EU nỗ lực hướng tới mục tiêu hạn chế sử dụng túi nilon

Nghị viện châu Âu (EP) ngày 16/4 đã thông qua một dự thảo quy định với mục tiêu cắt giảm lần lượt 50% và 80% lượng túi nilon được sử dụng vào năm 2017 và năm 2019.

Dự thảo này cho phép các quốc gia tự lựa chọn chiến lược phù hợp để tiến tới đạt mục tiêu nói trên, chẳng hạn như đánh thuế với các loại túi nhựa, túi nilon hay cấm sử dụng chúng.

Chỉ tính riêng tại EU, hàng trăm tỷ túi nilon được sử dụng mỗi năm và có khoảng 8 tỷ túi bị vứt trôi nổi trong các vùng biển của EU. Theo thông tin từ Ủy ban châu Âu (EC), ngay cả trong dạ dày của 94% các loài chim sống tại Biển Bắc cũng chứa túi nilon.

Ảnh minh họa: Telegraph.co.uk

 Ảnh minh họa: Telegraph.co.uk

Các tổ chức môi trường cho rằng việc túi nilon phế thải làm chết hàng triệu loài sinh vật biển mỗi năm đã và đang là một vấn đề nhức nhối tại châu Âu. Do vậy, các quốc gia EU nói riêng và toàn châu Âu nói chung cần chung tay góp sức để giải quyết “vấn nạn” này.

Tuy nhiên, trong khi các nhóm môi trường bày tỏ hoan nghênh thì nhiều đại diện đến từ các cơ sở sản xuất bao bì nilon lại phản đối quy định nói trên bởi cho rằng châu lục này cần nâng cao ý thức của người dân cũng như kiểm soát tốt hơn vấn đề rác thải, thay vì chỉ ban hành các quy định cấm mới.

Thậm chí, có ý kiến lo ngại việc trao cho các quốc gia quyền tự quyết – ban hành các quy định riêng đối với việc sử dụng túi nilon – sẽ gây bất lợi cho hoạt động tự do lưu thông hàng hóa trong EU.

Tuy nhiên, theo số liệu của EC, nhờ thực hiện biện pháp áp thuế túi nilon, Đan Mạch đã trở thành quốc gia sử dụng túi nilon thấp nhất EU với con số trung bình là 4 túi/người/năm.

Trong khi đó, tại các quốc gia hiện chưa áp dụng biện pháp nào, như Bồ Đào Nha, Ba Lan và Slovakia, con số này lên tới 466 túi/người/năm.

Dự thảo quy định này sẽ được các bộ trưởng EU thảo luận vào tháng 6 và sẽ chuyển lên để EP xem xét lại vào cuối năm nay.

Theo VietNamPlus

 

Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên để phát triển bền vững

Đó là một trong những nội dung quan trọng của “Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020” vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt.

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu; từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế các bon thấp, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực…

Trong các chỉ tiêu giám sát và đánh giá phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 có những chỉ số quan trọng như: Chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số bền vững môi trường (ESI), tỷ lệ che phủ rừng,..

Việt Nam sẽ xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đảm bảo phát triển nền kinh tế theo hướng các bon thấp. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Bên cạnh đó, Việt Nam ưu tiên thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để nâng dần tỷ trọng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam. Xây dựng hệ thống hạch toán kinh tế môi trường và đưa thêm môi trường và các khía cạnh xã hội vào khuôn khổ hạch toán tài khoản quốc gia (SNA).

Về công nghiệp, Việt Nam chú trọng phát triển bền vững công nghiệp với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm công nghiệp, xây dựng nền “công nghiệp xanh”, ưu tiên phát triển các ngành, các công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, đẩy mạnh phát triển công nghệ cao tại các đô thị lớn. Từng bước phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Về tài nguyên môi trường, Việt Nam tập trung chống thoái hóa, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất; bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển; bảo vệ và phát triển rừng;…

Theo Chinhphu.vn

Kiểm toán sẽ soi kỹ những bức xúc trong ngành môi trường

Vấn đề khai thác tài nguyên khoáng sản, vệ sinh nguồn nước và an toàn vệ sinh thực phẩm là ba chủ đề bức xúc của ngành môi trường mà ngành kiểm toán khẳng định sẽ tập trung đánh giá trong thời gian tới.

Đưa ra kế hoạch này trong hội thảo quốc tế về kiểm toán môi trường vừa được tổ chức ngày hôm nay (15/4), ông Nguyễn Hữu Vạn, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết thêm, đây là những chủ đề dài hơi mà ngành kiểm toán đã ngắm tới từ nay tới năm 2020.

Một khu công nghiệp ở Long An xả khói gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: Dương Văn Thọ/ThienNhien.Net)

 Một khu công nghiệp ở Long An xả khói gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: Dương Văn Thọ/ThienNhien.Net)

Theo đó, ngành kiểm toán sẽ tập trung vào việc đánh giá những tác động của việc khai thác khoáng sản hiện tại tới môi trường trong nước. Ngoài ra, một chủ đề khác được đại diện Kiểm toán Nhà nước nhắc tới là những dự án nguồn nước sạch, đặc biệt là những chương trình nước sạch ở nông thôn.

Đây là vấn đề đã được Kiểm toán Nhà nước phối hợp với 5 nước thuộc ASEAN trong cuộc kiểm toán về các vấn đề nước sông Mekong hay cuộc kiểm toán chuyên đề về Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh An Giang đã được thực hiện trước đó.

Tuy nhiên, ông Vạn khẳng định, vấn đề nước sạch vẫn sẽ được tập trung trong thời gian tới và thậm chí sẽ được làm rộng hơn để có đánh giá cụ thể về vấn đề được dư luận rất quan tâm này.

Đặc biệt, một trong những điểm đáng chú ý trong kế hoạch sắp tới được ông Nguyễn Hữu Vạn nhắc tới là việc ngành kiểm toán sẽ tập trung mảng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, thực tế, những vấn đề kiểm toán trên đều khá mới và đội ngũ cán bộ kiểm toán vẫn thiếu và chưa có kinh nghiệm trong một số lĩnh vực chuyên sâu về môi trường . Bởi vậy, ông Vạn cho hay, phía Kiểm toán Nhà nước vẫn chưa lên kế hoạch về số lượng cụ thể những cuộc kiểm toán môi trường trong những năm tới.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Vạn cho biết, ngoài việc kiểm toán qua báo cáo tài chính, phía cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh loại hình kiểm toán hoạt động trong những chủ đề trên. Điều này theo Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ đánh giá được đầy đủ hơn về tính hiệu quả, kinh tế trong những dự án, hoạt động ngành môi trường.

Ngoài ra, đại diện Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định, phía kiểm toán sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chú trọng tới đào tạo kiểm toán viên chuyên sâu về một số lĩnh vực, trong đó có môi trường.

Theo Xuân Dũng/VietNamPlus

Tập huấn triển khai nhóm Sống xanh-Tiêu dùng bền vững tại Đà Nẵng

Dưới áp lực của tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên của trái đất, tạo ra sản phẩm bền vững là một xu hướng mới cho các nhà sản xuất toàn cầu trong đó có Việt Nam nhằm bảo vệ trái đất và các tài nguyên của chúng ta.

GetGreen Vietnam - 360-1030

Với mục tiêu xây dựng 50 nhóm mục tiêu với trên 1000 người tiêu dùng Việt Nam được đào tạo, họ sẽ là Nhân tố của sự chuyển đổi theo hướng tiêu dùng bền vững,trong 2 ngày 12 và 13/4/2014, được sự hỗ trợ dự án “Sống xanh Việt Nam” (GetGreen Vietnam), Hội LHPN thành phố đã triển khai thành lập 2 nhóm Sống xanh cộng đồng tại 2 phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê và phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.

Hai nhóm tiêu dùng này sẽ sinh hoạt với 2 chủ đề được các Nhóm lựa chọn trong 10 chủ đề (rác thải sinh hoạt, trạm tái chế tại nhà, 3R tại văn phòng, đi siêu thị, tiết kiệm năng lượng, giao thông thông minh, nhà bếp tương lai, là 1 “tá điền” thành thị, nhà tắm tương lai, hướng tới văn phòng xanh). Thời gian sinh hoạt của 2 nhóm từ tháng 4-6/2014 với 2 tuần sinh hoạt 1 lần (gồm 6 buổi trong đó có 2 buổi tham quan thực tế).

Thành viên tham gia Nhóm Sống xanh hay còn gọi là “hạt nhân thay đổi”, ngoài việc thay đổi chính bản thân, họ sẽ tạo ảnh hưởng đến những người xung quanh, giúp thay đổi thông qua việc áp dụng thực tế, truyền cảm hứng hay chia sẻ thông điệp của tiêu dùng bền vững trong môi trường sống và làm việc của mình./.

Theo phunudanang.org.vn

Hiện tượng “Mặt Trăng máu” xuất hiện trong ngày hôm nay

Những người yêu thiên văn ở Australia đang rất trông đợi một hiện tượng kỳ thú sẽ diễn ra vào ngày hôm nay 15/4: sự xuất hiện của “Mặt trăng máu.” Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào đường chân trời phía Đông để quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần này khi mặt trời lặn.

Cung thiên văn Melbourne cho biết nguyệt thực sẽ xuất hiện toàn phần lúc 17 giờ 49 và duy trì trạng thái này đến trước 18 giờ 25, sau đó sẽ kết thúc lúc 19 giờ 3.

Do Cục khí tượng dự đoán sẽ có mưa rào rải rác và nhiều mây ở Brisbane và Sydney, Melbourne trở thành một trong những nơi có thể quan sát hiện tượng này thuận lợi nhất.

Ảnh: guardianlv.com

Người phát ngôn của Hội thiên văn ở Victoria, ông Perry Vlahos cho biết, Mặt Trăng sẽ bị che khuất bởi bóng của Trái Đất khiến cho ánh mặt trời không thể trực tiếp chiếu vào nó.

Hiện tượng này gọi là nguyệt thực, và đôi lúc khiến cho Mặt trăng có những màu sắc lạ từ vàng xám đục tới màu khói, da cam và đỏ. Những màu sắc này là do tro bụi núi lửa trong khí quyển gây ra. Lượng tro bụi từ các vụ phun trào gần đây càng nhiều, màu sắc của Mặt trăng càng đậm.

“Mặt Trăng sẽ có màu gì tùy thuộc vào lượng bụi trong khí quyển. Tôi không nói chắc được màu sắc của nó nhưng nếu màu càng đậm thì càng tốt. Nơi tốt nhất để quan sát hiện tượng này là một bãi biển hướng về phía đông, hoặc bất cứ nơi nào có tầm nhìn thoáng đãng về phía chân trời.”

Ông Vlahos cho biết thêm rằng, mặc dù nguyệt thực toàn phần là hiện tượng phổ biến nhưng hiện tượng sẽ xảy ra ngày mai rất hiếm gặp vì Mặt Trăng sẽ hoàn toàn bị bóng của Trái Đất che khuất khi nó mọc lên vào đúng lúc hoàng hôn.

Hiện tượng thiên văn kỳ thú này cũng đã khiến nhiều nhóm tôn giáo tin rằng đây là dấu hiệu của ngày tận thế. Nhưng với các nhà khoa học, các học giả, những người vô thần và nhiều người khác, đây chỉ là một hiện tượng đáng được mong đợi, và cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục mà không bị ảnh hưởng gì.

Cũng giống như lời tiên đoán về ngày tận thế 22/12 của người Maya, đã gần 2 năm trôi qua kể từ đó đến nay Trái Đất vẫn chưa bị hủy diệt bởi bất cứ tai họa nào.

Theo Mai Nguyễn/VietNamPlus

Liên hợp quốc kêu gọi ngăn tình trạng Trái Đất nóng lên

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 13/4 đã ra tuyên bố hoan nghênh những kết luận được đưa ra trong Bản báo cáo mới nhất của nhóm các chuyên gia liên chính phủ, liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái Đất.

Tuyên bố của ông Ban Ki-moon nêu rõ tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (tên gọi chung của một số loại khí trong thành phần khí quyển gồm hơi nước (H20), điôxít cácbon (CO2), oxítnitơ (N20), mêtan (CH4) và chlorofluorocacbon (CFC)… trong tầng thấp của khí quyển, khoảng 25km từ mặt đất đến tầng đối lưu) tiếp tục tăng rất nhanh trong những năm vừa qua, làm cho nhiệt độ Trái Đất không ngừng tăng lên, gây hiện tượng biến đổi khí hậu ngày một trầm trọng hơn.

Theo tính toán của các nhà khoa học, trong thập niên vừa qua, mật độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã tăng tới mức chóng mặt, nhanh hơn mức trung bình của ba thập kỷ trước đó. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do việc sử dụng quá mức nguồn năng lượng hóa thạch để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế và cuộc sống của con người do sự gia tăng dân số trên thế giới.

Ông Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới và tất cả mọi người đang sinh sống trên Trái Đất cùng lắng nghe những lời cảnh báo của giới chuyên gia và các nhà khoa học, sớm có ngay những biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng Trái Đất đang tiếp tục nóng lên, mà theo tính toán, đã tăng thêm 2 độ C trong thời gian vừa qua.

Ông hoan nghênh khuyến cáo của các nhà khoa học, được nêu trong bản báo cáo trên, cho rằng mỗi một hành động được thông qua kịp thời vào lúc này nhằm giảm bớt sự gia tăng của khí thải nhà kính, sẽ tránh cho loài người phải trả giá đắt hơn về môi trường sống trong tương lai.

Ảnh minh họa: Technorati.com

Nhóm các chuyên gia liên chính phủ xác nhận để giữ được nhiệt độ trung bình trên Trái Đất như hiện nay vào giữa thập kỷ này, con người phải giảm được từ 40% đến 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 2010.

Theo các nhà khoa học, hiện có nhiều khả năng và biện pháp để thực hiện được mục tiêu này, trước hết, phải áp dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến và những tiến bộ khoa học vào các ngành sản xuất trên cơ sở giảm bớt tối thiểu việc sử dụng năng lượng hóa thạch, nhưng vẫn bảo đảm phát triển kinh tế phục vụ lợi ích con người.

Nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã nhắc lại lời mời các nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo các chính phủ là thành viên của Liên hợp quốc dự Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu Trái Đất, dự kiến sẽ tổ chức vào cuối tháng 10 năm nay tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, My.

Ông hy vọng những người tham dự diễn đàn này sẽ thể hiện quyết tâm cao nhất, có những đóng góp tích cực nhất để đến năm 2015 sẽ cùng nhau ký một Hiệp định mang tính pháp lý toàn cầu về khí hậu Trái Đất.

Theo VietNamPlus