Chỉ khi tư nhân tham gia thì mới tạo ra thị trường, phát triển theo tư duy thị trường và tính cạnh tranh trong ngành năng lượng sẽ cao hơn nhiều. Khi các “nút thắt” dần được tháo gỡ bằng những giải pháp đồng bộ, ngành năng lượng hứa hẹn sẽ có những bước đột phá.
Những chuyển biến tích cực
Theo đánh giá chung, đến nay thị trường điện của Việt Nam phát triển qua ba cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán điện lẻ cạnh tranh. Từ năm 2012 đến nay, việc phát triển thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã đạt được những kết quả khả quan. Thị trường phát điện cạnh tranh đã được hoàn thành về cơ bản và đến nay EVN không còn giữ vai trò độc quyền trong khâu mua buôn điện mà đã có thêm 5 tổng công ty điện lực.
Ngành Điện Việt Nam đã hoạt động theo mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2019. Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đã thực thiện theo cơ chế thị trường, có sự kiểm soát của Nhà nước. Thủ tướng Chính Phủ cũng đã chỉ đạo xây dựng và sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh vào năm 2030, tầm nhìn 2035; đảm bảo bám sát chủ trương, định hướng, giải pháp của Nghị quyết 55, trong đó sớm hoàn thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào thí điểm năm 2022, vận hành hoàn chỉnh vào năm 2023…
Những chuyển biến trên cho thấy thị trường ngành năng lượng trong những năm gần đây đã có hướng phát triển tích cực hơn. Tại Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 vừa được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh đến hai quan điểm có ý nghĩa then chốt của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trước hết, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển KT-XH. Ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh đó, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng, minh bạch trong ngành năng lượng…
Như vậy có thể thấy, quyết tâm xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, chú trọng những dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường đã được Chính phủ thể hiện rất rõ.
Làm sao để “gỡ” các rào cản?
Được biết, hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, sẽ thực hiện thí điểm và từ sau năm 2023, chuyển dần việc Nhà nước điều tiết giá điện sang cơ chế giá thị trường. Như vậy, việc phát triển thị trường điện tại Việt Nam phù hợp tinh thần với Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị trong việc từng bước áp dụng giá thị trường, tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành điện, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng, xóa bỏ độc quyền trong các khâu sản xuất kinh doanh điện.
Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu cơ chế bán điện trực tiếp từ các nhà sản xuất điện cho các đơn vị tiêu thụ điện. Cơ chế này sẽ tạo động lực để khuyến khích thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển các nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo; tiến tới nhân rộng cơ chế trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tạo lập môi trường bảo đảm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 55.
Tuy nhiên, bên cạnh quyết tâm của Chính phủ cũng như nỗ lực của bộ ngành, phát triển ngành năng lượng vẫn đối mặt với vô vàn trở ngại khiến dù được đánh giá tiềm năng nhưng các nhà đầu tư tư nhân vẫn rụt rè “rót” vốn.
Một trong những khó khăncủa ngành năng lượng chính cơ chế thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành năng lượng. Công tác tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh thực hiện còn chậm, còn tình trạng độc quyền nhà nước trong một số lĩnh vực.
Bên cạnh đó, việc hình thành thị trường điện triển khai còn chậm và nhiều vướng mắc, chưa thực sự cung cấp tín hiệu khách quan cho các nhà đầu tư cũng như người sử dụng. Do vậy, yêu cầu xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp với thực tiễn để phát triển mạnh mẽ hơn nữa thị trường năng lượng cạnh tranh đang là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.
Ông Nguyễn Tâm Tiến – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam tại Diễn đàn Năng lượng mới đây đã chia sẻ rằng, Nghị quyết 55 đã tạo đòn bẩy cho tư nhân tham gia ngành năng lượng, đặc biệt là xóa bỏ độc quyền để tư nhân tham gia xây dựng truyền tải. Tuy nhiên, việc phát triển các dự án năng lượng vẫn vướng nhiều khó khăn, chẳng hạn như điện gió đang gặp trở ngại về chính sách.
Cụ thể như, giá ưu đãi mua điện ưu đãi (8,5-9,8 cent/kWh tùy dự án) chỉ kéo dài đến năm 2021, trong khi 100% thiết bị điện gió phải nhập khẩu nên các nhà cung cấp thiết bị tìm cách ép giá nhà đầu tư. Do đó, theo ông Tiến, cần sớm ban hành khung giá mua bán điện cố định (giá FIT) sau 2021, đồng thời kéo dài giá mua điện ở mức 9,8 cent/kWh đối với các dự án điện gió gần bờ để thu hút các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cơ chế vay vốn đối với các dự án năng lượng cũng đang gặp phải không ít rào cản đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo. Do vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện lâu, độ rủi ro cao… nên rất nhiều dự án khó khăn trong việc thuyết phục các tổ chức tín dụng duyệt hồ sơ vay vốn.
Bộ Công thương cho biết, từ nay đến năm 2030, ngành điện cần 148 tỷ USD. Ông Ousmane Dione, nguyên Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam cho rằng, tài chính từ khu vực công và nguồn vốn ODA sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư rất lớn của ngành điện. Bởi vậy, Việt Nam phải tăng cường huy động các nguồn vốn thay thế.
Có thể thấy, cải cách thị trường năng lượng là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo tính linh hoạt và khả năng dự báo, vai trò trung tâm của người tiêu dùng và tối ưu hóa các chi phí. Thị trường năng lượng vận hành hiệu quả hơn sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân hoạt động ổn định.
Chỉ khi tư nhân tham gia thì mới tạo ra thị trường, phát triển theo tư duy thị trường và tính cạnh tranh sẽ cao hơn nhiều. Để thu hút được khối tư nhân, cần phải bình đẳng trong đối xử và để bình đẳng, cạnh tranh rõ ràng thì phải công khai, minh bạch. Tư nhân tham gia sâu hơn vào ngành năng lượng không chỉ bảo đảm vững chắc hơn cho an ninh năng lượng đất nước, mà còn tạo môi trường minh bạch để nền kinh tế thực sự phát triển bền vững.
Khi các “nút thắt” dần được tháo gỡ bằng những giải pháp đồng bộ, ngành năng lượng hứa hẹn sẽ có những bước đột phá, tạo đà để KT-XH đất nước tiếp tục phát triển, đi lên.
Đức Minh
https://petrotimes.vn/rao-can-nao-tren-con-duong-chuyen-doi-theo-co-che-thi-truong-cua-nganh-nang-luong-575343.html