Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu – Cơ hội mới cho các doanh nghiệp

Chiều ngày 15/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo online giới thiệu dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN Sinh thái toàn cầu”.

Đây là dự án do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ và được Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai tại các nước đang phát triển và chuyển đổi.

Dự án gắn kết với mục tiêu của Chương trình KCN sinh thái toàn cầu (GEIPP), thể hiện sự khả thi và lợi ích của các phương pháp tiếp cận KCN sinh thái trong cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội tại các doanh nghiệp, từ đó góp phần vào sự phát triển công nghiệp bền vững và toàn diện ở Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức online những đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều các doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) phối hợp với UNIDO thực hiện trong thời gian từ năm 2020 – 2023. Đối tượng thụ hưởng chính của dự án bao gồm: KCN Amata (Đồng Nai), KCN Đình Vũ (Deep C- Hải Phòng), KCN Hiệp Phước (Tp.HCM). Ngoài ra, dự án còn tiếp tục hỗ trợ phát triển các cơ hội cộng sinh công nghiệp (CSCN) ở cấp độ doanh nghiệp và KCN đã được xác định từ pha trước của dự án.

Để triển khai dự án, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC – thuộc BK Holdings – Đại học Bách Khoa Hà Nội) và Sofies (Thụy Sỹ) là đơn vị đã được lựa chọn để thực hiện gói thầu “Cung cấp các dịch vụ để xác định các cơ hội hiệu quả tài nguyên, CSCN và cung cấp các khóa đào tạo liên quan tại các KCN Deep C và Amata. Kinh nghiệm thực hiện tại các KCN này sẽ là mô hình mẫu để nhân rộng và phát triển mô hình KCN sinh thái trên cả nước.

Doanh nghiệp được hưởng lợi gì khi tham gia dự án?

Theo bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý các KKT, Bộ KH&ĐT, Phó Giám đốc dự án: Trong quá trình phát triển các KCN không tránh khỏi các tác động tới môi trường.

Tán đồng với ý kiến trên, ông Đinh Mạnh Thắng – chuyên gia cao cấp về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn của VNCPC cho biết: Theo tính toán phải cần đến 2 trái đất mới có thể đáp ứng các nhu cầu hiện nay của hơn 7 tỷ người. Do đó việc phát triển KCN sinh thái là yêu cầu tất yếu để phát triển kinh tế ít phụ thuộc vào tài nguyên, từ đó làm giảm áp lực đối với môi trường…

Còn theo ông Nguyễn Xuân Tình – Công ty TNHH Tư vấn Thương mại Sen 26 hiện nay đang có rất nhiều cơ chế tài chính cho các hoạt động sản xuất sạch hơn và CSCN từ các ngân hàng trong nước như: BIDV, Agribank, Vietcombank, Sacombank… thông qua các khoản vay và bảo lãnh tính dụng. Ngoài ra, còn có các cơ chế tài chính từ các ngân hàng/tổ chức nước ngoài cùng các chương trình hỗ trợ về nâng cao năng lực và kỹ thuật do các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện.

Về phía đơn vị tư vấn, ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc VNCPC cho biết: Dự án sẽ tập trung vào đào tạo tập huấn về hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), CSCN và kiến thức về KCN sinh thái; Đánh giá nhanh về RECP và hướng dẫn xác định các lãng phí trong quá trình sản xuất, cơ hội cải thiện để tối ưu lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, nước..; Đánh giá tính khả thi và xây dựng các giải pháp CSCN hướng tới mô hình KCN sinh thái; Hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài chính để thực hiện các giải pháp CSCN.

Tới đây, vào ngày 27-28/7, VNCPC và tổ chức chương trình tập huấn 2 ngày nhằm nâng cao năng lực về RECP và CSCN cho các doanh nghiệp tại KCN Deep C (Hải Phòng). Tuy nhiên, các doanh nghiệp quan tâm vẫn có thể đăng ký tham gia.

VNCPC