹ sư tại Đại học Pittsburgh, Mỹ phát triển kỹ thuật sản xuất bê tông thế hệ mới bằng giải pháp thiết kế mô phỏng cấu trúc loại vật liệu quan trọng, sử dụng rộng rãi trong xây dựng.

Các nhà khoa học Mỹ đã thực hiện nghiên cứu mới, mô phỏng ý tưởng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng dân dụng thông minh cùng với sự ra đời của bê tông siêu vật liệu. Nghiên cứu trình bày khái niệm về loại bê tông nhẹ và có thể điều chỉnh cơ học với khả năng cảm biến và thu thập năng lượng tích hợp.

Amir Alavi, PGS kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Pittsburgh, tác giả nghiên cứu cho biết: “Xã hội hiện đại đang sử dụng bê tông trong xây dựng hàng trăm năm, được người La Mã cổ đại sáng tạo ra. Việc sử dụng rộng rãi bê tông trong các dự án cơ sở hạ tầng thúc đẩy nhu cầu phát triển thế hệ vật liệu bê tông mới, tiết kiệm nguyên vật liệu và bền vững với môi trường hơn, đồng thời cung cấp những chức năng tiên tiến. Chúng tôi tin rằng, có thể đạt được tất cả mục tiêu này bằng phương pháp đưa mô hình siêu vật liệu vào quá trình phát triển vật liệu xây dựng”.

Nhóm nghiên cứu của PGS Alavi trước đây đã phát triển siêu vật liệu tự nhận thức và khám phá việc sử dụng vật liệu sáng tạo này trong những ứng dụng như cấy ghép thông minh. Nghiên cứu này giới thiệu khả năng sử dụng siêu vật liệu trong quy trình sản xuất bê tông, trong đó vật liệu có thể được thiết kế đặc biệt cho mục đích sử dụng. Những thuộc tính kỹ thuật như độ giòn gẫy, tính linh hoạt, khả năng tạo hình có thể được tinh chỉnh trong quá trình chế tạo vật liệu, cho phép các nhà sản xuất sử dụng ít vật liệu hơn mà không làm giảm độ bền hoặc tuổi thọ của công trình.


Bê tông siêu vật liệu có thể tạo ra điện năng, hãm chậm máy bay hoặc hoạt động trong các bộ cách ly cơ sở địa chấn. Ảnh: Amir Alavi

GS Alavi cho biết: “Dự án này giới thiệu ý tưởng về loại bê tông siêu vật liệu tổng hợp đầu tiên, có khả năng siêu nén và hấp thu năng lượng. Những hệ thống bê tông nhẹ và có thể điều chỉnh cơ học như vậy mở ra cơ hội sử dụng bê tông trong vô số những ứng dụng khác nhau như vật liệu kỹ thuật hấp thụ xung sốc tại các sân bay, khiến máy bay chạy chậm lại khi hạ cánh hoặc hệ thống cách ly cơ sở để bảo vệ công trình chống lại địa chấn”.

Không chỉ vậy, siêu vật liệu còn có khả năng sản xuất điện. Mặc dù vật liệu thông minh này không thể sản xuất đủ điện để cung cấp năng lượng cho lưới điện, nhưng xung điện tạo ra sẽ đủ để cung cấp năng lượng cho những cảm biến bên đường. Những tín hiệu xung điện do bê tông siêu vật liệu tự tạo ra dưới các kích thích cơ học cũng có thể được sử dụng để theo dõi tổn thất bên trong kết cấu bê tông, theo dõi địa chấn và cảnh báo địa chấn đồng thời giảm tác động của sóng địa chấn lên các tòa nhà.

Hơn thế nữa, những cấu trúc bê tông thông minh tùy chỉnh có thể cung cấp năng lượng cho những con chip, được nhúng bên trong đường giúp ô tô tự lái điều hướng trên đường cao tốc, bổ sung cho hệ thống điều khiển và dự phòng tình huống tín hiệu GPS yếu hoặc thiết bị Lidar không hoạt động.

Siêu vật liệu cho bê tông thế hệ mới là các mạng polymer auxetic gia cố chắc chắn, nhúng trong một ma trận xi măng dẫn điện. Cấu trúc hỗn hợp tạo ra điện khí hóa tiếp xúc giữa các lớp khi bị kích hoạt cơ học.

Xi măng dẫn điện là xi măng thông thường được tăng cường bằng bột than chì, đóng vai trò điện cực trong hệ thống bê tông thông minh. Những nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, vật liệu này có thể nén xuống tới 15% khi chịu tải theo chu kỳ lặp đi lặp lại, tương tự như ô tô chạy trên đường, tạo ra điện năng có công suất 330 μW.

Nhóm nghiên cứu đang hợp tác với Bộ Giao thông vận tải Pennsylvania (PennDOT) thông qua Hiệp hội Khoa học và kỹ thuật cơ sở hạ tầng IRISE Consortium tại Pitt để phát triển loại bê tông siêu vật liệu nhằm sử dụng trên các con đường ở Pennsylvania. Dự án có sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ Đại học Johns Hopkins, Đại học bang New Mexico, Viện Công nghệ Georgia, Viện Năng lượng nano và Hệ thống nano Bắc Kinh, Trường Kỹ thuật Swanson của Pittsburgh.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/phat-trien-be-tong-sieu-vat-lieu-cho-he-thong-co-so-ha-tang-thong-minh-d210529.html

Tiêu chuẩn hóa mở đường cho phát triển công nghệ lượng tử châu Âu

Ba mảng tiêu chuẩn lớn trong lĩnh vực công nghệ lượng tử (CNLT) đã và đang được các tổ chức tiêu chuẩn(SDO) xây dựng gồm: Điện toán lượng tử, Truyền thông lượng tử và Đo lường lượng tử. Năm 2018, Ủy ban châu Âu đã đưa ra sáng kiến ​​nghiên cứu Quantum Flagship quy mô lớn và dài hạn để hỗ trợ, thúc đẩy việc hình thành và phát triển ngành CNLT.

Một trong những biện pháp để đạt được sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng là Thúc đẩy các nỗ lực chứng nhận và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực CNLT. Bài viết dưới đây giới thiệu nội dung liên quan tới các nghiên cứu của các thành viên và cộng sự Nhóm trọng tâm CEN-CENELEC về CNLT (FGQT).

Công nghệ lượng tử

Mặc dù vật lý lượng tử đã tồn tại hơn một thế kỷ nhưng gần đây với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, các hệ thống lượng tử mới được ứng dụng trong thực tế ở cấp độ cơ bản nhất. Giờ đây, nguyên lý hoạt động của các hạt lượng tử đơn lẻ, chẳng hạn như các nguyên tử, electron và photon nhân tạo được kiểm soát và tạo ra các ứng dụng vào thực tế. Điển hình là khả năng tạo và kiểm soát các trạng thái lượng tử riêng biệt, chẳng hạn như trạng thái chồng chất và trạng thái vướng víu.

Cuộc cách mạng lượng tử lần thứ hai tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế tạo các lớp cảm biến, công nghệ truyền thông và máy tính mới với những khả năng chưa từng có. Các chuỗi cung ứng cho CNLT đang nổi lên, trong đó một số chuỗi cung ứng tập trung vào khai thác các tiềm lực có sẵn trên thị trường để xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu CNLT hoặc hỗ trợ công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu CNLT, một số khác dựa vào mức độ sẵn sàng về công nghệ cao tiếp cận thị trường…

CNLT cho phép tạo ra các thiết bị và cơ sở hạ tầng mới, hứa hẹn nhiều ứng dụng mới trong các lĩnh vực có thể góp phần giải quyết một số thách thức kinh tế và xã hội cấp bách nhất hiện nay. Những công nghệ này cung cấp các khả năng vượt trội, hơn hẳn bất kỳ kỹ thuật cổ điển nào.

Các sản phẩm điển hình có thể đạt được các tính năng như là độ nhạy cao hơn, mức tiêu thụ điện năng thấp hơn và hoạt động tham chiếu lượng tử và bảo mật cao hơn, không cần bảo trì, ứng dụng cho các cơ sở công nghiệp yêu cầu độ tin cậy cao… Thêm vào đó, CNLT mở đường cho các phương pháp mới chẳng hạn như khảo sát trái đất trong thời gian biến đổi khí hậu, thăm dò tài nguyên thiên nhiên, truyền tải và xử lý thông tin, đặc biệt đối với mục đích tối quan trọng đó là các phương pháp mới bảo mật thông tin liên lạc chưa từng xuất hiện trước đây.

Các ứng dụng dựa trên nền tảng CNLT đang tiếp cận thị trường và sẽ là yếu tố then chốt cho sự thành công trong nhiều ngành và các lĩnh vực kinh doanh đa dạng. Những công nghệ này rất quan trọng đối với bảo vệ độc lập chủ quyền và an toàn của châu Âu, vì các lĩnh vực xử lý, lưu trữ, truyền tải và bảo mật thông tin nói chung đều bị ảnh hưởng bởi CNLT.

Tiêu chuẩn hoá trong lĩnh vực CNLT

Các tổ chức phát triển tiêu chuẩn (SDO) đã quan tâm xây dựng các tiêu chuẩn trong lĩnh vực CNLT ở cấp độ châu Âu và chuẩn quốc tế, cũng như tham chiếu đến các tiêu chuẩn CNLT đã công bố. Ba mảng tiêu chuẩn lớn trong lĩnh vực CNLT gồm: Điện toán lượng tử, Truyền thông lượng tử và Đo lường lượng tử. Tóm tắt các công việc liên quan được các SDO đã và đang thực hiện như sau (Hình 1).


Các hoạt động tiêu chuẩn hóa về công nghệ lượng tử. Đường liền nét: phát triển tiêu chuẩn. Đường đứt nét: các hoạt động tiêu chuẩn hóa.

Sự phát triển các tiêu chuẩn điện toán lượng tử được bắt đầu bởi ISO/IEC, tập trung vào thuật ngữ điện toán lượng tử. IEEE đang phát triển các tiêu chuẩn cho phép đo hiệu năng điện toán lượng tử và kiến ​​trúc kỹ thuật lượng tử.

Các tiêu chuẩn truyền thông lượng tử đang được phát triển bởi một số SDO, trong đó cả ETSI và ITU-T đều là các SDO hướng đến ngành viễn thông. Cả hai đều tập trung vào Phân phối khóa lượng tử (QKD), đây có thể là ứng dụng tiêu chuẩn đầu tiên của truyền thông lượng tử nói chung. Các tiêu chuẩn bảo mật cho QKD đang được phát triển bởi ETSI, ITU-T cũng như ISO/IEC. IEEE và IRTF đang xây dựng tiêu chuẩn về quản lý và kiểm soát nhiều loại mạng truyền thông lượng tử hơn, bao gồm các mạng lượng tử dựa trên sự vướng víu và internet lượng tử.

Tiêu chuẩn hóa đo lường lượng tử vẫn đang trong giai đoạn sơ khai. EURAMET (Hiệp Hội các Viện Đo lường quốc gia Châu Âu) mới khởi động từ năm 2020 xúc tiến các hoạt động điều phối cho việc xây dựng các tiêu chuấn đo lường CNLT.

Các tổ chức khác như QuIC, Hiệp hội Công nghiệp lượng tử châu Âu đang hỗ trợ tiêu chuẩn hóa CNLT châu Âu với các khảo sát ngành trong phạm vi khu vực châu Âu; trong khi đó tổ chức StandICT.eu thực hiện cung cấp tài chính cho các nhà tiêu chuẩn hóa CNTT châu Âu riêng lẻ.

Tổ chức DIN, Cơ quan Tiêu chuẩn hóa Quốc gia Đức (NSB) đã đề xuất thành lập Ủy ban Kỹ thuật Chung CEN-CENELEC châu Âu về Công nghệ Lượng tử, JTC22-QT, dựa trên kết quả trung gian từ FGQT. Ủy ban kỹ thuật mới này sẽ phát triển và điều phối các hoạt động tiêu chuẩn hóa châu Âu về các lĩnh vực điện toán lượng tử, truyền thông lượng tử và đo lường lượng tử, cảm biến và hình ảnh. JTC22-QT đã được khởi động tại Berlin vào tháng 3/2023.

Tiêu chuẩn hóa mở đường cho phát triển công nghệ lượng tử

Hiện nay, tiêu chuẩn hóa là vô cùng quan trọng để tạo điều kiện cho sự phát triển của các công nghệ mới và sự phát triển hiệu quả của chuỗi cung ứng. Sự hài hòa của các công nghệ, phương pháp và giao diện cho phép sản phẩm có thể tương tác, đổi mới và cạnh tranh, tất cả đều dẫn đến tăng trưởng thị trường. Khi các CNLT phát triển sẽ phát sinh các nhu cầu về tiêu chuẩn hóa.

Trong quá khứ, tiêu chuẩn hóa thường bị đánh giá là mâu thuẫn với đổi mới. Ngày nay, tiêu chuẩn hóa trở thành một trong những công cụ đầy đủ và mạnh mẽ nhất để nhanh chóng vốn hóa tri thức và phổ biến kiến ​​thức cũng như triển khai kiến ​​thức này trong ngành và do đó chuyển kết quả nghiên cứu nhanh chóng ra thị trường. Quá trình tiêu chuẩn hóa cũng là quá trình chia sẻ tri thức và bồi tụ tri thức vì nó phục vụ như một nền tảng chung cho các lĩnh vực khác như cơ sở nghiên cứu khoa học, ngành công nghiệp, các học viện, nhà trường và rộng lớn hơn là toàn xã hội.

Theo các tổ chức phát triển tiêu chuẩn châu Âu CEN-CENELEC và ETSI, tiêu chuẩn là tài liệu được thiết lập theo sự đồng thuận và được phê duyệt bởi một cơ quan có thẩm quyền được công nhận. Tài liệu tiêu chuẩn cung cấp quy tắc, hướng dẫn vận hành, đặc điểm của quá trình hoặc kết quả của chúng, nhằm mục đích sử dụng chung, lặp đi lặp lại và đạt được mức độ trật tự tối ưu trong một bối cảnh nhất định. Các tiêu chuẩn phải dựa trên kết quả tổng hợp của khoa học – công nghệ và kinh nghiệm, nhằm mục đích thúc đẩy lợi ích tối ưu trong cộng đồng.

Các tiêu chuẩn mang lại nhiều lợi ích. Chúng cho phép giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng, an toàn và bí quyết công nghệ của sản phẩm, dịch vụ và tổng hợp giữa chúng, đồng thời hỗ trợ việc tuân thủ luật pháp và các chính sách có liên quan. Các tiêu chuẩn đáp ứng mong đợi và yêu cầu của khách hàng, cho phép tiếp cận thị trường và khách hàng ở các quốc gia khác nhau. Các tiêu chuẩn đạt được khả năng tương thích và khả năng tương tác giữa các sản phẩm và thành phần, đồng thời nâng cao kiến ​​thức về các công nghệ và cải tiến mới.

Nhìn chung, các tiêu chuẩn được phát triển bởi các nhóm chuyên gia từ ngành công nghiệp và nghiên cứu. Tuy nhiên, các bên quan tâm khác nhau, chẳng hạn như từ các nhà hoạch định chính sách và quản lý hành chính, bảo vệ môi trường, người tiêu dùng… cũng tham gia vào việc phát triển các tiêu chuẩn liên quan. Sự phát triển có thể diễn ra ở các cấp độ khác nhau: Nếu các chuyên gia tập hợp ở cấp quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia được phát triển theo quy trình dựa trên sự đồng thuận trong các Cơ quan Tiêu chuẩn hóa Quốc gia (NSB).

Tuy nhiên, các NSB cũng có thể ủy quyền cho các tổ chức có trách nhiệm ở cấp châu Âu (CEN, CENELEC) hoặc cấp quốc tế (ISO, IEC), nơi họ phát triển nội dung kỹ thuật với tư cách là đại diện cho các quốc gia tương ứng với sự đồng thuận với các chuyên gia được ủy quyền khác. Điều này có thể kết hợp đảm bảo quyền lợi của quốc gia khác nhau trong việc xây dựng tiêu chuẩn, đảm bảo kết quả tốt nhất có thể cho các bên liên quan. Các tổ chức phát triển tiêu chuẩn khác, như ETSI và ITU-T, thành lập các nhóm và các tổ chức thành viên bao gồm các đại biểu của các công ty thương mại và tổ chức nghiên cứu.

Các chuyên gia đánh giá rằng, tiêu chuẩn hóa và lập bản đồ các cơ hội tiêu chuẩn hóa ở giai đoạn sớm của chuỗi giá trị công nghệ sẽ mang lại lợi ích rất lớn. Các tổ chức có thể có nhiều lý do để đóng góp cho việc tiêu chuẩn hóa. Tiêu chuẩn hóa là một phương thức tốt để kết nối các tổ chức với nhiều loại hình tổ chức khác nhau nhưng có cùng lĩnh vực hoạt động. Các tổ chức học thuật và nghiên cứu có thể sử dụng tiêu chuẩn hóa để giới thiệu công nghệ và năng lực của họ.

Các tổ chức mua công nghệ có thể sử dụng tiêu chuẩn hóa để phối hợp các đối tượng sử dụng và yêu cầu, đảm bảo rằng các sản phẩm sắp ra mắt đáp ứng nhu cầu thị trường của họ và ít cần đến các giải pháp độc quyền đắt tiền cũng như rủi ro trói buộc nhà cung cấp liên quan của họ. Các nhà cung cấp dịch vụ có thể sử dụng tiêu chuẩn hóa để phối hợp với các nhà cung cấp của họ, sử dụng môi trường SDO được quản lý để đảm bảo cạnh tranh công bằng.

Các nhà cung cấp công nghệ có thể điều tiết phân phối sản phẩm ra thị trường để giảm sự phân mảnh thị trường và đạt được khối lượng tới hạn cho các loại sản phẩm mới. Cơ quan quản lý có thể góp phần tiêu chuẩn hóa, để đảm bảo rằng các yêu cầu quy định trong pháp luật và chính sách công có thể được đáp ứng về mặt công nghệ. Ngoài ra, còn có các tổ chức khác như là tư vấn và cấp bằng sáng chế…

Thành lập tổ chức FGQT

Để phối hợp và hỗ trợ xây dựng các tiêu chuẩn CNLT liên quan, vào tháng 6/2020, Tổ chức phát triển tiêu chuẩn châu Âu CEN-CENELEC đã thành lập Nhóm Trọng tâm CNLT – FGQT. Mặc dù, không phải là tổ chức đầu tiên giải quyết vấn đề tiêu chuẩn hóa CNLT nhưng FGQT được công nhận là tổ SDO đầu tiên nhằm phát triển lộ trình tiêu chuẩn hóa cho toàn bộ phổ CNLT.

FGQT đang xây dựng Lộ trình tiêu chuẩn hóa CNLT để giải quyết một cách có hệ thống các nỗ lực tiêu chuẩn hóa đang diễn ra và trong tương lai. Hoạt động này phát triển cùng với việc xác định các trường hợp sử dụng có liên quan, các giao dịch và chuỗi cung ứng tiềm năng liên quan đến CNLT và đặc biệt bao gồm phân tích các khía cạnh của CNLT sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​​​việc tiêu chuẩn hóa.

FGQT hiện có hơn 100 thành viên từ các ngành công nghiệp, nghiên cứu và quản lý và hoạt động ở cấp độ châu Âu. Tuy nhiên, FGQT cũng thực hiện nhiệm vụ tương tác với các tổ chức phát triển tiêu chuẩn khác và các liên minh CNLT trên toàn thế giới, bao gồm ETSI, ITU-T, ISO/IEC, IEEE, IRTF, QuIC… Một mục tiêu khác của FGQT là xác định về điều khoản tham chiếu sẽ kích hoạt sự phát triển tiêu chuẩn thực tế trong các ủy ban kỹ thuật.

Đôi nét về FGQT

FGQT khởi động vào giữa năm 2020, khi đó, theo con số thống kê các thành viên đại diện tham gia thì có 51% thành viên làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, 30% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, 11% làm việc trong lĩnh vực tiêu chuẩn và 8% làm việc trong lĩnh vực khác (Hình 1).

Thống kê các lĩnh vực của các thành viên tham gia FGQT.

Hầu hết quốc gia châu Âu đều có thành viên đại diện tại FGQT (Hình 3), trong đó Ý (21), Đức(20), Tây Ban Nha(8), Anh(7), Thụy Sĩ (7), Hà Lan(6), Đan Mạch(4), Áo(3), Bỉ(3), Ba Lan(2)và các nước Croatia, Hy Lạp, Luxembourg, Malta, Nauy, Pháp, Slovakia,Thuỵ Điển đều có một thành viên đại diện.


Thành phần đại diện tại FGQT của các quốc gia châu Âu (giữa năm 2020).

Những trở ngại

Việc phát triển lộ trình tiêu chuẩn hóa là một quá trình hết sức phức tạp. Có nhiều yếu tố đầu vào cần xem xét, bao gồm cả việc phát triển các tiêu chuẩn ở các mảng, các lộ trình của Flagship Lượng tử châu Âu và lợi ích của rất nhiều bên liên quan. Tất cả công việc đang được thực hiện bởi các tình nguyện viên theo nghĩa là CEN-CENELEC không trả bất kỳ khoản đóng góp nào cho các thành viên đại diện.

Điều này có nghĩa là công việc sẽ được coi là một khoản đầu tư của các tổ chức cung cấp các thành viên đại diện. Trong một số trường hợp, khoản đầu tư riêng được tăng cường bởi các khoản tài trợ của châu Âu hoặc quốc gia thành viên. Mục đích của lộ trình là điều phối và cân đối lợi ích giữa các thành viên đại biểu để đi đến điểm thống nhất mà các bước tiếp theo có thể được thực hiện, chẳng hạn như bắt đầu phát triển các tiêu chuẩn thực tế.

Tuy nhiên, người ta cũng quan sát thấy rằng, các cộng đồng nghiên cứu đôi khi miễn cưỡng tham gia vào các hoạt động tiêu chuẩn hóa ở giai đoạn đầu của thang đo Mức độ sẵn sàng về công nghệ (TRL). Thật vậy, trong việc kết nối nghiên cứu và đổi mới với thị trường, tiêu chuẩn hóa đóng một vai trò cơ bản trong việc đánh giá cao các kết quả nghiên cứu và chuyển giao kiến ​​thức, đặc biệt là đối với các lĩnh vực nghiên cứu tăng trưởng.

Mặc dù vậy, đối với nhiều nhà khoa học, vẫn chưa rõ làm thế nào tiêu chuẩn hóa có thể mang lại lợi ích cho khoa học ở giai đoạn đầu của TRL. FGQT đã phân tích nhu cầu tiêu chuẩn cho CNLT từ giữa năm 2020 và dự kiến ​​sẽ phát hành phiên bản đầu tiên của lộ trình tiêu chuẩn hóa vào đầu năm 2023.

Kỳ vọng phát triển CNLT của châu Âu

Năm 2018, Ủy ban châu Âu đã khởi động sáng kiến ​​nghiên cứu Quantum Flagship với quy mô lên đến một tỷ Euro và tiến hành trong 10 năm nhằm khởi động một ngành công nghiệp châu Âu cạnh tranh trong CNLT và biến châu Âu thành một khu vực năng động và hấp dẫn cho nghiên cứu sáng tạo, kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực này. Chương trình Nghiên cứu Chiến lược của EU nhấn mạnh rằng, để đạt được các mục tiêu của Quantum Flagship cần phải đẩy nhanh quá trình phát triển và tiếp nhận thị trường, điều này sẽ được tăng cường hơn thông qua các nỗ lực tiêu chuẩn hóa và chứng nhận chuyên ngành, liên ngành.

Các chuyên gia đánh giá rằng, CEN/CENELEC FGQT có thể là tổ chức SDO đầu tiên nhằm phát triển lộ trình tiêu chuẩn hóa cho toàn bộ phổ CNLT, nhưng đây chắc chắn không phải là tổ chức đầu tiên giải quyết vấn đề tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực CNLT. Những lĩnh vực mà các bên liên quan tham gia trong tổ chức FGQT cho thấy rằng, các hoạt động tiêu chuẩn hóa sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.

Các tiêu chuẩn truyền thống thường được tạo ra bởi ngành công nghiệp, trong bối cảnh hiện nay, khoa học lượng tử cũng được hưởng lợi và là người hưởng lợi quan trọng của các hoạt động tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực này. Sử dụng tiêu chuẩn hóa như một phương tiện để định giá và chuyển giao kiến ​​thức, các nhà nghiên cứu sớm nhận thấy kết quả nghiên cứu khoa học của họ có khả năng tương tác và tích hợp hệ thống sẽ là động lực để quan trọng thúc đảy ứng dụng khoa học trong lĩnh vực CNLT.

Trong lĩnh vực CNLT sẽ rất cần các hướng dẫn kỹ thuật, báo cáo kỹ thuật và thông số kỹ thuật từ các SDO chính thức phát triển. Hướng tới mục đích này, CEN-CENELEC FGQT đã phát triển lộ trình tiêu chuẩn hóa liên quan đến CNLT và phối hợp với các SDO khác và các diễn đàn trong ngành để thực hiện lộ trình tiêu chuẩn hóa CNLT. Lộ trình này sẽ thực hiện những kỳ vọng của Ủy ban châu Âu được nêu ra trong sáng kiến ​​nghiên cứu Quantum Flagship quy mô lớn và dài hạn để hỗ trợ, thúc đẩy việc hình thành và phát triển ngành CNLT châu Âu cạnh tranh, đồng thời củng cố và mở rộng vai trò lãnh đạo và sự xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng CNLT của châu Âu.

Tài liệu tham khảo

https://epjquantumtechnology.springeropen.com/articles/

https://www.hse.gov.uk/comah/sragtech/docspubstand.htm

https://www.cencenelec.eu/areas-of-work/cen-cenelec-topics/quantum-technologies/

https://CNLT .eu/about-quantum-flagship/introduction-to-the-quantum-flagship

https://www.euramet.org/quantum-technologies

https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/news/new-strategic-research-agenda-quantum-technologies

Nguyễn Văn Ngoan – Trần Quý Giầu
https://vietq.vn/tieu-chuan-hoa-mo-duong-cho-phat-trien-cong-nghe-luong-tu-chau-au-d210503.html