Trên 70.000 tỷ đồng đầu tư xây nhà máy điện gió tại Cà Mau

Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, cho biết theo đề nghị của Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng – thương mại – du lịch Công Lý, lãnh đạo địa phương đã nhất trí ủng hộ để doanh nghiệp này đầu tư phát triển nhà máy điện gió tại bãi biển Khai Long thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Trên 70.000 tỷ đồng đầu tư xây nhà máy điện gió tại Cà Mau
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)
Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng-thương mại-du lịch Công Lý là đơn vị đã có kinh nghiệm trong xây dựng nhà máy điện gió tại tỉnh Bạc Liêu thời gian qua.Dự án có tổng kinh phí ước tính trên 70.000 tỷ đồng với quy mô 150 trụ tuabin, công suất thiết kế 300MW, được xây dựng trên diện tích hơn 7.000ha. Ngoài ra, diện tích dành để xây trạm biến áp và nhà điều hành lên tới 20ha.

Hiện tỉnh Cà Mau cùng với nhà đầu tư khẩn trương làm dự toán chi tiết, giải phóng mặt bằng, đồng thời tiến hành các thủ tục theo quy định để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt để dự án triển khai trong thời gian sớm nhất.
Đây là dự án có quy mô lớn thuộc chương trình phát triển năng lượng sạch, phù hợp với điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo TTXVN

Sản xuất sạch hơn – Giải pháp phát triển cho doanh nghiệp công nghiệp

Theo các chuyên gia về sản xuất sạch hơn (SXSH) trên thế giới, các giải pháp SXSH không chỉ đơn thuần là thay đổi thiết bị, mà còn là các thay đổi trong vận hành và quản lý của một doanh nghiệp (DN).

Nhà máy sản xuất sữa bột hiện đại của Vinamilk tại Bình Dương

Nhà máy sản xuất sữa bột hiện đại của Vinamilk tại Bình Dương

Các giải pháp sản xuất sạch hơn

Giải pháp SXSH gồm giảm chất thải tại nguồn, về cơ bản, ý tưởng của SXSH là tìm hiểu tận gốc của ô nhiễm bằng quá trình Quản lý nội vi nhằm kiểm soát quá trình sản xuất của DN. Quản lý nội vi là một loại giải pháp đơn giản nhất của SXSH. Quản lý nội vi không đòi hỏi chi phí đầu tư và có thể được thực hiện ngay sau khi xác định được các giải pháp, các ví dụ của quản lý nội vi có thể là khắc phục các điểm rò rỉ, đóng van nước hay tắt thiết bị khi không sử dụng dễ tránh tổn thất. Mặc dù quản lý nội vi là đơn giản nhưng vẫn cần có sự quan tâm của ban lãnh đạo cũng như việc đào tạo nhân viên. Đây là giải pháp nhằm kiểm soát quá trình tốt hơn, để bảo đảm các điều kiện sản xuất được tối ưu hóa về mặt tiêu thụ nguyên liệu, sản xuất và phát sinh chất thải. Đối với giải pháp này, các thông số của quá trình sản xuất như nhiệt độ, thời gian, áp suất, pH, tốc dộ… cần được giám sát và duy trì càng gần với điều kiện tối ưu càng tốt. Cũng như với quản lý nội vi, việc kiểm soát quá trình tốt hơn, đòi hỏi các quan tâm của ban lãnh đạo cũng như việc giám sát ngày một hoàn chỉnh hơn.

Sau giải pháp quản lý nội vi, giải pháp thay đổi nguyên liệu cũng được các chuyên gia nhấn mạnh. Đây là việc thay thế các nguyên liệu đang sử dụng bằng các nguyên liệu khác thân thiện với môi trường hơn. Thay đổi nguyên liệu còn có thể là việc mua nguyên liệu có chất lượng tốt hơn để đạt được hiệu suất sử dụng cao hơn. Thông thường lượng nguyên liệu sử dụng, chất lượng của nguyên liệu và sản phẩm có mối quan hệ trực tiếp với nhau.

Giải pháp quan trọng không kém là cải tiến thiết bị là việc thay đổi thiết bị đã có để nguyên liệu tổn thất ít hơn. Việc cải tiến thiết bị có thể là điều chỉnh tốc độ máy, là tối ưu kích thước kho chứa, là việc bảo ôn bề mặt nóng, lạnh, hoặc thiết kế cải thiện các bộ phận cần thiết trong thiết bị. Một ví dụ của mạ điện là lắp đặt cẩu vớt để thu hồi phần rơi vãi từ các chi tiết được mạ. Công nghệ sản xuất mới là việc lắp đặt các thiết bị hiện đại và có hiệu quả hơn, ví dụ như lắp đặt nồi hơi hiệu suất cao hơn hay lắp đặt máy nhuộm Jet sử dụng dung tỷ thấp hơn. Giải pháp này yêu cầu chi phí đầu tư cao hơn các giải pháp sản xuất sạch khác, do đó cần phải được nghiên cứu cẩn thận. Mặc dù vậy, tiềm năng tiết kiệm và cải thiện chất lượng có thể cao hơn so với các giải pháp khác.

Giải pháp tuần hoàn cũng được xem là một giải pháp hay. Các loại dòng thải không thể tránh được trong khu vực sản xuất hoặc bán ra như một loại sản phẩm phụ, hoặc được tận thu và tái sử dụng tại chỗ là việc thu thập “chất thải” và sử dụng lại cho quá trình sản xuất. Một ví dụ đơn giản của giải pháp này là sử dụng lại nước giặt từ một quá trình cho quá trình giặt khác. Tạo ra các sản phẩm phụ là việc thu thập (và xử lý) “các dòng thải” để có thể trở thành một sản phẩm mới hoặc bán ra cho các cơ sở sản xuất khác. Lượng men bia dư thừa có thể được sử dụng làm thức ăn cho lợn, cho cá hay làm các chất độn thực phẩm.

Và giải pháp cuối cùng cũng là giải pháp cơ bản của SXSH là: thay đổi sản phẩm, cải thiện chất lượng sản phẩm để làm giảm ô nhiễm. Thay đổi sản phẩm là việc xem xét lại sản phẩm và các yêu cầu đối với sản phẩm đó. Cải thiện, thiết kế sản phẩm có thể đem lại tiết kiệm về tiêu thụ nguyên liệu và lượng hóa chất độc hại sử dụng.

Trong thực tế, các nền công nghiệp hiện đại trên thế giới đều đã thực hiện thành công các giải pháp SXSH, để đạt các tiêu chí của sự phát triển bền vững.

Và việc ứng dụng giải pháp SXSH ở Bình Dương

Đến nay, tỉnh Bình Dương có khoảng 13.000 DN trong nước đăng ký kinh doanh và 2.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Số lượng DN thuộc các thành phần kinh tế có khuynh hướng tăng qua các năm. Tuy nhiên, việc áp dụng SXSH vẫn còn hạn chế, một số cơ sở, DN tuy có triển khai SXSH nhưng chưa đồng bộ, vì vậy hiệu quả mang lại chưa cao. Theo khảo sát một số DN trên địa bàn tỉnh thì tiềm năng áp dụng SXSH trong các DN còn rất lớn, có thể tiết kiệm được các nguyên liệu, nhiên liệu, nước, hóa chất,… đặc biệt có thể tiết kiệm đến 25% năng lượng trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, hiện các DN chỉ mới chú trọng tới giải pháp xử lý môi trường của các chất thải cuối nguồn (xử lý cuối đường ống) mà chưa quan tâm sâu tới việc phòng ngừa, ứng phó sự cố về môi trường vào các quá trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Để thực hiện có hiệu quả nội dung của Chiến lược quốc gia về SXSH trong công nghiệp đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch SXSH trong công nghiệp giai đoạn 2012-2015 ở Bình Dương, theo kế hoạch này, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên & Môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghiệp VSIP, báo, đài, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các DN sản xuất công nghiệp, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về SXSH đến tổ chức, cơ quan và DN nhằm nắm được lợi ích của việc SXSH, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc áp dụng SXSH. UBND tỉnh cũng giao các ngành nhiệm vụ đào tạo, tập huấn về SXSH cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các cơ quan cấp tỉnh, huyện, thị xã và DN về công tác SXSH, để triển khai sâu rộng trên toàn địa bàn. Tỉnh cũng giao các ngành xây dựng các đề tài, dự án về quản lý, áp dụng SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng và cải tiến công nghệ nhằm phục vụ SXSH trong công nghiệp. Xây dựng, phổ biến các cơ sở dữ liệu theo ngành về suất tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng trên đơn vị sản phẩm nhằm triển khai, áp dụng SXSH trong công nghiệp. Xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia SXSH cho các tổ chức tư vấn và đội ngũ cán bộ kỹ thuật về SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm, nhân rộng các mô hình áp dụng SXSH trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ một phần kinh phí cho các dự án áp dụng SXSH như đầu tư thay đổi, cải tiến dây chuyền công nghệ.

Với việc triển khai kế hoạch SXSH trên địa bàn, đến nay, việc áp dụng SXSH trong các cơ sởsản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt đầu có sự chuyển biến tích cực. Một số DN đã nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH và đã từng bước cải tiến quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm vàhiệu quả, sử dụng nguyên liệu thay thế phát sinh ít chất thải,… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo baocungcau.vn

Làng nghề truyền thống: Hướng đến sản xuất sạch hơn

Làng nghề truyền thống Việt Nam đã có từ hàng trăm năm, gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế – xã hội. Các làng nghề truyền thống ở đất Bình Dương như gốm sứ, sơn mài, khắc gỗ… đã gắn bó và trở thành một phần trong cuộc sống của người dân nơi đây. Cùng với những thay đổi tích cực để thích nghi tr ong giai đoạn hội nhập của đấ t nước với nền kinh tế thế giới, các làng nghề cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng phát triển bền vững.

Đa dạng sản phẩm sơn mài xuất khẩu tại làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) Ảnh: N.TRÍ

Đa dạng sản phẩm sơn mài xuất khẩu tại làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) Ảnh: N.TRÍ

Làng nghề – những đóng góp và thách thức mới

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay nước ta có 2.790 làng nghề, riêng ở Hà Nội có 1.160 làng nghề. Theo tổng hợp của Tổng cục Môi trường, làng nghề nước ta phân bố tập trung chủ yếu tại đồng bằng sông Hồng (chiếm khoảng 60%), miền Trung (khoảng 30%) và miền Nam (khoảng 10%). Sự phát triển của làng nghề đang góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Tại nhiều làng nghề, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ đạt từ 60 – 80% và ngành nông nghiệp chỉ đạt 20 – 40%.

Trong những năm gần đây, số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn đang tăng lên với tốc độ bình quân từ 8,8 – 9,8%/ năm, kim ngạch xuất khẩu từ các làng nghề cũng không ngừng tăng lên. Trung bình mỗi cơ sở doanh nghiệp tư nhân chuyên làm nghề tạo việc làm ổn định cho khoảng 27 lao động thường xuyên và 8 – 10 lao động thời vụ; các hộ cá thể chuyên nghề tạo 4 – 6 lao động thường xuyên và 2 – 5 lao động thời vụ. Ở những làng nghề thêu ren, dệt, mây tre đan, mỗi cơ sở có thể thu hút 200 – 250 lao động. Làng nghề thực sự đóng vai trò quan trọng đối với việc xóa đói, giảm nghèo, trực tiếp giải quyết việc làm cho người lao động trong lúc nông nhàn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.

Các làng nghề giờ đây đang chuyển mình trong thời kỳ hội nhập kinh tế. Những thay đổi này vừa mang lại những thuận lợi vừa tạo ra thách thức đối với các làng nghề trong quá trình phát triển. Mở cửa, hội nhập, các làng nghề có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình với khách nước ngoài. Đó là những mặt hàng xuất khẩu mạnh của nước ta trong nhiều năm qua, mà phần nhiều có xuất xứ từ các làng nghề truyền thống trong cả nước, như thủ công mỹ nghệ, thêu ren, gốm sứ… Theo thống kê, hiện hàng hóa của các làng nghề nước ta đã có mặt ở hơn 100 nước trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng. Nếu như năm 2004, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 450 triệu USD, thì những năm gần đây đã tăng lên khoảng 1.000 triệu USD.

Cùng với những thay đổi tích cực, các làng nghề cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề phải bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng phát triển bền vững. Hiện nay, các chất thải phát sinh từ nhiều làng nghề đang gây ô nhiễm môi trường, tác động trực tiếp tới sức khỏe người dân. Các kết quả quan trắc trong thời gian gần đây cho thấy mức độ ô nhiễm của làng nghề có xu hướng gia tăng, nhất là ô nhiễm bụi tại các làng nghề gốm, sứ, vật liệu xây dựng, khai thác đá, đồ gỗ mỹ nghệ và các làng nghề tái chế. Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, nước thải có độ ô nhiễm hữu cơ cao. Công tác thu gom và xử lý chất thải rắn ở các làng nghề vẫn còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.

Giải pháp thực hiện Làng nghề xanh

Phát triển bền vững là quan điểm cơ bản của Đảng đối với mọi sự phát triển ở nước ta, trong đó có làng nghề. Các làng nghề cần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần tập trung giải quyết.

Các chính sách phát triển bền vững làng nghề. Sản xuất, kinh doanh phải chú ý cải thiện và bảo vệ môi trường, không hy sinh lợi ích môi trường cho lợi ích kinh tế trước mắt. Nhanh chóng xây dựng, ban hành và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm của địa phương, các ngành, lĩnh vực hoạt động làng nghề. Các làng nghề tiến hành xây dựng các quy định về vệ sinh, môi trường dưới dạng các quy định, hương ước, cam kết bảo vệ môi trường của chính địa phương mình. Tăng cường hoạt động giám sát môi trường làng nghề và thực hiện kiểm kê nguồn thải; áp dụng công cụ kinh tế như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn. Xây dựng tiêu chí “Làng nghề xanh” nhằm xếp loại cho các làng nghề bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Bên cạnh đó cần quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Di dời các cơ sở gây ô nhiễm nặng ra khỏi khu vực dân cư. Quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp nhỏ cần tránh xa khu dân cư và quy hoạch đồng bộ mặt bằng sản xuất, kết cấu hạ tầng như đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống thông tin, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn để xử lý tập trung. Quy hoạch khu vực sản xuất tùy thuộc vào đặc thù của các loại hình làng nghề như sản xuất gốm sứ, dệt nhuộm, tái chế giấy… Quy hoạch phân tán, sản xuất ngay tại hộ gia đình kết hợp điều kiện sản xuất với cải thiện vệ sinh môi trường mà không phải di dời, hạn chế tối đa việc cơi nới, mở rộng đường, xây nhà cao tầng, lưu giữ khung cảnh sản xuất, tính cổ truyền nhân văn của làng để có thể kết hợp với du lịch.

Ngoài ra cần tăng cường mạnh mẽ công tác quản lý môi trường tại các làng nghề. Những cơ sở mở rộng sản xuất phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và đầu tư theo hướng công nghệ thân thiện với môi trường. Tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải tại làng nghề cần bảo đảm chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam hiện hành; công nghệ đơn giản, dễ vận hành, chuyển giao; vốn đầu tư, chi phí thấp, phù hợp với điều kiện sản xuất của làng nghề; ưu tiên công nghệ có khả năng tận thu, tái sử dụng chất thải. Khuyến khích các cơ sở sản xuất trong làng nghề áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn để vừa giảm lượng phát thải, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cho vay ưu đãi với lãi suất thấp đối với các chủ cơ sở áp dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến tạo ít chất thải. Phát hiện và xử lý trường hợp phát sinh các làng nghê gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, vẫn cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để đưa vào “danh sách đen” làng nghề tiếp tục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Yêu cầu các làng nghề triển khai áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu ô nhiễm; xây dựng các lộ trình xử lý ô nhiễm và triển khai thực hiện theo đúng lộ trình được phê duyệt. Đặc biệt, cần tổ chức các lớp đào tạo, trình diễn thử nghiệm áp dụng sản xuất sạch hơn cho các chủ cơ sở sản xuất tại làng nghề.

Sự đóng góp của làng nghề đối với sự phát triển kinh tế của đất nước là rất to lớn. Song sự phát triển của làng nghề phải bảo đảm tính bền vững, hài hòa các mặt kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.

Theo baocungcau.vn

Lễ ký kết Ý định thư về hợp tác phát triển năng lượng sạch và hiệu quả năng lượng

Ngày 29/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ký kết Ý định thư về hợp tác phát triển năng lượng sạch và hiệu quả năng lượng để thúc đẩy phát triển phát thải thấp bền vững tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng và ông Joakim Parker, Giám đốc USAID tham dự và phát biểu tại Lễ ký kết.

Trong khuôn khổ Ý định thư, Bộ Công Thương và USAID sẽ hợp tác thông qua một chương trình hỗ trợ kỹ thuật dự kiến kéo dài trong 5 năm. Bộ Công Thương và USAID cũng dự kiến sẽ tập trung vào các sáng kiến liên quan đến năng lực xây dựng và thực hiện các chính sách năng lượng hiệu quả; các biện pháp nâng cao hiệu quả năng lượng trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng của nền kinh tế; và năng lượng của Chính phủ, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác trong việc triển khai năng lượng tái tạo cho Việt Nam.

Lễ Ký kết Ý định thư về hợp tác phát triển năng lượng sạch và hiệu quả năng lượng

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ năm 1995, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Trên nền tảng Hiệp định về hợp tác kinh tế và kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ được ký kết năm 2005 cũng như Chiến lược Hợp tác phát triển quốc gia giữa hai nước giai đoạn 2014 đến năm 2018, Hoa Kỳ đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình năng lượng sạch. Những nỗ lực và thiện chí hợp tác của Hoa Kỳ thông qua USAID sẽ góp phần thúc đẩy ngành năng lượng của Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc ký kết Ý định thư sẽ là cơ sở để xây dựng, triển khai các nội dung, dự án hợp tác của hai bên trong thời gian tới.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng tin tưởng, Ý định thư sẽ được cụ thể hóa bằng những hoạt động hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Ông Joakim Parker, Giám đốc USAID cho biết, sự hợp tác này nhằm hỗ trợ chiến lược về biến đổi khí hậu của Việt Nam. Đồng thời, hi vọng sự hợp tác này sẽ đem lại kết quả là phát triển năng lượng sạch và cải thiện hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.

USAID hỗ trợ những nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam thông qua một số sáng kiến, trong đó có Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam, Dự án Năng lượng sạch Việt Nam, Dự án Tăng cường năng lực và cải cách thể chế cho Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, v.v…

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Ứng phó BĐKH gắn với tăng trưởng xanh và bền vững

Sáng ngày 28/7 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của Bộ Công Thương giai đoạn 2010-2015.

Ứng phó BĐKH gắn với tăng trưởng xanh và bền vững

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn của BĐKH. Công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp… là những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất. Nhận thức rõ vấn đề nên Bộ Công Thương là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH.

Ông Trần Văn Lượng, Chánh Văn phòng BĐKH của Bộ Công Thương cho biết: Bằng nguồn ngân sách thực hiện Chương trình, Bộ Công Thương đã triển khai các hành động trong 6 nhóm nhiệm vụ, dự án và đã đạt được kết quả đáng khích lệ.

Đối với nhóm nhiệm vụ tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức: Thông qua 11 nhiệm vụ, các đơn vị đào tạo, truyền thông của Bộ đã xây dựng và tuyên truyền trên 350 tin, bài viết trên các Báo, Tạp chí, trang thông tin điện tử của đơn vị truyền thông thuộc Bộ; Tổ chức trên 10 cuộc hội thảo chuyên ngành về BĐKH; Tổ chức 8 lớp huấn luyện, đào tạo cho hơn 200 lượt cán bộ ở cấp Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp ngành công thương về ứng phó BĐKH… Từ các kết quả thực hiện nhiệm vụ này có thể đánh giá nhận thức của một bộ phận các cán bộ, công chức viên chức người lao động của ngành đã được nâng cao.

Nhiệm vụ đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng đến các lĩnh vực ngành Công Thương: Bộ Công Thương đã lựa chọn thực hiện 14 nhiệm vụ, đến nay đã xây dựng được 12 báo cáo kỹ thuật đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng đến các lĩnh vực công nghiệp, thương mại nhạy cảm. Các lĩnh vực được triển khai gồm: Lĩnh vực công nghiệp, như khai thác than, sản xuất hóa chất, sản xuất thép, khai thác khoáng sản (titan, sắt và apatit), hạ tầng sản xuất và truyền tải ngành điện, lĩnh vực thủy điện, ngành sản xuất giấy và bột giấy, lĩnh vực thương mại; Các Quy hoạch phát triển công nghiệp và Quy hoạch phát triển thương mại bao gồm quy hoạch phát triển hạ tầng và định hướng phát triển…; Đảm bảo an ninh năng lượng cũng được đặt trong bối cảnh BĐKH.

Nhiệm vụ xây dựng và đề xuất các giải pháp cơ chế, chính sách, rà soát, lồng ghép ứng phó BĐKH vào kế hoạch phát triển ngành. Với nguồn kinh phí hơn 5 tỷ đồng, Chương trình đã triển khai 9 nhiệm vụ có tính chất nghiên cứu về các vấn đề: Lồng ghép BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành công thương; Các cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo; Các cơ chế hỗ trợ phát triển công nghiệp theo hướng các bon thấp và một số nội dung liên quan đến hàng hóa các bon thấp, thiết bị, công nghệ phát thải thấp.

Nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng phó BĐKH, kiểm soát phát thải khí nhà kính cho ngành Công Thương. Chương trình đã hoàn thành quy trình kiểm kê phát thải khí nhà kính cho ngành thép và ngành hóa chất cơ bản; đồng thời xây dựng các biện pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính cho lĩnh vực nhiệt điện đốt than, ngành khai thác và chế biến than, ngành sản xuất phân bón, ngành dệt may và ngành giấy đang được triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm nay.

Bên cạnh đó là nhóm nhiệm vụ thí điểm áp dụng mô hình giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp; Nhiệm vụ hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng, Bộ Công Thương – Hoàng Quốc Vượng, Trưởng ban chỉ đạo đã đánh giá cao các hoạt động mà ngành Công Thương đạt được trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH của Bộ Công Thương giai đoạn 2010 – 2015. Thứ trưởng nhấn mạnh, nhiệm vụ của ngành công thương là rất nặng nề trong bối cảnh BĐKH đã trở thành vấn đề mang tính cấp bách, các cơ hội đan xen nhau nhưng các thách thức cũng đòi hỏi sự hợp tác lâu dài không chỉ trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh tác động mạnh của BĐKH, ngành Công Thương mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của các tổ chức hợp quốc tế, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế xanh, phát triển các bon thấp…

Theo Báo Công Thương

Thẩm định đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”

Ngày 22/7/2015, Hội đồng khoa học và công nghệ (HĐKH&CN) đã tiến hành thẩm định thuyết minh đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Đề tài do Sở Công thương chủ trì; chủ nhiệm đề tài: CN. Lê Tiến Dũng; thời gian thực hiện đề tài là 12 tháng.
 Sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp là một trong những chiến lược quốc gia quan trọng, nhằm giúp nhà nước giảm gánh nặng về quản lý môi trường, ngăn ngừa ô nhiễm; giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, bảo toàn nguyên liệu và năng lượng góp phần thực hiện mục tiêu hướng đến nền công nghiệp xanh.

Mục tiêu hướng đến của đề tài là góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; nâng cao nhận thức, ý nghĩa của việc áp dụng sản xuất sạch hơn vào hoạt động sản xuất công nghiệp.

Theo đó, các nội dung thực hiện bao gồm: Khảo sát sơ bộ, phân tích lựa chọn 02 mô hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh để đánh giá khả năng áp dụng SXSH; triển khai đánh giá chi tiết SXSH tại 02 doanh nghiệp theo 05 bước: tổ chức và lập kế hoạch, chuẩn bị đánh giá, đánh giá, phân tích khả thi, tổng kết quá trình đánh giá; triển khai thực nghiệm áp dụng SXSH tại mô hình.

Sản phẩm dự kiến đạt được gồm phiếu khảo sát và bảng biểu tổng hợp; các báo cáo đánh giá về khả năng áp dụng SXSH, kết quả áp dụng SXSH, đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội; báo cáo tổng kết đề tài.

HĐKH&CN đánh giá về cơ bản chủ nhiệm đề tài đã có sự chuẩn bị chu đáo về các nội dung liên quan, các bước triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, HĐKH&CN cũng đã góp ý đề chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì hoàn thiện đầy đủ hơn các nội dung trong bản thuyết minh; cần lựa chọn doanh nghiệp mang tính đại diện cho tỉnh Quảng Trị để xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào SXSH.

Theo dostquangtri.gov.vn