Nhật Bản lần đầu tiên có siêu máy tính nhanh nhất thế giới

Không chỉ thống trị về tốc độ xử lý, siêu máy tính Fugaku còn chiếm lĩnh các vị trí hàng đầu trong 3 hạng mục ứng dụng trong công nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn.

Máy tính Fugaku – phiên bản siêu máy tính mới nhất do Viện nghiên cứu Riken (được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ) phát triển đã được Dự án Mỹ-châu Âu TOP500 xếp hạng là máy tính có tốc độ xử lý nhanh nhất thế giới.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 9 năm qua, một siêu máy tính của Nhật Bản có được vị trí dẫn đầu này.

Không chỉ thống trị về tốc độ xử lý, siêu máy tính Fugaku còn chiếm lĩnh các vị trí hàng đầu trong 3 hạng mục khác liên quan tới ứng dụng trong công nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (big data).

Máy tính Fugaku tại Viện nghiên cứu Riken ở Kobe. (Nguồn: EPA)

Theo Viện nghiên cứu Riken, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử một siêu máy tính có được vị trí số 1 trong cả 4 hạng mục nêu trên.

Fugaku đã giành được vị trí số 1 trong tháng này, sau khi đạt mức xử lý nhanh gấp 2,8 lần so với hệ thống máy tính Summit do Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge National Laboratory của Mỹ phát triển – siêu máy tính đã dẫn đầu trong bảng xếp hạng gần đây nhất – công bố tháng 11/2019.

Hệ thống Summit nêu trên đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng lần này. Đứng thứ 3 tiếp tục là một siêu máy tính khác của Mỹ. Trong khi đó, đứng thứ 4 và 5 là hai siêu máy tính của Trung Quốc.

Fugaku cũng là siêu máy tính đầu tiên của Nhật Bản lọt top 10 của bảng xếp hạng TOP500. Siêu máy tính này dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trọn vẹn từ tháng 4/2021./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-lan-dau-tien-co-sieu-may-tinh-nhanh-nhat-the-gioi/647998.vnp

Tiềm năng sản xuất điện từ thực vật

Các nhà khoa học Israel cho biết họ đã sản xuất ra khí hydro từ tảo, mở ra hy vọng sẽ sản xuất được điện từ thực vật trong tương lai.

Dự án do Đại học Tel Aviv của Israel và Đại học Arizona của Mỹ hợp tác thực hiện đã được công bố trên tạp chí Khoa học Năng lượng và Môi trường.

Trong nghiên cứu được tiến hành tại phòng thí nghiệm của Đại học Tel Aviv, các nhà khoa học đã cấy một loại enzyme vào bên trong tảo và quan sát thấy sự kết hợp này tạo ra hydro, một nguồn năng lượng hóa học có thể biến đổi trực tiếp thành năng lượng điện thông qua tế bào pin nhiên liệu.


Có thể sản xuất hydro từ tảo siêu nhỏ – Ảnh: AFP

Phát hiện trên đã mở ra hy vọng một ngày nào đó con người có thể sản xuất điện từ thực vật, giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường.

“Chúng tôi không biết điều đó liệu có khả thi hay không nhưng tin rằng nó có tiềm năng”, trưởng nhóm nghiên cứu Iftach Yacoby nhấn mạnh. “Chúng ta đã tìm ra cách sử dụng thực vật để tạo ra năng lượng hydro. Để liên kết một thiết bị với điện, bạn chỉ cần kết nối với một điểm năng lượng, nhưng trong trường hợp của thực vật, chúng tôi không biết điểm kết nối đó ở đâu”.

Nguồn năng lượng mới từ hydro được đánh giáo cao về độ thân thiện môi trường, có thể sẽ thay thế xăng dầu và sản xuất điện năng cho các phương tiện giao thông vận tải trong tương lai không xa. Hydro là một loại khí có nhiệt cháy cao nhất trong tất cả các loại nhiên liệu trong thiên nhiên, đã được sử dụng làm nhiên liệu phóng các tàu vũ trụ.

Đặc điểm quan trọng của hydro là trong phân tử không chứa bất cứ nguyên tố hóa học nào khác như carbon, lưu huỳnh, nitơ nên sản phẩm cháy của chúng chỉ là nước, được gọi là nhiên liệu sạch lý tưởng.

Nhóm nghiên cứu thừa nhận còn rất nhiều thách thức ở phía trước và có thể mất tới 20 năm để thế giới hưởng lợi từ phát hiện mới này. Tuy nhiên, “có rất nhiều điều mà các nhà khoa học có thể xem xét dựa vào kết quả nghiên cứu. Tương lai sẽ cho chúng ta biết điều gì sẽ đến”, ông Yacoby nói thêm.

Theo chinhphu.vn
https://petrotimes.vn/tiem-nang-san-xuat-dien-tu-thuc-vat-572754.html

Tiêu chuẩn cho nhiên liệu: Hướng tới tương lai sạch hơn

Khoa học đã chứng minh nhiên liệu hóa thạch là loại tài nguyên không tái tạo bởi trái đất phải mất hàng triệu năm để tạo ra chúng. Hiện nay, sản lượng tiêu thụ các loại nhiên liệu này đang diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ chúng được tái tạo.

Chính vì lí do đó, thế giới đang hướng tới sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, một trong những cách giúp giải quyết vấn đề tăng nhu cầu năng lượng.

Câu trả lời có lẽ nằm ở phát minh những chiếc “xe sạch”. Đây có thể được định nghĩa là các phương tiện được di chuyển bằng điện sử dụng pin hoặc pin nhiên liệu thay vì chạy bằng nhiên liệu thông thường (xăng, dầu). Ý tưởng về ô tô điện đã được đưa ra trong nhiều năm, nhưng chỉ đến bây giờ, dưới tác động của biến đổi khí hậu, kế hoạch phát triển ô tô điện đã được triển khai để biến chúng thành một triển vọng thương mại khả thi trong tương lai.

Số liệu hàng tháng được công bố bởi Hiệp hội các nhà sản xuất và thương mại động cơ cho thấy doanh số bán xe điện ở Anh đã tăng đáng kể trong vài năm qua. Trong khi chỉ khoảng 500 chiếc xe điện được đăng ký mỗi tháng trong nửa đầu năm 2014, thì hiện tại con số này đã tăng lên mức trung bình 5000 xe mỗi tháng trong năm 2018.

Tuy nhiên, trên thực tế việc sản xuất, tiêu thụ ô tô điện còn gặp nhiều thách thức, khó khăn đối với cả nhà sản xuất và người tiêu dùng trước khi chúng được coi như phương tiện chính. Vấn đề mấu chốt nằm ở việc sản xuất pin nhiên liệu hydro cho xe điện. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để sản xuất pin nhiên liệu cho xe điện vừa đảm bảo hiệu suất xe vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng, đặc biệt chú trọng đến tính tiết kiệm nhiên liệu? Các Tiêu chuẩn Quốc tế về nhiên liệu sạch sẽ giúp đỡ cho quy trình sản xuất pin nhiên liệu cho xe điện như thế nào.

Không giống như bình xăng, dung lượng của pin thay đổi theo nhiệt độ môi trường và suy giảm theo thời gian. Ngoài ra còn có sự khác biệt giữa việc cung cấp điện cho xe chạy bằng pin thông thường và xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro – loại điện pin có lượng năng lượng điện hữu hạn. Trong trường hợp xe điện sử dụng nhiên liệu pin thông thường, thách thức đặt ra nếu đó là loại xe vận tải nâng được, khi nâng hàng hóa sẽ phải tiêu thụ một lượng điện lớn.

Tuy nhiên, với một chiếc xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro, phương tiện vận tải có thể hoạt động với công suất 100% cho đến giọt nhiên liệu cuối cùng. Bởi vì pin thông thường chỉ lưu trữ một lượng năng lượng nhất định, nhưng với pin nhiên liệu hydro, phạm vi này cao hơn đáng kể, pin nhiêu liệu có thể liên tục sản sinh ra điện chừng nào nguyên liệu oxy và hydro vẫn còn.

Điều này một phần là do chiếc xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết môi trường, với thời gian nạp nhiên liệu ngắn hơn từ ba đến năm phút. Ô tô chạy bằng pin nhiên liệu sử dụng hydro làm nhiên liệu có thể đạt được hiệu suất trung bình cao hơn chu kỳ nhiên liệu (tốt cho bánh xe) so với động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu sinh học như dầu diesel sinh học. Thật vậy, ưu điểm lớn nhất của một chiếc xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro là nó chỉ tạo ra nước và không khí- nguồn nhiên liệu sạch, không gây hại cho môi trường.

Một số nghiên cứu cho rằng sẽ rất dễ dàng để tiếp cận thị trường với những chiếc xe chạy bằng pin thông thường, nhưng việc thay thế ô tô chạy xăng bằng các giải pháp chạy bằng pin dường như không đơn giản như ý tưởng. Phễu năng lượng tái tạo trực tiếp như gió hoặc mặt trời, hay thậm chí hạt nhân tiếp nhiên liệu vào xe hơi khó có thể hoạt động được vì những nguồn năng lượng này ở rất xa chiếc xe. Nhưng việc sử dụng khí hydro làm pin nhiên liệu, điện có thể được triển khai dùng tại các cửa hàng đã được lắp đặt trạm tiếp nhiên liệu.


Một chiếc xe điện cắm điện tiếp nhiên liệu tại trạm sạc bên đường M40 ở Oxfordshire, Vương quốc Anh.

Vậy làm thế nào để các tiêu chuẩn quốc tế có thể hỗ trợ vấn đề này. Nhìn chung, trở ngại chính của việc đưa ra tiêu chuẩn hóa quốc tế là sự hài hòa giữa các nhà sản xuất. Sau khi các phương tiện chạy bằng pin, một số quốc gia đang chuyển trọng tâm sang ô tô sử dụng công nghệ pin nhiên liệu hydro. Thị trường này đang phát triển nhanh chóng chính vì thế việc hài hòa các Tiêu chuẩn Quốc tế đã trở thành ưu tiên chính.

Các tiêu chuẩn cho nhiên liệu

Cụ thể, ISO 17268 bao gồm các thiết bị kết nối tiếp nhiên liệu trên mặt đất bằng khí hydro. Đầu nối tiếp nhiên liệu hydro được tiêu chuẩn hóa theo tiêu chuẩn ISO này cho các quốc gia có thị trường xe chạy bằng pin nhiên liệu. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng có thể lấy hydro từ bất kỳ trạm pin nhiên liệu hydro nào ở các nước như Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, v.v.

Bên cạnh đó, ISO 23828 cũng liên quan đến các phương tiện chạy bằng pin nhiên liệu và được sử dụng như một phép đo tiêu thụ năng lượng cho các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hydro nén. Tính tiết kiệm nhiên liệu được đo theo phương pháp này và đề cập trong Quy chuẩn kỹ thuật toàn cầu GTR15 quốc tế. Tính tiết kiệm nhiên liệu được đo theo cách này sẽ được cơ quan quản lý, chính phủ sử dụng để thẩm định phương tiện và các nhà sản xuất thực hiện phương pháp này như một chỉ số để cải thiện hiệu quả của loại phương tiện.

Hiện nay ISO 23274-1 cho phép đo mức tiêu thụ nhiên liệu mà không bị ảnh hưởng bởi mức độ sai lệch của mức độ nghiêm trọng của pin khi bắt đầu từ trạng thái sạc khác nhau. Điều đó cũng có nghĩa là trạng thái của điện tích có thể được kiểm tra theo chu kỳ, tải và nhiệt độ khác nhau.

Ủy ban kỹ thuật ISO/TC 197, được ủy nhiệm để đưa ra các tiêu chuẩn về công nghệ hydro, chủ trì bởi Andrei V. Tchouvelev, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về quy định, quy tắc và tiêu chuẩn về an toàn hydro. Ủy ban của ông không trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến ô tô, nhưng đã tạo ra một bộ tiêu chuẩn nhiên liệu, do đó, tất cả mọi thứ liên quan đến giao diện giữa bộ phân phối trạm nhiên liệu và xe chạy bằng nhiên liệu hydro đều nằm trong phần này. Có những yêu cầu chung và yêu cầu cụ thể hơn liên quan đến các bộ phận như bộ phân phối, máy nén, van, phụ kiện và ống nhiên liệu.

Hà My
http://vietq.vn/tieu-chuan-cho-nhien-lieu–huong-toi-mot-tuong-lai-sach-hon-d175145.html

Năng lượng sạch từ… sơn

Các nhà khoa học Australia đã sáng chế loại sơn năng lượng mặt trời, có thể biến các bề mặt tường thành máy phát điện hydro – một trong những nguồn năng lượng sạch nhất.

Loại sơn mới cấu thành từ 2 thành phần là Titan dioxit (TiO2) – vốn là chất cơ bản tạo ra các màu sắc tùy chọn, kết hợp với một hợp chất vô cơ là chất bán dẫn gián tiếp molybdenum disulfide (MoS) – hình thành từ mô líp đen và lưu huỳnh.

Trong điều kiện tự nhiên khi có mặt trời chiếu, TiO2 sẽ thu hút ánh sáng để MoS sử dụng năng lượng mặt trời tách các phân tử hơi nước thành hydro và oxy. Nguyên tố oxy tự hòa tan vào không khí, còn nguyên tố hydro thu được sẽ chuyển thành dạng khí, sử dụng trong lĩnh vực cung cấp năng lượng sạch.

Ảnh minh họa

Loại sơn này cũng có thể được sử dụng để phủ lên những khu vực hiếm khi có đủ ánh sáng mặt trời để có thể tận dụng được năng lượng mặt trời hiệu quả, qua đó tối ưu hóa khả năng sản xuất năng lượng sạch.

Theo các nhà nghiên cứu, loại sơn năng lượng mặt trời có thể được sơn phết ở bất cứ nơi nào như nhà ở, nhà kho, hàng rào… trở thành nguồn cung cấp năng lượng tái tạo dồi dào với giá thành rẻ.

G.Minh
https://petrotimes.vn/nang-luong-sach-tu-son-572673.html

VNCPC and partners implement EU-funded Eco-Fair project

The project “Promotion of supply and demand for agricultural products processing certified ecology – fair in Vietnam” (Eco-Fair), funded by the European Union (EU), began to implement from April 2020.

Vietnam Cleaner Production Center Co., Ltd. (VNCPC), together with partners including the Vietnam Rural Industries Research and Development Institute (VIRI) – project coordinating agency, the Center for Innovation and Development Sustainability (CCS) and Funzilife Ltd. (Finland) will implement this project in 3 years from 2020 – 2023. The project has a total budget of over 1.8 million Euro, of which the European Commission (EC) 80% funding, the remaining 20% ​​is contributed by the parties.

The overall objective of the project is to promote sustainable production and consumption of eco-equitable agricultural product processing in Vietnam, contributing to poverty reduction and sustainable livelihood development, towards the green economy, recirculating economy, reducing carbon emissions, improving resource efficiency in Vietnam.

Regarding specific objectives, the project helps:

  • Enhancing the capacity of small and micro enterprises (MSMEs) to implement sustainable production practices and product innovation in the food supply chain;
  • Raising awareness of the majority of consumers about lifestyles, sustainable consumption, building networks to promote the implementation of eco-fair labels;
  • Using technology platforms to build a network of retailers – eco-fair products;
  • Strengthening the capacity of MSMEs to develop products in an eco-equitable manner to facilitate access to financial resources;
  • Supporting policy development on fair production and consumption of eco-products in Asia.

VNCPC

VNCPC cùng các đối tác triển khai dự án Eco-Fair do EU tài trợ

Dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái – công bằng tại Việt Nam” (Eco-Fair), do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, bắt đầu triển khai từ tháng 4/2020.

Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cùng với các đối tác gồm Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngành nghề Nông thôn Việt Nam (VIRI) – cơ quan điều phối dự án, Trung tâm Sáng tạo và Phát triển Bền vững (CCS) và Công ty TNHH Funzilife (Phần Lan) sẽ thực hiện dự án này trong 3 năm từ 2020 – 2023. Dự án có tổng kinh phí trên 1,8 triệu Euro, trong đó Ủy ban châu Âu (EC) tài trợ 80%, 20% còn lại là do các bên đóng góp.

Mục tiêu chung của dự án nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái – công bằng ở Việt Nam, góp phần giúp giảm nghèo và phát triển sinh kế bền vững, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải các bon, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên tại Việt Nam.

Về các mục tiêu cụ thể, dự án giúp:

  • Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (MSME) để triển khai các thực hành sản xuất bền vững và đổi mới sản phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm;
  • Nâng cao nhận thức của đa số người tiêu dùng về lối sống, tiêu dùng bền vững, xây dựng mạng lưới thúc đẩy triển khai nhãn sinh thái – công bằng;
  • Sử dụng nền tảng công nghệ để xây dựng mạng lưới nhà bán lẻ các sản phẩm sinh thái – công bằng;
  • Tăng cường năng lực cho các MSME phát triển sản phẩm theo hướng sinh thái – công bằng để dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính;
  • Hỗ trợ phát triển chính sách về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm sinh thái – công bằng tại châu Á.

VNCPC