VNCPC tham gia chuỗi hội thảo Công bố kết quả hỗ trợ kỹ thuật về KCNST
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng Ban quản lý các Khu công nghiệp thuộc thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ và tỉnh Ninh Bình tổ chức chuỗi hội thảo Công bố kết quả hỗ trợ kỹ thuật về Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) cho doanh nghiệp và cộng đồng, tại mỗi tỉnh, thành phố.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ban, ngành và các doanh nghiệp tham gia dự án tại 3 địa phương. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Triển khai sáng kiến Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”. Tại hội thảo, VNCPC đại diện đơn vị tư vấn đã báo cáo các kết quả hỗ trợ doanh nghiệp tham gia dự án sau gần 4 năm thực hiện.
Đại diện Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) báo cáo các kết quả hỗ trợ doanh nghiệp tham gia dự án sau gần 4 năm thực hiện.
Theo đó, dự án đã đạt được kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức về KCNST, thúc đẩy các doanh nghiệp trong các KCN đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng các giải pháp sử dụng Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, đặc biệt là vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả hơn… Trên cơ sở các kết quả tích cực của sáng kiến KCNST, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, ngày 22/5/2018 quy định về quản lý KCN và KKT, trong đó nêu rõ khái niệm, tiêu chí KCNST và phân công trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc hướng dẫn phát triển KCNST.
Đại diện của Ban quản lý KCN đã đánh giá cao những hỗ trợ của dự án.
Đại diện của Ban quản lý KCN đã đánh giá cao những hỗ trợ của dự án và khẳng định những giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) đã được hầu hết các doanh nghiệp thực hiện, mang lại nhiều lợi ích về sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên (điện, nước, nhiên liệu, nguyên liệu, hóa chất), giúp tăng lợi ích kinh tế và giảm phát thải ra môi trường, cũng như cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân.
Cụ thể, tại Ninh Bình, trong số 15 doanh nghiệp tham gia dự án, có 13 doanh nghiệp đã áp dụng và duy trì 185 trên tổng số 213 giải pháp RECP (chiếm 86,9%). Trong đó, các giải pháp liên quan đến tiết kiệm điện chiếm tới 50,2%, tiếp đó là các giải pháp về tiết kiệm nước, nhiên liệu, nguyên liệu, hóa chất, giảm thiểu tác động môi trường.
Chuỗi hội thảo đã thu hút được sự tham gia của BQL các khu công nghiệp và đông đảo các doanh nghiệp.
Kể từ cuối năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp tại Ninh Bình đã đầu tư thêm 5,56 tỷ đồng cho các giải pháp RECP, từ đó, giúp tiết kiệm khoảng 5.400 MWh điện; 11.715 m3 nước; 42 tấn LPG và 3.982 tấn than và 507 tấn củi, với tổng lợi ích về kinh tế khoảng 25 tỷ đồng…
Tại Đà Nẵng, 15 doanh nghiệp trong tổng số 25 doanh nghiệp tham gia dự án đã duy trì thực hiện 182 trên tổng số 208 các giải pháp RECP. Tính từ cuối năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp đã đầu tư thêm 15,5 tỷ đồng cho các giải pháp RECP và đã tiết kiệm khoảng 4.555 MWh điện; 188.800 m3 nước; 2.108 tấn hóa chất; 3 tấn LPG và 1.288 tấn củi, với tổng lợi ích về kinh tế khoảng 13,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn giảm đáng kể lượng nước thải, CO2, chất thải rắn và các hợp chất phát thải nguy hiểm vào môi trường…
Tương tự, tại Cần Thơ, 26 doanh nghiệp đã đầu tư thêm số vốn là 17 tỷ đồng cho việc thực hiện và duy trì các giải pháp RECP từ cuối năm 2017 đến nay và lợi ích kinh tế thu về là khoảng 33,5 tỷ đồng, nhờ việc tiết kiệm đáng kể điện, nước, cũng như giảm phát thải…
VNCPC