VNCPC tiếp tục phối hợp cùng VIRI triển khai Chương trình Ecofair 2

Chương trình “Phát triển doanh nghiệp sinh thái – công bằng (doanh nghiệp bền vững) do phụ nữ làm chủ trong lĩnh vực nông nghiệp xanh và tuần hoàn tại Việt Nam” (Ecofair 2) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, được Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) phối hợp cùng Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC) thực hiện trong thời gian 3 năm (2024 – 2027).

Chương trình được triển khai tại 04 tỉnh là Bắc Giang, Tuyên Quang, Bình Định và Kiên Giang. Mục tiêu hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp (DN)/hợp tác xã/hộ sản xuất kinh doanh cá thể do phụ nữ làm chủ, hoặc đơn vị kinh doanh, sản xuất có nhiều lao động nữ tham gia (DNN) cải thiện khả năng tiếp cận việc làm bền vững và cơ hội kinh doanh cho lao động nữ thuộc mọi thành phần, trong lĩnh vực nông nghiệp xanh và tuần hoàn, thúc đẩy các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.

Theo đó, vai trò của VNCPC trong Chương trình này là:

  • Đào tạo, chia sẻ thông tin về thực hành nông nghiệp bền vững giúp nâng cao năng lực của các DNN trong việc thực hiện các hoạt động sản xuất và kinh doanh hướng tới nông nghiệp sinh thái – công bằng, xanh và tuần hoàn (nông nghiệp bền vững);
  • Tư vấn kỹ thuật và hướng dẫn áp dụng các thực hành nông nghiệp bền vững tại các DNN thông qua hoạt động tư vấn trực tiếp tại DN về nâng cao Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP), góp phần giảm phát thải và tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ;
  • Trực tiếp hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái cho các DNN tại địa phương; và
  • Tư vấn xây dựng kế hoạch kinh doanh và kết nối tài chính cho các DN/HTX tham gia chương trình để mở rộng sản xuất và thị trường.

Trước đó, Dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái – công bằng tại Việt Nam” (EcoFair) do EU tài trợ đã được thực hiện từ tháng 04/2020 – 05/2023. Dự án được triển khai trên khắp cả nước, góp phần hỗ trợ DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam thuộc lĩnh vực: Chế biến thịt, thủy sản, gạo, hạt điều, rau củ và trái cây cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đồng thời thay đổi nhận thức và sự tin dùng của cộng đồng đối với sản phẩm nội địa.

Tham gia dự án VNCPC đã:

  • Biên soạn và phổ biến các khóa học trực tuyến về sản xuất và tiêu dùng bền vững;
  • Nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng thông qua đào tạo trực tuyến, đồng thời xây dựng mạng lưới đại sứ để tạo ra sự thay đổi trong cộng đồng;
  • Nâng cao năng lực cho 1.000 DN nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực chế biến nông sản thông qua các khóa học trực tuyến;
  • Nâng cao nhận thức về sản phẩm sinh thái – công bằng và chính sách kinh tế tuần hoàn trong quá trình chế biến nông sản;
  • Đánh giá nhanh tại thực địa, tìm các cơ hội để hỗ trợ 200 DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa sản xuất bền vững hơn;
  • Đánh giá chuyên sâu về RECP cho 50 DN nhỏ và vừa giúp tìm ra các cơ hội tiết kiệm cho phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng cơ hội tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước; và
  • Đào tạo cho các DN nhỏ và vừa về thủ tục và cơ hội tiếp cận với các nguồn tài chính xanh, và hỗ trợ các DN có nhu cầu lập hồ sơ tiếp cận với các nguồn vốn.

VNCPC

Ra mắt tính năng mới trên website Biochar Việt Nam – Kết nối hiệu quả, phát triển bền vững!

Sau một thời gian hoạt động, website Biochar Việt Nam (https://biocharvietnam.org/) đã nhận được sự quan tâm lớn từ các tổ chức và cá nhân, các nhà khoa học và cả cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực biochar. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của cộng đồng, Biochar Việt Nam đã thiết kế và tích hợp bản chia sẻ thông tin nhằm thúc đẩy kết nối nhanh chóng và hiệu quả giữa các bên cung ứng và bên có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ biochar.

Biochar Việt Nam là kho thông tin trực tuyến về than sinh học. Website được Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất hơn Việt Nam (VNCPC) thiết kế và vận hành, dưới sự tài trợ tài chính từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) thông qua Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) để chia sẻ và phổ biến kiến thức, bài học kinh nghiệm và các sáng kiến trong các hoạt động nghiên cứu, sản xuất và thương mại than sinh học tại Việt Nam.

Tính năng mới này được ra mắt nhằm hướng đến việc xây dựng cộng đồng, kết nối những cá nhân và tổ chức quan tâm đến biochar, kết nối các bên liên quan một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Theo đó, bản chia sẻ thông tin được thiết kế giúp:

  • Tập hợp thông tin của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực biochar
  • Cung cấp dữ liệu cung – cầu biochar tại Việt Nam
  • Hỗ trợ kết nối các bên liên quan trong lĩnh vực biochar

Biochar Việt Nam trân trọng kính mời các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực biochar tại Việt Nam chia sẻ thông tin tại đây để có cơ hội kết nối với các đối tác, chung tay xây dựng cộng đồng biochar vững mạnh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Thông tin thêm vui  lòng truy cập website: Biochar Việt Nam

Than sinh học (biochar) được sản xuất từ sinh khối hữu cơ thông qua quá trình nhiệt phân ở nhiệt độ cao trong điều kiện yếm khí. Biochar không chỉ giúp cải thiện chất lượng đất, tăng cường năng suất cây trồng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính và quản lý chất thải sinh khối hiệu quả.

VNCPC

Nhựa đường tự phục hồi sử dụng bào tử thực vật để ngăn hình thành ổ gà

Nếu muốn ngăn ổ gà hình thành trên đường nhựa cần phải xử lý khi chúng vẫn chỉ là những vết nứt nhỏ. Một loại nhựa đường tự phục hồi mới có thể làm được điều đó bằng cách sử dụng các bào tử thu được từ rêu.

Vật liệu thử nghiệm hiện đang được các nhà khoa học từ Đại học Swansea và King’s College London ở Anh phát triển, hợp tác với các đồng nghiệp từ Đại học Bío-Bío ở Chile.

Các nhà nghiên cứu bắt đầu bằng cách sử dụng các thuật toán học máy để mô hình hóa cách bitum (chất dính màu đen trong nhựa đường) bị oxy hóa và cứng lại để phản ứng với yếu tố môi trường. Khi đã cứng lại vượt quá ngưỡng nhất định, bitum sẽ nứt thay vì giãn ra khi chịu tải trọng nặng.

Để chữa lành các vết nứt nhỏ ban đầu trước khi chúng có thể hình thành vết nứt lớn hơn và cuối cùng là ổ gà cần phải có cách trẻ hóa bitum bị oxy hóa. Đó là nơi các bào tử xuất hiện. Các nhà khoa học bắt đầu bằng cách lấy bào tử từ cây rêu sừng hươu (Lycopodium clavatum). Sử dụng nhiều phương pháp xử lý hóa học khác nhau, các nhà nghiên cứu có thể loại bỏ tế bào sinh sản từ bên trong các bào tử đó, khiến chúng trở nên rỗng.


Tiến sĩ Jose Norambuena-Contreras của Đại học Swansea với một mẫu nhựa đường tự phục hồi.

Tiếp theo, sử dụng kỹ thuật đóng gói chân không và ly tâm, các nhà khoa học đã nạp các bào tử bằng tải trọng dầu hướng dương. Các bào tử đã nạp sau đó được thêm vào bitum, sử dụng để sản xuất các mảnh nhựa đường nhỏ.

Khi các mẫu nhựa đường chịu tác động của điều kiện khiến các vết nứt nhỏ hình thành trong bitum, bào tử bên trong các vết nứt đó vỡ ra và giải phóng dầu hướng dương. Dầu đó làm trẻ hóa bitum bị oxy hóa, khiến các vết nứt biến mất trong vòng chưa đầy một giờ.

“Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi muốn mô phỏng các đặc tính chữa lành được quan sát thấy trong tự nhiên. Ví dụ, khi một cái cây hoặc động vật bị chặt, vết thương sẽ tự lành theo thời gian, sử dụng chính sinh học của chúng. Việc tạo ra nhựa đường có thể tự lành sẽ làm tăng độ bền của đường và giảm nhu cầu lấp ổ gà của con người”, Tiến sĩ Francisco Martin-Martinez của King College London cho biết.

Tiểu My
https://vietq.vn/nhua-duong-tu-phuc-hoi-su-dung-bao-tu-thuc-vat-de-ngan-chan-o-ga-hinh-thanh-d230929.html