Phát minh mới: Giấy làm từ đá

Theo Channelnewsasia, một công ty Đài Loan đã đề xuất một giải pháp mới không làm tổn hại đến tài nguyên môi trường: sản xuất giấy mà không cần cây xanh.

Chế tạo giấy là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất thế giới. Trong suốt quá trình sản xuất, các nhà máy phải tiêu thụ một lượng nước lớn đồng thời phải chặt đốn cây để tinh chế bột giấy nguyên chất.

Chính vì lý do đó, các doanh nghiệp và chính phủ trên khắp thế giới đã cố gắng giảm sử dụng giấy để bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên với nhu cầu đối với giấy ngày càng tăng, một công ty ở Đài Loan đã có sáng kiến chế tạo giấy mà không cần phải chặt hạ cây cối.

Nhà máy Lung Meng Đài Loan. (Ảnh: Channelnewsasia)

Nhà máy Lung Meng Đài Loan (Ảnh: Channelnewsasia)

Sản phẩm túi xách làm từ giấy đá. (Ảnh: Channelnewsasia)

Sản phẩm túi xách làm từ giấy đá (Ảnh: Channelnewsasia)

Quá trình chuyên chở đá thải từ các hộ vào nhà máy Lung Meng. (Ảnh: Channelnewsasia)

Quá trình chuyên chở đá thải từ các hộ vào nhà máy Lung Meng (Ảnh: Channelnewsasia)

Loại giấy mà công ty trên cung cấp trông khá bình thường, nhưng lại có thể chống chịu nước, không hư hỏng, và không dễ bắt lửa. Về mặt nguyên liệu, chúng được làm bằng đá hoa bị lãng phí thu được từ gạch sàn nhà hoặc các sản phẩm khác.

Trong 17 năm qua, Công ty Công nghệ Lung Meng của Đài Loan đã chế biến đá hoa thành loại giấy chất lượng cao.

Bước đầu tiên, công ty này sẽ nghiền đá hoa thành bột mịn, rồi đem trộn với polyethylene đặc theo tỷ lệ 80:20. Sau khi đun sôi ở 160 độ C, bột đá sẽ được thổi vào một tấm màng mỏng.

Jacky Wang, giám đốc tại Công ty Công nghệ Lung Meng, cho biết: “Quá trình sản xuất giấy của chúng tôi không sử dụng bất kỳ hóa chất hay nước. Chất lỏng duy nhất mà chúng tôi sử dụng là dành cho mục đích làm lạnh.”

So với quá trình sản xuất giấy thông thường, một tấn giấy đá không chỉ tiết kiệm được 20 cây xanh, mà còn làm giảm lượng nước tiêu thụ gần 28.400 lít.

Loạt giấy trên cũng sẽ được đem ra phơi nắng trong vòng sáu đến tám tháng. Đặc điểm nổi bật nhất của chúng chính là có thể ngâm vào trong nước trong nhiều ngày mà không bị tan ra từng mảnh.

Tại thị trường châu Âu và Mỹ, giá cả của loại giấy này mắc hơn 20 % so với giấy thường, nhưng lại có xu hướng phổ biến hơn.

Ông Wang cho biết: “Chúng tôi đã có bằng sáng chế tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. Do được làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, loại giấy này rất phổ biến tại các nước phát triển có ý thức bảo vệ môi trường. Hiện tại, họ là khách hàng chính của chúng tôi”.

Ông Wang cho biết thêm: “Hầu hết các giấy đá của chúng tôi được sử dụng để làm túi xách. Các nhà hàng cũng rất ưa chuộng loại giấy này. Mặt hàng hóa phổ biến khác của chúng tôi là cuốn sổ chép tay”.

Công nghệ giấy đá này đã mở rộng sang thị trường Trung Quốc và dự kiến sẽ bày bán rộng rãi trong năm tới.

Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh

Động cơ chạy bằng hơi nước trong không khí

Nước, nhựa và các bào tử vi khuẩn có thể trở thành những dụng cụ tạo ra nguồn năng lượng sạch gần như vô tận trong tương lai. Bởi mới đây, một nhóm các kỹ sư sinh học tại Đại học Columbia (Mỹ) đã dựa vào đó để chế tạo thành công động cơ chạy bằng hơi nước trong không khí có thể sản sinh ra năng lượng.

22062015_dongcochaybangkkhi

Sự diệu kỳ từ các bào tử vi khuẩn

Chìa khóa bí mật để tạo ra phát minh đáng kinh ngạc này của nhà sinh học Uzgur Sahin, người đứng đầu nghiên cứu và các cộng sự của mình chính là HyDRAS (cơ bắp nhân tạo hoạt động bằng cách hút ẩm). HyDRAS về cơ bản là một dải băng rất mỏng và dẻo, khi gặp hơi nước (hoặc trực tiếp, hoặc trong không khí), các bào tử sẽ nở ra và kéo dãn đoạn băng trên, ngược lại nếu gặp không khí khô nóng, dải băng sẽ tự co lại thành hình cong. Hoạt động này cứ tiếp diễn liên tục sẽ giúp tạo ra công năng rồi biến công năng thành nguồn điện năng vô tận.

Ý tưởng về vật liệu HyDARS đã đến với Sahin từ gần 10 năm trước khi ông đang tiến hành nghiên cứu tính chất vật lý của các vi sinh vật trong môi trường tự nhiên. Ông đã phát hiện ra, các bào tử của vi khuẩn bacillus trên cỏ rất phổ biến có thể thích nghi kỳ diệu với một lượng độ ẩm rất nhỏ. Sau nhiều thí nghiệm, Sahin đã tìm ra một cách giúp ông có thể “bắt chước” được phản ứng độc đáo của các bào tử vi khuẩn bằng việc đính các bào tử vi khuẩn vào trong một dải băng dẻo trong phòng thí nghiệm.

22062015_dongcochaybangkkhi2

Món đồ chơi không quá 5 USD

Trong khi thí nghiệm, các nhà khoa học đã lắp động cơ chạy bằng hơi nước này vào một chiếc xe đồ chơi có giá trị không đến 5 USD. Mặc dù nó chạy rất chậm, nhưng các nhà khoa học cho biết, trung bình mỗi lần chuyển động của động cơ có thể tạo ra khoảng 50 microwatt điện năng. Dù chưa phải là một lượng điện năng lớn nhưng nó cũng đủ để tạo ra ánh sáng bằng ánh sáng của 1 bóng đèn LED. Điều ngạc nhiên nữa là các nhà khoa học tiến hành thí nghiệm chỉ trên một vũng nước nhỏ với nhiệt độ phòng.

Khi nước trên bề mặt bốc hơi, bên trong động cơ bắt đầu ẩm khiến các dải băng HyDRAS dãn ra và được gắn với một máy phát điện nhỏ, từ đó có thể giúp biến chuyển động cơ năng của động cơ thành điện năng.

Sahin và các đồng nghiệp cũng đã tạo ra một động cơ thứ hai với HyDRAS, đó là một sáng tạo đối với động cơ kiểu sử dụng các chuyển động hình cong của HyDRAS để quay bánh xe khi nó được đặt trên một chiếc xe đồ chơi. Toàn bộ chiếc xe chỉ sử dụng công năng từ hơi nước trong không khí, tuy nhiên các nhà khoa học cho biết thêm, động cơ sẽ chạy nhanh hơn nếu nhiệt độ bốc hơi của nước lớn.

Triển vọng về nguồn năng lượng sạch vô tận 

“Đây là một đột phá rất mới, rất ấn tượng”, Peter Fratlt, nhà nghiên cứu vật liệu sinh học tai Viện Max-Planck (Đức) cho biết. Ngoài ra, Fratlt còn cho biết thêm, trên thực tế HyDRAS “có thể kéo dài trong một thời gian rất dài, và trong tự nhiên, các bào tử vi khuẩn đã tồn tại hàng trăm năm trong trạng thái “ngủ” đang cần giới khoa học khám phá. Nếu mô hình động cơ chạy bằng hơi nước của Sahin được phát triển với quy mô lớn hơn và đưa vào sử dụng trong thực tế sẽ giúp hành tinh chúng ta không bị hủy hoại bởi các tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

“Mỗi dải băng HyDRAS chỉ cần sử dụng 1% năng lượng tiềm năng từ các bào tử vi khuẩn”, Sahin cho biết. Điều này có nghĩa trong tương lai gần, con người có cơ hội sử dụng nguồn năng lượng gần như vô tận cùng với những năng lượng trong “kho” năng lượng tái tạo từ gió và Mặt trời. Tuy nhiên, “sức mạnh của gió có được chủ yếu xuất phát từ sự bay hơi của nước trên quy mô toàn hành tinh chúng ta”, Sahin nhấn mạnh.

Theo An ninh Thủ đô

Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là các hoạt động sản xuất của nhà máy, KCN, làng nghề và đời sống sinh hoạt tại các khu đô thị lớn.

Trong nhiều năm qua, tình trạng tách rời công tác bảo vệ môi trường (BVMT) với sự phát triển kinh tế-xã hội diễn ra phổ biến ở nhiều ngành, nhiều địa phương. Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là các hoạt động sản xuất của nhà máy, KCN, làng nghề và đời sống sinh hoạt tại các khu đô thị lớn. Vấn nạn này ngày càng trầm trọng, đe dọa trực tiếp sự phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng phát triển Thương hiệu Việt trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng các bộ, cơ quan ban ngành tổ chức hội thảo khoa học BVMT – phát triển bền vững. Chương trình nhằm phổ cập kiến thức về công tác BVMT; tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm của doanh nghiệp trong BVMT…

Các tình nguyện viên tham gia dọn sạch đường phố tại sự kiện do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức. Ảnh: Ngọc Châu

Các tình nguyện viên tham gia dọn sạch đường phố tại sự kiện do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức. (Ảnh: Ngọc Châu)

Tuân thủ yêu cầu khắt khe

Tại hội thảo, ThS Phạm Thanh Trực, Trưởng phòng Quản lý môi trường Ban quản lý các KCX và công nghiệp TP.HCM (HEPZA), cho biết theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN TP.HCM thì đến năm 2020, chúng ta có tổng cộng 23 KCX, KCN tập trung với tổng diện tích hơn 5.992 ha. Đối với các chủ đầu tư KCN, yêu cầu về lĩnh vực môi trường cần phải tuân thủ là có đầy đủ pháp lý về môi trường; có bộ phận chuyên môn về BVMT để giám sát hoạt động của doanh nghiệp và vận hành hệ thống xử lý nước thải; có mạng lưới thoát nước thải, nước mưa riêng biệt; có nhà máy xử lý nước thải tập trung; đảm bảo diện tích cây xanh theo quy định…

Song song đó, từng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong KCN cũng phải đảm bảo yêu cầu khắt khe về nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung, phân loại chất thải rắn… Cùng với quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường tại các KCX-KCN thì đại diện HEPZA cho biết năm 2014 đã lập biên bản vi phạm hành chính ba trường hợp và chuyển UBND TP xử phạt hai trường hợp. Những hành vi vi phạm là xả thải vượt chuẩn cho phép và không thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định với số tiền phạt hơn 778 triệu đồng.

Về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP, ThS Nguyễn Trọng Nhân, Phòng Quản lý chất thải rắn Sở TN&MT TP.HCM, chia sẻ hiện nay mỗi ngày TP thu gom, xử lý khoảng 7.200 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi, huyện Củ Chi và Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh. Trong khu vực nội thành, tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 100% và khoảng 80% ở khu vực ngoại thành.

Đối với chất thải y tế, tỉ lệ thu gom đạt 100% tại các bệnh viện, trung tâm lớn. Riêng chất thải y tế phát sinh tại các phòng khám nhỏ lẻ thu gom trực tiếp đúng tuyến đạt khoảng 90%, phần còn lại lẫn lộn với chất thải rắn sinh hoạt và được chuyển về bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đối với vấn đề bùn thải, tại TP.HCM, lượng bùn phát sinh thường xuyên hiện nay khoảng 2.700-3.700 m3/ngày. Năm 2008, TP đã có nhà máy xử lý bùn hầm cầu với quy mô công suất xử lý 500m3/ngày. Giai đoạn 2010-2014, đứng trước nhu cầu xử lý các loại bùn thải, TP đã nhanh chóng cho triển khai nhà máy xử lý bùn tập trung với công suất khoảng 2.500-3.000 m3/ngày.

Đô thị hóa nhanh chóng

Cùng với các vấn đề về chất thải KCX, KCN, chất thải sinh hoạt, bùn thải như đã đề cập ở trên, hội thảo cũng nêu ra một vấn đề quan trọng về đô thị hóa. PGS-TS Lưu Trường Văn, ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết chúng ta đang trải qua một trong những quá trình chuyển đổi đô thị nhanh nhất trên thế giới. Sự tác động của nó với môi trường tại Việt Nam làm giảm diện tích đất canh tác; gia tăng ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí và độ che phủ của rừng. Do vậy, đô thị hóa gắn liền với BVMT là điều rất cần thiết, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, mọi bộ phận người dân. Theo PGS-TS Tường Văn, các vấn đề môi trường nên được đề cập đầy đủ và quan tâm đúng mức trong quy hoạch xây dựng đô thị. Song song đó, tăng cường các biện pháp hữu hiệu trong chỉ đạo và quản lý quy hoạch xây dựng. Đồng thời thực hiện tốt phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, không để phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm, tiến tới loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường trong quá trình xây dựng các công trình.

Mang lại bầu không khí trong lành, môi trường sạch sẽ, đảm bảo sức khỏe người dân là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của cơ quan chức năng mà còn của mọi thành phần trong xã hội. Và để làm cho TP ngày càng sạch sẽ, xanh mát, trong lành hơn, chúng ta hãy nêu cao tinh thần, ý thức tự giác. Mỗi người chỉ cần ý thức hơn trong từng hành động của mình là đã có thể tạo ra tác động lớn để BVMT.

Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh

Tôm, cá cũng oằn mình cõng phí

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải bỏ ra hàng tỉ đồng mỗi năm để đóng các loại phí cao chót vót.

17620154

Việc phải đóng phí cao làm giảm sức cạnh tranh của thủy sản xuất khẩu. Ảnh: quang huy

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng (AGD), một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra lớn ở tỉnh Tiền Giang, cho biết phí lớn nhất mà công ty ông và hầu hết DN thủy sản đang phải gánh nặng nhất là phí kiểm nghiệm chỉ tiêu, chất lượng sản phẩm.

Hiện nay mỗi container thủy sản xuất khẩu phải đóng phí kiểm nghiệm lên đến 15 triệu đồng. Như vậy, tính ra mỗi năm chỉ riêng Công ty Cổ phần Gò Đàng đã phải bỏ ra 5-6 tỉ đồng để đóng các loại phí này.

Đau đầu vì phí kiểm nghiệm

Theo ông Đạo, hiện nay danh mục các khoản thu lệ phí kiểm nghiệm chất lượng, an toàn vệ sinh thủy sản xuất khẩu có hàng trăm khoản liên quan đến kiểm tra các chỉ tiêu: cảm quan và vật lý, vi sinh, hóa học thông thường, hóa học đặc biệt, hóa học của nước…

Ông Đạo cho rằng việc kiểm tra từng lô hàng xuất khẩu gây lãng phí về thời gian, tiền bạc của DN. Cụ thể, một container hàng thủy sản xuất khẩu tốn 5-15 triệu đồng phí kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng. Chưa hết, DN còn phải mất cả tuần lễ cho mỗi lô hàng kiểm xong trước khi xuất khẩu. Điều này làm cho thủy sản nước ta bán ra thị trường thế giới thường có giá cao và khó có thể cạnh tranh với các đối thủ.

“Điều bất hợp lý là Cục Quản lý nông lâm thủy sản (Nafiqad) kiểm tra với tần suất quá cao. Trong khi như DN tôi nhiều năm nay không hề vi phạm các chỉ tiêu chất lượng, dư lượng kháng sinh vẫn phải chịu kiểm tra khắt khe” – ông Đạo bức xúc.

Trên thực tế, các DN xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Cuối cùng DN vừa phải tốn chi phí kiểm nghiệm ở trong nước, vừa phải tốn chi phí kiểm nghiệm trả cho cơ quan kiểm tra nước nhập khẩu. Ông Đạo nói tiếp: “Nghịch lý là khi Nafiqad kiểm tra rồi nhưng hàng của DN nếu vẫn bị phát hiện vi phạm chất lượng thì DN tự chịu. Vậy kiểm nghiệm trong nước có hiệu quả không?”.

Một số DN còn cho rằng việc kiểm tra chất lượng đang thực hiện theo kiểu “chặn đầu ra” chứ không phải kiểm để ngăn ngừa, xử lý trường hợp làm không tốt. Điều này dễ tạo ra lỗ hổng cho một số DN không tuân thủ quy trình, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), cho hay ở nhiều quốc gia khu vực như Mỹ, EU, để đủ điều kiện xuất khẩu điều quan trọng nhất là nhà máy sản xuất, chế biến của DN phải được kiểm tra, đánh giá và đáp ứng luật lệ an toàn thực phẩm của những tổ chức uy tín nhất định.

Khi đã thông qua sự đánh giá này, DN sẽ được cấp chứng thư (nếu cần) mà không cần thiết phải tiến hành kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm từng lô hàng trước khi xuất khẩu.

“Hiệp hội đã kiến nghị Nafiqad, Bộ NN&PTNT giảm tần suất kiểm tra các lô hàng thủy sản xuất khẩu. Với các DN kiểm tra nhiều lần không vi phạm nên tạo điều kiện cho họ xuất khẩu thuận lợi, nhanh chóng” – ông Hòe cho hay.

Để gỡ khó cho DN, vẫn theo ông Hòe, đối với thị trường có yêu cầu thì cơ quan quản lý mới kiểm tra, còn thị trường không yêu cầu thì thôi.

“Vẽ” thêm thủ tục

Theo Vasep, nhiều DN xuất khẩu thủy sản rất bất bình về thủ tục đăng ký hợp đồng, chi phí thẩm định, tiêu chuẩn bắt buộc với sản phẩm cá tra.

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Thuận Phước, phản ứng với quy định phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội Cá tra vì như vậy có thể vi phạm nguyên tắc đảm bảo bí mật kinh doanh, gây bất lợi cho DN.

“Giá cả, hợp đồng mua bán từ nhà máy là bảo mật, không thể báo cáo cho một cá nhân, tổ chức nào hết” – ông Lĩnh nêu quan điểm.

Cũng theo ông Lĩnh, Hiệp hội Cá tra không phải là cơ quan hành chính nhưng việc đăng ký xuất khẩu phải thông qua hiệp hội đã “vẽ” thêm thủ tục hành chính, gây mất thời gian cho DN xuất khẩu cá tra. Trước đây DN chỉ cần liên hệ với hải quan làm thủ tục xuất khẩu thì nay phải đăng ký qua Hiệp hội Cá tra rồi lại phải quay sang làm thủ tục với hải quan.

“Cá tra hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, giá thức ăn không giảm, giá cá không tăng… Các phí kiểm tra, kiểm soát đều cao, bây giờ lại thêm phí kiểm định dù chỉ là 100.000 đồng/hợp đồng xuất khẩu cũng ảnh hưởng không nhỏ đối với DN và nông dân. Nhất là DN mất thời gian, lỡ tàu, lỡ cơ hội kế hoạch xuất khẩu. Thiệt hại rất nhiều” – đại diện một DN xuất khẩu cá tra ở An Giang bày tỏ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, cho biết hiệp hội đang kiến nghị Bộ NN&PTNT sửa đổi Nghị định số 36/2014 về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra và tạm dừng việc soạn thảo thông tư hướng dẫn nghị định này vì còn một số điểm bất hợp lý./.

Theo  Pháp luật TPHCM

Chàng trai chế tạo gạch không nung từ giấy phế thải

Từ lâu, Hoàng Sang đã trăn trở, tìm giải pháp nghiên cứu, sản xuất ra nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Với nhiệt huyết sức trẻ và tinh thần luôn học hỏi, tìm tòi, sau 7 tháng nghiên cứu, Nguyễn Cao Hoàng Sang, sinh viên Trường Đại học Kiến Trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã chế tạo thành công sản phẩm gạch không nung từ giấy phế thải. Đây là loại vật liệu xây dựng được đánh giá có chất lượng bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và giảm sức lao động cho công nhân.

   Sản phẩm gạch không nung làm từ giấy phế thải. (Ảnh: VOV.VN)

Sản phẩm gạch không nung làm từ giấy phế thải. (Ảnh: VOV.VN)

Từ lâu, Hoàng Sang đã trăn trở, tìm giải pháp nghiên cứu, sản xuất ra nguyên liệu thân thiện với môi trường. Qua tìm hiểu, những thế hệ sinh viên đi trước cũng đã chế tạo ra các loại gạch không nung bảo vệ môi trường nhưng hiệu quả chưa cao và giá thành không cạnh tranh được trên thị trường. Từ đó, Sang bắt tay vào nghiên cứu gạch không nung làm từ giấy phế liệu để đón đầu xu thế trong ngành xây dựng.

Ban đầu Sang đi gom giấy phế liệu từ khắp nơi, từ lớp học, quán photocopy, nhà sách… đem về ngâm vữa. Sau đó xay nhỏ và trộn với cát, ximăng để tạo thành hỗn hợp bê tông đúc gạch. Hai thành phần chính tạo thành gạch không nung này là chất kết dính và cốt liệu, tùy vào mục đích sử dụng mà thay đổi tỉ lệ cấp phối để tạo ra sản phẩm gạch không nung theo yêu cầu.

Nguyễn Cao Hoàng Sang cho biết: “Để đạt được hàm lượng cấp phối mong muốn thì em đã thí nghiệm rất nhiều mẫu, ghi chú lại và thí nghiệm nên để xem viên gạch có đạt được giá trị cường độ nén theo yêu cầu chưa, quá trình thí nghiệm được lặp lại nhiều lần. Em sẽ hiệu chỉnh hàm lượng cấp phối để sản phẩm có cấp phối tối ưu nhất, về chất lượng và giá thành.”

Sang đã chế tạo ra 2 loại gạch: loại để xây vách ngăn trong nhà và loại dùng để xây tường bao bên ngoài. Hai loại gạch nói trên sau khi được ngâm vào nước một tuần không bị bong tróc và vẫn đảm bảo độ cứng cần thiết; còn khi nung trên bếp dầu trong 30 phút vẫn không bị bắt lửa, không cháy ngầm.

Gạch không nung làm từ giấy phế liệu có quy trình sản xuất đơn giản, có thể ứng dụng cho các xưởng sản xuất gạch nhỏ, vốn đầu tư ban đầu thấp. Loại gạch này thân thiện với môi trường, đảm bảo khả năng chịu lực, cách âm, cách nhiệt rất tốt. Ưu điểm nổi trội của gạch làm từ giấy phế liệu là nhẹ. Vì vậy, công nhân thi công dễ dàng, chủ đầu tư giảm được chi phí làm nền móng.

Thạc sỹ Phan Thế Vinh, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Sang rất nhiệt tình, chịu khó mày mò ở phòng thí nghiệm để làm đủ thứ. Sản phẩm gạch không nung này nói chung là rất ưu điểm, nhẹ và cách âm cách nhiệt, vừa sử dụng được giấy tái chế, rất nhiều lợi ích. Giảm chi phí được công trình, tải trọng, nhân công. Gạch này nhẹ nên móng sẽ giảm đi, nhờ đó thi công sẽ nhanh hơn, quá trình thi công không bị độc hại.”

Sản phẩm này bán ra thị trường với giá rẻ và có nhiều ưu thế hơn 2 loại gạch không nung là gạch xi măng cốt liệu và gạch bê tông khí chưng áp hiện có mặt trên thị trường. Sang cho biết thêm: “Trong thời gian tới em sẽ hoàn thiện đề tài của mình để tính toán thêm các chất phụ gia cũng như tìm được cách phối tốt nhất cho sản phẩm gạch. Em cũng hy vọng có 1 đơn vị hoặc cơ sở sản xuất nào đó hỗ trợ em hoàn thiện sản phẩm gạch, tốt cho môi trường và giảm giá thành tối đa cho sản phẩm.”

Khi đưa vào sản xuất đại trà, gạch từ giấy phế liệu của Nguyễn Cao Hoàng Sang còn tận dụng được mùn thải ở các nhà máy giấy, giảm được nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đề tài cũng đạt giải Nhì – giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka 2014 do Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với trường Đại học Quốc gia tổ chức; giải “Xây dựng bền vững” của cuộc thi Holcim Prize – giải thưởng dành cho những sáng tạo trong ngành xây dựng; giải thưởng Loa thành năm 2014, do Hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức.

Theo vov.vn

Hội nghị biến đổi khí hậu tại Paris cuối năm 2015: Tầm quan trọng toàn cầu

Quyết định quan trọng nhất được đưa ra tại Paris sẽ được thống nhất thông qua một cam kết ràng buộc rằng, 2 độ C là giới hạn cao nhất có thể chấp nhận đối với sự nóng lên toàn cầu của trái đất.

Maldives có nguy cơ ngập lụt. (Ảnh: Sakis Papadopoulos / Getty)

Maldives có nguy cơ ngập lụt. (Ảnh: Sakis Papadopoulos / Getty)

Cuộc đàm phán khí hậu tại Paris có tầm quan trọng như thế nào?

Theo các nhà khoa học, trong 30 năm qua, nồng độ CO2 trong khí quyển tăng lên tới một mức độ mà nhiệt độ sẽ cao hơn 2 độ C trong thời kỳ tiền công nghiệp. Vượt ra ngoài giới hạn nhiệt độ đó là những hậu quả tàn phá môi trường như: các cơn bão ngày càng tồi tệ, sóng nhiệt độ cực đoan và mực nước biển tăng.

Do đó, quyết định quan trọng nhất được đưa ra tại Paris sẽ được thống nhất thông qua một cam kết ràng buộc rằng, 2 độ C là giới hạn cao nhất có thể chấp nhận đối với sự nóng lên toàn cầu của trái đất. Tất cả các quyết định khác được đưa ra ở Paris sẽ thực hiện theo kết quả của thỏa thuận đó.

Những vấn đề trước mắt đối với các đại biểu trong việc đưa cam kết trở nên có hiệu lực là gì?

Để đảm bảo nhiệt độ tăng đến ngưỡng giới hạn 2 độ C, các đại biểu sẽ phải kêu gọi các cam kết từ các nước và các khối năng lượng (như Liên minh châu Âu) và sau đó giải quyết các mục tiêu cá nhân. Điều này sẽ vô cùng phức tạp.

Ngoài ra, khi những cắt giảm cụ thể đã được thống nhất trong kết quả đầu ra các bon, sẽ phải thiết lập một ủy ban giám sát lượng khí thải của các quốc gia để kiểm tra việc thực hiện cam kết của họ.

Sẽ tốn chi phí?

Ngày nay, nồng độ CO2 trong khí quyển cao là “tác phẩm” tạo ra của các quốc gia phát triển theo hướng công nghiệp hóa. Do đó các nước đang phát triển sẽ đòi hỏi một cam kết rõ ràng từ các nước phát triển về việc cung cấp hỗ trợ tài chính để giúp họ thích ứng với một hành tinh nóng hơn và làm giảm các tác động xấu nhất của sự nóng lên toàn cầu.

Dự kiến, đến năm 2020, khoản tiền cần thiết cho mục đích này vào khoảng 100 tỷ USD/năm. Cam kết để đạt được một mức kinh phí như vậy sẽ là một cột mốc quan trọng khác phải đạt được ở Paris.

Những vấn đề nào khác sẽ phải đối mặt?

Một số quốc gia ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với tác động xấu do sự nóng lên toàn cầu. Họ có thể đoán trước sự tàn phá nặng nề. Những vùng bờ biển Bangladesh rộng lớn, Maldives và một số quần đảo Thái Bình Dương phải đối mặt với ngập lụt. Do đó, những người dân mất quê hương cần được đền bù và cần quan tâm đặc biệt, và cuộc đàm phán tại Paris cần đưa ra một cơ chế thống nhất để đảm bảo rằng những người này được đền bù đúng cách cho các thế hệ tương lai.

Ngoài ra, một số nhà máy năng lượng thủy triều, sóng và gió sẽ phải được xây dựng để thay thế máy phát điện dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Một phương pháp cho phép hệ thống tạo ra trong một đất nước này được chia sẻ với các nước khác một cách công bằng sẽ phải được thống nhất để đảm bảo sự phát triển nhanh chóng của công nghệ – yếu tố quan trọng để đảm bảo giới hạn chịu đựng của sự nóng lên toàn cầu.

Theo báo Tài nguyên và môi trường