Posts

Mời tham gia Khóa đào tạo về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững năm 2023

Căn cứ công văn số 5819/BCT-TKNL của Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương về việc: “Cử cán bộ tham gia khóa đào tạo về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững năm 2023 khu vực phía Bắc”.  

Thực hiện nhiệm vụ năm 2023 thuộc Chương trình Hành động Quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương phối hợp với Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức khóa đào tạo cơ bản về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững cho cán bộ thuộc Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp các tỉnh, thành phố; các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, cụ thể như sau: 

Thời gian: Ngày 21 – 22/09/2023

Địa điểm: Khách sạn Adonis, Số 55 Quang Trung, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

Quý vị tham gia chương trình vui lòng đăng ký trước ngày 15/09/2023 tại đường link: https://vncpc.org/dang-ky-dao-tao-kv1/  

Thông tin chi tiết liên hệ cán bộ hỗ trợ: Ông Lê Văn Tùng, Số điện thoại: 0971.318.892, Email: [email protected] 

Xin trân trọng cảm ơn! 

VNCPC

 

VNCPC báo cáo tổng kết nhiệm vụ về SXTDBV tại Bộ Công thương

Năm 2022, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đã giao cho Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Chương trình đào tạo theo các cấp độ và tổ chức khóa đào tạo cho các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững (SXTDBV)” thuộc Chương trình hành động quốc gia về SXTDBV giai đoạn 2021-2030.

Chương trình hành động Quốc gia về SXTDBV được xem là một trong những trụ cột quan trọng mà Bộ Công Thương đang triển khai nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zezo) vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Mục tiêu cụ thể của nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực của các chuyên gia trong lĩnh vực SXTDBV tại Việt Nam thông qua hoạt động xây dựng tài liệu tập huấn và triển khai đào tạo về SXTDBV.

Với nhiệm vụ này, VNCPC đã biên soạn bộ tài liệu về SXTDBV gồm 6 chủ đề chính: Quản lý tài nguyên bền vững; Thiết kế theo hướng bền vững; Sản xuất bền vững; Phân phối bền vững; Tiêu dùng bền vững và Quản lý chất thải, cùng với khóa đào tạo ở cấp độ cơ bản và chuyên sâu cho các chuyên gia về SXTDBV.

Bìa của bộ tài liệu đào tạo.

Trong buổi báo cáo tổng kết nhiệm vụ tại Bộ Công Thương được tổ chức ngày 24/12, bộ tài liệu đã nhận được sự đánh cao về nội dung, sự cụ thể trong các hướng dẫn và mạch lạc trong trình bày từ các chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan.

Hình ảnh về buổi báo cáo tổng kết nhiệm vụ tại Bộ Công Thương.

Theo kế hoạch, bộ tài liệu sẽ được sử dụng để trang bị kiến thức chuyên môn, nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực SXTDBV trên khắp cả nước. Đội ngũ này sẽ là lực lượng nòng cốt để triển khai Chương trình SXTDBV trong bối cảnh mới ở tất cả các tỉnh thành, theo cả bề rộng và chiều sâu trong những năm tiếp theo.

Cùng với các khóa đào tạo chuyên gia về SXTDBV sẽ được Bộ Công Thương triển khai trực tiếp ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, bộ tài liệu được xem là “cẩm nang” giúp các chuyên gia đưa SXTDBV vào trong thực tiễn.

VNCPC

Năm 2023 chương trình đào tạo chuyên gia về SXTDBV sẽ được triển khai khắp cả nước

Đó là thông tin được ông Cù Huy Quang, Phó Chánh văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Vụ tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương) chia sẻ tại buổi khai mạc Khóa đào tạo Chuyên gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SXTDBV) do Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức ngày 15/12, theo hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội.

Năm 2022, VNCPC được Vụ tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững giao thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Chương trình đào tạo theo các cấp độ và tổ chức khóa đào tạo cho các chuyên gia trong lĩnh vực SXTDBV – đây là nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động quốc gia về SXTDBV giai đoạn 2021-2030.

Chương trình được thực hiện nhằm mục tiêu nâng cao năng lực của các chuyên gia trong lĩnh vực SXTDBV tại Việt Nam, đồng thời là cơ hội để kết nối, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm triển khai về SXTDBV.

Ông Cù Huy Quang phát biểu tại buổi khai mạc khóa đào tạo.

Theo đó, khóa đào tạo đã thu hút được sự tham gia của các cán bộ đến từ các trung tâm về khuyến công, môi trường cùng các giảng viên đến từ các trường đại học lớn của Việt Nam. Tại đây, các chuyên gia đã được đào tạo về các chủ đề: Quản lý tài nguyên bền vững; Phân phối bền vững; Sản xuất bền vững và Tiêu dùng bền vững. Đặc biệt, các kiến thức thực tế về việc triển khai đánh giá về sản xuất sạch hơn tại doanh nghiệp cùng các công cụ tính toán hữu hiệu do các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm của VNCPC cung cấp đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các học viên.

Các thành viên tham gia khóa đào tạo trực tiếp tại Hà Nội.

Đánh giá cao chất lượng đào của của VNCPC, ông Quang cho biết: Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, năm 2023 theo kế hoạch, chương trình đào tạo về SXTDBV sẽ được triển khai trên khắp cả nước để đào tạo cho cán bộ thuộc các trung tâm khuyến công, các đơn vị tư vấn về môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… để tạo ra mạng lưới chuyên gia về SXTDBV rộng khắp mọi miền đất nước. Sau năm 2023, đội ngũ này sẽ là lực lượng nòng cốt để triển khai Chương trình SXTDBV ở tất cả các tỉnh thành theo cả bề rộng và chiều sâu.

Một số hình ảnh về khóa đào tạo:

VNCPC

THƯ MỜI THAM GIA Chương trình “Đào tạo cho các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững (SXTDBV)”

Năm 2022, Vụ TKNL và PTBV (Bộ Công Thương) giao cho VNCPC thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Chương trình đào tạo theo các cấp độ và tổ chức khóa đào tạo cho các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững (SXTDBV)” thuộc Chương trình hành động quốc gia về SXTDBV giai đoạn 2021 – 2030.
Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) trân trọng kính mời quý vị Tham gia chương trình “Đào tạo cho các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững SXTDBV)” – Chương trình được thực hiện nhằm mục tiêu nâng cao năng lực của các chuyên gia trong lĩnh vực SXTDBV tại Việt Nam, đồng thời là cơ hội để kết nối, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm triển khai về SXTDBV. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, học viên sẽ được cấp chứng nhận tham gia đào tạo.
Thời gian: 8h00 – 17h00, Thứ Năm, ngày 15/12/2022
Địa điểm: Khách sạn Công Đoàn, 14 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Quý vị tham gia chương trình đề nghị đăng ký trước ngày 14/12/2022 thông qua đường dẫn dưới đây: http://vncpc.org/dang-ky-tham-gia-dao-tao
Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: Mr Lê Văn Tùng – Email: [email protected], Di động: 0971318892.
VNCPC

VNCPC đồng hành cùng chương trình “Chuyển đổi xanh”

“Chuyển đổi xanh” là Chương trình thí điểm phân phối xanh và sử dụng túi sinh học phân hủy hoàn toàn AnEco, với sự đồng hành của VNCPC và các tổ chức, doanh nghiệp Việt nhằm chung tay giảm thiểu túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững theo Quyết định 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 06 năm 2020 và hưởng ứng thực hiện Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 20 tháng 08 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, do Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với các đơn vị thực hiện là Tập đoàn An Phát Holdings (sở hữu thương hiệu AnEco), Công ty TNHH Bán lẻ BRG (quản lý hệ thống siêu thị BRGMart), các đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) và Trung tâm Marketing và Thương hiệu – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Tham gia chương trình, VNCPC đảm nhiệm vai trò khảo sát, đo đạc tại hiện trường để tư vấn cho cơ sở phân phối được lựa chọn làm thí điểm cách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, quản lý rác thải, thiết kế gian hàng xanh… Đây chính là tư liệu để VNCPC xây dựng sổ tay hướng dẫn về phân phối xanh cho các siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước.

Cũng trong chương trình, từ ngày 18/9/2020 đến ngày 4/10/2020 còn có 2 hoạt động được diễn ra tại siêu thị BRGMart (174 Lạc Long Quân, Hà Nội):

  • Từ ngày 18 – 20/9/2020: Người tiêu dùng trải nghiệm dùng thử miễn phí túi sinh học phân hủy hoàn toàn AnEco khi mua sắm tại siêu thị.
  • Từ ngày 21/9 – 4/10/2020: Chỉ với 1.000 đồng người tiêu dùng có ngay một chiếc túi AnEco để sử dụng thay thế cho túi nilon thông thường, góp phần giảm rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.

Thông qua chương trình, Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng Bền vững (thuộc Bộ Công Thương), AnEco, hệ thống siêu thị BRGMart và các đơn vị đồng tổ chức mong muốn mỗi người tiêu dùng hãy hành động để giảm lượng rác thải túi nilon hướng tới nền sản xuất và tiêu dùng bền vững, bảo vệ môi trường.

VNCPC

Mỹ “hụt hơi” trong cuộc đua năng lượng sạch

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây công bố một báo cáo cho thấy Mỹ đang tụt lại phía sau trong cuộc đua phát triển năng lượng sạch cho tương lai.

Năm 2020 là năm thứ hai liên tiếp, Mỹ tụt hạng trên bảng xếp hạng các chỉ số quan trọng, bao gồm an ninh năng lượng, môi trường bền vững và mức sẵn sàng chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch. Mỹ hiện xếp thứ 32 trên tổng số 115 quốc gia trong danh sách này, xếp dưới Thụy Điển, Pháp, Anh, Canada, Colombia, Costa Rica… Năm 2018, Mỹ xếp thứ 25 về chuyển đổi năng lượng sạch.

Nguyên nhân của sự “hụt hơi” đó là do chính quyền Tổng thống Trump không chú trọng tới năng lượng sạch. Washington được cho là đã cố gắng cứu ngành công nghiệp than đá bằng cách cắt giảm các luật lệ về môi trường.

Giáo sư David Victor tại Đại học California San Diego, cố vấn trong hội đồng xếp hạng các quốc gia về quá trình chuyển đổi năng lượng, nhận định: “Mỹ vẫn không thay đổi, trong khi các quốc gia khác đã phát triển”.

Dự án điện mặt trời Switch công suất 179 MW ở Đông Bắc Las Vegas.

Báo cáo của WEF cũng chỉ ra rằng, các nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới như Mỹ, Australia, Trung Quốc và Nga đã không thể đạt được mục tiêu không khí thải.

Song trên thực tế, hơn 25 bang của Mỹ đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi năng lượng sạch. Ít nhất 1% lượng điện sử dụng phải được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Một số bang như New Mexico hay Hawaii đặt mục tiêu không sử dụng năng lượng hóa thạch. Theo Giáo sư David Victor, vì chính phủ liên bang liên tục trì hoãn chuyển đổi năng lượng sạch, nên các tiểu bang phải tự hành động.

Bên cạnh lời hứa sẽ cứu ngành than của ông Trump, nước Mỹ vẫn đang chứng kiến bước chuyển mạnh mẽ sang sử dụng năng lượng sạch. Tiêu thụ than tại Mỹ đạt đỉnh vào năm 2011, nhưng liên tục giảm kể từ đó, do các nhà máy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch và khí gas thiên nhiên.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, nhiệt điện than đã giảm 16% trong năm 2019, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1976. Trong khi đó, tỷ trọng khí gas thiên nhiên và năng lượng gió đã đạt mức cao kỷ lục.

EIA dự báo, tiêu dùng năng lượng từ than sẽ giảm 25%, năng lượng tái tạo tăng 11% trong năm 2020. Trong tháng 4-2020, Mỹ sản xuất điện từ các nguồn năng lượng sạch nhiều hơn từ than.

Chính quyền Tổng thống Trump hôm 11-5 thông qua dự án năng lượng mặt trời lớn nhất lịch sử mang tên Gemini Solar, được xây dựng tại bang Nevada. Dự án trị giá 1 tỉ USD được tài trợ bởi “đế chế” Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett, có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 260.000 hộ dân tại Las Vegas và Nam California.

Ngoài ra, ngành dầu đá phiến Mỹ cũng góp phần đẩy ngành than vào sự “suy tàn” với lượng lớn khí gas và dầu được khai thác. Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của ngành dầu đá phiến khiến cho lượng khí thải metan tăng nhanh, đe dọa nghiêm trọng môi trường.

Bình An

https://petrotimes.vn/my-hut-hoi-trong-cuoc-dua-nang-luong-sach-572053.html

Portfolio Items