Posts

Doanh nghiệp dệt may cần chuyển đổi xanh để xuất khẩu lâu bền sang EU

“Để có thể xuất khẩu lâu bền sang EU, doanh nghiệp bắt buộc phải tính đến sản xuất hàng hóa bằng các nguồn năng lượng sạch gắn với các tiêu chuẩn về môi trường”, TS. Lê Xuân Thịnh – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) chia sẻ.

TS. Lê Xuân Thịnh

PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành Dệt may Việt Nam?

TS. Lê Xuân Thịnh: Ngành Dệt may đã phát triển rất nhanh trong hơn 20 năm qua. Tính đến nay, sản phẩm của ngành Dệt may đã xuất khẩu sang 66 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng thị trường EU, chúng ta đã xuất khẩu vào 26/27 quốc gia.

Các doanh nghiệp, tiêu biểu là các thương hiệu quốc gia của dệt may Việt Nam đã có những đổi mới để bắt kịp xu hướng dệt may thế giới. Bên cạnh việc nâng cao năng lực sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp đã chuyển đổi công nghệ để tiết kiệm năng lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của sản xuất và tiêu dùng bền vững. Mặc dù vậy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành Dệt may còn nhiều, khoảng 20%. Con số này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp tục thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí đầu vào, gia tăng các lợi thế cạnh tranh.

PV: Theo ông, có thể áp dụng những giải pháp nào để thực hành tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp trong ngành Dệt may?

TS. Lê Xuân Thịnh: Tôi cho rằng, về chính sách, cần xây dựng định mức sử dụng năng lượng cho ngành Dệt may, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, cũng cần các chương trình ưu đãi để doanh nghiệp tiếp cận vốn cho đổi mới công nghệ. Kiểm toán năng lượng cũng là một bước tiếp theo để giúp doanh nghiệp nhìn ra vấn đề của mình để xác định mức đầu tư cho tiết kiệm điện, nước, than…

Trên thực tế, tiêu thụ năng lượng của ngành Dệt may chủ yếu do việc vận hành các thiết bị như: lò hơi và hệ thống hơi, hệ thống chiếu sáng, máy may và các máy chuyên dụng, hệ thống nước và máy nén khí. Do đó, khi doanh nghiệp tìm ra đúng khâu gây lãng phí năng lượng, sẽ có được sơ đồ chi tiết và dùng đúng giải pháp để tiết kiệm năng lượng.

Tôi lấy ví dụ, một doanh nghiệp có công suất thiết kế hơn 2 triệu mét vải/năm, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 50.000kWh điện, 60 tấn than. Nhưng khi cải tạo hệ thống lò hơi, lắp thêm bộ tụ bù cho các máy dệt, quản lý phụ tải thì lượng điện tiêu thụ có thể giảm xuống còn 30.000-33.000 kWh/tháng.

Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn tiết kiệm năng lượng hiệu quả cho các doanh nghiệp; tổ chức các triển lãm về công nghệ xanh cho ngành Dệt may gắn với mục tiêu xuất khẩu.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may đã vào cuộc tiết kiệm năng lượng hiệu quả, chủ động dành nguồn tiền để kiểm toán năng lượng, thay mới thiết bị, cập nhật công nghệ tiết kiệm điện của hệ thống chiếu sáng… bên cạnh thực hiện quy trình quản trị doanh nghiệp tinh gọn.

Hiện nay, VNCPC với sự hỗ trợ của Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH – Hà Lan) và Viện Dệt may toàn cầu (Aii) đang hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may thực hiện các giải pháp hiệu quả tài nguyên – sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng thông qua chương trình “Vươn tới đỉnh cao” (Race to the Top) nay gọi là “Clean By Design”. Nhiều doanh nghiệp thực hiện chương trình đã mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, năm 2022, bốn doanh nghiệp dệt nhuộm đã tiết kiệm tới 1,97 triệu kWh điện, 3.150 tấn than, 203.400 Sm3 khí CNG, 595.000 kg gỗ, 228.450 m3 nước và qua đó giảm được 10.480 tấn CO2 tương đương.

Một loạt giải pháp tiết kiệm năng lượng mà các doanh nghiệp đã áp dụng như: Cải tạo thông gió phòng máy nén khí, khắc phục rò rỉ khí nén, giảm áp suất cài đặt máy cho nén khí; Cải thiện hiệu suất lò dầu, lắp hệ thống thu hồi nhiệt khí thải để gia nhiệt cho không khí cấp lò dầu; tối ưu hóa chế độ vận hành các máy móc thiết bị tiêu thụ điện của hệ thống lò hơi /lò dầu; Tăng cường bảo ôn nhiệt bề mặt nóng hệ thống dầu tải nhiệt, hệ thống hơi tải nhiệt; Thay thế máy nhuộm Jet (dung tỷ 1:10; tiêu thụ nước 45 lít/kg vải) bằng máy nhuộm tròn tiết kiệm nước (dung tỷ 1:5; tiêu thụ nước 24 lít/kg vải).

Như vậy, không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn định hình con đường chuyển đổi phương thức từ “nâu” sang “xanh” cho mỗi doanh nghiệp. Qua đó, sản phẩm dễ dàng tiếp cận được với khách hàng ngày càng đòi hỏi khắt khe về tính thân thiện, bền vững với môi trường.

Doanh nghiệp dệt may cần chuyển đổi xanh để xuất khẩu lâu bền sang EU. Nguồn ảnh: congthuong.vn

PV: Ngành Dệt may Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, mở rộng biên độ thị trường rất lớn. Nhưng các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may phải chuyển đổi sản xuất như thế nào, thưa ông?

TS. Lê Xuân Thịnh: Để tận dụng các cơ hội mà FTA mang lại, theo tôi, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nỗ lực hơn để đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Bởi chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được xem là giấy thông hành của hàng hóa xuất nhập khẩu trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đồng thời, các doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức về phát triển bền vững, kết nối, hợp tác: tăng cường mối liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất may với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu, phụ trợ để tận dụng được các thành phẩm của nhau làm nguyên liệu sản xuất cho dệt may.

Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế, tiếp cận thị trường, chuẩn bị tâm thế, nội lực để bước vào sân chơi lớn toàn cầu. Cần chuyển đổi từ phương thức gia công CMT (cắt, may, hoàn thiện sản phẩm) sang phương thức OEM (phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (phương thức bao gồm cả sản xuất và thiết kế), tiến tới là phương thức OBM (phương thức sản xuất có thương hiệu riêng), từ đó sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

Để có thể xuất khẩu lâu bền sang EU, doanh nghiệp buộc phải tính đến sản xuất hàng hóa bằng các nguồn năng lượng sạch gắn với các tiêu chuẩn về môi trường. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tuân thủ quy trình sản xuất xanh để có được các sản phẩm xanh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội, qua đó cũng giúp phát triển xuất khẩu bền vững hơn.

PV: Vốn đầu tư cho chuyển đổi sản xuất xanh cũng là một thách thức. Các doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn như thế nào, thưa ông?

TS. Lê Xuân Thịnh: Hiện nay, có nhiều nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh gồm cả nguồn trong nước và ngoài nước. Các nguồn vốn trong nước gồm các nguồn vay ưu đãi của các định chế tài chính cho tín dụng xanh theo Chỉ thị 03/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước năm 2015 và đến nay đã có nhiều các ngân hàng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp. Một số nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế khác như: Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Pháp (AFD), Cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO),…

Trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó có giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng các cơ chế huy động và hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn thay đổi công nghệ, sản xuất xanh. Một trong những ưu tiên của Chiến lược là xây dựng thị trường tín chỉ các bon để các doanh nghiệp có thể dễ dàng huy động các nguồn vốn thông qua cơ chế buôn bán, trao đổi tín chỉ khi đầu tư công nghệ cho giảm sử dụng năng lượng qua đó giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, để có thể tham gia vào việc tiếp cận các nguồn vốn này, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ cả thông tin tài chính của dự án đầu tư lẫn thông tin về công nghệ để dễ dàng đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu của các bên cho vay vốn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

https://www.evn.com.vn/d6/news/Doanh-nghiep-det-may-can-chuyen-doi-xanh-de-xuat-khau-lau-ben-sang-EU-100-653-124048.aspx

Mời tham gia Khóa đào tạo về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững năm 2023

Căn cứ công văn số 5819/BCT-TKNL của Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương về việc: “Cử cán bộ tham gia khóa đào tạo về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững năm 2023 khu vực phía Bắc”.  

Thực hiện nhiệm vụ năm 2023 thuộc Chương trình Hành động Quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương phối hợp với Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức khóa đào tạo cơ bản về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững cho cán bộ thuộc Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp các tỉnh, thành phố; các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, cụ thể như sau: 

Thời gian: Ngày 21 – 22/09/2023

Địa điểm: Khách sạn Adonis, Số 55 Quang Trung, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

Quý vị tham gia chương trình vui lòng đăng ký trước ngày 15/09/2023 tại đường link: https://vncpc.org/dang-ky-dao-tao-kv1/  

Thông tin chi tiết liên hệ cán bộ hỗ trợ: Ông Lê Văn Tùng, Số điện thoại: 0971.318.892, Email: [email protected] 

Xin trân trọng cảm ơn! 

VNCPC

 

EU nghiên cứu phát triển điện mặt trời trên đường cao tốc

Học viện Công nghệ Áo (AIT) hợp tác với Viện các hệ thống điện mặt trời Đức (Fraunhofer ISE) và Công ty Forster Industrietechnik GmbH tiến hành dự án nghiên cứu thử nghiệm “PV-SUD” nhằm đánh giá triển vọng lắp đặt các nhà máy điện mặt trời trên các tuyến đường cao tốc trong Liên minh châu Âu.

Xuất phát từ việc quỹ đất cho phát triển điện mặt trời châu Âu hạn hẹp, các nhà khoa học đã đưa ra ý tưởng phát triển các dự án điện mặt trời đóng vai trò như mái che cho các tuyến đường cao tốc hiện nay.

Tại Đức hiện có gần 13.000 km đường cao tốc (Autobahn), chiếm khoảng 2,6% diện tích lãnh thổ của nước này. Nếu như lắp đặt hệ thống mái che, cấu thành từ các tấm pin mặt trời có độ trong suốt cao có thể che phủ toàn bộ đường cao tốc trên diện tích 337 km2.

Hệ thống mái che pin mặt trời sẽ không chỉ sản xuất điện năng mà còn có thể có tác dụng bảo vệ mặt đường khỏi mưa, bão và tình trạng quá nóng, góp phần tăng tuổi thọ của mặt đường. Bên cạnh đó, với thiết kế thích hợp, hệ thống mái che mặt trời có thêm khả năng chống ồn.

Theo tính toán, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên đường cao tốc tại Đức có thể đại 56 GW, cao hơn tổng công suất điện mặt trời hiện tại của nước này. Giải pháp này có thể góp phần tạo thêm 47 tỷ kWh, đáp ứng khoảng 9% nhu cầu tiêu thụ điện năng tại Đức.

Viễn Đông

https://petrotimes.vn/eu-nghien-cuu-phat-trien-dien-mat-troi-tren-duong-cao-toc-576075.html

Tiết kiệm năng lượng tại tòa nhà cao tầng: Khắc phục 3 điểm yếu

Tại Việt Nam, năng lượng tiêu thụ của các tòa nhà cao tầng như khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại… chiếm tỷ trọng 35-40% tổng năng lượng tiêu thụ. Nhưng có tới 90% tòa nhà không tích hợp tính hiệu quả sử dụng năng lượng trong thiết kế và vận hành.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hiến (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam), nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là chưa có sự quan tâm đầu tư công nghệ trong hệ thống chiếu sáng, thông gió, làm mát, sưởi ấm, chưa sử dụng vật liệu cách nhiệt tiết kiệm năng lượng. Đây là một sự lãng phí rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng xây dựng cao, tổng diện tích sàn của các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tăng 6-7%/năm.

Để tiết kiệm năng lượng tại các công trình nhà cao tầng, TS Nguyễn Mạnh Hiến cho rằng, có hai giải pháp gồm công nghệ và thiết bị.

Về công nghệ, thứ nhất có thể lắp đặt cửa sổ các tòa nhà bằng kính năng lượng thấp để giảm truyền nhiệt từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong tòa nhà, hoặc kính khống chế ánh nắng, phản xạ hầu hết bức xạ mặt trời. Loại kính này giúp tiết kiệm được 5% năng lượng; thứ hai là sử dụng phim cách ly khống chế cho ánh nắng đi qua, phản xạ lại các tia cực tím (UV), ánh sáng chói và hơi nóng; thứ ba là sử dụng sơn phản xạ nhiệt để giúp cải thiện cách nhiệt của các tòa nhà theo hướng thân thiện với môi trường. Loại sơn này có thể phản xạ tới 80% bức xạ mặt trời, nếu sơn lên mái hoặc các bề mặt của tòa nhà thì chúng sẽ phản xạ nhiệt mặt trời và giữ mát cho ngôi nhà.

Về thiết bị, có thể sử dụng máy biến áp hiệu quả năng lượng với lõi thép silic được sử dụng cho lưới điện phân phối nhằm giảm tổn thất trong máy đến 50% so với máy biến áp thông thường. Cùng với đó, có thể dùng hệ thống quản lý thông minh tòa nhà (BMS) tiết kiệm 12% lượng điện tiêu thụ. Chiếu sáng bằng đèn LED T5 tiết kiệm điện năng khoảng 30-40% so với đèn huỳnh quang T8, T10. Bên cạnh đó, dùng cảm biến quang điện để điều khiển hệ thống chiếu sáng trong tòa nhà, tự động bật, tắt đèn khi có hoặc không có đối tượng chuyển động. Sử dụng thu hồi nhiệt từ các hệ thống thông gió và điều hòa không khí để tiết kiệm 5-20% điện năng. Đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện năng 70-85% so với sử dụng điện trở…

Tuy nhiên, để thực hiện triệt để được các giải pháp tiết kiệm năng lượng, theo TS Nguyễn Mạnh Hiến, cần khắc phục 3 điểm yếu: công nghệ, vốn và đặc biệt là sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào giải pháp tiết kiệm năng lượng. Cần có cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này để không chỉ tiết kiệm năng lượng trong các hoạt động sử dụng năng lượng nói chung mà tại cả các công trình nhà cao tầng nói riêng.

Nguyễn Bách
https://petrotimes.vn/tiet-kiem-nang-luong-tai-toa-nha-cao-tang-khac-phuc-3-diem-yeu-571124.html

Khám phá thiết bị đặc biệt có khả năng tạo ra điện từ không khí

Các khoa học tại Đại học Massachusetts tại Amherst (Mỹ) vừa phát triển thiết bị mới sử dụng protein tự nhiên để tạo ra điện từ độ ẩm trong không khí.

Thiết bị đặc biệt nói trên có tên Air-gen với cấu trúc tương tự một máy phát điện không khí bao gồm một màng mỏng dệt bằng các sợi dây protein (thin film of protein nanowires). Protein tự nhiên được nuôi cấy nhờ loài vi sinh vật Geobacter để tạo ra điện từ độ ẩm trong không khí.

Thiết bị này có thể hoạt động trong nhiều tháng và trong nhiều môi trường, kể cả trong bóng tối, trong nhà kín và thậm chí cả những nơi khô cằn như sa mạc Sahara. Trong tương lai, một công nghệ như vậy có thể sạc tất cả các thiết bị điện gia dụng. Việc tạo ra công nghệ này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu và tương lai của y học.

“Chúng tôi thực sự tạo ra điện từ không khí mỏng. Air-gen tạo ra năng lượng sạch 24/7. Đây là ứng dụng tuyệt vời”, kỹ sư điện Jun Yao từ Đại học Massachusetts nói.

Cũng theo các nhà khoa học, phương pháp tạo ra điện từ không khí là một trong các phương pháp tái tạo năng lượng sạch và rẻ tiền. Công nghệ mới cho thấy kết quả tốt hơn khi được sử dụng trong môi trường có độ ẩm tương đối 45%.

Ưu điểm của công nghệ nói trên so với việc sử dụng năng lượng Mặt trời hoặc năng lượng gió là nó độc lập với thời tiết và hoạt động ngay cả trong nhà. Air-gen chỉ cần một màng mỏng gồm các dây nano protein dày dưới 10 micron. Đế của màng bao gồm một điện cực, và một điện cực nhỏ hơn bao phủ một phần màng từ phía trên. Màng hấp thụ bụi nước từ không khí. Sự kết hợp giữa tính dẫn điện và hóa học của các dây protein, cũng như lỗ rỗng giữa các dây tạo ra điều kiện phát sinh điện áp trong thời gian ít nhất hai tháng.

Nhóm nghiên cứu cho biết, một máy phát điện như vậy có thể cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện nhỏ. Do đó, nhóm đang có kế hoạch tạo ra một miếng dán nhỏ gồm các dây nano để có thể cung cấp năng lượng cho các thiết bị y tế gọn nhẹ, máy theo dõi thể dục và đồng hồ thông minh để giảm bớt dần việc sử dụng pin.


Ảnh minh họa

Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của các nhà khoa học là tạo ra một hệ thống năng lượng quy mô lớn. Ví dụ, một lớp sơn có thể được phủ lên tường của một căn hộ để sạc lại tất cả các thiết bị điện gia dụng.

“Mục tiêu cuối cùng là tạo ra các hệ thống quy mô lớn. Ví dụ, công nghệ có thể được tích hợp vào sơn tường có thể giúp cung cấp năng lượng cho ngôi nhà của bạn. Hoặc chúng tôi có thể phát triển các máy phát điện chạy bằng không khí. Một khi chúng ta đạt đến quy mô công nghiệp để sản xuất dây protein, chúng ta hoàn toàn mong đợi rằng có thể tạo ra các hệ thống lớn đóng góp cho sản xuất năng lượng bền vững”, một nhà khoa học nhấn mạnh.

Liên quan tới các nỗ lực tận dụng năng lượng từ không khí để sản xuất điện, trước đó, vào năm 2011, một doanh nhân người Úc là Roger Davey có ý tưởng tạo ra nguồn điện sạch từ khí nóng để cung cấp cho các hộ gia đình với mục đích chính là tạo ra nguồn năng lượng sạch, an toàn và không phát thải cacbon vào môi trường.

Roger Davey đã xây dựng một ngọn tháp năng lượng mặt trời khổng lồ cao 2.600 feet ở sa mạc Arizona. Tháp có chức năng thu nhận các luồng không khí nóng làm quay 32 tuabin, từ đó tạo nguồn năng lượng cơ khí. Nguồn năng lượng cơ khí này sau đó sẽ được chuyển đổi thành điện năng.

Mỗi ngọn tháp như vậy có thể tạo ra trung bình 200 MW điện/ngày, đủ cung cấp cho 100.000 hộ gia đình. Được biết, tháp khí nóng sẽ được xây bằng xi măng và chỉ thấp hơn so với tòa nhà chọc trời Khalifa Burj ở Dubai, có thể hoạt động được đến 80 năm, lâu hơn rất nhiều so với tuổi thọ của một tấm pin mặt trời. Tổng chi phí cho toàn bộ dự án vào khoảng 750 triệu USD. Tới năm 2012, các nhà khoa học Nga cũng đã phát minh ra một phương pháp mới để sản xuất nguồn điện liên tục từ không khí nhiễm tĩnh điện.

Trưởng phòng thí nghiệm của Viện Nông nghiệp Leonid Yuferev khẳng định rằng các thành viên của Viện đã thành công trong việc chuyển đổi tĩnh điện thành dòng điện một cách hiệu quả.

“Thực tế khí quyển nhiễm điện thì người ta đã biết cách đây hơn 200 năm. Tất cả các nghiên cứu được thực hiện từ lâu, hơn 100 năm trước. Bây giờ chúng tôi đề xuất không triệt tĩnh điện từ khí quyển, bởi vì điều đó đã được rất nhiều người làm. Chúng tôi nghiên cứu chế tạo các thiết bị sẽ chuyển đổi tĩnh điện thành dòng điện. Trong đề án của chúng tôi tĩnh điện từ bầu không khí được chuyển đổi thành điện bằng cách sử dụng công nghệ Tesla để nhận được dòng thông thường điện áp thấp tiêu chuẩn, nhằm sử dụng trong các hộ gia đình và một số ứng dụng công nghiệp”, ông Yuferev giải thích.

Ông Leonid Yuferev cho biết thiết bị thí nghiệm rất nhỏ gọn: “Thiết bị công suất 50 watt có kích thước khoảng 20x20x10 cm, có nghĩa là nó khá nhỏ. Trọng lượng của nó khoảng 1kg. Các kích thước của thiết bị tương ứng với công suất của nó. Nếu làm cho công suất mạnh hơn, tất nhiên, nó sẽ có kích thước lớn hơn”.

Theo Leonid Yuferev, triển vọng áp dụng thiết bị mới sẽ hữu ích tại các vùng sâu vùng xa, nơi kéo đường dây điện thông thường là không khả thi vì không kinh tế, mà ở đó không khí lại mang rất nhiều tĩnh điện. Ví dụ, ở vùng núi hoặc tại Nam Cực. Các chuyên gia khẳng định rằng đây sẽ là cách rẻ nhất để tạo ra năng lượng ở những nơi như vậy. Bằng cách này có thể áp dụng để cấp điện cho các hải đăng xa xôi.

Bảo Lâm (Theo Phys.org)
http://vietq.vn/kham-pha-thiet-bi-dac-biet-co-kha-nang-tao-ra-dien-tu-khong-khi-d169867.html

Đã tìm ra cách giảm tổn thất điện năng trên đường dây cao thế

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra một cách hoàn toàn mới để giảm tổn thất điện năng khi chúng truyền đi trên đường dây cao thế. Kết quả này sẽ có thể giúp việc sử dụng dây cáp tải điện hiện hữu trong 20 hoặc 40 năm mà không cần thay thế.

Các chuyên gia của Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Pháp (MEPhI) cùng với các đồng nghiệp người Kazakhstan và Mỹ đã tạo ra một cách mới để giảm tổn thất điện trên các đường dây cao thế: đó là bọc cáp điện bằng vật liệu nano-composit chứa các hạt nano carbon. Kết quả nghiên cứu của họ đã được công bố trên Tạp chí Journal of Physics D: Applied Physics.

Theo các chuyên gia, tổn thất năng lượng chính trên các đường dây cao thế ngày nay có liên quan đến hiệu ứng corona, sự tự phóng điện của các điện cực có độ cong đáng kể trong không khí, chủ yếu là trong thời tiết ẩm ướt. Theo ước tính, những thiệt hại trên lên tới 3 tỷ đô la mỗi năm. Vấn đề này đã được biết đến từ khi phát minh ra đường dây cao thế, nhưng vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.

“Chúng tôi đã có thể giảm tổn thất do hiệu ứng corona gây ra từ 20 đến 40%, bằng cách phủ lên cáp dẫn diện nhôm một lớp vật liệu bao gồm các hạt nano carbon”, Zinetoula Insepov, giáo sư tại Đại học MEPhI và đồng tác giả của nghiên cứu giải thích.

Theo các tác giả, công trình nghiên cứu của họ sẽ tạo ra một hiệu quả kinh tế đáng kể trong việc sử dụng các đường dây cao thế hiện có trong 20 hoặc 40 năm mà không cần thay thế cáp. Công nghệ phủ lớp chống phóng điện còn có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực cơ điện, vốn rất cần giảm tổn thất corona.

Các nhà khoa học có kế hoạch mở rộng phạm vi nghiên cứu và làm việc với các công ty sản xuất cáp điện cao thế.

Theo Nh.Thạch

https://nangluongquocte.petrotimes.vn/da-tim-ra-cach-giam-ton-that-dien-nang-tren-duong-day-cao-the-557625.html