Posts

Cú hích cho ngành công nghiệp khí hydro của Pháp

Ngày 11/1, chính phủ Pháp thông báo thành lập Hội đồng khí Hydro Quốc gia, bao gồm khoảng 15 nhà sản xuất, chịu trách nhiệm “đóng góp” vào việc phát triển hydro không phát thải carbon ở Pháp.

“Cơ quan này là cầu nối trao đổi giữa nhà nước và các bên liên quan, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp, và đo lường các hành động đã được lên kế hoạch để xác định những trở ngại trong việc phát triển hydro”, Bộ Kinh tế, Chuyển đổi và Nghiên cứu sinh thái Pháp, giải thích.

Hội đồng này sẽ họp trong khuôn khổ của Hội đồng Công nghiệp Quốc gia và sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên trong tháng 1/2021.

Pháp có kế hoạch đầu tư 7 tỷ euro vào năm 2030 nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển của ngành hydro không phát thải carbon, đồng thời giúp ngành công nghiệp và xe tải hạng nặng trở nên ít phát thải hơn.

Theo chính phủ Pháp, mục tiêu của việc thành lập này là đẩy nhanh tốc độ làm chủ công nghệ của chuỗi giá trị và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang quy mô công nghiệp, cho phép giảm chi phí sản xuất.

Khoảng 880.000 tấn hydro công nghiệp đã được sản xuất ở Pháp vào năm 2020 (được sử dụng để lọc dầu hoặc sản xuất phân bón hóa học), nhưng 95% là từ nhiên liệu hóa thạch, theo France Hydrogen. Đến năm 2030, ngành này đặt mục tiêu là 1,35 triệu tấn, cho các mục đích sử dụng mở rộng và 52% trong số đó được sản xuất từ năng lượng tái tạo, thậm chí là năng lượng hạt nhân hoặc hóa thạch có thu giữ carbon.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cu-hich-cho-nganh-cong-nghiep-khi-hydro-cua-phap-594994.html

“Chạy đua” lắp trại điện gió khổng lồ ngoài khơi

Các trang trại điện gió ngoài khơi có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu (Global Warming Potential) rất thấp trên một đơn vị điện năng được tạo ra, tương tự như các trang trại gió trên đất liền. Các dự án gió ngoài khơi cũng có ưu điểm là hạn chế ảnh hưởng của tiếng ồn và cảnh quan so với các dự án trên đất liền.

Theo CNBC, Tập đoàn năng lượng SSE của Anh và đối tác Na Uy là Equinor vừa công bố đã hoàn thành một thỏa thuận tài trợ cho dự án trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới Dogger Bank trị giá 8 tỷ USD.

Trang trại sẽ có tổng công suất 3,6 GW. Hai giai đoạn đầu của trang trại điện gió sẽ được xây dựng đồng thời, mỗi giai đoạn có công suất 1,2 GW. Giai đoạn thứ 3 của dự án đang được phát triển theo một lịch trình khác, dự kiến kết thúc vào cuối năm 2021.

Trang trại điện gió Dogger Bank nằm ở Biển Bắc, ngoài khơi phía đông bắc nước Anh. SSE Renewables sẽ chịu trách nhiệm về giai đoạn xây dựng và Equinor sẽ phụ trách hoạt động.

Tổng cộng 3 giai đoạn được lên kế hoạch từ nay đến năm 2026, khi hoàn thành sẽ tạo ra trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới.

“Chạy đua” lắp trại điện gió khổng lồ ngoài khơi


Mô phỏng turbine gió ngoài khơi của Mỹ.

Các giai đoạn 1 và 2 sẽ sử dụng tuabin Haliade-X 13 MW của hãng GE Renewable Energ, có khả năng cung cấp năng lượng cho 4,5 triệu ngôi nhà ở Anh hằng năm. Công việc xây dựng trên bờ cho dự án đã bắt đầu vào đầu năm nay.

Tháng trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông muốn nước này trở thành nước dẫn đầu thế giới về sản xuất điện sạch chi phí thấp.

Còn tại Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới, công ty Vineyard Wind cũng vừa công bố kế hoạch xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại nước này với những turbine cao tới 260 m.

Trang trại bao gồm hơn 60 turbine gió khổng lồ sẽ được lắp đặt cách bờ biển Martha’s Vineyard ở bang Massachusett khoảng 24 km. Khi vận hành đầy đủ vào năm 2023, cơ sở sẽ tạo ra đủ năng lượng để cung cấp cho 400.000 hộ gia đình ở vùng New England.

Với chiều cao lên tới 260 m, mỗi turbine Haliade-X của hãng GE Renewable Energy có công suất thiết kế lên tới 13 MW, mạnh mẽ đến mức một vòng quay của cánh quạt có thể sản xuất đủ điện cho một hộ gia đình sử dụng trong 2ngày.

Khi hoạt động hết công suất, trang trại Vineyard Wind với tổng cộng 62 turbine có thể tạo ra 312 MWh điện/ngày.

Dự án trại điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên ở Mỹ của Vineyard Wind còn được kỳ vọng sẽ giúp cắt giảm hơn 1,6 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm, qua đó góp phần đáng kể vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu của Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth).

Vineyard Wind cho biết việc xây dựng trang trại sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2021 với vốn đầu tư lên tới 3 tỷ USD. Công ty ban đầu có kế hoạch lắp đặt 84 turbine gió nhưng sau đó rút xuống còn 62 do một số trở ngại. Mỗi turbine dự kiến được đặt cách nhau ít nhất 1,3 km.

Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã phát triển turbine gió ngoài khơi lớn nhất châu Á tại thành phố Trùng Khánh, phía tây nam nước này. Thiết bị, có tên mã là H210-10MW, do công ty năng lượng HZ Windpower thuộc Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc phát triển, với các turbine gió có đường kính cánh quạt lớn hơn 200 m.

H210-10MW có công suất thiết kế 10 MW. Khi đi vào hoạt động, mỗi turbine ước tính tạo ra sản lượng điện lên tới 40 triệu kWh mỗi năm, cao gấp đôi các mẫu turbine gió hiện nay.

Turbine H210-10MW sẽ được lắp đặt tại các trang trại điện gió ven biển ở tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông.

Trung Quốc hiện là quốc gia đứng đầu thế giới trong việc phát triển điện gió. Năm ngoái, các trang trại điện gió trên cạn và ngoài khơi của nước này cho sản lượng điện lần lượt chiếm 44% và 37% thị trường toàn cầu.

Theo baochinhphu.vn
https://petrotimes.vn/chay-dua-lap-trai-dien-gio-khong-lo-ngoai-khoi-589851.html

Để hydro xanh trở thành nhiên liệu cạnh tranh

Theo đánh giá của S&P Global Ratings, hydro xanh sẽ trở thành nhiên liệu cạnh tranh nếu giảm được 50% chi phí.

Hiện tại, nhu cầu toàn cầu về hydro là 73 triệu tấn. Khoảng 50% được tiêu thụ trong tinh chế, 40% trong sản xuất phân bón.

Chi phí sản xuất hydro phụ thuộc nhiều vào giá khí đốt và các nguồn năng lượng tái tạo. Vào tháng 10/2020, hydro xám tại Vịnh Mexico có giá 1,25 USD/kg, tại California – 2 USD/kg, tại Hà Lan – 1,7 USD/kg, tại Nhật Bản – 2,7 USD/kg. Chi phí cho hydro xanh cao hơn khoảng 0,2 USD/kg.

Chi phí hydro được sản xuất bằng điện phân, dựa trên giá điện giao ngay tại Vịnh Mexico là 2,8 USD/kg, ở California là hơn 4 USD/kg, ở Hà Lan – 4,3 USD/kg, ở Nhật Bản – 5,3 USD/kg.

Để hydro xanh trở thành nhiên liệu cạnh tranh, chi phí sản xuất phải giảm hơn một nửa – ít nhất là xuống còn 2 USD/kg. LCOE giảm 10 USD/MW vào năm 2030 có thể giảm chi phí hydro 0,4-0,5 USD/kg; giảm đơn vị CAPEX mỗi máy điện phân 250 USD/kW làm giảm giá hydro 0,3-0,4 USD/kg; tăng hiệu quả của máy điện phân từ 40% hiện tại lên 50% có thể dẫn đến giảm chi phí hydro 0,2-0,3 USD/kg.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/de-hydro-xanh-tro-thanh-nhien-lieu-canh-tranh-587323.html

Hoa Kỳ tài trợ 36 triệu USD cho “Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam” 

Mới đây, tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được tổ chức tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam – Ann Marie Yastishock đã công bố Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam 2 (V-LEEP 2). Đây là chương trình thực hiện trong 5 năm với ngân sách 36 triệu USD và có mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một hệ thống năng lượng sạch, bảo đảm và theo định hướng thị trường.

Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững

Trong 4 năm qua, Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) hiện đang thực hiện đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam xây dựng chương trình thí điểm cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp cho phép các doanh nghiệp có thể trực tiếp mua năng lượng sạch từ các nhà sản xuất điện gió và điện mặt trời.

V-LEEP cũng hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII, một quy hoạch được trông đợi sẽ kết hợp các giải pháp năng lượng tiên tiến, các nguồn năng lượng tái tạo đa dạng hơn và mức độ kết nối lưới điện cao hơn để truyền tải nguồn năng lượng sạch.

Ngoài ra, V-LEEP cũng phối hợp với các cơ quan quản lý của chính phủ, các ngân hàng, các nhà đầu tư và các nhà phát triển năng lượng sạch khu vực tư nhân để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời, kết quả là điện mặt trời hiện chiếm hơn 10% trong tổng công suất sản xuất điện quốc gia.

“Chương trình V-LEEP hiện tại do USAID tài trợ sẽ kết thúc vào đầu năm tới, tuy nhiên USAID Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ củng cố các quan hệ đối tác và phát triển những giải pháp đổi mới, sáng tạo hướng tới một tương lai năng lượng sạch với mức giá hợp lý cho Việt Nam thông qua hỗ trợ trong khuôn khổ chương trình V-LEEP 2,” – Giám đốc USAID Việt Nam Yastishock cho biết.

Chương trình V-LEEP 2 sẽ tập trung hỗ trợ cải thiện công tác quy hoạch năng lượng của Chính phủ, tăng tính cạnh tranh và sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ về năng lượng, triển khai các hệ thống năng lượng sạch và tiên tiến, đồng thời cải thiện quy hoạch lưới điện để bao gồm truyền tải điện sạch.

Chương trình này cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư có đủ năng lực cho các dự án năng lượng tiên tiến và tư vấn cho các công ty tư nhân phát triển những dự án năng lượng chất lượng và có khả năng sinh lời cao.

Chương trình V-LEEP 2

USAID sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp tục quá trình chuyển đổi sang một nền năng lượng sạch, đảm bảo an ninh và theo định hướng thị trường thông qua tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến, cải thiện hiệu suất của ngành năng lượng và nâng cao tính cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng.

Tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến

V-LEEP 2 sẽ phối hợp với Chính phủ Việt Nam để huy động đầu tư tư nhân nhằm tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến và sẽ hỗ trợ thiết kế dự án cho các nhà phát triển năng lượng sạch và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho bên vay liên quan đến đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch.

Cải thiện hiệu suất ngành năng lượng

USAID và Chính phủ Việt Nam sẽ cùng phối hợp để cải thiện công tác quy hoạch và vận hành năng lượng nhằm tăng cường hiệu suất ngành năng lượng. Việt Nam đang chuẩn bị khởi động Quy hoạch điện VIII, do đó V-LEEP 2 sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho công tác thực hiện quy hoạch cũng như hỗ trợ việc hòa lưới điện và điều độ nguồn năng lượng tái tạo biến đổi.

Nâng cao tính cạnh tranh

Nhằm hướng tới phát triển lĩnh vực năng lượng bền vững và dựa vào thị trường, V-LEEP 2 sẽ thúc đẩy tính minh bạch trong quy trình đấu thầu, theo dõi và đánh giá Chương trình thí điểm Hợp đồng mua bán điện trực tiếp và hỗ trợ tăng cường năng lực cho đội ngũ lao động, chính quyền địa phương và các cơ chế mua bán cạnh tranh tương tự khác.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ươm mầm và bao trùm

Nhận thức được vai trò của khu vực tư nhân, V-LEEP 2 cấp kinh phí tài trợ cho các phương thức tiếp cận đổi mới và sáng tạo nhằm huy động đầu tư tư nhân vào các hệ thống năng lượng tiên tiến, thúc đẩy các chương trình ươm mầm và tăng tốc, đồng thời hỗ trợ nâng cao vai trò của các chuyên gia nữ trong lĩnh vực năng lượng.

Kết quả dự kiến

USAID sẽ tham gia đóng góp vào quá trình thiết kế, huy động tài chính, xây dựng và vận hành các nguồn lực năng lượng sạch mới, bao gồm: 2.000 MW năng lượng tái tạo và 1.000 MW từ các nhà máy nhiệt điện khí chu trình hỗn hợp./.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nang-luong-moi-truong/hoa-ky-tai-tro-36-trieu-usd-cho-chuong-trinh-nang-luong-phat-thai-thap-viet-nam-2.html

Sẽ có tàu chở dầu chạy bằng điện vào năm 2023

Tập đoàn công nghiệp nặng Kawasaki cho biết sẽ phát triển tàu chở dầu sử dụng năng lượng điện, không phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính đầu tiên trên thế giới.

Tàu chở dầu chạy năng lượng điện sẽ do hai công ty con của Tập đoàn công nghiệp nặng Kawasaki ở khu vực Shikoku của Nhật Bản phát triển và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2023.

Tàu sẽ có chiều dài khoảng 60m, trọng tải toàn phần là 499 tấn, sử dụng pin Lithium-ion có dung lượng bằng khoảng 100 chiếc xe ô tô điện và hoàn toàn không sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

So với loại tàu chạy bằng dầu nặng thông thường hiện nay, tàu chở dầu chạy bằng điện có nhược điểm là kinh phí chế tạo lớn. Tuy nhiên, ưu điểm là dễ vận hành và có thể cắt giảm số lượng thuyền viên, góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành hàng hải hiện nay.

Tàu chở dầu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn khi gặp sự cố trên đường vận chuyển.

Theo kế hoạch, tàu chờ dầu chạy năng lượng điện sẽ được công ty Asahi Tanker sử dụng để chờ dầu tại vịnh Tokyo và có thể được trưng dụng để cung cấp điện cho các cơ sở tại cảng trong trường hợp xảy ra các thảm họa thiên nhiên.

Trong bối cảnh các quốc gia đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường với các quy định ngày càng khắt khe hơn đã làm bùng nổ ngành ô tô điện trên toàn thế giới, tàu chở dầu sử dụng năng lượng điện đầu tiên trên thế giới có thể sẽ là khởi đầu cho xu hướng điện hóa của ngành vận tải biển trong tương lai.

P.V
https://petrotimes.vn/se-co-tau-cho-dau-chay-bang-dien-vao-nam-2023-580335.html

“Gió đang đổi chiều” trong hệ thống năng lượng tại Việt Nam

Năm 2020 là một năm đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành năng lượng của Việt Nam. Đây là năm mà năng lượng sạch có vị trí vững chắc hơn và được coi là ngành có tiềm năng lợi nhuận, định hướng phát triển tốt. Lĩnh vực điện khí cũng đang được chú trọng phát triển.

Vừa qua, Chương trình Phát triển bền vững, Trung tâm Sáng kiến truyền thông và phát triển (MDI) công bố một báo cáo cập nhật về lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Theo đó, nhiệt điện than không còn giữ vị trí là lĩnh vực được ưu ái phát triển ở Việt Nam mà thay vào đó là các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và sạch.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng hàng đầu phát triển điện gió ngoài khơi.

Từ chỗ chỉ được coi là lĩnh vực thứ yếu, năng lượng sạch – bao gồm điện mặt trời và điện gió – đang có những đóng góp ngày càng quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia và trở thành một trong những ưu tiên trong định hướng phát triển năng lượng của đất nước. Nhiệt điện khí, nhất là lĩnh vực điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, cũng là một lĩnh vực mới có tiềm năng phát triển. Hai kho cảng nhập khẩu khí đầu tiên đang được triển khai xây dựng và hàng loạt các dự án nhà máy điện khí lớn đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất đầu tư.

Trong khi đó, chủ trương hạn chế phát triển nhiệt điện than mới của Đảng và Chính phủ, sự phản đối của các địa phương và những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án cho thấy lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch này sẽ không thể có được sự tăng trưởng như trước đây.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 sửa đổi (Quy hoạch Điện VII sửa đổi) ban hành năm 2016 đặt mục tiêu nâng tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng sản lượng điện quốc gia lên 49,3% vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và 53.2% vào năm 2030. Tỷ trọng nhiệt điện khí thiên nhiên và khí thiên nhiên hóa lỏng được xác định chiếm dưới 20% tổng sản lượng điện cho đến năm 2030. Trong đó, điện mặt trời và điện gió chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng điện của cả nước.

Tuy nhiên, qua thực tế 4 năm triển khai thực hiện quy hoạch, nhiệt điện than đã bộc lộ những hạn chế nội tại của nó, làm ảnh hưởng đến triển vọng phát triển của lĩnh vực này.

Báo cáo của MDI đã chỉ ra ít nhất 6 tỉnh trên cả nước đã đề xuất không tiếp tục phát triển các dự án nhiệt điện than trên địa bàn các tỉnh đó do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có Quảng Ninh – cái nôi của ngành than Việt Nam. Các tỉnh như Bạc Liêu, Long An, Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh và Tiền Giang mong muốn thay thế các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch bằng các dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng.


Điện mặt trời ở Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao.

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung gần 7.000 MW điện gió vào quy hoạch do sự chậm trễ trong triển khai xây dựng nhiều dự án điện than lớn.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức đưa ra chỉ đạo giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; xây dựng các cơ chế chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch.

Theo Viện Năng lượng Việt Nam, những quan điểm chỉ đạo đó sẽ được cụ thể hóa trong Quy hoạch Điện VIII mà cơ quan này đang soạn thảo để trình Chính phủ trong tháng 10/2020.

Thực tế, ở Việt Nam hiện không còn những đề xuất dự án nhiệt điện than mới rầm rộ như những năm trước đây. Thay vào đó, hàng loạt dự án nhiệt điện khí và điện gió quy mô lớn và rất lớn đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất với các cơ quan chức năng.

Bà Trần Lệ Thùy, Thạc sĩ chuyên ngành khoa học phát triển, Đại học Oxford, Giám đốc Trung tâm MDI, phát biểu: “Con đường phát triển bền vững mà Việt Nam lựa chọn hiện nay là rất rõ ràng và nhất quán. Việt Nam cũng mới nâng mức đóng góp do quốc gia tự quyết định nhằm chung tay với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Những lĩnh vực không có lợi cho xu hướng phát triển đó sẽ bị thay thế bằng những lựa chọn mang tính bền vững hơn”.


Cần đầu tư nhanh và mạnh hơn nữa cho hệ thống truyền tải điện.

Bà Laurence Tubiana, Tổng giám đốc Quỹ Khí hậu châu Âu ECF, cựu Đại sứ về Biến đổi khí hậu của Pháp và Đại diện đặc biệt cho Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP21 2015 tại Paris và được công nhận là kiến ​​trúc sư chính của Thỏa thuận Paris, bình luận riêng về Báo cáo Cập nhật năng lượng Việt Nam 2020 của Trung tâm MDI: “Trong năm qua, Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với thành công trong lĩnh vực năng lượng sạch. Mặc dù chặng đường phía trước vẫn còn dài, nhưng việc chuyển đổi từ sử dụng than đá sang các năng lượng tái tạo nhanh chóng đã khiến Việt Nam trở thành một trong những đất nước dẫn đầu tại Đông Nam Á và cũng là tấm gương cho các đất nước khác muốn chuyển đổi giữa hai dạng năng lượng này”.

Có thể thấy rằng, Việt Nam đã và đang đạt được nhiều thành tựu, không chỉ có khí hậu trở nên an toàn hơn, không khí trong lành hơn mà bên cạnh đó còn là cơ hội việc làm và những khoản đầu tư. Trên thế giới, năng lượng tái tạo đang chứng tỏ là một lựa chọn sáng suốt hơn, rẻ hơn và việc Việt Nam nắm bắt cơ hội để thay đổi thực sự sẽ truyền cảm hứng cho nhiều nước khác trên thế giới.

Tùng Dương
https://petrotimes.vn/gio-dang-doi-chieu-trong-he-thong-nang-luong-tai-viet-nam-578712.html