Posts

Tiêu chuẩn GHG Protocol về đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính

GHG Protocol do Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững (WBCSD) phát triển để giúp các công ty, tổ chức và chính phủ tính toán, quản lý lượng phát thải khí nhà kính của họ.

Hiện tượng hiệu ứng nhà kính làm nhiệt độ Trái Đất nóng lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người. (Ảnh minh họa)

Khí nhà kính là một tập hợp các khí tự nhiên và nhân tạo có khả năng gây hiệu ứng nhà kính trên Trái Đất. Các khí này có khả năng hấp thụ và tỏa nhiệt độ, giữ lại nhiệt năng từ ánh sáng mặt trời và gây ra sự gia tăng của hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính là hiện tượng mà các khí nhà kính tạo ra một lớp chắn bức xạ trong khí quyển, giữ lại nhiệt và làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất.

Hoạt động kiểm kê khí nhà kính có tầm quan trọng đối với việc đánh giá và quản lý tác động của con người lên biến đổi khí hậu và sự thay đổi trong hệ thống khí quyển. Vì vậy, không chỉ tại Việt Nam mà các nước trên thế giới luôn có sự quan tâm đối với hoạt động kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp.

Theo đó, tiêu chuẩn GHG Protocol là một trong những tiêu chuẩn phổ biến được sử dụng để đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính hiện nay đối với các tổ chức, doanh nghiệp. GHG Protocol do Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững (WBCSD) phát triển để giúp các công ty, tổ chức và chính phủ tính toán, quản lý lượng phát thải khí nhà kính của họ.

Tại COP 26, Việt Nam đặt ra mục tiêu giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ảnh minh họa.

GHG Protocol cung cấp hướng dẫn, phương pháp tính toán và khuôn khổ báo cáo theo ngành cụ thể cho các loại hình tổ chức và hoạt động khác nhau.

GHG Protocol chia phát thải khí nhà kính làm ba phạm vi: Phạm vi 1 – phát thải trực tiếp từ các nguồn được sở hữu hoặc kiểm soát. Phạm vi 2 – phát thải gián tiếp từ việc sản xuất các nguồn năng lượng điện, nhiệt, hơi do tổ chức mua và sử dụng. Phạm vi 3 – tất cả các phát thải gián tiếp khác xảy ra trong chuỗi giá trị.

GHG Protocol tương đối toàn diện và chi tiết, bao trùm nhiều lĩnh vực và hoạt động, đồng thời cung cấp thêm hướng dẫn, công cụ để tính toán, quản lý khí nhà kính.

Mai Phương
https://vietq.vn/tieu-chuan-ghg-protocol-ve-do-luong-va-bao-cao-phat-thai-khi-nha-kinh-d224449.html

2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Theo đó, danh mục lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm:

Năng lượng: Công nghiệp sản xuất năng lượng; tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; khai thác than; khai thác dầu và khí tự nhiên.

Giao thông vận tải: Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải.

Xây dựng: Tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng.

Các quá trình công nghiệp: Sản xuất hóa chất; luyện kim; công nghiệp điện tử; sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozon; sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác.

Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất: Chăn nuôi; lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; trồng trọt; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải khác trong công nghiệp.

Chất thải: Bãi chôn lấp chất thải rắn; xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; xử lý và xả thải nước thải.


2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê

Quyết định nêu cụ thể danh mục 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024; trong đó có 1.805 cơ sở thuộc ngành công thương; 75 cơ sở thuộc ngành giao thông vận tải; 229 cơ sở thuộc ngành xây dựng và 57 cơ sở thuộc ngành tài nguyên và môi trường.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở theo hướng dẫn của các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính của cơ sở theo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon theo quy định.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc có liên quan đôn đốc các cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn thuộc danh mục ban hành kèm theo Quyết định này thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định; cập nhật, điều chỉnh danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ quản lý lĩnh vực có liên quan theo quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Quyết định 13/2024/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024. Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính hết hiệu lực từ ngày 1/10/2024.

Các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục quy định tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg nhưng không thuộc danh mục quy định tại Quyết định 13/2024/QĐ-TTg không có nghĩa vụ thực hiện và nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở năm 2025.

Nam Dương
https://vietq.vn/2166-co-so-phat-thai-khi-nha-kinh-phai-thuc-hien-kiem-ke-khi-nha-kinh-d224385.html

Thư ngỏ

Kính gửi Quý Doanh nghiệp!

Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) xin được gửi tới Quý Doanh nghiệp lời chúc An khang – Thịnh vượng – Phát triển bền vững!

VNCPC là doanh nghiệp thuộc hệ thống BK-Holdings (Đại học Bách khoa Hà Nội) và là thành viên chính thức trong mạng lưới toàn cầu của UNIDO-UNEP về Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECPnet).

Với tôn chỉ “Hợp tác cùng phát triển bền vững”, VNCPC luôn mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng thông qua dịch vụ khoa học-công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất bền vững.

Hiện VNCPC là một trong những đơn vị hàng đầu tại Việt Nam cung cấp các dịch vụ:

  • Tư vấn nâng cao Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn;
  • Sử dụng năng lượng hiệu quả và kiểm toán năng lượng;
  • Kiểm kê và tư vấn giảm phát thải khí nhà kính (KNK);
  • Tư vấn xây dựng và chuyển đổi Khu công nghiệp sinh thái;
  • Tư vấn hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài chính xanh; và
  • Xây dựng báo cáo phát triển bền vững cho các doanh nghiệp.

Dịch vụ của VNCPC sẽ giúp Doanh nghiệp:

  • Nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý và cán bộ kỹ thuật;
  • Cắt giảm chi phí sản xuất thông qua tư vấn các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nước, hóa chất, giảm thiểu và tuần hoàn chất thải;
  • Xác định hiện trạng phát thải và hướng đến giảm phát thải KNK; và
  • Tối ưu hóa quá trình sản xuất, đổi mới công nghệ.

Hơn 25 năm qua, kể từ khi thành lập vào năm 1998, VNCPC đã không ngừng đồng hành và hỗ trợ kỹ thuật cho hàng nghìn doanh nghiệp thuộc nhiều quy mô và hình thức sở hữu, ở cả trong và ngoài các khu công nghiệp.

VNCPC cũng là đối tác tin cậy của các tổ chức phát triển quốc tế như UNDP, UNIDO, UNEP, WB/IFC, EC, SECO, DANIDA, WWF, IDH… Vì vậy, VNCPC tin tưởng rằng đội ngũ chuyên gia của chúng tôi sẽ đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của Quý Doanh nghiệp hướng tới mục tiêu sản xuất bền vững và đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường thế giới.

Thông tin liên hệ:

Ông LÊ XUÂN THỊNH

Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 3, nhà B, số 125 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (0243) 868.4849; Zalo, Viber, Whatsapp: 0912.103.672

Email: [email protected][email protected]

Website: www.vncpc.org

Báo cáo thường niênhttps://vncpc.org/bao-cao-nam/

Kiểm kê khí nhà kính: Lộ trình thực hiện

Kiểm kê khí thải nhà kính được xem là đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi và hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Việt Nam vào năm 2050. Theo đó, từ năm 2025, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Kiểm kê khí nhà kính là gì?

Kiểm kê khí nhà kính là quá trình rà soát, tính toán các nguồn phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong phạm vi ranh giới xác định theo hướng dẫn đã được ban hành của Uỷ ban liên Chính phủ năm 2006 và các hướng dẫn hiện hành mới nhất được công bố. Việc kiểm kê phát thải khí nhà kính chính là bước đi đầu tiên và tạo nền tảng để doanh nghiệp biết được vị trí trong bản đồ giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, từ đó đưa ra những kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính hợp lý.

Doanh nghiệp nào phải kiểm kê khí nhà kính và lộ trình thực hiện?

Theo Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2020, có hiệu lực từ 01/01/2022, quy định cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau đây:

  • Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/12 của kỳ báo cáo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
  • Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm; thực hiện lồng ghép hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở;
  • Hằng năm, lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ sở theo hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trước ngày 31/12 của kỳ báo cáo.

Còn theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn và Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, các đơn vị có mức phát thải khi nhà kính từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, thuộc 6 lĩnh vực sau phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính: (i) năng lượng; (ii) giao thông vận tải; (iii) xây dựng; (iv) các quá trình công nghiệp; (v) nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; và (vi) chất thải.

Cụ thể, 1.912 cơ sở phát thải theo danh sách chỉ định phải:

  • Cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31/3 kể từ năm 2023;
  • Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần cho năm 2024 trở đi và gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025 để thẩm định;
  • Hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, gửi bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/12 của kỳ báo cáo bắt đầu từ năm 2025.

Quy trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thuộc ngành Công Thương

Theo Thông tư số 38/2023/TT-BCT của Bộ Công Thương có hiệu lực kể từ ngày 11/2/2024, quy trình kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thuộc ngành Công Thương được thực hiện theo 8 bước sau:

  1. Xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  2. Thu thập số liệu hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  3. Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính cấp cơ sở
  4. Xác định phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  5. Thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  6. Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  7. Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  8. Xây dựng Báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

VNCPC

Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: Doanh nghiệp có trách nhiệm gì?

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022 đã quy định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Cụ thể, Điều 91 nêu rõ:

Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, cập nhật 02 năm một lần trên cơ sở tỷ trọng phát thải khí nhà kính trên tổng phát thải khí nhà kính quốc gia; điều kiện và tình hình phát triển kinh tế-xã hội; tiêu thụ nhiên liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm, dịch vụ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Hình minh họa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

  • Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; ban hành hệ thống quốc gia kiểm kê khí nhà kính; hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;
  • Định kỳ xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia 02 năm một lần;
  • Hướng dẫn, tổ chức thực hiện thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Bộ quản lý lĩnh vực thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau đây:

  • Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/01 của kỳ báo cáo tiếp theo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
  • Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp;
  • Hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực;
  • Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm trong phạm vi quản lý đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/01 của kỳ báo cáo tiếp theo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
  • Hướng dẫn việc lựa chọn, áp dụng biện pháp công nghệ và quản lý để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy mô và ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan; kiểm tra việc thực hiện hoạt động có liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong phạm vi quản lý.

Cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau:

  • Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/12 của kỳ báo cáo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
  • Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm; thực hiện lồng ghép hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở;
  • Hằng năm, lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ sở theo hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trước ngày 31/12 của kỳ báo cáo.

VNCPC

Kiểm kê khí nhà kính: Cơ hội hay thách thức đối với doanh nghiệp?

Khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính doanh nghiệp không chỉ tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà việc làm này còn mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Vương quốc Anh năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050.

Các quy định liên quan đến phát thải khí nhà kính

Ngoài Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, để thực hiện cam kết tại COP26, vào tháng 01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, bao gồm cả việc tổ chức và phát triển thị trường các-bon; Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính…

Các quy định trên đã tạo nền tảng quan trọng cho kế hoạch thực thi Net zero của Việt Nam, bao gồm quy định các lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính, mục tiêu, lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Thêm nữa, Chính phủ cũng sẽ tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước, qua đó các doanh nghiệp có thể trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon để đạt được hạn ngạch phát thải của mình.

Trước đó, ngày 16/11/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, trong đó có yêu cầu về lập Báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội của công ty, bao gồm tổng mức phát thải khí nhà kính (gián tiếp và trực tiếp) cùng các sáng kiến, biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đây được xem là một bước tiến rất quan trọng trong việc luật hóa yêu cầu công bố Báo cáo môi trường, xã hội và quản trị, sau một thời gian dài doanh nghiệp báo cáo theo hình thức tự nguyện.

Như vậy, ngoài yêu cầu từ cơ quan quản lý Nhà nước, việc giảm phát thải trong quá trình hoạt động với các doanh nghiệp còn là đòi hỏi từ chính thị trường, người tiêu dùng, đối tác và cổ đông.

Cơ hội cho doanh nghiệp khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Trên thực tế, thực hiện kiểm kê khí nhà kính còn mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích cụ thể như:

  • Kiểm kê khí nhà kính giúp doanh nghiệp hiểu rõ hoạt động kinh doanh của chính mình qua việc khảo sát, lựa chọn và tập hợp thông tin một cách có hệ thống;
  • Khi doanh nghiệp đánh giá các rủi ro liên quan đến tác động tiêu cực của khí nhà kính sẽ làm lộ diện các “điểm nóng” trong chuỗi giá trị của mình. Từ đó, giúp doanh nghiệp lựa chọn ưu tiên trong nỗ lực giảm phát thải một cách phù hợp với nguồn lực nội bộ;
  • Việc có một cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính chính xác cũng sẽ làm tăng độ tin cậy của các bên liên quan và là tín hiệu cho thấy việc sử dụng tài nguyên và năng lượng của doanh nghiệp có hiệu quả;
  • Với cơ sở dữ liệu minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp có được chứng nhận khí nhà kính là điều kiện cần thiết để đăng ký nhãn sinh thái, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu;
  • Trường hợp doanh nghiệp đầu tư giảm phát thải hiệu quả, việc trao đổi tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon còn mang lại một nguồn thu nhập đáng kể.

Những thách thức đối với doanh nghiệp

Theo TS Nguyễn Phương Nam – Chuyên gia tư vấn của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu khi trả lời báo chí: “Thực tế, Việt Nam đã làm kiểm kê phát thải khí nhà kính cấp quốc gia từ 20 năm nay, nên năng lực kiểm kê của Việt Nam cơ bản khá tốt so với các nước đang phát triển trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên ở cấp độ doanh nghiệp, vấn đề này còn tương đối mới”.

Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp đã tiên phong trong kiểm kê khí nhà kính, còn đa phần các doanh nghiệp đều đang đối mặt với các thách thức như:

  • Chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng về kiểm kê khí nhà kính cho tất cả các ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ;
  • Thiếu nhân lực chuyên môn có thể nắm được các quy định, yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính để thiết lập và vận hành hệ thống quản trị khí nhà kính.

Ngoài ra, sự chính xác của kiểm kê khí nhà kính phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phức tạp của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, mức độ minh bạch và trình độ quản trị của doanh nghiệp.

Như vậy, bên cạnh những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính, những lợi ích, cơ hội mà doanh nghiệp thực hiện có được là không nhỏ. Vì vậy các doanh nghiệp cần sớm có kế hoạch để triển khai kiểm kê khí nhà kính để đáp ứng với các yêu cầu cũng như nâng cao vị thế của mình trên thị trường.

VNCPC