Tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà máy điện mặt trời phát điện vận hành thương mại

Thời hạn để các chủ đầu tư điện mặt trời hưởng giá ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (giá FIT 2) không còn nhiều. Để các chủ đầu tư điện mặt trời có thể “cán đích” đúng tiến độ mong muốn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị trực thuộc đã hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các Nhà máy điện mặt trời bằng những giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Chủ động ban hành Quy trình thử nghiệm, công nhận Ngày vận hành thương mại (COD)

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư điện mặt trời trong việc đưa các nhà máy đi vào vận hành thương mại trước 31/12/2020 – thời hạn cuối để hưởng giá FIT 2 – Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa ban hành Quyết định 1010/QĐ-EVN ngày 10/7/2020 về Quy trình thử nghiệm và công nhận “Ngày vận hành thương mại” cho nhà máy điện gió và nhà máy điện mặt trời. Trong đó, quy định rõ các trình tự, thủ tục, các bước triển khai; trách nhiệm của từng đơn vị trong việc đăng ký thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại cho các nhà máy điện mặt trời.


EVN luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà máy điện mặt trời phát điện vận hành thương mại.

Theo Quyết định 1010/QĐ-EVN, để đăng ký thử nghiệm COD, đơn vị phát điện phải hoàn thành ghép nối SCADA của nhà máy điện trước ngày tiến hành thử nghiệm; không muộn hơn 20 ngày làm việc trước ngày tiến hành thử nghiệm công nhận COD, đơn vị phát điện có trách nhiệm gửi cấp điều độ có quyền điều khiển và Công ty Mua bán điện chương trình chạy thử nghiệm nhà máy điện; không muộn hơn 03 ngày làm việc trước ngày dự kiến bắt đầu chạy thử nghiệm, nghiệm thu, đơn vị phát điện đăng ký chính thức lịch chạy thử nghiệm, nghiệm thu với cấp điều độ có quyền điều khiển.

Ông Trần Đăng Khoa – Trưởng Ban Thị trường điện EVN cho biết, năm 2019, EVN cũng đã ban hành Quyết định số 578/QĐ-EVN ngày 10/5/2019 về Quy trình thử nghiệm và công nhận “Ngày vận hành thương mại” cho nhà máy điện gió và nhà máy điện mặt trời. Qua đó, quy trình đã được thực hiện thành công trong việc công nhận COD cho 86 nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trước ngày 30/6/2019 trong một thời gian ngắn đảm bảo an toàn và theo đúng quy định pháp luật, một sự kiện chưa từng có trong hệ thống điện Việt Nam. Tuy nhiên, Quyết định 578 gắn liền với Quyết định số 11/2017-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam hiện đã hết hiệu lực kể từ thời điểm sau ngày 30/6/2019. Trong bối cảnh thời gian từ nay đến cuối năm 2020 không còn nhiều, EVN đã chủ động và sớm ban hành Quyết định số 1010 thay thế Quyết định 578 để các nhà máy có thể nắm rõ và triển khai các quy trình thử nghiệm và công nhận “Ngày vận hành thương mại”.

Cũng theo Quyết định này, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký lịch chạy thử nghiệm, nghiệm thu, cấp điều độ có quyền điều khiển có trách nhiệm giải quyết và gửi phiếu đăng ký công tác thử nghiệm, nghiệm thu đã được giải quyết tới đơn vị phát điện. Cấp điều độ cũng có quyền thay đổi kế hoạch thử nghiệm để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia và phù hợp với các yêu cầu thử nghiệm, nhưng phải thông báo cho đơn vị phát điện…

Nội dung của Quy trình đã được thông tin cụ thể tới từng chủ đầu tư thông qua nhiều cuộc họp với các chủ đầu tư trong các năm 2019, 2020 với mục tiêu EVN sẽ phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, lên kế hoạch thử nghiệm hợp lý để phân bổ tối ưu thời gian và nguồn lực để đáp ứng tối đa các yêu cầu của các chủ đầu tư.

Song song với việc ban hành quy trình, EVN sẽ huy động nguồn lực, nhân lực tiến hành thực hiện thử nghiệm, công nhận COD từng phần hoặc toàn bộ nhà máy cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả các hạng mục, chủ đầu đầu tư cần đăng ký thử nghiệm sớm để Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia chủ động bố trí thời gian, nhân lực bố trí thử nghiệm đóng điện lần đầu và thử nghiệm COD cho các nhà máy.

Sẵn sàng hỗ trợ chủ đầu tư 24/24

Ông Nguyễn Xuân Nguyên – Giám đốc Trung tâm Điều khiển Nhà máy điện mặt trời Solar Park 1,2,3,4 (Long An) đánh giá cao sự hỗ trợ của EVN trong thời gian qua.

Nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, giảm thiểu các bước trung gian, EVN và các đơn vị như Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Công ty Mua bán điện… đã tích cực ứng dụng CNTT trong công tác triển khai các quy trình, thủ tục. Điển hình, EVN đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng kí COD của các chủ đầu tư thông qua website http://ppa.evn.com.vn. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng đưa vào vận hành Cổng dịch vụ trực tuyến phục vụ gửi hồ sơ đăng ký đóng điện lần đầu với các dự án năng lượng tái tạo. Các ứng dụng trên đều được các đơn vị thực hiện trên nền tảng số hóa, giảm thiểu tối đa các thủ tục cũng như thời gian đi lại cho các chủ đầu tư.

“Để hỗ trợ các nhà máy EVN đã lập nhiều group online sẵn sàng hỗ trợ 24/24 như group của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia hay của Công ty Mua bán điện… rất hữu ích đối với các chủ đầu tư” – Ông Nguyễn Xuân Nguyên – Giám đốc Trung tâm Điều khiển Nhà máy điện mặt trời Solar Park 1,2,3,4 (Long An).

Không chỉ có vậy, các đơn vị trực thuộc EVN còn tạo các nhóm trao đổi qua ứng dụng Viber với các chủ đầu tư, sẵn sàng hỗ trợ, trả lời các câu hỏi, vướng mắc của chủ đầu tư 24/24 giờ.

Với các nhà máy đã đi vào vận hành, việc phân bổ công suất cũng được EVN/A0 đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng; tận dụng tối đa khả năng tải của các đường dây, ưu tiên các nhà máy điện năng lượng tái tạo, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại của các chủ đầu tư.

Những nỗ lực của EVN và các đơn vị trực thuộc trong quá trình suốt từ đầu năm 2019 đến nay đã được các chủ đầu tư đánh giá cao. Ông Nguyễn Xuân Nguyên – Giám đốc Trung tâm Điều khiển Nhà máy điện mặt trời Solar Park 1,2,3,4 (Long An) chia sẻ: Thời gian qua, Solar Park đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ EVN cũng như các đơn vị như Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Nam, Công ty Mua bán điện, Tổng công ty Điện lực miền Nam trong việc đưa 2 Nhà máy Solar Park 1,2 đi vào vận hành thương mại từ tháng 6/2019. Hiện 2 nhà máy còn lại cũng đang nhận được sự hỗ trợ tích cực, để COD trong tháng 7/2020.

Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, từ nay đến cuối năm, còn khoảng 36 nhà máy điện sẽ đóng điện, đi vào vận hành thương mại. Tuy số lượng các nhà máy không nhiều nhưng sẽ tập trung đóng điện vào thời điểm cuối năm. Để quá trình thử nghiệm, đóng điện đưa vào vận hành được thuận lợi, EVN và các đơn vị trực thuộc bố trí nhân lực hỗ trợ tối đa các chủ đầu tư trong quá trình triển khai các quy trình, thủ tục.

Hải An
https://petrotimes.vn/tao-dieu-kien-thuan-loi-nhat-de-cac-nha-may-dien-mat-troi-phat-dien-van-hanh-thuong-mai-574470.html

Thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật điện mặt trời áp mái

Điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật ĐMTAM, ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống lưới điện. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Võ Quang Lâm – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – về vấn đề này.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, nước ta đang có nguy cơ thiếu điện. Ông có nhận xét gì về ý kiến đó?


Ông Võ Quang Lâm

Ông Võ Quang Lâm: Nhiều dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ, dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ bị thiếu điện trong tương lai gần. Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực mới đây cho thấy, trong số 62 dự án nguồn điện công suất lớn từ 200 MW trở lên trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ.

Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ, đẩy mạnh tiết kiệm điện, thì việc thúc đẩy phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời là cần thiết và cấp bách. Thực tế, nguồn năng lượng tái tạo đang chiếm khoảng 10% tổng công suất toàn hệ thống, nhưng sản lượng điện tạo ra chỉ chiếm dưới 3% tổng sản lượng điện sản xuất.

PV: Thời gian qua, Việt Nam đã có những chính sách thúc đẩy sự phát triển ĐMTAM. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của nguồn năng lượng này?

Ông Võ Quang Lâm: Tính đến 31-5-2020, cả nước đã có khoảng 37.000 khách hàng lắp đặt ĐMTAM với tổng công suất 653 MW. Đây là mô hình mang lại rất nhiều lợi ích cho chủ đầu tư. Với hộ gia đình, ĐMTAM sẽ góp phần giảm số điện sử dụng ở bậc thang giá cao. Với doanh nghiệp, ĐMTAM góp phần giảm số điện phải sử dụng trong giờ cao điểm, tiết giảm chi phí tiền điện hằng tháng. Ngoài ra, phần sản lượng điện mặt trời dư thừa, chủ đầu tư có thể bán lại cho ngành điện. Chúng tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm 500-1.000 MW ĐMTAM được lắp đặt.

Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật ĐMTAM. Đây là vấn đề cần được quan tâm, vì ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hệ thống lưới điện trung, hạ áp trong thời gian tới. Hiện nay, EVN đang phối hợp với Bộ Công Thương và Tổ chức GIZ để xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho ĐMTAM.

PV: Theo ông, cần có cơ chế chính sách gì để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư và sử dụng ĐMTAM?

Ông Võ Quang Lâm: Ngay sau khi Thủ tưởng Chính phủ ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó có ĐMTAM, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương cho phép tạm thời áp dụng Thông tư 05 để EVN có thể ký được các hợp đồng mua bán điện với người dân và doanh nghiệp đã lắp ĐMTAM, thanh toán được ngay với người dân và doanh nghiệp. Từ ngày 22-5-2020, EVN đã thực hiện thanh toán cho người dân và doanh nghiệp đã lắp ĐMTAM từ 1-7-2019 đến nay với số tiền gần 300 tỉ đồng.

Việc phát triển ĐMTAM là cơ hội rất tốt để người dân, doanh nghiệp giảm chi phí mua điện từ EVN. Do tính chất của điện mặt trời, sản xuất vào đúng giờ cao điểm của các doanh nghiệp nên doanh nghiệp sẽ giảm bớt giá điện bậc thang vào giờ cao điểm. Hiện nay, giá điện bậc thang tùy vào cấp điện áp, nếu điện áp dưới 6 kW thì khoảng 3.000 đồng/kWh, còn điện áp trên 6 kW thì cao hơn 50% so với giá điện bán cho EVN. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã lắp tấm pin điện mặt trời trên mái công xưởng để giảm bớt điện tiêu thụ vào giờ cao điểm.

Từ ngày 22-5-2020, EVN đã thực hiện thanh toán cho người dân và doanh nghiệp đã lắp ĐMTAM từ 1-7-2019 đến nay với số tiền gần 300 tỉ đồng.

Vì những lợi ích to lớn đó nên EVN đã tạo mọi cơ chế khuyến khích doanh nghiệp lắp ĐMTAM. Một mặt, EVN yêu cầu các tổng công ty điện lực, khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu lắp đặt ĐMTAM, trong vòng hai ngày kể từ khi có thông tin phải trang bị công tơ hai chiều miễn phí cho người dân, doanh nghiệp và ký các hợp đồng mua bán điện điện tử.

Ngoài ra, EVN đang thúc đẩy xây dựng nền tảng, tạm gọi là EVN Solar, trên nền tảng đó, EVN cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến vấn đề pháp lý, thông tin nhà thầu, để các nhà đầu tư, các nhà bán thiết bị, các nhà quản lý có thể gặp nhau nhằm phát triển ĐMTAM ở Việt Nam. EVN đã báo cáo Bộ Công Thương để sớm triển khai hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với nhau không qua lưới của EVN để tận dụng được nguồn năng lượng quý giá này.

PV: Đối với những khó khăn về giải tỏa công suất cho ĐMTAM, EVN đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Võ Quang Lâm: Đối với các dự án nối lưới, EVN đang thực hiện theo các quy định, tiến độ cam kết với các nhà đầu tư. Đặc biệt, đối với các dự án truyền tải lớn, chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư. Chúng tôi cũng nhìn thấy một số khó khăn có thể có trong việc giải tỏa công suất của ĐMTAM, chủ yếu liên quan đến các máy biến áp. Chúng tôi đã đưa các thông tin về tiến độ giải tỏa công suất của các máy biến áp lên các website của EVN để người dân và doanh nghiệp có thể theo dõi được những khu vực nào hệ thống điện sẵn sàng cho việc giải tỏa công suất của ĐMTAM.

Xu hướng chung của xã hội là sử dụng nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Đây là một xu hướng rất tốt, giảm được chi phí đầu tư cho ngành điện cũng như tăng nguồn phụ tải cho nguồn điện, bởi hiện nay nguồn điện đang rất khó khăn. Mong Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục có những cơ chế chính sách tốt hơn để khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Đức Minh
https://petrotimes.vn/thieu-tieu-chuan-ky-thuat-dien-mat-troi-ap-mai-574108.html

“Hydro sạch”: Động lực vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19

Ngày 10/7, Liên minh châu Âu đã tiết lộ một kế hoạch phát triển hydro sạch với mục đích khử cacbon cho các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất như ngành công nghiệp thép, vận tải trong cuộc đua hướng đến trung hòa khí hậu vào năm 2050 ở châu Âu.

“Đây là chìa khoá cho một nền kinh tế châu Âu mạnh mẽ, cạnh tranh và không cacbon”, Phó chủ tịch Uỷ ban châu Âu Frans Timmermans nói trong cuộc họp báo. Uỷ ban châu Âu tin rằng “hydro sạch” sẽ giúp các lĩnh vực giảm lượng khí thải nhà kính. “Nền kinh tế hydro mới có thể là động lực tăng trưởng, do đó giúp chúng ta khắc phục thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra”, Frans Timmermans cho biết.

Điều này liên quan đến việc thay thế nhiên liệu hoá thạch trong công nghiệp, đặc biệt là sản xuất thép, sử dụng “hydro sạch” không chỉ làm nhiên liệu cho vận tải hàng không và đường biển, phương tiện chở hàng nặng, mà còn cho ngành sản xuất pin. “Hydro sạch” đã trở thành một khoản đầu tư ưu tiên cho quá trình chuyển đổi và hồi sinh nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Hiện tại, ngành năng lượng góp 75% lượng khí thải nhà kính của châu Âu.

Sản xuất và tiêu thụ hydro hiện tại ở EU lên tới 9,8 triệu tấn mỗi năm, chủ yếu là từ nhiên liệu hóa thạch. Chỉ là một phần rất nhỏ của mức tiêu thụ năng lượng ở châu Âu, nhưng Uỷ ban châu Âu muốn tăng năng lượng “sạch” lên 14% vào năm 2050 (năng lượng sạch được sản xuất bằng cách điện phân nước với điện từ các nguồn tái tạo).

Một xe buýt chạy bằng nhiên liệu hydro sạch.

Ban đầu, Uỷ ban muốn hỗ trợ lắp đặt 6 máy điện phân có công suất 6 gigawatt (GW) và sản xuất lên tới một triệu tấn hydro tái tạo mỗi năm, trước khi tăng dần nhằm phát triển quy mô lớn từ năm 2030 đến năm 2050.

“Chúng ta là dẫn đầu thế giới trong công nghệ này và chúng ta muốn đứng đầu cả trong lĩnh vực hydro sạch nhưng chúng ta cần phải nỗ lực thêm (…) vì các nước còn lại trên thế giới đang bắt kịp chúng ta một cách nhanh chóng”, Frans Timmermans cho biết.

Đầu tháng 6/2020, Đức đã công bố khoản đầu tư khổng lồ 9 tỷ euro với với tham vọng trở thành “nhà cung cấp và sản xuất hydro số một” trên thế giới. Pháp sẽ dành 1,5 tỷ euro trong ba năm để “giúp ngành hàng không đạt mức trung hòa carbon vào năm 2035”. “Đức quan tâm đến việc thúc đẩy dự án đầu tư vì Đức có tiềm năng rất lớn trong việc tạo ra một ngành công nghiệp lớn cho hydro “sạch”, Clément Le Roy, nhà phân tích năng lượng tại Wavestone cho biết.

Hydro sạch phải tham gia vào việc thiết lập một hệ thống năng lượng tích hợp tốt hơn ở châu Âu, mục tiêu này cũng là chủ đề của “chiến lược” mới được công bố vào ngày 10/7. Ủy ban muốn phát triển một hệ thống “tuần hoàn” hơn, tập trung vào hiệu quả năng lượng và điện khí hóa. Ví dụ: bằng cách tái sử dụng nhiệt thải từ các khu công nghiệp hoặc trung tâm dữ liệu hoặc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện.

Theo tổ chức phi chính phủ Giao thông và Môi trường, châu Âu có lý khi ưu tiên sử dụng hydro trong lĩnh vực vận chuyển, ngành chưa từng có bất kỳ sự thay thế nào cho quá trình khử cacbon. Nhưng giống những hội bảo vệ môi trường khác, tổ chức này lo lắng về vai trò của khí gas.

Ủy ban Châu Âu tin rằng trong những năm đầu tiên, “giai đoạn chuyển tiếp” sẽ cần thiết để đảm bảo sản xuất ổn định và giá cả cạnh tranh, trong đó các quy trình khác của việc sản xuất hydro, phát thải carbon sẽ được duy trì nhưng giảm nhẹ bằng các kỹ thuật thu giữ carbon. “Ủy ban đã rơi vào cái bẫy của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. (…) Điều này vô hình trung mang đến một huyết mạch mới cho ngành công nghiệp đang sụp đổ này”, Tara Connolly của tổ chức môi trường thế giới Friends of the Earth cho biết.

Cuối tháng 6/2020, một liên minh lớn gồm các nhà công nghiệp – ExxonMobil, GE, ENI, Equinor hoặc Erdgas ủng hộ việc sản xuất hydro bằng khí tự nhiên, kèm theo công nghệ thu giữ carbon nhằm giúp hydro có giá cạnh tranh. “Hiện nay, việc sản xuất hydro bằng khí tự nhiên rẻ hơn từ 2 đến 5 lần so với hydro tái tạo và việc triển khai kỹ thuật này sẽ giúp giảm chi phí sau này”. Lisa Fischer của tổ chức E3G cho biết : “Uỷ ban châu Âu quên rằng nếu chúng ta muốn hydro sạch, chúng ta sẽ cần nhiều năng lượng tái tạo hơn nhiều so với những gì chúng ta đang sản xuất”.

Nh.Thạch theo AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/hydro-sach-dong-luc-vuot-qua-cuoc-khung-hoang-covid-19-573918.html

Điều kỳ diệu từ tảo nhiên liệu

Các nhà công nghệ sinh học đã tạo ra được những loài tảo sản xuất ethanol, dầu thô, thậm chí diesel. Những loài tảo này chỉ cần ánh sáng mặt trời, CO2, nước biển và tiết ra nhiên liệu không ngừng.

Tảo nhiên liệu của nhà công nghệ sinh học Dan Robertson (phụ trách bộ phận nghiên cứu tại Công ty Công nghệ sinh học Joule của Mỹ) lấp lánh màu lục sẫm. Khi ánh sáng chiếu qua màng bọc của nó, nó tiết ra từng giọt nhiên liệu. Ông tự hào giới thiệu những chiếc ống nghiệm đựng một thứ dung dịch màu xanh lục tại trung tâm nghiên cứu khoa học Life Sciences Square (Cambridge, Mỹ). Tại đây đang xảy ra điều kỳ diệu. Các nhà khoa học trong nhóm của Dan Robertson đã tạo ra những loài tảo lam sản xuất được diesel.


Xăng nhiên liệu sinh học thu hồi từ tảo xanh.

Các nhà chuyên môn mơ đến một cuộc cách mạng xanh mới. Bằng công nghệ gene và những quy trình nuôi cấy, chọn giống tinh vi, các nhà công nghệ sinh học đang biến tảo lục thành những nhà máy mini sản xuất dầu, ethanol hoặc diesel. Dung dịch tảo lục được nuôi trồng trong hồ ao và tuần hoàn qua các lò phản ứng sinh học. Jason Pyle – đại diện Công ty Năng lượng Sapphire Energy (Mỹ), nơi đã bắt đầu sản xuất dầu thô từ tảo – nhận định: “Sản xuất dầu từ tảo nhằm thay thế dầu mỏ trong tương lai”.

Ngành công nghiệp dầu mỏ truyền thống cũng vào cuộc. Ông Emil Jacobs – Giám đốc phụ trách khoa học của Exxon Mobil – nhận xét: “Nhiên liệu từ tảo có thể trở thành một nguồn năng lượng quyết định”. Exxon Mobil đầu tư 600 triệu USD vào Công ty Synthetic Genomics của chuyên gia giải mã gene Craig Venter.

Tại Mỹ đã có hàng trăm nghìn ôtô chạy bằng ethanol sản xuất từ ngũ cốc. Ở Mỹ, xăng chạy xe được trộn hơn 40% ethanol. Thứ nhiên liệu này ra đời từ quy trình lên men ngô hoặc lúa mạch. Tuy nhiên, thứ “rượu” của ôtô này đang bị chỉ trích. 1 ha ngô mỗi năm chỉ cung cấp gần 4.000 lít ethanol và để sản xuất một lít ethanol phải tiêu tốn 8.000 lít nước ngọt. Bên cạnh đó, một diện tích lớn đất nông nghiệp quý giá để sản xuất lương thực bị mất đi. Vụ ngô năm ngoái, lần đầu tiên nông dân Mỹ thu hoạch ngô để sản xuất ethanol nhiều hơn là để chăn nuôi. Sản xuất nhiên liệu sinh học bùng phát đã đẩy giá lương thực, thực phẩm tăng vọt.


Tảo được trồng thử nghiệm ở trung tâm nghiên cứu khoa học Life Sciences Square, Đại học Cambridge.

Vì thế, hiện nay nhiều nhà sinh thái học cho rằng, trồng các loại cây năng lượng là hướng đi sai trái. Trong khi đó, tảo không cần đất nông nghiệp. Mặt trời, nước mặn, một chút phân bón và CO2 là đủ để loài sinh vật nhỏ bé này sinh trưởng. Khi quang hợp, chúng tiêu thụ lượng CO2 tương tự như lượng CO2 thải ra khi đốt dầu được sản xuất từ chúng, nên nhiên liệu tảo vô hại với khí hậu. Năng suất của tảo cũng rất đáng kinh ngạc. Trên 1 ha tảo ngoài sa mạc mỗi năm có thể thu được một lượng nhiên liệu sinh học từ sinh khối của tảo lớn gấp 8 lần lượng nhiên liệu sinh học từ ngô.

Sapphire Energy thuộc những công ty tiên phong trong lĩnh vực này. Chủ tịch Pyle tham vọng biến sa mạc thành vùng đất năng lượng. Ông Pyle nói: “Để làm được điều đó chúng ta phải trồng tảo như trồng lúa trong ao nước nông, trên diện tích hàng nghìn héc-ta. Chỉ như vậy mới sản xuất được nhiên liệu tảo với khối lượng lớn và giá cả cạnh tranh”.

Trong tương lai, giá 1 thùng dầu tảo lục của Sapphire Energy vào khoảng từ 70-100 USD. Tuy nhiên, cần phải chọn được những giống tảo có năng suất cao. Các chuyên gia của Sapphire Energy đã thử nghiệm những chủng tảo lục kỳ diệu tại một cơ sở nhỏ ở bang New Mexico. Sắp tới, họ sẽ cùng Tập đoàn Nông nghiệp Monsanto và nhà sản xuất CO2 Linde thử nghiệm khả năng thương mại hóa của tảo năng lượng trên một diện tích rộng 120 ha. Tuy vậy, tảo của Sapphire Energy chỉ là một sự khởi đầu, vì chúng mới chỉ tích tụ dầu trong cơ thể, muốn thu được thứ dầu đó phải thu hoạch tảo và ép lấy dầu theo một quy trình tốn tiền của và công sức.


Quy trình biến tảo xanh thành nhiên liệu.

Vì thế, có những nhà khoa học khác nuôi trồng loại tảo không cần phải thu hoạch, vì chúng có thể tự “vã mồ hôi” ra nhiên liệu. Trong phòng thí nghiệm của Công ty Joule, người ta đã có thể chiêm ngưỡng những đại diện đầu tiên của những sinh vật kỳ diệu đó. Các nhà công nghệ sinh học sử dụng các môi trường khác nhau, tủ ấp và ngân hàng dữ liệu chứa các đoạn ADN của hàng nghìn vi sinh vật. Trong ngân hàng dữ liệu đó, Dan Robertson và nhóm của ông tìm kiếm những đoạn gene đầy hứa hẹn, phân lập chúng và cấy vào gene di truyền của tảo lam.

Công ty Joule hiện đang thử nghiệm hàng chục loài tảo lam trong các lò phản ứng quang sinh tí hon trong những điều kiện môi trường khác nhau. Công ty có một cơ sở thử nghiệm đặt tại Texas. Chi phí cho những thử nghiệm rất lớn, tuy nhiên cũng hứa hẹn đem lại thành công to lớn cho các nhà “lắp ráp gene”. Các nhà vi sinh vật học của Công ty Joule đã tạo ra những chủng tảo lam tự bơm ra ngoài qua màng mỏng của chúng các hợp chất ankan. Đó là các hydrocarbon no chứa đầy năng lượng có trong nhiên liệu diesel. Khác với ngũ cốc chỉ cho ra loại nhiên liệu chất lượng kém, tảo lam của họ cung cấp nhiên liệu có độ tinh khiết cao và không chứa lưu huỳnh và benzen.

Mỗi năm nhóm của Dan Robertson dự kiến sẽ thu được 140.000 lít nhiên liệu sinh học trên 1 ha tảo lam, nhiều gấp 40 lần so với thu hoạch nhiên liệu từ 1 ha ngô. Công ty Joule đã quy hoạch khoảng 500 ha đất sa mạc tại bang New Mexico để xây dựng cơ sở sản xuất thương mại đầu tiên.

Ai là người đầu tiên tung ra thị trường nhiên liệu sinh học không tác động lên khí hậu và có giá cả cạnh tranh, người đó không chỉ kiếm bạc tỉ mà còn ghi tên mình vào lịch sử năng lượng thế giới.

S.Phương
https://petrotimes.vn/dieu-ky-dieu-tu-tao-nhien-lieu-574122.html

Việt Nam là thị trường hứa hẹn để phát triển năng lượng mặt trời

Nhà đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời đến từ Anh quốc Shire Oak International cho rằng, Việt Nam là một trong những thị trường màu mỡ nhất trên thế giới về năng lượng mặt trời.

Ngày 6/4/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg “Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam”. Đây được xem như đòn bẩy để phát triển nguồn năng lượng vô tận và đầy tiềm năng của Việt Nam.

Ngay sau khi Quyết định 13/2020/QĐ-TTg được ban hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai nhiều biện pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).

Ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN khẳng định, EVN sẽ tạo điều kiện để nguồn ĐMTMN phát triển phù hợp, mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải tỏa của lưới điện. Đồng thời, việc phát triển ĐMTMN sẽ góp phần tạo nguồn cung điện tại chỗ, góp phần đảm bảo cung ứng điện khi hệ thống điện Việt Nam không còn nguồn dự phòng.


Một dự án điện năng lượng mặt trời do Shire Oak International thực hiện tại Việt Nam.

Tổng giám đốc EVN chỉ đạo các Ban chuyên môn EVN và các tổng công ty điện lực nghiên cứu công bố thông tin về khả năng hấp thụ nguồn ĐMTMN tại các khu vực để nhà đầu tư xem xét vị trí, quy mô đầu tư hệ thống ĐMTMN phù hợp. Đồng thời, đưa ra hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn để hỗ trợ nhà đầu tư lựa chọn công nghệ phù hợp.

Các Ban chuyên môn EVN cũng cần ban hành hướng dẫn triển khai ĐMTMN cụ thể tới các đơn vị điện lực, trong đó thống nhất quan điểm, thể hiện cách làm việc rõ ràng, công khai, minh bạch của EVN. Đồng thời, tiếp tục quảng bá mạnh hơn nữa tới từng hộ dân, từng người dân về hiệu quả ĐMTMN. Các Điện lực cũng cần có tư vấn tới khách hàng để lựa chọn công suất lắp đặt ĐMTMN phù hợp, với quan điểm tự tiêu thụ điện tại chỗ là chủ yếu.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, nằm hoàn toàn trong vòng đai nhiệt đới của nửa cầu bắc, thiên về chí tuyến hơn là phía xích đạo. Vị trí đó đã tạo cho Việt Nam có một nền nhiệt độ cao, trung bình từ 22ºC đến 27ºC. Số giờ nắng khoảng 1.500-2.000 giờ, nhiệt bức xạ trung bình năm 100 kcal/cm².

Đánh giá về tiềm năng phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, Shire Oak International – Nhà đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời đến từ Anh Quốc cho rằng, mảnh đất hình chữ S là một trong những thị trường đầy tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng mặt trời.

Trao đổi với PV, đại diện Shire Oak International cho biết, với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam yêu cầu hơn 6,000MW công suất điện bổ sung qua từng năm. Trong khi đó, Chính phủ đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính hàng năm ít nhất 8% cho tới năm 2030. Cùng với sự hỗ trợ quốc tế, mức giảm này có thể tăng lên 25% và điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc sử dụng rộng rãi năng lượng tái tạo.

“Lĩnh vực sản xuất đang bùng nổ tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy những nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Việt Nam hiện có diện tích các khu công nghiệp lên tới 98.000 ha, phần lớn các khu công nghiệp tập trung ở phía Nam – khu vực hiện thiếu nguồn cung điện, tuy nhiên lại tập trung tiềm năng lượng mặt trời vô cùng dồi dào” – đại diện Shire Oak International cho hay.

Shire Oak International là nhà đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời đến từ Anh Quốc hiện đang triển khai hơn 720 dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà với tổng giá trị 1,9 tỷ USD (44 nghìn tỷ đồng) trên khắp Việt Nam.

Được thành lập vào năm 2002, Shire Oak International là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Anh và châu Âu. Những thành tựu có thể kể đến của công ty bao gồm việc xúc tiến phát triển dự án khai thác điện từ năng lượng thủy triều đầu tiên trên thế giới tại Vịnh Swansea, dự án năng lượng mặt trời lớn nhất Vương quốc Anh tại West Raynham và các dự án năng lượng hàng đầu khác ở Tây Ban Nha.

Tại Việt Nam, Shire Oak International đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các tổ chức trong ngành năng lượng và các doanh nghiệp để tăng cường công suất điện mặt trời trên toàn quốc.

Bằng cách lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp lên mái xưởng của khách hàng, Shire Oak International khai thác nguồn ánh sáng mặt trời dồi dào của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế một cách mạnh mẽ và bền vững.

Theo báo cáo của Ban Kinh doanh EVN, tính đến thời điểm ngày 7/6/2020, trên cả nước đã có hơn 31.100 hệ thống ĐMTMN, với tổng công suất lắp đặt hơn 640MWp, sản lượng phát lên lưới hơn 145 triệu kWh, tổng số tiền điện EVN đã thanh toán cho các khách hàng là hơn 300 tỉ đồng.

Xuân Hinh
https://petrotimes.vn/viet-nam-la-thi-truong-hua-hen-de-phat-trien-nang-luong-mat-troi-573712.html

Mỹ “hụt hơi” trong cuộc đua năng lượng sạch

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây công bố một báo cáo cho thấy Mỹ đang tụt lại phía sau trong cuộc đua phát triển năng lượng sạch cho tương lai.

Năm 2020 là năm thứ hai liên tiếp, Mỹ tụt hạng trên bảng xếp hạng các chỉ số quan trọng, bao gồm an ninh năng lượng, môi trường bền vững và mức sẵn sàng chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch. Mỹ hiện xếp thứ 32 trên tổng số 115 quốc gia trong danh sách này, xếp dưới Thụy Điển, Pháp, Anh, Canada, Colombia, Costa Rica… Năm 2018, Mỹ xếp thứ 25 về chuyển đổi năng lượng sạch.

Nguyên nhân của sự “hụt hơi” đó là do chính quyền Tổng thống Trump không chú trọng tới năng lượng sạch. Washington được cho là đã cố gắng cứu ngành công nghiệp than đá bằng cách cắt giảm các luật lệ về môi trường.

Giáo sư David Victor tại Đại học California San Diego, cố vấn trong hội đồng xếp hạng các quốc gia về quá trình chuyển đổi năng lượng, nhận định: “Mỹ vẫn không thay đổi, trong khi các quốc gia khác đã phát triển”.

Dự án điện mặt trời Switch công suất 179 MW ở Đông Bắc Las Vegas.

Báo cáo của WEF cũng chỉ ra rằng, các nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới như Mỹ, Australia, Trung Quốc và Nga đã không thể đạt được mục tiêu không khí thải.

Song trên thực tế, hơn 25 bang của Mỹ đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi năng lượng sạch. Ít nhất 1% lượng điện sử dụng phải được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Một số bang như New Mexico hay Hawaii đặt mục tiêu không sử dụng năng lượng hóa thạch. Theo Giáo sư David Victor, vì chính phủ liên bang liên tục trì hoãn chuyển đổi năng lượng sạch, nên các tiểu bang phải tự hành động.

Bên cạnh lời hứa sẽ cứu ngành than của ông Trump, nước Mỹ vẫn đang chứng kiến bước chuyển mạnh mẽ sang sử dụng năng lượng sạch. Tiêu thụ than tại Mỹ đạt đỉnh vào năm 2011, nhưng liên tục giảm kể từ đó, do các nhà máy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch và khí gas thiên nhiên.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, nhiệt điện than đã giảm 16% trong năm 2019, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1976. Trong khi đó, tỷ trọng khí gas thiên nhiên và năng lượng gió đã đạt mức cao kỷ lục.

EIA dự báo, tiêu dùng năng lượng từ than sẽ giảm 25%, năng lượng tái tạo tăng 11% trong năm 2020. Trong tháng 4-2020, Mỹ sản xuất điện từ các nguồn năng lượng sạch nhiều hơn từ than.

Chính quyền Tổng thống Trump hôm 11-5 thông qua dự án năng lượng mặt trời lớn nhất lịch sử mang tên Gemini Solar, được xây dựng tại bang Nevada. Dự án trị giá 1 tỉ USD được tài trợ bởi “đế chế” Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett, có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 260.000 hộ dân tại Las Vegas và Nam California.

Ngoài ra, ngành dầu đá phiến Mỹ cũng góp phần đẩy ngành than vào sự “suy tàn” với lượng lớn khí gas và dầu được khai thác. Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của ngành dầu đá phiến khiến cho lượng khí thải metan tăng nhanh, đe dọa nghiêm trọng môi trường.

Bình An

https://petrotimes.vn/my-hut-hoi-trong-cuoc-dua-nang-luong-sach-572053.html