Uganda nhờ Nga xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên

Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Uganda được công bố từ năm 2017 và được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phê duyệt vào tháng 5/2021. Dự án này có mục tiêu đa dạng hóa các nguồn năng lượng trong nước, vốn chủ yếu phụ thuộc vào thủy điện.

Tổng thống Uganda Yoweri Museveni vừa yêu cầu sự giúp đỡ của Nga, thông qua cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của đất nước từ nay cho đến năm 2032.

Theo ông Yoweri Museveni: “Uganda có trữ lượng uranium cao, rất cần thiết cho sản xuất điện và công nghệ sinh học. Chúng tôi muốn sử dụng nguồn năng lượng này cho ngành điện, cho nông nghiệp chứ không phải cho vũ khí hạt nhân”.

Ngoài ra, Tổng thống Uganda cũng đã thảo luận với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lavrov về các dự án hợp tác trong lĩnh vực không gian và khoa học vũ trụ, với mong muốn Uganda sẽ có một vệ tinh nhỏ.

Vào năm 2017, Uganda công bố ý định xây dựng một  từ nay cho đến năm 2032. Dự án này đã được IAEA phê duyệt vào tháng 5/2021. Theo đó, Uganda có kế hoạch nâng sản lượng điện lên mức 17.000 MW, gấp 12 lần so với hiện tại, nhờ đầu tư chủ yếu vào nguồn năng lượng sạch và tái tạo.

Hiện nay, địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Uganda đã được xác định, nhưng cần sớm thành lập một trường kỹ thuật để đào tạo các nguồn lực cần thiết trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Ngọc Duyên/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/uganda-nho-nga-xay-dung-nha-may-dien-hat-nhan-dau-tien-662374.html

Thị trường hydro xanh toàn cầu sẽ tăng hơn 6.000% vào năm 2031

Theo nghiên cứu từ công ty Nghiên cứu Thị trường Minh bạch (TMR), lĩnh vực hydro xanh sẽ tăng trưởng khoảng 51,6% sau mỗi năm.

Cụ thể, thị trường hydro xanh toàn cầu sẽ mở rộng từ 2,14 tỷ USD năm ngoái lên 135,73 tỷ USD vào năm 2031 với một tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) “phi thường” là 51,6%. Trong khoảng thời gian 10 năm, con số này thể hiện mức tăng trưởng của lĩnh vực này là 6.243%.

Đồng quan điểm với báo cáo của TMR, công ty Guidehouse Insights của Mỹ cũng dự báo mức tăng trưởng tương tự vào tháng 4, theo đó việc sản xuất máy điện giải toàn cầu – loại máy sản xuất hydro xanh từ điện tái tạo – sẽ tăng gần 8.000% từ cuối năm nay đến năm 2031.


Dự báo thị trường hydro xanh toàn cầu sẽ tăng hơn 6.000% vào năm 2031

Báo cáo của TMR cho thấy “ngày càng nhiều quy định của chính phủ nhằm sản xuất năng lượng tái tạo ​​sẽ dự kiến khiến thị trường hydro xanh toàn cầu tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn dự báo. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách đang coi hydro xanh là một lựa chọn để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 (net-zero) mà các chính phủ trên toàn thế giới đặt ra”.

Nghiên cứu cho biết thêm rằng năng lượng mặt trời sẽ là nguồn cung cấp năng lượng hàng đầu cho hydro xanh trong giai đoạn dự báo, với công nghệ PEM thống trị thị trường điện phân.

Công ty TMR đăng ký tại Pune, Ấn Độ, có trụ sở chính ở Wilmington, Delaware, Hoa Kỳ. Hiện TMR, có hơn 300 nhân viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ năng lượng đến chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và quốc phòng.

Theo PV
https://petrotimes.vn/thi-truong-hydro-xanh-toan-cau-se-tang-hon-6000-vao-nam-2031-661963.html

Pháp công bố biện pháp điều chỉnh “khẩn cấp” đối với năng lượng tái tạo

Ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Chuyển dịch năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher đã công bố gói điều chỉnh “khẩn cấp” đầu tiên nhằm đẩy nhanh sự phát triển của năng lượng tái tạo, trước bối cảnh giá vật liệu xây dựng ngày càng tăng.

Theo Bộ Chuyển dịch năng lượng, một số dự án sản xuất năng lượng tái tạo hiện đang bị đe dọa bởi chi phí xây dựng tăng cao. Theo đó, nguồn tài trợ nhà nước cho ngành điện và khí sinh học sẽ không còn đủ cho các dự án năng lượng mặt trời có công suất 6-7 GW và năng lượng gió với công suất 5-6 GW.

Loạt biện pháp đầu tiên, được công bố trong những ngày tới, sẽ giúp giải phóng các dự án hoặc đẩy nhanh tiến độ trước mùa đông – giai đoạn căng thẳng ​​về nguồn cung năng lượng do ảnh hưởng của chiến tranh Nga – Ukraine.

Trong trường hợp đấu thầu thành công, biện pháp đầu tiên sẽ cho phép các dự án nhanh hoàn thành được bán điện với giá thị trường trong 18 tháng.

Biện pháp thứ hai tập trung vào việc lập bảng giá năng lượng bán lại, trong khi biện pháp thứ ba sẽ bãi bỏ kế hoạch giảm thuế ban đầu đối với dự án lắp đặt quang điện lên các tòa nhà.

Cuối cùng, loạt biện pháp sẽ cho phép các dự án đã được thầu đẩy công suất lên 40% trước khi đưa vào vận hành, còn các dự án xây dựng cơ sở sản xuất khí sinh học sẽ được phép kéo dài thời hạn hoàn thành để có thể đối phó với những khó khăn liên quan đến khủng hoảng dịch tễ và vấn đề cung ứng.

Các biện pháp điều chỉnh khác đối với điện tái tạo hoặc khí đốt dự kiến ​​sẽ được công bố vào cuối mùa hè, kèm theo đó sẽ là một đạo luật rộng hơn nhằm đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo.

Ngọc Duyên/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phap-cong-bo-bien-phap-dieu-chinh-khan-cap-doi-voi-nang-luong-tai-tao-661474.html

RWE thử nghiệm năng lượng mặt trời nổi

Công ty năng lượng khổng lồ RWE của Đức sẽ đầu tư vào một dự án thử nghiệm phục vụ việc triển khai công nghệ năng lượng mặt trời nổi ở Biển Bắc, như một phần của sự hợp tác rộng lớn hơn tập trung vào việc phát triển “công viên năng lượng mặt trời nổi”.

Công nghệ của SolarDuck có thể được triển khai trên biển. Ảnh minh họa: SolarDuck.

Mô hình thí điểm được lắp đặt ở vùng biển ngoài khơi Ostend (Bỉ) có tên là Merganser, sẽ có công suất tối đa 0,5 megawatt. Trong một tuyên bố vào đầu tuần qua, RWE cho biết Merganser sẽ là thử nghiệm ngoài khơi đầu tiên của SolarDuck (Hà Lan-Na Uy).

Theo RWE, Merganser sẽ giúp cho cả tập đoàn này và SolarDuck “kinh nghiệm trực tiếp quan trọng tại một trong những môi trường ngoài khơi đầy thách thức nhất trên thế giới”.

Nghiên cứu thu thập được từ dự án sẽ cho phép thương mại hóa công nghệ nhanh hơn từ năm 2023, RWE nói thêm.

RWE mô tả hệ thống của SolarDuck dựa trên một thiết kế cho phép các tấm pin mặt trời “nổi” hàng mét trên mặt nước và cưỡi sóng “như một tấm thảm”.

Mục tiêu dài hạn của sự hợp tác là để công nghệ của SolarDuck được sử dụng trong một dự án lớn hơn tại trang trại điện gió ngoài khơi Hollandse Kust West mà RWE hiện đang đấu thầu.

Trong tuyên bố của mình, RWE cho biết việc “tích hợp năng lượng mặt trời nổi ngoài khơi vào một trang trại điện gió ngoài khơi” là “việc sử dụng hiệu quả hơn không gian đại dương để sản xuất năng lượng”.

Kết hợp gió và mặt trời không phải là ý tưởng duy nhất của RWE. Trang trại gió Hollandse Kust sẽ nằm ở Biển Bắc, cũng đang có kế hoạch triển khai một cuộc trình diễn công nghệ năng lượng mặt trời nổi. CrossWind, tập đoàn hợp tác với Hollandse Kust, là một liên doanh giữa Eneco và Shell.

Năng lượng mặt trời nổi đang là một lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các ông lớn năng lượng châu Âu.

Đầu tháng 7/2022, EDP – công ty năng lượng Bồ Đào Nha cũng đã khánh thành “công viên năng lượng mặt trời nổi” 5 MW trên mặt nước của đập Alqueva, miền Nam nước này. Công viên được mô tả bao gồm gần 12.000 tấm quang điện và là dự án năng lượng mặt trời nổi “lớn nhất ở châu Âu trong một hồ chứa”.

Theo EDP, dự án sẽ cho phép kết hợp năng lượng mặt trời và năng lượng thủy điện từ đập Alqueva. Ngoài ra công ty còn có kế hoạch lắp đặt hệ thống lưu trữ pin.

Tất cả các dự án trên đều dựa vào ý tưởng “lai tạo”, theo đó các công nghệ và hệ thống năng lượng tái tạo khác nhau được kết hợp trên một địa điểm.

Giám đốc EDP phụ trách dự án năng lượng mặt trời nói rằng “đặt cược vào việc lai tạo, bằng cách kết hợp điện năng được sản xuất từ ​​nước, mặt trời, gió và lưu trữ” đại diện cho một “con đường tăng trưởng hợp lý”.

EDP ​​sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực lai tạo vì nó tối ưu hóa nguồn lực và cho phép công ty sản xuất năng lượng rẻ hơn.

Theo Petrptimes

https://petrotimes.vn/rwe-thu-nghiem-nang-luong-mat-troi-noi-660988.html