Posts

Thư điện tử là nguyên nhân hủy hoại môi trường hàng đầu

Có một điều mà nhiều không hề hay biết là các email vô nghĩa mỗi người nhận được hàng ngày không chỉ nhàm chán mà thậm chí còn đang hủy hoại môi trường.

Theo một nghiên cứu mới về thói quen, việc gửi email có lượng khí thải carbon cao đến mức chỉ cần cắt một email mỗi ngày, chẳng hạn như email rác, có thể có tác dụng tương tự như loại bỏ hàng ngàn xe hơi khỏi đường phố nước Anh.

Nghiên cứu được ủy quyền bởi OVO Energy, công ty cung cấp năng lượng hàng đầu của Anh, đã sử dụng Vương quốc Anh như một trường hợp nghiên cứu và phát hiện ra rằng bớt một email nội dụng “cảm ơn” sẽ cắt giảm 16.433 tấn carbon do các máy chủ năng lượng cao sử dụng để gửi tin nhắn trực tuyến. Nghiên cứu cho biết, năng lượng này tương đương với 81.152 chuyến bay đến Madrid hoặc đưa 3.334 xe diesel ra đường.

Theo nghiên cứu, hơn 64 triệu email không cần thiết của Google được gửi hàng ngày ở Anh, đóng góp tới 23.475 tấn carbon mỗi năm cho hậu quả của nó.

Theo nghiên cứu, những email hàng đầu có nội dung không cần thiết nhất của người dùng bao gồm: “Cảm ơn bạn”, “Cảm ơn”, “Cuối tuần vui vẻ”, “Buổi tối vui vẻ”, “Chúc mừng”, “Bạn cũng vậy”.

OVO Energy hiện đang kêu gọi những người am hiểu về công nghệ nên nghĩ kỹ trước khi phản hồi một lời cảm ơn để tiết kiệm hơn 16.433 tấn carbon mỗi năm.

Nghiên cứu đã tiết lộ rằng 71% người Anh sẽ không nhận lời cảm ơn qua email, nếu họ biết rằng đó là vì lợi ích của môi trường và giúp chống lại khủng hoảng khí hậu. Ngoài ra có tổng cộng 87% người dân của Vương quốc Anh sẽ rất vui khi giảm lưu lượng email của họ để giúp hỗ trợ cho cùng một nguyên nhân.

Một trong những nhà nghiên cứu – Mike Berners-Lee, giáo sư tại Đại học Lancaster ở Lancashire, Anh, cho biết trong một tuyên bố: “Một email gây ra lượng carbon không lớn, nhưng đó là minh họa tuyệt vời cho nguyên tắc rộng lớn hơn là cắt giảm chất thải ra khỏi cuộc sống của chúng ta là tốt cho sức khỏe và môi trường.

Mỗi khi thực hiện bước nhỏ để thay đổi hành vi của mình, như gửi ít email hơn hoặc mang theo một chiếc cốc có thể tái sử dụng, mỗi người cần coi nó như một lời nhắc nhở với chính mình và những người khác rằng chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến các quyết định có thể tạo ra lượng carbon thực sự lớn”.

Hương Giang (Theo: nypost)
http://vietq.vn/thu-dien-tu-la-mot-nguyen-nhan-huy-hoai-moi-truong-hang-dau-d166425.html

Sản xuất thịt từ khí CO2

Dựa trên ý tưởng có từ hơn nửa thế kỷ trước của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Air Protein – một công ty khởi nghiệp ở Vịnh San Francisco (Mỹ) đã thành công trong việc tái sử dụng khí CO2 do các phi hành gia thải ra trong không gian kín của tàu con thoi để chế biến lại thành thực phẩm phục vụ lại cho chính những phi hành gia này.

Giải pháp làm ra thịt từ không khí không chỉ giúp bảo vệ Trái đất mà còn tốt cho sức khỏe.

Để tạo ra loại thịt từ không khí, Air Protein đã dựa vào vi khuẩn hydrogenotrophic, loại vi khuẩn có thể tổng hợp ra tế bào sợi từ khí CO2. Quá trình chuyển hóa này gần giống quá trình lên men làm sữa chua hoặc ủ men bia.

Bột protein nâu thu được từ quá trình lên men theo công thức bí mật của Air Protein (Ảnh: AIR PROTEIN)

Quy trình “làm ra thịt từ không khí” của Air Protein như sau: Đưa hỗn hợp khí CO2 cùng với nước và nhiều khoáng chất vào trong các bình ủ men có vi khuẩn để tạo ra một sản phẩm là loại bột màu nâu nhạt chứa đến 80% protein, nhưng không có mùi vị. Sau đó, từ nguyên liệu protein này, nhà sản xuất pha chế với một số thành phần khác để tạo ra nhiều loại thực phẩm khác nhau, như làm ra thịt heo, thịt gà tây, bánh protein, nhân thịt cho bánh hamburger…

Air Protein khẳng định, phát minh của họ sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong phương thức sản xuất thực phẩm tương lai, bởi sản xuất trong bình chứa nên không lệ thuộc vào điều kiện đất đai, nguồn nước và điều kiện thời tiết như cách con người đang nuôi trồng hiện nay. Điều đó sẽ không gây hại mà còn góp phần BVMT. Xét về mặt dinh dưỡng, “thịt từ không khí” này được tạo thành với 9 axit amin chính như của thịt thật, vì thế nó đầy đủ chất hơn loại thịt chay làm từ đậu nành hay đậu Hà Lan hạt (petit pois). Chưa kể loại thịt của Air Protein còn chứa nhiều vitamin như B12, hơn hẳn các loại thịt chay hiện có vốn gây thiếu chất cho những người chọn chế độ ăn chay.

Công ty dự kiến sẽ đưa loại thịt này tham gia thị trường vào năm 2020.

Theo Phương Tâm

http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=S%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-th%E1%BB%8Bt-t%E1%BB%AB-kh%C3%AD-CO2-50996

IEA dự báo khả quan về năng lượng tái tạo

Năm 2019, các công trình mới về năng lượng tái tạo trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng trở lại với mức tăng hai chữ số so với năm 2018, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết hôm 20-9-2019.

Năng lượng tái tạo tăng trở lại

Trong năm 2019, công suất điện mặt trời, điện gió và thủy điện trên toàn cầu có thể tăng lần lượt là 113,7 GW, 57,6 GW và 17,8 GW, theo ước tính mới nhất của IEA. Nhìn chung, các công trình lắp mới năng lượng tái tạo có thể tăng gần 200 GW trong năm 2019, cao hơn khoảng 12% so với năm 2018.

Điện mặt trời đang có sự tăng trưởng nhanh chóng, mức tăng công suất mới ước tính là 17% trong năm 2019, so với tốc độ lắp đặt vào năm 2018. Sự không chắc chắn ở thị trường khổng lồ Trung Quốc sẽ được bù đắp bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ ở châu Âu (đặc biệt là Tây Ban Nha) mà còn ở Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ, IEA cho biết.


Một công trình điện mặt trời đang được lắp đặt ở Pháp.

Mặt khác, điện gió trên bờ đang có sự tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2015 về công suất lắp đặt mới, với ước tính 52,9 GW được lắp đặt vào năm 2019, cộng với 4,7 GW công suất điện gió ngoài khơi, là nhờ thị trường Mỹ, nơi các nhà khai thác đang đẩy nhanh việc phát triển các dự án trước khi chính sách ưu đãi tín dụng, thuế ở cấp liên bang kết thúc.

Theo Kịch bản bền vững của IEA, công suất năng lượng tái tạo phải tăng trung bình hơn 300 GW/năm trong giai đoạn 2018 đến 2030 mới đáp ứng được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris (giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 20C).

Sự phát triển của điện mặt trời và điện gió thường được nhấn mạnh, nhưng chúng vẫn chỉ chiếm 1,8% và 4,4% sản lượng điện toàn cầu trong năm 2017, theo dữ liệu mới nhất của IEA, trong khi đó than chiếm 38,3%, thủy điện chiếm 16,3%.

Sự đóng góp của ngành điện trong quá trình chuyển đổi năng lượng sang ít phát thải carbon là có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ năng lượng phi hóa thạch trong hỗn hợp điện toàn cầu vào năm 2018 vẫn không thay đổi so với mức đạt được 20 năm trước, theo đánh giá thống kê mới nhất về năng lượng thế giới của BP công bố vào tháng 6-2019.

Năm 2018, lần đầu tiên tăng trưởng công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt đã “đình trệ” kể từ năm 2001, lý do vì sự thay đổi trong chính sách ưu đãi cho năng lượng mặt trời ở Trung Quốc, nhằm hạn chế chi phí và quản lý tốt hơn việc tích hợp sản xuất năng lượng mặt trời trong lưới điện. Tốc độ tăng tốc trên thị trường điện mặt trời ở Trung Quốc vẫn không chắc chắn trong năm 2019, IEA cho biết.

Ngày 19-9-2019, Chính phủ Nga thông báo quyết định chi 725 tỉ rúp (1,1 tỉ USD) cho chương trình phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2050. Trong đó, 400 tỉ rúp sẽ chi vào giai đoạn

2025-2030, điện gió 222 tỉ rúp (3 GW), năng lượng mặt trời 148 tỉ rúp (2,2 GW) và 30 tỉ rúp cho thủy điện nhỏ (170 MW).

Năng lượng tái tạo – Bao nhiêu là đủ?

Sản lượng năng lượng tái tạo đã tăng gấp 4 lần trên thế giới trong 10 năm qua. Nhưng điều đó vẫn không ngăn được lượng khí thải tăng lên, theo một báo cáo được công bố trước hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về khí hậu ngày 6-9-2019.

Đầu tư cho điện gió, điện sinh khối, thủy điện, nhất là điện mặt trời, đạt được hơn 2.500 tỉ USD từ năm 2010 đến nay nhờ chi phí giảm, theo báo cáo thường niên do Trường Tài chính và quản lý Frankfurt và Bloomberg Tài chính năng lượng mới (BNEF) phối hợp với Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) thực hiện.

Theo báo cáo này, không tính các đập thủy điện lớn hơn 50 MW, năng lượng tái tạo hiện có công suất 1.650 GW (so với 414 GW năm 2009) và tạo ra 12,9% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2018. Báo cáo liệt kê 30 quốc gia đã đầu tư hơn 1 tỉ USD vào năng lượng tái tạo trong giai đoạn này, đồng thời vẫn sử dụng rộng rãi nhiên liệu hóa thạch. Quốc gia đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, Trung Quốc, nước phát thải CO2 lớn nhất thế giới, đã chi 760 tỉ USD cho năng lượng xanh kể từ năm 2010.

Kể từ năm 2009, chi phí để xây dựng các nhà máy điện mặt trời đã giảm 81% và điện gió trên bờ giảm 46%. Điều này giúp tăng khả năng cạnh tranh một cách ngoạn mục. Đối với Francoir d’Estais, thuộc UNEP, điều đó cho thấy sự chuyển đổi của ngành năng lượng đang được thực thi, nhưng nó không đủ nhanh để cho phép thế giới đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và sự ấm lên của trái đất.

Năm 2018, năng lượng xanh đã giúp giảm được 2 tỉ tấn CO2 phát thải, báo cáo cho biết. Tuy nhiên, phát thải của ngành năng lượng nói chung cũng đã đạt mức kỷ lục 13,7 tỉ tấn CO2 tương đương, khiến thế giới càng rời xa các mục tiêu về khí hậu.

Theo Petrotimes.vn
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/iea-du-bao-kha-quan-ve-nang-luong-tai-tao-551369.html

Sản xuất thông minh – Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc

Việc áp dụng sản xuất thông minh sẽ làm thay đổi hiệu quả nền kinh tế, làm tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh, nhờ đó tiết kiệm được nhiên liệu, nguyên liệu và chi phí nhân công cho từng sản phẩm…

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ nhanh tạo ra những thay đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực, định hình lại nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Nhiều ngành nghề truyền thống sẽ mất đi thay vào đó là các mô hình kinh doanh mới.

Chia sẻ về thực tế này, ông Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tuy nhiên nền kinh tế vẫn đang đi theo mô hình nông nghiệp với tư duy và thể thế quản lý cũ, do đó tốc độ phát triển kinh tế chậm, dẫn đến tăng trưởng không cao và đang là áp lực để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia”.

Áp dụng sản xuất thông minh sẽ làm thay đổi hiệu quả nền kinh tế. Ảnh minh họa

Ông Vinh nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra các cơ hội mới cho việt Nam nếu chúng ta quyết tâm đổi mới tư duy và xây dựng chiến lược phát triển. Song đây cũng là thách thức lớn do nền kinh tế thế giới đang phát triển rất nhanh đang chuyển đổi sang mô hình phát triển mới, hiện đại trong khi ở nhiều tổ chức, doanh nghiệp vẫn tồn tại các tư duy cũ.

Cũng bình luận về vấn đề này, Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam Nguyễn Quân cho biết, sản xuất thông minh là xu hướng tất yếu Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc nếu muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

“Theo đánh giá, Việt Nam chỉ mới đang tiếp cận với cuộc cách mạng thứ 3 và đã buộc phải chuyển sang cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện, năng suất lao động ở nước ta thấp so với các nước trong khu vực, trình độ công nghệ thấp, máy móc thuộc thế hệ cũ, nguồn nhân lực hầu hết vẫn chưa qua đào tạo”, ông nói.

Theo ông Quân, ước tính chỉ có khoảng 30% lao động đã qua đào tạo, đồng thời Việt Nam cũng thiếu các chuyên gia trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao. Do đó, các ngành sản xuất đang có những áp lực, sức ép rất lớn và phải thay đổi, thích ứng với các xu hướng mới.

“Việc áp dụng sản xuất thông minh sẽ làm thay đổi hiệu quả nền kinh tế, tăng năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, nhờ đó tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu và chi phí nhân công cho từng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế và giải phóng sức lao động”, ông nói và khẳng định cốt lõi của sản xuất thông minh là chuyển đổi số, trong đó trụ cột là chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý.

Theo Thảo Nguyên/vietq.vn (3/10/2019)

Tạo ra dòng điện trên pin mặt trời từ các phân tử hữu cơ

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Columbia, Mỹ đã phát triển một công nghệ mới có thể khai thác năng lượng mặt trời nhanh, hiệu quả hơn, hứa hẹn mở ra cuộc cách mạng giải phóng thế giới khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Theo đó, họ đã thiết kế các phân tử hữu cơ có khả năng tạo ra hai “exciton” trên mỗi photon ánh sáng, quá trình này được gọi là “phân đôi đơn”. Các “exciton”, tạo ra dòng điện trên pin mặt trời, có thể tồn tại lâu hơn nhiều so với các exciton được tạo ra từ các phân tử vô cơ, dẫn đến sự khuếch đại điện và được pin mặt trời hấp thụ. Tất cả các tấm pin mặt trời hiện nay đều hoạt động theo cùng một cách. Với mỗi photon đi kèm, chỉ một exciton được tạo ra. Các exciton được tạo ra sẽ chuyển đổi thành dòng điện. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy có một số phân tử có thể giúp tạo ra hai exciton từ một photon.

Đây là tiến bộ không chỉ ứng dụng trong sản xuất năng lượng mặt trời thế hệ tiếp theo mà còn trong quá trình quang xúc tác trong hóa học, cảm biến và hình ảnh, có thể sử dụng trong sản xuất dược phẩm, nhựa và nhiều loại hóa chất tiêu dùng khác. Nó hứa hẹn giải phóng thế giới khỏi công nghệ khai thác năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như dầu thô, than đá, khí tự nhiên hoặc dầu nặng.

Theo An Vi (tapchimoitruong.vn)

Sử dụng năng lượng mặt trời có nhược điểm không?

Năng lượng mặt trời mang lại rất nhiều lợi ích cho sinh hoạt, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, song không ít người vẫn đặt câu hỏi: năng lượng mặt trời có nhược điểm không?

Trên thực tế, năng lượng mặt trời cũng có những nhược điểm đang cần được khắc phục.

  1. Sử dụng năng lượng mặt trời: Chi phí cao

Đây có lẽ là vấn đề gây tranh cãi nhất trong việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời. Việc lưu trữ năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình đòi hỏi khoản chi phí khá cao ở giai đoạn ban đầu. Vì vậy, trên thế giới nhiều quốc gia đã khuyến khích việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch bằng cách cho vay tín dụng để thực hiện hoặc cho thuê pin mặt trời với những điều khoản có lợi cho người thuê.

Bên cạnh đó, hiện giá của ắc quy tích trữ điện mặt trời còn khá cao so với khả năng chi trả của đại đa số người dân. Do đó, ở thời điểm hiện tại, năng lượng mặt trời chưa có khả năng trở thành nguồn điện duy nhất của các hộ gia đình mà chỉ có thể là nguồn bổ sung cho điện lưới và các nguồn năng lượng khác.

  1. Năng lượng mặt trời không ổn định

Vào ban đêm hay những ngày nhiều mây và mưa, khi không có ánh sáng mặt trời, nguồn năng lượng mặt trời sẽ không được ổn định. Song, so với điện gió, năng lượng mặt trời vẫn là một lựa chọn có nhiều ưu thế.

  1. Điện mặt trời vẫn gây ảnh hưởng tới môi trường

So với các loại năng lượng khác, năng lượng mặt trời vẫn thân thiện với môi trường hơn, nhưng một số quy trình công nghệ để chế tạo các tấm pin mặt trời vẫn phát thải các loại khí nhà kính, hexaflorua lưu huỳnh và nitơ trifluoride. Ở quy mô lớn, việc lắp đặt những cánh đồng pin mặt trời cũng cần những diện tích đất nhẽ ra được dành cho cây cối và thảm thực vật nói chung.

  1. Sử dụng nhiều nguyên liệu quý hiếm và đắt tiền

Ngày nay, việc sản xuất các tấm pin mặt trời đòi hỏi phải sử dụng cadmium telluride (CdTe) hoặc gallium selenide indi (CIGS) – những nguyên liệu rất quý hiếm và đắt tiền, điều này dẫn đến sự gia tăng chi phí.

  1. Mật độ năng lượng không cao

Một trong những thông số quan trọng của nguồn điện mặt trời là mật độ công suất trung bình, được đo bằng W/m2 và được mô tả bằng lượng điện năng có thể thu được từ một đơn vị diện tích nguồn năng lượng. Chỉ số này đối với điện mặt trời là 170 W/m2 – nhiều hơn các nguồn năng lượng tái tạo khác, nhưng thấp hơn dầu, khí, than và điện hạt nhân. Vì lý do này, để tạo ra 1kW điện từ nhiệt năng mặt trời đòi hỏi một diện tích khá lớn của các tấm pin mặt trời.

VNCPC