Doanh nghiệp Việt “chậm nhưng chắc” trong thực hành ESG

ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) trở thành yêu cầu bắt buộc trên thị trường toàn cầu. Dù còn nhiều thách thức, doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tiếp cận, thích nghi và chuyển hóa ESG thành lợi thế cạnh tranh dài hạn.

ESG – từ yêu cầu toàn cầu đến bước chuyển tại doanh nghiệp Việt

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng rõ nét, ESG đã không còn là khái niệm mới với cộng đồng doanh nghiệp. Thay vì là một lựa chọn tự nguyện, ESG đang trở thành điều kiện bắt buộc để tham gia các chuỗi cung ứng, thị trường xuất khẩu và hợp tác đầu tư quốc tế.

Tại Việt Nam, theo TS. Nguyễn Phương Nam – chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc (UNFCCC), hoạt động ESG hiện vẫn đang trong giai đoạn đầu và có phần chậm so với xu hướng toàn cầu. Việc đầu tư và thực hành ESG chủ yếu diễn ra tại các tập đoàn lớn, công ty niêm yết, hoặc những doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng có mức độ cạnh tranh cao.

ESG Không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân được chỉ ra là do doanh nghiệp Việt chưa có đủ thông tin định hướng rõ ràng về ESG, còn e dè trong việc đầu tư do thiếu hành lang chính sách cụ thể. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tìm được cách để cân bằng ba yếu tố cốt lõi của ESG: môi trường, xã hội và quản trị, dẫn đến việc triển khai còn dàn trải, thiếu trọng tâm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, với sự vào cuộc ngày càng quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, cam kết mạnh mẽ từ các tổ chức đầu tư tài chính và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, ESG tại Việt Nam đang bắt đầu có những bước chuyển mình đáng chú ý.

PGS. TS Nguyễn Đình Thọ – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định, ESG không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu suất mà còn là chìa khóa để gia tăng uy tín, thương hiệu, mở rộng thị trường và khẳng định vị thế trong “sân chơi” toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt chuyển hóa ESG thành giá trị thực tiễn

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã chủ động tiếp cận ESG và bước đầu gặt hái được kết quả tích cực. Tại Tập đoàn FPT, ESG đã được đưa vào chiến lược phát triển hơn 10 năm qua. Ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc FPT cho biết, từ bốn năm trở lại đây, ESG được triển khai toàn diện từ nội bộ đến hệ sinh thái đối tác. “Đưa ESG vào hoạt động cốt lõi sẽ nâng cao chất lượng vận hành, mở rộng tăng trưởng bền vững, tạo môi trường tốt để thu hút nhân lực trẻ. Đừng coi ESG là gánh nặng, hãy coi đó là cơ hội”, ông Khoa nhấn mạnh.

Ở lĩnh vực sản xuất, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng áp dụng các giải pháp giảm phát thải carbon, chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh và tuần hoàn. Kết quả, trong năm 2023, Vinatex đã giảm 2% lượng điện tiêu thụ và 84% lượng chất thải nguy hại so với năm trước.

Với ngành nông nghiệp, Tập đoàn Lộc Trời với triết lý “Cùng nông dân phát triển bền vững” cũng ghi nhận hiệu quả rõ rệt khi chuyển sang sản xuất xanh, giảm phát thải. Chi phí sản xuất của doanh nghiệp giảm 9%, trong đó chi phí thuốc trừ sâu giảm 23%, chi phí phân bón giảm 5%. Đồng thời, doanh thu tăng 2%, giá bán sản phẩm đầu ra cao hơn 1% so với canh tác truyền thống.

Trong ngành đồ uống, Công ty Heineken Việt Nam đã hoàn toàn chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sinh khối tại cả 6 nhà máy. Các phụ phẩm từ sản xuất bia như bã, men, bùn thải đều được tái chế thành sản phẩm đầu vào cho chuỗi giá trị khác như thức ăn chăn nuôi, phân bón, đất sạch… giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả kinh tế tuần hoàn.

Để ESG thực sự lan tỏa rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò then chốt của chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước. Cụ thể, cần sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chí, công cụ đo lường ESG phù hợp với đặc thù doanh nghiệp Việt; đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích về tài chính, tín dụng, thuế và đào tạo nguồn nhân lực xanh.

Về phía doanh nghiệp, điều quan trọng là phải thay đổi tư duy – coi ESG là một khoản đầu tư chứ không phải chi phí. Việc lồng ghép ESG với chuyển đổi số cũng là hướng đi cần thiết, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, giảm tác động đến môi trường và tăng khả năng cạnh tranh bền vững.

Duy Trinh
https://vietq.vn/doanh-nghiep-viet-cham-nhung-chac-trong-thuc-hanh-esg-d232905.html

VIRI cùng VNCPC tổ chức chương trình chia sẻ thông tin về nông nghiệp tuần hoàn, xanh và bền vững

Trong hai ngày 03-04/04/2025, Chương trình “Chia sẻ, cung cấp thông tin/kiến thức liên quan đến Nông nghiệp tuần hoàn, xanh và bền vững” đã được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang và Kiên Giang, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội thảo thuộc Chương trình phát triển doanh nghiệp sinh thái – công bằng do phụ nữ làm chủ trong lĩnh vực nông nghiệp xanh và tuần hoàn tại Việt Nam (EcoFair 2), do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.

Chương trình EcoFair 2 do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ được triển khai trong 3 năm từ 2024 – 2027.

Chương trình được triển khai tại 04 tỉnh là Bắc Giang, Tuyên Quang, Bình Định và Kiên Giang, trong thời gian 3 năm (2024 – 2027). Mục tiêu hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ sản xuất kinh doanh cá thể do phụ nữ làm chủ, hoặc đơn vị kinh doanh, sản xuất có nhiều lao động nữ tham gia cải thiện khả năng tiếp cận việc làm bền vững và cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp xanh và tuần hoàn, thúc đẩy các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã mà chương trình hướng tới. Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự tham gia của đại diện Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch/Phó chủ tịch Hội nông dân các tỉnh diễn ra hội thảo và các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI); Viện nghiên cứu Chiến lược, chính sách Nông nghiệp và Môi trường; Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC); Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam… cùng sự góp mặt của các chuyên gia là cố vấn của chương trình.

Ông Đỗ Trần Thịnh – Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo TS Nguyễn Bảo Thoa – Viện trưởng VIRI – Giám đốc chương trình EcoFair 2 cho biết: Nông nghiệp không chỉ là một ngành quan trọng đối với nền kinh tế mà còn là một phần không thể thiếu trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Chương trình hội thảo sẽ tập trung vào việc chia sẻ các thông tin, kiến thức và giải pháp về nông nghiệp bền vững, nhằm giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và gia tăng năng suất lao động”.

Theo đó, các chuyên gia đã cùng chia sẻ các kiến thức về Chứng nhận bền vững; Tín chỉ carbon; Sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả (RECP).

TS. Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC chia sẻ thông tin về Sản xuất bền vững.

Dự kiến các chương trình tiếp theo sẽ được tổ chức vào ngày 18/04/2025, tại tỉnh Bình Định

Trước đó, Dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái – công bằng tại Việt Nam” (EcoFair) do EU tài trợ đã được thực hiện từ tháng 04/2020 – 05/2023. Dự án được triển khai trên khắp cả nước, góp phần hỗ trợ DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam thuộc lĩnh vực: Chế biến thịt, thủy sản, gạo, hạt điều, rau củ và trái cây cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đồng thời thay đổi nhận thức và sự tin dùng của cộng đồng đối với sản phẩm nội địa.

VNCPC

Công nghệ xanh giúp cải thiện môi trường tại các làng nghề tái chế nhựa

Hoạt động sản xuất tại các làng nghề tái chế nhựa đã và đang mang lại nhiều lợi ích như việc làm, phát triển về kinh tế – xã hội cho các hộ dân ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các làng nghề hiện nay gây ra không ít tác động tiêu cực tới môi trường.

VNCPC

Ứng dụng than sinh học trong cải tạo đất

Dự án “Thúc đẩy mô hình kinh doanh hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam” thuộc khuôn khổ “Chương trình KCN sinh thái toàn cầu (GEIPP)” – Việt Nam do SECO tài trợ thông qua UNIDO. Dự án nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam với 3 mục tiêu chính: Nhận diện “công nghệ xanh” và nâng cao nhận thức về công nghệ nhiệt phân; Nghiên cứu khả thi và xây dựng các mô hình kinh doanh; Thúc đẩy thị trường than sinh học tại Việt Nam.

Ứng dụng than sinh học trong canh tác nông nghiệp giúp cải thiện chất lượng đất một cách tự nhiên, tăng cường năng suất cây trồng và giảm thiểu biến đổi khí hậu – đang là một hướng đi mới đầy hứa hẹn trong xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp sạch, bền vững.

VNCPC

VNCPC tiếp tục phối hợp cùng VIRI triển khai Chương trình Ecofair 2

Chương trình “Phát triển doanh nghiệp sinh thái – công bằng (doanh nghiệp bền vững) do phụ nữ làm chủ trong lĩnh vực nông nghiệp xanh và tuần hoàn tại Việt Nam” (Ecofair 2) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, được Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) phối hợp cùng Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC) thực hiện trong thời gian 3 năm (2024 – 2027).

Chương trình được triển khai tại 04 tỉnh là Bắc Giang, Tuyên Quang, Bình Định và Kiên Giang. Mục tiêu hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp (DN)/hợp tác xã/hộ sản xuất kinh doanh cá thể do phụ nữ làm chủ, hoặc đơn vị kinh doanh, sản xuất có nhiều lao động nữ tham gia (DNN) cải thiện khả năng tiếp cận việc làm bền vững và cơ hội kinh doanh cho lao động nữ thuộc mọi thành phần, trong lĩnh vực nông nghiệp xanh và tuần hoàn, thúc đẩy các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.

Theo đó, vai trò của VNCPC trong Chương trình này là:

  • Đào tạo, chia sẻ thông tin về thực hành nông nghiệp bền vững giúp nâng cao năng lực của các DNN trong việc thực hiện các hoạt động sản xuất và kinh doanh hướng tới nông nghiệp sinh thái – công bằng, xanh và tuần hoàn (nông nghiệp bền vững);
  • Tư vấn kỹ thuật và hướng dẫn áp dụng các thực hành nông nghiệp bền vững tại các DNN thông qua hoạt động tư vấn trực tiếp tại DN về nâng cao Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP), góp phần giảm phát thải và tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ;
  • Trực tiếp hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái cho các DNN tại địa phương; và
  • Tư vấn xây dựng kế hoạch kinh doanh và kết nối tài chính cho các DN/HTX tham gia chương trình để mở rộng sản xuất và thị trường.

Trước đó, Dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái – công bằng tại Việt Nam” (EcoFair) do EU tài trợ đã được thực hiện từ tháng 04/2020 – 05/2023. Dự án được triển khai trên khắp cả nước, góp phần hỗ trợ DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam thuộc lĩnh vực: Chế biến thịt, thủy sản, gạo, hạt điều, rau củ và trái cây cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đồng thời thay đổi nhận thức và sự tin dùng của cộng đồng đối với sản phẩm nội địa.

Tham gia dự án VNCPC đã:

  • Biên soạn và phổ biến các khóa học trực tuyến về sản xuất và tiêu dùng bền vững;
  • Nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng thông qua đào tạo trực tuyến, đồng thời xây dựng mạng lưới đại sứ để tạo ra sự thay đổi trong cộng đồng;
  • Nâng cao năng lực cho 1.000 DN nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực chế biến nông sản thông qua các khóa học trực tuyến;
  • Nâng cao nhận thức về sản phẩm sinh thái – công bằng và chính sách kinh tế tuần hoàn trong quá trình chế biến nông sản;
  • Đánh giá nhanh tại thực địa, tìm các cơ hội để hỗ trợ 200 DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa sản xuất bền vững hơn;
  • Đánh giá chuyên sâu về RECP cho 50 DN nhỏ và vừa giúp tìm ra các cơ hội tiết kiệm cho phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng cơ hội tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước; và
  • Đào tạo cho các DN nhỏ và vừa về thủ tục và cơ hội tiếp cận với các nguồn tài chính xanh, và hỗ trợ các DN có nhu cầu lập hồ sơ tiếp cận với các nguồn vốn.

VNCPC

Ra mắt tính năng mới trên website Biochar Việt Nam – Kết nối hiệu quả, phát triển bền vững!

Sau một thời gian hoạt động, website Biochar Việt Nam (https://biocharvietnam.org/) đã nhận được sự quan tâm lớn từ các tổ chức và cá nhân, các nhà khoa học và cả cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực biochar. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của cộng đồng, Biochar Việt Nam đã thiết kế và tích hợp bản chia sẻ thông tin nhằm thúc đẩy kết nối nhanh chóng và hiệu quả giữa các bên cung ứng và bên có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ biochar.

Biochar Việt Nam là kho thông tin trực tuyến về than sinh học. Website được Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất hơn Việt Nam (VNCPC) thiết kế và vận hành, dưới sự tài trợ tài chính từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) thông qua Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) để chia sẻ và phổ biến kiến thức, bài học kinh nghiệm và các sáng kiến trong các hoạt động nghiên cứu, sản xuất và thương mại than sinh học tại Việt Nam.

Tính năng mới này được ra mắt nhằm hướng đến việc xây dựng cộng đồng, kết nối những cá nhân và tổ chức quan tâm đến biochar, kết nối các bên liên quan một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Theo đó, bản chia sẻ thông tin được thiết kế giúp:

  • Tập hợp thông tin của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực biochar
  • Cung cấp dữ liệu cung – cầu biochar tại Việt Nam
  • Hỗ trợ kết nối các bên liên quan trong lĩnh vực biochar

Biochar Việt Nam trân trọng kính mời các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực biochar tại Việt Nam chia sẻ thông tin tại đây để có cơ hội kết nối với các đối tác, chung tay xây dựng cộng đồng biochar vững mạnh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Thông tin thêm vui  lòng truy cập website: Biochar Việt Nam

Than sinh học (biochar) được sản xuất từ sinh khối hữu cơ thông qua quá trình nhiệt phân ở nhiệt độ cao trong điều kiện yếm khí. Biochar không chỉ giúp cải thiện chất lượng đất, tăng cường năng suất cây trồng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính và quản lý chất thải sinh khối hiệu quả.

VNCPC