Dự báo về sự bùng nổ năng lượng tái tạo trong những năm tới

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năng lượng tái tạo đã tăng mạnh trong năm nay bất chấp khủng hoảng, sẽ trở thành nguồn sản xuất điện lớn nhất thế giới, trước than đá vào năm 2025.

Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA, công bố báo cáo Năng lượng tái tạo năm 2020, cảnh báo: “Năng lượng tái tạo có thể chịu được cuộc khủng hoảng Covid-19 nhưng không phải là những bất ổn chính trị”.

Năm nay, trong khi nhiên liệu hóa thạch sụp đổ, năng lực sản xuất mới đã tập trung gần 90% vào năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng mặt trời, gió và thủy điện, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và Trung Quốc. Những công trình xây dựng mới dự kiến ​​sẽ đạt mức kỷ lục 200 gigawatt (GW).

Báo cáo thường niên này chỉ ra rằng năng lượng tái tạo sẽ tăng tốc hơn nữa vào năm 2021, để đạt được mức tăng trưởng vô song kể từ năm 2015, đặc biệt là với việc hoàn thành các dự án bị đình chỉ do Covid-19. Theo báo cáo, sự bùng nổ khoảng 10% công suất vào năm 2021 dự kiến ​​sẽ đặc biệt rõ ràng ở EU và Ấn Độ.

Cơ quan này ước tính công suất điện gió và quang điện sẽ vượt quá công suất của khí đốt vào năm 2023 và sau đó là than vào năm 2024. Ông Birol nhấn mạnh: “Vào năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính trên thế giới, chấm dứt 5 thập kỷ than đá”. Nó sẽ cung cấp 1/3 lượng điện toàn cầu, công suất tương đương gấp đôi công suất hiện tại của Trung Quốc từ tất cả các nguồn.

Theo ước tính của IEA, những năm tới sẽ đặc biệt chứng kiến ​​sự bùng nổ về điện gió ngoài khơi, nhờ chi phí sản xuất giảm nhanh: Vào năm 2025, điện gió ngoài khơi sẽ chiếm 1/5 thị trường điện gió. Năm nay, cuộc chạy đua cung cấp thiết bị điện gió rất rõ ràng ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, nơi các nhà phát triển muốn tận dụng các khoản trợ cấp của các chính phủ gần đây cho phát triển điện gió.

Trong 10 tháng đầu năm, các cuộc đấu thầu về năng lượng tái tạo ở Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Âu đã cao hơn 15% so với cùng kỳ năm 2019, một “kỷ lục mới cho thấy rõ tầm quan trọng của triển vọng trung hạn và dài hạn”, báo cáo nhấn mạnh. Đồng thời, trên thị trường chứng khoán, giá trị cổ phiếu của các công ty năng lượng mặt trời đã tăng gấp đôi so với tháng 12/2019.

Tuy nhiên, IEA kêu gọi các chính phủ hỗ trợ động lực này và lo ngại về việc chấm dứt các biện pháp hỗ trợ ở một số thị trường chính như Trung Quốc và quang điện: Tùy thuộc vào khả năng của các chính phủ để ứng phó với sự bất trắc này, năng lượng tái tạo mới có thể giảm nhẹ hoặc tăng 25% vào năm 2022.

Nh.Thạch/ FP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/du-bao-ve-su-bung-no-nang-luong-tai-tao-trong-nhung-nam-toi-584132.html

Nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, cần chú ý những gì?

Tổng cục Hải quan vừa có hướng dẫn đối với Cục Hải quan các tỉnh, thành phố liên quan đến gia hạn Giấy xác nhận về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Trước đó, ngày 29/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông báo số 76/TB-BTNMT về việc gia hạn Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất theo nội dung Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 số 129/NQ-CP ngày 11/9/2020 của Chính phủ.

Để thống nhất thực hiện, Tổng cục Hải quan cho biết đã thực hiện điều chỉnh gia hạn đối với các Giấy xác nhận đến hết 31/12/2021 và khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu trong thời gian được phép gia hạn trên Phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu Escrap (thời điểm thực hiện điều chinh là ngày bắt đầu được gia hạn theo Thông báo số 76/TB-BTNMT).

Cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan khi thực hiện thủ tục nhập khẩu phế liệu theo các Giấy xác nhận được gia hạn phải đối chiếu thông tin về khối lượng, chủng loại phế liệu được gia hạn giữa Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông báo số 76/TB-BTNMT và khối lượng, chủng loại phế liệu được gia hạn trên Phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu Escrap; trường hợp có sự chênh lệch, không phù hợp thì báo cáo Tổng cục Hải quan để xem xét điều chỉnh lại.

Tại Thông báo số 76/TB-BTNMT nêu: Gia hạn đến hết 31/12/2021 đối với Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (viết tắt là Giấy xác nhận) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho doanh nghiệp trực tiếp sản xuất thuộc các trường hợp quy định tại khoản 39 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đồng thời không phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt nếu không thay đổi địa điểm, tăng quy mô công suất theo quy định tại Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Danh sách các doanh nghiệp có Giấy xác nhận được gia hạn tại Phụ lục 1 kèm theo Thông báo số 76/TB-BTNMT.


Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp có Giấy xác nhận thuộc các trường hợp quy định tại khoản 39 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và Mục 14 Nghị quyết số 129/NQ-CP đã gửi hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy xác nhận và đã được cơ quan nhà nước kiểm tra (trước thời điểm ban hành Nghị quyết số 129/NQ-CP), phải hoàn thiện các nội dung theo thông báo kết quả kiểm tra để được cấp lại, gia hạn Giấy xác nhận theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, thực hiện gia hạn đến hết ngày 31/12/2021 đối với Giấy xác nhận đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp cho doanh nghiệp trực tiếp sản xuất (trừ trường hợp đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp lại Giấy xác nhận, đã kiểm tra thực tế, đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ hoặc đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp lại Giấy xác nhận) thuộc các trường hợp quy định tại khoản 39 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP (Giấy xác nhận hết hạn sau ngày 1/7/2019, thời điểm Nghị định số 40/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) và Mục 14 Nghị quyết số 129/NQ-CP.

Việc gia hạn Giấy xác nhận phải bảo đảm đầy đủ thông tin được hướng dẫn tại Phụ lục 2 kèm theo Thông báo này. Văn bản gia hạn Giấy xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được gửi tới Cổng thông tin một cửa quốc gia, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Tài nguyên và Môi trường và doanh nghiệp được gia hạn Giấy xác nhận; đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng cho doanh nghiệp biết, thực hiện và không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính theo đúng tinh thần Nghị quyết số 129/NQ-CP.

Các doanh nghiệp có Giấy xác nhận được gia hạn phải chịu trách nhiệm và đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu; bảo đảm số lượng, tình trạng hoạt động bình thường của máy móc, thiết bị sản xuất, tái chế phế liệu và các công trình bảo vệ môi trường; chất thải sau xử lý phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân; chỉ được nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại cơ sở sản xuất theo đúng nhu cầu và phải phù hợp với công suất, máy móc thiết bị sản xuất, tái chế; nhập khẩu đúng chủng loại, khối lượng phế liệu được phép trong thời gian gia hạn.

Bảo Linh
http://vietq.vn/nhap-khau-phe-lieu-lam-nguyen-lieu-san-xuat-can-chu-y-nhung-gi-d180568.html

Hoa Kỳ tài trợ 36 triệu USD cho “Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam” 

Mới đây, tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được tổ chức tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam – Ann Marie Yastishock đã công bố Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam 2 (V-LEEP 2). Đây là chương trình thực hiện trong 5 năm với ngân sách 36 triệu USD và có mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một hệ thống năng lượng sạch, bảo đảm và theo định hướng thị trường.

Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững

Trong 4 năm qua, Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) hiện đang thực hiện đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam xây dựng chương trình thí điểm cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp cho phép các doanh nghiệp có thể trực tiếp mua năng lượng sạch từ các nhà sản xuất điện gió và điện mặt trời.

V-LEEP cũng hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII, một quy hoạch được trông đợi sẽ kết hợp các giải pháp năng lượng tiên tiến, các nguồn năng lượng tái tạo đa dạng hơn và mức độ kết nối lưới điện cao hơn để truyền tải nguồn năng lượng sạch.

Ngoài ra, V-LEEP cũng phối hợp với các cơ quan quản lý của chính phủ, các ngân hàng, các nhà đầu tư và các nhà phát triển năng lượng sạch khu vực tư nhân để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời, kết quả là điện mặt trời hiện chiếm hơn 10% trong tổng công suất sản xuất điện quốc gia.

“Chương trình V-LEEP hiện tại do USAID tài trợ sẽ kết thúc vào đầu năm tới, tuy nhiên USAID Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ củng cố các quan hệ đối tác và phát triển những giải pháp đổi mới, sáng tạo hướng tới một tương lai năng lượng sạch với mức giá hợp lý cho Việt Nam thông qua hỗ trợ trong khuôn khổ chương trình V-LEEP 2,” – Giám đốc USAID Việt Nam Yastishock cho biết.

Chương trình V-LEEP 2 sẽ tập trung hỗ trợ cải thiện công tác quy hoạch năng lượng của Chính phủ, tăng tính cạnh tranh và sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ về năng lượng, triển khai các hệ thống năng lượng sạch và tiên tiến, đồng thời cải thiện quy hoạch lưới điện để bao gồm truyền tải điện sạch.

Chương trình này cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư có đủ năng lực cho các dự án năng lượng tiên tiến và tư vấn cho các công ty tư nhân phát triển những dự án năng lượng chất lượng và có khả năng sinh lời cao.

Chương trình V-LEEP 2

USAID sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp tục quá trình chuyển đổi sang một nền năng lượng sạch, đảm bảo an ninh và theo định hướng thị trường thông qua tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến, cải thiện hiệu suất của ngành năng lượng và nâng cao tính cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng.

Tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến

V-LEEP 2 sẽ phối hợp với Chính phủ Việt Nam để huy động đầu tư tư nhân nhằm tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến và sẽ hỗ trợ thiết kế dự án cho các nhà phát triển năng lượng sạch và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho bên vay liên quan đến đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch.

Cải thiện hiệu suất ngành năng lượng

USAID và Chính phủ Việt Nam sẽ cùng phối hợp để cải thiện công tác quy hoạch và vận hành năng lượng nhằm tăng cường hiệu suất ngành năng lượng. Việt Nam đang chuẩn bị khởi động Quy hoạch điện VIII, do đó V-LEEP 2 sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho công tác thực hiện quy hoạch cũng như hỗ trợ việc hòa lưới điện và điều độ nguồn năng lượng tái tạo biến đổi.

Nâng cao tính cạnh tranh

Nhằm hướng tới phát triển lĩnh vực năng lượng bền vững và dựa vào thị trường, V-LEEP 2 sẽ thúc đẩy tính minh bạch trong quy trình đấu thầu, theo dõi và đánh giá Chương trình thí điểm Hợp đồng mua bán điện trực tiếp và hỗ trợ tăng cường năng lực cho đội ngũ lao động, chính quyền địa phương và các cơ chế mua bán cạnh tranh tương tự khác.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ươm mầm và bao trùm

Nhận thức được vai trò của khu vực tư nhân, V-LEEP 2 cấp kinh phí tài trợ cho các phương thức tiếp cận đổi mới và sáng tạo nhằm huy động đầu tư tư nhân vào các hệ thống năng lượng tiên tiến, thúc đẩy các chương trình ươm mầm và tăng tốc, đồng thời hỗ trợ nâng cao vai trò của các chuyên gia nữ trong lĩnh vực năng lượng.

Kết quả dự kiến

USAID sẽ tham gia đóng góp vào quá trình thiết kế, huy động tài chính, xây dựng và vận hành các nguồn lực năng lượng sạch mới, bao gồm: 2.000 MW năng lượng tái tạo và 1.000 MW từ các nhà máy nhiệt điện khí chu trình hỗn hợp./.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nang-luong-moi-truong/hoa-ky-tai-tro-36-trieu-usd-cho-chuong-trinh-nang-luong-phat-thai-thap-viet-nam-2.html

VNCPC tham gia Hội thảo tham vấn Hệ thống phân phối bền vững

Ngày 5/11, tại Hà Nội, các cán bộ của Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn (VNCPC) đã tham gia hội thảo Tham vấn Hệ thống phân phối bền vững do Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Vụ TKNL) – Bộ Công Thương tổ chức.

Đây là hội thảo nhằm triển khai nhiệm vụ “Xây dựng và Thực hiện thí điểm Chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống Phân phối hàng hóa xanh, thúc đẩy Tiêu dùng xanh và Thương mại xanh” thuộc Chương trình Mục tiêu Ứng phó với biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh năm 2020 của Bộ Công Thương.

Tham gia hội thảo có đại diện Văn phòng Sản xuất sạch hơn và Tiết kiệm Năng lượng – Vụ TKNL, Vụ Thị trường Trong nước, đại diện nhóm chuyên gia thực hiện nhiệm vụ gồm VNCPC, Khoa Marketing – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU); về phía doanh nghiệp gồm có đại diện BRG, Công ty CP Nhựa An Phát Xanh, cùng các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Tại hội thảo, ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC đã có 2 bài trình bày: Hướng dẫn kỹ thuật về Phát triển hệ thống phân phối xanh, bền vững và Kết quả thí điểm áp dụng Sản xuất sạch hơn (SXSH) trong phát triển hệ thống phân phối xanh tại BRG Mart 174 Lạc Long Quân.

Theo đánh giá của các chuyên gia VNCPC: Các siêu thị của BRG có khá nhiều tiềm năng áp dụng kỹ thuật SXSH. Trong đó, tập trung vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL), sử dụng nước hiệu quả, giảm chất thải và tăng cường sử dụng các vật liệu, bao bì thân thiện môi trường.

Các tiềm năng về SXSH và TKNL nổi bật có thể triển khai và áp dụng tại các hệ thống siêu thị BRG sẽ góp phần hiện thực hóa mong muốn xây dựng chuỗi phân phối xanh như: Giảm thiểu việc sử dụng thiết bị cũ tiêu tốn năng lượng và thay thế bằng thiết bị tiết kiệm năng lượng hơn (ví dụ: đề xuất việc thay thế bóng đèn tuýp huỳnh quang cũ bằng bóng LED tiết kiệm năng lượng có thể giúp siêu thị 174 Lạc Long Quân tiết kiệm ước tính 120 triệu VND/năm).

Việc tăng cường hoạt động bảo dưỡng các thiết bị hệ thống trong siêu thị (điều hòa, bóng điện, chiller v.v. thực hiện tốt có thể giảm đáng kể tổn thất năng lượng, sự cố thiết bị), cải thiện quy trình vận hành các trang thiết bị trong siêu thị (tắt điều hòa trước khi về 1 tiếng, đầu tư cửa cho tủ mát nhằm giảm thất thoát nhiệt, v.v) và nhiều cơ hội khác.

Trên thực tế, các giải pháp SXSH phần lớn khá đơn giản và không yêu cầu cao nhưng mang lại hiệu quả rất thiết thực cho doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp cho ban lãnh đạo và cán bộ siêu thị có ý thức hơn, có tư duy về việc cải tiến liên tục trong siêu thị góp phần xây dựng chuỗi phân phối xanh bền vững.

VNCPC

Mỹ đang mất phương hướng và tụt hậu trong phát triển năng lượng tái tạo?

Vào cuối tháng 9/2020, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc sẽ giảm mức tối đa lượng khí thải vào năm 2030 và trung hòa carbon trước năm 2060.

Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ phải mở rộng thị trường nội địa cho các công nghệ năng lượng sạch, trong đó nhiều công nghệ được Trung Quốc tự sản xuất. Trung Quốc cũng hy vọng sẽ thúc đẩy các quốc gia khác tích cực hơn trong việc giảm phát thải, kêu gọi tham gia “Green Revolution”. Chính những quốc gia này cũng có thể là thị trường tốt cho công nghệ Trung Quốc. Nhờ những sáng kiến này, Trung Quốc hiện đang giành chiến thắng trong cuộc đua toàn cầu nhằm phát minh và sản xuất các công nghệ cho một thế giới low-carbon mới.

Với lĩnh vực công nghệ cao phát triển mạnh mẽ và lượng đầu tư tư nhân dồi dào, Mỹ có vị thế tốt để cạnh tranh, nhưng lại có nguy cơ tụt hậu. Hiện tại, Mỹ vẫn đang dựa vào sự bùng nổ năng lượng trên cơ sở cách mạng dầu đá phiến và dựa trên cách tiếp cận truyền thống để đổi mới năng lượng.

Hệ thống năng lượng của thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Thập kỷ qua đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong việc sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời để sản xuất điện. Một số mốc quan trọng của quá trình chuyển đổi này đã được biết đến như vào năm 2019, mức tiêu thụ từ các nguồn năng lượng tái tạo đã vượt qua việc sử dụng than ở Hoa Kỳ lần đầu tiên sau hơn 130 năm.


Biểu đồ 1: So sánh tiêu dùng nhiên liệu than và năng lượng tái tạo của Mỹ từ năm 1776 – 2019.

Ở Anh và Tây Ban Nha, nhiệt điện than gần như bị loại bỏ, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo đã vượt mức tiêu thụ điện năng của Đức. Tuy quá trình chuyển đổi này vẫn chưa diễn ra ở khắp mọi nơi, nhưng nó đang diễn ra nhanh chóng và ngày càng lan rộng. Mặc dù vậy, so với những thách thức to lớn của việc đối phó với biến đổi khí hậu thì quá trình chuyển đổi này diễn ra khá chậm chạp.

Trung Quốc đã nổi lên là nhà cung cấp hàng đầu của quá trình chuyển đổi này. Vào năm 2018, các công ty Trung Quốc chiếm hơn 1/3 thị phần sản xuất tuabin gió trên thế giới. Năm 2019, Trung Quốc đã xây dựng hơn 70% công suất quang điện mặt trời trên thế giới. Trong lĩnh vực xe điện, ảnh hưởng của Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn với sở hữu 3/4 năng lực sản xuất tế bào pin lithium ion trên thế giới và thậm chí còn kiểm soát chuỗi cung ứng trước khi lắp ráp cuối cùng. Trong số 3 công nghệ năng lượng xanh lớn đang phát triển trên khắp thế giới, 2 công nghệ phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc.

Châu Âu cũng đang chú ý đến thị trường đang phát triển này. Các nước châu Âu phụ thuộc vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió nhiều hơn hết các nước khác trên thế giới và các nhà sản xuất châu Âu nổi bật về năng lượng gió. Liên minh châu Âu đã công bố Chiến lược pin nhằm tạo ra một chuỗi giá trị sản xuất cạnh tranh ở châu Âu cho các công nghệ pin bền vững, và Europe’s Green Deal rõ ràng không chỉ là một chiến lược môi trường mà còn là một chiến lược công nghiệp. Ngoài việc khử carbon trong hệ thống năng lượng của lục địa, Green Deal hướng tới việc phát triển các ngành công nghiệp cần thiết. Để làm như vậy, cần đặc biệt tập trung vào hydro, một trong những mục tiêu lớn của EU và là lĩnh vực kỳ vọng sẽ được EU dẫn đầu.


Biểu đồ 2: Điện gió và điện mặt trời của các nước trên thế giới năm 2019.

Trung Quốc trong bối cảnh này đương nhiên sẽ trở thành đối tác được lựa chọn của bất kỳ quốc gia nào muốn giảm phát thải khí nhà kính. Bên đặt hàng sẽ không quan tâm nhiều đến việc nguyên liệu có nguồn gốc như thế nào hoặc liệu việc khai thác chúng có ảnh hưởng thế nào đến hệ thống chính trị. Trung Quốc cũng sẽ có thể kiểm soát các chuỗi cung ứng và can thiệp vào chuỗi cung ứng khi thuận tiện về mặt chính trị. Mỹ có thể sẽ phải đứng ngoài chuỗi hoạt động này nếu không thực sự xắn tay tham gia trực tiếp vào quá trình này.

Đối với Mỹ, thách thức công nghệ xanh thường được coi là nhu cầu đổi mới nhiều hơn. Tính theo tỷ trọng GDP, Mỹ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ít hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy vốn tư nhân cũng đã tham gia vào quá trình, nhưng sự chuyển dịch tiền R&D (nghiên cứu và phát triển) từ chính phủ sang các công ty tư nhân cũng đồng nghĩa với sự thay đổi về trọng tâm (hẹp hơn) và tham vọng (ngắn hạn hơn).

Trong lĩnh vực năng lượng, chi tiêu cho R&D của Mỹ vẫn ở trên mức trung bình so với các nền kinh tế tiên tiến khác, ở mức vừa đủ: Trong số 27 quốc gia được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) so sánh chi tiêu so với GDP, Mỹ xếp thứ 10 trong năm 2018. Trung Quốc đã đầu tư nhiều hơn. Ở những lĩnh vực mà Mỹ dẫn đầu về công nghệ như chăm sóc sức khỏe và quốc phòng, mức chi lớn hơn nhiều. Ví dụ R&D của Mỹ dành cho chăm sóc sức khỏe chiếm khoảng 1% tổng chi tiêu cho y tế, lớn hơn 4 lần so với đầu tư vào năng lượng, một lĩnh vực đòi hỏi nhiều chi phí hơn.

Một tương lai carbon thấp sẽ hiệu quả hơn và được điện khí hóa, nó dựa trên một số nền tảng công nghệ lưu trữ và cấp năng lượng cho các lĩnh vực khó điện khí hóa như ngành công nghiệp, vận tải hàng hóa, hàng không và liên quan đến loại bỏ carbon dioxide trong khí quyển. Tuy nhiên, nếu chỉ đầu tư nghiên cứu thì chưa đủ, để đi đầu trong lĩnh vực công nghệ xanh thì nghiên cứu phải kết hợp với triển khai sản xuất. Năm 2009, Mỹ có công suất điện gió cao gấp đôi Trung Quốc và gấp 5 lần công suất năng lượng mặt trời. Đến năm 2019, Trung Quốc đã dẫn đầu và triển khai lượng gió nhiều gấp đôi và gấp 3 lần năng lượng mặt trời so với Mỹ. Trong lĩnh vực xe chạy điện, sự đảo ngược diễn ra nhanh hơn: Mỹ có số lượng xe điện nhiều gấp 5 lần Trung Quốc vào năm 2013, nhưng hiện nay Trung Quốc đã gấp đôi Mỹ, nhờ sự hỗ trợ của chính phủ. Vào cuối những năm 1990, Mỹ có 30% thị phần trong sản xuất quang điện mặt trời, hiện tại chỉ còn 1%.

Cơ chế khuyến khích tiêu dùng năng lượng tái tạo khá đơn giản, tuy nhiên phụ thuộc nhiều vào tham vọng được đặt ra. Ở một khía cạnh nào đó, có thể khuyến khích người tiêu dùng chuyển từ thiết bị này sang thiết bị khác, thúc đẩy họ cắt giảm việc sử dụng năng lượng cá nhân; đưa ra các khoản tín dụng thuế và các gói hỗ trợ/chính sách mua xe điện hoặc trang bị thiết bị dân dụng, khuyến khích mua một lượng năng lượng tái tạo nhất định hoặc chế tạo ô tô đáp ứng tiêu chuẩn quãng đường nhất định. Ở khía cạnh khác, nhà nước đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra thị trường để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ. Phần lớn, đây là một thách thức chính trị, không phải chính sách hay kỹ thuật.

Dù sao, việc triển khai không thể tách rời khỏi sản xuất. Từ quan điểm khí hậu, một tấm pin mặt trời là một tấm pin mặt trời cho dù nó được sản xuất ở đâu. Nhưng từ góc độ kinh tế và an ninh quốc gia, vấn đề sản xuất có ý nghĩa đặc biệt. Ở góc nhìn từ nhà phân tích Mỹ, người ta lưu ý đến nơi được đầu tư xây dựng sản xuất và cần đặt ra câu hỏi về lý do tại sao các công ty sản xuất có xu hướng đặt nhà máy ở nước ngoài và đặt ra câu hỏi về vai trò của Mỹ không chỉ trong khâu tiêu thụ hay đầu tư, mà trong khâu tham gia chuỗi cung ứng.

Việc tăng gấp đôi R&D và khuyến khích triển khai công nghệ xanh sẽ đánh dấu sự đảo ngược các chính sách của Mỹ trong vài năm qua. Quốc gia này luôn đấu tranh để thực hiện chiến lược năng lượng xanh. Nhưng chính quyền Trump đã tiến xa hơn trong việc giảm gấp đôi nhiên liệu hóa thạch, đi ngược lại với xu thế, ưu tiên xuất khẩu hydrocarbon, cơ sở hạ tầng và kích thích tiêu dùng. Khi đường ống dẫn dầu khí gặp trục trặc, chính quyền có rất nhiều điều để nói, nhưng việc cho phép thực hiện một dự án điện gió ngoài khơi là điều không thể thực hiện được. Chính quyền đang cố gắng nới lỏng các tiêu chuẩn ô tô thay vì hợp tác với các nhà sản xuất để tạo ra chiếc ô tô của tương lai. Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang đã khiến việc triển khai năng lượng tái tạo trở nên khó khăn hơn bằng việc gây nghi ngờ về quyền hỗ trợ các ngành công nghiệp mới của một bang.

Dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá sẽ cạnh tranh trong một thế giới với những hạn chế chặt chẽ hơn về môi trường đối với việc sản xuất và sử dụng chúng. Các công ty năng lượng truyền thống, nếu không chuẩn bị cho tương lai, sẽ gặp bất lợi trong bối cảnh cạnh tranh mới. Chính sách của Mỹ trong thời gian qua thể hiện ý muốn làm bá chủ thế giới về xuất khẩu dầu khí, xong mong muốn này đang vượt quá xa thực tế. Hiện sản lượng dầu và khí đốt của Mỹ đã tăng đến mức kỷ lục, khó có thể nhìn xa hơn trong ngắn hạn khả năng khai thác bền vững có thể nằm ở đâu đó ngoài quốc gia này. Tương lai Mỹ có thể tụt hậu trong khai thác dầu khí có thể sẽ đến sớm.

Nếu không từ bỏ ý định bá chủ về nhiên liệu hóa thạch trong tương lai gần và bắt đầu đuổi theo xu hướng, Mỹ có thể sẽ bị tụt hậu trong cuộc đua năng lượng mới mà EU và Trung Quốc đã bắt đầu.

HTM
https://petrotimes.vn/my-dang-mat-phuong-huong-va-tut-hau-trong-phat-trien-nang-luong-tai-tao-583301.html

Brazil phát triển dự án điện gió trên bờ bằng công nghệ chuyên biệt

Tập đoàn Statkraft của Na Uy thông báo rằng họ đã “sẵn sàng khởi công” việc xây dựng một trang trại điện gió rất lớn trên bờ ở đông bắc Brazil.

Dự án trang trại điện gió của Statkraft có tên là Ventos de Santa Eugenia, dự kiến đặt tại bang Bahia, 91 tuabin gió được phân bổ trong 10 khu vực gần nhau. Các tuabin gió này với công suất mỗi chiếc là 5,7 MW, do nhà sản xuất Nordex của Đức cung cấp. Statkraft cho biết đường kính cánh quạt là 163 m, diện tích tương đương gần 3 sân bóng đá.

Một dự án điện gió trên bờ của Statkraft.

Theo nhà điều hành, dự án điện gió trong tương lai với tổng công suất 519 MW có thể sản xuất gần 2,3 TWh mỗi năm, với hệ số phụ tải hơn 50%, rất cao đối với một dự án điện gió trên bờ (trên thế giới, hệ số tải trung bình của các trang trại điện gió được GWEC ước tính là 23% đối với các cơ sở trên bờ và 40% đối với các cơ sở trên biển).

Theo Statkraft, dự án Ventos de Santa Eugenia sẽ khác biệt bởi một công nghệ chuyên biệt được thiết kế để tận hưởng “gió mậu dịch” ở đông bắc Brazil rất ổn định và mạnh mẽ. Tập đoàn của Na Uy chỉ rõ rằng dự án có khả năng đáp ứng nhu cầu điện hàng năm cho 1,17 triệu hộ gia đình Brazil.

Các khoản đầu tư vào Ventos de Santa Eugenia lên tới tổng cộng khoảng 380 triệu euro. Việc xây dựng dự án dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào tháng 1/2021 và hoàn thành vào tháng 6/2023. Tuabin gió đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 9/2022.

Một phần điện từ các tuabin gió của Statkraft đã được bán thông qua các hợp đồng 25 năm với giá cố định thông qua các cuộc đấu thầu công khai. Giá bán điện và chi phí sản xuất không được Statkraft thông báo, tuy nhiên công ty cho rằng dự án này “rất có lãi”, dựa trên hệ số phụ tải đã công bố. Tập đoàn của Na Uy cho biết, dự án cũng được hưởng lợi “một phần từ nguồn vốn nhà nước Brazil”.

Lưu ý rằng, gần 63,8% sản lượng điện của Brazil đến từ ngành thủy điện chỉ tính riêng trong năm 2019. Điện gió chiếm 8,9% tổng sản lượng điện quốc gia trong cùng năm, ít hơn một chút so với khí tự nhiên (9,4%).

Nh.Thạch theo AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/brazil-phat-trien-du-an-dien-gio-tren-bo-bang-cong-nghe-chuyen-biet-581192.html