Phương pháp lọc chất ô nhiễm Styren trong nước

Sử dụng than hoạt tính dạng hạt kết hợp sục khí qua tháp chèn có thể giúp lọc nguồn nước bị nhiễm Styren. Styren là chất hữu cơ lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi và có vị ngọt, nhưng bốc mùi khó chịu khi đậm đặc.

Styren được sử dụng rộng rãi để sản xuất polystyren và nhiều polymer khác, nhựa, lớp phủ và sơn. Styren nằm trong danh mục những chất gây ô nhiễm không khí độc hại, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ. Chất này hoạt động tích cực trong khí quyển và có thể góp phần hình thành khói mù cũng như chất gây ô nhiễm thứ cấp.

Styren ngấm vào nước sẽ nhanh chóng bay hơi hoặc phân hủy do hoạt động của vi khuẩn. Chất này không bám vào đất và có thể ngấm xuống nguồn nước ngầm. Styren cũng hiếm khi tích tụ ở động vật sống dưới nước.

Nếu tiếp xúc trong thời gian ngắn, styren có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như tác động tới hệ thần kinh, dẫn tới trầm cảm, mất tập trung, mệt mỏi, suy yếu và nôn mửa. Về lâu dài, styren có thể phá hủy gan và mô thần kinh, dẫn tới ung thư.

Than hoạt tính dạng hạt có thể lọc Styren trong nước. Ảnh: Wikipedia.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) khuyến cáo sử dụng than hoạt tính dạng hạt (GAC) hoặc phương pháp sục khí qua tháp nén để loại bỏ styren ra khỏi nguồn nước.

Than hoạt tính là vật liệu rắn hấp thụ đa năng nhờ cấu trúc mao quản nhiều cỡ (nhỏ, trung bình, lớn). Đặc biệt, mao quản nhỏ của than hoạt tính hấp thụ tốt các phân tử nhỏ của chất dễ bay hơi như styren. Trong các dạng than hoạt tính, dạng hạt được sử dụng rộng rãi trong hệ thống máy lọc nước hay xử lý nước gia đình.

GAC thường được bố trí nằm giữa các tầng lọc của hệ thống xử lý nước. Từ nguồn nước cần lọc, nước có thể được bố trí chảy qua vòi sen để tạo mưa phun qua lớp cát trên cùng, giúp lọc sơ các loại bụi bẩn, sinh vật, phèn. Sau đó, nước sẽ thấm qua lớp than hoạt tính.

Than hoạt tính sẽ hấp thụ styren cùng nhiều chất hữu cơ độc hại khác, các loại vi sinh vật nguy hiểm và trung hòa khoáng chất khó hoàn tan trong nước. Qua lớp than hoạt tính, nước tiếp tục thấm qua lớp cát thứ hai, lớp sỏi nhỏ và lớp sỏi lớn nhất trước khi đi ra bể chứa nước sạch.

Tuy nhiên, than hoạt tính chỉ có tác dụng với một lượng nước nhất định. Sau đó, than sẽ không còn khả năng hoạt động nữa do đã bão hòa.

Xử lý nước bằng cách sục khí rất hiệu quả đối với những chất hữu cơ dễ bay hơi như styren hoặc dung môi công nghiệp, kim loại như sắt và mangan, theo Viện Thực phẩm và Nông nghiệp Mỹ. Hệ thống sục khí qua tháp chèn bao gồm tháp lọc cao khoảng 3 mét chèn nhiều lớp vật liệu. Vật liệu dùng để chèn có thể là những mẩu sứ kích thước từ 0,6 cm đến 7,6 cm. Các mẩu vật liệu càng nhỏ, hiệu quả lọc càng cao nhưng chi phí năng lượng để bơm khí cũng tăng theo.

Trong hệ thống này, nước chảy từ trên đỉnh tháp xuống dưới ảnh hưởng của lực hấp dẫn trong khi không khí được bơm từ dưới lên ngược hướng với dòng nước. Những chất gây ô nhiễm dễ bay hơi sẽ theo dòng khí lên tới đỉnh tháp và được dẫn ra ngoài.

Theo VnExpress.net (16/10/2019)

Tìm ra hỗn hợp kim loại lỏng có thể làm sạch môi trường

Các nhà khoa học phát hiện ra một bí mật: chất xúc tác kim loại lỏng có triển vọng to lớn trong việc thu carbon và làm sạch các chất ô nhiễm, trong khi nó sử dụng rất ít năng lượng, thậm chí có thể được tạo ra trong nhà bếp gia đình.

Kết quả nghiên cứu của Đại học New South Wales (UNSW) Sydney vừa công bố cho biết: Không cần đến phòng thí nghiệm, chất xúc tác kim loại lỏng có thể giải quyết các vấn đề môi trường bằng cách thu giữ carbon dioxide, khử trùng nước và làm sạch các chất ô nhiễm và có thể dễ dàng tạo ra trong nhà bếp.

Trong bài báo đăng trên tạp chí Nature Communications, theo đó các kỹ sư hóa học của UNSW đã làm sáng tỏ thế giới bí ẩn của kim loại lỏng với vai trò là chất xúc tác để tăng tốc các quá trình hóa học sử dụng lượng năng lượng thấp.

Giáo sư Kourosh Kalantar-Zadeh ở Đại học Công nghệ Hóa học của UNSW nói rằng: “Bất kỳ ai có bình lắc và bếp nấu ở trong căn bếp của họ đều tạo ra chất xúc tác có thể được sử dụng để chuyển đổi CO2, làm sạch nước và các chất ô nhiễm khác. Họ có thể làm điều này bằng cách sử dụng một sự kết hợp các kim loại lỏng như gallium, indium, bismuth và thiếc trong các hợp kim có thể nóng chảy dưới 300 ºC trên bếp hoặc trong lò nướng.”

Giáo sư Kalantar-Zadeh và đồng nghiệp là Tiến sĩ Jianbo Tang đã chỉ ra bằng cách nung nóng một hợp kim bismuth và thiếc, điểm nóng chảy của hợp kim đó thấp hơn nhiều so với việc bạn nung nóng từng kim loại. Những chất hoạt động như thế được cho là eutectic.

“Hợp kim eutectic là hỗn hợp các kim loại tạo ra điểm nóng chảy thấp nhất tại một tổ hợp cụ thể”, Tiến sĩ Tang nói. “Ví dụ, nếu chúng ta kết hợp bismuth ở 57% và thiếc ở 43% thì chúng tan chảy ở 139 ºC. Nhưng bản thân chúng, cả bismuth và thiếc, đều có điểm nóng chảy trên 200ºC.”

Giáo sư Kalantar-Zadeh cho biết, tỷ lệ pha trộn cụ thể của các chất eutectic tạo ra sự hỗn loạn tự nhiên tối đa ở cấp độ nano, từ đó đưa điểm nóng chảy xuống. Quá trình cũng có thể làm việc theo cách khác. Các chất kim loại eutectic đã ở dạng lỏng, có thể hóa rắn ở một nhiệt độ thấp hơn điểm hóa rắn bình thường của mỗi kim loại.

Giáo sư Kalantar-Zadeh cho biết thêm, chính sự hỗn loạn tối đa này giúp chúng ta củng cố các kim loại lỏng một cách tự nhiên để tạo ra rất nhiều khiếm khuyết trong vật liệu mà hoạt động “xúc tác” được tăng cường đáng kể.

Kim loại lỏng và môi trường

Hợp kim kim loại lỏng có thể được sử dụng để loại bỏ hoặc trung hòa các khí thải ô nhiễm trong môi trường cũng như thu giữ carbon trong khí thải CO2. Thiếc, gali và bismuth khi ở dạng lỏng có thể được sử dụng làm điện cực để chuyển đổi carbon dioxide thành các sản phẩm phụ hữu ích. Một ứng dụng môi trường khác là sau khi nung nóng kim loại lỏng để tạo ra oxit, các chất này cũng có thể được sử dụng để hấp thụ năng lượng từ ánh sáng, cho phép chúng phá vỡ các chất gây ô nhiễm trong nước.

Điều làm cho kim loại lỏng trở thành một lựa chọn hấp dẫn trong việc giải quyết các vấn đề môi trường trong khi chúng có thể được sản xuất với giá rẻ, tốn ít năng lượng và môi trường công nghệ thấp.

Giáo sư Kalantar-Zadeh nói: “Nhiều người trên thế giới có thể kiếm được kim loại như thiếc và bismuth. Cách này dễ dàng, rẻ tiền và ít đòi hỏi công nghệ tiên tiến để có thể xử lý và chuyển đổi chúng thành các vật liệu hữu ích như chất xúc tác. Ngoài ra, làm việc với kim loại lỏng cũng rất thú vị”.

Trong khi kim loại lỏng nổi tiếng nhất – thủy ngân – cực kỳ nguy hiểm, thì một kim loại lỏng như gallium hoàn toàn không độc hại và tan chảy ở gần hoặc tại nhiệt độ phòng, nơi ta có thể sử dụng để chuyển đổi vật liệu này sang vật liệu khác với năng lượng sử dụng rất thấp. Kim loại lỏng này là bí quyết có thể giải quyết rất nhiều vấn đề mà loài người chúng ta đang vật lộn, vị giáo sư này nói.

Được biết Giáo sư Kalantar-Zadeh vừa nhận học bổng Laureate của Hội đồng nghiên cứu Úc (ARC), học bổng này sẽ tài trợ cho nghiên cứu sâu hơn về kim loại lỏng trong bốn năm nữa.

Cách tạo ra chất xúc tác kim loại lỏng

Thành phần: hợp kim eutectic, nước.

Lấy hợp kim kim loại eutectic cho vào một cái chảo đun trên ngọn lửa lớn.

Khi kim loại tan chảy, cẩn thận đổ nó vào một lọ nước và đậy chặt nắp.

Lắc kim loại lỏng và nước với nhau để tạo ra các giọt kim loại lỏng trong nước giống như quá trình trộn dầu và giấm để tạo ra giọt dầu trong dấm.

Để các giọt kim loại này rắn lại thành dạng bột và bây giờ có thể sử dụng nó như một xúc tác trong quá trình chuyển đổi điện hóa CO2.

Theo moitruong.com.vn/Nhandan (14/10/2019)

Xu hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam và thế giới

Từ năm 2000, đã bắt đầu làm quen với xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới, một số ít các dự án năng lượng xanh được triển khai ở dạng thử nghiệm.

Kinh tế xanh và xu hướng phát triển kinh tế xanh trên thế giới

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm về kinh tế xanh như sau: “Nền kinh tế xanh là kết quả mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, nó có ý nghĩa giảm những rủi ro môi trường và khan hiếm sinh thái”. Phát triển một nền kinh tế xanh thực chất là vì con người, đảm bảo phúc lợi cao nhất, đạt mục tiêu công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái, giúp tôn tạo, phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

Xu hướng phát triển công nghiệp xanh

Xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào 2 mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường; đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường.

Phát triển ứng dụng năng lượng sạch trong các ngành công nghiệp

Việc ứng dụng các nguồn năng lượng sạch vào sản xuất công nghiệp như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học đã và đang được nhiều nước, nhất là các nước phát triển đặc biệt quan tâm. Trong xu hướng phát triển công nghiệp xanh, các nước đang tập trung phát triển nhiên liệu biogas. Nhiên liệu biogas là năng lượng tái tạo từ các chất hữu cơ, chất thải chăn nuôi, bùn thải, có thể thay thế điện hay các nhiên liệu đốt trong để vận hành máy móc, dây chuyền sản xuất mà không gây ô nhiễm môi trường. Đây được coi là một nghiên cứu ứng dụng khả thi, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch có hại cho môi trường.

Khuyến khích sản xuất máy móc, thiết bị thân thiện với môi trường

Những thập kỷ gần đây, vấn đề tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường cùng những quy định khắt khe về khí thải đã khiến ngành công nghiệp ô tô đặt ra một câu hỏi: Làm thế nào để sản xuất được động cơ giá thành rẻ, tiết kiệm nhiên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường mà vẫn đảm bảo tính năng vận hành? Động cơ điện, năng lượng mặt trời, đã được phát minh, tuy đây là nguồn năng lượng sạch nhưng lại rất khó ứng dụng. Và động cơ hybrid ra đời đã phần nào trả lời cho câu hỏi trên. Tuy động cơ hybrid chưa hoàn toàn “sạch” nhưng động cơ này đã mang lại nhiều giá trị to lớn cho nhân loại. Những chiếc xe ô tô hybrid sử dụng động cơ tổ hợp gồm 1 động cơ điện kết hợp với 1 động cơ đốt trong đã được nghiên cứu sản xuất cho ra thị trường. Động cơ đốt trong với nhiên liệu là xăng hoặc diesel như thông thường, còn động cơ điện hoạt động nhờ dòng điện tái tạo từ động cơ đốt trong hoặc từ nguồn pin trên xe…

Xu hướng phát triển nông nghiệp xanh

Mục tiêu của nông nghiệp xanh là gia tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời bảo đảm các giá trị “xanh” đối với môi trường và “an toàn” đối với con người. Với công nghệ sinh học, phân bón sinh học, hoạt chất sinh học quản lý sâu bệnh, áp dụng những tiến bộ trong canh tác và nghiên cứu về giống, kỹ năng thâm canh mới, xử lý và chế biến sinh khối, nông nghiệp xanh đang là xu hướng tất yếu ngày nay.

Xu hướng phát triển dịch vụ xanh

Trong lĩnh vực dịch vụ, các quốc gia trên thế giới ngày càng chú trọng xây dựng và khai thác các loại hình dịch vụ gắn với gìn giữ, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường. Du lịch bền vững đang phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng gia tăng, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch triển khai ngày càng đưa ra nhiều chương trình du lịch “xanh”, trong khi các chính phủ cũng đang đẩy mạnh triển khai xây dựng những chính sách nhằm khuyến khích hoạt động du lịch bền vững. Một trong những tiêu chí hàng đầu của du lịch xanh được đưa ra là “Dịch vụ du lịch kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên”.

Xu hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

Tại Việt Nam, kể từ năm 2000, đã bắt đầu làm quen với xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới, một số ít các dự án năng lượng xanh được triển khai ở dạng thử nghiệm. Sau một thời gian tìm hiểu và học tập kinh nghiệm của các quốc gia về phát triển kinh tế xanh, Việt Nam nghiên cứu và triển khai dự án 3R (Reduce – giảm thiểu, Reuse – tái sử dụng, Recycle – tái chế) quá trình và kết quả nghiên cứu được các chuyên gia nước ngoài đánh giá tốt về mặt lý thuyết. Tiếp nối sự phát triển năng lượng xanh của các quốc gia trên thế giới, hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu triển khai các dự án năng lượng sinh học…

Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh là lợi thế sẵn có cho Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới xây dựng một “nền kinh tế xanh” phát triển bền vững.

Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn (5/10/2019)

Sản xuất thông minh – Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc

Việc áp dụng sản xuất thông minh sẽ làm thay đổi hiệu quả nền kinh tế, làm tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh, nhờ đó tiết kiệm được nhiên liệu, nguyên liệu và chi phí nhân công cho từng sản phẩm…

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ nhanh tạo ra những thay đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực, định hình lại nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Nhiều ngành nghề truyền thống sẽ mất đi thay vào đó là các mô hình kinh doanh mới.

Chia sẻ về thực tế này, ông Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tuy nhiên nền kinh tế vẫn đang đi theo mô hình nông nghiệp với tư duy và thể thế quản lý cũ, do đó tốc độ phát triển kinh tế chậm, dẫn đến tăng trưởng không cao và đang là áp lực để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia”.

Áp dụng sản xuất thông minh sẽ làm thay đổi hiệu quả nền kinh tế. Ảnh minh họa

Ông Vinh nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra các cơ hội mới cho việt Nam nếu chúng ta quyết tâm đổi mới tư duy và xây dựng chiến lược phát triển. Song đây cũng là thách thức lớn do nền kinh tế thế giới đang phát triển rất nhanh đang chuyển đổi sang mô hình phát triển mới, hiện đại trong khi ở nhiều tổ chức, doanh nghiệp vẫn tồn tại các tư duy cũ.

Cũng bình luận về vấn đề này, Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam Nguyễn Quân cho biết, sản xuất thông minh là xu hướng tất yếu Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc nếu muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

“Theo đánh giá, Việt Nam chỉ mới đang tiếp cận với cuộc cách mạng thứ 3 và đã buộc phải chuyển sang cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện, năng suất lao động ở nước ta thấp so với các nước trong khu vực, trình độ công nghệ thấp, máy móc thuộc thế hệ cũ, nguồn nhân lực hầu hết vẫn chưa qua đào tạo”, ông nói.

Theo ông Quân, ước tính chỉ có khoảng 30% lao động đã qua đào tạo, đồng thời Việt Nam cũng thiếu các chuyên gia trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao. Do đó, các ngành sản xuất đang có những áp lực, sức ép rất lớn và phải thay đổi, thích ứng với các xu hướng mới.

“Việc áp dụng sản xuất thông minh sẽ làm thay đổi hiệu quả nền kinh tế, tăng năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, nhờ đó tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu và chi phí nhân công cho từng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế và giải phóng sức lao động”, ông nói và khẳng định cốt lõi của sản xuất thông minh là chuyển đổi số, trong đó trụ cột là chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý.

Theo Thảo Nguyên/vietq.vn (3/10/2019)

Kinh tế tuần hoàn: Không nên dừng ở những nhà sản xuất lớn

Kinh tế tuần hoàn đang có những bước khởi đầu tại Việt Nam với sự tham gia của các nhà sản xuất lớn.

Ngành công nghiệp thời trang hoạt động theo mô hình “Khai thác tài nguyên – Sản xuất – Vứt bỏ sau tiêu thụ” (Take-make-dispose). Với kim ngạch xuất khẩu hơn 30 tỉ USD/năm, ngành dệt may đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, song chất thải hóa chất cũng khiến ngành này trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường hàng đầu tại Việt Nam.

Vì vậy, trong 3 năm qua, Chương trình cải thiện hiệu quả tài nguyên Việt Nam đã hỗ trợ 82 nhà máy dệt may và da giày tại Việt Nam, đầu tư 37 triệu USD vào các biện pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được 30 triệu USD/năm nhờ tiết giảm sử dụng nước, năng lượng và hóa chất. Theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào của IFC, những giải pháp này, vừa giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất vừa cải thiện được tính cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây là một ví dụ cho thấy vai trò của doanh nghiệp trong việc hướng tới nền kinh tế tuần hoàn 2020-2030 mà Việt Nam nhắc đến rất nhiều trong những năm qua. Mặc dù chỉ là một quốc gia xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng nghịch lý là Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm. Theo World Bank, chỉ riêng ô nhiễm nước cũng có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP.

Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, giới chuyên gia đang thúc đẩy các chính sách nhằm giúp Việt Nam thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ mô hình “kinh tế truyền thống” sang “kinh tế tuần hoàn”. Cũng như các doanh nghiệp ngành dệt may, những nỗ lực hướng tới phát triển bền vững đang được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam theo đuổi, không chỉ giúp giảm phát thải, mà còn kiến tạo ra giá trị từ rác thải. Chẳng hạn, thông qua việc thu gom 1 tấn nắp chai bia và tái chế thành vật liệu sắt để xây cầu hỗ trợ cộng đồng, dự án của Heineken đã thực hiện thành công mục tiêu thúc đẩy tái chế, giảm rác thải và cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cộng đồng. Unilever với chương trình thu gom tái chế bao bì nhựa và phân loại rác tại nguồn; Coca-Cola với chương trình thu gom, phân loại chai nhựa trong sáng kiến Zero Waste to Nature…

Quốc tế có rất nhiều bài học đáng giá tham khảo về vấn đề này. Ủy ban Tài nguyên Quốc tế xuất bản báo cáo cho thấy, sử dụng tài nguyên khôn ngoan hơn có thể tăng thêm 2.000 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050 và hạn chế rác thải thực phẩm có thể đóng góp 252 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030. Một loạt báo cáo của Câu Lạc bộ Rome cho thấy, nếu tuổi thọ của sản phẩm tăng gấp đôi và một nửa số nguyên liệu thô được tiêu thụ ngày nay thay thế bằng vật liệu tái chế, thì sẽ tạo ra 200.000 việc làm mới ở Tây Ban Nha và 300.000 việc làm mới ở Pháp.

Nhiều tập đoàn trên thế giới đã hoạt động theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong đó, trách nhiệm của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility- EPR) đã trở thành lá cờ đầu trong xu hướng sản xuất và kinh doanh này. Các quy tắc EPR thúc đẩy nhà sản xuất và thương hiệu tính toán chi phí lại sản xuất liên quan tới hoạt động tái chế, tái sử dụng. Theo OECD, chi phí này sẽ được tính thấp hơn nếu sản phẩm có thể được bán cho nhà tái chế.

Số lượng chính sách về EPR đã tăng từ vài chục vào đầu những năm 1990 lên gần 400 trên toàn thế giới vào năm 2013, trong đó có nhiều quốc gia tại Đông Nam Á. Các chính sách này có thể kịp thời đưa tỉ lệ tái chế nhựa từ 10-20% ngày nay gần với tỉ lệ 60-80% hiện được các vật liệu khác như nhôm, thép và giấy…

Khi vận dụng khái niệm EPR, mỗi quốc gia lại có một cách làm khác biệt. Ví dụ, Anh xác định những công ty có doanh thu hơn 3,7 triệu USD và sử dụng 50 tấn nguyên liệu đóng gói mỗi năm phải báo cáo dữ liệu sử dụng nhựa đóng gói. Anh cũng đưa ra kế hoạch yêu cầu nhà sản xuất bao bì nhựa phải trả toàn bộ chi phí xử lý chất thải của họ và trả lại tiền đặt cọc cho lon và vỏ chai. Cũng với cách tiếp cận tương tự, Áo đã thiết lập công cụ báo cáo qua internet theo từng khoảng thời gian, ví dụ như hằng tháng, hằng quý cho doanh nghiệp dựa trên số lượng nguyên liệu sử dụng để đóng gói sản phẩm…

Mô hình kinh tế tuần hoàn được đánh giá là cần thiết cho Việt Nam nhưng hiện ở giai đoạn đầu và chỉ có ở doanh nghiệp lớn. Một tin mừng là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam sẽ có Nghị quyết về phát triển bền vững, đặt ra kỳ vọng mô hình kinh tế bền vững này sẽ sớm trở thành động lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Theo  scp.gov.vn/nhipcaudautu.vn

Ô nhiễm không khí nguy hiểm như thế nào?

Những ngày gần đây, nồng độ bụi PM2.5 ở nhiều nơi tại Hà Nội và Tp.HCM đã vượt ngưỡng cho phép so với quy chuẩn quốc gia. Vậy ô nhiễm không khí gây nguy hiểm như thế nào, hãy cùng tìm hiểu nhé!

Chất lượng không khí ở mức nguy hại tới sức khỏe

Sáng 1/10, ông Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – đã có lý giải chính thức về đợt ô nhiễm không khí kéo dài ở hai thành phố Hà Nội, Tp.HCM.

Dẫn chứng số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Tài cho biết nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng từ ngày 12 – 17/9, sau đó giảm từ ngày 18 – 22/9 và tăng cao trở lại, duy trì liên tiếp trong các ngày từ 23 – 29/9.

Đặc biệt, trong các ngày liên tiếp từ 25 – 30/9, ghi nhận ở một số trạm quan trắc chất lượng không khí cho thấy chỉ số chất lượng không khí vượt ngưỡng 200, ở mức xấu, nguy hại tới sức khoẻ. Tuy nhiên, chất lượng không khí xuống ngưỡng xấu chỉ có tính thời điểm và chỉ có ở một số vị trí như trạm đo Hoàn Kiếm, Thành Công, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, Đại sứ quán Mỹ và điểm quan trắc 556 Nguyễn Văn Cừ. Riêng từ ngày 27 – 30/9 là “những ngày có nhiều trạm và nhiều giờ quan trắc chỉ số chất lượng không khí xấu nhất” tính trong khoảng từ ngày 12 – 30/9.

Nguyên nhân ô nhiễm do đâu?

Theo ông Tài, do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Đặc biệt vào sáng sớm là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp.

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian từ 21 – 30/9, Hà Nội không có mưa, cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí tăng cao đột biến.

Bụi mịn nguy hiểm như thế nào?

Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh, các hạt phân tử được tìm thấy trong tình trạng ô nhiễm có thể xâm nhập vào não người do hít thở không khí.

Magnetite là một dạng khoáng của sắt, chúng có khả năng dễ phản ứng và giải phóng các hạt phân tử khác, tạo ra các gốc tự do, gây ra mất cân bằng ôxy hóa trong các tế bào thần kinh, phá hủy và tiêu diệt tế bào thần kinh.

TS Vũ Xuân Đán, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM còn cho biết thêm: bụi mịn có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của DNA. Các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi như Cr, Cd, Ni, As và chất aldehyde có thể gây cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA gây nên bệnh ung thư ở phổi.

Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng liên tục cảnh báo về mối đe dọa từ ô nhiễm không khí với sức khỏe con người cao hơn nhiều so với những con số báo cáo. Đây chính là nguyên nhân làm hơn 3 triệu người tử vong sớm mỗi năm do đột quỵ, mắc bệnh tim mạch, hô hấp, lão hóa não bộ, đe dọa hầu hết cộng đồng dân cư các thành phố lớn ở những nước đang phát triển và các nước chậm phát triển.

Nên làm gì để tránh bụi mịn?

Các chuyên gia y tế cho rằng người dân khó có thể lọc được hoàn toàn bụi mịn trong không khí khi lưu thông trên đường.

Theo đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt là những khu vực gần đường giao thông. Không hoạt động thể lực tại các khu vực ngoài trời, đặc biệt gần đường. Tập thể dục ở các khu vực ô nhiễm sẽ bị nguy cơ phơi nhiễm cao hơn vì sẽ hít một lượng lớn không khí khi vận động mạnh.

Người lớn và trẻ em nên đeo khẩu trang phù hợp khi đi lại, làm việc ở vùng ô nhiễm. Khẩu trang nên có từ 4-5 lớp lọc gồm lớp lọc thô, lớp kháng khuẩn, lớp than hoạt tính,… và các khẩu trang có hình dáng phù hợp đảm bảo độ kín.

VNCPC (Tổng hợp)

Nguồn: https://news.zing.vn/bui-min-nguy-hiem-the-nao-post994324.html

https://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/canh-bao-moi-truong/o-nhiem-khong-khi-con-tiep-dien-han-che-ra-duong-20278.htm