Posts

VNCPC phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức khoá đào tạo về sản xuất và tiêu dùng bền vững

Trong 2 ngày (21-22/9/2023), tại Hà Nội, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức khóa đào tạo cơ bản về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SXTDBV) cho cán bộ thuộc Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công các tỉnh, thành phố cùng các cá nhân, đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực SXTDBV.

Khoá tập huấn có sự tham gia của hơn 40 đại biểu đại diện cho các Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công, các đơn vị tư vấn và đơn vị liên quan, đến từ hơn 20 tỉnh thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Phát biểu tạo buổi khai mạc, ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng SXTDBV nhấn mạnh: Ngoài tập huấn những kiến thức cơ bản, những kỹ năng, những giải pháp để góp phần thúc đẩy SXTDBV, khoá đào tạo còn góp phần tạo ra mạng lưới chuyên gia về SXTDBV khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ, để cùng nhau hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi nhanh hơn.

Ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững nhấn mạnh vai trò của khoá đào tạo.

Theo đó, nội dung của khóa đào tạo đã tập trung vào các nội dung chính bao gồm: Chủ đề Sản xuất bền vững với trọng tâm là: Sử dụng Năng lượng, nước, vật liệu tiết kiệm và hiệu quả, Sử dụng hóa chất an toàn và hiệu quả, Hướng dẫn sử dụng các công cụ tính toán trong kiểm toán năng lượng…, Kinh tế tuần hoàn; Chủ đề Quản lý tài nguyên bền vững; Chủ đề Phân phối bền vững và Chủ đề Tiêu dùng bền vững, với sự trình bày của các chuyên gia đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân cùng các chuyên gia cao cấp của VNCPC.

Ngoài các nội dung trên, khóa đào tạo còn được thiết kế với các trò chơi, bài tập tương tác, tổng hợp kiến thức để tăng sự thu hút đối với học viên. Khóa học cũng đã nhận được sự đánh giá cao từ phía các học viên.

Ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc VNCPC phát biểu tại buổi đào tạo.

Ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC cho biết: Chương trình đào tạo 2 ngày tại miền Bắc là khoá đào tạo đầu tiên được tổ chức đầu tiên trong năm 2023. Tiếp nối chương trình này, các khóa đào tạo sẽ được thực hiện tại khu vực miền Trung và khu vực phía Nam trong tháng 10 và tháng 11.

Sau khi tham gia khoá đào tạo, các đại biểu sẽ được cấp chứng nhận từ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Đây cũng là tiền đề để Bộ Công Thương xây dựng và mở rộng mạng lưới về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên khắp cả nước.

Một số hình ảnh về khóa đào tạo:

VNCPC

Công bố Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam 2.0

Việt Nam có nhiều tiềm năng về nước, gió và năng lượng Mặt Trời để phát triển điện sạch, cơ hội để xây dựng nhà máy khí và pin cho điện tái tạo là rất khả thi.

Sáng 27/2 tại Hà Nội, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) chính thức công bố Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam (Phiên bản 2.0).

Đại diện Liên minh VBF, bà Virginia Foote, cho biết trong khi năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và trở nên bức thiết đã đặt ra yêu cầu khai thác nguồn năng lượng tái tạo, sạch, an toàn để thay thế. Việc làm này còn có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ môi trường sống.

Vì lẽ đó, bằng nhiều biện pháp, các cơ quan chức năng nên khuyến khích việc sử dụng hệ thống pin Mặt Trời trên các tầng mái, thậm chí có thể lan tỏa thành các phong trào rộng khắp trong cộng đồng xã hội. Đó chính là lý do, VBF công bố Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam (Phiên bản 2.0).

Báo cáo được hoàn thành nhờ sự nỗ lực của tập thể các thành viên Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – một kênh đối thoại chính sách cấp cao giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm 15 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Hệ thống điện Mặt Trời áp mái được lắp đặt trên nóc trụ sở Công ty Điện lực Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Theo ông Rockhold, Trưởng nhóm nghiên cứu điện và năng lượng (VBF), Việt Nam có nhiều tiềm năng về nước, gió và năng lượng Mặt Trời để phát triển điện sạch. Cơ hội để xây dựng nhà máy khí và pin cho điện tái tạo là rất khả thi.

Cũng đã có nhiều nhà đầu tư rất quan tâm tới lĩnh vực này. Cơ bản là cần những cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy họ từ chỗ chỉ quan tâm sang hiện thực hóa thành các quyết định đầu tư.

Nhu cầu sử dụng điện đang ngày càng tăng cao và việc hoàn thiện hệ thống truyền tải điện cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt, trong khi đó, nguồn lực của Nhà nước lại có hạn.

Vì thế, rất cần động lực để thúc đẩy hợp tác đối tác công tư. Qua đó, đề cao hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong các khâu như quản lý, phân phối giá bán lẻ hợp lý…

“Thực tế cho thấy, khối tư nhân có thể thực hiện được nhiều việc đối với các dự án năng lượng và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Sau khi biểu giá bán điện FiT được ban hành vào tháng 9/2016, khối tư nhân đã lắp đặt được xấp xỉ 5,2 GW năng lượng Mặt Trời. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai khi việc chuyển sang sử dụng khí như một phụ tải nền để hỗ trợ hàng chục các dự án năng lượng tái tạo được đề xuất. Do đó, hơn lúc nào hết, thúc đẩy hợp tác đối tác công tư trong phát triển năng lượng tái tạo là việc làm cần thiết ở thời điểm này,” ông John Rockhold nhấn mạnh.

Ấn bản đầu tiên “Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam 1.0” đã hoàn thành trong năm 2016-2017./.

Thạch Huê (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/cong-bo-ke-hoach-nang-luong-san-xuat-tai-viet-nam-20/625447.vnp

Pin mặt trời có sản sinh điện vào ngày mưa?

Thực tế, các tấm pin mặt trời hấp thụ bức xạ từ ánh sáng mặt trời nên những ngày dù không có nắng, nhiều mây, mưa nhưng cường độ bức xạ tốt vẫn giúp pin mặt trời sản sinh được ra điện.

Theo các chuyên gia Công ty Cổ phần thương mại SolarGATES, trong một số trường hợp trời âm u nhưng bức xạ mặt trời cao vẫn sản sinh ra nhiều điện hơn trời nắng gắt do pin chịu hấp thụ kém hơn khi nhiệt độ tấm pin tăng cao quá 40 độ C.

Ngoài ra, hiểu lầm khác thường thấy về pin mặt trời là sau khi hết hạn sử dụng (khoảng 25 năm), pin mặt trời sẽ trở thành rác thải độc hại cho môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, thành phần cấu tạo của pin mặt trời gồm 76% thủy tinh, 10% plastic, 8% aluminium, 5% silicon, 1% kim loại.

Các vật liệu trên thường thấy trong sản xuất các đồ dùng trong đời sống hằng ngày, không phải rác thải độc hại như nhiều người vẫn nghĩ. Nguyên nhân dẫn đến nhận định trên có lẽ xuất phát từ hiểu lầm của tên gọi “pin” mặt trời làm nhiều người liên tưởng đến các loại pin tích điện thông thường và đưa sản phẩm vào diện nguy hiểm, cần được thu hồi gấp để xử lý.

Nhiều cơ quan kiểm soát ở các bang và liên bang Mỹ đã cho tiến hành thí nghiệm để kiểm tra tính nguy hại đến môi trường của pin mặt trời nhưng phần lớn các sản phẩm đều vượt qua các kiểm tra này và các cơ quan này không đưa pin mặt trời vào diện kiểm soát chất thải nguy hại.

Hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời cũng đã và đang nghiên cứu quy trình tái chế tấm pin sau 25 năm, góp phần xây dựng phát triển năng lượng sạch bền vững.

M.P

https://petrotimes.vn/pin-mat-troi-co-san-sinh-dien-vao-ngay-mua-564933.html