Posts

THƯ MỜI THAM GIA KHẢO SÁT “HIỆN TRẠNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRONG NGÀNH DỆT MAY”

Kính gửi: Quý Doanh nghiệp 

Lời đầu tiên, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) xin gửi đến  Quý Doanh nghiệp lời chào trân trọng nhất.

VNCPC là đơn vị tư vấn thuộc BK Holdings (Đại học Bách khoa Hà Nội) và là thành viên chính thức của mạng lưới toàn cầu về Sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP-net) của UNIDO – UNEP.

Căn cứ Quyết định số 1384 QĐ-VP ngày 01/10/2024 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Xây dựng Tài liệu Hướng dẫn Thực hiện Mô hình Kinh tế tuần hoàn cho Chất thải rắn ngành Dệt May” thuộc Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Vụ tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững đã giao cho VNCPC thực hiện nhiệm vụ trên.

Mục tiêu của nhiệm vụ là hỗ trợ các doanh nghiệp Dệt May áp dụng hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Nhằm thu thập số liệu để đánh giá đúng và đầy đủ về hiện trạng chất thải rắn trong ngành Dệt May, trên cơ sở đó xây dựng Tài liệu Hướng dẫn Thực hiện Mô hình Kinh tế tuần hoàn cho Chất thải rắn ngành Dệt May, VNCPC kính mong Quý Doanh nghiệp  tham gia cung cấp thông tin trong: “Khảo sát về hiện trạng quản lý chất thải rắn trong ngành Dệt May” tại đây.

Chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác từ Quý Doanh nghiệp trong khảo sát này. Những thông tin và đóng góp của Quý Doanh nghiệp sẽ giúp chúng tôi xây dựng và hoàn thiện tài liệu  hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp trong quản lý chất thải một cách hiệu quả nhất.

Sau khi hoàn thành Tài liệu Hướng dẫn về Mô hình Kinh tế tuần hoàn cho Chất thải rắn ngành Dệt May, chúng tôi trân trọng kính mời Quý Doanh nghiệp tham gia Hội thảo giới thiệu và triển khai tài liệu hướng dẫn. Hội thảo sẽ là dịp để Quý Doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia trong  ngành.

Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm và tham gia của Quý Doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn!

Để biết thêm thông tin xin vui lòng liên hệ:

Cán bộ hỗ trợ: Lê Văn Tùng, email: [email protected], di động: 0971.318.892.

Cần thêm lực đẩy cho sản xuất và tiêu dùng bền vững

Theo TS. Lê Xuân Thịnh, hiện doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang thiếu “lực đẩy và lực kéo” để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững một cách hiệu quả.

Doanh nghiệp cần cả “lực đẩy và lực kéo”

Là Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), TS. Lê Xuân Thịnh cho biết sau hơn 20 năm chương trình sản xuất sạch hơn hiện diện tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã được thụ hưởng và có những chuyển biến rõ nét.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần cả “lực đẩy và lực kéo” để có thể thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, kinh tế tuần hoàn một cách thực chất, hiệu quả và bền vững.


TS. Lê Xuân Thịnh trình bày điển hình sản xuất sạch hơn tại một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp do VNCPC tư vấn (Ảnh: Thu Hường)

Chia sẻ bên lề Hội nghị Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 19/9 vừa qua, TS. Lê Xuân Thịnh khẳng định: Nhận thức của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hiện nay khá rõ nét và đầy đủ.

Sau hơn 20 năm Việt Nam thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn mà hiện nay chuyển thành Sản xuất và tiêu dùng bền vững, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các chương trình hỗ trợ của Quốc gia thông qua Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (2009), Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững 2021-2030 cũng đã phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực rất lớn cho các doanh nghiệp, việc nhận thức của doanh nghiệp hiện nay tương đối tốt.

“Đặc biệt là với sức ép của các nhãn hàng, người tiêu dùng, sự cạnh tranh của thị trường quốc tế, các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí tối đa mới có thể cạnh tranh, do đó nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn”- TS. Thịnh khẳng định.

Tuy nhiên cũng theo Giám đốc VNCPC, từ việc nhận thức sang thực hiện của doanh nghiệp còn có một khoảng cách rất lớn.

TS. Thịnh cho rằng, đội ngũ kỹ thuật để thực hiện ở dưới các doanh nghiệp luôn bị dịch chuyển, nghĩa là sau đào tạo họ chỉ làm ở doanh nghiệp một thời gian lại dịch chuyển sang doanh nghiệp khác, và doanh nghiệp phải bắt đầu lại từ đầu.

Bên cạnh đó, việc quyết liệt thực hiện giao nhiệm vụ từ lãnh đạo doanh nghiệp xuống cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật cũng chưa được quyết liệt, khiến cho công tác trình các kế hoạch thực hiện từ đội ngũ cán bộ kỹ thuật lên lãnh đạo nhà máy còn có độ trễ, dẫn đến nhiều cán bộ kỹ thuật không hào hứng trong thực hiện.

Ngoài ra, nhiều mô hình trình diễn đang thiếu, đặc biệt là ở một số ngành, từ việc phổ biến thông tin đến ngành đó còn chưa đầy đủ, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong quá trình thực hiện.

Hiện nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ lộ trình chuyển đổi xanh, sản xuất sạch, kinh tế tuần hoàn là con đường đi tất yếu phải thực hiện. Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, nếu Nhà nước tiếp tục có các chương trình hỗ trợ về truyền thông, tư vấn, xây dựng mô hình mẫu… chắc chắn các doanh nghiệp sẽ triển khai nhanh và hiệu quả hơn.

“Để triển khai hiệu quả, phải vừa đẩy và kéo. Cụ thể “đẩy” ở đây phải có các mô hình trình diễn, có các hỗ trợ để doanh nghiệp lên một tầm cao mới. Bên cạnh đó, cần có các tiêu chí thế nào là phát triển bền vững? thế nào sinh thái? thế nào là doanh nghiệp xanh? hiện chúng ta còn thiếu nhiều các tiêu chí, việc nhận diện các tiêu chí đó còn đang rất khó khăn, người tiêu dùng không biết các sản phẩm này xanh hay không xanh. Nên phải bằng nhãn mà nhãn xanh hiện nay mới chỉ có ở các sản phẩm thuộc Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, còn các nhãn khác đang vướng mắc”- TS. Lê Xuân Thịnh nhấn mạnh.

Cần thêm lực đẩy cho sản xuất và tiêu dùng bền vững

Cao su Đà Nẵng giới thiệu các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng tại Triển lãm sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiết kiệm năng lượng trong khuôn khổ hội nghị SCP Quốc gia vào ngày 19/9 tại Đà Nẵng (Ảnh: Thu Hường)

Còn việc “kéo”, là phải gỡ bỏ các rào cản về khuôn khổ pháp lý, Luật đã có đã quy định nhưng chúng ta phải xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn,… hiện các văn bản này đang thiếu.

Giám đốc VNCPC khẳng định: “Doanh nghiệp khi thực hiện họ phải biết được việc họ đang làm theo hướng dẫn của Nghị định, Thông tư nào hay Chỉ thị nào… đây là vấn đề mà doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc”.

TS. Thịnh lấy ví dụ thực tế mà doanh nghiệp đã gặp phải khi thực hiện tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng ngay trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị vướng về Báo cáo môi trường, xin cấp lại giấy phép môi trường…, Từ đó, ông cho rằng, khi thực hiện tuần hoàn như vậy sẽ thay đổi thành phần chất thải, chất thải sẽ giảm đi, việc đó phải có hướng dẫn cho doanh nghiệp và giảm thiểu thủ tục cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp cấp lại giấy phép môi trường dễ dàng nhanh chóng chứ không phải cấp mới như hiện nay.

Doanh nghiệp phải coi phát triển bền vững là lợi ích “sát sườn”

Hiện còn nhiều doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch và báo cáo phát triển bền vững (ESG) mang tính chất đối phó, chỉ để làm “thương hiệu, tuyên truyền”.

Để hoạt động này được doanh nghiệp tuân thủ và đi vào thực chất, theo TS. Lê Xuân Thịnh, chỉ khi doanh nghiệp nhận rõ lợi ích thiết thực từ các hoạt động trên thì họ mới làm thực chất. Do đó, phải cho doanh nghiệp thấy họ đang đứng ở đâu trong quá trình phát triển bền vững và việc phát triển bền vững giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, được thị trường thừa nhận, khách hàng nhiều hơn thì lúc đó doanh nghiệp sẽ thay đổi cách làm.

Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, trong những năm qua, VNCPC đã tham gia tư vẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho hàng trăm doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam về các giải pháp thực hiện sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn.

Trong đó có thể kể đến các giải pháp trong lĩnh vực sản xuất da giày, VNCPC đã tư vấn một doanh nghiệp sử dụng nước cấp 4.000m3/tháng, sau khi được xử lý nước đạt tiêu chuẩn, doanh nghiệp không xả ra môi trường mà tái sử dụng cho hoạt động vệ sinh của doanh nghiệp, nhờ đó doanh nghiệp đã tiết kiệm được 44,2 triệu đồng/tháng.

Hay đối với công ty dệt nhuộm, thông qua giải pháp đầu tư hệ thống RO để tái sử dụng nước, chất lượng nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn nước thải loại A. Theo đó với công suất 5.000m3/ngày đêm, chi phí đầu tư 20,5 tỷ đồng, chi phí vận hành 9,5 tỷ đồng. Với việc tuần hoàn sử dụng nước thải sau khi được xử lý đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí mua nước và chi phí xả thải lên đến 14,4 tỷ đồng/năm.


Mô hình sản xuất bia, rượu có thể áp dụng giải pháp thu hồi khí CO2, tuần hoàn nước làm mát nhằm thực hiện sản xuất sạch hơn (Ảnh minh họa: Thu Hường)

Đối với mô hình sản xuất bia, với công suất nhà máy 24 triệu lít bia/năm, khí biogas sinh ra từ hệ thống xử lý nước thải 4.800m3/ngày, chi phí đầu tư 2,6 tỷ đồng, chi phí vận hành 616 triệu đồng, nhờ tái sử dụng nước thải và thu hồi khí biogas phục vụ cho lò hơi (lò hơi trước đó sử dụng sinh khối) đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí nước và năng lượng là 5,39 tỷ đồng, như vậy thời gian hoàn vốn của doanh nghiệp chỉ có 3 tháng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đã giảm tiêu thụ sinh khối với tỷ lệ 33% ( củi và trấu), qua đó giảm phát thải khí nhà kính là 17.044 tấn CO2.

Ông Lê Xuân Thịnh chia sẻ, với mô hình sản xuất bia, rượu thì giải pháp thu hồi khí CO2, tuần hoàn nước làm mát và ép vắt bã làm thức ăn gia súc sẽ mang lại hiệu quả rất lớn về môi trường, kinh tế và xã hội.

Tương tự như vậy trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn, doanh nghiệp có thể sử dụng bã sắn, vỏ sắn để sản xuất phân vi sinh, thu hồi khí đốt để thay thế than, ép vắt bã làm thức ăn gia súc; hoặc đối với ngành mía đường doanh nghiệp có thể đầu tư hệ thống phát điện đồng phát từ bã mía, xây dựng hệ thống làm mát để tuần hoàn tái sử dụng, hơi dùng sấy đường, điện chạy nhà máy và hoàn toàn có thể đăng ký cơ chế phát triển sạch (CDM), bùn thải từ sản xuất mía đường có thể sản xuất phân vi sinh, bán CO2 để giảm thời gian hoàn vốn đầu tư.

“Như vậy, chỉ khi có những mô hình cụ thể, lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường cụ thể thì doanh nghiệp mới thực hiện và triển khai một cách thực chất, mang lại hiệu quả cao thay vì chỉ làm đối phó như hiện nay nhiều doanh nghiệp đang làm. Tất nhiên, để làm được điều đó đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự trợ lực từ Nhà nước”- TS. Thịnh khẳng định.

Thu Hường
https://congthuong.vn/can-them-luc-day-cho-san-xuat-va-tieu-dung-ben-vung-347594.html

VNCPC đào tạo nâng cao kiến thức về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững khu vực phía Nam

Trong 2 ngày 16-17/11/2023, khóa đào tạo về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững khu vực phía Nam được tổ chức tại Tp.HCM. Khóa đào tạo thuộc Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp cũng Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) thực hiện.

Học viên tham gia khóa học là các cán bộ thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp trực thuộc Sở Công Thương cùng các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững khu vực phía Nam.

Ông Cù Huy Quang – Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: Ngoài tập huấn những kiến thức cơ bản để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững, khóa đào tạo còn góp phần tạo ra mạng lưới chuyên gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững khu vực phía Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi nhanh hơn.

Học viên tham gia khóa đào tạo chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên và ban tổ chức.

Theo đó, nội dung của khóa đào tạo đã tập trung vào các nội dung chính bao gồm: Chủ đề Sản xuất bền vững với trọng tâm là: Sử dụng năng lượng, nước, vật liệu tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng hóa chất an toàn và hiệu quả, hướng dẫn sử dụng các công cụ tính toán trong kiểm toán năng lượng…; Kinh tế tuần hoàn; Chủ đề quản lý tài nguyên bền vững; Chủ đề phân phối bền vững và chủ đề tiêu dùng bền vững. Các nội dung được trình bày bởi các chuyên gia đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân cùng các chuyên gia cao cấp của VNCPC.

 “Sau khi tham gia khoá đào tạo này, học viên sẽ được cấp chứng chỉ từ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Đây cũng là tiền đề để Vụ có thể xây dựng và mở rộng mạng lưới về sản xuất tiêu dùng bền vững trên khắp cả nước”, ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC cho biết thêm.

Trước đó, khóa đào tạo đã được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 21-22/9, tại Đà Nẵng vào ngày 12-13/10.

Một số hình ảnh về khóa đào tạo tại Tp.HCM

Ông Cù Huy Quang – Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững phát biểu khai mạc khóa đào tạo.

Ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC giới thiệu về chương trình đào tạo.

Ông Đinh Mạnh Thắng chuyên gia cao cấp về Sử dụng hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) trình bày về Chủ đề Sản xuất bền vững.

Thạc sỹ Bùi Thanh Hùng- Giảng viên đại học Bách khoa Hà Nội trình bày về phần Nhiệt năng.

Học viên tham gia phần trò chơi và nhận phần thưởng từ ban tổ chức.

VNCPC

 

VNCPC thực hiện khóa đào tạo về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững tại Đà Nẵng

Trong 2 ngày (12-13/10/2023), tại Đà Nẵng, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tiếp tục phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) tổ chức khoá đào tạo cơ bản về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững.
Đây là khóa đào tạo thuộc chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Khóa đào tạo có sự tham gia của 20 cán bộ, đại diện cho các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp, các đơn vị tư vấn và đơn vị liên quan thuộc các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Học viên tham gia khóa đào tạo Sản xuất và Tiêu dùng bền vững chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên.
Nội dung chính của khóa đào tạo tập trung vào: Chủ đề Sản xuất bền vững với trọng tâm là: Sử dụng năng lượng, nước, vật liệu tiết kiệm và hiệu quả, Sử dụng hóa chất an toàn và hiệu quả, Hướng dẫn sử dụng các công cụ tính toán trong kiểm toán năng lượng…, Kinh tế tuần hoàn; Chủ đề Quản lý tài nguyên bền vững; Chủ đề Phân phối bền vững và Chủ đề Tiêu dùng bền vững.
Một số hình ảnh về khóa đào tạo Sản xuất và Tiêu dùng bền vững tại Đà Nẵng.
Sau khi tham gia khoá đào tạo, các học viên sẽ được cấp chứng nhận từ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Đây chính là cơ sở để Bộ Công Thương xây dựng và mở rộng mạng lưới chuyên gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững trên khắp cả nước.
Trước đó, khóa đào về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ đã diễn ra tại Hà Nội vào ngày 21-22/09/2023. Khóa đào tạo khu vực miền Nam sẽ diễn ra vào 16-17/11/2023, tại Tp. HCM.
VNCPC

Sắp diễn ra Khóa đào tạo về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên

Thực hiện nhiệm vụ năm 2023 thuộc Chương trình Hành động Quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương phối hợp với Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức khóa đào tạo cơ bản về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững cho cán bộ thuộc Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp các tỉnh, thành phố; các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, cụ thể như sau:

  • Thời gian: Ngày 12 – 13/10/2023
  • Địa điểm: Khách sạn Eden Đà Nẵng, Số 294 Võ Nguyên Giáp, Bắc Phú Mỹ, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
  • Chi phí đi lại, ăn ở của học viên do đơn vị cử người hoặc do học viên tự chi trả.

Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững đề nghị Quý cơ quan, đơn vị cử người tham dự khóa đào tạo. Để thuận tiện cho quá trình tổ chức, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững  đề nghị cơ quan, đơn vị gửi đăng ký về Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững, số 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội trước ngày 06/10/2023 hoặc theo đường link sau: https://vncpc.org/dang-ky-dao-tao-kv3

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ cán bộ hỗ trợ: Ông Lê Văn Tùng, Email: [email protected], SĐT: 0971318892./.

VNCPC

VNCPC phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức khoá đào tạo về sản xuất và tiêu dùng bền vững

Trong 2 ngày (21-22/9/2023), tại Hà Nội, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức khóa đào tạo cơ bản về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SXTDBV) cho cán bộ thuộc Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công các tỉnh, thành phố cùng các cá nhân, đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực SXTDBV.

Khoá tập huấn có sự tham gia của hơn 40 đại biểu đại diện cho các Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công, các đơn vị tư vấn và đơn vị liên quan, đến từ hơn 20 tỉnh thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Phát biểu tạo buổi khai mạc, ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng SXTDBV nhấn mạnh: Ngoài tập huấn những kiến thức cơ bản, những kỹ năng, những giải pháp để góp phần thúc đẩy SXTDBV, khoá đào tạo còn góp phần tạo ra mạng lưới chuyên gia về SXTDBV khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ, để cùng nhau hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi nhanh hơn.

Ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững nhấn mạnh vai trò của khoá đào tạo.

Theo đó, nội dung của khóa đào tạo đã tập trung vào các nội dung chính bao gồm: Chủ đề Sản xuất bền vững với trọng tâm là: Sử dụng Năng lượng, nước, vật liệu tiết kiệm và hiệu quả, Sử dụng hóa chất an toàn và hiệu quả, Hướng dẫn sử dụng các công cụ tính toán trong kiểm toán năng lượng…, Kinh tế tuần hoàn; Chủ đề Quản lý tài nguyên bền vững; Chủ đề Phân phối bền vững và Chủ đề Tiêu dùng bền vững, với sự trình bày của các chuyên gia đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân cùng các chuyên gia cao cấp của VNCPC.

Ngoài các nội dung trên, khóa đào tạo còn được thiết kế với các trò chơi, bài tập tương tác, tổng hợp kiến thức để tăng sự thu hút đối với học viên. Khóa học cũng đã nhận được sự đánh giá cao từ phía các học viên.

Ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc VNCPC phát biểu tại buổi đào tạo.

Ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC cho biết: Chương trình đào tạo 2 ngày tại miền Bắc là khoá đào tạo đầu tiên được tổ chức đầu tiên trong năm 2023. Tiếp nối chương trình này, các khóa đào tạo sẽ được thực hiện tại khu vực miền Trung và khu vực phía Nam trong tháng 10 và tháng 11.

Sau khi tham gia khoá đào tạo, các đại biểu sẽ được cấp chứng nhận từ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Đây cũng là tiền đề để Bộ Công Thương xây dựng và mở rộng mạng lưới về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên khắp cả nước.

Một số hình ảnh về khóa đào tạo:

VNCPC