Khóa học miễn phí Các nguồn Tài chính xanh

Trong thời đại tự do thương mại ngày nay, khi sự cạnh tranh trở nên ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ càng phải trở nên năng động hơn để tìm kiếm được vị trí trên thị trường cho mình. Có thể doanh nghiệp bạn đã có sẵn các kế hoạch cho sự đổi mới theo hướng bền vững hơn, hoặc dựa vào các kiến thức có được từ các khóa học về Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) và đổi mới sản phẩm, doanh nghiệp đã vạch cho mình được các bước đi tiếp theo để tăng tính cạnh tranh và uy tín doanh nghiệp. Nhưng để biến các kế hoạch thành dự án đem lại hiệu quả thực tế, chúng ta sẽ cần vay vốn.

Vậy:

  • Dự án có khả thi và đáng để đầu tư không?
  • Các nguồn huy động vốn nào có thể phù hợp với dự án?
  • Bạn cần chuẩn bị những gì trong bộ hồ sơ vay vốn?
  • Đâu là những điểm quan trọng có thể giúp dự án của bạn hấp dẫn hơn trong mắt của các nhà đầu tư

Chủ đề 1: Các nguồn tài chính xanh

Có một thực tế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp khó khăn trong việc vay vốn so với các doanh nghiệp lớn hơn. Vậy rào cản ở đây là gì và làm thế nào để doanh nghiệp của bạn vượt qua được các rào cản đó?

Câu trả lời cho các câu hỏi trên cùng danh sách các tổ chức tài chính phù hợp với dự án sản xuất bền vững của các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp vừa và nhỏ là nội dung mà chúng ta sẽ đề cập trong chủ đề này.

Bạn sẽ học được những gì?

  • Hiểu được những lý do tại sao doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong việc vay vốn từ ngân hàng.
  • Hiểu rõ hơn về các nguồn tài chính xanh, các tổ chức tài chính phù hợp với dự án của doanh nghiệp; cách tiếp cận các nguồn này.

Chủ đề 2: Lập hồ sơ tiếp cận vốn vay cho dự án đầu tư sản xuất bền vững

Nếu bạn đang có một hoặc nhiều ý tưởng muốn thực hiện nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp theo hướng thân thiện hơn với môi trường và có trách nhiệm hơn với xã hội, chủ đề này sẽ giúp bạn biết được liệu các ý tưởng đó có khả thi và đáng được đầu tư hay không. Nếu đó là một ý tưởng thiết thực, bạn sẽ muốn bắt tay vào tìm kiếm nguồn vốn để thực hiện? Trong chủ đề này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các bước chi tiết từ lựa chọn nguồn huy động vốn, chuẩn bị hồ sơ, và các điểm bạn cần lưu ý để giúp hồ sơ của bạn dễ dàng được thông qua trong quá trình xét duyệt hơn.

Đây có phải các thông tin hữu ích cho bạn?

Còn chần chừ gì mà không bắt đầu!

Bạn sẽ học được những gì?

  • Nắm được các bước hình thành một dự án đầu tư sản xuất bền vững và lợi ích của chúng
  • Làm quen với cách dự toán vốn đầu tư và các nguồn huy động vốn
  • Hiểu được các bước chi tiết và các lưu ý khi lập hồ sơ vay vốn/hỗ trợ

Link khóa học: Các nguồn tài chính xanh (funzi.mobi)

Khóa học Sản xuất bền vững dành cho MSMEs – Miễn phí

Những năm gần đây, Việt Nam, với nỗ lực nắm bắt thời cơ và mở rộng thị trường, đã ký kết thỏa thuận tự do thương mại (FTAs) với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, vào tháng 6 năm 2019, chúng ta đã ký kết thành công  Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Đi kèm với các kỳ vọng giúp thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam, nhất là mặt hàng nông sản, thỏa thuận này đặt các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ, trước các thách thức lớn. Làm thế nào để thỏa mãn được các yêu cầu khắt khe của bạn hàng Châu Âu, không chỉ về chất lượng sản phẩm, mà còn về quy trình quản lý, sản xuất, quản lý môi trường, và các yêu cầu về tiêu chuẩn hóa, khả năng truy xuất nguồn gốc?

Khóa học này được thiết kế với mong muốn đem đến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ các công cụ hỗ trợ, giúp thúc đẩy sự phát triển và rút ngắn con đường tiếp cận với các thị trường khó tính như Châu Âu.

Ba công cụ quan trọng mà khóa học này sẽ trang bị cho bạn:

  • RECP: Giải pháp giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới sản xuất sạch, bền vững hơn.
  • Các phương pháp đổi mới sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, doanh số bán hàng và lợi nhuận.
  • Và hiểu biết về các tiêu chuẩn, chứng nhận mà doanh nghiệp sẽ cần đáp ứng khi tham gia vào sân chơi quốc tế.

Khóa học này dành cho bạn nếu:

  • Doanh nghiệp của bạn muốn cải thiện chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất nhưng không phải mất nhiều chi phí và công sức để xử lý chất thải phát sinh.
  • Doanh nghiệp của bạn muốn kinh doanh lâu dài và tạo ra lợi nhuận một cách bền vững.
  • Doanh nghiệp của bạn muốn tạo ra các sản phẩm tốt, được thị trường đón nhận tích cực.
  • Doanh nghiệp của bạn muốn tạo hình ảnh đẹp với cộng đồng xung quanh và công luận.
  • Bạn muốn môi trường làm việc hàng ngày tại nhà máy của mình được an toàn và ít rủi ro.

Bạn sẽ học được những gì:

  • Hiểu rõ hơn về các thách thức của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lại gần
  • Các lợi ích mang lại khi doanh nghiệp quyết định thay đổi
  • Các thông tin tổng quan về công cụ mà bạn sẽ được tìm hiểu trong khóa học.

Link khóa học tham khảo tại đây: funzi.mobi/go/sanxuatbenvung2

Loại pin đặc biệt có khả năng biến glucose thành điện năng

Các kỹ sư tại Viện Công nghệ Massachusets (MIT) và Đại học Kỹ thuật Munich đã thiết kế loại pin nhiên liệu glucose mới, có thể chuyển đổi glucose trực tiếp thành điện năng.

Thiết bị này nhỏ gọn hơn các pin nhiên liệu glucose khác vì chỉ dày 400 nanomet hay có đường kính khoảng 1/100 sợi tóc người. Tuy nhiên, thiết bị kể trên lại có thể đạt mật độ năng lượng hơn so với các loại pin nhiên liệu glucose hiện có trong điều kiện môi trường xung quanh.

Thiết bị mới cũng có khả năng đàn hồi và chịu mức nhiệt 600 độ C. Nếu được lồng ghép vào thiết bị cấy ghép trong y tế, pin nhiên liệu vẫn duy trì ổn định thông qua quy trình khử trùng ở nhiệt độ cao cần cho tất cả các thiết bị cấy ghép.

Điểm cốt lõi của thiết bị mới là được làm từ gốm, loại vật liệu vẫn giữ được tính chất điện hóa ngay cả ở nhiệt độ cao và trên quy mô nhỏ. Các nhà nghiên cứu cho rằng thiết kế mới có thể được gắn vào các màng hoặc lớp phủ siêu mỏng và bao xung quanh các mô cấy để cung cấp năng lượng thụ động cho các thiết bị điện tử nhờ có nguồn cung cấp glucose dồi dào của cơ thể.

“Glucose có ở khắp mọi nơi trong cơ thể và ý tưởng của nghiên cứu là thu và sử dụng nguồn năng lượng sẵn có này để cấp điện cho các thiết bị cấy ghép”, Philipp Simons, đồng tác giả nghiên cứu nói. “Trong nghiên cứu, chúng tôi đã chứng minh phương pháp điện hóa pin nhiên liệu glucose mới”.

Jennifer L. M. Rupp, một trong các tác giả nghiên cứu cho biết: “Thay vì sử dụng pin có thể chiếm 90% thể tích mô cấy, bạn có thể tạo ra một thiết bị màng mỏng và nguồn điện không chiếm diện tích”.


Loại pin nhiên liệu glucose mới có thể chuyển đổi glucose trực tiếp thành điện năng.

Thiết kế cơ bản của pin nhiên liệu glucose bao gồm ba lớp: cực dương trên cùng, chất điện phân ở giữa và cực âm dưới cùng. Cực dương phản ứng với glucose trong chất dịch của cơ thể, biến đổi đường thành axit gluconic. Chuyển đổi điện hóa này giải phóng một cặp proton và một cặp electron.

Chất điện phân ở giữa có tác dụng tách proton khỏi các electron, dẫn proton đi qua pin nhiên liệu, nơi chúng kết hợp với không khí để tạo thành các phân tử nước, sản phẩm phụ vô hại lưu thông cùng chất dịch của cơ thể. Trong khi đó, các electron tách ra di chuyển ra mạch ngoài và được dùng để cấp điện cho thiết bị điện tử.

Nhóm nghiên cứu đã tìm cách cải tiến các vật liệu và thiết kế hiện có bằng cách thay đổi lớp điện phân, thường được làm từ polime. Cụ thể, chất điện phân đã được làm từ xeria, vật liệu gốm có độ dẫn điện bằng ion ở mức cao, bền về mặt cơ học và do đó được sử dụng rộng rãi làm chất điện phân trong pin nhiên liệu hydro. Nó cũng đã được chứng minh là tương thích sinh học.

Các nhà khoa học đã kẹp chất điện phân giữa cực dương và cực âm làm bằng bạch kim, vật liệu ổn định dễ phản ứng với glucose. Kết quả cho ra đời 150 pin nhiên liệu glucose riêng lẻ trên một con chip, mỗi pin mỏng khoảng 400 nanomet và rộng khoảng 300 micromet.

Nhóm nghiên cứu đã tạo khuôn mẫu pin trên các tấm silic, cho thấy thiết bị này có thể được ghép nối với một vật liệu bán dẫn thông thường. Sau đó, các tác giả đã đo dòng điện sản sinh bởi mỗi pin khi họ cho dung dịch glucose chảy qua mỗi tấm wafer trong một trạm thử nghiệm được chế tạo riêng.

Kết quả là nhiều pin sản xuất điện áp cao nhất khoảng 80 milivôn. Với kích thước rất nhỏ của mỗi pin, sản lượng điện này có mật độ năng lượng cao nhất so với bất kỳ thiết kế pin nhiên liệu glucose nào hiện có. Theo các tác giả, nguồn điện này đủ để cung cấp cho các thiết bị cấy ghép.

Phong Lâm
https://vietq.vn/loai-pin-dac-biet-co-kha-nang-bien-glucose-thanh-dien-nang-d200373.html

IEEFA: Năng lượng tái tạo trở thành yếu tố quyết định tương lai kinh tế Việt Nam

Theo một báo cáo mới công bố của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), nền kinh tế Việt Nam với độ mở và sự phụ thuộc rất lớn vào các tập đoàn đa quốc gia và thị trường tiêu dùng toàn cầu đòi hỏi Chính phủ phải hoạch định một chiến lược phát triển năng lượng sạch tương thích với với các cam kết giảm phát thải carbon của các tập đoàn toàn cầu.

Báo cáo ước tính rằng các tập đoàn đa quốc gia với đóng góp khoảng 150 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu hàng năm của Việt Nam hiện đã đưa ra các cam kết cụ thể về trung hòa carbon hoặc giảm phát thải carbon ở các phạm vi và lộ trình khác nhau. Do vậy, hành trình hướng tới phát triển bền vững của các thương hiệu toàn cầu này là cơ hội mà Việt Nam không thể bỏ qua hay để tuột mất.


Chỉ có tăng cường điện gió để đạt mới giúp Việt Nam đạt mục tiêu net-zero.

Việt Nam hiện là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á. Với gần 60% doanh thu xuất khẩu đến từ các mặt hàng gia công sản xuất cho các nhãn hàng lớn quốc tế, vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đi kèm với đòi hỏi phải thích ứng linh hoạt với các mối quan tâm và ưu tiên của các tập đoàn này.

Báo cáo nhận định, điện gió và điện mặt trời không còn đơn thuần là giải pháp về nguồn cung điện bổ sung, mà còn đóng vai trò như một chính sách bảo đảm việc làm cho hàng triệu lao động, về nguồn thu ngoại tệ, tăng trưởng kinh tế, và sẽ là chìa khoá giúp khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển bền vững. Khác với thập kỷ vừa qua, dòng tiền của thập kỷ tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cung ứng điện sạch tới các nhà máy sản xuất và khu công nghiệp. Một kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo quyết đoán và rõ ràng sẽ có tác động lan tỏa vĩ mô tới toàn bộ nền kinh tế.

Cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) về việc Việt Nam hướng tới nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 được đưa ra ở thời điểm rất nhiều các tập đoàn toàn cầu coi việc giảm phát thải trong chuỗi cung ứng là mối ưu tiên trọng tâm và hàng đầu của chiến lược phi carbon hóa của họ. Rất nhiều trong số các doanh nghiệp này có chuỗi cung ứng sâu rộng và lâu năm tại Việt Nam.

Các tập đoàn lớn như Nike và Apple đã và đang là những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ cho một kế hoạch phát triển năng lượng sạch táo bạo tại Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp này đã kiến nghị Chính phủ cho phép các nhà máy trong chuỗi cung ứng của họ được tiếp cận với các nguồn điện sạch. Đối với các tập đoàn này, tiêu thụ điện sạch không chỉ nhằm mục đích tiết giảm chi phí trước mắt mà đây là một phần trong nỗ lực tổng thể và cấp bách về giảm phát thải carbon mà nếu chậm trễ triển khai sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận, khả năng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, và danh tiếng của họ.

Một minh chứng rõ ràng cho nhu cầu điện sạch cấp bách của ngành sản xuất thể hiện ở sự tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian vừa qua của các giải pháp năng lượng tái tạo phân tán, ví dụ như điện mặt trời áp mái khu công nghiệp và thương mại (CN&TM), với sự ủng hộ của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

“Các hệ thống này hỗ trợ đáp ứng nhu cầu phụ tải cho sản xuất, giúp giảm áp lực cho lưới điện, cũng như giảm gánh nặng huy động vốn và phát triển thêm công suất nguồn cho EVN,” báo cáo cho biết.

Do đó, phân khúc điện mặt trời áp mái CN&TM hiện đang âm thầm dẫn dắt đà tăng trưởng công suất trong bối cảnh nhà nước tạm thời đóng băng chính sách phát triển loại hình điện mặt trời quy mô trang trại. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp phát triển dự án điện mặt trời áp mái CN&TM và các đối tác cho vay đã nhanh chóng cập mật mô hình kinh doanh để không còn lệ thuộc vào trợ cấp nhà nước (ví dụ EVN thanh toán cho phần điện dư phát lên lưới theo giá mua cố định) và đang tích cực tiếp cận các khu công nghiệp nhộn nhịp với số lượng gia tăng không ngừng tại Việt Nam.


Các tập đoàn lớn trên thế giới mong muốn tiếp cận nguồn năng lượng sạch của Việt Nam.

Một số nhà đầu tư lớn đã gia nhập thị trường, ví dụ như Tập đoàn Điện lực Pháp EDF hay tập đoàn kinh tế SK Group của Hàn Quốc. Các doanh nghiệp này liên doanh với các đối tác trong nước, và cam kết đầu tư hàng trăm triệu USD vào thị trường điện mặt trời áp mái CN&TM tại Việt Nam trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, các khu công nghiệp sinh thái cũng đang tạo ra một xu hướng mới tại Việt Nam, với các chủ đầu tư chủ động tìm kiếm và cung cấp các giải pháp tạo ra nguồn điện sạch cho lưới điện nội bộ, nhằm thu hút các khách hàng chú trọng tới các yếu tố môi trường, xã hội, và quản trị doanh nghiệp (ESG). Mới đây, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore mở rộng ở Bình Dương, với chủ đầu tư là tập đoàn Sembcorp, thông báo họ sẽ xây dựng một nhà máy điện mặt trời quy mô lớn tại chỗ để giúp các khách hàng lớn, như nhà máy sản xuất đồ chơi Lego, đạt được mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong tương lai.

Chính phủ đang tiến hành công tác chuẩn bị về mặt pháp lý và kỹ thuật để thí điểm cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp cho doanh nghiệp, còn gọi là cơ chế DPPA. Đây là một chính sách được các doanh nghiệp nóng lòng chờ đợi, đặc biệt là các bên tiêu thụ điện lớn, có mục tiêu giảm phát thải tham vọng, nhưng lại không có đủ nguồn năng lượng sạch tại chỗ.

Cơ chế DPPA dự kiến triển khai thí điểm từ năm 2023-2024 với giới hạn công suất ban đầu là 1GW. Ưu điểm của DPPA là giúp giảm áp lực cân đối chi phí mua bán điện cho EVN, do việc đàm phán giá điện sẽ là vấn đề riêng giữa doanh nghiệp mua điện và nhà máy điện tái tạo.

Báo cáo lưu ý rằng thị trường mua bán điện tái tạo trực tiếp cho doanh nghiệp tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đang tăng trưởng nhanh chóng, với Ấn Độ, một nền kinh tế sản xuất cạnh tranh với Việt Nam, hiện dẫn đầu khu vực với tổng công suất tích luỹ là 5,2GW. Do đó, việc triển khai cơ chế DPPA nhanh chóng và ở quy mô lớn hơn sẽ giúp Việt Nam củng cố vị thế của mình, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu và tài nguyên thiên nhiên dồi dào hiện nay.

PV
https://petrotimes.vn/ieefa-nang-luong-tai-tao-tro-thanh-yeu-to-quyet-dinh-tuong-lai-kinh-te-viet-nam-650847.html

Sản xuất than sinh học giúp giảm phát thải

Tại Hội thảo trực tuyến “Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững” vừa diễn ra, các chuyên gia trong và ngoài nước đã giới thiệu tiềm năng sản xuất, ứng dụng than sinh học tại Việt Nam và đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp.

Hội thảo trực trực tuyến có sự tham dự của nhiều đại diện quốc tế, chia sẻ về các tiềm năng ứng dụng than sinh học.

Theo ông Nguyễn Hà Huế – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT), than sinh học được tạo ra từ các loại phế, phụ phẩm trong nông nghiệp. Tại Việt Nam, nguồn nguyên liệu này rất dồi dào, khoảng trên 120 triệu tấn/năm nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để.

Việc ứng dụng than sinh học tại Việt Nam sẽ giúp hướng đến mục tiêu “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải nhà kính 10% so với năm 2020”, cùng với đó là thúc đẩy thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam, chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng sạch và than sinh học có giá trị cao – ông Huế khẳng định.

Tại Hội thảo, đại biểu được nghe các chuyên gia chia sẻ những nội dung về nhu cầu và xu hướng thế giới về than sinh học, cụ thể tại Việt Nam; than sinh học và các mô hình ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam; kinh tế tuần hoàn than sinh học từ vỏ cà phê ở Việt Nam; kinh nghiệm phát triển than sinh học trên thế giới.

Than sinh học còn được mệnh danh là “vàng đen”

Than sinh học còn được mệnh danh là “vàng đen” vì những tác dụng quý báu của nó đối với nông nghiệp và môi trường. Với đặc tính như một bể chứa Cacbon tự nhiên, than sinh học giúp cô lập và giữ khí CO2 trong đất và đặc tính xốp giúp đất giữ nước, dưỡng chất và bảo vệ vi khuẩn có lợi cho đất. Khi chôn dưới đất, sau phân hủy sẽ cho ra một loại phân bón hữu cơ, đây là một loại phân bón tốt và thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, than sinh học còn có tác dụng khử mùi và khử trùng hoặc có thể sử dụng kết hợp với chế phẩm vi sinh để làm lớp thảm sinh học cho các trại chăn nuôi gia cầm.

Theo đó, than sinh học có đặc tính là cải thiện dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng; đẩy mạnh quá trình rửa trôi muối, ức chế sự xâm nhập của Na+ cải thiện và phục hồi đất nhiễm mặn, tăng sức chống chịu của cây trồng; tăng giữ nước, giữ dinh dưỡng trong đất. Đồng thời, việc sử dụng TSH trong trồng trọt cho thấy việc bón phân TSH sản xuất từ nguồn phụ phẩm rơm rạ, trấu, lõi bắp, thân, lá, cành các loại cây trồng… có sẵn làm tăng độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí đầu tư phân bón, góp phần giảm phát thải nhà kính…

Hiện nay, nguồn nguyên liệu sản xuất than sinh học ở Việt Nam rất phong phú và giá thành rẻ như: Xương động vật, vỏ cua, vỏ ốc hến, tro bếp, xác của các loại động thực vật, các loại cây thủy sinh (tảo, bèo..), vỏ trấu, vỏ cà phê, vỏ đậu phụng, bã mía, vỏ dừa, vỏ ca cao cho đến cây tre, lau sậy, phế thải từ khai thác rừng, cùng rất nhiều các chất thải xanh khác. Tận dụng được nguồn nguyên liệu phong phú, sẵn có, rẻ tiền, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu sang các nước dựa trên yếu tố cạnh tranh về chi phí.

Đại diện UNIDO đã giới thiệu công nghệ nhiệt phân của Thụy Sĩ là giải pháp tiên tiến, chi phí thấp được thiết kế để sử dụng tại Viêt Nam, áp dụng cho mô hình hợp tác xã và nhà máy chế biến nông sản tại Đắk Lắk. Sản phẩm đầu ra của công nghệ nhiệt phân không chỉ là than sinh học mà còn cả năng lượng phục vụ quá trình sấy, sản xuất điện và tạo ra doanh thu cho các nông hộ.

Với sự tài trợ của Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sĩ (SECO), giai đoạn 2020-2022, UNIDO ưu tiên tập trung nhân rộng mô hình công nghệ nhiệt phân giữa các nhóm áp dụng tiềm năng và thúc đẩy thương mại hóa công nghệ xanh này tại Việt Nam.

https://baotainguyenmoitruong.vn/san-xuat-than-sinh-hoc-giup-giam-phat-thai-339458.html

Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững

Chiều ngày 28/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo trực tuyến: Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững”.

Hội nghị do Ông Nguyễn Hà Huế, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Bà Nguyễn Lê Hằng – Phó Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNPCP), đơn vị đầu mối thực hiện dự án “Thúc đẩy mô hình nhiệt phân hệ thống quy mô nhỏ tại Việt Nam” do UNIDO triển khai tại Việt Nam đồng chủ trì.

Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của than sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, giảm phát thải khí nhà kính, chia sẻ tri thức, kết nối hợp tác để thúc đẩy việc chuyển đổi các phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học có giá trị đồng thời thúc đẩy thị trường than sinh học tại Việt Nam.

Sự kiện này cũng là một trong chuỗi sự kiện được Chương trình hỗ trợ quốc tế – Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức để kết nối tri thức và tăng cường năng lực cho các cán bộ ngành nông nghiệp nhằm triển khai thực hiện tốt mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính…Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, ít phát thải, thân thiện với môi trường và thích ứng với khí hậu…” đã đề ra trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội, các hợp tác xã, các cơ quan quản lý và các Sở nông nghiệp và PTNT với hơn 200 lượt truy cập trực tuyến. Gần 50 câu hỏi đã được đặt ra trao đổi và thảo luận về các vấn đề có liên quan đến phát triển than sinh học và các công nghệ có thể ứng dụng để biến các phụ phẩm nông nghiệp thành “vàng đen”.

Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe 4 bài trình bày từ các chuyên gia trong nước và quốc tế về nhu cầu và xu hướng phát triển than sinh học trên thế giới và ở Việt Nam, đặc tính và ứng dụng của than sinh học, các mô hình ứng dụng than sinh học trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Theo http://www.isgmard.org.vn/Detailnews.aspx?NewsID=999&CM=CM002&CategoryID=CA001&subCategoryID=SC002