Thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất xanh để bảo vệ môi trường

“Cùng với sự gia tăng dân số và sự gia tăng về tiêu dùng của xã hội, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang đứng trước những thách thức to lớn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Vì vậy, việc triển khai và áp dụng các chính sách mua sắm xanh ở Việt Nam nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững là một nhu cầu bức thiết”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – Bùi Cách Tuyến đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo “Khởi động Dự án thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất sản phẩm xanh thông qua mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái “(SPPEL) – hợp phần Việt Nam, do Tổng cục Môi trường phối hợp với Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức ngày 18/2, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Minh Cường – Tổng cục Môi trường cho biết: “Dự án SPPEL sẽ được thực hiện trong 3 năm (2014-2016) tại Hà Nội và một số tỉnh/thành phố của Việt Nam. Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ các cơ quan chính phủ có thẩm quyền tại Việt Nam xây dựng năng lực và kỹ thuật về xây dựng các chính sách thúc đẩy tiêu dùng (SPP) và sản xuất sản phẩm xanh (NST). Ngoài ra dự án còn hỗ trợ Việt Nam thực thi các chính sách về SPP & NST nhằm đạt hiệu quả cao nhất của việc sử dụng hai công cụ này; tạo ra diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, các khu vực tư nhân về xây dựng chính sách nhằm đảm bảo lồng ghép SPP & NST trong quá trình ra quyết định. Nguồn kinh phí để thực hiện dự án sẽ  từ nguồn vốn ODA là 248.691 USD, vốn đối ứng là 15.000 USD (bao gồm cả tiền mặt và hiện vật)”.

Dự án sẽ được chia làm 4 hợp phần: Sắp xếp tổ chức thực hiện dự án; Đánh giá thực hiện SPP; Lập kế hoạch xây dựng và thông qua nhóm hành động ưu tiên về SPP và NST được xây dựng và lồng ghép Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu thụ bền vững; Triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động quốc gia về SPP. Các hợp phần này được thực hiện dưới sự quản lý của Ban điều phối chung giữa UNEP và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đánh giá về sự cần thiết của việc thực hiện dự án SPPEL, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, tham gia dự án Việt Nam sẽ có được các quyền như: Năng lực cán bộ về xây dựng chính sách mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái của các Bộ: Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Công Thương được tăng cường. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân (doanh nghiệp) cũng được tiếp nhận tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia UNEP và Việt Nam thông qua các hội thảo nâng cao nhận thức về xây dựng chính sách về mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái.

Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và các văn bản pháp quy khác đều có những quy định khuyến khích áp dụng sản xuất và tiêu thụ bền vững. “Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh” được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngày 25/9/2012 tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg đã nêu rõ: Một trong những giải pháp nhằm đảm bảo tăng trưởng xanh là thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh, trong đó những nhiệm vụ cần triển khai bao gồm ban hành quy chế chi tiêu công xanh, chi đầu tư và chi thường xuyên của ngân sách nhà nước phải ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng hóa dãn nhãn sinh thái, hàng hóa có khả năng tái chế; thúc đẩy dán nhãn sinh thái và phổ biến các thông tin sản phẩm thân thiện môi trường đến toàn xã hội; xây dựng lộ trình từ nay đến 2020 áp dụng mua sắm xanh.

Để triển khai thực hiện tốt Hợp phần dự án SPPEL tại Việt Nam, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan đầu mối của Việt Nam sẽ tham gia vào quá trình xây dựng, thực hiện các hoạt động của dự án, bao gồm: Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Bộ Tài chính. Bộ Tài Nguyên Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa lý, môi trường, khí tượng thuỷ văn, đo đạc, lập bản đồ, biển và hải đảo. Tổng cục Môi trường chịu trách nhiệm thực hiện, triển khai Chương trình Nhãn xanh Việt Nam và phối hợp với các đơn vị nòng cốt là Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Bộ Tài chính./.

Theo ven.vn