Posts

“Gió đang đổi chiều” trong hệ thống năng lượng tại Việt Nam

Năm 2020 là một năm đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành năng lượng của Việt Nam. Đây là năm mà năng lượng sạch có vị trí vững chắc hơn và được coi là ngành có tiềm năng lợi nhuận, định hướng phát triển tốt. Lĩnh vực điện khí cũng đang được chú trọng phát triển.

Vừa qua, Chương trình Phát triển bền vững, Trung tâm Sáng kiến truyền thông và phát triển (MDI) công bố một báo cáo cập nhật về lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Theo đó, nhiệt điện than không còn giữ vị trí là lĩnh vực được ưu ái phát triển ở Việt Nam mà thay vào đó là các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và sạch.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng hàng đầu phát triển điện gió ngoài khơi.

Từ chỗ chỉ được coi là lĩnh vực thứ yếu, năng lượng sạch – bao gồm điện mặt trời và điện gió – đang có những đóng góp ngày càng quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia và trở thành một trong những ưu tiên trong định hướng phát triển năng lượng của đất nước. Nhiệt điện khí, nhất là lĩnh vực điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, cũng là một lĩnh vực mới có tiềm năng phát triển. Hai kho cảng nhập khẩu khí đầu tiên đang được triển khai xây dựng và hàng loạt các dự án nhà máy điện khí lớn đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất đầu tư.

Trong khi đó, chủ trương hạn chế phát triển nhiệt điện than mới của Đảng và Chính phủ, sự phản đối của các địa phương và những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án cho thấy lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch này sẽ không thể có được sự tăng trưởng như trước đây.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 sửa đổi (Quy hoạch Điện VII sửa đổi) ban hành năm 2016 đặt mục tiêu nâng tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng sản lượng điện quốc gia lên 49,3% vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và 53.2% vào năm 2030. Tỷ trọng nhiệt điện khí thiên nhiên và khí thiên nhiên hóa lỏng được xác định chiếm dưới 20% tổng sản lượng điện cho đến năm 2030. Trong đó, điện mặt trời và điện gió chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng điện của cả nước.

Tuy nhiên, qua thực tế 4 năm triển khai thực hiện quy hoạch, nhiệt điện than đã bộc lộ những hạn chế nội tại của nó, làm ảnh hưởng đến triển vọng phát triển của lĩnh vực này.

Báo cáo của MDI đã chỉ ra ít nhất 6 tỉnh trên cả nước đã đề xuất không tiếp tục phát triển các dự án nhiệt điện than trên địa bàn các tỉnh đó do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có Quảng Ninh – cái nôi của ngành than Việt Nam. Các tỉnh như Bạc Liêu, Long An, Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh và Tiền Giang mong muốn thay thế các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch bằng các dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng.


Điện mặt trời ở Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao.

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung gần 7.000 MW điện gió vào quy hoạch do sự chậm trễ trong triển khai xây dựng nhiều dự án điện than lớn.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức đưa ra chỉ đạo giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; xây dựng các cơ chế chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch.

Theo Viện Năng lượng Việt Nam, những quan điểm chỉ đạo đó sẽ được cụ thể hóa trong Quy hoạch Điện VIII mà cơ quan này đang soạn thảo để trình Chính phủ trong tháng 10/2020.

Thực tế, ở Việt Nam hiện không còn những đề xuất dự án nhiệt điện than mới rầm rộ như những năm trước đây. Thay vào đó, hàng loạt dự án nhiệt điện khí và điện gió quy mô lớn và rất lớn đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất với các cơ quan chức năng.

Bà Trần Lệ Thùy, Thạc sĩ chuyên ngành khoa học phát triển, Đại học Oxford, Giám đốc Trung tâm MDI, phát biểu: “Con đường phát triển bền vững mà Việt Nam lựa chọn hiện nay là rất rõ ràng và nhất quán. Việt Nam cũng mới nâng mức đóng góp do quốc gia tự quyết định nhằm chung tay với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Những lĩnh vực không có lợi cho xu hướng phát triển đó sẽ bị thay thế bằng những lựa chọn mang tính bền vững hơn”.


Cần đầu tư nhanh và mạnh hơn nữa cho hệ thống truyền tải điện.

Bà Laurence Tubiana, Tổng giám đốc Quỹ Khí hậu châu Âu ECF, cựu Đại sứ về Biến đổi khí hậu của Pháp và Đại diện đặc biệt cho Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP21 2015 tại Paris và được công nhận là kiến ​​trúc sư chính của Thỏa thuận Paris, bình luận riêng về Báo cáo Cập nhật năng lượng Việt Nam 2020 của Trung tâm MDI: “Trong năm qua, Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với thành công trong lĩnh vực năng lượng sạch. Mặc dù chặng đường phía trước vẫn còn dài, nhưng việc chuyển đổi từ sử dụng than đá sang các năng lượng tái tạo nhanh chóng đã khiến Việt Nam trở thành một trong những đất nước dẫn đầu tại Đông Nam Á và cũng là tấm gương cho các đất nước khác muốn chuyển đổi giữa hai dạng năng lượng này”.

Có thể thấy rằng, Việt Nam đã và đang đạt được nhiều thành tựu, không chỉ có khí hậu trở nên an toàn hơn, không khí trong lành hơn mà bên cạnh đó còn là cơ hội việc làm và những khoản đầu tư. Trên thế giới, năng lượng tái tạo đang chứng tỏ là một lựa chọn sáng suốt hơn, rẻ hơn và việc Việt Nam nắm bắt cơ hội để thay đổi thực sự sẽ truyền cảm hứng cho nhiều nước khác trên thế giới.

Tùng Dương
https://petrotimes.vn/gio-dang-doi-chieu-trong-he-thong-nang-luong-tai-viet-nam-578712.html

Lĩnh vực năng lượng tái tạo châu Á – Thái Bình Dương có thể thu hút 1.000 tỷ USD đầu tư trong thập kỷ tới

Theo báo cáo mới nhất của hãng phân tích thị trường Wood Mackenzie, năng lượng mặt trời và năng lượng gió khu vực châu Á – Thái Bình Dương có cơ hội thu hút 1.000 tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 khi nhiều nước trong khu vực chuyển dần khỏi sản xuất nhiên liệu hóa thạch sang sản xuất năng lượng sạch, ít phát thải ra môi trường.

Theo báo cáo, tỷ trọng điện gió và điện mặt trời trong cơ cấu các nguồn điện năng tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng gấp 2 lần lên 17% vào năm 2030, trong đó hơn 51/81 quốc gia ghi nhận tỷ trọng này đạt trên 10%. Khí đốt và năng lượng phân tán sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp linh hoạt năng lượng cho các hệ thống điện lưới ở khu vực với khả năng thu hút đầu tư 500 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Báo cáo của Wood Mackenzie cũng cho biết, đầu tư vào than đá sẽ giảm từ mức đỉnh 57 tỷ USD (năm 2013) xuống còn 18 tỷ USD vào năm 2030. An ninh năng lượng và giá thành rẻ của nhiên liệu than vốn là động lực chính thúc đẩy đầu tư năng lượng ở châu Á. Tuy nhiên, tâm lý đầu tư vào nguồn nhiên liệu phát thải carbon cao đang suy yếu trước những mục tiêu kinh tế xanh và bền vững hơn.

Cũng theo Wood Mackenzie, đại dịch Covid-19 sẽ khiến tăng trưởng công suất điện tái tạo chậm lại trong vòng 5 năm tới. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ bổ sung hơn 170 GW công suất điện mới mỗi năm trong vòng 10 năm tới. Khả năng lưu trữ năng lượng cũng được dự báo tăng gấp 2 lần do công suất lưu trữ điện năng bằng hệ thống pin điện đang phát triển mạnh.

Viễn Đông
https://petrotimes.vn/linh-vuc-nang-luong-tai-tao-chau-a-thai-binh-duong-co-the-thu-hut-1000-ty-usd-dau-tu-trong-thap-ky-toi-578092.html

Xử lý những tấm pin Mặt Trời đã hết hạn sử dụng như thế nào?

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần phát triển công nghệ có khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin Mặt Trời khi hết hạn.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện Mặt Trời vận hành với tổng công suất hơn 5.000 MWp. Các ưu đãi về giá bán điện, thuế… là động lực chính thu hút lượng lớn nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là sau nhiều năm sử dụng, liệu những tấm pin Mặt Trời sẽ được xử lý như thế nào, có ảnh hưởng tới môi trường hay không.

Cuộc đua vào điện Mặt Trời

Chỉ 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ trong đầu tư các dự án điện Mặt Trời. Đây là lĩnh vực nóng với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, như: Trung Nam (điện Mặt Trời Trung Nam tại Ninh Thuận 204 MWp và điện Mặt Trời Trung Nam Trà Vinh 140 MWp; BIM Energy với 330 MWp hay Trường Thành Việt Nam…).

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo-Bộ Công Thương cho hay có thể nói, các cơ chế khuyến khích của Chính phủ trong thời gian qua về điện gió, điện Mặt Trời, rác thải đã thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực này. Không chỉ các nhà đầu tư trong nước quan tâm, mà nhà đầu tư nước ngoài cũng vậy, bởi giá điện rất hấp dẫn, giúp nhà đầu tư sinh lời.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài ra, thời gian qua, cũng phải kể đến việc thẩm định, cải cách thủ tục, quy hoạch đã được Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan thực hiện thông thoáng hơn, nhanh hơn, giúp các chủ đầu tư tham gia mạnh vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, ông Dũng cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Hải Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo BIM Energy – thành viên Tập đoàn BIM Group, những định hướng, chính sách Nhà nước hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua như Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện Mặt Trời tại Việt Nam rất là tốt. Trong những năm qua, chính sách này đã mang đến sự đột phá cho ngành năng lượng trong nước.

Thời điểm hiện tại, Chính phủ nên tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi đó cùng với Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở cho doanh nghiệp phát triển. Những chính sách tiếp theo sẽ gần với thực tiễn hơn, có thể thay đổi để phù hợp với tình hình hiện tại.

“Với nhà đầu tư, có lợi nhuận hấp dẫn cùng cơ chế thuận lợi, ổn định, chúng tôi sẽ tích cực tham gia. Hiện nay, giá bán điện từ các dự án điện sạch là đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư điện sạch, yếu tố giá chỉ là một phần, còn rất nhiều yếu tố liên quan đến tiềm năng khu vực, thuế, phí… Do vậy, điều quan trọng hơn là một chính sách ổn định, định hướng rõ ràng và phù hợp thực tế để dựa trên cơ sở đấy có những đối sách, chương trình chiến lược phù hợp. Chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành công trình đúng hạn, đảm bảo chất lượng và đóng góp vào phát triển chung của đất nước,” ông Vinh nói.

ới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Quy trình thử nghiệm và công nhận “Ngày vận hành thương mại – COD” cho các dự án điện tái tạo, trong đó quy định rõ các trình tự, thủ tục, các bước triển khai, trách nhiệm từng đơn vị trong việc đăng ký thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại cho các nhà máy điện Mặt Trời.

Nhờ đó, các chủ đầu tư có thể chủ động triển khai dự án, kịp vận hành thương mại trước 31/12/2020, để hưởng mức giá mua ưu đãi của Chính phủ.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ nay đến cuối năm 2020 còn khoảng 36 nhà máy sẽ đóng điện và vận hành thương mại.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết để tiếp tục thu hút mọi thành phần kinh tế vào các dự án điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo, cần các cơ chế chính sách thông thoáng hơn.

Bộ Công Thương cũng đang tham mưu, trình Chính phủ cơ chế đặc thù cho phát triển các dự án điện, nguồn điện giúp cho quá trình chuẩn bị đầu tư dự án, thực hiện dự án thuận lợi hơn.

Không quên môi trường

Theo thông tin của Trung Nam Group, dự án điện Mặt Trời Trung Nam-Trà Vinh công suất 140 MWp sẽ sử dụng hơn 440.000 tấm pin, dự án điện Mặt Trời Trung Nam tại Ninh Thuận 204 MWp sẽ sử dụng hơn 700.000 tấm pin…

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều dự án điện Mặt Trời sẽ tiếp tục được đầu tư trong thời gian tới. Đầu tư điện Mặt Trời có lợi thế nhanh, hưởng nhiều ưu đãi… nhưng với sự tham gia ồ ạt của các dự án điện Mặt Trời, sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu tấm pin được lắp đặt khắp cả nước.

Điện Mặt Trời được coi là nguồn điện sạch khi sử dụng năng lượng từ Mặt Trời để chuyển hóa thành điện năng, thay vì sử dụng các nguồn nhiên liệu truyền thống như đốt than, dầu, khí và không có phát thải ra môi trường.

Tuy nhiên, theo phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Hoàng Lương, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, để sản xuất ra được những tấm pin ấy, phải cần nhiều nguồn nguyên vật liệu. Trong quá trình sản xuất, nguyên vật liệu đó sẽ tác động đến môi trường. Đó là chưa kể đến việc xử lý sau khi thu hồi các tấm pin năng lượng Mặt Trời hết thời gian sử dụng.

 


Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Do đó, Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành nên đặc biệt quan tâm nghiên cứu kinh nghiệm từ các công trình nghiên cứu trên thế giới về vấn đề này.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Xanh GreenID cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể tái chế những tấm pin nhưng chưa chủ động làm hoặc không có khả năng. Chúng ta sẽ làm được khi có các nghiên cứu đầy đủ.

Còn theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thời gian sử dụng các tấm pin năng lượng Mặt Trời là khá dài, khoảng 20-25 năm. Do đó, thời gian tới, cần phát triển công nghệ có khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin Mặt Trời khi hết hạn. Nhưng trước mắt, phải tính tới việc bảo trì, bảo dưỡng các sản phẩm này để nâng cao tuổi thọ những tấm pin năng lượng Mặt Trời hiện hữu.

“Khi thay mới, những tấm pin cũ sẽ được tái tạo để sản xuất ra những tấm pin mới và có thể yên tâm về công nghệ pin Mặt Trời ngày nay,” ông Ngãi nói.

Đại diện doanh nghiệp điện Mặt Trời, ông Diệp Bảo Cánh, Chủ tịch Công ty Mặt Trời đỏ cho rằng pin Mặt Trời nếu xử lý tốt sẽ không đáng lo ngại. “Pin này đều có thể tái chế từ silicon, pin, kính… Vấn đề là các doanh nghiệp phải có nguồn kinh phí dự trữ để tái chế, không để hình thành bãi thải khổng lồ, tạo gánh nặng cho xã hội,” ông Cánh khẳng định.

Nhiều ý kiến cho rằng mặt công nghệ xử lý tấm pin Mặt Trời sau khi sử dụng đã có, tuy nhiên chi phí khá cao. Với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời gian tới, chi phí xử lý các tấm pin sẽ ngày càng giảm và phù hợp với chi phí mà các nhà đầu tư bỏ ra đầu tư các dự án điện Mặt Trời.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, hiện nay, theo quy định của Bộ Công Thương tại Thông tư số 18/2020/TT-BCT về quy định phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện Mặt Trời, Bộ Công Thương đã quy định rất rõ các chủ đầu tư phải có trách nhiệm thu gom, xử lý các tấm pin Mặt Trời, chất thải phát sinh sau quá trình sử dụng và khai thác. Vì vậy, vấn đề này sẽ được thực hiện nghiêm, đảm bảo quy định của pháp luật về môi trường./.

Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/xu-ly-nhung-tam-pin-mat-troi-da-het-han-su-dung-nhu-the-nao/661940.vnp

EU nghiên cứu phát triển điện mặt trời trên đường cao tốc

Học viện Công nghệ Áo (AIT) hợp tác với Viện các hệ thống điện mặt trời Đức (Fraunhofer ISE) và Công ty Forster Industrietechnik GmbH tiến hành dự án nghiên cứu thử nghiệm “PV-SUD” nhằm đánh giá triển vọng lắp đặt các nhà máy điện mặt trời trên các tuyến đường cao tốc trong Liên minh châu Âu.

Xuất phát từ việc quỹ đất cho phát triển điện mặt trời châu Âu hạn hẹp, các nhà khoa học đã đưa ra ý tưởng phát triển các dự án điện mặt trời đóng vai trò như mái che cho các tuyến đường cao tốc hiện nay.

Tại Đức hiện có gần 13.000 km đường cao tốc (Autobahn), chiếm khoảng 2,6% diện tích lãnh thổ của nước này. Nếu như lắp đặt hệ thống mái che, cấu thành từ các tấm pin mặt trời có độ trong suốt cao có thể che phủ toàn bộ đường cao tốc trên diện tích 337 km2.

Hệ thống mái che pin mặt trời sẽ không chỉ sản xuất điện năng mà còn có thể có tác dụng bảo vệ mặt đường khỏi mưa, bão và tình trạng quá nóng, góp phần tăng tuổi thọ của mặt đường. Bên cạnh đó, với thiết kế thích hợp, hệ thống mái che mặt trời có thêm khả năng chống ồn.

Theo tính toán, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên đường cao tốc tại Đức có thể đại 56 GW, cao hơn tổng công suất điện mặt trời hiện tại của nước này. Giải pháp này có thể góp phần tạo thêm 47 tỷ kWh, đáp ứng khoảng 9% nhu cầu tiêu thụ điện năng tại Đức.

Viễn Đông

https://petrotimes.vn/eu-nghien-cuu-phat-trien-dien-mat-troi-tren-duong-cao-toc-576075.html

Điện gió sẽ dẫn đầu ngành năng lượng toàn cầu

Dự kiến năm 2020 công nghiệp điện gió ngoài khơi thế giới sẽ đạt mức tăng công suất hơn 6 GW, bất chấp tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19. Công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 sẽ vượt 234 GW, dẫn đầu là các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ngày 5/8, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) công bố báo cáo về điện gió ngoài khơi toàn cầu cho thấy công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu sẽ tăng vọt từ 29.1 GW vào cuối năm 2019 lên đến mức hơn 234 GW vào năm 2030, nhờ sức tăng trưởng theo cấp số nhân ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đà phát triển mạnh vẫn được duy trì ở châu Âu.

Hôm nay GWEC phát hành số thứ hai bản Báo cáo Điện gió ngoài khơi toàn cầu. Tài liệu cung cấp bức tranh toàn diện về ngành điện gió ngoài khơi trên toàn thế giới, với dữ liệu và phân tích mới nhất về tăng trưởng thị trường, cùng dự báo ngành đến năm 2030 và những đánh giá dựa trên dữ liệu về các thị trường mới nổi. Báo cáo cũng bao gồm các bài học kinh nghiệm về các chương trình hỗ trợ, phát triển ngành và tạo việc làm, kết nối lưới điện, giảm chi phí và chuỗi cung ứng, cũng như đảm bảo sức khỏe và an toàn để thúc đẩy tăng trưởng thị trường điện gió ngoài khơi toàn cầu.

Báo cáo chỉ ra năm 2019 là năm phát triển mạnh mẽ nhất ngành điện gió ngoài khơi từng ghi nhận, với mức tăng 6,1 GW công suất mới trên toàn thế giới, nâng tổng lắp đặt tích lũy toàn cầu lên 29,1 GW. Trung Quốc hai năm liên tiếp đứng ở vị trí số một về công suất lắp đặt mới, đạt công suất lắp đặt kỷ lục 2,4 GW, theo sau là Vương quốc Anh ở mức 1,8 GW và Đức ở mức 1,1 GW. Trong khi châu Âu tiếp tục là khu vực đi đầu về điện gió ngoài khơi, các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, như Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với thị trường Mỹ cũng đang nhanh chóng tăng tốc và sẽ là khu vực tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ tới.

Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng mới của công nghiệp điện gió ngoài khơi.

GWEC Market Intelligence dự báo đến năm 2030, hơn 205 GW công suất điện gió ngoài khơi mới sẽ được bổ sung trên toàn cầu, trong đó sẽ có ít nhất 6,2 GW điện gió nổi ngoài khơi. Con số này cao hơn 15 GW so với mức triển vọng mà GWEC Market Intelligence dự báo thời kỳ tiền Covid, chứng minh khả năng phục hồi có thể giúp ngành này đóng vai trò làm động lực chính cho cả công cuộc phục hồi xanh và quá trình chuyển đổi năng lượng.

Ben Backwell, Giám đốc điều hành của GWEC đánh giá: “Điện gió ngoài khơi đang thực sự mở rộng trên toàn cầu, đó là nhờ chính phủ các nước trên thế giới nhận ra vai trò của công nghệ trong việc khởi động phục hồi kinh tế hậu Covid thông qua đầu tư quy mô lớn, tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế cho các cộng đồng ven biển. Trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ thấy các thị trường điện gió ngoài khơi mới nổi như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam được triển khai một cách toàn diện, đồng thời sẽ chứng kiến các turbine ngoài khơi đầu tiên được lắp đặt tại một số quốc gia khác ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi.

Báo cáo cho thấy khu vực điện gió ngoài khơi sẽ tạo ra 900.000 việc làm trong thập kỷ tới – và con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên nếu các nhà hoạch định chính sách đưa ra các chiến lược phục hồi giúp đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng của ngành. Hơn nữa, 1 GW năng lượng gió ngoài khơi đồng nghĩa chúng ta tránh được 3,5 triệu tấn CO2 – cho thấy đây là công nghệ quy mô lớn có hiệu quả nhất hiện có giúp tránh phát thải khí carbon và thay thế nhiên liệu hóa thạch tại nhiều nơi trên thế giới”.

Thị trường điện gió ngoài khơi toàn cầu mỗi năm tăng trưởng trung bình 24% kể từ năm 2013. Châu Âu vẫn là thị trường lớn nhất cho điện gió ngoài khơi tính đến cuối năm 2019, chiếm 75% tổng công suất lắp đặt toàn cầu. Châu lục này sẽ tiếp tục dẫn đầu về điện gió ngoài khơi, với mục tiêu đầy tham vọng 450 GW vào năm 2050, đến từ các dự án lắp đặt mới tại Anh, Hà Lan, Pháp, Đức, Đan Mạch và Ba Lan, với một số thị trường EU khác cũng đạt sản lượng hai chữ số.

Bắc Mỹ hiện chỉ có 30 MW công suất điện gió ngoài khơi đang hoạt động vào cuối năm 2019, nhưng khu vực này sẽ tăng tốc triển khai trong những năm tới, với 23 GW dự báo sẽ được lắp đặt vào năm 2030. Phần lớn của mức tăng trưởng này sẽ đến từ Hoa Kỳ nơi ngành công nghiệp này vừa chớm nở, và chúng ta có thể hy vọng được chứng kiến các dự án quy mô lớn sẽ hoà lưới vào năm 2024 tại quốc gia này.

Báo cáo nhấn mạnh ngành công nghiệp này phát triển sôi động ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhờ các quốc gia nâng tham vọng, dẫn đầu là Trung Quốc, với 52 GW công suất điện gió ngoài khơi mới dự kiến ​​sẽ được lắp đặt vào năm 2030. Đài Loan sẽ trở thành thị trường điện gió ngoài khơi lớn thứ hai tại châu Á sau Trung Quốc đại lục, với mục tiêu 5,5 GW vào năm 2025 và thêm 10 GW vào năm 2035. Các thị trường khác trong khu vực cũng bắt đầu mở rộng quy mô, với Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ lắp đặt lần lượt là 5,2 GW, 7,2 GW và 12 GW công suất điện gió ngoài khơi.

Thành Công
https://petrotimes.vn/dien-gio-se-dan-dau-nganh-nang-luong-toan-cau-575523.html

Abu Dhabi sẽ xây dựng nhà máy điện mặt trời mạnh nhất thế giới

Một liên danh các nhà thầu gồm tập đoàn EDF của Pháp và Jinko Power Technology của Trung Quốc đã thắng thầu xây dựng nhà máy điện mặt trời “mạnh nhất thế giới” tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Nhà máy trong tương lai với công suất lắp đặt 2 gigawatt (GW), “sẽ mạnh nhất thế giới và sẽ cung cấp điện cho tương đương 160.000 hộ gia đình mỗi năm”, hai tập đoàn nhấn mạnh trong một tuyên bố chung.

Hợp đồng được trao bởi Công ty Emirates Water and Electricity Company (EWEC), và nhà máy này dự kiến sẽ được vận hành ​​vào năm 2022 tại khu vực Al Dhafra, cách thành phố Abu Dhabi 35 km về phía nam.

EDF và Jinko Power mỗi bên sẽ nắm giữ 20% cổ phần của dự án. 60% còn lại sẽ được các công ty nhà nước của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, TAQA và Masdar, chia nhau nắm giữ.

“Đây cũng là nhà máy điện đầu tiên có quy mô như vậy sử dụng các mô-đun hai mặt, thu bức xạ mặt trời từ cả hai phía của các mô-đun quang điện”, hai tập đoàn thắng thầu nhấn mạnh.

Liên danh các nhà thầu này giải thích rằng họ đưa ra gói đấu thầu cạnh tranh nhất, với chi phí sản xuất điện trung bình là 1,35 cent mỗi kWh.

Trong những năm gần đây, năng lượng mặt trời đã phát triển mạnh nhờ chi phí đầu tư giảm. Nhiều dự án ngày càng khổng lồ đã được phát triển.

Công viên điện mặt trời Bhadla ở Ấn Độ có tổng công suất lắp đặt hơn 2,2 GW, nếu được xây dựng sẽ là nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới. Nhưng dự án này hiện vẫn còn nằm trên giấy.

“Al Dhafra là dự án năng lượng mặt trời mạnh nhất tính đến thời điểm được vận hành”, một đại diện của EDF nói.

Giàu dầu khí, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất muốn đa dạng hóa hỗn hợp năng lượng của mình bằng cách phát triển các loại năng lượng tái tạo và điện hạt nhân. Nước này muốn sản xuất 50% năng lượng từ các nguồn “sạch” vào năm 2050.

Theo Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/abu-dhabi-se-xay-dung-nha-may-dien-mat-troi-manh-nhat-the-gioi-574957.html