Đào tạo về nâng cao Hiệu quả Sử dụng Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn trong khuôn khổ Dự án “Triển khai sáng kiến Khu Công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”

Cần Thơ, ngày 7/9/2017 – Lớp đào tạo “Nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua áp dụng tiếp cận Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP)” được tổ chức để khởi động cho đợt 3 của hợp phần “Đào tạo và tư vấn tại doanh nghiệp về RECP” thuộc khuôn khổ dự án “Triển khai sáng kiến Khu Công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”.

Tham gia khóa đào tạo lần này có 22 học viên tới từ 10 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất ở khu công nghiệp Trà Nóc 1 và 2, thành phố Cần Thơ. Nội dung khóa đào tạo do chuyên gia của Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) thực hiện nhằm mục đích cung cấp các khái niệm cơ bản, phương pháp luận triển khai và những kỹ thuật phổ biến trong quá trình thực hiện RECP tại doanh nghiệp.

Thông qua các ví dụ thực tiễn, bài tập minh họa, các học viên nắm được bước đầu nội dung lý thuyết cũng như phác thảo được kế hoạch cho 8 tháng áp dụng tại thực tiễn doanh nghiệp của mình. Từ tháng 10/2017 đến hết tháng 4/2018, nhóm chuyên gia tư vấn của VNCPC sẽ đồng hành cùng nhóm cán bộ RECP của từng doanh nghiệp để trực tiếp hướng dẫn và tư vấn xuyên suốt một chu kỳ triển khai RECP. Kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được trong thời gian này sẽ được nhóm áp dụng trong hoạt động liên tục cải thiện của doanh nghiệp để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp về giảm chi phí sản xuất thông qua tăng cường hiệu suất sử dụng nguyên vật liệu, hóa chất, nước, năng lượng bên cạnh giảm lượng phát thải cũng như chi phí xử lý môi trường.

Dự án “Triển khai sáng kiến Khu Công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Tổ chức Phát triển LIên hợp quốc (UNIDO) tài trợ. Cơ quan chủ quản dự án về phía Việt Nam là Vụ Quản lý các khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 3 tỉnh thành mục tiêu của dự án bao gồm Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ. Các khu công nghiệp đã được lựa chọn là Phú Khánh ở Ninh Bình, Hòa Khánh ở Đà Nẵng và Trà Nóc 1 & 2 ở Cần Thơ. Với cấp độ doanh nghiệp, dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Ở cấp độ khu công nghiệp, dự án sẽ đưa ra những giải pháp cộng sinh công nghiệp kết dòng nguyên nhiên liệu giữa các doanh nghiệp trong khu để tối ưu hóa tài nguyên sử dụng toàn khu. Ở cấp độ chính sách quốc gia, dự án sẽ đề xuất những quy định pháp lý và cơ chế phù hợp để hỗ trợ và thúc đẩy sự chuyển đổi của các khu công nghiệp hiện tại trên cả nước chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái. Dự án được thực hiện từ trong khoảng thời gian 5 năm từ 6/2014 đến 6/2019.

VNCPC

Hội thảo “Giảm thiểu và tăng giá trị chất thải trong ngành sản xuất lúa gạo các bon thấp”

Ngày 31 tháng 8 năm 2017, tại Cần Thơ, Dự án “Giảm thiểu và tăng giá trị chất thải trong ngành sản xuất lúa gạo các bon thấp” tổ chức hội thảo tham vấn các đối tác liên quan và các nhà máy xay xát tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án do Tổ chức Phát triển Hà Lan thực hiện trong khuôn khổ “Mạng lưới và trung tâm công nghệ khí hậu (CTCN)” do Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) xây dựng đề xuất và đệ trình lên cơ quan đầu mối quốc gia của CTCN tại Việt Nam là Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Cục KTTV BĐKH). Dự án do Tổ chức công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tài trợ.

Hội thảo có sự tham gia của trên 50 đại biểu đại diện nhà tài trợ (UNIDO), Cục KTTV BĐKH, SNV, VNCPC, các doanh nghiệp chế biến lúa gạo, Sở ban ngành địa phương, các doanh nghiệp cung cấp công nghệ sử dụng trấu, trường đại học, viện nghiên cứu…

Tổng quan về dự án, thông tin chung về các đơn vị, tổ chức tham gia dự án cũng như kỳ vọng của các bên hữu quan về mục tiêu hội thảo đã được giới thiệu và trao đổi ở phần đầu tiên của hội thảo. Tiếp đó, đại diện đơn vị thực hiện dự án SNV Việt Nam lần lượt trình bày các kết quả của dự án như công cụ lựa chọn công nghệ để tận dụng trấu một cách hiệu quả nhất, mô hình kinh doanh than sinh học và amorphous silica ash, mô hình kinh doanh củi trấu và các lựa chọn tiếp cận về tài chính cho các mô hình kinh doanh này. Sau các phần tham luận, các đại biểu tham gia hội thảo đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến bổ ích giúp cho đơn vị thực hiện hoàn thiện các sản phẩm của dự án cũng như các phương án hữu ích để các đơn vị trong ngành chế biến lúa gạo có thể lựa chọn để triển khai có hiệu quả.

Thông tin về dự án

Mạng lưới và trung tâm công nghệ khí hậu (CTCN) là cơ quan thực hiện của Cơ chế Công nghệ thuộc Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), được phối hợp thực hiện bởi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO). Mạng lưới này được hỗ trợ bởi 11 cơ quan đối tác có chuyên môn về công nghệ khí hậu. Sứ mệnh của CTCN là đẩy mạnh phát triển và chuyển giao công nghệ khí hậu theo yêu cầu của các quốc gia đang phát triển với mục tiêu phát triển hiệu quả năng lượng, phát thải thấp và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Dự án “Giảm thiểu và tăng giá trị chất thải trong ngành sản xuất lúa gạo các bon thấp” được CTCN phê duyệt dựa trên yêu cầu của Cơ quan đầu mối quốc gia (NDE) thuộc Cục KTTV BĐKH – Bộ Tài nguyên Môi trường. Mục đích của dự án là tìm hiểu các công nghệ khác nhau để làm tăng giá trị của trấu nhằm giảm thiểu chất thải và hỗ trợ cải thiện hiệu quả kinh tế của các nhà máy xay xát, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.

VNCPC