Quy định quản lý chất thải phóng xạ đã qua sử dụng

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 22/2014/TT-BKHCN quy định về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

Theo đó, chất thải phóng xạ phải được quản lý bảo đảm an toàn cho con người và môi trường kể từ khi phát sinh cho đến khi được phép thải bỏ như chất thải không nguy hại hoặc chôn cất hoặc tái chế đối với vật thể nhiễm bẩn phóng xạ là kim loại. Nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được quản lý bảo đảm an toàn cho con người và môi trường cho đến khi được chuyển trả cho nhà sản xuất, nhà cung cấp nước ngoài hoặc chôn cất.

Chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được quản lý chặt chẽ để bảo đảm không gây hại cho con người và môi trường cả ở hiện tại và tương lai, bảo đảm sao cho tổng liều bức xạ đối với nhân viên bức xạ và công chúng không vượt quá giá trị giới hạn liều quy định tại Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng…

Hiện chưa có phương pháp tối ưu nào cho việc xử lý rác thải phóng xạ (Ảnh: Taipei Times)

Điều kiện để có thể được phép thải trực tiếp vào môi trường

Thông tư cũng quy định, chất thải có chứa các nhân phóng xạ phát sinh trong một công việc bức xạ có thể được phép thải trực tiếp vào môi trường với điều kiện nồng độ hoạt độ phóng xạ trong chất thải không lớn hơn mức thanh lý hoặc tổng hoạt độ các nhân phóng xạ trong thành phần chất thải dạng khí, dạng lỏng không vượt quá mức hoạt độ phóng xạ cho phép để được thải vào môi trường do cơ quan quản lý nhà nước quy định và phải được cho phép theo giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

Vật thể nhiễm bẩn phóng xạ là kim loại sắt, đồng, chì, nhôm (sau đây gọi là kim loại nhiễm bẩn phóng xạ) và sản phẩm nấu chảy trực tiếp từ các kim loại này có thể được sử dụng cho tái chế nếu nồng độ hoạt độ các nhân phóng xạ có trong kim loại và mức nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt của kim loại nhỏ hơn hoặc bằng mức cho phép tái chế theo quy định.

Thông tư quy định, cấm bổ sung thêm các thành phần không chứa chất phóng xạ vào chất thải phóng xạ nhằm mục đích giảm nồng độ hoạt độ phóng xạ trong chất thải phóng xạ để đạt được tiêu chuẩn cho phép thải ra môi trường hoặc tiêu chuẩn cho phép tái chế.

Cơ sở lưu giữ chất thải phải được thiết kế đảm bảo an toàn

Cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ phải được thiết kế và vận hành bảo đảm các yêu cầu chung như sau: a) Bảo đảm để suất liều bức xạ, mức rò chất phóng xạ ra môi trường ở mức thấp nhất có thể; bảo đảm tổng liều bức xạ cá nhân đối với nhân viên bức xạ không vượt quá 3/10 giá trị giới hạn liều đối với nhân viên bức xạ và tổng liều bức xạ cá nhân đối với công chúng không vượt quá 3/10 giá trị giới hạn liều đối với công chúng quy định tại Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN; b) Áp dụng các biện pháp không để xảy ra sự cố trong quá trình hoạt động; c) Có quy trình vận hành cơ sở.

Thông tư cũng quy định, tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép và đang tiến hành các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng nhưng không đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Thông tư này, trong vòng 6 tháng kể từ ngày 01/11/2014 phải thực hiện các biện pháp khắc phục theo các yêu cầu của Thông tư này để được tiếp tục hoạt động.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014.

Theo Vân Trang/Chinhphu.vn

 

Xóa bỏ công nghệ lạc hậu để tiết kiệm năng lượng

Ngày 30/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo định hướng phát triển công nghiệp xi măng sắp tới, Việt Nam sẽ tập trung đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Mạnh tay” với những dự án XM không đạt yêu cầu

5 nhà máy XM nằm trong diện bị loại khỏi quy hoạch, bao gồm: Nhà máy XM Cao Dương, Chợ Mới, Việt Đức, Long Thọ và Ngân Sơn. Cùng với quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý hoãn triển khai 9 dự án gồm: Thanh Sơn, Tân Phú Xuân, Tân Tạo, Yến Mao, Sài Gòn Tân Kỳ, Phú Sơn, Mỹ Đức, Nam Đông, Minh Tâm.

Trước đó, vào tháng 7/2014 Bộ Xây dựng đã gửi đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc đưa ra khỏi quy hoạch phát triển công nghiệp XM một số dự án không bảo đảm tiến độ thi công, xây dựng. Cũng theo Bộ Xây dựng, hầu hết các dự án này đều là dự án lò quay có công suất nhỏ (dưới 2.500 tấn clanke/ngày), đến nay đã lạc hậu về các chỉ tiêu, như tiêu hao năng lượng cao và các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường không bảo đảm…

3a5dd627a_xi_mang_3.jpg

Nhiều dự án xi măng bị đưa ra khỏi quy hoạch vì không đạt yêu cầu

Theo ông Lê Văn Tới – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), đa số các dự án đều không đạt yêu cầu do chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, triển khai chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Quang Cung- Chủ tịch Hiệp hội XM Việt Nam – cho biết, những năm trước, Việt Nam thiếu XM nên các địa phương đã khuyến khích đầu tư, phát triển nhiều dự án XM. Hậu quả là tại thời điểm này có khá nhiều dây chuyền XM công nghệ cũ với công suất nhỏ chỉ khoảng 120.000 tấn/năm, không đủ năng lực cạnh tranh.

Tập trung công nghệ cao tăng chất và lượng

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp XM Việt Nam giai đoạn 2020- 2030, ngành XM sẽ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với công nghệ tiên tiến, sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tiết kiệm nhiên liệu và tiêu hao năng lượng thấp, bảo vệ môi trường. Trong đó, ưu tiên đầu tư các dự án XM ở phía Nam, các vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, có điều kiện phát triển công nghiệp, có điều kiện hạ tầng giao thông.

86d44b823_xi_mang.jpg

Công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và ô nhiễm môi trường sẽ dần được xóa bỏ

Ông Lê Văn Tới cũng khẳng định, trong quy hoạch đã có lộ trình từng bước xóa bỏ công nghệ lạc hậu, dự kiến đến năm 2015 không còn sản xuất XM lò đứng. Đối với các dự án đầu tư mới phải có công suất tối thiểu 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên. Chúng ta cần loại bỏ các dây chuyền sản xuất XM công suất thấp, đầu tư mở rộng các dự án có điều kiện về công nghệ, tài chính với công suất lớn, giảm chi phí sản xuất nâng cao chất lượng XM, đồng thời bảo đảm tốt vấn đề môi trường.

Để tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành XM, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có biện pháp giám sát việc thực hiện các dự án theo đúng tiến độ, chủ động xây dựng các giải pháp bảo đảm cân đối cung – cầu XM đáp ứng yêu cầu sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, hiệu quả.

Theo Xã luận

 

 

Tiết kiệm trong doanh nghiệp: Công nghệ có phải là giải pháp duy nhất?

Hiện nay, các doanh nghiệp có thể đầu tư thiết bị công nghệ cao tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đổi mới công nghệ. Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp vẫn có thể tiết kiệm năng lượng mà không quá lo về công nghệ?

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đầu tư đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng (TKNL) rất tốn kém. Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Có nhiều cách TKNL với các mức độ đầu tư khác nhau. Dựa vào tình hình thực tế của mình, doanh nghiệp có thể lựa chọn cách làm phù hợp mà vẫn đạt mục tiêu TKNL.

Ông Trần Quý Năng là kỹ sư điện, quản lý năng lượng ở Trung tâm Công nghệ quốc tế Hà Nội (HITC) cho biết, tại HITC, tất cả các thiết bị được lắp đặt và đưa vào vận hành đã gần 20 năm. So với các thiết bị mới ở thời điểm hiện nay thì thiết bị của HITC có hiệu quả sử dụng thấp hơn. Tuy nhiên, Trung tâm có cách làm riêng của mình như: Không thay đổi dây chuyền công nghệ; thực hành kiểm soát năng lượng; bảo dưỡng phòng ngừa hướng đến tiết kiệm năng lượng và vận hành linh hoạt theo tải… đã giúp HITC không mất vốn đầu tư công nghệ. Qua 5-6 năm thực hiện những giải pháp này, HITC đã giảm được 5% sản lượng điện tiêu thụ.

Theo ông Năng, cách đây 5 năm, HITC đã chuyển sang giải pháp, cải tiến một phần nhỏ của dây chuyền công nghệ. Kết quả là HITC tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Thời gian gần đây, HITC đã giảm được 14% chi phí năng lượng. “Khi có nhóm thiết bị, công nghệ nào đó của HITC hết khấu hao, chúng tôi sẽ có kế hoạch thay thế bằng thiết bị, công nghệ mới, có hiệu suất sử dụng năng lượng cao hơn” – Ông Năng cho biết.

7ba1db99d_cn.jpg

Theo Phó tổng GĐ Công ty CP Lương thực – Thực phẩm Colusa – Miliket, ông Nguyễn Anh Tuấn, để tháo gỡ các rào cản, giúp doanh nghiệp không còn phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ trong việc TKNL, doanh nghiệp cần theo dõi, tiếp cận các kỹ thuật mới, thường xuyên đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại tất cả các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, từ quản lý đến sản xuất – kinh doanh.

Một số chuyên gia đã đề xuất những biện pháp TKNL cụ thể, chẳng hạn: Giảm, loại trừ các nguyên nhân gây gia tăng phụ tải không cần thiết, thực hiện cải tiến một bộ phận thiết bị, giúp giám sát tiêu thụ năng lượng và vận hành linh hoạt theo tải thực tế, tổ chức bảo dưỡng phòng ngừa hướng đến TKNL. Chỉ thay đổi những thiết bị, bộ phận riêng lẻ trong dây chuyền công nghệ có hiệu suất sử dụng năng lượng thấp; Đầu tư hệ thống giám sát năng lượng (không tốn nhiều chi phí). Bổ sung thiết bị và phần mềm điều khiển giúp giảm tiêu hao năng lượng. Thực hành vận hành linh động thiết bị theo tải thực tế ở mọi thời điểm, bảo dưỡng thiết bị theo định kỳ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thọ, Phó tổng GĐ phụ trách kỹ thuật Công ty Viet ESCO: “ Năng lực tổ chức sản xuất kém sẽ không mang lại hiệu quả” Để cắt giảm chi phí năng lượng, cả 2 giải pháp quản lý và công nghệ đều phải được coi trọng. Nếu công nghệ có hiện đại mà năng lực quản lý và tổ chức sản xuất yếu cũng không mang lại hiệu quả cao được. Có thể nói, năng lực quản lý thường là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Đó chính là lý do dù máy móc, thiết bị của chúng ta hiện đại không thua kém các nước bạn, nhưng vẫn không thể cạnh tranh được về giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, muốn phát huy hiệu quả TKNL tối đa, bắt buộc doanh nghiệp phải đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất…

Ông Lưu Xuân Bá – Phó giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long: “Con người là yếu tố quan trọng”. Các doanh nghiệp nên nhận thức rõ, con người là yếu tố quan trọng nhất trong việc TKNL. Vì vậy, cần tổ chức các lớp đào tạo, tuyên truyền, giáo dục cho các cán bộ – công nhân viên, nhất là đội ngũ cán bộ kỹ thuật nhằm nâng cao ý thức về tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện.

Ông Trần Quý Năng, kỹ sư điện, quản lý năng lượng ở Trung tâm Công nghệ quốc tế Hà Nội (HITC): “Doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện tiết kiệm năng lượng mà không cần quá phụ thuộc vào công nghệ”. Các doanh nghiệp có thể tự chọn cách làm phù hợp với tình hình cụ thể, chính sách và mục tiêu năng lượng của mình như: Giảm, loại trừ các nguyên nhân gây gia tăng phụ tải không cần thiết, thực hiện cải tiến một bộ phận thiết bị, giúp giám sát tiêu thụ năng lượng và vận hành linh hoạt theo tải thực tế, tổ chức bảo dưỡng phòng ngừa hướng đến tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp có công nghệ không quá lạc hậu vẫn có thể cạnh tranh được trên thương trường, có thế cải tiến một phần nhỏ của dây chuyền công nghệ với cách làm như: Chỉ thay đổi những thiết bị, bộ phận riêng lẻ trong dây chuyền công nghệ có hiệu suất sử dụng năng lượng thấp; Đầu tư hệ thống giám sát năng lượng (không tốn nhiều chi phí). Bổ sung thiết bị và phần mềm điều khiển giúp giảm tiêu hao năng lượng. Thực hành vận hành linh động thiết bị theo tải thực tế ở mọi thời điểm, bảo dưỡng thiết bị theo định kỳ, hướng đến tiết kiệm năng lượng.

Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện

UNIDO tài trợ 53 triệu USD cho Việt Nam phát triển khu công nghiệp “xanh”

Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” do UNIDO tài trợ không hoàn lại với tổng mức tài trợ lên tới 53 triệu USD.

Ngày 28/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1526/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục Dự án do Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tài trợ.

Theo đó, phê duyệt danh mục Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” do UNIDO tài trợ không hoàn lại từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).

Mục tiêu của Dự án là tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước và phương thức quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam.

Ảnh minh họa: BizLIVE.vn

Ảnh minh họa: BizLIVE.vn

Kết quả chính của dự án được kiểm nghiệm thông qua các chính sách và quy định đáp ứng tiêu chí của KCN sinh thái trong các lĩnh vực:

Quy hoạch và quản lý KCN, quản lý ô nhiễm môi trường, ô nhiễm công nghiệp trong các KCN, trách nhiệm và các biện pháp hỗ trợ đầu tư của các bên liên quan đối với hoạt động đầu tư công nghiệp sạch và phát thải ít các bon của doanh nghiệp KCN.

Tăng cường năng lực về lập quy hoạch và quản lý KCN sinh thái cho các cơ quan quản lý KCN ở trung ương và địa phương.

Tăng cường năng lực kỹ thuật về chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch và phát thải ít các bon, phương thức sản xuất an toàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên cho các cơ quan quản lý nhà nước về KCN và doanh nghiệp trong KCN.

Triển khai thí điểm các dự án chuyển đổi thành KCN sinh thái; tăng cường nhận thức của cộng đồng về phát triển KCN sinh thái…

Dự án được thực hiện trong 36 tháng với tổng kinh phí thực hiện là hơn 53 triệu USD.

Theo Vũ Minh/BizLIVE.vn