Băng trên các đỉnh núi ở Colombia sắp biến mất vì Trái Đất nóng lên

Các nhà khoa học Colombia ngày 26/5 đã lên tiếng cảnh báo hiện tượng Trái Đất nóng lên sẽ khiến những đỉnh núi cao nhất tại quốc gia Nam Mỹ này mất toàn bộ lớp băng phủ trong vài thập kỷ tới.

Dãy núi Sierra Nevada de Santa Marta đã mất tới 90% diện tích băng phủ của mình. (Ảnh: eltiempo.com)

Dãy núi Sierra Nevada de Santa Marta đã mất tới 90% diện tích băng phủ của mình. (Ảnh: eltiempo.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, dãy núi Sierra Nevada de Santa Marta hay “Tuyết Sơn Nữ thánh Marta” đã mất tới 90% diện tích băng phủ của mình. Nếu chiều hướng trên tiếp tục thì tới năm 2030, khu dự trữ sinh quyển thế giới này sẽ mất hoàn toàn lớp băng tuyết phủ đỉnh núi.

Nằm bên bờ biển Caribe với độ cao 5.000 m, Sierra Nevada de Santa Marta là rặng núi ven biển cao nhất thế giới, từng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên của nhân loại và vùng tuyết phủ của dãy núi này luôn được coi là một vẻ đẹp khác lạ tại Colombia.

Ngoài rặng núi trên, các chuyên gia thuộc Viện Khí tượng thủy văn quốc gia Colombia cũng lo ngại về hiện tượng tiêu cực tương tự tại núi Nevado de Ruiz.

Hiện tại, vòng băng phủ đỉnh của ngọn núi lửa này đã mất 80% diện tích, từ 47km2xuống còn 9,7km2 và có thể sẽ biến mất hoàn toàn chỉ trong vòng 15 năm tới.

Theo thống kê chính thức, hồi năm 1850, Colombia sở hữu 374km2 diện tích băng phủ tại các đỉnh núi cao, tuy nhiên chỉ số này hiện tại chỉ còn ở mức 45km2 và vẫn đang tiếp tục giảm.

Ngoài Santa Marta và Nevado de Ruiz, 4 dãy núi khác tại Colombia đang đối diện nguy cơ tan băng đỉnh núi là Cocuy, Santa Isabel, Tolima và Huila.

Theo TTXVN

Loại bỏ 54 công trình thủy điện vừa và nhỏ

Các công trình này tại Lào Cai, đều có công suất nhỏ, vị trí nằm ở vùng núi cao, trong vùng lõi của vườn Quốc gia Hoàng Liên, rừng già…

(Ảnh minh họa: tinmoitruong.vn)

(Ảnh minh họa: tinmoitruong.vn)

54 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy 120,34 MW đã được tỉnh Lào Cai loại bỏ trong quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ đến năm 2020.

Các công trình này đều có công suất nhỏ, vị trí nằm ở vùng núi cao, trong vùng lõi của vườn Quốc gia Hoàng Liên, rừng già, ảnh hưởng đến nguồn nước, xa điểm đấu nối, xa đường giao thông, suất đầu tư cao, hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi loại bỏ các công trình trên, hiện toàn tỉnh còn 70 công trình thủy điện.

Ông Đỗ Trường Giang, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai cho biết: “Ngay từ đầu năm nay, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ tất cả các chủ đầu tư các công trình thủy điện để nắm bắt tình hình. Chúng tôi cũng căn cứ những kiến nghị của các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho quá trình vận hành. Yêu cầu họ thực hiện nghiêm bảo vệ môi trường, khôi phục, hoàn nguyên môi trường trong quá trình xây dựng nhà máy”.

Theo Thanh Thủy/VOV.VN

Gian nan hướng đích “khu công nghiệp sạch”

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, huyện Mê Linh được quy hoạch là đô thị xanh, đô thị hoa kết hợp với dịch vụ thân thiện. Các khu, cụm công nghiệp được tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo hoàn chỉnh theo hướng công nghiệp sạch…

Để làm được điều này, trước hết huyện cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc từ các khu công nghiệp, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường về khí thải, nước thải.

Sản xuất yên xe máy tại Công ty TNHH Phong Nam (KCN Quang Minh). (Ảnh: Nhân Dân)

Sản xuất yên xe máy tại Công ty TNHH Phong Nam (KCN Quang Minh). (Ảnh: Nhân Dân)

Gỡ vướng từ các khu công nghiệp

Huyện Mê Linh hiện có ba khu công nghiệp (KCN) gồm: KCN Quang Minh I, II và KCN Kim Hoa. Trong đó, hai KCN Quang Minh I và II đã đi vào hoạt động và thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư. KCN Quang Minh I có diện tích 408 ha, đến nay tỷ lệ lấp đầy đã đạt 80%, thu hút 154 dự án, trong đó có 47 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư 5.060 tỷ đồng và gần 300 triệu USD. KCN Quang Minh II với diện tích 266 ha cũng đã thu hút 48 dự án với tổng vốn đầu tư 2.215 tỷ đồng và gần 35 triệu USD. Riêng KCN Kim Hoa có diện tích 16 ha dù đã được phê duyệt, nhưng đến nay chưa tiến hành giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, việc khai thác, quản lý các KCN trên địa bàn đang gặp không ít khó khăn. Ở KCN Quang Minh I, trong tổng số 154 dự án, thì có 105 dự án đang đền bù và bốn dự án đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư, hiện còn bảy dự án chưa triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB). Một số tuyến đường, hạ tầng cây xanh trong KCN chưa hoàn thành, nguyên nhân là do người dân chưa đồng tình với mức giá đền bù GPMB (mức giá này được tính theo giá của tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ hơn 48 nghìn đồng/m2, thấp hơn nhiều so với giá đền bù của TP Hà Nội). Trong 47 dự án phát triển đô thị và nhà ở với tổng diện tích 1.650 ha, công tác GPMB cũng không khả quan hơn khi có hơn 30 dự án vẫn đang trong giai đoạn triển khai hoặc bồi thường GPMB. Tiến độ GPMB trên địa bàn huyện chậm còn có nguyên nhân do việc “trả nợ” đất dịch vụ cho các hộ dân đã bị thu hồi đất phục vụ các dự án hiện gặp nhiều khó khăn, còn thiếu khoảng 20 ha, chủ yếu tập trung ở địa bàn sáu xã và thị trấn. Một số doanh nghiệp thuê đất trong KCN Quang Minh không nộp tiền thuê đất. Tính đến 30-4-2015, đã có 31 doanh nghiệp nợ 780 triệu đồng tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Điều khiến nhà đầu tư và người dân lo lắng hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là về khí thải, nước thải tại các KCN đang có nguy cơ gia tăng. Tại KCN Quang Minh I, dù đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải, chất thải, nhưng do chưa hoàn thiện hệ thống xử lý, cho nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, nước sinh hoạt của khu dân cư lân cận. Hơn nữa, việc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Nam Đức ( đơn vị quản lý KCN Quang Minh I) không giữ lời hứa bảo đảm hạ tầng cơ sở, mà buộc các chủ đầu tư phải trả phí dịch vụ cao khi sử dụng hệ thống xử lý nước thải, chất thải khiến nhiều doanh nghiệp xả nước thải trực tiếp đã làm môi trường thêm ô nhiễm.

Đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường

Nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, huyện Mê Linh xác định trước hết cần giải quyết sớm những vướng mắc ngay từ các KCN. Trong điều kiện cả huyện như một đại công trường, ngổn ngang các công trình xây dựng hiện nay, huyện kiến nghị thành phố hỗ trợ giúp huyện hoàn chỉnh hạ tầng KCN Quang Minh I, xây dựng đường gom KCN với đường Võ Văn Kiệt trước Trung tâm Thương mại Mê Linh Plaza. Đồng thời, có phương án đầu tư, đấu nối đường KCN Quang Minh I với KCN Quang Minh II đoạn cuối Tiền Phong – Quang Minh; xây dựng nhà ở cho công nhân theo hướng đồng bộ. Hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp sạch và để bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, huyện sẽ xây dựng hồ chứa nước thải trước khi đưa ra môi trường, hồ điều hòa để dự trữ nước cho KCN, phòng cháy chữa cháy…

Mới đây, tại buổi làm việc với huyện về đầu tư các dự án đô thị mới và phát triển công nghiệp – thương mại trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu huyện đẩy mạnh việc hoàn chỉnh quy hoạch phân khu, cụm công nghiệp, quy hoạch về sử dụng đất, tập trung tháo gỡ khó khăn về GPMB, sớm hoàn thiện các KCN theo đúng quy hoạch, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, sạch. Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm vệ sinh môi trường, Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu UBND huyện và Ban Quản lý các KCN – khu chế xuất Hà Nội đôn đốc để các doanh nghiệp sản xuất tại KCN đấu nối ngay với hệ thống xử lý nước thải, chấm dứt tình trạng xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường.

Đã gần sáu năm huyện Mê Linh sáp nhập về Thủ đô. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, với sự cố gắng cao độ của chính quyền và người dân, kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện tăng trưởng khá. Nằm ở cửa ngõ Tây Bắc Thủ đô, Mê Linh có rất nhiều thuận lợi để tiếp nhận các cơ hội đầu tư, phát triển. Huyện cần nhanh chóng đầu tư, hoàn thành cơ sở hạ tầng gắn với cải thiện môi trường để thu hút nhiều hơn nữa các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Nhân Dân

Nâng cao hiệu quả khu công nghiệp, khu kinh tế: Những khó khăn và thách thức mới

Phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) ở Việt Nam trong 24 năm qua đã cho chúng ta nhiều bài học về sự thành công, thu được nhiều thành tựu nhưng cũng còn không ít bất cập và khó khăn. Thực tế phát triển các khu này đang đặt ra nhiều thách thức mới…

Báo động về ô nhiễm môi trường

Khu công nghiệp Tằng Loỏng thuộc huyện Bảo Thắng đã được tỉnh Lào Cai coi là “biểu tượng” của sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa địa phương. KCN này đã giải quyết được khá nhiều lao động và có đóng góp không nhỏ vào ngân sách của tỉnh. Thế nhưng, do quy hoạch chắp vá theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”, nên kể từ khi hình thành cho đến nay, Tằng Loỏng vẫn đang là điểm “nóng” về gây ô nhiễm môi trường. Các nhà máy trong KCN này trước khi xây dựng đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đều được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng chất lượng lập và thẩm định các báo cáo chưa phù hợp với thực tế. Đặc biệt, công nghệ sản xuất hóa chất, luyện kim tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng hầu hết đều dùng công nghệ tương đối lạc hậu, nên ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi.

Khu công nghiệp có nhà ở xã hội cho công nhân thuê như Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) còn quá ít. (Ảnh: Tuấn Anh)

Khu công nghiệp có nhà ở xã hội cho công nhân thuê như Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) còn quá ít. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tình trạng KCN, KKT gây ô nhiễm môi trường như Tằng Loỏng không phải là cá biệt. Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ô nhiễm môi trường ở các KCN, KKT ở nước ta hiện nay, chủ yếu là do sự ô nhiễm từ môi trường nước, không khí, từ chất thải rắn là chủ yếu. Trong đó, ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ KCN trong những năm gần đây là rất lớn, tốc độ gia tăng này cao hơn rất nhiều so với tổng nước thải từ các lĩnh vực khác. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ các KCN có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%, nhiều KCN đã đi vào hoạt động mà hoàn toàn chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp. Trong khi đó, theo ước tính có khoảng 70% trong tổng số hơn một triệu mét khối nước thải ngày, đêm phát sinh từ các KCN được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý.

Đất trong KCN, KKT để hoang hóa còn lớn

Nếu ai có dịp đi qua Quốc lộ 5 (Hà Nội-Hải Phòng) sẽ thấy bên đường có khá nhiều KCN, nhưng diện tích đất để cỏ hoang mọc trong các KCN này khá lớn.

Trong báo cáo của  Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo về phát triển KCN, KKT lần thứ 5 diễn ra mới đây do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, một danh sách với hàng loạt KCN kém hiệu quả, trong diện “báo động” đã được nhắc tới. Đặc biệt, có một số KCN hiện vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang KCN.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau thời gian phát triển nóng, hiện nay tỷ lệ lấp đầy các KCN bình quân của cả nước chỉ vào khoảng 65%. Những vùng có hạ tầng tốt như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng thì thu hút đầu tư rất tốt, nhưng những vùng mà cơ sở hạ tầng còn yếu kém thì việc thu hút các dự án vào các KCN gặp không ít khó khăn. Trước năm 2009, các KCN ở các địa bàn được coi là khó khăn đều được hưởng các ưu đãi tương đương các địa bàn khó khăn; thuế suất sẽ giảm hơn thuế suất trung bình cho doanh nghiệp. Nhưng sau năm 2009, khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành thì không còn ưu đãi này nữa. Điều này làm giảm tính hấp dẫn thu hút đầu tư vào KCN. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng e ngại về chi phí tiền thuê đất, đầu tư xây dựng hạ tầng và chi phí các dịch vụ liên quan.

Thiếu nhà ở cho công nhân  

Số liệu thống kê cho thấy, trong hơn 2,4 triệu lao động làm việc tại các KCN, KKT thì có đến hơn 70% là lao động ngoại tỉnh đến từ các vùng nông thôn dẫn đến sức ép về nhà ở, quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân trong các KCN, KKT rất cao.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện mới chỉ có khoảng 20% công nhân lao động trong các KCN, KKT có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Đa số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các KCN, KKT trên cả nước đều phải thuê nhà trọ của tư nhân. Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường không bảo đảm.

Hiện TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai chỉ mới giải quyết được khoảng 10% số công nhân có nhu cầu về nhà ở. Nhà trọ xung quanh các KCN của Đồng Nai, Bình Dương có những phòng chỉ rộng 12m2. Điều kiện vệ sinh ở các khu nhà trọ thiếu thốn, đơn điệu, cũ và xuống cấp. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng của hai thành phố lớn nhất nước cũng đã có nhiều cố gắng để xây dựng nhà ở xã hội bán hoặc cho công nhân thuê, nhưng số lượng vẫn còn quá ít so với nhu cầu của công nhân trong các KCN, KKT.

Theo quy hoạch phát triển các KCN, KKT ở Việt Nam, đến năm 2020 tổng số công nhân, lao động tại các KCN, KKT đạt khoảng 7,2 triệu. Số công nhân, lao động tại các KCN, KKT cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu mét vuông nhà ở. Để đạt được mục tiêu này quả là thách thức rất lớn cho các địa phương có KCN, KKT.

Để góp phần giải quyết nhà ở cho công nhân tại các KCN, KKT, tiến sĩ Nguyễn Chơn Trung, nguyên Trưởng ban quản lý Khu công nghiệp-khu chế xuất TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho rằng, quy hoạch KKT, KCN phải đồng bộ và gắn với việc xây dựng khu đô thị mới.

Theo Báo Điện tử Quân đội Nhân dân

Giải pháp tiết kiệm điện cho doanh nghiệp

Giá điện tăng hồi giữa tháng 3 trong bối cảnh các doanh nghiệp chưa hết khó khăn. Do đó, bản thân các doanh nghiệp đã tự nâng cao ý thức tiết kiệm điện để cân bằng chi phí đầu vào, hạn chế việc tăng giá hàng hóa.

Đầu vào tăng, đầu ra khó tăng

Mặc dù giá điện tăng 7,5% từ ngày 16/3 nhưng phải đến nửa cuối tháng 4, khi nhận các hóa đơn tiền điện trong tay thì các doanh nghiệp (DN) mới thấy rõ tác động trực tiếp của việc tăng giá điện lên chi phí hoạt động.

Lắp đặt, cải tạo thiết bị nhằm tiết kiệm điện tại Nhà máy nước Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Lắp đặt, cải tạo thiết bị nhằm tiết kiệm điện tại Nhà máy nước Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN

Công ty CP May Sơn Việt (TP Hồ Chí Minh) có hàng trăm máy may công nghiệp và các máy hơi vận hành dây chuyền sản xuất tiêu tốn nhiều điện năng. Trung bình mỗi tháng, DN này chi 40 – 50 triệu đồng tiền điện. Trong tháng 4 vừa qua, giá điện tăng 7,5% nên DN phải chi thêm 3 – 3,7 triệu đồng. Ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, mặc dù nguyên tắc đầu vào tăng giá thì giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể “mạnh dạn” tăng giá trong thời điểm hiện nay.

Ngành xi măng cũng đang trong tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng cho biết, giá điện tăng khiến các lĩnh vực phụ trợ liên quan đến xi măng cũng tăng theo. Theo tính toán, ngành xi măng phải điều chỉnh giá bán tăng 17.000 – 20.000 đồng/tấn thì mới hòa vốn. “Nhưng tăng giá vô cùng khó bởi phải tính đến người tiêu dùng cũng như giá quốc tế. Hơn nữa, các DN còn phải ‘nhìn nhau’ bởi nếu chỉ DN mình tăng giá thì sẽ không bán được”, ông Cung cho biết.

Không chỉ các DN sản xuất mà các DN khối dịch vụ cũng đang lo lắng không kém khi chi phí đầu vào bị đội lên. Đại diện chuỗi siêu thị điện máy Media Mart (Hà Nội) cho biết, mỗi tháng, chi phí sử dụng điện của cả hệ thống là khoảng 500 triệu đồng. Khi giá điện tăng 7,5%, công ty phải trả thêm hơn 37 triệu đồng cho hệ thống chiếu sáng, demo hình ảnh tivi, âm thanh, chạy thử sản phẩm… Tại hệ thống siêu thị máy tính Trần Anh, điện năng tiêu tốn khoảng 5% tổng chi phí đầu tư hằng tháng.

Hiện các siêu thị này đều cam kết không tăng giá sản phẩm, thay vào đó là kế hoạch tiết kiệm điện. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ước tính mỗi tháng, các siêu thị lớn phải tốn vài trăm triệu đồng, siêu thị nhỏ cũng phải chi vài chục triệu đồng tiền điện. Bởi vậy, tiết kiệm điện là giải pháp bắt buộc cho tình thế hiện nay.

Đối với các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, các DN đã bố trí lại không gian nhà xưởng, triển khai mở thêm các lỗ thông gió để hạn chế dùng quạt; thay đổi một số tấm lợp nhà nhựa trắng để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; nhắc nhở các công nhân chỉ sử dụng các thiết bị máy móc khi thật cần thiết. Còn với các nhà máy công nghiệp nặng (trong ngành thép, xi măng…) tiêu tốn nhiều điện năng, khi mà việc thay thế các dây chuyền công nghệ chưa thể thực hiện bởi rào cản tài chính thì các DN đã rà soát, duy tu bảo dưỡng hệ thống dây chuyền, thiết bị sản xuất để giảm tổn thất điện năng; đẩy mạnh sản xuất vào ca đêm để hưởng giá điện thấp điểm.

Kiểm toán năng lượng

Theo khảo sát mới đây của Sở Công Thương Hà Nội thực hiện tại 92 DN trọng điểm, khoảng 60% DN đã thực hiện việc kiểm toán năng lượng và đã có cán bộ chuyên trách quản lý năng lượng. Điều này cho thấy các DN đã tự có ý thức tiết kiệm điện để hạn chế những tác động của việc tăng giá điện gây ra đối với hoạt động sản xuất.

Năm nay là năm cuối cùng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2013 – 2015, Hà Nội đặt mục tiêu tiết kiệm 6 – 9% tổng mức điện năng tiêu thụ. TS Đào Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội cho biết, từ năm 2014, Hà Nội đã tập trung hỗ trợ cho các DN sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng, thực hiện kiểm toán năng lượng cho 15 cơ sở sản xuất công nghiệp, tư vấn 76 giải pháp tiết kiệm năng lượng.

“Đối với các khu công nghiệp và chế xuất, thành phố đã hỗ trợ các DN tại các khu công nghiệp Thăng Long, Quang Minh thúc đẩy việc sử dụng trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, tập trung vào công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực: điện – điện tử, viễn thông, cơ khí, vật liệu. Trong đó, tư vấn cho 5 DN 28 giải pháp tiết kiệm năng lượng, giúp tiết kiệm 3,55 tỷ đồng/năm. Đối với các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm, trung tâm đã hướng dẫn 20 đơn vị xây dựng báo cáo tình hình sử dụng năng lượng và tự đánh giá khu vực tiêu hao nhiều năng lượng tại đơn vị; hỗ trợ tư vấn cho 6 đơn vị giải pháp tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giúp tiết kiệm gần 720 triệu đồng/năm”, ông Thái cho biết.

Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều hoạt động hỗ trợ DN tiết kiệm điện, tập trung vào giải pháp đổi mới công nghệ, ứng dụng phương pháp quản lý tiên tiến…

Theo Hoàng Dương/ Báo Tin tức

Nông dân đi Tây tiếp thị cá tra

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, một nông dân nuôi cá tra ở An Giang đã lặn lội khắp đông tây để quảng bá sản phẩm, học kinh nghiệm làm giàu.

Nuôi cá tra theo chương trình SUPA

Nuôi cá tra theo chương trình SUPA – Ảnh: Chí Nhân

Ông Nguyên vừa trở về từ Hội chợ thủy sản toàn cầu tổ chức tại Bỉ cuối tháng 4, theo chương trình của dự án SUPA. Đây là một dự án giúp nâng cao tính cạnh tranh của cá tra VN trên thị trường quốc tế; hỗ trợ cả doanh nghiệp (DN) chế biến và người nuôi cá. Tại hội chợ lần này, dự án đưa cả DN và nông dân đến để giới thiệu với người tiêu dùng thế giới về việc phát triển theo hướng bền vững của con cá tra VN. Gian hàng của SUPA gồm 6 DN và một đại diện cho người nuôi cá đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là ông Nguyên. Đây là một trong những hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường, xây dựng hình ảnh cá tra VN trên thị trường thế giới.

“Hơi tiếc là mình không biết tiếng Mỹ”

Ông Nguyên kể: “Gian hàng của chúng tôi nằm trong Hall (nhà) thứ 9 chung với Thái Lan, Ấn Độ và một số nước khác. Có rất nhiều người đến tham quan và tìm hiểu về chương trình phát triển cá tra của chúng tôi. Chúng tôi giới thiệu với họ về ngành nuôi và chế biến cá tra ở VN qua những đoạn phim. Bên cạnh đó, tài liệu về từng DN và cả trại nuôi của tôi được bỏ chung trong một giỏ xách để họ có thể mang về nghiên cứu”.

Nông dân đi Tây tiếp thị cá tra - ảnh 2 Nông dân đi Tây tiếp thị cá tra - ảnh 3Tôi nuôi cá như thế nào thì tôi nói với thế giới như vậy. Các DN trong dự án cũng vậy. Tôi chỉ hơi tiếc là mình không biết tiếng Mỹ nên không thể nói chuyện trực tiếp với họ. Nếu tôi mà biết tiếng Mỹ thì sẽ nói hay hơn rất nhiều Nông dân đi Tây tiếp thị cá tra - ảnh 4
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, nông dân nuôi cá tra

Điều mà ông Nguyên nói với khách hàng thế giới là nhiều nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL như ông đang hướng đến một cách thức sản xuất bảo đảm về chất lượng, thân thiện với môi trường và cộng đồng, dưới sự giúp đỡ của các tổ chức đến từ châu Âu. Tham gia dự án SUPA, ông Nguyên được các chuyên gia Khoa Thủy sản Trường đại học Cần Thơ hỗ trợ kỹ thuật hoàn toàn miễn phí. Hằng tháng, các chuyên gia này đến tận ao nuôi để lấy mẫu nước, mẫu cá về kiểm nghiệm, nếu phát hiện gì bất thường sẽ kịp thời điều chỉnh. Để tăng tỷ lệ cá sống, họ đã giúp ông phương pháp cung cấp thêm ô xy cho ao nuôi. Bên cạnh đó là các giải pháp giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường…

“Dự án không nhằm xây dựng một tiêu chuẩn nào cho người nuôi mà họ chỉ giúp mình thực hành nuôi sao cho hiệu quả, chất lượng và thân thiện bằng việc lồng ghép vào đó các tiêu chuẩn của ASC – một chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động”, ông Nguyên nói.

“Tôi nuôi cá như thế nào thì tôi nói với thế giới như vậy. Các DN trong dự án cũng vậy. Tôi chỉ hơi tiếc là mình không biết tiếng Mỹ nên không thể nói chuyện trực tiếp với họ. Nếu tôi mà biết tiếng Mỹ thì sẽ nói hay hơn rất nhiều”, ông Nguyên kể thêm về những ngày ở hội chợ.

Những tiêu chuẩn không liên quan gì tới chất lượng

Ông Nguyên nhìn nhận, đi hội chợ mới thấy sản phẩm thủy sản trên thế giới có rất nhiều loại của rất nhiều nước. Nếu mình làm không tốt thì không thể cạnh tranh được với họ.

Ông Nguyên kể: “Người tiêu dùng thế giới họ đặt ra những tiêu chuẩn rất khắt khe, nếu mình vi phạm thì họ sẽ không ăn hàng của mình nữa. Tôi có tham dự một cuộc tọa đàm của Thái Lan. Hàng thủy sản đánh bắt của họ bị châu Âu đưa vào diện cảnh báo ở mức độ vàng vì có sử dụng lao động trẻ em. Vậy là ngay lập tức họ cam kết khắc phục. Điều này cho thấy tinh thần cầu thị của họ rất cao, rất tích cực. Ở đây, mình thấy là người tiêu dùng bây giờ họ có những tiêu chuẩn không liên quan gì tới chất lượng sản phẩm, mà nó mang tính nhân văn của cái sản phẩm đó. Hay như tiêu chuẩn ASC, người ta không cho phép việc nuôi trồng của anh làm ảnh hưởng đến môi trường, đến những người xung quanh”.

Tại tọa đàm do VN tổ chức, ông Nguyên rất tâm đắc khi chúng ta đưa Nghị định 36 ra để khẳng định đang siết chặt chất lượng cá tra xuất khẩu sau một thời gian dài buông lỏng. “Nghị định 36 quy định tỷ lệ mạ băng không quá 10% và hàm lượng nước tối đa trong cá tra phi lê đông lạnh không quá 83%. Tôi cho là ta làm điều này là hết sức hay và chủ động để từng bước xây dựng hình ảnh con cá tra VN ngày càng chất lượng, an toàn. Tại sao mình phải làm như vậy? Vì trước đây có một thời kỳ các DN của mình làm ăn gian dối, mạ băng 30 – 40%, miếng cá rã đông ra chất lượng không có, không còn gì để ăn. Bây giờ mình phải chấp nhận đau thương trong một vài năm để lấy lại uy tín. Trước khi đi hội chợ quốc tế này, tôi có nói chuyện với một số công ty thì họ nói rằng cái chuyện đó là chuyện tào lao. Tự dưng đang buôn bán thuận lợi lại làm như vậy như tự mang gông, lấy thòng lọng siết cổ mình. Tôi cho rằng đó là cách nhìn rất thiển cận. Tôi nghĩ, nếu còn những DN giữ cách suy nghĩ cách làm ăn như vậy thì cũng rất khó cho con cá tra VN sau này”, ông chia sẻ.

Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững

SUPA là dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại VN”. Dự án có tổng giá trị gần 2,4 triệu euro, trong đó Liên minh châu Âu (EU) tài trợ gần 1,9 triệu euro thông qua Chương trình EU SWITCH – Asia. Cơ quan chủ trì thực hiện dự án là Trung tâm sản xuất sạch hơn VN cùng các đối tác khác là Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), WWF – VN và WWF – Áo.

Dự án được thực hiện trong 4 năm (2013 – 2017), tập trung vào nâng cao năng lực, thúc đẩy việc sản xuất có trách nhiệm, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và giảm chi phí sản xuất thông qua áp dụng phương pháp sử dụng tài nguyên có hiệu quả và sản xuất sạch hơn, cải tiến sản phẩm và phát triển thị trường. Dự án cũng giúp trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các DN vừa và nhỏ, các nhà sản xuất quy mô hộ gia đình áp dụng các tiêu chuẩn bền vững hiện hành như ASC, Global GAP… hướng tới sản xuất bền vững nhằm nâng cao tính cạnh tranh của ngành cá tra trên thị trường thế giới.

Trưởng phái đoàn nông dân

Ông Nguyên nhớ lại, giữa tháng 9.2012, ông cùng 9 chủ nhiệm HTX khác khắp cả nước tham dự khóa học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hàn Quốc, do Liên minh HTX quốc tế (ICA) tổ chức. Ở Hàn Quốc, họ làm gì, ngành nghề nào cũng có HTX sản xuất quy mô lớn. Khi nông dân làm ra sản phẩm, họ ủy thác cho HTX bán chứ không bán trực tiếp. “HTX định giá rồi mời các DN mua theo hình thức đấu giá. DN nào bỏ giá cao thì mua được hàng. Hợp đồng ký xong tiền chuyển vào tài khoản của HTX. Ông chủ nhiệm HTX được hưởng lợi vài ba phần trăm từ những hợp đồng đó. Người nông dân không phải vất vả tìm đầu ra cũng không sợ bị ép giá. Đặc biệt là họ muốn làm gì cũng phải vào HTX vì nếu không sản phẩm làm ra chẳng bán được cho ai”, ông Nguyên kể, rồi trầm ngâm: “Trong khi ở VN, nông dân không được định giá sản phẩm của mình làm ra. Bên cạnh đó còn thường xuyên bị DN chiếm dụng vốn. DN nào tốt thì họ trả chậm 1 tháng, có khi 3 – 4 tháng cũng phải chịu”.

Ngoài chuyến đi Hàn Quốc năm 2012 và tham gia Hội chợ thủy sản toàn cầu năm 2015 (SEG) lần thứ 23 (diễn ra từ ngày 21 – 23.4) tại Brussels (Vương quốc Bỉ), năm 2003, khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên con cá tra VN, ông Nguyên đã đi vận động, lấy ý kiến những người nuôi cá để viết “kháng thư” gửi đến Bộ Thương mại Mỹ. Sau đó, ông làm “Trưởng phái đoàn nông dân” gồm 3 người, trực tiếp gặp các chuyên gia của Bộ Thương mại Mỹ tại TP.HCM để nói về cá tra VN.

 Theo thanhnien.com.vn