Thiết bị tạo ra điện từ ba nguồn năng lượng tái tạo

Công ty Sinn Power của Đức đã phát triển một hệ thống kết hợp giữa turbine gió, các tấm năng lượng mặt trời và máy thu năng lượng từ sóng để tạo ra nguồn điện tiêu thụ cho những người sống gần bờ biển.

Thiết bị được mô tả như một hệ thống mô-đun có thể sử dụng với một hoặc kết hợp tất cả các tính năng kể trên, tùy thuộc vào nơi muốn triển khai và nhu cầu năng lượng của người dùng.

Được thiết kế để chống chọi với các con sóng có chiều cao lên đến 6 mét, nó có thể thu năng lượng từ các đợt sóng cao tới 2 mét mà không phải xê dịch nhiều, nhờ một loạt các phao di động với khoảng cách tới 3 mét, theo chiều lên và xuống để phản hồi lực tác động của các đợt sóng.

Mỗi hệ thống này có thể tạo ra công suất lên tới 24 kW trong điều kiện lý tưởng, với quy mô tổng thể của mỗi hệ thống là một đơn vị nổi có chu vi 12 x 12 mét. Tại mỗi góc là các turbine gió có công suất 6 kWp, còn phủ toàn bộ bề mặt là các tấm pin mặt trời, có thể đóng góp tổng cộng 20 kW vào sản lượng chung.

Vấn đề lớn nhất đối với nhà sản xuất ở đây là độ bền trước áp lực rất lớn từ biển cả, bao gồm cả độ ăn mòn và cường độ mạnh từ sóng biển. Để giải quyết khó khăn, Sinn Power đã lựa chọn sử dụng các “vật liệu chịu nước mặn” và các thành phần linh kiện chống nước với tiêu chuẩn IP68.

Sinn Power đang hướng tới phát triển hệ thống này như một lựa chọn năng lượng tái tạo cho các khu nghỉ dưỡng trên đảo, đặc biệt là ở vùng biển Caribbean.

G.Minh
https://petrotimes.vn/thiet-bi-tao-ra-dien-tu-ba-nguon-nang-luong-tai-tao-571914.html

Tiêu tan hy vọng của các “ông lớn” dầu mỏ đặt vào ngành sản xuất nhựa

Giá hạt nhựa vốn liên tục giảm trong 2 năm qua lại tiếp tục giảm sâu kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, làm gia tăng nguy cơ với các dự án đầu tư trị giá hàng trăm tỷ USD vào ngành hóa dầu.

Hy vọng của ngành năng lượng vào viễn cảnh tăng trưởng tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt trong những thập kỷ tới nhờ sự bùng nổ của ngành hóa dầu đang tiêu tan khi mà thị trường nhựa vốn đã bão hòa nay lại gánh thêm cú sốc nhu cầu sụt giảm do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Nhu cầu về thiết bị bảo hộ cá nhân và hộp đựng đồ ăn mang về đã tăng vọt giữa đại dịch, giúp thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ một số mặt hàng nhựa. Nhưng các nhà phân tích dự đoán hiện tượng này chỉ mang tính thời điểm.

Trong tương lai, nhiều khả năng nhu cầu tiêu thụ đồ nhựa sẽ giảm do suy giảm kinh tế tại các thị trường châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh chịu tác động của đại dịch, cùng với việc lệnh cấm đồ nhựa sử dụng một lần hiện đang phổ biến trên toàn thế giới.

Giá hạt nhựa vốn đã liên tục giảm trong vòng hai năm qua lại tiếp tục giảm sâu kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, làm gia tăng nguy cơ đối với các dự án đầu tư trị giá hàng trăm tỷ USD vào ngành hóa dầu trong thập kỷ qua.

Phân tích dữ liệu hóa chất và nhựa của hãng dữ liệu IHS Markit cho thấy ngành hóa dầu đang chịu một cú sốc kép. Các công ty đều cắt giảm vốn đầu tư, khiến các dự án bị đình trệ.

Bằng chứng là hồi tháng Tư vừa qua, tập đoàn hóa chất Dow Inc của Mỹ tuyên bố sẽ ngừng hoạt động 3 nhà máy tại Mỹ sản xuất polythylene, nguyên liệu chính để sản xuất túi nylon và chai nhựa.

Hãng PTT của Thái lan và đối tác Hàn Quốc Daelim cũng hoãn vô thời hạn quyết định đầu tư vào một dự án trị giá 5,7 tỷ USD ở Ohio.

Trong khi đó, một dự án nhựa lớn khác ở Pennsylvania của tập đoàn dầu khí toàn cầu Shell đang đứng trước nguy cơ dư thừa nguồn cung và viễn cảnh giá thấp.

Tuy nhiên, theo tập đoàn tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, vẫn có tới 176 nhà máy hóa dầu dự kiến được xây dựng trong 5 năm tới, 80% trong số này đặt tại châu Á.

Các nhà máy này, hiện đang trong quá trình xây dựng hoặc bị chậm kế hoạch xây dựng, sẽ đối mặt với các khoản thiệt hại khổng lồ nếu bị hủy bỏ.

Cùng với đó, với giá nhựa thô hoặc nhựa không tái chế hiện đang thấp kỷ lục và nhu cầu dầu mỏ khiêm tốn, các nhà môi trường lo ngại rằng các nhà sản xuất sẽ tung các sản phẩm nhựa rẻ tiền để kích cầu thị trường và tiêu thụ phần nào nguồn dầu mỏ và khí đốt giá rẻ dư thừa trên toàn cầu.

Châu Á hiện đang đối mặt với vấn nạn chất thải nhựa do người dân tăng cường sử dụng đồ đóng gói dùng một lần nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 trong khi các nhà máy tái chế phải nỗ lực duy trì hoạt động.

Carroll Muffett, Giám đốc tổ chức phi chính phủ Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế, cảnh báo “Chúng ta sẽ chứng kiến một cơn lũ chất thải nhựa. Thậm chí nếu tình trạng này không kéo dài, chỉ riêng chất thải nhựa hiện tại cũng sẽ gây ô nhiễm hành tinh trong nhiều thập kỷ”./.

Hà Anh (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/tieu-tan-hy-vong-cua-cac-ong-lon-dau-mo-dat-vao-nganh-san-xuat-nhua/643995.vnp

Mỹ “hụt hơi” trong cuộc đua năng lượng sạch

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây công bố một báo cáo cho thấy Mỹ đang tụt lại phía sau trong cuộc đua phát triển năng lượng sạch cho tương lai.

Năm 2020 là năm thứ hai liên tiếp, Mỹ tụt hạng trên bảng xếp hạng các chỉ số quan trọng, bao gồm an ninh năng lượng, môi trường bền vững và mức sẵn sàng chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch. Mỹ hiện xếp thứ 32 trên tổng số 115 quốc gia trong danh sách này, xếp dưới Thụy Điển, Pháp, Anh, Canada, Colombia, Costa Rica… Năm 2018, Mỹ xếp thứ 25 về chuyển đổi năng lượng sạch.

Nguyên nhân của sự “hụt hơi” đó là do chính quyền Tổng thống Trump không chú trọng tới năng lượng sạch. Washington được cho là đã cố gắng cứu ngành công nghiệp than đá bằng cách cắt giảm các luật lệ về môi trường.

Giáo sư David Victor tại Đại học California San Diego, cố vấn trong hội đồng xếp hạng các quốc gia về quá trình chuyển đổi năng lượng, nhận định: “Mỹ vẫn không thay đổi, trong khi các quốc gia khác đã phát triển”.

Dự án điện mặt trời Switch công suất 179 MW ở Đông Bắc Las Vegas

Báo cáo của WEF cũng chỉ ra rằng, các nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới như Mỹ, Australia, Trung Quốc và Nga đã không thể đạt được mục tiêu không khí thải.

Song trên thực tế, hơn 25 bang của Mỹ đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi năng lượng sạch. Ít nhất 1% lượng điện sử dụng phải được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Một số bang như New Mexico hay Hawaii đặt mục tiêu không sử dụng năng lượng hóa thạch. Theo Giáo sư David Victor, vì chính phủ liên bang liên tục trì hoãn chuyển đổi năng lượng sạch, nên các tiểu bang phải tự hành động.

Bên cạnh lời hứa sẽ cứu ngành than của ông Trump, nước Mỹ vẫn đang chứng kiến bước chuyển mạnh mẽ sang sử dụng năng lượng sạch. Tiêu thụ than tại Mỹ đạt đỉnh vào năm 2011, nhưng liên tục giảm kể từ đó, do các nhà máy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch và khí gas thiên nhiên.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, nhiệt điện than đã giảm 16% trong năm 2019, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1976. Trong khi đó, tỷ trọng khí gas thiên nhiên và năng lượng gió đã đạt mức cao kỷ lục.

EIA dự báo, tiêu dùng năng lượng từ than sẽ giảm 25%, năng lượng tái tạo tăng 11% trong năm 2020. Trong tháng 4-2020, Mỹ sản xuất điện từ các nguồn năng lượng sạch nhiều hơn từ than.

Chính quyền Tổng thống Trump hôm 11-5 thông qua dự án năng lượng mặt trời lớn nhất lịch sử mang tên Gemini Solar, được xây dựng tại bang Nevada. Dự án trị giá 1 tỉ USD được tài trợ bởi “đế chế” Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett, có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 260.000 hộ dân tại Las Vegas và Nam California.

Ngoài ra, ngành dầu đá phiến Mỹ cũng góp phần đẩy ngành than vào sự “suy tàn” với lượng lớn khí gas và dầu được khai thác. Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của ngành dầu đá phiến khiến cho lượng khí thải metan tăng nhanh, đe dọa nghiêm trọng môi trường.

Bình An
https://petrotimes.vn/my-hut-hoi-trong-cuoc-dua-nang-luong-sach-572053.html

Thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững thông qua hoạt động tiêu chuẩn hóa

Nhằm đạt được sự phát triển bền vững từ các quốc gia, trước hết toàn bộ các ngành nghề, cơ sở hạ tầng đều phải thông qua và thực hiện một tiêu chuẩn thống nhất.

Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển Bền vững là lời kêu gọi hành động để giúp thế giới trở nên an toàn hơn, hòa bình và thịnh vượng.

Để đạt được điều này, năm 2015, các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc đã thông qua 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Dựa trên các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) trước đây, chương trình nghị sự là nơi sẽ hướng dẫn các quyết định cấp cao khi đưa ra các giải pháp nhằm nỗ lực xóa đói giảm nghèo, cải thiện y tế và tạo ra một hành tinh xanh, sạch hơn. Đồng thời, chương trình cũng sẽ cố gắng xây dựng các thành phố và cộng đồng bền vững, đảm bảo chất lượng giáo dục, bình đẳng giới, công việc ổn định và tăng trưởng kinh tế, cũng như cơ sở hạ tầng kiên cố và công nghiệp hóa bền vững.


Phát triển bộ Tiêu chuẩn quốc tế nhằm phát triển bền vững đối với mọi quốc gia

Liên Hợp Quốc cho rằng đây là một chiến lược đầy tham vọng vì nó mang tính chuyển đổi và nhấn mạnh sự cần thiết của tất cả các bên liên quan – chính phủ (quốc gia và địa phương), chính quyền, các tổ chức quốc tế, ngành công nghiệp, doanh nghiệp và xã hội dân sự – tham gia vào quá trình này. Không thể phủ nhận rằng các hoạt động của các tổ chức phát triển tiêu chuẩn đã đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình này.

Nguồn năng lượng, và đặc biệt là điện, là mục tiêu chung tại SDGs, và hơn thế nữa, là sự phát triển của mọi quốc gia và nền kinh tế. Công việc của IEC là cung cấp nền tảng kỹ thuật cho toàn bộ chuỗi năng lượng và tất cả các thiết bị được điều khiển bằng năng lượng điện. Nó cải thiện sự an toàn cho các thiết bị, cho công nhân lao động sử dụng, cũng như cho phép tăng hiệu quả năng lượng và tăng khả năng phục hồi và khả năng tồn tại lâu dài tại các cơ sở hạ tầng.

IEC cũng vận hành bốn chương trình đánh giá sự phù hợp, kiểm tra và chứng nhận rằng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn của IEC. Các sơ đồ bao gồm các thiết bị và linh kiện điện (IECEE), thiết bị sử dụng trong môi trường nổ (IECEx), đánh giá chất lượng cho các thành phần điện tử (IECQ) và thiết bị cho năng lượng tái tạo (IECRE).

Trong vấn đề này, IEC sẽ xem xét cách tiêu chuẩn hóa đã đóng góp như thế nào cho quá trình để đạt được mục tiêu phát triển bền vững như đã đề ra.

Ví dụ, công nghệ thực tế ảo (AR/VR) được sử dụng ngày càng nhiều trong giáo dục như khoa học, toán học và ngôn ngữ, vvv… và được sử dụng cho đào tạo tại nơi làm việc (phẫu thuật, ứng phó thảm họa và bảo trì các nhà máy điện). Hiện nay các tiêu chuẩn cho phép khả năng tương tác của các hệ thống phần cứng và phần mềm, cho phép các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và giảng viên điều chỉnh việc giảng dạy theo nhu cầu và sở thích của người học, cũng như mở rộng tiếp cận giáo dục (Giáo dục chất lượng SDG 4).

Khi dân số thế giới ngày càng tăng và đòi hỏi nhiều nguồn năng lượng thiết yếu như điện hơn, các nhà cung cấp năng lượng phải nỗ lực tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo sạch hơn với mức chi phí hợp lí. IEC đang xem xét một số thách thức phải đối mặt và cách chứng nhận IECRE của hệ thống PV năng lượng mặt trời hạn chế rủi ro, khuyến khích đầu tư và tạo niềm tin cho toàn ngành (SDG 7 Chi phí hợp lí và năng lượng sạch).

Năm ngoái, bão và thời tiết khắc nghiệt đã tàn phá nhiều châu lục, khiến các khu vực thành thị và nông thôn không có điện và nhiều dịch vụ thiết yếu khác. Trong bài viết trước của IEC “Khắc phục hậu quả sau thảm họa thiên nhiên”, IEC hiện đang tìm hiểu cách các tiêu chuẩn IEC giúp tăng cường khả năng phục hồi thảm họa của cơ sở hạ tầng, thông qua các cơ chế và quy trình an toàn tích hợp, ví dụ, bằng cách đưa các điều kiện môi trường bên ngoài vào các yêu cầu thiết kế (hành động vì khí hậu SDG 13).

Bảo Linh
http://vietq.vn/thuc-day-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-thong-qua-hoat-dong-tieu-chuan-hoa-d174715.html

Tạo nguồn thu từ việc bán năng lượng tái tạo từ đốt rác

Công nghệ xử lí chất thải rắn (CTR) thu hồi năng lượng, giảm thiểu chôn lấp CTR đang là xu thế chung của thế giới và cần được quan tâm, phát triển tại Việt Nam.

Quá tải chất thải rắn

Theo Báo cáo Môi trường quốc gia 2016, lượng CTR phát sinh trong cả nước tăng trung bình khoảng 12%/năm. Hiện nay, trên cả nước chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh khoảng hơn 61.000 tấn/ngày. Trong đó phát sinh tại các đô thị khoảng hơn 37.000 tấn/ngày, nông thôn 24.000 tấn/ngày.

Toàn quốc hiện có khoảng 1.230 cơ sở xử lý CTR, trong đó 860 bãi chôn lấp CTR tập trung (kể các bãi chôn lấp nhỏ rải rác ở các xã), 330 cơ sở đốt CTR kể cả lò đốt nhỏ quy mô cấp xã), 37 cơ sở ủ phân hữu cơ, còn lại là kết hợp. Khối lượng chất thải được tái chế, tái sử dụng rất thấp, không được phân loại tại nguồn, độ ẩm cao, nhiệt trị thấp.


Xử lý chất thải nhằm chuyển chất thải sang một dạng khác ít độc hại hơn

Với khối lượng CTR ngày càng lớn, nhiều phương án xử lý chất thải đã được đưa ra. Xử lý chất thải nhằm chuyển chất thải sang một dạng khác ít độc hại hơn, dễ kiểm soát hơn, chuyển chất thải thành chất khác có thể sử dụng có ích, làm giảm thể tích hoặc khối lượng nhằm lưu giữ được nhiều hơn và lưu giữ tạm thời để chờ đợi công nghệ phù hợp.

Tùy theo công nghệ áp dụng, chi phí xử lý sẽ khác nhau. Có công nghệ xử lý với chi phí thấp nhưng trong quá trình xử lý lại phát sinh ra ô nhiễm thứ cấp. Có công nghệ xử lý hiện đại, chi phí vận hành cao nhưng xử lý an toàn, không gây mùi, không phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Tuy nhiên, việc quản lý chất thải rắn làm sao cho hiệu quả, hạn chế phát sinh chất thải, tái sử dụng và tái chế chất thải.

Tại toạ đàm “Ô nhiễm rác thải và các giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam” vừa mới diễn ra, GS.TS. Đặng Kim Chi – Hội Đồng Khoa học Công nghệ Giáo dục và Môi Trường (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho biết, ở Việt Nam phương pháp xử lý CTR bằng cách chôn lấp chiếm mất diện tích đất lớn, hiện đang quá tải ở nhiều thành phố lớn. Việc chôn lấp không phân loại gây khó khăn cho khả năng phục hồi môi trường.

Bên cạnh đó, việc chôn lấp cũng gây ô nhiễm môi trường: khí thải, mùi hôi, GHG, nước rỉ rác, các chất ô nhiễm tồn lưu như POP, KLN,… Các lò đốt chất thải công suất nhỏ, không đáp ứng nhu cầu xử lí chất thải đô thị, chất thải nguy hại và chất thải y tế, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường cao. Không tận dụng được nguyên liệu, năng lượng trong CTR.

Vì vậy, công nghệ xử lí CTR thu hồi năng lượng, giảm thiểu chôn lấp CTR đang là xu thế chung của thế giới và cần được quan tâm, phát triển tại Việt Nam.

Định hướng phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn ở Việt Nam

Chia sẻ về định hướng phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn ở Việt Nam, GS.TS. Đặng Kim Chi cho biết, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến 2030 tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt bởi Quyết định số 2068/QD-TTg ngày 25/11/2015 nhằm nâng tỷ lệ xử lý chất thải thành phố cho mục đích năng lượng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2020, khoảng 70% vào năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050.

Theo chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 sẽ có 100% CTR đô thị, CTR công nghiệp không nguy hại, 50% CTR khu dân cư nông thôn và 50% CTR tại các làng nghề được thu gom để tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuát phân hữu cơ, hoặc xử lý đảm bảo không ô nhiễm môi trường.

Còn theo quy hoạch phát triển nguồn điện sử dùng CTR (dự thảo) đến năm 2035 có khoảng 65 điểm (Khu XL) thuộc 30 tỉnh và thành phố TW có khả năng phát triển dự án nhà máy điện sử dụng CTR với tổng công suất lắp đặt khoảng 1290 MW trên toàn quốc.

Về tiêu chí lựa chọn Công nghệ xử lý chất thải rắn, GS.TS. Đặng Kim Chi cho biết, có 5 nhóm tiêu chí chung được sử dụng để đánh gía công nghệ xử lý chất thải rắn là: Hiệu quả xử lý ô nhiễm; Chi phí kinh tế; Trình độ hiện đại của thiết bị và công nghệ xử lý, vận hành, tiện lợi; Phù hợp với điều kiện Việt Nam; An toàn về mặt môi trường. Tùy thuộc từng loại hình công nghệ xử lý mà mức độ ưu tiên các tiêu chí sẽ khác nhau.

Về kinh tế, “đốt chất thải phát điện cần vốn đầu tư lớn nhất tuy nhiên, việc đầu tư ban đầu sẽ tạo ra lợi ích kinh tế từ việc thiết kế, xây lắp, lắp đặt nhà máy đốt rác tạo năng lượng. Làm đa dạng nguồn cung cấp năng lượng, tạo nguồn thu từ việc bán năng lượng tái tạo từ đốt rác. Giảm chi phí chiếm dụng đất dành cho chôn lấp. Không phát sinh nhiều chi phí xử lý nước rỉ rác, mùi hôi sinh ra từ chôn lấp”.

Đối với xã hội, công nghệ xử lý CTR sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho công nhân địa phương. Tạo nguồn cung cấp năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Giảm mối nguy hiểm đến sức khỏe của cộng đồng từ tác động tiêu cực của bãi rác gây ra. Giảm tác động tiêu cưc do xung đột với cộng đồng dân cư quanh bãi rác. Đem lại cơ hội tiếp cận những công nghệ mới tiên tiến của thế giới, gop phần đào tạo nguồn nhân lực chuyển giao công nghệ môi trường trong tương lai.

Đối với môi trường, bà Kim Chi cho rằng, phương án điện rác sẽ xử lý triệt để các chất ô nhiễm trong chất thải rắn, đặc biệt hiệu quả với chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại. Giảm đáng kể thể tích và trọng lượng chất thải phải xử lý: tro xỉ thu được sau khi đốt, tùy thuộc vào công nghệ, giảm trung bình 80% trọng lượng và hơn 90% thể tích so với lượng chất thải ban đầu sẽ làm giảm diện tích đất sử dụng cho chôn lấp.

M.T
https://petrotimes.vn/tao-nguon-thu-tu-viec-ban-nang-luong-tai-tao-tu-dot-rac-571868.html