Posts

Biến rác thải nhựa thành hương vanni tổng hợp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu. Để hạn chế tình trạng này, các nhà khoa học đã tìm ra cách chuyển rác thải nhựa thành hương vani một cách nhanh chóng.

Ngày nay, vani có mặt ở khắp các ngóc ngách của cuộc sống, đặc biệt là trong nhiều loại thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm vệ sinh và cả thuốc diệt cỏ… Nhu cầu sử dụng vani đang gia tăng một cách chóng mặt.

Theo nghiên cứu được công bố ngày 10 tháng 6 trên tạp chí Green Chemistry, vào năm 2018, lượng vani tiêu thụ trên toàn cầu là khoảng 40.800 tấn (37.000 tấn) và dự kiến ​​sẽ tăng lên 65.000 tấn (59.000 tấn) vào năm 2025. Với số liệu này dẫn tới tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng giữa nhu cầu sử dụng vani và nguồn nguyên liệu cung cấp. Do vậy, các nhà khoa học phải tìm ra phương pháp sản xuất vani mới.

Các thí nghiệm gần đây đã giúp các nhà nghiên cứu phát hiện ra chất thải nhựa là tiềm năng lớn trong việc sản xuất vani tổng hợp. Bằng cách chuyển đổi chất thải nhựa thành vani, các nhà khoa học đã thành công trong giải quyết nhu cầu sử dụng vani đồng thời giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên toàn cầu.


Nghiên cứu biến rác thải nhựa thành hương vani tổng hợp. Ảnh minh họa

Các chai nhựa làm từ polyethylene terephthalate sẽ được phân hủy thành các tiểu đơn vị cơ bản gọi là axit terephthalic. Hai nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh ở Scotland đã sử dụng vi khuẩn biến đổi gen E. coli để chuyển đổi từ axit terephthalic thành vani. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra cấu trúc hóa học tương tự của Axit terephthalic và vani, vì thế, họ trộn vi khuẩn biến đổi gen vào axit terephthalic và ủ chúng ở 98,6 độ F (37 độ C) trong một ngày. Kết quả thu lại thật sự đáng ngạc nhiên khi có đến 79% axit terephthalic được chuyển đổi thành vani.

Nghiên cứu này đã mang lại một cuộc cách mạng mới trong công nghệ thực phẩm đồng thời đó cũng là bước đột phá trong vấn đề xử lý rác thải toàn cầu khi: “Khủng hoảng rác thải nhựa đã được công nhận là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất mà hành tinh của chúng ta phải đối mặt trong thời điểm này. Khoảng 1 triệu chai nhựa được bán ra mỗi phút trên khắp thế giới và chỉ 14% được tái chế. Những thứ được tái chế chỉ mới dừng lại ở việc chế tạo thành quần áo hoặc thảm công nghiệp…”. Vì vậy, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ sớm cải thiện nguồn vi khuẩn biến đổi gen có lợi để chuyển đổi được nhiều axit terephthalic thành vani hơn trong tương lai.

Nói tới rác thải nhựa, các nhà nghiên cứu môi trường cũng cho biết, rác thải nhựa rất khó bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Mỗi loại chất nhựa có số năm phân huỷ khác nhau với thời gian rất dài, hàng trăm năm có khi tới hàng nghìn năm. Đơn cử chai nhựa phân hủy sau 450 năm – 1000 năm; ống hút, nắp chai sẽ phân hủy sau 100 năm – 500 năm; bàn chải đánh răng phân hủy sau 500 năm…

Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước: Khi đốt rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí, ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư. Các loài động vật khi ăn phải rác thải nhựa có thể chết, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh thái.

Khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất. Rác thải nhựa gây ra tình trạng “ô nhiễm trắng” tại các điểm du lịch, ảnh hưởng đến không gian nghỉ ngơi và thư giãn của con người…

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/chuyen-doi-rac-thai-nhua-thanh-huong-vanni-tong-hop-d189662.html

Indonesia gửi trả chất thải độc hại về Australia, New Zealand, Anh, Mỹ

Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu tập đại sứ của 4 nước Australia, New Zealand, Anh, Mỹ để thông báo kế hoạch gửi trả lại các nước này 79 container chứa chất thải độc hại.

Chính phủ Indonesia mới đây tuyên bố sẽ gửi trả 79 container chất thải độc hại về Australia, New Zealand, Anh và Mỹ bắt đầu từ tháng 1/2021.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong một thông cáo ra ngày 24/12, Bộ Ngoại giao Indonesia (Kemlu) cho biết đã triệu tập đại sứ của 4 nước trên vào ngày 23/12 để thông báo về kế hoạch gửi trả rác thải.

Nhân viên Hải quan Indonesia kiểm tra container chứa rác thải nhựa tại cảng Batu Ampar ở Batam, ngày 15/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng vụ trưởng Vụ Mỹ và châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Ngurah Swajaya khẳng định biện pháp này phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới và việc tiêu hủy các phế thải nguy hiểm.

Công ước này nhằm giảm các hoạt động vận chuyển các chất thải độc hại giữa các quốc gia, đặc biệt là từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển hơn.

Thông cáo của Kemlu dẫn lời ông Ngurah nêu rõ: “Theo Công ước Basel, hàng nhập khẩu có chứa chất thải độc hại là không được phép và Chính phủ Indonesia sẽ gửi trả về nước xuất xứ.”

Nguồn gốc của 79 container nói trên đã được nhiều cơ quan chính phủ gồm Bộ Môi trường và Lâm nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính và Cảnh sát quốc gia xác minh.

Tổng vụ trưởng Ngurah cho biết thêm những container này nằm trong tổng số 107 container đã bị lực lượng chức năng Indonesia thu giữ vì có chứa các chất thải nguy hại và 28 container còn lại sẽ tiếp tục được kiểm tra.

Số container nói trên bị thu giữ năm 2019 trong bối cảnh Indonesia và các nước Đông Nam Á khác đang đối mặt với sự gia tăng mạnh các lô hàng chứa chất thải nhựa từ các nước phát triển sau khi Trung Quốc quyết định cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu.

Các loại rác thải không nguy hại, trong đó chủ yếu là giấy vụn sạch, đã được các công ty tái chế giấy ở Indonesia sử dụng.

Tuy nhiên, hầu hết trong số 107 container nói trên được xác định là có chứa các chất thải gây nguy hại như tã giấy và đồ nhựa./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/indonesia-gui-tra-chat-thai-doc-hai-ve-australia-new-zealand-anh-my/686284.vnp

Siêu enzym “ăn nhựa” – Bước tiến vượt bậc trong khủng hoảng ô nhiễm rác thải nhựa

Các nhà khoa học hy vọng rằng với siêu enzym “ăn nhựa” có thể là bước tiến quan trọng trong việc tìm kiếm các giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm.

Rác thải nhựa đã làm ô nhiễm toàn bộ hành tinh, từ Bắc Cực đến các đại dương sâu nhất và con người hiện đang phải tiêu thụ, hít thở các hạt vi nhựa. Hiện tại, rất khó phân hủy chai nhựa cũ thành các thành phần hóa học để tái chế chai nhựa mới, vì thế mỗi năm sẽ có thêm nhiều sản phẩm nhựa mới được tạo ra từ dầu mỏ.

Các nhà khoa học đã tạo ra một loại siêu vi khuẩn enzyme phân hủy chai nhựa nhanh hơn sáu lần so với nghiên cứu trước đây được công bố vào năm 2018. Cả hai nghiên cứu này đều dựa trên phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản về enzyme ăn nhựa cách đây bốn năm.


Siêu enzyme bao gồm enzyme MHETase và PETase (tương ứng màu đỏ và xanh lam). Ảnh: Aaron McGeehan.

Protein tăng cường được tạo thành từ hai loại enzyme sản xuất bởi một loại vi khuẩn ăn chai nhựa, được gọi là Ideonella sakaiensis.

Giáo sư John McGeehan, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Enzyme (CEI), Đại học Portsmouth (Anh) cho biết: “Không giống như tiêu hủy tự nhiên có thể mất hàng trăm năm, siêu vi khuẩn enzyme có thể chuyển nhựa trở lại vật liệu ban đầu của nó hoặc khối xây dựng chỉ trong vài ngày”.

Ông chia sẻ với hãng thông tấn PA: “Hiện tại, chúng tôi lấy những khối xây dựng đó từ các nguồn tài nguyên hóa thạch như dầu và khí đốt. Tuy chúng thực sự không bền vững nhưng nếu chúng ta có thể thêm enzym vào nhựa phế thải, chúng ta có thể bắt đầu phân hủy nó sau vài ngày”.

Quá trình này cũng cho phép nhựa được sản xuất và tái sử dụng vô tận, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên hóa thạch.

Vào năm 2018, Giáo sư McGeehan và nhóm của ông tình cờ phát hiện ra rằng một phiên bản được thiết kế của một trong những enzym, được gọi là PETase, có thể phân hủy nhựa trong vài ngày.

Là một phần của nghiên cứu hiện tại, được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, nhóm nghiên cứu đã trộn PETase với enzym thứ hai, được gọi là MHETase và phát hiện ra “sự phân hủy của các chai nhựa tăng gấp đôi theo nghĩa đen”.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã kết nối hai enzyme với nhau trong phòng thí nghiệm, giống như “hai Pac-man nối với nhau bằng một đoạn dây”, sử dụng kỹ thuật di truyền.

Giáo sư McGeehan, một trong những tác giả của nghiên cứu nói rằng, điều này cho phép tạo ra một siêu enzyme nhanh hơn sáu lần so với enzyme PETase ban đầu – Đây là bước nhảy vọt đáng kể vì nhựa đang nằm dưới đại dương của chúng ta ngày nay sẽ mất hàng trăm năm để phân hủy tự nhiên.

Hà My
http://vietq.vn/sieu-enzym-an-nhua—buoc-tien-vuot-bac-trong-khung-hoang-o-nhiem-s30-d179016.html

Thái Lan cấm túi nhựa dùng một lần

Thái Lan bắt đầu cấm túi nhựa dùng một lần tại các cửa hàng lớn từ ngày 1/1 để giảm rác thải xả ra biển.

Lệnh cấm là một phần của chiến dịch do chính phủ và các nhà bán lẻ khởi xướng. Thái Lan sẽ cấm hoàn toàn túi nhựa dùng một lần vào năm 2021.


Một người cầm túi nhựa ở Bangkok. Ảnh: Bangkok Post.

“Thái Lan đứng thứ sáu trong số các quốc gia xả rác ra biển nhiều nhất”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-Archa nói với phóng viên ngày 1/1 tại Bangkok. “Trong 5 tháng qua, chúng ta đã đứng thứ mười, nhờ sự hợp tác của người dân Thái Lan”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nước này năm ngoái giảm sử dụng hai tỷ túi nhựa, tương đương khoảng 5.765 tấn, sau khi khuyến khích người tiêu dùng từ chối nhận túi nhựa tại các cửa hàng. “Ban đầu tôi không quen việc mang theo túi khi đi mua sắm vì đôi khi tôi quên mất. Nếu nhớ, tôi sẽ mang theo”, Supanee Burut-thong, một người mua hàng, nói.

Công chúng Thái Lan năm ngoái gia tăng chú ý đến vấn đề rác thải gây ra nguy cơ cho động vật và môi trường sau khi phát hiện nhựa trong hệ thống tiêu hóa của một con nai và một con cá cúi chết.

Varawut cho biết khía cạnh thách thức nhất là 40% túi nhựa của Thái Lan được sử dụng tại các chợ rau và khu vực nông thôn. “Sẽ không dễ dàng thay đổi cách suy nghĩ và hành vi của những người này”, ông nói.

Theo VNE

https://petrotimes.vn/thai-lan-cam-tui-nhua-dung-mot-lan-560167.html

Australia phát triển công nghệ mới tái chế các loại rác thải nhựa

Không giống như phương thức tái chế vật lý truyền thống, công nghệ mới không yêu cầu phải phân tách nhựa theo loại và màu sắc mà có thể tái chế mọi thứ, từ hộp sữa, đồ lặn, thậm chí cả phụ phẩm gỗ.

Các nhà khoa học Australia đang nghiên cứu phát triển một công nghệ mới hướng tới việc có thể tái chế tất cả các loại nhựa để giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải hiện nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, công nghệ mới này đã được cấp bằng sáng chế và là kết quả hợp tác nghiên cứu của Tiến sỹ Len Humphreys, đồng sáng lập và giám đốc điều hành công ty Licella, cùng Giáo sư Thomas Maschmeyer thuộc Đại học Sydney.

Công nghệ này được kỳ vọng có thể xử lý hầu hết các loại rác thải nhựa hiện đang không thể tái chế.

Các tác giả của công nghệ mới này cho biết, cơ chế hoạt động của công nghệ mới là chuyển đổi các loại rác thải nhựa thành chất lỏng hoặc hóa chất hình thành nên chất liệu đó.

Công nghệ này sử dụng lò phản ứng thủy nhiệt xúc tác (Cat-HTR) xử lý các loại rác thải nhựa thông qua một hình thức tái chế hóa học làm thay đổi nhựa ở cấp độ phân tử, sử dụng nước nóng ở áp suất cao để biến chúng trở lại thành dầu. Từ đó, dầu có thể biến thành hóa chất bitumen, xăng hoặc các loại nhựa khác.

Tiến sỹ Humphreys cho biết công nghệ Cat-HTR đã được cấp bằng sáng chế khác với các công nghệ nhựa-dầu hiện có như nhiệt phân.

Không giống như phương thức tái chế vật lý truyền thống, công nghệ mới không yêu cầu phải phân tách nhựa theo loại và màu sắc mà có thể tái chế mọi thứ, từ hộp sữa đến đồ lặn và thậm chí cả các phụ phẩm gỗ.

Công nghệ này đã được công ty Licella thử nghiệm trong gần 10 năm qua tại một nhà máy thí điểm ở một bờ biển tại bang New South Wales và đã sẵn sàng được đưa ra thương mại hóa.

Hiện, công ty Licella đang triển khai mở nhà máy tái chế thương mại đầu tiên theo công nghệ mới tại Vương quốc Anh.

Ông Humphreys cho biết Chính phủ Anh có chính sách tài trợ và môi trường phát triển thuận lợi hơn nhiều so với ở Australia.

Thông tin từ công ty Licella cho biết với công nghệ mới, một cơ sở thương mại có thể xử lý khoảng 20.000 tấn nhựa mỗi năm.

Công nghệ mới được các chuyên gia đánh giá cao và Bộ trưởng Môi trường Australia Sussan Ley cũng cho biết chính phủ đang đàm phán với công ty Licella để có thể hỗ trợ phát triển công nghệ tái chế mới này tại Australia.

Trung bình, người dân Australia thải ra khoảng 3,5 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, nhưng hiện tại chỉ có khoảng 10% trong số đó được tái chế. Phần còn lại thường được xử lý bằng cách chôn xuống đất, đốt cháy hoặc vận chuyển ra nước ngoài./.

Hoàng Linh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/australia-phat-trien-cong-nghe-moi-tai-che-cac-loai-rac-thai-nhua/608525.vnp

VNCPC “chung tay” chống rác thải nhựa

Nhằm góp phần giảm thiểu việc sử dụng túi nylon và đồ nhựa dùng một lần, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã nhận lời mời của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp Hà Nội (IDC) triển khai các chương trình truyền thông về tác hại của rác thải nhựa tới cộng đồng, tại các địa bàn khác nhau trong thành phố Hà Nội.

Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nylon hiện nay rất nghiêm trọng. Chất thải nhựa và túi nylon ở Việt Nam chiếm khoảng 8-12% lượng chất thải rắn sinh hoạt.

Nếu lấy con số trung bình là 10% thì lượng chất thải nhựa và túi nylon bị thải bỏ, không được tái chế ở Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. Đây thực sự là “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến nguy cơ các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.

Theo đó, cán bộ của VNCPC đã liên tục truyền thông tới các cán bộ quản lý nhà nước; tổ trưởng các tổ dân phố, hội phụ nữ phường và các hội viên; chủ các cửa hàng kinh doanh, siêu thị tại phường Quang Trung (quận Hà Đông) và phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) về tác hại của rác thải nhựa khi không được thu gom và tái chế đúng cách.

Nghiêm trọng hơn là vấn đề hạt vi nhựa – những mẫu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm – được sinh ra chủ yếu do sự phân hủy rác thải nhựa. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hạt vi nhựa ở trong không khí, đất, sông hồ và cả những vùng biển sâu nhất trên thế giới.

Các hạt vi nhựa cũng được tìm thấy trong nước máy, nước đóng chai, hải sản và bia. Chúng cũng được tìm thấy trong các mẫu phân người lần đầu vào tháng 10/2018 – bằng chứng cho thấy con người đã ăn phải hạt vi nhựa.

Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Mới đây nhất, các nhà khoa học phát hiện các hạt nhựa siêu nhỏ có thể xâm nhập vào mạch máu, hệ bạch huyết, thậm chí tới gan. Điều đáng nói là cứ một hạt vi nhựa vỡ ra, nó sẽ sản sinh ra rất nhiều chất độc gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe con người. Khi đó, chúng ta có thể bị mất cân bằng hormone dẫn đến các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác.


Các buổi tuyên truyền đã nhận được sự hưởng ứng, cũng như nâng cao nhận thức của người dân trong việc chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, VNCPC cũng đã có các buổi chia sẻ về chủ đề: Giải pháp thúc đẩy kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành dệt may và Triển khai mạng lưới kinh doanh xanh trong lĩnh vực phân phối dệt may cho các doanh nghiệp tại Hà Nội.

VNCPC

 

Tham khảo: http://www.monre.gov.vn/Pages/chung-tay-hanh-dong-chong-rac-thai-nhua-vi-mot-viet-nam-xanh.aspx