Vì sao virus corona có thể “qua mặt” hệ miễn dịch con người mà không bị phát hiện?

Các nhà khoa học tại Đại học Southampton (Anh) vừa tiết lộ thông tin về cơ chế giúp virus corona dễ dàng “qua mặt” hệ miễn dịch trong cơ thể người.

Giáo sư Max Crispin, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, mô hình 3D mới được nhóm này phác họa cho thấy rõ, virus corona chủng mới (Sars-CoV-2) có nhiều gai nhô ra từ bề mặt để bám vào và tấn công tế bào.

Đây là mô hình đầu tiên cho thấy các gai của Sars-Cov-2 được phủ một lớp phân tử đường gọi là glycan, giúp che giấu protein của virus khi chúng xâm nhập vào cơ thể. “Bằng cách bao phủ lớp đường, những virus kiểu này giống như sói đội lốt cừu”, giáo sư Crispin cho biết.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, trong trường hợp của virus HIV, virus này tồn tại quanh một vật chủ, phải thường xuyên lẩn trốn hệ miễn dịch và có lớp phủ glycan thực sự dày đóng vai trò như lá chắn hệ miễn dịch. Nhưng trong trường hợp của virus corona chủng mới, virus này có khả năng che chắn kém hơn.

Lớp đường bám vào virus corona cho thấy đây là kiểu virus chuyên “tấn công và bỏ chạy” thường chuyển từ người này sang người khác. Tuy nhiên, mật độ glycan thấp hơn có nghĩa hệ miễn dịch phải đối mặt với ít chướng ngại hơn để vô hiệu hóa virus bằng kháng thể. Đây là tín hiệu đáng khích lệ đối với quá trình phát triển vaccine.


Mô hình gai protein của virus corona chủng mới. Ảnh: Đại học Southampton

Trước đó, giới khoa học thế giới cũng đã tiết lộ những điểm then chốt về khả năng sinh tồn của virus corona chủng mới và lý do về việc loại virus này khó bị tiêu diệt. Các nhà khoa học cho biết, một loại virus có thể trải qua hàng tỷ năm hoàn thiện khả năng sinh tồn mà không cần dấu hiệu của sự sống như trao đổi chất, chuyển động và sinh sản. Đây chính là một trong những lý do biến chúng thành mối đe dọa tiềm ẩn đối với thế giới ngày nay.

Điều này đặc biệt đúng với Sars-CoV-2 hay nCov bởi dù chỉ gồm vật liệu di truyền bao quanh lớp vỏ đầy gai protein có bề rộng bằng 1/1.000 lông mi nhưng sự tồn tại của loài virus này đơn giản tới mức hầu như không thể coi nó là tổ chức sống.

Ngay khi tiến vào đường hô hấp của con người, virus điều khiển tế bào tạo ra hàng triệu bản sao của chính nó. Khả năng đặc biệt của Sars-Cov-2 là dễ dàng xâm nhập vào cơ thể người mà nạn nhân không hề biết. Trước cả khi vật chủ đầu tiên phát triển triệu chứng, nó đã phát tán bản sao đi khắp nơi và chuyển sang nạn nhân tiếp theo. Virus này gây chết người ở một số ca nhưng lại diễn biến nhẹ ở nguời bệnh khác, khiến cách ly trở nên không hoàn toàn hiệu quả. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có cách nào để ngăn chặn virus corona một cách hiệu quả.

Một đặc điểm khó lường khác của virus corona chủng mới là các triệu chứng bệnh ít bộc lộ rõ hơn SARS, có nghĩa mọi người thường truyền virus sang người khác trước khi biết họ nhiễm bệnh. Những virus giống Sars-CoV-2 từng đứng sau nhiều dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề nhất trong 100 năm qua như dịch cúm năm 1918, 1957 và 1968, SARS, MERS và Ebola. Tất cả những dịch bệnh này đều truyền từ động vật sang người và mã hóa vật liệu di truyền ở ARN.

Trong số virus ARN, virus corona, đặt theo hình dáng giống vương miện của các gai protein, có kích thước đặc biệt và tương đối phức tạp. Chúng lớn gấp ba lần virus gây bệnh sốt xuất huyết, sốt Tây sông Nile và Zika, có thể sản xuất thêm protein để tăng cường tỷ lệ sống sót thành công.

Bảo Lâm (Theo Independent)
http://vietq.vn/vi-sao-virus-corona-co-the-qua-mat-he-mien-dich-con-nguoi-ma-khong-bi-phat-hien-d172418.ht