Hà Nội nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, để nắm bắt cơ hội trở thành động lực tăng trưởng xanh, cùng với các đô thị phát triển của Đông Nam Á, Hà Nội đã lựa chọn hướng tiếp cận những giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn mà vẫn đáp ứng được nhu cầu cơ bản trong sản xuất và đời sống.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2011-2015, TP. Hà Nội đã tập trung triển khai 4 nội dung lớn gồm: Tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường; phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà; thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành giao thông vận tải. Với các hoạt động được triển khai đồng bộ theo 4 nội dung trên, giai đoạn 2011-2015, Hà Nội ước tính năng lượng tiết kiệm đạt 6,7% dự báo nhu cầu năng lượng. Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố đã làm giảm hệ số đàn hồi năng lượng/GDP từ 2,0% (năm 2006) xuống 1,48% (năm 2015).Phát triển các mô hình tiết kiệm năng lượng

Hà Nội đã đẩy mạnh sử dụng các trang thiết bị có hiệu suất cao, thay thế dần các trang thiết bị có hiệu suất thấp, tiến tới loại bỏ các trang thiết bị công nghệ lạc hậu. Áp dụng tiêu chuẩn và định mức kỹ thuật tiên tiến nhằm cải thiện hiệu suất năng lượng, ước tính giảm được 10% cường độ năng lượng trong các cơ sở sử dụng nhiều năng lượng.

Đặc biệt, đối với các tòa nhà, Hà Nội đã thực hiện việc quản lý bắt buộc theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam “Các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho 51 tòa nhà, tư vấn 258 giải pháp tiết kiệm năng lượng, trong đó có 102 giải pháp đã được các tòa nhà thực hiện, tiết kiệm 3.767 TOE tương đương 75,69 tỷ đồng. Thành phố đã xây dựng mô hình quản lý năng lượng cho các loại hình tòa nhà xây dựng sử dụng nhiều năng lượng đạt hiệu suất cao về năng lượng, tiêu biểu là: Tòa nhà HITC, Khách sạn Sheraton, tòa nhà Ocean Park, tòa nhà Agribank, Siêu thị Big C Thăng Long, Trung tâm thương mại Savico Megamall, trong đó có 2 đơn vị đạt giải quản lý năng lượng của ASEAN: Tòa nhà Agribank đạt giải nhì, Tòa nhà Ocean Park đạt giải 3. Từ đó, thành phố đã phổ biến, nhân rộng mô hình thành công về nâng cao hiệu suất năng lượng để các cơ sở sử dụng năng lượng có mô hình tương tự áp dụng thực hiện.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng cho các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp và khu chế xuất, cụm công nghiệp như: Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, Phú Nghĩa…; tư vấn cho 135 doanh nghiệp với 564 giải pháp giúp tiết kiệm được 9.138 TOE tương đương 70,69 tỷ đồng, trong đó có các đơn vị tiêu biểu: Công ty Ghoshi Thăng Long, Công ty TNHH Toto Việt Nam, Công ty TNHH Điện tử Young Fast Việt Nam…. Đặc biệt, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam đã đạt giải nhì mô hình quản lý năng lượng của ASEAN. Các mô hình này đã được nhân rộng đến các doanh nghiệp có cùng loại hình sản xuất trên địa bàn thành phố.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Hà Nội đã nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, đáp ứng được 15% nhu cầu vận tải hành khách công cộng trên địa bàn. Cùng với đó, thành phố cũng nâng cao công tác tuyên truyền và khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống trong giao thông, đầu tư phương tiện vận tải có chất lượng cao, tiêu hao ít nhiên liệu, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Đồng bộ hóa các công cụ

Khu vực phát triển đô thị của Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai. Với mức tiêu thụ năng lượng điện chiếm 11% của cả nước, tăng trưởng tiêu thụ điện 10-12%/năm, TP. Hà Nội hiện chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh. Để sử dụng năng lượng hiệu quả, Hà Nội cần phát triển nguồn nhân lực quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng. Khu vực phát triển đô thị cần được quy hoạch các công trình xây dựng đồng bộ với hạ tầng giao thông, dịch vụ công cộng, sử dụng tối đa điều kiện tự nhiên hướng mặt trời, hướng gió, tăng diện tích cây xanh. Các công trình xây dựng khu vực phát triển đô thị phải tuân thủ quy chuẩn về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, sử dụng công cụ hiệu quả năng lượng hơn trong các tòa nhà (EDGE – Excellence in design for greater efficiencies) để tính toán hiệu quả đầu tư các công trình trước khi xây dựng, sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng dán nhãn tiết kiệm năng lượng, khuyến khích phát triển công trình xây dựng xanh, xây dựng các trung tâm cung cấp hơi nhiệt để nâng cao hiệu quả làm mát, sưởi ấm trong khu vực đô thị. Phát triển thị trường công nghệ, trang thiết bị hiệu suất cao về năng lượng.

Sử dụng năng lượng hiệu quả trong khu vực phát triển đô thị là một trong những yếu tố quan trọng nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của TP. Hà Nội, góp phần giảm hệ số đàn hồi năng lượng/GDP của Việt Nam, hướng tới nền kinh tề các bon thấp, ứng phó biến đổi khí hậu. Do vậy, theo đuổi con đường tăng trưởng sạch hơn, bền vững hơn và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn sẽ là hướng đi đúng đắn của Hà Nội trong hành trình phát triển hướng đến thành phố “xanh”.

Theo ven.vn

Bình Thuận: Thành quả từ công tác tư vấn sản xuất sạch hơn

Bình Thuận hiện có trên 6000 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ với công nghệ sản xuất lạc hậu, gây thất thoát lớn về tài nguyên, năng lượng cũng như các nguyên nhiên vật liệu. Để giúp các doanh nghiệp thay đổi nhận thức và từng bước chủ động áp dụng các giải pháp hướng đến sản xuất sạch hơn (SXSH), Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh công tác tư vấn cũng như đánh giá SXSH. Hoạt động này bước đầu đã mang lại nhiều kết quả khả quan. 

Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2015 có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức được lợi ích của SXSH trong công nghiệp; 25% cơ sở áp dụng SXSH, tiết kiệm được từ 5-8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm, Trung tâm Khuyến công Bình Thuận thuộc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về SXSH, đã tiến hành rà soát các cơ sở sản xuất, DN trọng điểm, có năng lực để tư vấn trực tiếp, giải thích cặn kẽ để cơ sở sản xuất, DN mạnh dạn áp dụng SXSH.

Theo Quyết định số 2107/QĐ-UBND ngày 25/10/2012 của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận về thực hiện Chương trình SXSH trong công nghiệp, UBND tỉnh hỗ trợ 50% chi phí tư vấn đánh giá nhanh về SXSH trong công nghiệp cho 05 cơ sở sản xuất, DN trên địa bàn tỉnh. Quyết định này khuyến khích các DN quan tâm đến SXSH.

Ông Hồ Sơn Hùng – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết: “Các chính sách ưu tiên của tỉnh góp phần nâng cao số lượng các DN trên địa bàn tỉnh áp dụng SXSH, giúp các DN tiết kiệm chi phí sản xuất. Sở cũng giao cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp nhanh chóng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư vấn, đánh giá và triển khai mạnh mẽ hoạt động tư vấn những giải pháp tích cực để giúp DN cải thiện mức độ ô nhiễm trong môi trường làm việc, nguồn phát thải, tiến tới kiểm soát ô nhiễm tại nguồn”.

Cũng theo ông Hùng, trên cơ sở kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện Chương trình SXSH trong công nghiệp năm 2014-2015 được UBND tỉnh phê duyệt, từ đầu năm 2015 đến nay sở đã tiến hành thu thập thông tin, số liệu; giới thiệu phương pháp luận SXSH; đánh giá hiện trang môi trường; định lượng đánh giá đầu vào/đầu ra; đánh giá sơ bộ cũng như nhận dạng chi phí thấp và cao tại 03/05 cơ sở sản xuất công nghiệp.

Qua công tác đánh giá nhanh, bước đầu các chuyên gia đã nhận dạng các lỗi và tồn tại có thể khắc phục để tiết kiệm chi phí sản xuất cho DN.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, phía Sở Công Thương nhận định hiện năng lực tài chính của các DN còn hạn chế do đa phần là DN vừa và nhỏ nên khả năng để đầu tư áp dụng các giải pháp chuyên sâu về SXSH còn hạn chế. Do vậy, để công tác SXSH đạt hiệu quả cao, ngoài các chế tài quy định về hoạt động này cần cụ thể hơn thì các DN cũng mong muốn có cơ chế tài chính hỗ trợ cho các DN để thực hiện tốt công tác trên.

Theo Thu Hường – ven.vn