Liên hợp quốc kêu gọi ngăn tình trạng Trái Đất nóng lên

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 13/4 đã ra tuyên bố hoan nghênh những kết luận được đưa ra trong Bản báo cáo mới nhất của nhóm các chuyên gia liên chính phủ, liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái Đất.

Tuyên bố của ông Ban Ki-moon nêu rõ tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (tên gọi chung của một số loại khí trong thành phần khí quyển gồm hơi nước (H20), điôxít cácbon (CO2), oxítnitơ (N20), mêtan (CH4) và chlorofluorocacbon (CFC)… trong tầng thấp của khí quyển, khoảng 25km từ mặt đất đến tầng đối lưu) tiếp tục tăng rất nhanh trong những năm vừa qua, làm cho nhiệt độ Trái Đất không ngừng tăng lên, gây hiện tượng biến đổi khí hậu ngày một trầm trọng hơn.

Theo tính toán của các nhà khoa học, trong thập niên vừa qua, mật độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã tăng tới mức chóng mặt, nhanh hơn mức trung bình của ba thập kỷ trước đó. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do việc sử dụng quá mức nguồn năng lượng hóa thạch để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế và cuộc sống của con người do sự gia tăng dân số trên thế giới.

Ông Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới và tất cả mọi người đang sinh sống trên Trái Đất cùng lắng nghe những lời cảnh báo của giới chuyên gia và các nhà khoa học, sớm có ngay những biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng Trái Đất đang tiếp tục nóng lên, mà theo tính toán, đã tăng thêm 2 độ C trong thời gian vừa qua.

Ông hoan nghênh khuyến cáo của các nhà khoa học, được nêu trong bản báo cáo trên, cho rằng mỗi một hành động được thông qua kịp thời vào lúc này nhằm giảm bớt sự gia tăng của khí thải nhà kính, sẽ tránh cho loài người phải trả giá đắt hơn về môi trường sống trong tương lai.

Ảnh minh họa: Technorati.com

Nhóm các chuyên gia liên chính phủ xác nhận để giữ được nhiệt độ trung bình trên Trái Đất như hiện nay vào giữa thập kỷ này, con người phải giảm được từ 40% đến 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 2010.

Theo các nhà khoa học, hiện có nhiều khả năng và biện pháp để thực hiện được mục tiêu này, trước hết, phải áp dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến và những tiến bộ khoa học vào các ngành sản xuất trên cơ sở giảm bớt tối thiểu việc sử dụng năng lượng hóa thạch, nhưng vẫn bảo đảm phát triển kinh tế phục vụ lợi ích con người.

Nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã nhắc lại lời mời các nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo các chính phủ là thành viên của Liên hợp quốc dự Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu Trái Đất, dự kiến sẽ tổ chức vào cuối tháng 10 năm nay tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, My.

Ông hy vọng những người tham dự diễn đàn này sẽ thể hiện quyết tâm cao nhất, có những đóng góp tích cực nhất để đến năm 2015 sẽ cùng nhau ký một Hiệp định mang tính pháp lý toàn cầu về khí hậu Trái Đất.

Theo VietNamPlus

Khởi động nhóm GetGreen cho sinh viên Hà Nội

Sau khi kết thúc chuỗi đợt tập huấn về Tiêu dùng bền vững (TDBV) tổ chức tập huấn cho hơn 20 học viên đến từ nhiều tổ chức tại Hà Nội vào các ngày từ 26-28/02/2014, GetGreen Việt Nam đã hỗ trợ giúp đỡ các tập huấn viên triển khai hoạt động đào tạo cho các nhóm nhỏ hơn trong cộng đồng để cùng lan tỏa thông điệp “Cử chỉ xanh – Sống an lành” đến với cộng đồng.

Ngày 28/03/2014, buổi sinh hoạt đầu tiên trong đợt tập huấn TDBV buổi dành cho các bạn sinh viên được tổ chức tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Dưới sự hướng dẫn của chị Ngô Phương Thảo – một tập huấn viên trẻ của dự án, 16 bạn sinh viên đến từ các trường đại học tại Hà Nội đã cùng gặp gỡ, tham gia trao đổi và chia sẻ tại buổi tập huấn đầu tiên này.

gg1

Tại buổi tập huấn đầu tiên, chị Ngô Phương Thảo và các cộng sự đã giới thiệu sơ qua về dự án Get Green Việt Nam, giúp các bạn học viên có cái nhìn tổng quan về dự án. Đồng thời cũng giới thiệu đến các bạn học viên nội dung chính của khóa đào tạo, cũng như phương pháp đào tạo sẽ được sử dụng để các học viên có thể nắm rõ được các hoạt động, cũng như cách thức học tập khi tham gia đào tạo.

gg2

Các bạn học viên tham gia tập huấn đợt này đều là các bạn sinh viên trẻ trung, năng động đến từ nhiều trường đại học tại Hà Nội. Thêm vào đó các bạn đều có điểm chung là quan tâm tới các vấn đề về môi trường và mong muốn được đóng góp sức trẻ vào việc bảo vệ môi trường sống, cũng như kêu gọi cộng đồng cùng chung tay.

gg3

Kết thúc buổi tập huấn đầu tiên, ban tổ chức hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ phía các bạn học viên trong việc tham gia 5 buổi tiếp theo của khóa đào tạo, để khóa tập huấn đạt được hiệu quả cao nhất. Đồng thời, cũng mong muốn các bạn học viên bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ có thể cùng dự án lan tỏa thông điệp sống xanh tới nhiều người hơn trong cộng đồng.

Theo getgreen.vn

Tiến tới cấm sản xuất, tiêu thụ bóng đèn sợi đốt

Tại Thông báo số 136/TB-VPCP về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương đề xuất lộ trình giảm, tiến tới cấm sản xuất, tiêu thụ bóng đèn sợi đốt trên thị trường.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương đánh giá tình hình thực hiện Quyết định 51/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện; trong đó có đánh giá việc thực hiện không được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông loại đèn sợi đốt có công suất lớn hơn 60W theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đề xuất lộ trình giảm, tiến tới cấm sản xuất, tiêu thụ bóng đèn sợi đốt trên thị trường.

Xây dựng tiêu chí hiệu quả sử dụng năng lượng

Đèn tiết kiệm năng lượng được khuyến khích sử dụng (Ảnh: pcphuyen.cpc.vn)

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương xây dựng các tiêu chí về hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam (giảm cường độ năng lượng chung và của một số ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, hệ số đàn hồi năng lượng/GDP…); so sánh các tiêu chí đánh giá về hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam với một số nước trong khu vực và trên thế giới; mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa Việt Nam và các nước.

Bên cạnh đó Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, triển khai các giải pháp hỗ trợ thực hiện việc loại bỏ các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới quy định tại Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg ngày 25/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát hệ thống tiêu chuẩn hiện hành, xây dựng hướng dẫn phương pháp đo cho các sản phẩm dán nhãn để thống nhất áp dụng; tiếp tục nghiên cứu, ban hành các Tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng tối thiểu của các thiết bị sử dụng rộng rãi trên thị trường; hoàn thành trong năm 2014 việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực các phòng thí nghiệm nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác kiểm định, giám định, đo lường hiệu suất năng lượng.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương thẩm định, ban hành hoặc thỏa thuận để cấp có thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về mức tiêu thụ năng lượng cho các loại xe cơ giới sản xuất trong nước theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.

Tiết kiệm ít nhất 1%/năm nhu cầu năng lượng

Phó Thủ tướng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước chỉ đạo các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng hằng năm nhằm giảm suất tiêu hao năng lượng trên đơn vị sản phẩm, mỗi năm tiết kiệm ít nhất 1%/năm nhu cầu năng lượng sử dụng.

Tập Đoàn điện lực Việt Nam phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình tiết kiệm điện, giảm tổn thất trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng; yêu cầu đến năm 2015, tổn thất điện năng trong truyền tải, phân phối điện không quá 8%, tổn thất trong khu vực nông thôn không quá 10% .

Theo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong giai đoạn 1 của Chương trình đã tiết kiệm được 4,9 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), tương đương với 3,4% tổng năng lượng tiêu thụ, trị giá 65.000 tỷ đồng theo giá dầu năm 2011. Từ năm 2013, mục tiêu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là tiết kiệm từ 5-8% tổng năng lượng tiêu thụ tương đương với 8-11 triệu TOE đến năm 2015.

Theo Phan Hiển/Chinhphu.vn

 

Để doanh nghiệp “làm bạn” với môi trường

​Lồng ghép công tác thi đua khen thưởng với bảo vệ môi trường để nâng cao ý thức trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân được xem là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, tạo động lực quan trọng thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguồn động viên kịp thời
Theo các chuyên gia môi trường để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cơ quan, cộng đồng dân cư và cá nhân vào công tác bảo vệ môi trường cần phải đưa nội dung bảo vệ môi trường vào các phong trào thi đua, các hình thức khen thưởng hàng năm và đột xuất lồng ghép trong phong trào thi đua vào các văn bản luật, nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật Bảo vệ môi trường. Có như vậy, mức độ tham gia bảo vệ môi trường sẽ lan tỏa rộng khắp và thường xuyên hơn trên phạm vi toàn quốc.
Từ nhiều năm nay, Giải thưởng Môi trường Việt Nam là giải thưởng chính thức duy nhất của Bộ TN&MT trao tặng cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Giải thưởng nhằm động viên, khuyến khích phong trào bảo vệ môi trường góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững, đồng thời tuyên truyền giới thiệu các gương điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường, lan tỏa phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bộ TN&MT đánh giá cao sự đóng góp tích cực của các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan truyền thông đại chúng và 63 tỉnh thành phố trong việc phối hợp, chỉ đạo và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, hiệu quả trong công tác BVMT, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến xuất sắc BVMT trong các lĩnh vực, các vùng miền khác nhau trên cả nước.
Tính riêng năm 2013, Bộ TN&MT đã ký quyết định công nhận 31 tổ chức, 1 cộng đồng và 18 cá nhân đạt Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Sau hơn 10 năm thực hiện, Giải thưởng Môi trường đã đạt được những kết quả nổi bật, phản ánh sinh động và chân thực thành tích BVMT của các tập thể, cá nhân cũng như của các cộng đồng dân cư trên cả nước, góp phần quan trọng tạo lập và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua BVMT tại Việt Nam. Tính đến nay, đã có gần 300 tổ chức cá nhân được tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Giải thưởng là nguồn động viên khuyến khích các cộng đồng dân cư hăng hái tham gia BVMT, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp giá trị vào sự nghiệp BVMT tại Việt Nam. Đáng lưu ý là số doanh nghiệp được tặng Giải thưởng chiếm tỷ lệ khá cao và có xu hướng ngày càng tăng, chiếm tỷ lệ gần 30% tổng số giải thưởng.
Thay đổi nhận thức doanh nghiệp
Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đặc biệt là bảo vệ môi trường sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập vào các thị trường quốc tế và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp đang là vấn đề nan giải, gặp nhiều khó khăn và cần sự hỗ trợ và phối hợp của các cơ quan, ban, ngành.
Do vậy, để tồn tại và phát triển bền vững, các doanh nghiệp buộc phải quan tâm tới các khía cạnh môi trường, hiệu quả sinh thái và năng lượng của từng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Muốn làm được vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng và chuyển đổi qua hệ thống quản lý với kế hoạch hành động xanh, tạo lập cơ sở vững chắc đảm bảo yếu tố môi trường, tính hiệu quả về sinh thái và sử dụng năng lượng, hạn chế phát thải nhà kính.
Theo đánh giá của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, vài năm trở lại đây, số dự án môi trường được gửi đề nghị xin vay tăng mạnh, số vốn giải ngân cũng tăng từ 60 – 150% cho các dự án tại hơn 30 tỉnh thành. Nhiều doanh nghiệp đã và đang nghiêm túc thực hiện bảo vệ môi trường và xem đầu tư bảo vệ môi trường là một kênh đầu tư, vừa mang lại lợi ích cho mình vừa mang lại lợi ích cho xã hội, đáp ứng những quy định ngày càng khắt khe của pháp luật về môi trường.
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với lợi thế về vốn, khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý, đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường như Công ty Ford Việt Nam với Cúp vàng Môi trường (2007) do Bộ TN&MT trao tặng, Công ty Khu công nghiệp Việt Nam – Singapo (VSIP) đạt giải Doanh nghiệp thân thiện với môi trường tại Giải thưởng Rồng vàng năm 2009
Một số doanh nghiệp trong nước đã chủ động áp dụng các giải pháp xử lý chất thải và đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất như: Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại thành công trong đề tài tách dầu mazút ra khỏi nước thải để phục vụ cho sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam với mục tiêu hướng tới “Mỏ sạch – an toàn – hiện đại”...
Theo tin môi trường, vea.gov.vn

Giờ Trái Đất 2014: Việt Nam tiết kiệm 431.000 KWh điện

Trong 60 phút tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết của chiến dịch Giờ Trái đất 2014 tối 29-3, Việt Nam tiết kiệm được sản lượng điện 431.000 KWh, tương đương khoảng 650 triệu đồng.

Theo thống kê từ Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 60 phút tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết của chiến dịch Giờ Trái đất 2014, công suất hệ thống giảm được 431 MW, sản lượng điện tiết kiệm được của cả nước là 431.000 KWh, tương đương khoảng 650 triệu đồng.

Trong 60 phút tắt đèn của chiến dịch Giờ Trái đất 2013, cả nước đã tiết kiệm được 401 MW điện, tương ứng 576 triệu đồng. Năm tiết kiệm được nhiều điện năng nhất kể từ khi Việt Nam ưởng ứng Giờ Trái đất năm 2009 tới nay là năm 2012, tiết kiệm được 546.000 kWh, tương đương tiết kiệm 712 triệu đồng.

Hưởng ứng Giờ Trái đất tối 29-3 tại Nhà Hát lớn TP Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Quyết/nld.com.vn)

Trong 60 phút tắt đèn của chiến dịch Giờ Trái đất 2014 từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 tối 29-3, 63 tỉnh thành Việt Nam đã cùng cả thế giới tham gia chương trình Giờ trái đất năm nay với thông điệp “Hãy hành động để Trái đất thêm xanh”.

Đây là lần thứ 8 Chiến dịch này được tổ chức trên thế giới và thứ 6 tại Việt Nam. Chiến dịch được người dân 63 tỉnh, thành, nhất là các bạn trẻ, ủng hộ rộng rãi.

Tại Hà Nội, đúng 20 giờ 30 phút, nghi thức tắt đèn diễn ra, phố Tràng Tiền cùng tất cả đèn điện xung quanh hồ Hoàn Kiếm vụt tắt. Các địa danh nổi tiếng của Hà Nội như đền Ngọc Sơn, tháp Rùa, cầu Thê Húc, vườn hoa Lý Thái Tổ, Nhà hát Lớn, hồ Trúc Bạch… đồng loạt tắt đèn. Nhiều khu phố Hà Nội gần như chìm trong bóng tối.

Ở Quảng Nam, hàng ngàn người dân và du khách tập trung tại Quảng trường Sông Hòa và Vườn tượng An Hội của TP Hội An để thả hoa đăng và tham gia các hoạt động như xếp hình, sinh hoạt văn nghệ với chủ đề: Hãy hành động để Trái đất thêm xanh. Tất cả hàng quán, dịch vụ kinh doanh, du lịch tại TP Hội An đều tắt điện và thắp sáng bằng nến, đèn dầu.

Tại TP Đà Nẵng, tất cả biển quảng cáo lớn dọc hai bên bờ sông Hàn cùng các tuyến phố chính đều tắt điện. Nhà hàng, khách sạn… cũng tắt đèn panô và đèn chiếu sáng.

Nhiều công trình quan trọng tại TP HCM cũng đồng loạt tắt đèn.

Giờ Trái đất là chiến dịch toàn cầu do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phát động và khởi xướng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường trước biến đổi khí hậu toàn cầu. Sáng kiến này kêu gọi các cá nhân và doanh nghiệp trên toàn thế giới tắt điện một giờ đồng hồ vào 20 giờ 30 – 21 giờ 30 ngày thứ 7 cuối cùng của tháng 3 hàng năm.

Chiến dịch được thực hiện đầu tiên vào năm 2007 tại thành phố Sydney (Úc) với sự tham gia hưởng ứng của 2,2 triệu người và tại Việt Nam từ năm 2009.

Theo P.Nhung – N.Quyết/nld.com.vn

Ưu đãi phát triển dự án điện sinh khối

Theo Quyết định 24/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhà đầu tư được hưởng nhiều ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, đất đai… khi đầu tư thực hiện các dự án điện sinh khối.
Ưu đãi về tín dụng đầu tư
Cụ thể, Nhà đầu tư được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện các dự án điện sinh khối theo quy định của pháp luật hiện hành.Các dự án điện sinh khối được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư theo các quy định pháp luật hiện hành về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Miễn thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp
Đồng thời, dự án điện sinh khối được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.Việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện sinh khối được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế.

Ngoài ưu đãi về vốn đầu tư và thuế, các dự án điện sinh khối và công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện quốc gia được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Đầu tư dự án phải phù hợp Quy hoạch

Quyết định cũng nêu rõ, việc đầu tư xây dựng dự án điện sinh khối phải phù hợp với Quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối và quy hoạch phát triển điện lực các cấp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các dự án điện sinh khối chưa có trong danh mục của quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được duyệt, chủ đầu tư chịu trách nhiệm lập Hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch, gửi Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Trong khi Quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối chưa được phê duyệt, việc đầu tư các dự án điện sinh khối cần được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo Quyết định, chủ đầu tư chỉ được phép khởi công xây dựng công trình điện sinh khối nối lưới, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 72 Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, còn phải có: Giấy chứng nhận đầu tư, văn bản chấp thuận mua điện của Bên mua điện; thỏa thuận đấu nối với Đơn vị phân phối hoặc Đơn vị truyền tải điện (đối với dự án điện sinh khối nối lưới); ý kiến về thiết kế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình.Quyết định cũng nêu rõ, việc đầu tư xây dựng dự án điện sinh khối phải phù hợp với Quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối và quy hoạch phát triển điện lực các cấp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các dự án điện sinh khối chưa có trong danh mục của quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được duyệt, chủ đầu tư chịu trách nhiệm lập Hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch, gửi Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Trong khi Quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối chưa được phê duyệt, việc đầu tư các dự án điện sinh khối cần được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo Quyết định, chủ đầu tư chỉ được phép khởi công xây dựng công trình điện sinh khối nối lưới, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 72 Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, còn phải có: Giấy chứng nhận đầu tư, văn bản chấp thuận mua điện của Bên mua điện; thỏa thuận đấu nối với Đơn vị phân phối hoặc Đơn vị truyền tải điện (đối với dự án điện sinh khối nối lưới); ý kiến về thiết kế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình.

 Nguồn: thiennhien.net