Thị trường cá tra EU – Phần I: Tiềm năng thị trường cá tra sản xuất bền vững tại EU

Các nhà bán lẻ cho biết, cả giới bán lẻ và khách hàng đều chấp nhận chi thêm tiền cho chất lượng sản phẩm chứ không phải cho các chứng nhận. Điều này không có nghĩa là chứng nhận không có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro hay xây dựng uy tín thương hiệu, mà cần phải tìm hiểu các hoạt động sản xuất có trách nhiệm tại trại nuôi và nhà máy chế biến đóng góp thế nào vào quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tháng 9/2013, “Dự án Xây dựng chuỗi cung ứng cá Tra bền vững tại Việt Nam” (SUPA) đã hoàn thành báo cáo “Tiềm năng thị trường cá tra sản xuất bền vững tại EU” do chuyên gia tư vấn Carson Roper và WWF Áo thực hiện. Báo cáo khái quát tình hình và đưa ra các khuyến nghị đối với cá tra Việt Nam XK sang EU. Đây hiện là những phân tích mới nhất về sản phẩm cá tra tại thị trường này. Báo cáo có 8 phần và hàng tuần Bản tin Thương mại Thủy sản sẽ đăng tải từng phần của Báo cáo này.

Tại phần I, SUPA – dự án do Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) chủ trì và hợp tác với VASEP, WWF-Việt Nam và WWF- Áo, phân tích thị trường dựa trên 3 mục tiêu chính: tìm hiểu sự nhận thức của thị trường EU về ngành cá tra của Việt Nam; tiến hành phân tích các đối tượng thị trường chính và xu hướng thị trường EU; khuyến nghị cho việc cải thiện hình ảnh của cá tra Việt Nam nhằm tăng khối lượng XK và giá cá tra tại Châu Âu.

Hình ảnh của cá tra tại EU

Hình ảnh của cá tra tại thị trường bán lẻ EU bị ảnh hưởng bởi những báo cáo truyền thông tiêu cực và các chiến dịch do các nhóm có cạnh tranh về lợi ích với cá tra tại từng thị trường NK thực hiện. Theo đó, ngành cá tra Việt Nam bị coi là một ngành sản xuất ồ ạt và có những tác động tiêu cực.

Thị trường EU, các đối tượng chính và xu hướng

Tốp 25 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới năm 2012

1 Walmart Mỹ
2 Carrefour Group Pháp
3 Tesco Anh
4 Metro Group Đức
5 Schwartz Group Đức
6 Kroger Co. Mỹ
7 Costco Mỹ
8 Aldi Đức
9 Target Corp. Mỹ
10 Rewa Group Đức
11 Edeka Đức
12 Auchan Pháp
13 Aeon Nhật Bản
14 Woolworths Úc
15 Seven & I Nhật Bản
16 Coles Group Pháp
17 Casino Group Pháp
18 (ITM) Intermarché Pháp
19 E. Leclerc Pháp
20 Safeway Mỹ
21 Ahold Hà Lan
22 Supervalu Mỹ
23 J Sainsbury’s Anh
24 Loblaw Co. Canada
25 Delhaize

Bỉ

Dân số Châu Âu được dự đoán tăng từ 501 triệu người năm 2010 lên hơn 522,3 triệu vào năm 2030 với tiêu thụ cá bình quân đầu người tăng từ 22 kg lên 24 kg. Trong khi đó, khu vực này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn NK để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và sẽ còn tiếp tục phụ thuộc trong tương lai.

Thị trường bán lẻ EU là một khối thị trường trong đó 25 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới chiếm tỷ trọng rất lớn.

Các thị trường chính tiêu thụ cá tra tại EU lần lượt là: Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức và Anh. Thông qua Kế hoạch chiến lược CSR và chính sách thu mua thủy sản, các nhà bán lẻ EU thực hiện các chương trình kiểm soát và giới hạn sự lựa chọn. Quá trình kiểm soát và giới hạn lựa chọn đòi hỏi phải hạn chế các sản phẩm được giới thiệu cho khách hàng dựa vào các tiêu chí môi trường, xã hội và/hoặc các vấn đề cần cân nhắc khác. Hiệu quả của chương trình kiểm soát và giới hạn việc lựa chọn các sản phẩm thủy sản nuôi (đặc biệt là cá tra) dao động tùy theo thị trường và nhà bán lẻ.

Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Anh là những thị trường hấp dẫn để phát triển kinh doanh cá tra. Kinh doanh cá “thịt trắng” (bao gồm cả cá tra) tại Tây Ban Nha bị ảnh hưởng do khủng hoảng tài chính nên có thể sẽ tăng trở lại khi kinh tế phục hồi. Tây Ban Nha là thị trường hấp dẫn nhờ có quan hệ thương mại với Bồ Đào Nha.

Kinh doanh cá tra thị trường Đức, Áo và Thụy Sĩ  bị ảnh hưởng sau khi một chương trình phóng sự bôi nhọ cá tra được phát sóng tại Đức năm 2011. Sau đó thị trường Đức đã chứng kiến sự phát triển mạnh của nhãn ASC nhằm lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Tiêu thụ cá tra tại Pháp cũng sụt giảm vì các báo cáo truyền thông tiêu cực. Tại thị trường Anh, cá tra đạt chứng nhận bắt đầu được thị trường công nhận. Tất cả các thị trường trên đều có tiềm năng phát triển tiêu thụ cá tra khi hình ảnh con cá này được cải thiện.

Các nhà bán lẻ EU chủ yếu dựa trên các tiêu chí sau để đưa ra quyết định thu mua cá tra xuất xứ Việt Nam: chất lượng, giá cả và dịch vụ, an toàn thực phẩm, các vấn đề xã hội; tác động môi trường; sức khỏe động vật, anh sinh và truy xuất nguồn gốc. Những yếu tố này đều giúp giảm bớt nguy cơ mà nhà bán lẻ phải chịu đối với sản phẩm. Chất lượng, an toàn thực phẩm hoặc các vấn đề khác liên quan đến sản phẩm như vấn đề mặt xã hội, tác động môi trường hoặc sức khỏe động vật và an sinh thường được giải quyết thông qua các chương trình và hệ thống chứng nhận. “Nhãn đỏ” của Pháp là một ví dụ về chất lượng sản phẩm. An toàn thực phẩm được giải quyết thông qua Tổ chức Sáng kiến An toàn thực phẩm Toàn cầu (GFSI). Các vấn đề khác được giải quyết thông qua các chương trình chứng nhận nuôi cá như ASC, GlobalGAP, BAP, Friend of the Sea và chương trình cho cá nuôi sinh thái.

Việc quảng bá, bảo vệ nhà bán lẻ và xác định thương hiệu nhà cung cấp đóng vai trò vô cùng quan trọng tại các khối thị trường lớn như thị trường EU. Các nhà bán lẻ và các nhà cung cấp của họ đã xây dựng các chiến dịch truyền thông về thương hiệu để giảm thiểu rủi ro. Một số chương trình điển hình như:

– Chương trình “Forever Fish” của công ty Marks và Spencer phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn biển (MCS) và WWF Anh;

– Chương trình “Fish for Life” của công ty Young (và Findus);

– Chương trình “Forever Food” của công ty Iglo Foods;

– Quan hệ hợp tác giữa Edeka và WWF vì nghề cá bền vững;

– Ngoài ra còn có những chương trình được sử dụng để tăng cường việc xác định thương hiệu nhà bán lẻ trên sản phẩm thông qua các dấu hiệu và nhãn sản phẩm.

– Bảo đảm giá thấp của công ty ASDA;

– Sử dụng nhãn bền vững ASC của công ty Edeka;

Tất cả đều vì mục tối thượng là nâng cao uy tín sản phẩm. Từ các kết quả nghiên cứu cho thấy phản ứng từ thị trường rất rõ ràng rằng người tiêu dùng đang bị lúng túng vì có quá nhiều loại nhãn sản phẩm. Do đó, nghiên cứu của SUPA xác định xu hướng hiện nay để tập trung trước hết vào việc xây dựng danh tiếng thương hiệu bằng những thông điệp dễ hiểu hướng tới người tiêu dùng: ví dụ như giá và chất lượng sản phẩm, khi nào cần thiết đẩy mạnh danh tiếng thương hiệu bằng cách gửi thông điệp về uy tín sản phẩm với các nhãn trong và ngoài nước.

Vậy con cá tra Việt Nam có hình ảnh như thế nào?

Trước hết, có một tin vui là cá tra xuất xứ Việt Nam đang xuất hiện nhiều tại thị trường bán lẻ của EU. Hơn nữa, cá tra Việt Nam được công nhận có những thế mạnh về giá cả phải chăng, hương vị thơm, đã được rút xương và dễ chế biến. Tuy nhiên, loài cá này cũng gặp một số vấn đề liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm, lo ngại về xã hội và môi trường, sức khỏe động vật và an sinh. Giải quyết những vấn đề này là yêu cầu quan trọng bởi chúng quyết định khả năng tiếp cận thị trường tại EU.

Những năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để đạt các chứng nhận nhằm cải thiện hình ảnh và nâng cao danh tiếng của cá tra. Tuy nhiên, quan trọng là cần hiểu được các chương trình chứng nhận nuôi thủy sản không phải là sự bảo đảm cho việc tiếp cận thị trường. Thứ nhất, chứng nhận chỉ đơn thuần là công cụ tạo điều kiện cho việc tiếp cận thị trường dễ dàng hơn. Thứ hai, chứng nhận không đảm bảo sản phẩm nuôi có thể tăng giá bán. Điều này đặc biệt đúng với những thị trường có tính cạnh tranh cao như Pháp, Anh và Đức. Vì vậy, chứng nhận thủy sản nuôi cần được coi là một yếu tố trong bước tiếp cận thị trường chính với mục đích đưa cá tra đạt chứng nhận thành một nguồn cung protein chất lượng, có thương hiệu và uy tín sản phẩm tại thị trường EU

Những khuyến nghị để cải thiện hình ảnh cá tra Việt Nam tại thị trường EU:

– Kiểm soát sự lựa chọn hay bị kiểm soát: Cần phải nắm bắt được cách các nhà bán lẻ nhìn nhận về các hoạt động chế biến và nuôi cá. Điều này đòi hỏi phải liên tục theo dõi các chính sách của các nhà bán lẻ và các vấn đề chính định hướng những chính sách này.

– Công nhận những ảnh hưởng kinh tế, tuy nhiên không thao túng cá tra tại thị trường EU. Nếu cá tra thực sự là loài cá tuân thủ quy luật giá cả thị trường tại EU, tiêu thụ loài cá này sẽ tăng lên ngay cả khi kinh tế suy thoái.

– Xác định cách thức để cá tra có thể làm giảm rủi ro của các nhà bán lẻ và làm tăng uy tín thương hiệu và uy tín của các sản phẩm mang thương hiệu.

– Xác định sự cân bằng giữa các kế hoạch sản xuất và tiếp thị cho cá tra.

– Chủ động kiểm soát trong các vấn đề như nguyên liệu chế biến thức ăn từ hạt biến đổi gen và sức khỏe động vật.

– Đưa ra những thông tin tích cực: phản hồi của nhà bán lẻ trong các cuộc phỏng vấn, trong đó cần thiết có cả những phỏng vấn chuyên sâu hơn về hoạt động nuôi và chế biến.

Theo phản hồi từ những nhà bán lẻ được phỏng vấn, cả nhà bán lẻ và khách hàng đều chấp nhận chi thêm tiền cho chất lượng sản phẩm chứ không phải cho các chứng nhận. Điều này không có nghĩa là chứng nhận không có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro hay xây dựng uy tín thương hiệu. Do đó, cần phải tìm hiểu các hoạt động sản xuất có trách nhiệm tại trại nuôi và nhà máy chế biến đóng góp thế nào vào quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm.

Xem Nội dung Chương I của báo cáo bản tiếng Anh tại đây

Theo Vasep