Tìm hiểu về Chứng chỉ Năng lượng Tái tạo (P1)

Chứng chỉ Năng lượng tái tạo (REC – Renewable Energy Certificate) là một loại chứng chỉ thuộc nhóm Chứng chỉ Năng lượng (Energy Attribute Certificate – EAC), có chức năng xác nhận lượng điện được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo.

REC đóng vai trò là công cụ theo dõi các đặc điểm tái tạo của điện năng, từ giai đoạn sản xuất đến tiêu thụ. Mỗi REC đại diện cho 1 MWh điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy điện và điện sinh khối.

Các loại Chứng chỉ REC

Chứng chỉ I-REC (International Renewable Energy Certificate) là một chứng chỉ xác nhận rằng một đơn vị năng lượng đã được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo. Chúng được sử dụng để chứng minh rằng một công ty hoặc tổ chức đang sử dụng năng lượng tái tạo.

Chứng chỉ I-REC được chứng nhận bởi Tổ chức Chứng nhận Năng lượng Tái tạo Quốc tế (I-REC Standard). I-REC Standard là một bộ tiêu chuẩn quốc tế quy định việc phát hành, giao dịch và sử dụng chứng chỉ I-REC.

I-REC được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia và khu vực bao gồm Bắc Mỹ, châu Phi, châu Mỹ Latinh, châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay, hơn 95% REC giao dịch quốc tế là I-REC.

Chứng chỉ đảm bảo nguồn gốc năng lượng GO (Guarantee of Origin) được sử dụng tại thị trường năng lượng Liên minh châu Âu.

Chứng chỉ TIGR (Tradable Instrument for Global Renewables) cũng là một loại Chứng chỉ năng lượng tái tạo tương tự I-REC. TIGR chiếm khoảng 2% khối lượng REC quốc tế. Tính đến năm 2023, TIGR được sử dụng phổ biến ở 12 quốc gia gồm Bangladesh, Trung Quốc, Guatemala, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Lợi ích khi sở hữu Chứng chỉ REC

Chứng minh việc sử dụng năng lượng tái tạo: Trên thực tế, các nguồn điện sau khi phát lên hệ thống điện và được truyền tải, phân phối đến các hộ tiêu thụ, hộ tiêu thụ không thể biết điện năng họ đang tiêu thụ đến từ nhà máy điện nào. Để áp dụng các cơ chế đặc biệt hỗ trợ các nguồn điện năng nhất định mà cụ thể là nguồn điện năng lượng tái tạo, cần phải giải quyết hai vấn đề: Nhận diện một cách chính xác sản lượng điện năng đó khi sản xuất và khi tiêu thụ. Vì lý do này, các nhà máy năng lượng tái tạo sẽ được cấp Chứng chỉ REC cho mỗi MWh điện tạo ra.

Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng năng lượng tái tạo: Chứng chỉ này có thể dùng cho mục đích tự nguyện hoặc tuân thủ quy định. Trong thị trường tự nguyện, các bên tự chọn tiêu thụ điện sạch thường tuân theo các hướng dẫn tốt nhất từ các khuôn khổ báo cáo bền vững. Còn trong thị trường tuân thủ, Chính phủ yêu cầu các thực thể sử dụng điện từ năng lượng tái tạo như Tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo và các đơn vị/tổ chức sử dụng REC để đáp ứng yêu cầu này.

Lợi ích tài chính: Doanh nghiệp có thể nhận được các ưu đãi của chính phủ như ưu đãi thuế và tăng thêm doanh thu từ việc bán chứng chỉ.

Lợi thế thị trường: Sở hữu Chứng chỉ REC còn giúp doanh nghiệp cải thiện uy tín, thương hiệu và tăng khả năng cạnh tranh.

Như vậy, việc sở hữu Chứng chỉ REC sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo góp phần giảm khí thải nhà kính. Việc sở hữu REC và tham gia vào thị trường REC quốc tế cũng rất quan trọng với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đa quốc gia và các công ty hướng tới mục tiêu ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp).

VNCPC