Ngành hàng không sẽ thực hiện chuyển đổi sang năng lượng “xanh” như thế nào?

Trong tương lai, ngành hàng không phản lực thế giới có thể chuyển sang sử dụng nhiên liệu mới. Tuy nhiên hình dáng của máy bay sẽ thay đổi.

Chuyển đổi xanh toàn cầu: Thế giới sẽ vận hành như thế nào?

Cùng với những con số kỷ lục về tình trạng biến đổi khí hậu, thế giới cũng đã ghi nhận những kỷ lục trong lĩnh vực tài chính và công nghệ. Lĩnh vực đầu tư vào tài sản “xanh” đang phát triển mạnh và chứng tỏ vị trí quan trọng trong quá trình chuyển đổi “xanh” toàn cầu. Khối lượng trái phiếu “xanh” phát hành tăng mạnh so với năm 2019 và đạt kỷ lục 350 tỷ USD trong năm 2020.

Xu thế chung của thế giới hiện nay là loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và sử dụng năng lượng xanh. Để đạt được điều này, lối sống của người dân cần phải thay đổi để đáp ứng những yêu cầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Vậy ngành hàng không sẽ thực hiện chuyển đổi sang năng lượng “xanh” như thế nào?

Các chuyến bay sử dụng nhiên liệu thay thế đã được thực hiện trên các máy bay không người lái. Nhiên liệu thay thế được sử dụng cho ngành hàng không, ví dụ, thay vì dầu hỏa, nhiên liệu hydro được sử dụng. Có dự báo đến năm 2035 máy bay sẽ có thể bay thực sự bằng nhiên liệu như vậy.

Theo Tổng giám đốc của Viện Động cơ Hàng không Trung ương Nga (CIAM), trong tương lai, ngành hàng không phản lực thế giới có thể chuyển sang sử dụng nhiên liệu mới. Tuy nhiên hình dáng của máy bay sẽ thay đổi.

Máy bay của tương lai sẽ sử dụng nhiên liệu hydro. Vấn đề không hề đơn giản. Điểm độc đáo là về hiệu suất trọng lượng, mật độ năng lượng trên một kilogram khối lượng. Theo Tổng giám đốc CIAM, Hydro lỏng là chất lưu trữ năng lượng tốt nhất, tốt hơn nhiều lần so với dầu hỏa. Do đó, sử dụng nó rất có lãi.

Nhiên liệu khác nhau có nghĩa là máy bay khác nhau

Tuy nhiên, nhiên liệu hydro có một điểm đặc biệt: nó chiếm thể tích lớn hơn dầu hỏa. Theo đó, để phù hợp với nó, sẽ phải được thiết kế các máy bay có hình dạng khác.

Theo ý kiến chuyên gia, trong sơ đồ khí động học của máy bay hiện đại cần có sự hợp lý giữa khối lượng nhiên liệu hydro cần thiết và thể tích dùng để chuyên chở hành khách.

Ngoài ra, những chiếc máy bay như vậy đòi hỏi phải tạo ra một cơ sở hạ tầng thích hợp để lưu trữ và tiếp nhiên liệu hydro đông lạnh, nhân viên sân bay cần dược đào tạo kỹ năng làm việc thích hợp.

Ngọc Linh

https://petrotimes.vn/nganh-hang-khong-se-thuc-hien-chuyen-doi-sang-nang-luong-xanh-nhu-the-nao-600125.html

4 xu hướng công nghệ sắp thay đổi cuộc sống

Công nghệ luôn phát triển không ngừng với tốc độ mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Trong số đó, có 4 xu hướng công nghệ nổi bật đang rất gần với thực tế và sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta trong thời gian tới.

1. Trí tuệ nhân tạo (AI)

Tương lai của mọi ngành công nghiệp đều đang hướng đến ứng dụng AI. Công nghệ thông minh này đang được xem là động lực của nhiều công nghệ mới nổi khác như dữ liệu lớn, tự động hóa, Internet Vạn vật (IoT). AI có mặt trong mọi thiết bị công nghệ mà chúng ta sử dụng sẽ là một xu hướng tất yếu và sắp trở thành hiện thực.

Một số lĩnh vực mà AI sẽ nhanh chóng xuất hiện là: xử lý tự động (RPA), trò chuyện tự động (AI chatbot) và dữ liệu lớn. AI được kỳ vọng sẽ giúp các công ty ít tốn thời gian, nhân sự và đạt hiệu quả cao đối với các khối lượng công việc lớn, mang tính chất cố định.

2.Thực tế ảo (Virtual Reality – VR) và thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality – AR)

Xu hướng hấp dẫn tiếp theo là sự nổi lên của VR và AR. VR “nhúng” người sử dụng vào môi trường ảo, trong khi AR cải tiến môi trường đó. Mặc dù công nghệ này cho đến nay chủ yếu được sử dụng cho các trò chơi điện tử, song nó cũng đã được sử dụng trong các phần mềm huấn luyện của Hải quân Mỹ.

Sắp tới, chúng ta sẽ sớm bắt gặp các công nghệ này khi chúng được tích hợp nhiều hơn vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. AR và VR có tiềm năng lớn trong huấn luyện, giải trí, giáo dục, quảng cáo và thậm chí là hồi phục sau chấn thương.

Cả hai cũng có thể được sử dụng để đào tạo bác sĩ thực hiện phẫu thuật, cung cấp cho khách tham quan bảo tàng trải nghiệm sâu hơn, cải tiến các công viên chủ đề, hay thậm chí cải tiến quảng cáo, như màn hình quảng cáo Pepsi Max ở các nhà chờ xe buýt ở Anh.

3. Internet Vạn vật (IoT)

Mặc dù IoT đã xuất hiện kể từ những năm 1980, song nó chỉ phát triển rầm rộ sau khi có nhiều tiến triển trong công nghệ không dây và nhiều đồ vật được tích hợp kết nối WiFi – có nghĩa là chúng có thể được kết nối Internet và kết nối với nhau. IoT đã cho phép nhiều thiết bị, đồ dùng gia đình, xe hơi và nhiều đồ vật khác, kết nối và trao đổi dữ liệu qua Internet.

Ví dụ rõ ràng nhất về ứng dụng IoT trong cuộc sống của chúng ta là cửa hàng Amazon Go được khai trương ở Seattle (Mỹ) hồi tháng 2-2020. Nó được trang bị công nghệ mua sắm tiên tiến nhất thế giới cho phép mua hàng mà không cần phải đợi thanh toán tiền.

IoT cũng ngày càng phát triển nhờ sự giúp sức của điện toán biên. Thay vì gởi toàn bộ dữ liệu từ thiết bị IoT lên đám mây, dữ liệu trước tiên sẽ được truyền tới một thiết bị lưu trữ tại chỗ, gần với thiết bị IoT hay ở biên của mạng, để xử lý nhanh hơn.

Số thiết bị IoT cũng được dự báo sẽ tăng cao. Theo nghiên cứu của Cisco, sẽ có 27,1 tỉ thiết bị kết nối mạng vào cuối năm nay và 43% trong số đó kết nối di động. Trên toàn cầu, sẽ có 3,5 thiết bị kết nối mạng/người.

4. Y tế số và y tế từ xa

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe và y tế từ xa đã tăng cao đáng kể trong đại dịch COVID-19 khi người dân trên khắp thế giới có nhu cầu tư vấn không tiếp xúc. Ðiều này đặt ra yêu cầu y tế từ xa không phải là sáng tạo mà là cần thiết.

Trí tuệ nhân tạo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chuyển đổi số của ngành Y tế. Hiện tại, một số bệnh nhân có thể đã tương tác hay nghe nói đến một hình thức nào đó của AI, như robot trị liệu PARO cho các bệnh nhân tâm thần, hay robot trò chuyện như Woebot Health cung cấp một bộ chương trình trị liệu chuẩn lâm sàng để xử lý các vấn đề về sức khỏe tâm thần của bệnh nhân.

Các quốc gia trên khắp thế giới cũng đang nỗ lực xây dựng các hồ sơ sức khỏe điện tử toàn diện và có thể truy cập. Ðiển hình là Thụy Ðiển, khi tất cả người dân ở đây có một số nhận dạng cá nhân Swedish PIN, được sử dụng cho mọi hồ sơ sức khỏe. Những y, bác sĩ truy cập được vào các cổng y tế số này sẽ biết được rất nhiều thông tin về bệnh nhân, để từ đó có phương cách trị bệnh tốt nhất.

Với y tế từ xa phụ thuộc 100% vào công nghệ, an ninh mạng đã trở thành một vấn đề rất quan trọng, vì nó sẽ gây ra thiệt hại rất lớn. Do đó, y tế từ xa vẫn đang được tiếp tục phát triển để tăng cường an ninh.

Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều bệnh nhân quan tâm nhiều hơn đến y tế từ xa và nhiều lựa chọn của nó, thế giới cũng sẽ nhanh chóng chuyển đổi sang xu hướng này.

LÊ PHI (Theo MUO)
https://baocantho.com.vn/4-xu-huong-cong-nghe-sap-thay-doi-cuoc-song-a130090.html

Đức tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải

Chính phủ Đức đã nhất trí về lộ trình đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải trong 10 năm tới, hướng tới mục tiêu chiếm 28% năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Chính phủ Đức ngày 3/2 đã thông qua dự luận tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải lên 28% vào năm 2030.

Dự luật do Bộ Môi trường, Bảo vệ tự nhiên và An toàn hạt nhân liên bang soạn thảo nhằm mục tiêu gia tăng sử dụng nhiên liệu sinh học trong giao thông vận tải cũng như đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng sạc cho ô tô điện.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Chính phủ Đức đã nhất trí về lộ trình đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải trong 10 năm tới, hướng tới mục tiêu chiếm 28% năng lượng tái tạo trong lĩnh vực này vào năm 2030.

Bộ trưởng Môi trường liên bang Đức Svenja Schulze khẳng định mục tiêu mà Đức đặt ra cao gần gấp đôi mục tiêu của EU (14%), và đây là mục tiêu “rất tham vọng.”

Tuabin điện gió tại một ngôi làng ở Đức. (Nguồn: dw.com)

Theo bà Schulze, điều này là cần thiết do Đức chưa đạt được mục tiêu về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phát trong lĩnh vực giao thông kể từ năm 1990.

Với kết hoạch tham vọng mới, các công ty dầu khoáng có nghĩa vụ giảm mức phát thải bằng cách sử dụng các sản phẩm năng lượng thân thiện với môi trường như nhiên liệu sinh học tiên tiến, hydro xanh hoặc điện, với hạn ngạch tăng từ 6% hiện nay lên 22% vào năm 2030.

Dự luật cũng quy định cụ thể loại nhiên liệu tái tạo được sử dụng để đáp ứng hạn ngạch. Trong khi tỷ trọng của nhiên liệu sinh học tiên tiến (nhiên liệu từ các phế phẩm như rơm rạ và phân bón) sẽ tăng từ 0 lên ít nhất 1,75% vào năm 2030, thì tỷ trọng nhiên liệu sinh học từ thực phẩm và cây lương thực sẽ được giữ ở mức trần 4,4%.

Việc sử dụng dầu cọ trong bể chứa (hiện chiếm 20% nhiên liệu sinh học) sẽ bị loại bỏ dần vào năm 2026.

Ngoài ra, để có thể sử dụng nhiên liệu tái tạo trong lĩnh vực hàng không, dự luật lần đầu tiên đề cập hạn ngạch nhiên liệu điện trong hàng không, theo đó nhiên liệu cho máy bay phản lực phải đạt ít nhất 2% nhiên liệu lỏng có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo thông qua điện phân vào năm 2030.

Theo Bộ trưởng Schulze, Đức cần có nhiều công nghệ sạch, hiện đại hơn để đạt được các mục tiêu về khí hậu trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Với luật khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện với khí hậu, Chính phủ liên bang Đức đang tạo ra một công cụ hiệu quả để thực sự giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Việc điều chỉnh luật nêu trên nhằm thực hiện chỉ thị của EU về năng lượng tái tạo trong giao thông (RED II), theo đó đến năm 2030 phải chiếm 14% tổng năng lượng tiêu thụ trong lĩnh vực giao thông.

Ngành giao thông vận tải bị tụt hậu so với lĩnh vực điện và sưởi ấm, những lĩnh vực đã đạt mức độ khử cácbon cao hơn do các nguồn năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Sau khi được nội các thông qua, dự luật trên phải được Quốc hội (Hạ viện) và Hội đồng liên bang (Thượng viện) phê chuẩn để có hiệu lực. Việc xem xét điều chỉnh luật có thể được tiến hành muộn nhất vào năm 2024./.

Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/duc-tang-ty-trong-nang-luong-tai-tao-trong-linh-vuc-giao-thong-van-tai/693467.vnp

Ô tô điện có thể gây ô nhiễm môi trường tồi tệ hơn ô tô chạy xăng và dầu diesel

Nhiều người cho rằng xe ô tô điện, không có ống xả, hẳn sẽ ít gây ô nhiễm không khí hơn so với xe chạy xăng tuy nhiên theo nghiên cứu mới đây cho thấy, những hạt tạo ra trong quá trình lăn bánh của xe điện ô nhiễm hơn.

Theo tin tức trên báo VnExpress, xe điện được các Chính phủ và hãng xe coi là giải pháp hữu hiệu để giảm ô nhiễm môi trường từ phương tiện giao thông. Tuy vậy, việc sản xuất, vận hành xe điện vẫn gặp luồng ý kiến trái chiều, vì những nguồn ô nhiễm khác mà loại xe này gây ra.

Pin ô tô điện nặng hơn đồng nghĩa với việc ô nhiễm hạt nhiều hơn

Tuy nhiên, một nghiên cứu gây tranh cãi năm 2016 cho biết ô nhiễm dạng hạt từ ô tô điện có thể còn tồi tệ hơn. Do trọng lượng của pin, ô tô điện nặng hơn khoảng 200 – 300 kg so với các ô tô có kích thước tương tự sử dụng nhiên liệu làm từ dầu. Nặng hơn đồng nghĩa với ô nhiễm hạt nhiều hơn từ sự hao mòn phanh, lốp và mặt đường.

Những nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh chỉ ra rằng, ô tô điện có thể gây ra ô nhiễm với hàng ngàn tấn chất thải pin chưa được xử lý, có khả năng làm rò rỉ các hóa chất nguy hiểm vào môi trường.

Số lượng pin xe điện bị loại bỏ đang tạo ra một núi rác thải khổng lồ. Việc này có thể gây ra cuộc khủng hoảng ô nhiễm môi trường trong tương lai.

Chính vì vậy, trong một báo cáo mới đây, các nhà khoa học của Đại học Birmingham đã kêu gọi chính phủ các nước phải “hành động ngay để phát triển một kế hoạch tái chế mạnh mẽ, có thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai”.

Các nhà nghiên cứu nhận định nếu không đẩy mạnh phát triển công nghệ tái chế thì hàng triệu chiếc xe điện được bán trong năm 2017 sẽ tạo ra 250.000 tấn chất thải pin chưa được xử lý trong suốt tuổi đời của chúng.


Ô tô điện vẫn có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Autoexpress

Thời gian phanh trên ô tô điện lâu hơn nên việc thải ra nhiều ô nhiễm dạng hạt hơn

Một phân tích mới của Đại học Birmingham (Anh), gợi ý rằng phanh tái sinh, dùng động cơ điện làm giảm tốc độ của ô tô, sẽ khiến xe điện ít gây ô nhiễm hơn ở các khu vực thành thị.

Nghiên cứu ở Los Angeles cho thấy thời gian phanh trên ô tô điện được sử dụng chỉ bằng 1/8 lần so với phanh trên xe chạy nhiên liệu hoá thạch. Tuy nhiên, trọng lượng trội hơn của xe điện đồng nghĩa với việc chúng có xu hướng thải ra nhiều ô nhiễm dạng hạt hơn trên đường cao tốc.

Đâu là giải pháp?

Theo thông tin từ VietNamnet, các nhà nghiên cứu cho biết, việc tái chế pin xe điện không hề đơn giản vì có sự đa dạng về hóa học, hình dạng và thiết kế của pin lithium-ion. Để tái chế một cách hiệu quả, số pin này phải được tháo rời và phải phân tách được các dòng chất thải trong các bộ phận cấu thành của chúng. Giống như lithium, pin cũng chứa một số kim loại có giá trị khác như coban, niken và mangan. Những kim loại này có thể được tái sử dụng.

Các nhà nghiên cứu cho biết, đến năm 2040, nước Anh có thể có 8 nhà máy Gigafactory, tương tự như nhà máy Tesla được thấy ở đây, để sản xuất và tái chế pin xe điện.

Trong khi đó, Viện Faraday – viện nghiên cứu lưu trữ năng lượng điện hóa của Anh – cho biết, nhu cầu về pin xe điện có thể là cơ hội cho nước Anh. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vào năm 2040, nước Anh có thể cần phải xây dựng 8 nhà máy Gigafactory (nơi sản xuất pin và động cơ xe điện) để phục vụ nhu cầu về pin xe điện.

Tiến sĩ Harper cũng cho hay nước Anh sẽ cần phát triển các nguồn cung cấp cho những vật liệu cần thiết cho các loại pin này và vật liệu tái chế có thể đóng vai trò quan trọng.

Còn Giáo sư Andrew Abbott, Đại học Leicester, thông tin nếu điện khí hóa chỉ 2% của đội xe ô tô toàn cầu hiện nay thì số lượng xe điện trên thế giới sẽ đạt 140 triệu chiếc.

Theo Giáo sư Abbott, việc tái chế pin sẽ làm giảm đáng kể gánh nặng cho các bãi rác và giúp đảm bảo việc cung cấp nguyên liệu quan trọng cần thiết cho sản xuất pin trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu cũng đề nghị phát triển các phương pháp sửa chữa và tái chế nhanh chóng, đặc biệt là việc lưu trữ pin điện quy mô lớn có khả năng không an toàn.

Giáo sư Paul Christensen, Đại học Newcastle, đang hợp tác với ngành dịch vụ cứu hỏa và cứu hộ của Anh để phát triển các biện pháp đối phó với các vụ cháy pin lithium-ion. Giáo sư Christensen nói: “Những pin này chứa lượng điện năng lớn và hiện chúng tôi vẫn chưa có phương án xử lý khi chúng được sử dụng hết”.

“Một trong những lĩnh vực nghiên cứu ở dự án này là xem xét tự động hóa và làm thế nào để có thể tháo dỡ pin một cách an toàn, hiệu quả và thu hồi các vật liệu có giá trị như lithium và coban. Song cũng cần tính đến vấn đề an toàn công cộng khi pin EV đời thứ 2 trở nên phổ biến hơn. Chúng ta cần nhanh chóng có cái nhìn thấu đáo về toàn bộ vòng đời của pin – từ việc đào các vật liệu lên khỏi mặt đất cho đến việc xử lý chúng một lần nữa ở khâu cuối cùng”, Giáo sư Christensen cho biết.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/o-to-dien-co-the-tao-ra-cac-hat-lam-o-nhiem-moi-truong-hon-o-to-chay-xang-va-dau-diesel-d183385.html

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của năng lượng gió toàn cầu

Công ty Rethink Energy mới đây công bố báo cáo về triển vọng phát triển năng lượng gió toàn cầu đến năm 2030 với chủ đề: Năng lượng gió sẽ vượt năng lượng hạt nhân và thủy điện tại các thị trường điện hậu Covid-19.

Theo báo cáo, công suất lắp đặt điện gió toàn cầu tính đến hết năm 2020 ước tính đạt 756 GW và đến năm 2030 được dự báo tăng gấp 3 lần lên 2.126 GW. Phân khúc tăng trưởng nhanh nhất sẽ là năng lượng gió ngoài khơi, ước tính sẽ tăng từ 35 GW lên 248 GW vào năm 2030. Sự gia tăng các cam kết quốc gia đối với mục tiêu trung hòa carbon của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Kazakhstan thời gian gần đây, cũng như việc chính quyền của Tổng thống Mỹ J.Biden đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng là những yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng mạnh mẽ của năng lượng gió trong thập kỷ này.

Rethink Energy nhận định, Trung Quốc sẽ chiếm 36% tăng trưởng điện gió toàn cầu trong thập kỷ này và tổng công suất điện gió của nước này sẽ đạt 789 GW vào năm 2030. Mỹ và Ấn Độ sẽ lần lượt xếp ở vị trí thứ hai và ba. Năng lượng gió dự kiến sẽ vượt qua thủy điện và năng lượng hạt nhân về sản lượng điện trong thập kỷ 20. Đồng thời, tỷ trọng của nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện sẽ tiếp tục giảm.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/su-tang-truong-manh-me-cua-nang-luong-gio-toan-cau-597903.html