Tường chắn sóng tự cấp điện

Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản đang phát triển dự án nhằm tạo ra tường chắn sóng thần có khả năng tự cấp điện cho các hệ thống cảnh báo và xử lý khẩn cấp, giúp bảo vệ bến cảng hiệu quả.


Viện Công nghệ Tokyo đề xuất một bức tường chắn có thể tự sản xuất điện giúp bảo vệ các thị trấn ven biển trước sóng thần.

Đã hơn 1 thập niên sau khi xảy ra thảm họa kép động đất và sóng thần tại tỉnh Fukushima – một trong những trận thiên tai tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, nhiều thị trấn duyên hải đã rút ra bài học xương máu, đó là cần nghiên cứu xây dựng những bức tường chắn sóng cao hơn, hữu hiệu hơn.

Theo Hệ thống Cảnh báo Sóng thần Mỹ, mỗi năm trên thế giới chỉ có khoảng 2 trận sóng thần gây thiệt hại hoặc chết người. Những vụ sóng thần mạnh với khả năng gây thiệt hại hoặc chết người ở cách xa nguồn hơn 1.000km xảy ra với tần suất khoảng 2 vụ mỗi thập niên. Tuy nhiên, sóng thần vẫn là một trong những hiện tượng có sức hủy diệt lớn nhất hành tinh và ở Nhật Bản – quốc gia hứng chịu tới 20% số trận sóng thần trên thế giới, đây là mối đe dọa thường trực.

Tường chắn sóng có thể nâng hạ giúp bảo vệ các thị trấn ven biển trước sóng thần, nhưng trong tình huống mất điện và tường chắn không hoạt động, thảm họa sẽ xảy ra. Để khắc phục vấn đề này, nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Tokyo đề xuất một bức tường chắn có thể tự sản xuất điện.


Tường chắn sóng tự cấp điện

Nhằm ngăn chặn và giảm thiệt hại từ sóng thần, những tường chắn lớn được lắp đặt dưới đáy biển xung quanh bến cảng. Chúng có thể được nâng lên nhanh chóng khi thảm họa xuất hiện. Nhưng trong trường hợp mất điện sau thảm họa, việc hạ chúng xuống để cảng hoạt động lại bình thường trở thành một bài toán.

Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia lắp đặt những bức tường chắn sóng ngắn và có thể dịch chuyển ở mỗi bến cảng, với khoảng trống rộng 30cm giữa chúng. Trong khoảng trống là các turbine phát điện thủy triều nhỏ, có khả năng tạo ra dư thừa điện để vận hành các tời – thiết bị giúp hạ tường chắn xuống đáy biển để bến cảng hoạt động lại sau khi nguy hiểm qua đi.

Hệ thống tường chắn tạo ra đủ điện để tự vận hành và khi không có sóng thần, chúng có thể tạo ra tới 1.000 kWh năng lượng sạch mỗi đợt thủy triều. Lượng điện này sẽ được cung cấp cho địa phương.

Tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng có thể lắp đặt hệ thống này. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá khoảng 56 cảng của Nhật Bản và nhận thấy chỉ 23 cảng trong số này có thể tạo ra đủ điện để hạ tường chắn.

“Theo chúng tôi biết, chưa có hệ thống nào trên thế giới sử dụng tường chắn sóng di động để sản xuất điện và dùng chính nguồn điện đó để vận hành. Trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt ở Nhật Bản, nếu công nghệ tường chắn sóng di động mới có thể được thiết lập thông qua nghiên cứu này thì chắc chắn trong tương lai, nó có thể được xuất khẩu và triển khai ở nước ngoài như một công nghệ phòng chống thiên tai mang tính đột phá”, Giáo sư Hiroshi Takagi, trưởng nhóm dự án, cho biết.

Tường Linh
https://petrotimes.vn/tuong-chan-song-tu-cap-dien-706200.html

Pin mặt trời gập ghềnh có thể thu được nhiều năng lượng hơn tới 66%

Hiệu suất của pin mặt trời có thể bị ảnh hưởng do va chạm. Nghiên cứu mới cho thấy việc xây dựng các mái vòm nhỏ trên bề mặt pin mặt trời hữu cơ có thể tăng hiệu suất của chúng lên tới 2/3, đồng thời thu được ánh sáng từ góc rộng hơn.

Pin mặt trời thường phẳng, giúp tối đa hóa lượng bề mặt tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tại bất kỳ thời điểm nào. Thiết kế này hoạt động tốt nhất khi Mặt trời ở trong một góc nhất định, do đó các tấm thường nghiêng trong khoảng từ 15 đến 40 độ để tận dụng tối đa thời gian trong ngày.

Các nhà khoa học đã thử nghiệm các hình dạng khác cho bề mặt, bao gồm cả việc nhúng các lớp vỏ nano hình cầu bằng silica để bẫy và luân chuyển ánh sáng mặt trời cho phép thiết bị thu được nhiều năng lượng hơn từ nó. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học tại Đại học Abdullah Gül ở Türkiye đã thực hiện mô phỏng phức tạp về cách các va chạm hình mái vòm có thể thúc đẩy các bề mặt mặt trời hữu cơ.

Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu các tế bào quang điện được chế tạo bằng polyme hữu cơ có tên P3HT:ICBA làm lớp hoạt động, phía trên một lớp nhôm và chất nền PMMA được phủ lớp bảo vệ trong suốt bằng oxit thiếc indium (ITO). Cấu trúc hình bánh này được giữ xuyên suốt toàn bộ mái vòm, hay còn gọi là “vỏ bán cầu” như nhóm gọi.


Thiết kế pin mặt trời mới bao gồm các “bán cầu” trên bề mặt, giống như các chấm chữ nổi có thể cải thiện hiệu quả.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích phần tử hữu hạn 3D (FEA), phần tử của một hệ thống phức tạp thành các phần có thể quản lý được để chúng có thể mô phỏng và phân tích tốt hơn.

So với bề mặt phẳng, pin mặt trời có các vết lồi lõm cho thấy khả năng hấp thụ ánh sáng được cải thiện lần lượt là 36% và 66%, tùy thuộc vào độ phân cực của ánh sáng. Những va chạm đó cũng cho phép ánh sáng đi vào từ nhiều hướng hơn so với bề mặt phẳng, mang lại góc bao phủ lên tới 82 độ.

Mặc dù nhóm nghiên cứu chưa thực sự chế tạo được phiên bản vật lý của pin mặt trời này nhưng nếu nguyên lý này hoạt động thì nó có thể hữu ích không chỉ cho năng lượng mặt trời trên mái nhà mà còn trong các hệ thống có điều kiện ánh sáng thay đổi như thiết bị điện tử đeo trên người.

“Với đặc tính hấp thụ và đa hướng được cải thiện, các lớp hoạt động hình vỏ bán cầu được đề xuất sẽ mang lại lợi ích trong các lĩnh vực ứng dụng khác nhau của pin mặt trời hữu cơ, chẳng hạn như thiết bị y sinh, các ứng dụng như cửa sổ phát điện và nhà kính….”, Giáo sư Dooyoung Hah, tác giả nghiên cứu cho biết.

Hà My
https://vietq.vn/pin-mat-troi-gap-ghenh-co-the-thu-duoc-nhieu-nang-luong-hon-toi-66-d218901.html

Thông tin tổng hợp về tín chỉ carbon và thị trường carbon

Tín chỉ carbon là gì? Thị trường carbon vận hành ra sao và tại Việt Nam khi nào có sàn giao dịch tín chỉ carbon?…. là những câu hỏi sẽ được giải đáp trong bài biết này.

Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.

Thị trường carbon có các hình thức nào?

Tín chỉ carbon được theo dõi và giao dịch giống như các loại hàng hóa, do đó, thị trường trao đổi tín chỉ carbon còn được gọi là thị trường carbon. Thông qua thị trường carbon, các bên tham gia có thể tăng cường giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả và tiết kiệm. Nguyên tắc cơ bản của thị trường carbon là bên mua sẽ trả phí để nhận thêm các tín chỉ, hạn ngạch phát thải nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải với chi phí thấp hơn so với tự thực hiện.

Hiện thị trường carbon trên thế giới tồn tại dưới ba hình thức: (i) thị trường carbon quốc tế trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC); (ii) thị trường carbon quốc tế tự nguyện; (iii) thị trường carbon nội địa.

Thị trường carbon quốc tế

Trong giai đoạn từ 2008-2020, các nước phát triển bắt buộc phải đưa ra cam kết và thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính định lượng theo quy định tại Nghị định thư Kyoto và Bản sửa đổi, bổ sung Doha của Nghị định thư Kyoto. Để giúp các nước phát triển tuân thủ cắt giảm phát thải khí nhà kính định lượng, Nghị định thư Kyoto đưa ra 3 cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon là: Cơ chế đồng thực hiện (JI); Cơ chế mua bán quyền phát thải (ET) và Cơ chế phát triển sạch (CDM) được thực hiện đến năm 2020.

Cơ chế đồng thực hiện (JI) cho phép các Bên nước thuộc Phụ lục I của UNFCCC được thực hiện các dự án giảm phát thải/hấp thụ khí nhà kính tại các Bên nước khác thuộc Phụ lục I. Đơn vị giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận trong cơ chế JI là ERU.

Cơ chế mua bán quyền phát thải (ET) cho phép các Bên nước thuộc Phụ lục I của UNFCCC thu được các đơn vị giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (AAU) từ các Bên nước khác thuộc Phụ lục I có khả năng giảm phát thải dễ dàng hơn.

Cơ chế phát triển sạch (CDM) cho phép các Bên nước thuộc Phụ lục I của UNFCCC thực hiện các dự án nhằm giảm phát thải/hấp thụ khí nhà kính và phục vụ phát triển bền vững tại các nước đang phát triển (các Bên nước không thuộc Phụ lục I). Đơn vị giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận trong cơ chế CDM là CER.

Thị trường carbon quốc tế tự nguyện

Thị trường carbon quốc tế được thành lập để các quốc gia mua bán tín chỉ carbon với nhau. Thị trường carbon quốc tế tự nguyện hướng đến nhu cầu tự nguyện giao dịch tín chỉ carbon để phục vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và xây dựng hình ảnh trước công chúng. Bên mua thường là các tập đoàn đa quốc gia, nổi tiếng… và nhằm tạo thêm nguồn cung tín chỉ cho thị trường carbon nội địa.

Thị trường carbon quốc tế tự nguyện được điều chỉnh bởi nhiều bộ tiêu chuẩn khác nhau phụ thuộc vào yêu cầu của bên mua. Hiện nay, bộ Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (Verified Carbon Standard – VCS) và Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard – GS) được áp dụng phổ biến.

Thị trường carbon nội địa

Ngoài việc mua các tín chỉ carbon từ nước ngoài để bù đắp sự thiếu hụt về cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính, nhiều quốc gia đã thiết lập một hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính trong nước. Đây là công cụ hướng tới việc đặt mức trần phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp trong nước để đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp nội địa nghiên cứu, áp dụng các biện pháp và công nghệ giảm phát thải khí nhà kính.

Để thiết lập một hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính trong nước, cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ phân bổ, hoặc giao bán một số lượng hữu hạn các tín chỉ carbon trong một khoảng thời gian. Các doanh nghiệp phát thải nhiều hơn sẽ phải mua tín chỉ từ những bên có nguyện vọng bán lại. Theo đó, bên mua sẽ phải trả các chi phí phát sinh do tăng mức phát thải, ngược lại bên bán sẽ được hưởng lợi từ cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Thị trường carbon quốc gia nào có quy mô lớn nhất?

Thị trường carbon nội địa bắt đầu được một số quốc gia phát triển có lượng phát thải lớn áp dụng từ những năm đầu thế kỷ 21 khi UNFCCC và Nghị định thư Kyoto ra đời.

New Zealand là quốc gia chính thức triển khai thị trường carbon nội địa từ năm 2008 bao gồm hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế. Hoa Kỳ và Canada cũng sớm áp dụng thị trường carbon nội địa nhưng chỉ trên phạm vi bang chứ không trên phạm vi toàn quốc. Hiện thị trường carbon của Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường carbon với quy mô lớn nhất trên thế giới.

Tại các quốc gia đang phát triển, Trung Quốc và Hàn Quốc là những quốc gia đi đầu trong nghiên cứu và áp dụng thị trường carbon nội địa. Trung Quốc đã áp dụng thử nghiệm thị trường carbon nội địa bắt đầu từ năm 2014 tại 5 thành phố và 2 tỉnh, đến năm 2021 đã chính thức áp dụng thị trường carbon nội địa trên toàn quốc. Thị trường carbon nội địa Hàn Quốc ra mắt vào ngày 01/01/2015 đã trở thành thị trường bắt buộc đầu tiên trên toàn quốc của châu Á và là thị trường carbon nội địa lớn thứ hai chỉ sau thị trường carbon của EU.

Khi nào Việt Nam có sàn giao dịch tín chỉ carbon?

Ngày 07/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozôn. Điều 17 của Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Theo đó, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; Xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Giai đoạn từ năm 2028 sẽ: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

VNCPC

Quy trình kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thuộc ngành Công Thương

Thông tư số 38/2023/TT-BCT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà khí và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương ban hành ngày 27/12/2023, quy định quy trình kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thuộc ngành Công Thương được thực hiện theo 8 bước sau:

  1. Xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  2. Thu thập số liệu hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  3. Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính cấp cơ sở
  4. Xác định phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  5. Thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  6. Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  7. Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  8. Xây dựng Báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Bước 1: Phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Kiếm kê khí nhà kính cấp cơ sở được thực hiện đối với các nguồn phát thải thuộc phạm vi quản lý của cơ sở, cụ thể như sau:

1. Nguồn phát thải trực tiếp

a) Phát thải từ nguồn cố định gồm hoạt động đốt nhiên liệu trong các thiết bị lắp đặt cố định như nồi hơi, lò nung, đầu đốt, tua-bin, lò sưởi, lò đốt, v.v…;

b) Phát thải từ nguồn di động gồm hoạt động đốt nhiên liệu của các thiết bị vận tải;

c) Phát thải từ các quá trình công nghiệp gồm phát thải từ các quá trình vật lý hoặc hóa học tạo ra khí nhà kính trong dây chuyền sản xuất của cơ sở;

d) Phát thải do phát tán từ trong máy móc, thiết bị hoặc trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản…;

đ) Phát thải khí nhà kính là các dung môi chất lạnh từ thiết bị và quá trình sản xuất, kinh doanh môi chất lạnh;

e) Phát thải từ thu gom, quản lý và xử lý chất thải.

2. Nguồn phát thải gián tiếp:

a) Phát thải do tiêu thụ năng lượng điện;

b) Phát thải do sử dụng năng lượng hơi.

Bước 2: Thu thập số liệu hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

1. Cơ sở thực hiện việc thu thập, quản lý và lưu giữ số liệu hoạt động liên quan đến các nguồn phát thải trong phạm vi quản lý.

2. Số liệu hoạt động cần thu thập phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở quy định tại Mục 1 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Bước 3: Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính cấp cơ sở

1. Các cơ sở tính toán, xác định hệ số phát thải khí nhà kính phù hợp với hiện trạng công nghệ, quy trình sản xuất theo Hướng dẫn IPCC 2006 và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

2. Trường hợp không áp dụng khoản 1 Điều này thì áp dụng hệ số phát thải theo Danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.

3. Trường hợp các hệ số phát thải khí nhà kính chưa được quy định tại khoản 2 Điều này thì áp dụng hệ số phát thải khí nhà kính theo hướng dẫn mới nhất của IPCC.

Bước 4: Phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Phương pháp tính toán cho các hoạt động phát thải khí nhà kính hướng dẫn tại Mục 2 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Bước 5: Kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Quy trình kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được thực hiện theo tiểu mục 6.1.2 Mục 6 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14064-1:2011, Phần 1: Quy định kỹ thuật và hướng dẫn định lượng và báo cáo phát thải và loại bỏ khí nhà kính ở cấp độ cơ sở.

Bước 6: Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thực hiện theo hướng dẫn quy định tại Điều 11 của Thông tư này.

Bước 7: Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

1. Cơ sở có trách nhiệm giải trình và tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính của các kỳ kiểm kê trước khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Có sự thay đổi về phạm vi kiểm kê khí nhà kính;

b) Có sự thay đổi về phương pháp kiểm kê khí nhà kính dẫn đến sự thay đổi trong kết quả kiểm kê khí nhà kính gần nhất;

c) Có sự thay đổi về nguồn và hệ số phát thải khí nhà kính.

2. Cơ sở có trách nhiệm bổ sung nội dung phần tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính của kỳ kiểm kê trước vào trong Báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở của kỳ báo cáo.

Bước 8: Xây dựng Báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Cơ sở xây dựng Báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở theo Mẫu số 06 Phụ lục II Nghị định số 06/2022/ND-CP.

Thẩm định và báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

1. Quy trình thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thực hiện theo quy định tại khoản 4 và khoản 6 Điều 11 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và Điều 12 Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT.

2. Cơ sở tổ chức hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính theo thông báo kết quả thẩm định và báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và khoản 4 Điều 12 Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT.

3. Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chủ trì tiếp nhận, tổng hợp báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở để cập nhật vào cơ sở dữ liệu trực tuyến về kiểm kê khí nhà kính trong phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 11/2/2024.

VNCPC