Giáo sư Nhật Bản phát triển cao su có thể tạo và trữ điện

Kunio Shimada, giáo sư chuyên về cơ học thủy khí và kỹ thuật năng lượng của đại học Fukushima (Nhật Bản), đã phát triển được một loại cao su có thể tạo ra điện từ năng lượng mặt trời và động năng, rồi sau đó dự trữ chúng.

Vị giáo sư 53 tuổi này khẳng định đây là loại cao su có tính năng như vậy đầu tiên trên thế giới. Ông đang cố gắng đăng ký bằng sáng chế với phát minh này tại Nhật Bản. Cao su tạo và trữ được điện này có thể được dùng làm da nhân tạo cho người máy, hoặc những tấm pin mặt trời chống sốc.

Shimada đã có thời gian nghiên cứu lâu năm về chất liệu cao su dẫn điện (conductive rubber). Năm 2001, ông đã phát triển Hợp chất chất lỏng có từ tính (Magnetic Compound Fluid), một chất lỏng có chứa nam châm nóng chảy.

Giáo sư Kunio Shimada, người phát minh ra cao su có khả năng tạo và trữ điện – Ảnh: The Japan Times

Và trong lần này, ông pha với cao su tự nhiên để biến hợp chất này từ dạng lỏng thành cao su đặc, phương pháp thông thường là làm nóng nó bằng cách trộn lưu huỳnh vào, nhưng Shimada lại quyết định tiến hành truyền điện. Như vậy, Shimada đã tạo ra được loại vật liệu cao su có khả năng dẫn điện cực cao.

Không những vậy, trong khi pin năng lượng mặt trời hiện tại rất cứng và dễ vỡ khi có lực tác động, cao su dẫn điện khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, những cú sốc hay rung lắc có thể giãn nở, co lại và tạo ra điện từ những tác động này.

Trong nghiên cứu cao su dẫn điện, Shimada được truyền cảm hứng bởi Hideki Shirakawa, giáo sư danh dự của đại học Tsukuba, người có được Nobel hóa học năm 2.000 bằng phát minh polymer dẫn điện, qua đó phá bỏ quan niệm truyền thống cho rằng các chất nhựa dẻo không dẫn điện.

Theo giáo sư Shimada, một trong những thách thức trong phát triển người máy là việc cung cấp năng lượng cho chúng. Trong thời điểm hiện tại, người máy vẫn phải cần đến dây dẫn và pin. Ngoài người máy, công nghệ này còn có thể ứng dụng cho máy bay không người lái, ô tô và tay chân giả.


Phát minh cao su tạo và trữ điện có thể được ứng dụng trong phát triển người máy ­- Ảnh: The Verge

Một quan chức phụ trách công tác phát triển người máy của chính quyền tỉnh Fukushima đánh giá công nghệ mà giáo sư Shimada vừa phát minh có thể làm thay đổi hoàn toàn thiết kế và chi tiết kỹ thuật của người máy.

Giới chức Fukushima có kế hoạch phát triển người máy tại một cơ sở thử nghiệm đặt tại thành phố Minamisoma, bắt đầu từ tháng 4, và họ hy vọng nghiên cứu của ông Shimada có thể thúc đẩy nhiều sáng kiến hơn nữa trong lĩnh vực này.

Theo The Japan Times

Nhiên liệu cho phương tiện giao thông từ dầu ăn đã sử dụng

Theo tin từ Rome, các tàu buýt đường thủy ở “thành phố nổi” Venice của Italia sẽ sớm được sử dụng loại nhiên liệu thân thiện với môi trường được làm từ dầu ăn đã qua sử dụng.

Loại nhiên liệu này, có thể tái chế ở mức khoảng 15%, sẽ được sản xuất tại một nhà máy ở Venice. Nguyên liệu thô để sản xuất loại nhiên liệu này là dầu ăn đã qua sử dụng của các hộ gia đình địa phương.

Bước đầu, chính quyền thành phố sẽ cho dùng thử nghiệm loại nhiên liệu này trong 7 tháng, từ tháng 4 – 10/2018, sau đó sẽ ký một thỏa thuận với Công ty dầu khí quốc doanh Eni, doanh nghiệp vận tải Avm và Công ty dịch vụ công cộng Veritas.

Dầu ăn qua sử dụng trở thành nhiên liệu cho các phương tiện giao thông thực sự là một giải pháp hữu ích cho việc bảo vệ môi trường.

Nhà chức trách sẽ giám sát mức khí thải trong suốt quá trình thử nghiệm để đi đến quyết định liệu có tiếp tục dùng loại nhiên liệu này về lâu dài hay không.

Công ty Veritas, vốn chịu trách nhiệm thu gom và xử lý chất thải ở Venice, sẽ chuyển các loại dầu ăn đã qua sử dụng đến nhà máy tinh chế nhiên liệu sinh học của Eni – nơi các nguyên liệu thô như mỡ và dầu ăn có thể được sản xuất thành một loại nhiên liệu sinh học gọi là dầu “Eni Diesel+.”

Loại nhiên liệu “Eni Diesel+” hiện cũng đã được thử nghiệm cho các xe buýt ở TP. Turin, miền Bắc Italia.

Cuối năm 2016, Venice cũng đã đưa vào sử dụng các loại xe buýt đường thủy chạy điện nhằm hướng tới một ngành vận tải công cộng thân thiện hơn với môi trường.

Tháng 7/2017, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Italia Graziano Delrio cũng đã tuyên bố sẽ sớm cấm các tàu cỡ lớn vào trung tâm lịch sử của Venice.

Theo tapchimoitruong.vn

Tạo điện năng từ dao động nhiệt độ ngày và đêm

Theo nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, bộ cộng hưởng nhiệt mới có thể cung cấp năng lượng cho các cảm biến từ xa hay bất kỳ thiết bị không nối lưới nào trong nhiều năm liền – chỉ bằng cách sử dụng các dao động nhiệt độ.

Nhiệt độ xung quanh chúng ta thay đổi liên tục trong mọi lúc và dựa vào đây các nhà khoa học đã nảy ra một ý tưởng tuyệt vời. Họ đã tạo ra một thiết bị có thể chuyển đổi những dao động này thành điện để cung cấp cho các cảm biến, thiết bị truyền thông.

Việc thu thập năng lượng được thực hiện thông qua một thiết bị gọi là bộ cộng hưởng nhiệt. Đây là một chiếc máy có khả năng hút nhiệt ở một bên và phát nhiệt ra mặt bên kia. Khi cả hai mặt đạt được sự cân bằng, chúng có thể hút năng lượng dựa vào quy trình nhiệt điện.

Theo nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, bộ cộng hưởng nhiệt mới này có thể cung cấp năng lượng cho các cảm biến từ xa hay bất kỳ thiết bị không nối lưới nào trong nhiều năm liền – chỉ bằng cách sử dụng các dao động nhiệt độ. Cơ chế này giống như sự lên xuống nhiệt độ giữa ngày và đêm.


Thiết bị tạo ra năng lượng từ không khí (Ảnh: MIT)

Ông Michael Strano – một trong những nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã nghĩ ra một ý tưởng dường như không tưởng. Đó là tạo ra bộ cộng hưởng nhiệt đầu tiên. Đây là thiết bị mà chúng ta có thể ngồi lên và lấy năng lượng từ thinh không. Trong suốt thời gian này, các biến động về nhiệt độ với tất cả các tần số khác nhau luôn bao quanh chúng ta”.

Trước đây nhiều nhà khoa học đã cố gắng tạo ra năng lượng từ sự thay đổi nhiệt độ thông qua nhiều kỹ thuật khác nhau như hỏa điện. Nhưng phát minh mới này hiệu quả hơn những thiết bị trước ở chỗ: nó có thể được điều chỉnh để thích nghi với các giai đoạn biến đổi nhiệt độ.

Nhóm nhà khoa học đã thật sự tạo được một bước tiến khi kết hợp các vật liệu để sử dụng cho máy cộng hưởng nhiệt: bọt kim loại, graphene và một loại sáp đặc biệt gọi là octadecane. Chất này có khả năng biến đổi thành chất rắn hoặc chất lỏng khi nhiệt độ tăng hay giảm (một cách chính xác thì đây là vật liệu thay đổi theo pha).

Điều này có thể giúp thiết bị mới tiết kiệm năng lượng một cách tối ưu. Nó có sự kết hợp giữa tính dẫn nhiệt (tốc độ mà nhiệt truyền qua vật liệu) và công suất nhiệt (lượng nhiệt có thể được chứa trong vật liệu). Thông thường, các vật liệu có khả năng dẫn nhiệt cao thì lại có sức chứa thấp và ngược lại.


Các nhà khoa học thử nghiệm thiết bị mới (Ảnh: MIT)

Các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra thiết bị với sự chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày với ban đêm là 10 độ C. Và họ nhận thấy chỉ một mẫu vật liệu nhỏ có thể tạo ra hiệu điện thế là 350 millivolts và công suất điện năng là 1,3 miliwatt. Nguồn năng lượng này đủ để cho các cảm biến nhỏ hoặc các hệ thống truyền thông hoạt động mà không cần pin hay bất kì nguồn năng lượng nào khác.

Hơn nữa, bộ cộng hưởng nhiệt có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, thậm chí trong bóng mát, miễn là có những thay đổi về nhiệt độ xung quanh. Nó thậm chí có thể được lắp đặt bên dưới các tấm pin mặt trời để thu nhiệt – các nhà sản xuất cho biết.

Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu muốn thử nghiệm nó trên các loại dao động nhiệt độ khác: ví dụ như chu trình bật tắt của chiếc tủ lạnh hay máy móc trong các nhà máy công nghiệp. Một ứng dụng tiềm năng nữa của nó đó là làm hệ thống dự phòng để phát điện khi nguồn năng lượng chính dừng hoạt động.

Thậm chí, loại công nghệ mới này còn có thể sử dụng cho các tên lửa hành trình, và chúng sẽ được nạp pin thường xuyên dựa vào chu trình giữa ngày và đêm. Tuy thiết bị không sản sinh ra nhiều năng lượng như các loại pin và lưới điện hiện hành nhưng nó có thể được ứng dụng trong nhiều tình huống khác nhau.

Nhờ nghiên cứu mới này chúng ta mới biết một thứ tưởng chừng quá đỗi quen thuộc như không khí xung quanh có thể tạo ra năng lượng. Dựa vào đây, các nhà khoa học cũng có thể tiến hành thêm nhiều nghiên cứu về những địa điểm có sự dao động nhiệt độ tối ưu. Nghiên cứu này đã được xuất bản trong tạp chí Nature Communications.

Theo moitruong.com.vn

Sản phẩm xanh và những lợi ích môi trường

Sản phẩm xanh được hiểu là những sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường. Còn lợi ích của sản phẩm xanh là sản phẩm ít chất độc hại có thể giảm thiểu tác động đến công nhân, cải thiện chất lượng không khí trong nhà và giảm ô nhiễm nước.

Các tiêu chí của sản phẩm xanh

1. Sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường. Nếu sản phẩm chứa các vật liệu tái chế thay vì sử dụng vật liệu mới, thô, nó có thể được xem là một sản phẩm xanh. Ví dụ, một sản phẩm tái chế nhanh như tre hay bần (sử dụng để lót nền) là những sản phẩm thân thiện với môi trường vì là sản phẩm đựơc tạo ra từ vật liệu phế phẩm nông nghiệp như rơm hoặc dầu nông nghiệp.

2. Sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn đến môi trường và sức khoẻ thay cho các sản phẩm phẩm độc hại truyền thống. Ví dụ các vật liệu thay thế chất bảo quản gỗ như creosote, được biết là một hợp chất gây ung thư.

3. Sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng (ít chất thải, sử dụng năng lượng tái sinh, ít chi phí bảo trì). Người tiêu dùng châu Âu nhiều năm qua đã quay lại sử dụng chai sữa thủy tinh và giảm tỉ lệ sử dụng loại sữa đựng trong chai nhựa sử dụng 1 lần rồi bỏ. Chai thủy tinh có thể sử dụng nhiều lần, dễ dàng tái chế.

4. Sản phẩm tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khoẻ. Vật liệu xây dựng thân thiện môi trường là những sản phẩm tạo ra một môi trường an toàn trong nhà, không gian sống bằng cách không phóng thích những chất ô nhiễm quan trọng như sơn có dung môi hữu cơ bay hơi thấp, bám chắc, loại bỏ hoặc ngăn ngừa sự lan truyền chất ô nhiễm như sản phẩm từ sự thông gió hoặc bộ lọc không khí trong máy lạnh (bụi, nấm mốc, vi khuẩn..) và cải thiện chất lượng chiếu sáng.

Với vật liệu thân thiện môi trường, sự chọn lựa sản phẩm được đặt mục tiêu là giảm thiểu ô nhiễm, giảm tiêu thụ tài nguyên và giảm lượng chất thải sinh ra trong quá trình sử dụng sản phẩm. Một phương pháp mua sản phẩm thân thiện môi trường là mua sản phẩm địa phương khi có thể. Sản phẩm được mua từ nguồn địa phương hoặc khu vực sẽ giảm chi phí vận chuyển và thúc đẩy kinh tế địa phương.

An toàn và giảm ô nhiễm

Một khái niệm khác là thiết kế xanh. Ở đây, sự chọn lựa sản phẩm đặt ra mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm, giảm tiêu thụ tài nguyên và giảm lượng chất thải sinh ra trong quá trình sử dụng sản phẩm.

Tại các nước đã có rất nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng xanh.

Theo các nhà chuyên môn, một trong những cách mua sản phẩm xanh là chọn sản phẩm địa phương bởi vì khi mua từ nguồn địa phương hoặc gần nhà sẽ giảm chi phí vận chuyển (nghĩa là giảm tiêu thụ năng lượng và giảm tác động đến môi trường trong quá trình vận chuyển), đồng thời thúc đẩy kinh tế địa phương.

Hiện nay, tại các nước đã có rất nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng xanh. Các sản phẩm này được đóng gói và có logo riêng giúp người tiêu dùng có thể phân biệt và chọn lựa.

Lợi ích khi mua sản phẩm xanh

Chọn những sản phẩm ít chất độc hại có thể giảm thiểu tác động đến công nhân, cải thiện chất lượng không khí trong nhà và giảm ô nhiễm nước. Mua sản phẩm tẩy rửa xanh với các nồng độ và bao bì có thể trả lại nhà sản xuất giúp giảm thiểu rác thải bao bì. Mua các chất tẩy rửa ít chất độc hại làm giảm chi phí chất thải khi chúng không được dùng hết và quăng vào thùng rác.

Chuyển từ việc sử dụng các sản phẩm tẩy rửa truyền thống sang các sản phẩm phân hủy sinh học (phân hủy bằng cơ chế vi sinh vật), ít độc tính hoặc các sản phẩm ít độc hại khác có thể giảm đáng kể thông lệ của hoạt động làm vệ sinh mà không làm ảnh hưởng đến hiệu quả làm sạch.

Một số nghiên cứu cho thấy cải thiện chất lượng không khí trong nhà trong môi trường làm việc có thể cải thiện năng suất chung hơn 8%.

Theo moitruong.com.vn

Ô nhiễm không khí còn nguy hiểm hơn cả bệnh di truyền

Mọi người thường sợ hãi trước nguy cơ gia tăng các chứng di truyền thừa kế từ các bậc cha mẹ, tuy nhiên, các công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng ô nhiễm không khí nguy hiểm hơn nhiều so với nguy cơ mắc các chứng bệnh do di truyền.

Ô nhiễm không khí làm thay đổi biểu hiện của các gen chứ không phải làm biến đổi các gen. Gây hậu quả tai hại nhất là chất sulfur dioxide. Nó ảnh hưởng đến 170 gen liên quan đến bệnh hen suyễn và các bệnh về tim mạch – theo Motthegioi.

Các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu ung thư tại Ontario (Canada) đã đi đến kết luận trên sau khi phân tích mức độ ô nhiễm ở TP.Montreal và các khu vực kém đô thị hóa hơn ở Canada, cũng như hồ sơ di truyền của hơn 1.000 cư dân địa phương. Các nhà nghiên cứu cũng tính đến sự hiện diện của ni tơ dioxite, sulfur dioxide và ô zôn trong không khí cũng như các hạt rắn có thể xâm nhập sâu vào phổi.

Ô nhiễm không khí làm thay đổi biểu hiện của các gen chứ không phải làm biến đổi các gen.

Kết quả là ở các thành phố lớn tỷ lệ mắc bệnh cao hơn đáng kể so với ở vùng nông thôn. Và sự biểu hiện của các gen, đặc biệt là các gen liên quan đến chức năng của phổi, đã thay đổi nhiều hơn ở nhóm cư dân của các thành phố lớn nơi có tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Hơn 5,5 triệu người chết mỗi năm liên quan đến ô nhiễm không khí

Theo thống kê của Viện Max Planck trên tạp chí Nature, hơn 5,5 triệu người chết mỗi năm do bệnh tật liên quan đến ô nhiễm không khí. Bắc Kinh cũng đã 2 lần phát đi báo động đỏ vì những vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo thống kê của Viện Max Planck trên tạp chí Nature, hơn 5,5 triệu người chết mỗi năm do bệnh tật liên quan đến ô nhiễm không khí.

Thông tin trên Trang Suckhoevadoisong cho rằng ở Việt Nam, với ngưỡng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, người dân đang phải đối mặt với những nguy hại trực tiếp đến sức khỏe, đặc biệt tại những khu vực đông dân cư như Hà Nội, TP.HCM. Vậy ô nhiễm không khí đang tiềm tàng gây ra những căn bệnh hiểm nghèo nào?

Tăng huyết áp: Nghiên cứu của các nhà khoa học Đức tìm hiểu ảnh hưởng của không khí ô nhiễm lên huyết áp người dân năm 2000 – 2003 cho thấy loại ô nhiễm này đang là kẻ thù giấu mặt của bệnh tim – căn bệnh đang có xu hướng gia tăng ở cư dân đô thị. Khi tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong một thời gian dài, huyết áp tăng lên rõ rệt. Ở nữ giới, bệnh tăng huyết áp do ô nhiễm không khí cao hơn ở nam giới. Thống kê cho thấy có khoảng 10 triệu người Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp trong năm 2014 và con số này không ngừng tăng lên theo từng năm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những biến chứng như xuất huyết não, suy thận, xuất huyết võng mạc…

Tự kỷ và bệnh tâm thần phân liệt: Theo một nghiên cứu mới đây thì việc tiếp xúc sớm với ô nhiễm không khí gây ra các biến đổi có hại ở não, tương tự như những gì chúng ta quan sát được ở bệnh tự kỷ hay tâm thần phân liệt. Một nhóm nghiên cứu đến từ ĐH Rochester, Mỹ đã thí nghiệm trên 40 con chuột trong 270 ngày khi đặt chúng giữa môi trường ô nhiễm mức độ trung bình như mức độ ô nhiễm ở một thành phố. Kết quả cho thấy não chuột lớn dần lên, khiến tế bào não bị tổn thương, mà nguyên nhân có thể xuất phát từ ô nhiễm không khí, hậu quả dẫn đến căn bệnh tự kỷ và rối loạn tâm thần. Đối với con người, tâm thần phân liệt khiến người bệnh rối loạn khả năng tư duy, mất ý thức muốn làm việc, dần dần trở nên cách ly với xã hội.

Béo phì: Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây kết luận rằng hít thở thường xuyên không khí ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình chuyển hóa gây ra các bệnh tiểu đường, béo phì. Một nghiên cứu được thực hiện trước đó tại miền Nam bang California cũng cho thấy nơi có mật độ dân số cao và không khí ô nhiễm nặng nề, chỉ số cân nặng của người dân thường cao hơn so với các khu vực khác. Một nghiên cứu khác được thực hiện tại New York cũng chỉ ra ô nhiễm không khí ảnh hưởng xấu đến việc mang thai cũng như chứng béo phì ở trẻ em. Tại Việt Nam khoảng 25% người trưởng thành mắc bệnh béo phì. Và tình trạng thừa cân, béo phì ở người trưởng thành đang có xu hướng ngày càng phổ biến. Nguyên nhân có thể có nhiều nhưng không thể loại trừ nguyên nhân do ô nhiễm không khí.

Viêm tai giữa: Không khí ô nhiễm, bụi bẩn, sống trong môi trường khói thuốc là những yếu tố làm tăng nguy cơ viêm tai giữa, đặc biệt là ở trẻ em. Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh viêm tai giữa tăng lên từng năm, từ 441 trường hợp năm 1996 vào lên 1.999 trường hợp vào năm 2005.

Viêm tai giữa nếu không được điều trị có thể gây thủng màng nhĩ, nhiễm trùng, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm tắc tĩnh mạch, gây tê liệt dây thần kinh số 7.

Làm gì để giảm ô nhiễm không khí?

Trước tình trạng “mở mắt đã ngửi thấy mùi ô nhiễm” tại các thành phố lớn, chúng ta cần làm gì để ô nhiễm không khí không còn là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu?

Hãy thực hiện những việc hết sức đơn giản như đeo khẩu trang khi ra ngoài, sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài.

Trước hết, hãy thực hiện những việc hết sức đơn giản như đeo khẩu trang khi ra ngoài, sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đại tiểu tiện, thay quần áo và tắm gội ngay khi về nhà.

Đóng cửa kính khi đi xe ô tô, đóng kín cửa tại các khu tập trung đông dân. Hạn chế ở ngoài trời vào giờ cao điểm, tránh tập thể dục ngoài trời khi mức độ ô nhiễm cao. Tận dụng không gian quanh nhà để trồng thêm cây xanh nếu có điều kiện. Trồng cây xanh ở nơi có mật độ dân cư đông sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí khi nó hấp thu khí độc như NO2, CO2, CO.

Ai cũng biết ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng con người. Nhưng dường như việc tự cá nhân đi khám chữa bệnh do ô nhiễm thì dễ dàng hơn toàn thể nhân loại chung tay bảo vệ môi trường. Con người chúng ta mới chỉ dừng ở mức nhận thức, đến lúc bắt đầu hành động thì có lẽ đã quá muộn rồi!

Theo moitruong.com.vn

Thử nghiệm thành công tàu không xả khí thải, thân thiện với môi trường

Đoàn tàu chở khách mang tên Coradia iLint, không xả khí thải của Đức đã đưa vào chạy thử nghiệm thành công và được kỳ vọng là một bước ngoặt thay đổi toàn bộ ngành đường sắt trên toàn thế giới.

Cụ thể, đầu tháng 3/2017, tàu hỏa Coradia iLint được hoàn thiện và bắt đầu các thử nghiệm ban đầu ngay tại nhà máy của công ty Alstom ở miền Bắc nước Đức, trên đường ray thử nghiệm Salzgitter với vận tốc khoảng 80 km/h. Sau đó, các kỹ sư của Alstom tiếp tục cải tiến và hoàn thiện để nó đạt vận tốc lên tới 140 km/h vào đầu năm 2018, trên tuyến đường sắt Buxtehude – Bremerhaven – Cuxhaaven.

Các nhà sản xuất cho biết, với bồn chứa đầy hiđrô, Coradia iLint có thể chạy được từ 600 – 800 km/ngày.

Trong suốt quá trình thử nghiệm ban đầu, Coradia iLint đã được kiểm tra an toàn đối với tất cả các hệ thống để xác định sự ổn định và kết hợp hoàn thiện giữa các hệ thống với nhau, giữa pin lithium ion và nhiên liệu, giữa hệ thống phanh bằng khí nén và điện.

Theo đó, Coradia iLint di chuyển được là nhờ những khối pin lithium ion rất lớn, nhận năng lượng từ thùng nhiên liệu hydro đặt trên nóc con tàu. Khi khí hiđrô được đốt cùng ôxi sẽ tạo ra một nguồn năng lượng lớn và sản phẩm cuối cùng của phản ứng cháy này là nước. Hydro là một sản phẩm phụ từ ngành công nghiệp, rất thích hợp để tái sử dụng. Trong tương lai, Alstom dự kiến sẽ thay thế khí hydro từ sản phẩm phụ công nghiệp bằng khí hydro được tạo ra bằng năng lượng tái tạo, từ gió tự nhiên.

Các nhà sản xuất cho biết, với bồn chứa đầy hiđrô, Coradia iLint có thể chạy được từ 600 – 800 km/ngày, tùy thuộc vào việc vận chuyển hành khách, hàng hóa, hay như có nhiều điểm dừng, độ dốc cao hoặc đặc điểm địa hình khiến mức tiêu thụ năng lượng nhiều hơn.

Ưu điểm nổi bật nhất của Coradia iLint là không xả khí thải mà chỉ có hơi nước và nước ngưng tụ, nên nó sẽ góp phần giảm tối đa các chất thải công nghiệp, góp phần BVMT. Ngoài ra, khi hoạt động, Coradia cũng không gây ra tiếng ồn, hiệu suất hoạt động rất cao và an toàn.

Theo tapchimoitruong.vn