Sẽ có tàu chở dầu chạy bằng điện vào năm 2023

Tập đoàn công nghiệp nặng Kawasaki cho biết sẽ phát triển tàu chở dầu sử dụng năng lượng điện, không phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính đầu tiên trên thế giới.

Tàu chở dầu chạy năng lượng điện sẽ do hai công ty con của Tập đoàn công nghiệp nặng Kawasaki ở khu vực Shikoku của Nhật Bản phát triển và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2023.

Tàu sẽ có chiều dài khoảng 60m, trọng tải toàn phần là 499 tấn, sử dụng pin Lithium-ion có dung lượng bằng khoảng 100 chiếc xe ô tô điện và hoàn toàn không sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

So với loại tàu chạy bằng dầu nặng thông thường hiện nay, tàu chở dầu chạy bằng điện có nhược điểm là kinh phí chế tạo lớn. Tuy nhiên, ưu điểm là dễ vận hành và có thể cắt giảm số lượng thuyền viên, góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành hàng hải hiện nay.

Tàu chở dầu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn khi gặp sự cố trên đường vận chuyển.

Theo kế hoạch, tàu chờ dầu chạy năng lượng điện sẽ được công ty Asahi Tanker sử dụng để chờ dầu tại vịnh Tokyo và có thể được trưng dụng để cung cấp điện cho các cơ sở tại cảng trong trường hợp xảy ra các thảm họa thiên nhiên.

Trong bối cảnh các quốc gia đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường với các quy định ngày càng khắt khe hơn đã làm bùng nổ ngành ô tô điện trên toàn thế giới, tàu chở dầu sử dụng năng lượng điện đầu tiên trên thế giới có thể sẽ là khởi đầu cho xu hướng điện hóa của ngành vận tải biển trong tương lai.

P.V
https://petrotimes.vn/se-co-tau-cho-dau-chay-bang-dien-vao-nam-2023-580335.html

 VNCPC và đối tác tổ chức thăm thực địa Hệ thống Nhiệt phân quy mô nhỏ

Trong 2 ngày từ 12-14/10/2020, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cùng Công ty Cơ khí – Cơ điện Cà phê Viết Hiền đã tổ chức chuyến thăm thực địa Hệ thống công nghệ Nhiệt phân quy mô nhỏ (PPV 300), tại tỉnh Đăk Lăk.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy mô hình kinh doanh hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam (Pyrolysis Việt Nam, 7/2020 – 6/2022)”, thuộc Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu (GEPP), được tài trợ bởi Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO), thông qua Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

VNCPC là đơn vị triển khai các hoạt động trong nước với sự hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác liên danh thực hiện dự án bao gồm: Công ty Cơ khí – Cơ điện Cà phê Viết Hiền, Công ty tư vấn Sofies SA (Thụy Sỹ), Tổ chức Oekozentrum (Thụy Sỹ) và Husk Ventures S.L (Tây Ban Nha).

Đại diện Công ty Cơ khí – Cơ điện Cà phê Viết Hiền giới thiệu về hệ thống nhiệt phân PPV300

Công nghệ nhiệt phân (pyrolysis) từ Thụy Sỹ đã được UNIDO chuyển giao thành công cho công ty Viết Hiền, có tiềm năng chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng nhiệt và than sinh học (biochar). Đây được xác định là một giải pháp giúp nâng cao chất lượng nông sản và cải thiện độ màu mỡ của đất, đồng thời giảm thiểu phát thải khí CO2.

Dự án được thực hiện nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam thông qua 3 hợp phần cụ thể là: Nhận diện “công nghệ xanh” và nâng cao nhận thức về công nghệ nhiệt phân; Nghiên cứu khả thi và xây dựng các mô hình kinh doanh; Thúc đẩy thị trường than sinh học (biochar).

Tham quan vùng trồng cà phê

Tham dự chuyến thăm lần này, bà Đỗ Thị Dung – Đại diện Chương trình Hỗ trợ Quốc tế (ISG) thuộc Vụ Hợp tác Quốc tế – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, khảo sát và thu thập ý kiến, thông tin về công nghệ nhiệt phân từ đơn vị sản xuất trong nước là công ty Viết Hiền và người sử dụng. Từ đó, có cái nhìn toàn diện và trực quan về những ưu điểm nổi trội của công nghệ nhiệt phân để đẩy mạnh truyền thông (bao gồm khuyến nghị chính sách) giúp thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam.

VNCPC

Dự báo mới nhất của OPEC về thị trường dầu mỏ dưới áp lực Covid-19

Thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ tiếp tục chịu áp lực trước sự gia tăng mạnh của các trường hợp nhiễm Covid-19, ngay cả khi một mùa đông khắc nghiệt có thể đẩy giá dầu lên, theo đánh giá của OPEC ngày 13/10.

“Sự bùng phát trở lại của những trường hợp nhiễm Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, cho đến khi có vắc xin”, OPEC nhận định trong báo cáo hàng tháng của mình. “Tuy nhiên, mùa đông lạnh giá năm nay được dự đoán có thể góp phần làm tăng giá cả ở bán cầu bắc”, tổ chức này nói thêm.

Dự báo của OPEC về nhu cầu dầu toàn cầu gần như không thay đổi trong năm nay, với dự kiến ​​giảm 9,5 triệu thùng/ngày (Mb/ngày) xuống 90,3 Mb/ngày. Tuy nhiên, đối với năm 2021, nhu cầu đã được điều chỉnh giảm 0,08 Mb/ngày: OPEC hiện đang kỳ vọng mức phục hồi 6,5 Mb/ngày đạt 96,8 Mb/ngày. Điều này phản ánh triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu hơn, cho cả các nước OECD và các nước khác.

Về nguồn cung, ước tính sản lượng của các nước ngoài OPEC đã được điều chỉnh tăng 0,31 Mb/ngày trong năm nay, chủ yếu do sự phục hồi mạnh hơn dự kiến ​​trong sản xuất hydrocacbon lỏng ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sản lượng ngoài OPEC đã điều chỉnh giảm 0,11 Mb/ngày trong năm tới.

Trong tháng 9, sản lượng tại các nước OPEC giảm 47.000 thùng/ngày so với tháng 8 xuống 24.106 Mb/ngày, theo các nguồn thứ cấp (gián tiếp) được trích dẫn trong báo cáo của OPEC. Chủ yếu là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bơm ít hơn vào tháng trước, trong khi Iraq và Ả Rập Xê Út lại sản xuất nhiều hơn. Các thành viên OPEC và các đồng minh, bao gồm cả Nga, đang tự áp đặt việc cắt giảm sản lượng để nâng giá cả lên.

Giá dầu thực sự đã giảm khi cuộc khủng hoảng Covid-19 bùng phát, khiến lưu thông hàng không toàn cầu ngừng trệ, trước khi phục hồi và ổn định ở mức tương đối thấp. Một thùng dầu Brent từ Biển Bắc chỉ trị giá hơn 42 đô la vào ngày 13/10.

Nh.Thạch theo AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/du-bao-moi-nhat-cua-opec-ve-thi-truong-dau-mo-duoi-ap-luc-covid-19-580744.html

100 tỷ kWh: Mốc son quan trọng của Công ty Thủy điện Sơn La

Sau 10 năm vận hành đối với Nhà máy Thủy điện Sơn La và 4 năm vận hành Nhà máy Thủy điện Lai Châu, Công ty Thủy điện Sơn La vừa đạt sản lượng 100 tỷ kWh. Con số này có ý nghĩa thế nào đối với hệ thống điện quốc gia? Ông Khương Thế Anh – Giám đốc Công ty Thuỷ điện Sơn La có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, công ty vừa đạt sản lượng phát 100 tỷ kWh điện, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với hệ thống điện cũng như đối với Công ty?

Ông Khương Thế Anh: Công ty Thủy điện Sơn La được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao nhiệm vụ quản lý và vận hành 2 nhà máy thủy điện lớn trên bậc thang sông Đà là NMTĐ Sơn La công suất 2.400MW và NMTĐ Lai Châu công suất 1.200MW.

Tổng công suất của 2 nhà máy là 3.600MW – chiếm khoảng 6,1% tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc. Mỗi năm 2 nhà máy cung cấp lên hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 12 tỷ kWh – chiếm tỷ lệ khoảng 7% tổng sản lượng hệ thống điện quốc gia. Sản lượng điện phát 100 tỷ kWh đã đóng góp nguồn điện ổn định cho hệ thống điện quốc gia. Đồng thời, cả 2 nhà máy giữ vai trò điều tần nhằm đảm bảo ổn định hệ thống điện trong bối cảnh nhiều nhà máy điện mặt trời vào hoạt động thời gian qua.

Đồng thời, kể từ khi thành lập đến nay, Công ty Thủy điện Sơn La luôn là đơn vị dẫn đầu về giá trị, tỷ trọng đóng góp vào ngân sách tại địa phương các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh Tây Bắc. Tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước đối của công ty từ khi thành lập đến nay xấp xỉ đạt 17.000 tỷ đồng.

Có thể nói, dấu mốc này là niềm vinh dự và tự hào của CBCNV Công ty Thủy điện Sơn La, cũng đồng thời là động lực để Công ty cố gắng hơn nữa, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ Tập đoàn giao.

Ông Khương Thế Anh – Giám đốc Công ty Thuỷ điện Sơn La.

PV: Quản lý, vận hành 2 NMTĐ chiến lược đa mục tiêu và lớn bậc nhất ở Việt Nam, bên cạnh nhiệm vụ phát điện, xin ông cho biết việc chống lũ, chống hạn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc được công ty thực hiện như thế nào?

Ông Khương Thế Anh: Sản xuất điện chỉ là trong 3 nhiệm vụ chính của các nhà máy. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang tác động lớn đến nguồn nước không những cho phát điện, mà cho cả điều tiết nước về mùa lũ và cung cấp nước về mùa khô. Do đó, ngoài việc đảm bảo các tổ máy hoạt động ổn định, liên tục, công ty theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu, đề xuất điều tiết liên hồ chứa đảm bảo tận dụng tối đa nguồn nước.

Để chủ động, đặc biệt ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác vận hành hồ chứa tiến tới vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực, trong thời gian tới công ty sẽ phối hợp với đơn vị chuyên ngành lắp đặt thêm các trạm đo mưa, thủy văn, rada thời tiết và thuê cả vệ tinh để dự báo khí tượng thủy văn chính xác, kịp thời hơn.

Ngoài ra, khi hồ chứa thủy điện Sơn La, Lai Châu hình thành đã tạo nên nhiều tiềm năng và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho vùng Tây Bắc như: phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy sản (nuôi cá lồng, tôm …) trên lòng hồ, phát triển ngành nghề du lịch lòng hồ thủy điện, phát triển lĩnh vực giao thông thủy,… góp phần rất lớn vào công ăn, việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc.

Với nguồn ngân sách hàng năm nộp cho các địa phương rất lớn đã giúp các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn 3 tỉnh.

PV: Xin ông cho biết đâu là những yếu tố quan trọng nhất để công ty đạt được những kết quả nổi bật như trên?

Ông Khương Thế Anh: Để đạt kết quả nêu trên phải kể đến rất nhiều các yếu tố, trong đó, yếu tố đầu tiên cần nhắc đến là công ty thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các Bộ ban ngành Trung ương, EVN; sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; sự phối hợp tốt giữa các Sở ban ngành, doanh nghiệp trên địa bàn 3 tỉnh Tây Bắc, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với Công đoàn, Đoàn thanh niên trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Đội ngũ CNCNV của công ty có tuổi đời trẻ, được đào tạo bài bản, đáp ứng được yêu cầu công việc có trình độ kỹ thuật, chuyên môn cao, tâm huyết, đam mê với công việc, ý thức tổ chức kỷ luật cao. Trong quá trình vận hành hồ chứa luôn thực hiện đúng quy trình liên hồ chứa đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt; phát huy tối đa giá trị của nguồn nước; điều tiết hồ chứa phục vụ cắt lũ vào mùa mưa và xả nước tưới tiêu cho Đồng bằng Bắc Bộ trong mùa khô được tính toán, tham mưu chuẩn xác, tối ưu với công tác phát điện.

PV: Công ty đã làm gì để luôn vận hành các tổ máy an toàn, đạt hiệu quả, độ khả dụng các tổ máy luôn đạt và vượt so với kế hoạch Tập đoàn giao, thưa ông?

Ông Khương Thế Anh: Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho con người và thiết bị, công ty đã thực hiện một số nội dung trọng điểm như sau:

Về công tác đào tạo, để đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và công trình trước tiên phải hiểu cấu tạo, nguyên lý hoạt động của thiết bị, công trình. Chính vì vậy, hàng năm, công ty không chỉ tổ chức các khóa bồi huấn, đào tạo định kỳ theo quy định của ngành, mà còn thường xuyên đào tạo chuyên sâu, đào tạo theo tình huống, giả định các nguy cơ có thể xảy ra.

Về quản lý, công ty thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra hiện trường, kịp thời phát hiện, chỉ đạo, hướng dẫn, khắc phục, xử lý các nguy cơ mất an toàn cho người và thiết bị. Hàng năm, Ban Giám đốc phối hợp với BCH Công đoàn công ty cũng phát động các phong trào thi đua về công tác an toàn gắn với từng lĩnh vực hoạt động của các phòng, phân xưởng.


Toàn cảnh công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La.

PV: Thưa ông, Tập đoàn yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành các nhà máy thủy điện, vấn đề này được Công ty Thuỷ điện Sơn La triển khai như thế nào?

Ông Khương Thế Anh: Công ty Thủy điện Sơn La luôn tự hào là một trong số các đơn vị trực thuộc EVN có đội ngũ CBCNV có tuổi đời trẻ, được đào tạo bài bản. Cùng với nhiệt huyết và đam mê khoa học công nghệ, trong thời gian qua, công ty đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được EVN, địa phương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận.

Từ thành công đó, Tập đoàn đã giao công ty nhiều đề tài ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý vận hành, đặc biệt 2 lĩnh vực mới được áp dụng tại Việt Nam là ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác quản lý an toàn công trình thủy điện, vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực.

PV: Công ty có đề xuất kiến nghị gì với các Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo vận hành 2 NMTĐ an toàn, hiệu quả, kinh tế?

Ông Khương Thế Anh: NMTĐ Sơn La và NMTĐ Lai Châu là 2 nhà máy thủy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh. Các công trình được Thủ tướng phê duyệt đưa vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Hồ chứa thủy điện trải dài và liên quan đến 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Để vận hành an toàn, hiệu quả, kinh tế 2 công trình, công ty kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng để bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh thái.

Công ty rất mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo và giúp đỡ của các Bộ, ban ngành, địa phương trong công tác PCTT&TKCN, đặc biệt trong công tác đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa khi vận hành cũng như khi xả lũ, giữ vững an ninh trật tự cho 2 công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

PV: Xin cảm ơn ông!

Huyền Thương (Thực hiện)
https://petrotimes.vn/100-ty-kwh-moc-son-quan-trong-cua-cong-ty-thuy-dien-son-la-580590.html

Cơ sở sản xuất hydro “sạch” qui mô công nghiệp đầu tiên ở châu Âu

Những viên đá đầu tiên của cơ sở sản xuất hydro “xanh” qui mô công nghiệp đầu tiên và của một trung tâm R&D chuyên sản xuất hydro ngoài khơi vừa được đặt gần khu vực các tuabin gió ở Bouin, Vendée (tỉnh phía tây nước Pháp), bởi Lhyfe, nhà sản xuất và cung cấp hydro, Liên đoàn năng lượng Vendée (SyDEV).

Lhyfe, dưới sự chủ trì của người sáng lập Matthieu Guesné, người tiên phong ở châu Âu trong phương pháp sản xuất hydro này (kết nối trực tiếp với nguồn năng lượng tái tạo), và chi nhánh của Lhyfe tại Pays de la Loire, là những người khởi tạo dự án này.

Công việc xây dựng cơ sở sản xuất hydro “xanh” tại Bouin theo kế hoạch ​​sẽ hoàn thành vào năm 2021.

Một tòa nhà công nghiệp rộng 700 m² sẽ được dành để sản xuất hydro tái tạo, sẽ được kết nối trực tiếp với các tuabin gió vào mùa xuân năm 2021.

Mô hình cơ sở sản xuất hydro “sạch” qui mô công nghiệp đầu tiên ở châu Âu.

Ngoài ra, 200 m² văn phòng sẽ là trung tâm R&D đầu tiên của Lhyfe dành riêng cho việc sản xuất hydro ngoài khơi, tất cả đều nằm trên một khu đất rộng 4000 m² nằm gần Port-du-Bec.

Sau đó, Lhyfe sẽ nhận các thiết bị khác nhau – đặc biệt là máy điện phân – để chuyển sang giai đoạn lắp ráp và thử nghiệm. Dự kiến ​​sẽ giao 300 kg hydro tái tạo đầu tiên mỗi ngày vào mùa xuân năm 2021.

Bên cạnh nhà máy sản xuất, trung tâm R&D đầu tiên của Lhyfe sẽ dành riêng cho việc nghiên cứu tối ưu hóa quy trình sản xuất trên bờ và phát triển sản xuất hydro sạch ngoài khơi. Lhyfe có kế hoạch đầu tư 7,5 triệu euro vào nghiên cứu và phát triển trong ba năm tới.

Dự án này nằm trong chiến lược quốc gia về phát triển hydro không carbon ở Pháp.

Lhyfe cũng nhân sự kiện Vendée để thông báo về việc mở công ty con quốc tế đầu tiên của mình tại Đức.

Với kế hoạch 9 tỷ euro, nước láng giềng Đức là một đối tác lớn ở châu Âu về thị trường hydro, một thông cáo báo chí từ Lhyfe cho biết.

Lhyfe nói thêm rằng công ty con đầu tiên này đang khởi động một loạt các văn phòng đại diện ở Tây Ban Nha , Ý, Bồ Đào Nha và Bắc Âu.

Nh.Thạch theo AFP
https://petrotimes.vn/co-so-san-xuat-hydro-sach-qui-mo-cong-nghiep-dau-tien-o-chau-au-580268.html

Nghị viện châu Âu ủng hộ mục tiêu cắt giảm 60% lượng khí thải nhà kính

Các chuyên gia cho rằng việc cắt giảm 55% khí thải vào năm 2030 là nỗ lực tối thiểu cần thiết để đưa EU đi đúng kế hoạch về khí thải carbon vào năm 2050 và giúp kiềm chế tình trạng Trái Đất nóng lên.

Nghị viện châu Âu (EP) mới đây đã bỏ phiếu ủng hộ mục tiêu cắt giảm 60% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 đối với các thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Mục tiêu vừa được EP thông qua mang nhiều tham vọng hơn mức cắt giảm khí thải ròng ít nhất 55% vào năm 2030 do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất và mong muốn hoàn thành vào cuối năm nay.

Ảnh minh họa. (Nguồn: US News)

Mục tiêu phát thải này có thể đạt được bằng cả hai cách là cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong các lĩnh vực như công nghiệp, sản xuất điện năng và tăng cường trồng rừng hoặc đưa vào khai thác các công nghệ thu giữ carbon nhằm loại bỏ việc thải khí độc hại ra ngoài môi trường.

Mặc dù vậy, EP sẽ cần phải thống nhất mục tiêu mới với các nước thành viên EU, vốn đang chia rẽ về đề xuất này. Mục tiêu hiện tại của EU là cắt giảm 40% lượng khí thải vào năm 2030.

Các chuyên gia cho rằng việc cắt giảm 55% khí thải vào năm 2030 là nỗ lực tối thiểu cần thiết để đưa EU đi đúng kế hoạch về khí thải carbon vào năm 2050 và giúp kiềm chế tình trạng nóng lên trên toàn cầu ở mức an toàn./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nghi-vien-chau-au-ung-ho-muc-tieu-cat-giam-60-luong-khi-thai-nha-kinh/668010.vnp