Posts

EU nghiên cứu phát triển điện mặt trời trên đường cao tốc

Học viện Công nghệ Áo (AIT) hợp tác với Viện các hệ thống điện mặt trời Đức (Fraunhofer ISE) và Công ty Forster Industrietechnik GmbH tiến hành dự án nghiên cứu thử nghiệm “PV-SUD” nhằm đánh giá triển vọng lắp đặt các nhà máy điện mặt trời trên các tuyến đường cao tốc trong Liên minh châu Âu.

Xuất phát từ việc quỹ đất cho phát triển điện mặt trời châu Âu hạn hẹp, các nhà khoa học đã đưa ra ý tưởng phát triển các dự án điện mặt trời đóng vai trò như mái che cho các tuyến đường cao tốc hiện nay.

Tại Đức hiện có gần 13.000 km đường cao tốc (Autobahn), chiếm khoảng 2,6% diện tích lãnh thổ của nước này. Nếu như lắp đặt hệ thống mái che, cấu thành từ các tấm pin mặt trời có độ trong suốt cao có thể che phủ toàn bộ đường cao tốc trên diện tích 337 km2.

Hệ thống mái che pin mặt trời sẽ không chỉ sản xuất điện năng mà còn có thể có tác dụng bảo vệ mặt đường khỏi mưa, bão và tình trạng quá nóng, góp phần tăng tuổi thọ của mặt đường. Bên cạnh đó, với thiết kế thích hợp, hệ thống mái che mặt trời có thêm khả năng chống ồn.

Theo tính toán, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên đường cao tốc tại Đức có thể đại 56 GW, cao hơn tổng công suất điện mặt trời hiện tại của nước này. Giải pháp này có thể góp phần tạo thêm 47 tỷ kWh, đáp ứng khoảng 9% nhu cầu tiêu thụ điện năng tại Đức.

Viễn Đông

https://petrotimes.vn/eu-nghien-cuu-phat-trien-dien-mat-troi-tren-duong-cao-toc-576075.html

Abu Dhabi sẽ xây dựng nhà máy điện mặt trời mạnh nhất thế giới

Một liên danh các nhà thầu gồm tập đoàn EDF của Pháp và Jinko Power Technology của Trung Quốc đã thắng thầu xây dựng nhà máy điện mặt trời “mạnh nhất thế giới” tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Nhà máy trong tương lai với công suất lắp đặt 2 gigawatt (GW), “sẽ mạnh nhất thế giới và sẽ cung cấp điện cho tương đương 160.000 hộ gia đình mỗi năm”, hai tập đoàn nhấn mạnh trong một tuyên bố chung.

Hợp đồng được trao bởi Công ty Emirates Water and Electricity Company (EWEC), và nhà máy này dự kiến sẽ được vận hành ​​vào năm 2022 tại khu vực Al Dhafra, cách thành phố Abu Dhabi 35 km về phía nam.

EDF và Jinko Power mỗi bên sẽ nắm giữ 20% cổ phần của dự án. 60% còn lại sẽ được các công ty nhà nước của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, TAQA và Masdar, chia nhau nắm giữ.

“Đây cũng là nhà máy điện đầu tiên có quy mô như vậy sử dụng các mô-đun hai mặt, thu bức xạ mặt trời từ cả hai phía của các mô-đun quang điện”, hai tập đoàn thắng thầu nhấn mạnh.

Liên danh các nhà thầu này giải thích rằng họ đưa ra gói đấu thầu cạnh tranh nhất, với chi phí sản xuất điện trung bình là 1,35 cent mỗi kWh.

Trong những năm gần đây, năng lượng mặt trời đã phát triển mạnh nhờ chi phí đầu tư giảm. Nhiều dự án ngày càng khổng lồ đã được phát triển.

Công viên điện mặt trời Bhadla ở Ấn Độ có tổng công suất lắp đặt hơn 2,2 GW, nếu được xây dựng sẽ là nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới. Nhưng dự án này hiện vẫn còn nằm trên giấy.

“Al Dhafra là dự án năng lượng mặt trời mạnh nhất tính đến thời điểm được vận hành”, một đại diện của EDF nói.

Giàu dầu khí, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất muốn đa dạng hóa hỗn hợp năng lượng của mình bằng cách phát triển các loại năng lượng tái tạo và điện hạt nhân. Nước này muốn sản xuất 50% năng lượng từ các nguồn “sạch” vào năm 2050.

Theo Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/abu-dhabi-se-xay-dung-nha-may-dien-mat-troi-manh-nhat-the-gioi-574957.html

Việt Nam là thị trường hứa hẹn để phát triển năng lượng mặt trời

Nhà đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời đến từ Anh quốc Shire Oak International cho rằng, Việt Nam là một trong những thị trường màu mỡ nhất trên thế giới về năng lượng mặt trời.

Ngày 6/4/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg “Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam”. Đây được xem như đòn bẩy để phát triển nguồn năng lượng vô tận và đầy tiềm năng của Việt Nam.

Ngay sau khi Quyết định 13/2020/QĐ-TTg được ban hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai nhiều biện pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).

Ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN khẳng định, EVN sẽ tạo điều kiện để nguồn ĐMTMN phát triển phù hợp, mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải tỏa của lưới điện. Đồng thời, việc phát triển ĐMTMN sẽ góp phần tạo nguồn cung điện tại chỗ, góp phần đảm bảo cung ứng điện khi hệ thống điện Việt Nam không còn nguồn dự phòng.


Một dự án điện năng lượng mặt trời do Shire Oak International thực hiện tại Việt Nam.

Tổng giám đốc EVN chỉ đạo các Ban chuyên môn EVN và các tổng công ty điện lực nghiên cứu công bố thông tin về khả năng hấp thụ nguồn ĐMTMN tại các khu vực để nhà đầu tư xem xét vị trí, quy mô đầu tư hệ thống ĐMTMN phù hợp. Đồng thời, đưa ra hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn để hỗ trợ nhà đầu tư lựa chọn công nghệ phù hợp.

Các Ban chuyên môn EVN cũng cần ban hành hướng dẫn triển khai ĐMTMN cụ thể tới các đơn vị điện lực, trong đó thống nhất quan điểm, thể hiện cách làm việc rõ ràng, công khai, minh bạch của EVN. Đồng thời, tiếp tục quảng bá mạnh hơn nữa tới từng hộ dân, từng người dân về hiệu quả ĐMTMN. Các Điện lực cũng cần có tư vấn tới khách hàng để lựa chọn công suất lắp đặt ĐMTMN phù hợp, với quan điểm tự tiêu thụ điện tại chỗ là chủ yếu.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, nằm hoàn toàn trong vòng đai nhiệt đới của nửa cầu bắc, thiên về chí tuyến hơn là phía xích đạo. Vị trí đó đã tạo cho Việt Nam có một nền nhiệt độ cao, trung bình từ 22ºC đến 27ºC. Số giờ nắng khoảng 1.500-2.000 giờ, nhiệt bức xạ trung bình năm 100 kcal/cm².

Đánh giá về tiềm năng phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, Shire Oak International – Nhà đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời đến từ Anh Quốc cho rằng, mảnh đất hình chữ S là một trong những thị trường đầy tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng mặt trời.

Trao đổi với PV, đại diện Shire Oak International cho biết, với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam yêu cầu hơn 6,000MW công suất điện bổ sung qua từng năm. Trong khi đó, Chính phủ đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính hàng năm ít nhất 8% cho tới năm 2030. Cùng với sự hỗ trợ quốc tế, mức giảm này có thể tăng lên 25% và điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc sử dụng rộng rãi năng lượng tái tạo.

“Lĩnh vực sản xuất đang bùng nổ tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy những nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Việt Nam hiện có diện tích các khu công nghiệp lên tới 98.000 ha, phần lớn các khu công nghiệp tập trung ở phía Nam – khu vực hiện thiếu nguồn cung điện, tuy nhiên lại tập trung tiềm năng lượng mặt trời vô cùng dồi dào” – đại diện Shire Oak International cho hay.

Shire Oak International là nhà đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời đến từ Anh Quốc hiện đang triển khai hơn 720 dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà với tổng giá trị 1,9 tỷ USD (44 nghìn tỷ đồng) trên khắp Việt Nam.

Được thành lập vào năm 2002, Shire Oak International là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Anh và châu Âu. Những thành tựu có thể kể đến của công ty bao gồm việc xúc tiến phát triển dự án khai thác điện từ năng lượng thủy triều đầu tiên trên thế giới tại Vịnh Swansea, dự án năng lượng mặt trời lớn nhất Vương quốc Anh tại West Raynham và các dự án năng lượng hàng đầu khác ở Tây Ban Nha.

Tại Việt Nam, Shire Oak International đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các tổ chức trong ngành năng lượng và các doanh nghiệp để tăng cường công suất điện mặt trời trên toàn quốc.

Bằng cách lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp lên mái xưởng của khách hàng, Shire Oak International khai thác nguồn ánh sáng mặt trời dồi dào của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế một cách mạnh mẽ và bền vững.

Theo báo cáo của Ban Kinh doanh EVN, tính đến thời điểm ngày 7/6/2020, trên cả nước đã có hơn 31.100 hệ thống ĐMTMN, với tổng công suất lắp đặt hơn 640MWp, sản lượng phát lên lưới hơn 145 triệu kWh, tổng số tiền điện EVN đã thanh toán cho các khách hàng là hơn 300 tỉ đồng.

Xuân Hinh
https://petrotimes.vn/viet-nam-la-thi-truong-hua-hen-de-phat-trien-nang-luong-mat-troi-573712.html

Nhà thông minh tạo ra năng lượng

Một công ty ở Bồ Đào Nha đã thiết kế những ngôi nhà luôn quay về phía mặt trời để hấp thu và tạo ra năng lượng. Lấy cảm hứng từ hoa hướng dương, kiến ​​trúc của ngôi nhà tích hợp sự đổi mới và bền vững đồng thời cũng thích ứng với nhu cầu của người sử dụng.

Theo nhóm nghiên cứu, ngôi nhà có thể tự sản xuất 25.000 kWh điện mỗi năm, gấp 5 lần lượng điện một ngôi nhà cần sử dụng. Việc luôn quay về hướng mặt trời giúp nó sản xuất nhiều hơn 45% điện so với thông thường.


Ngôi nhà luôn quay về phía mặt trời để hấp thu và tạo ra năng lượng.

Ngôi nhà kết hợp 2 chuyển động. Chuyển động xoay của phần mái từ các tấm điện mặt trời và chuyển động xoay của chính ngôi nhà. Các tấm điện mặt trời có thể điều chỉnh phù hợp từng loại thời tiết. Chúng có thể tạo ra bóng râm hoặc mở ra để mặt trời chiếu vào làm ấm không gian bên trong. Sự kết hợp của hai chuyển động này tạo nên hiệu ứng hoa hướng dương. Năng lượng được tạo ra từ ngôi nhà có thể dùng để sạc xe ô tô điện.

Người sử dụng có thể mở cửa, bật đèn và điều chỉnh không gian bên trong như ý muốn. Ngôi nhà có thể dễ dàng di chuyển và phù hợp mọi nơi trên thế giới.

G.Minh
https://petrotimes.vn/nha-thong-minh-tao-ra-nang-luong-570443.html

Những lợi ích khi sử dụng năng lượng mặt trời

Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng vô tận mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Tuy nhiên, trong thực tế việc tận dụng nguồn năng lượng này vẫn còn hạn chế.

Dưới đây là những lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời.

1. Giảm tác động đến môi trường

Điện năng lượng mặt trời tác động tiêu cực rất ít đến môi trường so với bất kỳ nguồn năng lượng nào khác. Nó không tạo ra khí nhà kính, không gây ô nhiễm nước, không có tác động đến môi trường sống xung quanh. Nó cũng đòi hỏi rất ít nước trong việc bảo trì, chẳng hạn như các nhà máy điện hạt nhân chẳng hạn, cần nước gấp 20 lần. Sản xuất điện năng lượng mặt trời không tạo ra bất kỳ tiếng ồn nào, đó là lợi ích lớn khi lắp đặt các công trình điện năng lượng mặt trời ở khu vực thành thị.

2. Giảm hóa đơn tiền điện

Tạo ra điện của riêng bạn có nghĩa là bạn sẽ sử dụng điện ít hơn từ nhà cung cấp. Điều này sẽ ngay lập tức chuyển thành tiết kiệm trên hóa đơn năng lượng của bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể kiếm tiền bằng cách bán điện chưa sử dụng, mà bạn đã tạo ra, trở lại lưới điện. Càng sản xuất nhiều năng lượng, bạn sẽ càng cần ít điện hơn từ nhà cung cấp, điều này sẽ làm tăng khả năng tự lực của bạn khi sản ra các sự cố.

3. Áp dụng ở mọi nơi

Miễn là có ánh nắng mặt trời, năng lượng mặt trời có thể được triển khai ở bất cứ đâu. Điều này đặc biệt hữu ích cho các vùng xa không có quyền truy cập vào bất kỳ nguồn điện nào khác. Có một lượng lớn người trên khắp thế giới không có điện. Các hệ thống năng lượng mặt trời độc lập có thể được triển khai tại các khu vực đó và cải thiện cuộc sống của hàng triệu người. Hơn nữa, năng lượng mặt trời cũng được sử dụng để cung cấp năng lượng cho tàu vũ trụ và tàu thuyền.

4. Ít hao hụt điện năng hơn

Một phần năng lượng, khoảng 3-5%, bị mất trong quá trình vận chuyển và phân phối. Khoảng cách giữa điểm sản xuất và điểm cung cấp càng dài thì càng mất nhiều năng lượng. Những mất mát đó có vẻ không đáng kể nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất lắp đặt ở những khu vực có mật độ dân số cao. Có các tấm pin mặt trời trên mái nhà hoặc trong sân làm giảm đáng kể khoảng cách này, do đó làm tăng hiệu quả của hệ thống điện.

5. Làm mát và bảo vệ hạ tầng mái nhà

Hệ thống điện năng lượng mặt trời được xây dựng trên mái nhà của các hộ gia đình, các nhà xưởng, resort… là những nơi thoáng và tập trung nhiều ánh nắng mặt trời. Việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời sẽ giúp làm mát ngôi nhà của bạn, giảm tác động của thiên nhiên đến hạ tầng của ngôi nhà mà còn tạo ra nguồn điện phục vụ các hoạt động sinh hoạt và sản xuất.

6. Tạo việc làm

Phần lớn chi phí liên quan đến hệ thống năng lượng mặt trời đến từ việc lắp đặt các tấm pin. Điều này góp phần tạo việc làm địa phương. Sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời thúc đẩy nền kinh tế và ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng.

G.M
https://petrotimes.vn/nhung-loi-ich-khi-su-dung-nang-luong-mat-troi-569973.html

4 công trình sử dụng điện mặt trời lớn nhất thế giới

Hiện nay, nhiều công trình, dự án quy mô lớn trên thế giới đã chú trọng sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, vừa giúp tiết kiệm năng lượng, vừa bảo vệ môi trường.

Cao ốc văn phòng “Án Nhật Nguyệt”

Cao ốc văn phòng “Án Nhật Nguyệt” được xây dựng ở thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, vùng Tây Bắc Trung Quốc. Tòa nhà rộng 75.000 m2, được thiết kế dạng cấu trúc đồng hồ mặt trời. Hệ thống pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái, đáp ứng yêu cầu sử dụng năng lượng cho các trung tâm triển lãm, khu vực nghiên cứu, trung tâm hội nghị và một khách sạn bên trong tòa cao ốc này.

Mặt tiền khu cao ốc có màu trắng, tượng trưng cho năng lượng sạch. Cấu trúc bên ngoài chỉ sử dụng 1% thép cho thiết kế kiểu “tổ chim”. Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống cách nhiệt cho tường và mái đã giúp lượng điện tiêu thụ của tòa cao ốc giảm 30%, vượt tiêu chuẩn quốc gia (Trung Quốc) về tiết kiệm năng lượng.

Cầu đi bộ


Cầu đi bộ Kurilpa

Cầu đi bộ Kurilpa bắc ngang con sông Brisbane trị giá trên 63 triệu USD, dài 470m, nằm tại vị trí đắc địa trong khu trung tâm thương mại và tài chính của thành phố Brisbane (Australia). Theo ước tính, hơn 1.050 người đã được huy động để xây dựng cầu đi bộ sử dụng năng lượng mặt trời được coi là lớn nhất thế giới này.

Cầu Kurilpa sử dụng hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED được lập trình để tạo ra một loạt các hiệu ứng ánh sáng khác nhau. Hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng sử dụng 84 tấm pin mặt trời phát điện với công suất khoảng 100 kWh/ngày. Lượng điện dư từ các tấm pin mặt trời sẽ được hòa lưới điện quốc gia (hệ thống đèn LED chỉ sử dụng 75% điện năng mặt trời).

Tàu 3 thân


Tàu 3 thân PlanetSolar

PlanetSolar được xem là tàu 3 thân sử dụng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, được sản xuất tại một xưởng đóng tàu tại Kiel (Đức) của Công ty Immo Stroeher. Tàu không có các cánh buồm, mà thay vào đó là các tấm pin mặt trời, đủ để chu du vòng quanh thế giới trong 140 ngày.

Tàu dài 30m, rộng 15m, nặng 58 tấn. Các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp trên phần nóc rộng 508m2. Các tấm panel có khả năng sản xuất ra 1.000 W điện mỗi ngày. Lượng điện dư sẽ được trữ trong những bình điện giúp chiếc tàu tiếp tục hành trình mà không cần ánh nắng mặt trời trong vòng 3 ngày. Tàu chạy với tốc độ khoảng 18km/giờ.

Hệ thống âm thanh sử dụng năng lượng mặt trời


Sân vận động thành phố Cao Hùng (Đài Bắc Trung Hoa)

Hệ thống âm thanh này được xây dựng trong Sân vận động thành phố Cao Hùng (Đài Bắc Trung Hoa), có khả năng phát ra âm thanh cực lớn (105db) phục vụ cho 40.000 khán giả. Sân vận động siêu hiện đại trị giá 5 tỉ USD có phần mái cực rộng 14.155m2, với gần 9.000 tấm pin mặt trời giúp tạo ra điện năng dành riêng cho hệ thống âm thanh khổng lồ này là 1,14 triệu kWh/năm. Đồng thời, giúp giảm bớt 660 tấn khí thải CO2 vào bầu khí quyển mỗi năm.

Toàn bộ hệ thống âm thanh bao gồm 60 dàn loa Apogee Sound AE-7SX chịu được thời tiết xấu, phục vụ cho việc truyền thông tin đến khu vực khán đài; 12 bộ loa Apogeee Sound ALA-5WSX phục vụ khu vực thi đấu; 2 bộ loa Apogee Sound AFI-205 và 2 bộ AFI-Point dành cho Phòng Kiểm soát và theo dõi.

Theo tietkiemnangluong.vn
https://petrotimes.vn/4-cong-trinh-su-dung-dien-mat-troi-lon-nhat-the-gioi-570032.html