Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu: Doanh số bán ôtô hybrid vượt xa xe diesel

Doanh số bán xe ôtô chạy dầu diesel tiếp tục giảm mạnh do thị trường ôtô châu Âu chuyển hướng: trong quý thứ ba, số lượng xe hybrid bán ra nhiều hơn xe động cơ diesel, Hiệp hội các nhà sản xuất xe ôtô (ACEA) công bố hôm thứ Sáu.

Xe hybrid không sạc đứng ở vị trí thứ hai với 20,7% thị phần, sau xe xăng (39,5%) nhưng trước xe diesel (17,6%), đã mất 10 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự tăng trưởng này đặc biệt đến từ các quốc gia Trung Âu, nơi doanh số bán xe hybrid tăng 69,3% trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/2021.

Bảy năm sau vụ bê bối “Dieselgate”, doanh số bán động cơ diesel đã giảm một nửa, với 381.473 xe được bán ra trong quý III/2021.

Được trợ cấp rộng rãi, xe hybrid và xe điện đã tăng gần gấp đôi sự hiện diện của chúng, với 9,8% và 9,1% thị phần.

Doanh số bán xe điện nói riêng đã tăng gấp đôi trong vòng một năm tại Ý, Thụy Điển, Đan Mạch, Bồ Đào Nha và Áo, trong khi tăng 62,7% ở Đức và 34,6% ở Pháp, hai thị trường chính của châu Âu.

Thụy Điển là quốc gia sử dụng nhiều xe điện nhất trong Liên minh châu Âu với 25% trong tổng số ôtô mới, trước Hà Lan với 18,8%. Na Uy là quốc gia có nhiều điện nhất trên thế giới với gần 72% xe điện.

Kể từ năm 2020, các nhà sản xuất đã tăng cường cung cấp xe hybrid và xe điện. Thị trường xe ôtô vốn bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng y tế và tình trạng thiếu chất bán dẫn, nay đang khởi sắc.

Ví dụ với hãng Porsche, về doanh số bán hàng từ tháng 1 đến tháng 9, mẫu Taycan chạy điện 100% đã vượt qua mẫu xe thể thao 911, nhưng vẫn kém xa so với mẫu Cayenne và Macan.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/khung-hoang-nang-luong-tai-chau-au-doanh-so-ban-oto-hybrid-vuot-xa-xe-diesel-630569.html

Zero carbon có làm khủng hoảng năng lượng trầm trọng hơn?

CNBC ngày 21/10/2021 đưa trả lời phỏng vấn độc quyền với CNBC hôm thứ Tư của Bộ trưởng Tài chính Ả rập Xê-út Mohammed al -Jadaan cho rằng nếu thế giới không cẩn thận với các chính sách khí hậu của mình thì có thể sẽ kích hoạt một cuộc khủng hoảng năng lượng “thậm chí còn trầm trọng hơn”.

Bộ trưởng Tài chính Ả rập Xê-út Mohammed al -Jadaan tại cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng quốc gia các nước G20 tại Riyadh, Ả rập Xê-út ngày 23/2/2020. Ảnh: Fayez Nureldine/AFP via Getty Images.

Bộ trưởng Tài chính Ả rập Xê-út nhấn mạnh, mặc dù các chính sách khí hậu là “rất quan trọng”, nhưng “nếu chúng ta không cẩn thận với những gì chúng ta đang làm để đạt mục tiêu khí hậu, chúng ta có thể gặp phải một cuộc khủng hoảng năng lượng rất nghiêm trọng như những gì đang diễn ra bây giờ và nó còn có thể trầm trọng hơn trong tương lai”. Giá khí đốt trên khắp châu Âu và các nơi khác đã tăng liên tục do một loạt yếu tố, bao gồm cả việc nhu cầu tăng, lượng khí đốt lưu kho thấp và sản lượng điện gió giảm.

Bộ trưởng Mohammed al-Jadaan ủng hộ “một sự cân bằng”, muốn thấy sự phát triển của công nghệ mới thu giữ, tái sử dụng và tái chế carbon diễn ra cùng với đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Công nghệ thu giữ carbon sẽ được áp dụng cho cả quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch tạo ra năng lượng. Một số người coi đây là một cách đầy hứa hẹn để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bộ trưởng al-Jadaan tin rằng “chúng ta sẽ an toàn hơn rất nhiều nếu đạt được một sự cân bằng đúng đắn giữa hai vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng”. Quá trình này đang diễn ra khi Ả rập Xê-út nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của mình giảm phụ thuộc vào hydrocacbon, mặc dù phần lớn doanh thu của nước này vẫn đến từ dầu mỏ.

Hướng tới một giá dầu cân bằng

Điểm chuẩn của dầu thô Brent và Mỹ đều đã tăng hơn 65% trong năm nay và đang dao động quanh mức cao nhất trong nhiều năm. Bộ trưởng Al-Jadaan cho biết Ả rập Xê-út không muốn giá dầu quá cao hoặc quá thấp. Một giá dầu cân bằng là điều tốt cho các nhà sản xuất và cho phép họ tiếp tục đầu tư vào nguồn cung, nhưng không làm chệch hướng sự phục hồi của thế giới sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 “tàn khốc”. “Chúng tôi không muốn một mức giá quá thấp, sẽ làm tê liệt các khoản đầu tư và gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng”. Bộ trưởng Tài chính Ả rập Xê-út cho rằng hậu quả “không mong muốn” của chính sách tập trung vào năng lượng tái tạo ở như ở châu Âu là đẩy giá khí đốt tăng cao.

Zero carbon có làm khủng hoảng năng lượng trầm trọng hơn?

Cảng xuất khẩu dầu ở Ras Tanura, nơi có nhà máy lọc dầu lớn nhất Ả rập Xê-út. Ảnh:Jacques Langevin/Sygma via Getty Images.

Bộ trưởng Tài chính al-Jadaan cho biết có lo ngại về lạm phát, nhưng không phải là lạm phát đình trệ. “Tôi lo lắng một chút về lạm phát, và đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến năng lượng”. Mọi người nên theo dõi cẩn thận việc tăng giá năng lượng và cần phải suy nghĩ lại xem “chúng ta đã làm gì để dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung này và cần phải cố gắng điều chỉnh nó”. Bộ trưởng Mohammed al-Jadaan tin rằng đây không phải là các vấn đề có tính lâu dài, có thể được giải quyết trong khoảng từ một đến hai năm./.

Thanh Bình
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/zero-carbon-co-lam-khung-hoang-nang-luong-tram-trong-hon-630321.html

Đối mặt khủng hoảng năng lượng, châu Âu kêu gọi ủng hộ điện hạt nhân

10 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu – gồm Pháp, Phần Lan, Ba Lan, CH Séc, Slovakia, Croatia, Slovenia, Rumani, Bulgaria và Hungary – ký một tuyên bố chung khẳng định năng lượng hạt nhân bảo vệ những người tiêu thụ châu Âu chống lại giá cả tăng vọt, đặc biệt nhấn mạnh rằng nó có vai trò chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Các bên ký kết tuyên bố rằng năng lượng hạt nhân “bảo vệ người tiêu dùng châu Âu khỏi sự biến động giá cả”, trong khi giá khí đốt đã tăng mạnh trong vài tháng qua. Do đó, họ cho rằng năng lượng hạt nhân phải được đưa vào khuôn khổ phân loại của châu Âu trước cuối năm nay”, nghĩa là trong danh sách các loại năng lượng được coi là tốt cho cả khí hậu và môi trường mà Ủy ban châu Âu phải đề xuất trong những tháng tới. Việc phân loại này sẽ mở ra khả năng tiếp cận nguồn tài chính “xanh” và tạo lợi thế cạnh tranh cho các lĩnh vực được công nhận.

Theo các nước này, năng lượng hạt nhân cần phải được đưa vào danh sách các năng lượng có lợi cho khí hậu và môi trường. Quan điểm này bị nhiều thành viên khác của liên minh, như Đức và Áo, cực lực phản đối, giống như nhiều tổ chức phi chính phủ coi đó là một công nghệ rủi ro.

Các thành viên ủng hộ điện hạt nhân cũng ca ngợi lợi ích kinh tế của ngành công nghiệp hạt nhân. Theo họ, sự phát triển của ngành này có thể “tạo ra gần 1 triệu việc làm có trình độ cao ở châu Âu”.

Đối với Pháp, đây là cơ hội để một lần nữa khơi lại các cuộc tranh luận không ngừng nghỉ về năng lượng hạt nhân. Chủ đề này được đưa ra hai ngày trước khi Tổng thống Emmanuel Macron công bố kế hoạch đầu tư hàng chục tỷ euro cho kế hoạch mang tên “Nước Pháp 2030”, trong đó ngành công nghiệp điện hạt nhân có một vị trí nổi bật. Nguyên thủ Pháp đặc biệt kỳ vọng vào việc phát triển các lò phản ứng hạt nhân nhỏ, được gọi là SMR (“lò phản ứng mô-đun nhỏ”).

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/doi-mat-khung-hoang-nang-luong-chau-au-keu-goi-ung-ho-dien-hat-nhan-629214.html

Pháp dùng thuế quan để khuyến khích phát triển điện mặt trời

Một biện pháp thuế quan mới đã được đưa ra để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án quang điện trên các mái nhà lớn ở Pháp, theo một nghị định được công bố hôm 9/10.

Tất cả các dự án có quy mô nhỏ hơn 500 kilowatt (kW), hoặc 5.000 m³ diện tích bề mặt, sẽ được hưởng trực tiếp giá mua mà không phải thông qua đấu thầu. Trước đây, để hưởng ưu đãi này, dự án chỉ cần ở mức 100 kW.

Biện pháp này nhằm mục đích khuyến khích việc lắp đặt bề mặt lớn các tấm thu năng lượng mặt trời, ví dụ như trên mái của các trang trại nông nghiệp, nhà kho, trung tâm mua sắm… đồng thời hạn chế việc chiếm dụng không gian tự nhiên và đất tư, Bộ Chuyển đổi sinh thái Pháp cho biết.

Nghị định cũng quy định một khoản thưởng về thuế quan nếu công trình đạt được một số tiêu chí về thẩm mỹ.

Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời hoan nghênh quyết định này.

Liên minh Năng lượng tái tạo (SER) cho biết: “Chắc chắn sắc lệnh này sẽ tạo ra một động lực cho ngành”.

Enerplan, hiệp hội các chuyên gia năng lượng mặt trời Pháp, kêu gọi các công ty “nắm bắt cơ hội này”. “Đây là một tin tuyệt vời”, Chủ tịch của Enerplan, Daniel Bour, phản ứng.

Pháp có gần 12 gigawatt (GW) điện mặt trời được lắp đặt. Công suất này sẽ tăng gấp 3 lần trong 7 năm tới, để đạt được mục tiêu trong lộ trình năng lượng của đất nước (35 – 44 GW điện mặt trời vào năm 2028).

Nh.Thạch
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phap-dung-thue-quan-de-khuyen-khich-phat-trien-dien-mat-troi-628853.html

OPEC: Ai sẽ chiến thắng trong chuyển đổi năng lượng toàn cầu?

Tạp chí Phố Wall (The Wall Street Journal) mới đây đã có bài viết phân tích về dự báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đối với tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

OPEC dự báo, sẽ rất khó có người chiến thắng trong tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Tổ chức này nhấn mạnh, OPEC sẽ tăng đáng kể ảnh hưởng của mình trên thị trường dầu mỏ toàn cầu trong hai thập kỷ tới. Tạp chí Phố Wall (The Wall Street Journal) mới đây đã có bài viết phân tích về dự báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đối với tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Trong báo cáo thường niên về xu hướng năng lượng dài hạn mới đây, OPEC cho biết, tổ chức này kỳ vọng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng ổn định trong hai thập kỷ tới. OPEC dự báo, các thành viên của mình sẽ chiếm 39% tổng sản lượng tiêu thụ dầu thô toàn cầu (tăng từ 33% hiện nay) đến năm 2045. Bên cạnh đó, OPEC nhận định, khu vực Trung Đông (nơi có hai nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC là KSA và UAE) sẽ xuất khẩu 57% lượng dầu thô khai thác của thế giới vào năm 2045 (tăng từ 48% vào năm 2019).

Ảnh: Shutterstock

Theo báo cáo, thị phần của OPEC sẽ tăng lên do sản lượng của một số nhà sản xuất lớn, bao gồm Mỹ sẽ sụt giảm trong bối cảnh đầu tư vào phát triển các dự án dầu khí mới giảm. Nguồn cung dầu thô ngoài OPEC được dự báo sẽ ổn định và đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này. Báo cáo cũng cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2045 so với mức của năm 2019.

Những dự báo nêu trên đều nằm trong những tính toán chặt chẽ của OPEC. Nhiều giám đốc điều hành và các nhà phân tích thị trường cho rằng, việc các nền kinh tế phát triển thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng phát thải carbon thấp không tạo ra động lực lớn. Bất chấp sự chuyển đổi đó, nhu cầu về dầu và khí đốt thiên nhiên dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong nhiều năm tới. Trong ngắn hạn, điều này mang lại những lợi ích tiềm năng cho các bên không cam kết cắt giảm sản lượng dầu thô và khí đốt.

Các nhà phân tích của IEA cho rằng, OPEC sẽ đóng vai trò quan trọng hơn đối với các thị trường dầu mỏ. Bằng cách tăng thị phần của mình trên thị trường dầu toàn cầu, tổ chức này cũng sẽ tăng cường sức mạnh của mình trong việc tác động đến giá dầu thô. Không giống như hầu hết các nhà sản xuất, KSA và một số thành viên OPEC luôn có công suất khai thác dự phòng. Điều này có nghĩa là, trữ lượng dầu có thể nhanh chóng được bơm ra khỏi lòng đất, cho phép các quốc gia này điều chỉnh biên độ tăng, giảm sản lượng tùy ý trong thời gian ngắn, phụ thuộc vào nhu cầu dầu toàn cầu. Hoạt động sản xuất sẽ giống như một ngân hàng trung ương trên thị trường dầu mỏ. Ví dụ gần đây, trong tháng 8/2021, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden đã kêu gọi OPEC đẩy nhanh các kế hoạch tăng sản lượng dầu thô để giúp đáp ứng nhu cầu gia tăng tại Mỹ sau đại dịch Covid-19. Đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh giá xăng tại Mỹ đang tăng mạnh. Tuy nhiên, OPEC từ chối tăng sản lượng hơn nữa. Điều này đã góp phần thúc đẩy giá dầu thô Brent trong ngày 28/09 có thời điểm đã chạm ngưỡng 80 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Với thị phần hiện có trong cơ cấu tiêu thụ dầu toàn cầu, OPEC đang sử dụng một nhóm các nhà kinh tế chuyên nghiệp – những chuyên gia chuyên phân tích dữ liệu từ các nước thành viên và các nguồn bên ngoài OPEC. Thường kỳ hàng tháng, nhóm này sẽ công bố nhiều báo cáo đánh giá, phục vụ các quan chức của OPEC tham khảo để đưa ra những quyết định về sản lượng.

Cũng trong báo cáo của mình, OPEC dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 28%, lên mức 108,2 triệu thùng/ngày trong vòng hai thập kỷ tới (từ mức 100 triệu thùng/ngày vào năm 2019). OPEC nhận định, sản lượng chung của tổ chức trong khoảng thời gian này sẽ tăng hơn 23% để đảm bảo mức giá “dễ chịu” cho ngân sách của các nước thành viên. Bên cạnh đó, báo cáo cho rằng, hầu hết nhu cầu dầu thô mới sẽ gia tăng chủ yếu tại các nước đang phát triển. Nhu cầu tại đây dự kiến sẽ tăng 52% đến năm 2040.

Ngoài ra, OPEC cũng dự báo, hai loại hình năng lượng gió và mặt trời sẽ tăng thị phần lên 4 lần trên thị trường toàn cầu và sẽ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu năng lượng của thế giới vào năm 2045 (tăng so với mức 2,5% hiện nay). Điều này sẽ ảnh hưởng chung đến hoạt động của OPEC trên thị trường năng lượng, song sự thay đổi được dự báo là không lớn. Đến năm 2045, vai trò tổng thể của dầu mỏ như một nguồn năng lượng sẽ sẽ chiếm thị phần tới 28%, chỉ giảm 2% so với mức 30% hiện nay. Khí đốt thiên nhiên sẽ tăng thị phần từ 23% lên 24,4%.

Đáng chú ý là báo cáo của OPEC được công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về khí hậu (COP26) sắp tới. Nhiều quốc gia đã cam kết giảm lượng khí thải để làm chậm lại quá trình nóng lên toàn cầu do hoạt động của con người gây ra.

Chính phủ các nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ, trong đó có Mỹ, đã cam kết cắt giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng cách gia tăng sử dụng các nguồn NLTT như năng lượng gió và mặt trời. IEA cho biết, việc đạt mục tiêu trung hòa carbon sẽ là “chìa khóa” để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C. Đầu năm nay, Liên hợp quốc đã kêu gọi chính phủ các nước cần phải ngừng ngay lập tức đầu tư vào hydrocarbon để không phát thải ròng đến năm 2050.

Ngược lại, OPEC lại cho rằng, thế giới cần đầu tư gần 12 nghìn tỷ USD đến năm 2045 để đáp ứng tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch dự kiến và bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng tại các mỏ dầu khí hiện nay. Nếu không có sự đầu tư này, thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ giá dầu tăng cao. OPEC cho biết thêm, việc cắt giảm đầu tư đối với ngành công nghiệp dầu mỏ là một trong những thách thức lớn. Nếu không có các khoản đầu tư cần thiết, thị trường sẽ chứng kiến sự biến động lớn.

Tiến Thắng
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/opec-ai-se-chien-thang-trong-chuyen-doi-nang-luong-toan-cau-627902.html