Hội thảo tập huấn nâng cao năng lưc Hiệu quả Tài nguyên Sản xuất sạch hơn và Công sinh công nghiệp

Trong khuôn khổ của dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái Toàn cầu” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ và thực hiện bởi Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), hội thảo này sẽ cung cấp khóa tập huấn nâng cao năng lực về cách tiếp cận Khu công nghiệp sinh thái cho ban quản lý KCN và các doanh nghiệp trong KCN.

Link đăng ký: https://vncpc.org/dang-ky-hoi-thao-kcnst/
Hội thảo được thực hiện bằng tiếng Anh và tiếng Việt (Có phiên dịch)

Thời gian 13h00-17h00 ngày 19/11/2021 và 13h00 -17h00 ngày 24/11/ 2021

MỤC TIÊU HỘI THẢO:
» Lợi ích của KCN sinh thái, Mô hình KCN sinh thái theo khung khổ quốc tế; Quản lý KCN sinh thái và các dịch vụ cho các doanh nghiệp trong KCN sinh thái.
» Khái niệm, phương pháp và công cụ chính trong việc nhận diện và thực hiện các giải pháp Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP)
» Khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến phát hiện và thực hiện cộng sinh công nghiệp;
» Mối quan tâm và mong đợi từ Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Tp. Hồ Chí Minh (HEPZA), Công ty Cổ phần KCN Hiệp Phước và các doanh nghiệp trong KCN;
» Xây dựng mạng lưới liên lạc của dự án;
» Lập kế hoạch hoạt động của dự án và các bước hỗ trợ tiếp theo của Dự án với các Doanh nghiệp và các bên liên quan tại KCN Hiệp Phước- Tp.Hồ Chí Minh.

ĐẠI BIỂU THAM GIA HỘI THẢO:
» Cán bộ trong ban quản lý KCN;
» Các doanh nghiệp trong KCN và các bên liên quan (lãnh đạo, các cán bộ kỹ thuật trong doanh nghiệp và khu công nghiệp), và những người quan tâm tới dự án từ ngoài KCN.

VNCPC

Hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn

Ngày 13/8, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Khởi động hợp phần: Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Thương mại vì sự phát triển bền vững – T4SD”.

Hội thảo trực tuyến “Khởi động hợp phần: Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn (RECP)” nhằm tập trung nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ về thực hành sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng bền vững. Nội dung đào tạo, gồm: Đánh giá mức tiêu thụ tài nguyên thực tế; thiết kế chiến lược riêng về sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn; tiếp cận công nghệ và tài chính “xanh” để có thể thực hiện chiến lược kinh doanh.

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Hoàng Minh Chiến- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) cho hay, đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội toàn cầu, thay đổi nhận thức của người dân trên toàn thế giới. Làm sâu sắc hơn nhận thức về mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới như các nước thuộc EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đang chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế tuần hoàn. Tại Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030”.


Ông Hoàng Minh Chiến- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương): Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Lãnh đạo Cục XTTM cũng cho hay, hiện phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều rào cản trong chuyển dịch đi lên kinh tế tuần hoàn, như: Chưa có tư duy và nhận thức đầy đủ về kinh tế tuần hoàn, thiếu cam kết và kiên trì từ lãnh đạo, thiếu thông tin, hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính. Cục XTTM đang từng bước triển khai các hoạt động huấn luyện, đào tạo, tư vấn, hỗ trợ xây dựng kế hoạch đi lên kinh tế tuần hoàn và các sự kiện thiết thực hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời kỳ Covid-19 và trong thời gian tới.

Chia sẻ về những lợi ích trực tiếp dành cho doanh nghiệp khi tham gia dự án, bà Ann-Kathrin Zotz- Quản lý toàn cầu Dự án T4SD, ITC, cho biết, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ: Tăng khả năng cạnh tranh quốc tế của các chủ thể trong chuỗi giá trị thông qua giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất; tạo cơ hội kinh doanh mới thông qua việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới; tạo cơ hội tiếp cận tài chính “xanh”.


Bà Ann-Kathrin Zotz, Quản lý toàn cầu Dự án T4SD, ITC: Doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích khi tham gia RECP.

Tất cả những lợi ích trên để giúp doanh nghiệp tiến tới mục tiêu xa hơn là phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây là mô hình tiêu thụ, sản xuất trong đó tái sử dụng nguyên liệu và sản phẩm hiện hữu càng lâu càng tốt. Theo cách đó, có thể sử dụng nguồn tài nguyên nước, năng lượng… một cách hiệu quả.

Thế giới hiện có nhiều xu hướng, trong đó có nhu cầu minh bạch hoá và khả năng truy suất sản phẩm ngày càng tăng lên trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường và tới tay người tiêu dùng. Cùng đó là xu hướng tuân thủ theo các tiêu chuẩn để hướng tới để sản xuất bền vững. Theo bà Ann-Kathrin Zotz, nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng ngày một lớn hơn, khó hơn, nhất là yêu cầu về sản xuất bền vững đòi hỏi sự tham gia và tuân thủ từ các nhà sản xuất.

Tuy nhiên, để hợp phần cũng như dự án thành công, điều quan trọng là sự cam kết tham gia của doanh nghiệp trong việc giữ liên lạc với chuyên gia, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho chuyên gia đến làm việc. Thời điểm hiện tại, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, dựa trên tình hình thực tế, dự án sẽ điều chỉnh linh hoạt các kế hoạch thực hiện cho phù hợp để đảm bảo an toàn cho đội ngũ chuyên gia và doanh nghiệp.


Hội thảo trực tuyến “Khởi động hợp phần: Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn (RECP)” thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp.

Với những lợi ích mang lại, hợp phần RECP, cũng như dự án T4SD thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp. Tại sự kiện, các chuyên gia cũng đã giải đáp nhiều ý kiến liên quan đến các chương trình đào tạo, kiến thức về sử dụng tài nguyên hiệu quả, phương thức cập nhật thông tin, thời gian thực hiện dự án…

Một trong những nội dung được doanh nghiệp quan tâm là nguồn tài chính cho thực hiện hợp phần, bà Nguyễn Bảo Thoa- Quản lý dự án T4SD tại Việt Nam thông tin, quý cuối cùng của năm 2021, hợp phần tài chính xanh sẽ đi vào thực hiện. Như vậy, ngay sau khi hợp phần RECP kết thúc và xác định ra khâu nào phải đầu tư, cải tiến thì ngay lập tức đội ngũ tư vấn về tài chính xanh và ngân hàng, các tổ chức tài chính sẽ phối hợp hoàn chỉnh các khâu đó.

Việt Nga

https://congthuong.vn/ho-tro-doanh-nghiep-su-dung-hieu-qua-nguon-tai-nguyen-va-san-xuat-tuan-hoan-162349.html?fbclid=IwAR2pSExVQFmIj8WLs9gFw6ORiK4qV8YPM4UYBEo01rn2i-szS3_uUGDZMIU

Nâng cao năng lực về cách tiếp cận khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Hội thảo trực tuyến “Tập huấn nâng cao năng lực Hiệu quả tài nguyên Sản xuất sạch hơn và Cộng sinh công nghiệp” diễn ra ngày 27-28/7/2021 tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đồng tổ chức.

SECO và UNIDO cam kết hỗ trợ phát triển kinh tế, công nghiệp bền vững tại Việt Nam

Bà Lê Thanh Thảo-Trưởng Đại diện Quốc gia, Văn phòng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo trực tuyến.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ của dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” (Dự án) do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ và được thực hiện bởi Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI). Hội thảo nhằm cung cấp khóa tập huấn nâng cao năng lực về cách tiếp cận KCN sinh thái cho Ban Quản lý KKT Hải Phòng, KCN DEEP C và các doanh nghiệp trong các KCN Hải Phòng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Lê Thanh Thảo, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) tại Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả của UNIDO và Chính phủ Việt Nam (đại diện là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong việc phát triển KCN sinh thái, tiến đến định hướng phát triển kinh tế và công nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Bà Lê Thanh Thảo cho biết, với mục tiêu thúc đẩy việc phát triển các KCN Việt Nam theo hướng bền vững, thông qua sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, Dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” do UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng thực hiện đã được cụ thể hóa trong Chương trình KCN sinh thái toàn cầu thực hiện trong giai đoạn 2019-2023. Hiện Dự án đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ các KCN trong khuôn khổ của Dự án và thực hiện các giải pháp chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái thông qua đào tạo tập huấn, thực hiện giải pháp về hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) và cộng sinh công nghiệp.

Bà Lê Thanh Thảo nhấn mạnh, trong những năm qua, UNIDO đã có những hợp tác thành công với các cơ quan tại Việt Nam ở cấp quốc gia và chính quyền địa phương. Các hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO trải rộng trong rất nhiều lĩnh vực, qua đó đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và thông lệ thực hành tốt để hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế và công nghiệp một cách bền vững.

Thay mặt UNIDO, bà Thanh Thảo khẳng định, trong những năm tới, UNIDO cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các bên có liên quan để hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp quan trọng, chuyển giao công nghệ, xây dựng các chính sách phát triển công nghiệp bền vững, góp phần giúp Việt Nam đạt được những ưu tiên phát triển kinh tế- xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).


Ông Đỗ Quang Huy – Cán bộ Chương trình Quốc gia của SECO tại Việt Nam.

Thay mặt Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tại Việt Nam, ông Đỗ Quang Huy, cán bộ Chương trình Quốc gia của SECO tại Việt Nam cho biết, dự án “Triển khai Sáng kiến KCN Sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam (EIP)” được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2014 và có một cột mốc đặc biệt. Dự án EIP giai đoạn I đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật liên quan để xây dựng và thông qua Nghị định 82/NĐ-CP về quản lý KCN và KKT. Nghị định mới hình thành một khuôn khổ pháp lý vững chắc và là chìa khóa cho sự phát triển của các KCN sinh thái ở Việt Nam trong tương lai. Chính phủ Thụy Sỹ ghi nhận và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNIDO và tất cả các bên liên quan, đã có những nỗ lực to lớn trong việc hiện thực hóa cột mốc quan trọng này.

Ông Đỗ Quang Huy nhấn mạnh, tuy nhiên không có chỗ cho sự tự mãn vì những thành quả hợp pháp cần được chuyển thành những hành động thực tế. Về vấn đề này SECO muốn khuyến khích Chính phủ Việt Nam và tất cả các bên liên quan khác mở rộng quy mô hơn nữa, các phương pháp sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên; đồng thời thúc đẩy việc chuyển đổi một số lượng lớn các KCN truyền thống sang KCN sinh thái trong giai đoạn II của Dự án.

Dự án EIP giai đoạn II có tổng kinh phí 1.821.800 USD, trong đó Chính phủ Thụy Sỹ hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoảng 1,5 triệu Euro (tương đương 1.638.000 USD) thông qua Ban Thư ký Nhà nước về các vấn đề kinh tế của Thụy Sỹ (SECO) và đồng tài trợ 138.800 USD từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự án sẽ được thực hiện tại Hà Nội và 05 tỉnh/thành phố: Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng trong thời gian 36 tháng. Với sự hỗ trợ hiệu quả của SECO đã góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công cam kết Paris về giảm phát thải và các mục tiêu phát triển bền vững SDGs thông qua Dự án.

“Tôi tin rằng thông qua việc cải thiện hoạt động môi trường, xã hội và kinh tế của các công ty ở quy mô lớn hơn, có thể đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững hơn vì lợi ích của nhân dân Việt Nam. Chắc chắn, với một cơ chế phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan, sự lãnh đạo mạnh mẽ và cam kết chính trị, chúng ta mới có thể đạt được một kết quả mong muốn. Sự kiện hôm nay quy tụ nhiều bên liên quan khác nhau là minh chứng cho thấy chúng tôi đã đi đúng hướng”, ông Đỗ Quang Huy bày tỏ sự tin tưởng.

Thúc đẩy nâng cao năng lực cách tiếp cận KCN sinh thái

Bà Nguyễn Trâm Anh, cán bộ Ban Quản lý Dự án phát biểu tại Hội thảo trực tuyến

Giới thiệu tổng quan về KCN sinh thái, bà Nguyễn Trâm Anh, cán bộ Ban Quản lý Dự án cho biết, Dự án đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác của Dự án là các Bộ, ngành liên quan; chính quyền địa phương, Ban quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Hồ Chí Minh; các KCN thí điểm lựa chọn là: KCN Amata (Đồng Nai), KCN Deep C (Hải Phòng), KCN Hiệp Phước (Hồ Chí Minh), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng). Ngoài ra, Dự án tiếp tục hỗ trợ phát triển các giải pháp Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) và cơ hội cộng sinh công nghiệp ở cấp độ doanh nghiệp và KCN đã được xác định từ pha trước của Dự án. Kinh nghiệm thực hiện tại các KCN này sẽ là mô hình mẫu để nhân rộng và phát triển mô hình KCN sinh thái trên cả nước.

Thời gian thực hiện của Dự án là 03 năm (từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2023).

Theo đó, mục tiêu của Dự án là cải thiện hiệu quả môi trường kinh tế, xã hội của các ngành công nghiệp Việt Nam thông qua thực hiện phương pháp tiếp cận KCN sinh thái tại các KCN thí điểm được lựa chọn và nâng cao vai trò của các KCN sinh thái trong các chính sách về môi trường, công nghiệp và các ngành khác ở cấp quốc gia.

Bà Trâm Anh khẳng định, mô hình KCN sinh thái đích thực được xác định dựa trên các tiêu chí, cụ thể là: Mô hình KCN sinh thái theo khung khổ quốc tế; Quản lý KCN sinh thái và các dịch vụ cho các doanh nghiệp trong KCN sinh thái; khái niệm, phương pháp và công cụ chính trong việc nhận diện và thực hiện các giải pháp Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP); khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến phát hiện và thực hiện cộng sinh công nghiệp.

Đồng thời nhấn mạnh, có nhiều khái niệm về KCN sinh thái, song ngắn gọn thì KCN sinh thái là việc tạo ra các KCN hiệu quả hơn về tài nguyên và chi phí, có tính cạnh tranh cao hơn, hấp dẫn đầu tư hơn và có khả năng chống chịu rủi ro cao hơn.

Về lợi ích KCN sinh thái có liên quan đến 04 đối tượng chính, đó là: Các doanh nghiệp trong các KCN sinh thái; cộng đồng địa phương; môi trường xung quanh KCN sinh thái; cấp các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các Ban Quản lý KCN sinh thái.

Các cấu phần chính của KCN sinh thái bao gồm 05 cấu phần, bao gồm: Ban Quản lý và dịch vụ tại các KCN; Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn; Cộng sinh công nghiệp và cơ sở hạ tầng; Hiệp lực đô thị và lực lượng lao động xung quanh; Quy hoạch và phân vùng không gian.

Tại Hội thảo trực tuyến, ông Dick Van Beers, chuyên gia dự án UNIDO đã phân tích cơ sở đánh giá KCN sinh thái và các cơ hội cho KCN sinh thái phát triển dựa trên các tiêu chí về: Đánh giá hiệu quả hoạt động của KCN theo khung khổ quốc tế về KCN sinh thái; xác định và ưu tiên các cơ hội về KCN sinh thái; kế hoạch hành động và thực hiện các cơ hội về KCN sinh thái; kết quả đánh giá KCN sinh thái ở Việt Nam và quốc tế.

Ông Đinh Mạnh Thắng, chuyên gia cao cấp về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, VNCPC phát biểu tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, chuyên gia cao cấp về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, ông Đinh Mạnh Thắng-Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã cung cấp bức tranh tổng thể phương pháp tiếp cận Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) trong công nghiệp. Trong đó tập trung vào tổng quan về RECP, phương pháp luận RECP và áp dụng triển khai trong thực tế; các bước đánh giá RECP tại hiện trường; các tiềm năng RECP về tiết kiệm tài nguyên trong công nghiệp và các ví dụ điển hình tại các KCN trong giai đoạn đã được áp dụng triển khai thành công tại các dự án của Việt Nam thời gian qua.

Ông Ankit Kapasi, chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái, Sofies phát biểu tại Hội thảo trực tuyến

Về các nội dung liên quan đến cộng sinh công nghiệp, ông Ankit Kapasi, chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái, Sofies và ông Dick Van Beers, chuyên gia dự án UNIDO đã phân tích các giá trị cốt lõi của cộng sinh công nghiệp – những khái niệm chính và công cụ thực hiện (bao gồm mục tiêu, lợi ích và thách thức của cộng sinh công nghiệp; phương pháp và công cụ nhận diện các cơ hội; cơ cấu và mô hình quản trị…). Tựu chung, mục đích cụ thể của cộng sinh công nghiệp là tối đa hóa việc bảo tồn tài nguyên và giảm phát thải thông qua quản lý bền vững chất thải và các sản phẩm phụ giữa các ngành/công ty; cộng sinh giữa các công ty giúp hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Đồng thời các chuyên gia dẫn chứng một số ví dụ KCN sinh thái điển hình trên thế giới đã làm tốt vai trò cộng sinh công nghiệp, đó là KCN Kwinana (Úc); KCN Map Ta Phut (Thái Lan); cộng sinh công nghiệp- đô thị ở Kalundborg (Đan Mạch).

Ông Đinh Mạnh Thắng, đại diện VNCPC và ông Alessandro Flammini, quản lý Chương trình của UNIDO tại Cộng hòa Áo chia sẻ, sắp tới Dự án sẽ cử cán bộ kỹ thuật và các chuyên gia kinh tế đến trực tiếp các KCN được thí điểm lựa chọn triển khai KCN sinh thái để tìm hiểu về mặt rào cản pháp lý, tiến hành thu thập thông tin, đo đạc lại kết quả để xác định các giải pháp về cộng sinh công nghiệp cho các doanh nghiệp. Các chuyên gia kinh tế sẽ nghiên cứu các giải pháp khả thi để cho các doanh nghiệp có lộ trình thực hiện và xây dựng được các dự án; hoặc các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận được với các nguồn tài chính, các quỹ tài chính xanh ở Việt Nam để có thể vay vốn hoặc vay gói hỗ trợ tài chính nhằm thực hiện các giải pháp này.

Các chuyên gia nhấn mạnh, với sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả này, các doanh nghiệp có thể nhân rộng được các mô hình cộng sinh công nghiệp ngay trong KCN hoặc trong các KCN khác nhau, hoặc các khu lân cận; sau đó sẽ tập hợp lại để đưa ra được đề xuất về cơ chế tài chính trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, làm cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các Bộ, ngành liên quan và đề xuất lên cơ quan Chính phủ.

Tại KCN DEEP C, Dự án sẽ lựa chọn khoảng 20 doanh nghiệp trong KCN. Sau đó sẽ có buổi hướng dẫn cụ thể, chi tiết các kiến thức chuyên môn, kỹ thuật vận hành cộng sinh công nghiệp cho các cán bộ kỹ thuật tại 20 doanh nghiệp trong KCN DEEP C nhằm đảm bảo cho họ là lực lượng nòng cốt thực hiện cộng sinh công nghiệp hiệu quả tại doanh nghiệp. Trên cơ sở các thiết bị kỹ thuật đo đạc cũng như khảo sát tình hình thực tế, Ban Quản lý Dự án cũng sẽ đưa ra các giải pháp cốt lõi. nhằm mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp; đồng thời sẽ thông báo lộ trình cụ thể về kế hoạch triển khai gửi cho các doanh nghiệp trong KCN DEEP C để có các hoạt động triển khai cộng sinh công nghiệp.

Dự kiến Hợp phần này của Dự án dự kiến sẽ triển khai trong 14 tháng, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì dự kiến kết thúc vào tháng 6/2022.

Cơ hội triển khai KCN sinh thái tại KCN DEEP C Hải Phòng

Bà Melissa Slabbaert, KCN DEEP C Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo trực tuyến

Đánh giá về các KCN tại Việt Nam, ông Dick Van Beers-UNIDO cho rằng, DEEP C là một trong các ví dụ điển hình về KCN sinh thái tại Việt Nam. Mô hình hoạt động của KCN DEEP C giống KCN Kwinana là đều có nhiều loại hình doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực khác nhau nên có thể tận dụng cộng sinh công nghiệp cũng như sử dụng chung các tiện ích trong KCN. Đồng thời các chuyên gia cũng nhận định lợi thế của KCN DEEP C giống KCN Kwinana là xây dựng được các hội đồng công nghiệp nhằm tạo sân chơi cho các doanh nghiệp gắn kết với chính quyền địa phương; có sự đa dạng của các ngành nghề trong KCN nên có sự tương hỗ giữa các ngành, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, môi trường, xã hội, cơ sở pháp lý và quản trị doanh nghiệp.

Thảo luận về cơ hội cộng sinh công nghiệp có thể nhận diện tại KCN DEEP C, đại diện UNIDO và các chuyên gia dự đoán các ngành sẽ có nhiều cơ hội chiếm ưu thế như: Dịch vụ sửa chữa, bảo trì định kỳ thiết bị, kiểm toán năng lượng, chăm sóc cây xanh.

Về động lực để triển khai KCN sinh thái tại KCN DEEP C, UNIDO và các chuyên gia lưu ý các nhà quản lý KCN DEEP C cần tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với cộng đồng địa phương từ trước khi triển khai Dự án để tránh xung đột sau khi dự án được triển khai và đi vào hoạt động. Mặt khác nên tinh toán, cân nhắc đưa vào một số mô hình KCN có lợi ích cho cộng đồng để xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng.

Các chuyên gia cho rằng, KCN DEEP C cần thiết phải tổ chức các cuộc Hội thảo cho các bên trong KCN cũng như với các cộng đồng địa phương để tìm ra cơ hội hiệp lực công nghiệp (cộng sinh công nghiệp). Qua đó tạo sự kết nối giữa KCN với cộng đồng các doanh nghiệp xung quanh KCN, và tiến xa hơn là kết nối với các cộng đồng khác ngoài KCN (các KCN trong thành phố) để tạo thành một chu trình cộng sinh công nghiệp, qua đó mang lại lợi ích cho các bên liên quan.

Đại diện KCN DEEP C Hải Phòng, bà Melissa Slabbaert cho biết, thông điệp chính của KCN DEEP C là “Tự vận hành bền vững”. Hiện nay các doanh nghiệp trong KCN DEEP C đang có nhiều ưu thế để công sinh công nghiệp trong các lĩnh vực như: Hóa chất, cứu hỏa, Internet vạn vật (đo lượng điện sử dụng chung), dịch vụ xe buýt nội bộ trong KCN. Đồng thời cho rằng, KCN DEEP C cần thiết phải có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn để trao đổi thông tin liên lạc trong các doanh nghiệp cũng như với cộng đồng địa phương nhằm biết rõ nhu cầu của mỗi bên, tránh được những rủi ro, xung đột sau khi Dự án triển khai và đi vào hoạt động.

Cần có chính sách và tiêu chí rõ ràng cho KCN sinh thái phát triển

Ông Dick Van Beers-UNIDO phát biểu tại Hội thảo trực tuyến

Chia sẻ về “Giấy thông hành” chứng nhận cho KCN đạt tiêu chuẩn KCN sinh thái hiện nay, ông Dick Van Beers-UNIDO nhấn mạnh, Khung quốc tế về KCN sinh thái trên thế giới thực tế hiện nay không có quy định, tiêu chuẩn cụ thể nào; mà thực chất đó chỉ là hướng dẫn để quản lý hiệu quả KCN về khía cạnh môi trường, kinh tế và xã hội (nên không có tính chất ràng buộc, chỉ là cách tiếp cận, tập chung vào tiêu chí với mục đích làm gì để biến các KCN được tốt hơn, cạnh tranh tốt để giảm chi phí sản xuất, phát triển hiệu quả bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội).

Tại Việt Nam, để khuyến khích các KCN sinh thái phát triển, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và KKT, trong đó thể chế hóa các khái niệm KCN sinh thái, cộng sinh công nghiệp, đưa ra các tiêu chí xác định KCN sinh thái, khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp áp dụng và phát triển theo mô hình KCN sinh thái. Tuy nhiên thực tế về mặt luật pháp còn nhiều rào cản trong các quy định, thông tư (liên quan đến công sinh công nghiệp, thực hiện KCN sinh thái), nên chưa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Hợp phần của Dự án này có việc các chuyên gia kinh tế đến trực tiếp các KCN tìm hiểu các rào cản về mặt pháp lý; trên cơ sở đó UNIDO có kiến nghị, đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, sửa đổi các chính sách và giải pháp phát triển KCN sinh thái tại Nghị định 82 để trình lên Chính phủ xem xét, quyết định cho định hướng phát triển KCN sinh thái.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Alessandro Flammini- Quản lý Chương trình của UNIDO tại Cộng hòa Áo khẳng định, hành trình chuyển đổi sang KCN sinh thái tại Việt Nam không phải là một bảng điểm làm núp (mang tính hình thức) để đánh dấu xem có đáp ứng được hay không, mà là xây dựng các mô hình trình diễn về các KCN sinh thái ở các vùng miền tại Việt Nam. UNIDO cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để hỗ trợ về kỹ thuật và các giải pháp cho phát triển kinh tế và công nghiệp bền vững tại Việt Nam. Đồng thời mong muốn sẵn sàng có các buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp KCN và các bên liên quan khác, để tìm kiếm cơ hội cộng sinh giữa đô thị và công nghiệp tại Việt Nam.

Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” được cụ thể hóa trong Chương trình KCN sinh thái toàn cầu thực hiện trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO thực hiện từ nguồn tài trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO); thời gian thực hiện Dự án là 03 năm (từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2023; Dự án được triển khai thí điểm tại các địa phương: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Hồ Chí Minh.

Dự án trên là sự kế thừa của Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường Toàn cầu và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tài trợ, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO thực hiện thành công tại Việt Nam trong giai đoạn năm 2014-2019 (kết thúc vào tháng 6/2019); Dự án được triển khai thí điểm tại các địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Nguyễn Hằng
https://kinhtevadubao.vn/nang-cao-nang-luc-ve-cach-tiep-can-khu-cong-nghiep-sinh-thai-tai-viet-nam-18615.html

Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu – Cơ hội mới cho các doanh nghiệp

Chiều ngày 15/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo online giới thiệu dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN Sinh thái toàn cầu”.

Đây là dự án do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ và được Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai tại các nước đang phát triển và chuyển đổi.

Dự án gắn kết với mục tiêu của Chương trình KCN sinh thái toàn cầu (GEIPP), thể hiện sự khả thi và lợi ích của các phương pháp tiếp cận KCN sinh thái trong cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội tại các doanh nghiệp, từ đó góp phần vào sự phát triển công nghiệp bền vững và toàn diện ở Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức online những đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều các doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) phối hợp với UNIDO thực hiện trong thời gian từ năm 2020 – 2023. Đối tượng thụ hưởng chính của dự án bao gồm: KCN Amata (Đồng Nai), KCN Đình Vũ (Deep C- Hải Phòng), KCN Hiệp Phước (Tp.HCM). Ngoài ra, dự án còn tiếp tục hỗ trợ phát triển các cơ hội cộng sinh công nghiệp (CSCN) ở cấp độ doanh nghiệp và KCN đã được xác định từ pha trước của dự án.

Để triển khai dự án, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC – thuộc BK Holdings – Đại học Bách Khoa Hà Nội) và Sofies (Thụy Sỹ) là đơn vị đã được lựa chọn để thực hiện gói thầu “Cung cấp các dịch vụ để xác định các cơ hội hiệu quả tài nguyên, CSCN và cung cấp các khóa đào tạo liên quan tại các KCN Deep C và Amata. Kinh nghiệm thực hiện tại các KCN này sẽ là mô hình mẫu để nhân rộng và phát triển mô hình KCN sinh thái trên cả nước.

Doanh nghiệp được hưởng lợi gì khi tham gia dự án?

Theo bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý các KKT, Bộ KH&ĐT, Phó Giám đốc dự án: Trong quá trình phát triển các KCN không tránh khỏi các tác động tới môi trường.

Tán đồng với ý kiến trên, ông Đinh Mạnh Thắng – chuyên gia cao cấp về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn của VNCPC cho biết: Theo tính toán phải cần đến 2 trái đất mới có thể đáp ứng các nhu cầu hiện nay của hơn 7 tỷ người. Do đó việc phát triển KCN sinh thái là yêu cầu tất yếu để phát triển kinh tế ít phụ thuộc vào tài nguyên, từ đó làm giảm áp lực đối với môi trường…

Còn theo ông Nguyễn Xuân Tình – Công ty TNHH Tư vấn Thương mại Sen 26 hiện nay đang có rất nhiều cơ chế tài chính cho các hoạt động sản xuất sạch hơn và CSCN từ các ngân hàng trong nước như: BIDV, Agribank, Vietcombank, Sacombank… thông qua các khoản vay và bảo lãnh tính dụng. Ngoài ra, còn có các cơ chế tài chính từ các ngân hàng/tổ chức nước ngoài cùng các chương trình hỗ trợ về nâng cao năng lực và kỹ thuật do các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện.

Về phía đơn vị tư vấn, ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc VNCPC cho biết: Dự án sẽ tập trung vào đào tạo tập huấn về hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), CSCN và kiến thức về KCN sinh thái; Đánh giá nhanh về RECP và hướng dẫn xác định các lãng phí trong quá trình sản xuất, cơ hội cải thiện để tối ưu lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, nước..; Đánh giá tính khả thi và xây dựng các giải pháp CSCN hướng tới mô hình KCN sinh thái; Hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài chính để thực hiện các giải pháp CSCN.

Tới đây, vào ngày 27-28/7, VNCPC và tổ chức chương trình tập huấn 2 ngày nhằm nâng cao năng lực về RECP và CSCN cho các doanh nghiệp tại KCN Deep C (Hải Phòng). Tuy nhiên, các doanh nghiệp quan tâm vẫn có thể đăng ký tham gia.

VNCPC

Hội thảo trực tuyến: Giới thiệu dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”

Thời gian: 13:00- 17:00, ngày 15/7/2021

Để tham gia hội thảo Quý vị xin vui lòng sử dụng đường dẫn sau: https://zoom.us/j/94881029958?pwd=dmxjbWJObWRxdUxHNXdBTVdBcXFIQT09

Hoặc Join Zoom Meeting
ID: 948 8102 9958
Passcode: 1507@kcnst

Đường dẫn để tải chương trình hội thảo và tài liệu:
https://vncpc.org/tai-lieu-hoi-thao-kcnst/
Trong quá trình tham gia, Quý vị có vấn đề gì trong việc truy cập xin vui lòng liên hệ Anh Vũ Hà: 0915.678.069 để được hỗ trợ.

Khởi động Dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái – công bằng tại Việt Nam”

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề Nông thôn Việt Nam (VIRI) cùng các đối tác là: Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC); Công ty Funzilife Ltd (Funzi), Trung tâm Nghiên cứu tư vấn Sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS) đã chính thức khởi động Dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái – công bằng tại Việt Nam” (Dự án Eco-Fair).

Dự án Eco-Fair do Liên minh châu Âu tài trợ và được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 04/2020 đến tháng 04/2023.

Các đối tác của dự án tại lễ khởi động.

Dự án Eco-Fair hướng tới các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ như tiêu dùng có trách nhiệm, sức khỏe và cuộc sống tốt, hành động vì khí hậu… Theo đó, các sản phẩm nông sản sinh thái – công bằng được thúc đẩy cung và cầu, nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất cải thiện thị trường tại Việt Nam cũng như mở rộng thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi khi có nguồn cung các sản phẩm chất lượng cao và an toàn với một mức giá ổn định.

Cụ thể, dự án sẽ cung cấp 3 khóa học miễn phí về phát triển bền vững cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trên khắp cả nước. Các khóa học này được thiết kế sinh động, ngắn gọn và mang tính tương tác cao, có thể học ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào, trên điện thoại di động hoặc máy tính.

Để tham gia khoá học dành cho người tiêu dùng, hãy click vào đường link sau: funzi.mobi/go/tieudungbenvung

Với khóa học dành cho người tiêu dùng, người học sẽ hiểu thêm về tác động của tiêu dùng lên môi trường và xã hội, nhận biết được các nhãn mác sinh thái – công bằng, từ đó thay đổi nhận thức và điều chỉnh thói quen mua sắm, sinh hoạt, cũng như ủng hộ các sản phẩm bền vững nội địa.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, khóa học đầu tiên về sản xuất bền vững đã được khởi động tại đường link sau: funzi.mobi/go/sanxuatbenvung2 

Sau khóa đào tạo về sản xuất bền vững, các doanh nghiệp sẽ được lựa chọn để tham gia vào các hoạt động tiếp theo của dự án như tư vấn tại doanh nghiệp nhằm hỗ trợ triển khai thực tiễn cách thức nâng cao hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), đổi mới sản phẩm bền vững, tiếp cận tài chính xanh… Khóa học thứ 3 sẽ dành cho các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận và vay vốn tại các tổ chức tài chính có chương trình hỗ trợ dành cho thực hiện sản xuất bền vững.

Ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC – giới thiệu về hoạt động thúc đẩy RECP.

Mục tiêu cụ thể của dự án bao gồm: 

  • Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tại Việt Nam để triển khai các thực hành sản xuất bền vững và đổi mới sản phẩm trong chuỗi cung ứng sản phẩm chế biến nông sản
  • Nâng cao nhận thức trong cộng đồng người tiêu dùng về tiêu dùng bền vững và xây dựng mạng lưới tiêu dùng sản phẩm sinh thái – công bằng
  • Xúc tiến sản phẩm sinh thái – công bằng thông qua nền tảng thương mại điện tử bền vững và mạng lưới nhà bán lẻ các sản phẩm sinh thái – công bằng
  • Tăng cường năng lực tiếp cận tài chính xanh cho các MSME sinh thái – công bằng
  • Thúc đẩy chính sách về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm sinh thái – công bằng tại châu Á

Đối tượng hưởng lợi:

  • MSME trong lĩnh vực chế biến thực phẩm nông nghiệp thuộc 4 tiểu ngành: hạt điều, gạo, rau củ, hoa quả
  • Người tiêu dùng tại Việt Nam
  • Các tổ chức trung gian hỗ trợ kinh doanh

    Các sản phẩm sinh thái – công bằng được giới thiệu tại lễ công bố dự án.

Bà Nguyễn Bảo Thoa – Viện trưởng VIRI tin tưởng rằng kết quả đạt được từ dự án sẽ thúc đẩy tiêu dùng bền vững các sản phẩm chế biến nông nghiệp sinh thái – công bằng. Từ đó, góp phần vào sự phát triển sinh kế bền vững và kinh tế xanh trong quá trình hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

VNCPC