VNCPC báo cáo tổng kết nhiệm vụ về SXTDBV tại Bộ Công thương

Năm 2022, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đã giao cho Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Chương trình đào tạo theo các cấp độ và tổ chức khóa đào tạo cho các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững (SXTDBV)” thuộc Chương trình hành động quốc gia về SXTDBV giai đoạn 2021-2030.

Chương trình hành động Quốc gia về SXTDBV được xem là một trong những trụ cột quan trọng mà Bộ Công Thương đang triển khai nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zezo) vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Mục tiêu cụ thể của nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực của các chuyên gia trong lĩnh vực SXTDBV tại Việt Nam thông qua hoạt động xây dựng tài liệu tập huấn và triển khai đào tạo về SXTDBV.

Với nhiệm vụ này, VNCPC đã biên soạn bộ tài liệu về SXTDBV gồm 6 chủ đề chính: Quản lý tài nguyên bền vững; Thiết kế theo hướng bền vững; Sản xuất bền vững; Phân phối bền vững; Tiêu dùng bền vững và Quản lý chất thải, cùng với khóa đào tạo ở cấp độ cơ bản và chuyên sâu cho các chuyên gia về SXTDBV.

Bìa của bộ tài liệu đào tạo.

Trong buổi báo cáo tổng kết nhiệm vụ tại Bộ Công Thương được tổ chức ngày 24/12, bộ tài liệu đã nhận được sự đánh cao về nội dung, sự cụ thể trong các hướng dẫn và mạch lạc trong trình bày từ các chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan.

Hình ảnh về buổi báo cáo tổng kết nhiệm vụ tại Bộ Công Thương.

Theo kế hoạch, bộ tài liệu sẽ được sử dụng để trang bị kiến thức chuyên môn, nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực SXTDBV trên khắp cả nước. Đội ngũ này sẽ là lực lượng nòng cốt để triển khai Chương trình SXTDBV trong bối cảnh mới ở tất cả các tỉnh thành, theo cả bề rộng và chiều sâu trong những năm tiếp theo.

Cùng với các khóa đào tạo chuyên gia về SXTDBV sẽ được Bộ Công Thương triển khai trực tiếp ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, bộ tài liệu được xem là “cẩm nang” giúp các chuyên gia đưa SXTDBV vào trong thực tiễn.

VNCPC

Mảng pin năng lượng mặt trời gập giúp tiết giảm 20% chi phí lắp đặt

Một công ty của Úc đã phát triển mảng pin năng lượng mặt trời có bản lề, có thể gập lại để lắp đặt cực kỳ nhanh chóng và dễ dàng ở quy mô công nghiệp.

Công ty có tên là 5B cho biết đây không chỉ là mảng pin nhanh nhất để lắp đặt mà còn dễ dàng đóng gói và di chuyển hơn nhiều so với các thiết kế khác, khiến nó phù hợp với các địa hình không cố định.

Theo đó, Công ty 5B chế tạo sẵn các khối “Maverick” gồm 40-90 tấm pin mặt trời lớn. Các hàng ô được gắn bản lề ở hai đầu, cho phép chúng xếp gọn gàng vào thùng vận chuyển. Khi đến địa điểm lắp đặt, các tấm pin được đưa ra khỏi xe tải bằng xe nâng. Chỉ cần 1 nhóm gồm 3 người mở các khối thành các mảng và kết nối chúng lại với nhau.

Theo 5B, nhóm 3 người đó có thể triển khai lắp đặt cho khoảng 1 megawatt (MW) năng lượng mặt trời mỗi tuần. Vào tháng 5, công ty này đã cho thấy tốc độ nhanh như thế nào khi triển khai 1 nhóm gồm 10 người lắp đặt bao phủ khu vực sân bóng đá với mảng pin mặt trời 1,1 MW chỉ trong 1 ngày.

Công ty cho biết cách bố trí hướng đông/tây của họ cung cấp năng lượng gấp hai lần so với thiết lập trình theo dõi trục đơn cho một khu vực đất nhất định và điều này, cũng như quá trình cài đặt nhanh hơn, rẻ hơn, dẫn đến kết quả là giảm chi phí năng lượng cuối cùng lên đến 20%.

Trên thực tế trong các dự án năng lượng mặt trời, chi phí lắp đặt các tấm pin mặt trời luôn chiếm một khoản không nhỏ. Theo báo cáo của IRENA từ năm 2019, chi phí lắp đặt có thể dao động từ 10% đến hơn 1/4 tổng chi phí của một trang trại năng lượng mặt trời.

Vì vậy, khi việc lắp đặt với quy mô công nghiệp có thể được triển khai nhanh chóng bằng cách sử dụng rất ít công nhân chắc chắn sẽ là một lợi thế lớn. Công ty 5B đã mở rộng sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế.

Công ty này đã thiết lập kỷ lục vào tháng 5 tại Chile khi triển khai giải pháp Maverick tại khoảng 10 địa điểm, với tổng công suất phát điện hơn 60 MW. Đồng thời công ty cũng đang tiến tới xây dựng một trung tâm sản xuất và lắp ráp ở Bắc Mỹ.

H.T
https://petrotimes.vn/mang-pin-nang-luong-mat-troi-gap-giup-tiet-giam-20-chi-phi-lap-dat-674413.html

VNCPC kính chúc Quý vị Giáng sinh Ấm áp!

Nhân dịp Giáng sinh và Năm mới 2023 đang tới gần, VNCPC xin được gửi tới Quý vị cùng Gia đình lời chúc Giáng sinh Ấm áp và một Năm mới An Khang – Thịnh vượng!

Lê Xuân Thịnh

Giám đốc

Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam

“Pin năng lượng mặt trời sống” mở đường cho công nghệ năng lượng bền vững

Các nhà khoa học của Technion đã khám phá ra một cách để thu điện năng từ thực vật. Nhóm nghiên cứu đã tạo ra một tế bào năng lượng mặt trời sống bằng cách sử dụng cây sen đá tim, còn được gọi là “cây băng”. Các nhà nghiên cứu cho biết phương pháp này có thể cho phép phát triển các công nghệ năng lượng xanh đa chức năng, bền vững trong tương lai.

Các nhà khoa học tại Học viện Technion ở Israel đã khám phá ra một cách để thu điện năng từ thực vật. Bằng cách thu thập các electron được vận chuyển tự nhiên trong tế bào thực vật, các nhà khoa học có thể tạo ra điện như một phần của pin mặt trời sinh học “xanh”. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng loại cây mọng nước để tạo ra một “tế bào năng lượng mặt trời sinh học” sống chạy bằng quang hợp năng lượng mặt trời.

Mặc dù thực vật có thể đóng vai trò là nguồn thực phẩm, cung cấp oxy và đồ trang trí, nhưng chúng thường không được coi là nguồn điện tốt. Bằng cách thu thập các electron được vận chuyển tự nhiên trong tế bào thực vật, các nhà khoa học có thể tạo ra điện như một phần của pin mặt trời sinh học “xanh”.

Trong tất cả các tế bào sống, từ vi khuẩn và nấm đến thực vật và động vật, các electron được luân chuyển xung quanh như một phần của các quá trình sinh hóa tự nhiên. Nhưng nếu có các điện cực, các tế bào thực sự có thể tạo ra điện mà có thể được sử dụng ở bên ngoài.

Các nhà nghiên cứu trước đây đã tạo ra pin nhiên liệu theo cách này với vi khuẩn, nhưng vi khuẩn phải được cung cấp thức ăn liên tục. Thay vào đó, các nhà khoa học đã chuyển sang quang hợp để tạo ra dòng điện. Trong quá trình này, ánh sáng điều khiển một dòng electron từ nước mà cuối cùng sẽ tạo ra oxy và đường. Điều này có nghĩa là các tế bào quang hợp sống liên tục tạo ra một dòng điện tử có thể được kéo đi dưới dạng “dòng quang điện” và được sử dụng để cấp nguồn cho mạch bên ngoài, giống như pin mặt trời.

Một số loài thực vật – như loài sen đá ở trong môi trường khô cằn – có lớp biểu bì dày để giữ nước và chất dinh dưỡng bên trong lá. Nhóm nghiên cứu muốn kiểm tra xem liệu quá trình quang hợp ở các loài sen đá có thể tạo ra năng lượng cho các tế bào năng lượng mặt trời sống bằng cách sử dụng nước và chất dinh dưỡng bên trong chúng làm dung dịch điện phân của tế bào điện hóa hay không. Họ đã tạo ra một tế bào năng lượng mặt trời sống bằng cách sử dụng cây sen đá tim, còn được gọi là “cây băng”. Họ lắp một cực dương bằng sắt và cực âm bằng bạch kim vào một chiếc lá của cây và thấy rằng điện áp của nó là 0,28V. Khi được nối vào một mạch điện, nó tạo ra mật độ dòng quang điện lên tới 20 µA/cm2, khi tiếp xúc với ánh sáng và có thể tiếp tục tạo ra dòng điện trong hơn một ngày.

Mặc dù những con số này ít hơn so với pin kiềm truyền thống, nhưng chúng chỉ đại diện cho một lá duy nhất. Các nghiên cứu trước đây về các thiết bị hữu cơ tương tự cho thấy rằng việc kết nối nhiều lá nối tiếp có thể làm tăng điện áp.

Nhóm đã thiết kế chi tiết pin mặt trời sống sao cho các proton trong dung dịch bên trong lá có thể được kết hợp để tạo thành khí hydro ở cực âm và lượng hydro này có thể được thu thập và sử dụng trong các ứng dụng khác. Các nhà nghiên cứu cho biết phương pháp của họ cho phép phát triển các công nghệ năng lượng xanh đa chức năng, bền vững trong tương lai.

Ánh Ngọc
https://petrotimes.vn/pin-nang-luong-mat-troi-song-mo-duong-cho-cong-nghe-nang-luong-ben-vung-674353.html

Năm 2023 chương trình đào tạo chuyên gia về SXTDBV sẽ được triển khai khắp cả nước

Đó là thông tin được ông Cù Huy Quang, Phó Chánh văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Vụ tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương) chia sẻ tại buổi khai mạc Khóa đào tạo Chuyên gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SXTDBV) do Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức ngày 15/12, theo hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội.

Năm 2022, VNCPC được Vụ tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững giao thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Chương trình đào tạo theo các cấp độ và tổ chức khóa đào tạo cho các chuyên gia trong lĩnh vực SXTDBV – đây là nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động quốc gia về SXTDBV giai đoạn 2021-2030.

Chương trình được thực hiện nhằm mục tiêu nâng cao năng lực của các chuyên gia trong lĩnh vực SXTDBV tại Việt Nam, đồng thời là cơ hội để kết nối, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm triển khai về SXTDBV.

Ông Cù Huy Quang phát biểu tại buổi khai mạc khóa đào tạo.

Theo đó, khóa đào tạo đã thu hút được sự tham gia của các cán bộ đến từ các trung tâm về khuyến công, môi trường cùng các giảng viên đến từ các trường đại học lớn của Việt Nam. Tại đây, các chuyên gia đã được đào tạo về các chủ đề: Quản lý tài nguyên bền vững; Phân phối bền vững; Sản xuất bền vững và Tiêu dùng bền vững. Đặc biệt, các kiến thức thực tế về việc triển khai đánh giá về sản xuất sạch hơn tại doanh nghiệp cùng các công cụ tính toán hữu hiệu do các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm của VNCPC cung cấp đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các học viên.

Các thành viên tham gia khóa đào tạo trực tiếp tại Hà Nội.

Đánh giá cao chất lượng đào của của VNCPC, ông Quang cho biết: Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, năm 2023 theo kế hoạch, chương trình đào tạo về SXTDBV sẽ được triển khai trên khắp cả nước để đào tạo cho cán bộ thuộc các trung tâm khuyến công, các đơn vị tư vấn về môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… để tạo ra mạng lưới chuyên gia về SXTDBV rộng khắp mọi miền đất nước. Sau năm 2023, đội ngũ này sẽ là lực lượng nòng cốt để triển khai Chương trình SXTDBV ở tất cả các tỉnh thành theo cả bề rộng và chiều sâu.

Một số hình ảnh về khóa đào tạo:

VNCPC

Kinh tế tuần hoàn: Hướng đi giúp DN dệt may tối ưu hóa lợi nhuận

Dệt may là một trong những ngành sản xuất gia công có nhiều thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành dệt may đang sử dụng rất nhiều nguồn lực lao động và tài nguyên… Vì vậy, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp DN dệt may tối ưu hóa chi phí và lợi nhuận.

Ngành dệt may và mục tiêu xanh hóa

Mới đây, EU, thị trường nhập khẩu trên 4 tỷ USD/năm hàng dệt may Việt Nam, đã đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại 27 nước thành viên. Theo đó, hàng dệt may vào EU phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và tái chế được. Tất cả những thông tin trên phải được nhà sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng thông qua việc gắn hộ chiếu kỹ thuật số cho từng sản phẩm.

Nhằm đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu “xanh hóa” với kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước. Đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng đây là hướng đi mới nhưng đòi hỏi cần có sự đầu tư bài bản, nguồn lực lớn. Lãnh đạo Vinatex cho biết sẽ tập trung phấn đấu giảm 30% lượng nước thải sau nhuộm bằng công nghệ mới; sử dụng lại 30% nước thải sau xử lý cho các công đoạn giặt, rửa, vệ sinh. Đối với ngành sợi, sẽ sử dụng ít nhất 20% xơ polyester tái chế, 15% bông organic để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đầu tư điện mặt trời tại các nhà máy đủ điều kiện tự nhiên để phấn đấu 10% lượng điện sử dụng có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo…

Tán đồng với quan điểm trên, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết doanh nghiệp cũng bị áp lực bởi chính những khách hàng nhập khẩu, khi họ yêu cầu những tiêu chuẩn về nhà máy xanh, môi trường làm việc cho người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại. “Hiện nay, toàn bộ hệ thống nhà máy của May 10 về xuất khẩu đều đảm bảo được yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, rất nhiều khách hàng yêu cầu May 10 phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế và tự phân hủy sau 5 – 10 năm… Đó cũng chính là mục tiêu May 10 đang tập trung triển khai”, ông Việt nhấn mạnh.

H&M – nhà sản xuất hàng may mặc toàn cầu có 31 nhà cung cấp tại Việt Nam cũng cam kết phát triển chuỗi cung ứng trung hòa các-bon cho các nhà máy chế tạo và chế biến thuộc sở hữu của họ hoặc qua ký hợp đồng thầu phụ với các nhà cung cấp vải, chế biến vải, sản xuất sợi, thuộc da vào năm 2030. Nhãn hàng Nike đã công bố các kế hoạch tương tự, có ảnh hưởng đến trên 100 nhà cung cấp của Nike tại Việt Nam…

Ngành dệt may và những lợi ích khi triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS): Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2022 đạt hơn 10,6 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Ngành dệt may đang lấy lại đà tăng trưởng, với kịch bản tích cực nhất, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam sẽ đạt khoảng 42 – 43,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, muốn tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần phải tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu của các Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA).

Đặc biệt, ngành dệt may Việt Nam cần phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống với nguyên lý “khai thác, sản xuất và thải bỏ sau tiêu thụ”, đang làm cạn kiệt tài nguyên và tạo ra một lượng lớn chất thải.

Về cơ bản, nền kinh tế tuần hoàn thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng và khép kín chu trình sản xuất nhằm mục đích giảm nguyên liệu và năng lượng đầu vào, kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm thiểu phát sinh chất thải và giảm tác động xấu đến môi trường. Nền kinh tế tuần hoàn nhất quán với các nguyên tắc 3R: Giảm thiểu, Tái sử dụng và Tái chế.

Như vậy, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, các DN dệt may sẽ có nhiều lợi ích và cơ hội, đó là: Giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo như nước, năng lượng, nhiên liệu hóa thạch và nguyên liệu thô; Giảm sự phụ thuộc vào các nước khác, sự phụ thuộc này có thể dẫn tới những căng thẳng về chính trị toàn cầu; Giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và mô hình; Gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, tiết kiệm cho người tiêu dùng; Tạo ra các cơ hội kinh tế; Tạo việc làm mới (trong lĩnh vực đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo).

Mặc dù có nhiều lợi ích và tiềm năng, song theo các chuyên gia việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn không phải là một quá trình đơn giản, đặc biệt đối với ngành có chuỗi cung ứng phức tạp và rộng khắp trên thế giới như ngành dệt may.

Theo https://vinatex.com.vn/san-xuat-va-tieu-thu-hang-det-may-trong-nen-kinh-te-tuan-hoan; https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-det-may-xanh-hoa-hay-se-bi-tut-lai-phia-sau.htm