Posts

Các nước rót cả tỷ USD vào hydro, “mỏ vàng” nhiên liệu mới của tương lai

Hydro đang đứng đầu danh sách những nguồn năng lượng có thể thay thế dầu mỏ. Thị trường hydro xanh có trị giá 676 triệu USD vào năm 2022 và được dự đoán có thể đạt 7,3 tỷ USD vào năm 2027.

Nhiên liệu của tương lai thay thế dầu mỏ

Dầu mỏ được ví như “vàng đen” vì mức độ quan trọng của nhiên liệu này đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, dầu mỏ không phải là nguồn tài nguyên vô hạn và đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Chính vì vậy, chúng ta buộc phải tìm kiếm những nguồn năng lượng sạch và đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn để thay thế cho dầu mỏ.

Theo khảo sát của LiveScience, hydro đang đứng đầu danh sách những nguồn năng lượng có thể thay thế dầu mỏ. Hydro có rất nhiều ứng dụng trong cuộc sống như thay thế cho xăng làm nhiên liệu cho động cơ tên lửa và ô tô.

Ngoài ra, hydro còn được sử dụng trong pin nhiên liệu, cung cấp năng lượng cho động cơ điện, làm nguyên liệu để sản xuất nhiều hợp chất hữu cơ… Sử dụng loại năng lượng này cũng góp phần lớn vào việc giảm ô nhiễm môi trường.


Hydro đang đứng đầu danh sách những nguồn năng lượng có thể thay thế dầu mỏ (Ảnh: Emerson).

Với nhiều ứng dụng, hydro đang được kỳ vọng trở thành nguồn nhiên liệu sạch của tương lai và có thể chiếm từ 12% đến 20% nhu cầu năng lượng toàn cầu vào năm 2050.

Hiện có nhiều loại hydro khác nhau. Trong đó, hydro xám là dạng hydro phổ biến nhất, được tạo ra từ khí methane và hiện chiếm phần lớn sản lượng trên toàn thế giới đạt 90 triệu tấn. Tuy nhiên, hydro xám lại là dạng hydro kém bền vững nhất.

Hydro xanh được xem là loại khí hydro thương mại thân thiện với môi trường, được tạo ra bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, nước… Tuy nhiên, sản xuất loại khí này vẫn ở quy mô nhỏ và tốn kém nhiều chi phí.

Loại năng lượng này vẫn ở giai đoạn sơ khai nhưng sở hữu tiềm năng phát triển lớn bởi có lượng khí thải carbon rất thấp. Không những vậy hydro xanh còn có nhiều ứng dụng tiềm năng trong việc giảm thiểu khí thải carbon trong các ngành công nghiệp, góp phần hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia trong ngành đánh giá, hydro xanh là giải pháp nhiên liệu sạch. Các chuyên gia dự kiến sản lượng hydro xanh sẽ tăng lên đáng kể trong tương lai khi các nước tập trung đầu tư để giải quyết bài toán năng lượng và vấn đề biến đổi khí hậu.

“Chìa khóa” trong quá trình chuyển dịch năng lượng

Lợi ích hàng đầu của việc sử dụng hydro làm nhiên liệu là không phát thải khí CO2. Khi phản ứng với oxy, hydro chỉ tạo ra điện, nước và nhiệt. Bên cạnh đó, hydro cũng tạo ra mật độ năng lượng cao và mở ra tiềm năng sử dụng hydro như một nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu năng lượng lâu dài trong tương lai.

Hydrogen có hàm lượng năng lượng cao hơn 300% so với xăng, khi được sử dụng trong pin nhiên liệu, “chất thải” duy nhất được tạo ra là nước. Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách đang xem xét đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhiên liệu này trong cuộc đua đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Không chỉ vậy, hydro còn có tiềm năng lưu trữ lớn. Lượng năng lượng được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió có thể bị ảnh hưởng do điều kiện thời tiết.


Nhà máy điện phân tại thành phố Lingen, Đức (Ảnh: RWE)

Việc chuyển đổi năng lượng tái tạo thành hydro giúp lưu trữ đồng thời giúp ổn định mạng lưới năng lượng. Hydro cũng có thể được lưu trữ trong thời gian dài mà không bị thất thoát như các loại năng lượng khác.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), công suất sản xuất hydrogen toàn cầu vào năm 2022 là 95 triệu tấn/năm, tập trung vào công nghiệp và lọc dầu. Theo kịch bản của IEA, sản lượng hydro hàng năm sẽ cần tăng khoảng 350% vào năm 2050, lên 430 triệu tấn/năm.

Thị trường tỷ USD

Với tiềm năng phát triển lớn, nhiều nước đang tăng cường đầu tư vào hydro. Thị trường sản xuất hydrogen dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 9,2% cho đến năm 2030.

Theo cơ sở dữ liệu các dự án hydro của IEA, thị trường hydro xanh có trị giá 676 triệu USD vào năm 2022. Các chuyên gia dự đoán con số này có thể đạt 7,3 tỷ USD vào năm 2027.

Nhờ những tiến bộ về công nghệ điện phân và pin nhiên liệu, việc sản xuất hydro xanh đang dần trở thành nguồn năng lượng của hiện tại và tương lai. Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) ở Mỹ cũng đưa ra các khoản trợ cấp để sản xuất hydro xanh và tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của thị trường.

Theo báo cáo về địa chính trị của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), từ năm 2022 đến 2030 sẽ có khoảng 160 tỷ USD được đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và một nửa trong số đó dành cho hydro xanh.

IRENA cũng ước tính mức tiêu thụ hydro hàng năm sẽ tăng từ 100 triệu tấn lên mức hơn 600 triệu tấn vào năm 2050. Cơ quan này ước tính quy mô thị trường có thể lên tới khoảng 700 tỷ USD.

Ông Francesco La Camera, Tổng giám đốc IRENA, từng khẳng định rằng: “Hydro xanh sẽ đa dạng hóa nguồn cung, dẫn đến việc chia sẻ quyền lực cho nhiều bên hơn. Với sự hợp tác quốc tế, thị trường có thể mở rộng hơn nữa”.


Xưởng đóng tàu Myklebust tại Na Uy đã đóng tàu chạy bằng hydro lớn nhất thế giới (Ảnh: Myklebust).

Năm 2017, chỉ có Nhật Bản lên kế hoạch đầu tư cho hydro nhưng hiện nay đã có khoảng 40 quốc gia có kế hoạch phát triển loại năng lượng này. Chính phủ các nước và các công ty đã cùng tập hợp để thúc đẩy phát triển nền kinh tế dựa trên hydro.

Chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Trung Quốc hay Liên minh châu Âu (EU) đều đang xây dựng các chiến lược và dự án sử dụng hydro. Các công ty cũng đang tìm cách phát triển nguồn năng lượng này. Trung tâm hydro xanh công nghiệp đầu tiên trên thế giới đang được xây dựng tại bang Utah (Mỹ) và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025.

Đối với lĩnh vực khai thác mỏ, hydro xanh sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng tái tạo.

“Hydro còn nhiều hứa hẹn trong tương lai. Các công ty khai thác mỏ đang tích cực khám phá và thúc đẩy một loạt sáng kiến nhằm ứng dụng hydro xanh trong chiến lược năng lượng và kinh doanh mới của mình”, ông Andrew Wilson, Giám đốc phụ trách Úc và New Zealand của công ty dịch vụ tư vấn dss+ Consulting, chia sẻ với Green Review.

Tuy nhiên, IEA cho rằng việc khai thác loại tài nguyên này vẫn chưa đủ. IEA cảnh báo nhu cầu năng lượng sẽ sớm đạt đỉnh và kêu gọi các nước, các công ty khai thác hành động nhanh hơn.


Thị trường hydro xanh có thể đạt 7,3 tỷ USD vào năm 2027 (Ảnh: Track insight).

Ông Geoffrey Ellis, chuyên gia của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính rằng hiện có hàng chục tỷ tấn hydro trên toàn cầu. Ông cho biết hầu hết các mỏ hydro tự nhiên thường ở rất xa ngoài khơi hoặc nằm rất sâu dưới lòng đất nên sẽ tốn nhiều chi phí để khai thác. Tuy nhiên nếu biết cách khai thác thì nó sẽ mang lại một lượng khí hydro tự nhiên lớn và có giá trị cao.

Năng lượng tái tạo là trụ cột chính để loại bỏ carbon cho nền kinh tế thế giới. ING kỳ vọng công suất năng lượng tái tạo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Trong 2 thập kỷ qua, chi phí năng lượng tái tạo đã giảm mạnh và năng lượng tái tạo đang chuyển sang một thị trường rộng lớn hơn. Theo IEA, công suất điện năng lượng tái tạo toàn cầu đã liên tục tăng trưởng mạnh mẽ trong 22 năm qua.

IEA ước tính rằng thế giới có thể đạt được 4.700 GW công suất năng lượng tái tạo vào cuối năm 2024 so với mức tăng công suất từ hơn 4.100 GW của năm 2023. Cơ quan này cho rằng nếu theo chính sách và điều kiện thị trường dự kiến hiện nay thì công suất năng lượng tái tạo toàn cầu có thể tăng gấp 2,5 lần vào năm 2030.

Theo Dân trí
https://petrotimes.vn/cac-nuoc-rot-ca-ty-usd-vao-hydro-mo-vang-nhien-lieu-moi-cua-tuong-lai-711360.html

Hydro hồng – Giải pháp đầy hứa hẹn

Hydro xanh được xem là “ứng viên” sáng giá mà giới nghiên cứu hướng tới trong bối cảnh nhân loại đang dần tìm cách loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Nhưng ít ai biết rằng, hydro hồng – sản xuất bằng năng lượng hạt nhân – cũng là một giải pháp đầy hứa hẹn, dường như đang bị lãng quên.


EDF Energy cho rằng, hydro sản xuất từ năng lượng hạt nhân có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Sứ mệnh của hydro

Các quốc gia trên toàn thế giới hơn một lần đã đưa vấn đề năng lượng hạt nhân vào các chương trình nghị sự, có kế hoạch xây dựng một số nhà máy điện hạt nhân mới trên toàn cầu. Động thái này chủ yếu để đối phó với cuộc xung đột Nga – Ukraine dẫn đến mất an ninh năng lượng, song nó cũng chứng tỏ thế giới đang tiếp tục phụ thuộc vào dầu khí của một số cường quốc.

Từ ông chủ Tesla Elon Musk tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, trong vài năm qua, rất nhiều người nổi tiếng và giới khoa học đã đề cập đến vai trò của hydro trong quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng bền vững hơn.

Elon Musk bày tỏ sự hoài nghi về tính hữu ích của hydro, nhưng nhiều người cho rằng, hydro có thể làm giảm lượng khí thải trong nhiều lĩnh vực quan trọng như vận tải biển, hàng không, công nghiệp nặng. Trong khi đó, các nhà khoa học xác định hydro có tầm quan trọng đặc biệt, là một nguồn nhiên liệu sạch bảo đảm tương lai giảm thiểu carbon.


Hydro đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi sang nhiên liệu bền vững

Trong những năm gần đây, nhiều công ty đã chạy đua để phát triển các dự án hydro xanh nhằm duy trì tính cạnh tranh khi ngày càng có nhiều quốc gia tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt tự nhiên, dầu diesel và nhiên liệu máy bay.

Hydro xanh được nhiều người coi là nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng thay thế nhiên liệu hóa thạch. Trong khi hydro xám và xanh dương sử dụng khí đốt tự nhiên trong quá trình sản xuất, thì hydro xanh dựa vào quá trình điện phân được cung cấp bởi các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó nước được phân tách thành hydro và oxy.

Hiện tại, hầu hết việc sản xuất hydro tiếp tục dựa vào khí đốt tự nhiên, vì sản xuất hydro xanh rất tốn kém. Hydro màu hồng được sản xuất bằng năng lượng hạt nhân, cũng khiến nó không có carbon.

Nhiều quốc gia đang tìm cách trở nên độc lập hơn về năng lượng, với nhiều lựa chọn năng lượng tái tạo hơn. Bởi vậy, hydro hồng có thể là một trong những nguồn năng lượng chính của tương lai.


Hơi nước bốc lên từ tháp giải nhiệt của Nhà máy Điện hạt nhân EDF ở Cruas, Pháp

Tương lai nào cho hydro hồng?

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), vào năm 2021, sản lượng hydro phát thải thấp chiếm chưa đến 1% sản lượng hydro trên toàn thế giới. Rachael Rothman, đồng giám đốc của Trung tâm tương lai bền vững Grantham tại Đại học Sheffield, tin rằng hydro hồng có thể cung cấp một giải pháp thay thế rất cần thiết cho hydro xanh, hỗ trợ ngành công nghiệp mở rộng nhanh hơn.

Rothman giải thích: “Nếu bạn tách nước, bạn sẽ thu được hydro và oxy. Nhưng việc tách nước cần năng lượng. Hydro màu hồng là tách nước bằng cách sử dụng năng lượng hạt nhân. Do đó, toàn bộ hệ thống có hàm lượng carbon thấp, bởi vì không có carbon trong nước. Nguồn năng lượng cũng có hàm lượng carbon rất thấp vì nó là hạt nhân”.

Tại Vương quốc Anh, EDF Energy đang thảo luận về ý tưởng sản xuất hydro hồng tại Nhà máy Hạt nhân Sizewell C 3,2 GW đã được phê duyệt gần đây.

EDF tuyên bố trên trang web của mình: “Tại Sizewell C, chúng tôi đang khám phá cách có thể sản xuất và sử dụng hydro theo nhiều cách. Đầu tiên, nó có thể giúp giảm lượng khí thải trong quá trình xây dựng nhà máy điện. Thứ hai, một khi Sizewell C hoạt động, chúng tôi hy vọng sẽ sử dụng một phần nhiệt mà nó tạo ra (cùng với điện) để tạo ra hydro hiệu quả hơn”. EDF tin rằng hydro được sản xuất bằng năng lượng hạt nhân sẽ đóng vai trò chính trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Bộ Năng lượng (DoE) Mỹ đang đầu tư hàng tỉ USD để giúp giảm chi phí và tăng quy mô hydro sạch, tìm đến các nhà máy hạt nhân của Mỹ để hỗ trợ sản xuất. Các lò phản ứng hạt nhân truyền thống và tiên tiến có thể cung cấp nhiệt và điện liên tục cần thiết để sản xuất hydro ít phát thải. DoE tin rằng điều này cũng có thể giúp thu hút sự hỗ trợ cho việc phát triển các nhà máy hạt nhân mới.

Người ta ước tính rằng, một lò phản ứng hạt nhân 1.000 MW có thể hỗ trợ sản xuất 150.000 tấn hydro mỗi năm, có thể được sử dụng cho sản xuất phân bón, lọc dầu, sản xuất thép, thiết bị xử lý vật liệu, phương tiện chạy bằng pin nhiên liệu, nhiên liệu tổng hợp không chứa carbon.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã phát triển Chương trình Đánh giá kinh tế hydro (HEEP) để hỗ trợ phát triển các dự án hydro hồng trên toàn thế giới. Đây là một công cụ miễn phí đánh giá hiệu quả kinh tế của việc sản xuất hydro hồng quy mô lớn. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng hạt nhân, Viện Năng lượng hạt nhân, Phòng thí nghiệm quốc gia Idaho, Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Emirates, IAEA, các tổ chức phi chính phủ đến từ Canada, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, Anh, Mỹ, đã có những đóng góp để khuyến khích phát triển nhiều dự án hydro hồng hơn.

Những lợi ích chính của việc sử dụng năng lượng hạt nhân trong sản xuất hydro bao gồm giảm chi phí sản xuất và giảm lượng khí thải. Để sản xuất hydro hồng, điện sẽ được tạo ra bằng cách sử dụng năng lượng hạt nhân để điện phân nước. Trong khi hydro xanh được sản xuất bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo với hệ số công suất 20-40%, nhưng hydro hồng sẽ sử dụng năng lượng hạt nhân với hệ số công suất tới 90%, do đó giảm nhiều chi phí. Hơn nữa, lượng khí thải carbon của hydro hồng được cho là tương tự như lượng khí thải carbon của hydro xanh sử dụng năng lượng tái tạo.

Mặc dù, ở thời điểm hiện tại, người ta chưa nói nhiều về hydro hồng, nhưng thế giới có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể các dự án hydro hồng được sản xuất bằng năng lượng hạt nhân trong những năm tới, khi nhiều quốc gia một lần nữa tìm cách tăng công suất năng lượng hạt nhân như một phần của quá trình chuyển đổi xanh.

Hydro hồng có thể sẽ đạt được “lực kéo” giống như hydro xanh, khi các công ty năng lượng và chính phủ trên toàn thế giới tìm kiếm các giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch, trong đó hydro là nhiên liệu được sử dụng linh hoạt, rộng rãi.

Một lò phản ứng hạt nhân 1.000 MW có thể hỗ trợ sản xuất 150.000 tấn hydro mỗi năm, có thể được sử dụng cho sản xuất phân bón, lọc dầu, sản xuất thép, thiết bị xử lý vật liệu, phương tiện chạy bằng pin nhiên liệu, nhiên liệu tổng hợp không chứa carbon.

Minh Quân
https://petrotimes.vn/hydro-hong-giai-phap-day-hua-hen-682406.html

Thị trường hydro xanh toàn cầu sẽ tăng hơn 6.000% vào năm 2031

Theo nghiên cứu từ công ty Nghiên cứu Thị trường Minh bạch (TMR), lĩnh vực hydro xanh sẽ tăng trưởng khoảng 51,6% sau mỗi năm.

Cụ thể, thị trường hydro xanh toàn cầu sẽ mở rộng từ 2,14 tỷ USD năm ngoái lên 135,73 tỷ USD vào năm 2031 với một tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) “phi thường” là 51,6%. Trong khoảng thời gian 10 năm, con số này thể hiện mức tăng trưởng của lĩnh vực này là 6.243%.

Đồng quan điểm với báo cáo của TMR, công ty Guidehouse Insights của Mỹ cũng dự báo mức tăng trưởng tương tự vào tháng 4, theo đó việc sản xuất máy điện giải toàn cầu – loại máy sản xuất hydro xanh từ điện tái tạo – sẽ tăng gần 8.000% từ cuối năm nay đến năm 2031.


Dự báo thị trường hydro xanh toàn cầu sẽ tăng hơn 6.000% vào năm 2031

Báo cáo của TMR cho thấy “ngày càng nhiều quy định của chính phủ nhằm sản xuất năng lượng tái tạo ​​sẽ dự kiến khiến thị trường hydro xanh toàn cầu tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn dự báo. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách đang coi hydro xanh là một lựa chọn để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 (net-zero) mà các chính phủ trên toàn thế giới đặt ra”.

Nghiên cứu cho biết thêm rằng năng lượng mặt trời sẽ là nguồn cung cấp năng lượng hàng đầu cho hydro xanh trong giai đoạn dự báo, với công nghệ PEM thống trị thị trường điện phân.

Công ty TMR đăng ký tại Pune, Ấn Độ, có trụ sở chính ở Wilmington, Delaware, Hoa Kỳ. Hiện TMR, có hơn 300 nhân viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ năng lượng đến chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và quốc phòng.

Theo PV
https://petrotimes.vn/thi-truong-hydro-xanh-toan-cau-se-tang-hon-6000-vao-nam-2031-661963.html

Phát triển tuabin khí chạy hoàn toàn bằng hydro đầu tiên trên thế giới

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stavanger, Na Uy, tuyên bố đã tạo ra một tuabin khí đốt 100% hydro.

Tuabin khí được sử dụng trong máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, máy phát điện, máy bơm, máy nén và nhiều nơi khác. Chúng có thể chạy bằng nhiều loại nhiên liệu, nhưng khoảng 90% đang chạy bằng khí tự nhiên – loại nhiên liệu hóa thạch tạo ra CO2 khi cháy, đồng thời bay lên khí quyển khi được lấy lên khỏi lòng đất và tạo ra hiệu ứng nhà kính tồi tệ gấp 80 lần so với CO2 trong 20 năm.

Trong cuộc đua hướng đến mục tiêu không phát thải vào năm 2050, con người cần thay đổi hoặc loại bỏ turbine khí. Một số công ty, bao gồm General Electric (GE), đang tìm cách chuyển đổi sang đốt hydro xanh như một nguồn nhiên liệu sạch. GE có hơn 100 tuabin chạy bằng ít nhất 5% nhiên liệu hydro theo thể tích và đang hướng tới mục tiêu đạt 100%.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stavanger, Na Uy, tuyên bố họ đã tạo ra một tuabin khí đốt 100% hydro từ giữa tháng 5 năm nay.


Giáo sư Mohsen Assadi, kỹ sư Bjarte Hetlelid và tiến sĩ Reyhaneh Banihabib với tuabin khí đầu tiên trên thế giới chạy bằng hydro nguyên chất làm nhiên liệu đốt.

Đại học Stavanger vận hành một nhà máy điện khí nhỏ riêng và tuabin khí của nhà máy tạo ra cả nhiệt lẫn điện. Nhà máy cũng cung cấp nước nóng để sưởi ấm các phòng thí nghiệm ở khu vực xung quanh. Lượng điện dư thừa sẽ được chuyển đến mạng lưới điện và nhiệt địa phương của nhà cung cấp điện Lyse. Toàn bộ năng lượng đều được sử dụng hiệu quả.

“Chúng tôi đã lập kỷ lục thế giới về đốt cháy hydro trong tuabin khí siêu nhỏ. Trước đây, chưa ai có thể sản xuất ở mức độ này”, giáo sư Mohsen Assadi, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. Ông cùng tiến sĩ Reyhaneh Banihabib, kỹ sư Magnus Wersland và Bjarte Hetlelid từ viện nghiên cứu NORCE đã vận hành thử nghiệm nhà máy. Họ chứng minh có thể sử dụng hydro trong các cơ sở hạ tầng sử dụng khí tự nhiên sẵn có.

“Hiệu quả khi chạy tuabin khí bằng hydro sẽ kém hơn một chút. Tuy nhiên, lợi ích lớn là tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có. Ngoài ra, cách sản xuất năng lượng này không thải ra CO2”, Assadi nói.

Nghiên cứu mới không chỉ tập trung vào việc điều chỉnh buồng đốt cho hydro mà còn điều chỉnh hệ thống nhiên liệu và cơ sở hạ tầng khí tự nhiên cũ để xử lý loại khí rất khác này. Nhóm nghiên cứu đang xem xét kỹ hơn hạn chế của nhà máy và tìm cách tăng công suất để tạo ra nhiều năng lượng sạch nhất có thể.

Những dự án dạng này sẽ mang đến giải pháp chuyển đổi hiệu quả, vừa giúp duy trì các thiết bị tuabin cũ, vừa chuyển sang nhiên liệu không phát thải. Tuy nhiên, để chúng trở nên hiệu quả về kinh tế, giá hydro xanh cần giảm mạnh và thuế carbon cần được áp dụng cho các phương pháp sử dụng nhiên liệu hóa thạch vốn rẻ hơn.

Hà My
https://vietq.vn/phat-trien-tuabin-khi-chay-hoan-toan-bang-hydro-dau-tien-tren-the-gioi-d201233.html

Đức đầu tư 1 tỷ USD vào Hydro xanh

Bộ Kinh tế Đức thông báo rằng nước này sẽ đầu tư 900 triệu euro vào một chương trình tài trợ để hỗ trợ hydro xanh.

Cụ thể, Đức đang lập dự án H2Global để thúc đẩy sự gia tăng của thị trường hydro xanh. Dự án này cho phép mua hydro và các dẫn xuất của nó với giá cạnh tranh trước khi bán lại cho người trả giá cao nhất trong EU.

Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức, nhấn mạnh tầm quan trọng của hydro tái tạo. Ông khẳng định rằng năng lượng này rất quan trọng trong nhiệm vụ khử carbon của đất nước.

Thật vậy, ông giải thích trong một thông cáo báo chí rằng dự kiến ​​sẽ có “nhu cầu mạnh mẽ về hydro xanh”. Vì vậy, để đáp ứng điều này cần phải sản xuất, nhưng cũng phải dựa vào nhập khẩu.

H2Global trở thành công cụ của “sự gia tăng quyền lực (của) nền kinh tế hydro quốc tế”. Do đó, Đức đang tạo ra một chuỗi “giá trị và cung ứng” dài hạn để đáp ứng các nhu cầu trong tương lai.

Dự án do HINT.CO quản lý sẽ dẫn đến thua lỗ trong ngắn hạn do giá hydro xanh vẫn còn cao. Các quỹ của chính phủ sẽ bù đắp điều này trong thời gian tối đa là mười năm.

Bộ Kinh tế Đức cho rằng “tổn thất sẽ được giảm bớt khi mức độ sẵn sàng chi trả cho các nguồn năng lượng bền vững tăng lên”.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/duc-dau-tu-1-ty-usd-vao-hydro-xanh-637353.html

Hơn 80% công ty năng lượng đang đầu tư hoặc xem xét gia nhập thị trường hydro

Một cuộc thăm dò ý kiến ​​đối với những người “có tiếng nói” trong ngành năng lượng – từ dầu khí, điện và năng lượng tái tạo và các công ty đầu tư, cho thấy những quan ngại của họ đối với lĩnh vực hydro.

Theo Báo cáo Khảo sát triển vọng chuyển đổi năng lượng năm 2022 của Công ty luật Womble Bond Dickinson, 31% số người được hỏi cho biết họ đã tích cực hoạt động, đầu tư hoặc nghiên cứu hydro xanh lam hoặc xanh lục, 29% đang xem xét tham gia thị trường trong một vài năm tới, với 21% dự định chuyển sang lĩnh vực này trong năm tới. Chỉ 19% cho biết họ không hoạt động và hiện đang xem xét đầu tư hydro.

Tổng cộng 67% số người được hỏi nói rằng hydro đại diện cho các cơ hội tăng trưởng hấp dẫn nhất trong không gian năng lượng, xếp sau một chút so với pin lưu trữ (69%), nhưng trước hiệu quả năng lượng (58%) và điện khí hóa (56%).


Hơn 80% công ty năng lượng đang đầu tư hoặc xem xét gia nhập thị trường hydro (ảnh minh họa)

Trong một khảo sát đối với các phóng viên về những miêu tả tốt nhất về hydro: gần 30% được chọn “hydro xanh đáng để chờ đợi”; khoảng một nửa đã chọn “hydro xanh chỉ đơn giản là cầu nối cho sự chuyển dịch lâu dài sang hydro xanh”, và khoảng 20% đồng ý với “công nghệ hydro xanh sẽ tồn tại ở đây”.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy những nhà đầu tư cho rằng những thách thức lớn nhất đối với thị trường hydro là việc cung cấp và lưu trữ H2, thiếu cơ sở hạ tầng và những lo ngại về an toàn.

Nhìn chung, các nhà đầu tư ít lo lắng hơn về sự phức tạp của việc phân phối hydro hoặc sự không chắc chắn của đường cong chi phí, cho thấy rằng họ nghĩ rằng cơ sở hạ tầng khí hóa thạch và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hiện có cung cấp “cơ sở kỹ thuật để phân phối hydro” và họ tin tưởng rằng hydro màu xanh lá cây hoặc hydro màu xanh lam sẽ sớm cạnh tranh về chi phí, báo cáo giải thích.

Tuy nhiên, đi sâu hơn vào các số liệu thống kê, Công ty luật Transatlantic phát hiện ra rằng trong khi chỉ 41% giám đốc điều hành công ty năng lượng cảm thấy rằng việc phân phối hydro là quá phức tạp, 74% các nhà đầu tư đã làm như vậy. Tương tự, 56% nhà đầu tư lo lắng về sự không chắc chắn của đường cong chi phí, so với chỉ 21% giám đốc điều hành năng lượng.

“Tại sao lại có sự chênh lệch?” – báo cáo đưa ra câu hỏi và lý giải: “Có thể các nhà đầu tư thiếu nhiệt tình với công nghệ mới nổi này ít nhất một phần là do sự khan hiếm của các công ty thuần túy (quy mô) hoặc các cơ chế đầu tư chỉ tập trung vào tài nguyên. Các công ty tích cực theo đuổi phát triển hydro thường là các công ty chuyên về dầu mỏ hoặc các công ty đa dạng khác. Mặt khác, năng lượng mặt trời và gió trên đất liền được trang bị đầy đủ với các khoản đầu tư thuần túy và quỹ tập trung chặt chẽ”.

Cuộc khảo sát trực tuyến đã hỏi 170 người trả lời từ 170 công ty, bao gồm giám đốc điều hành C-suite (32%), giám đốc điều hành hoặc kinh doanh (7%) và cố vấn pháp lý nội bộ (29%) – một nhóm kết hợp được gọi là “giám đốc điều hành năng lượng”, với 29% được phân loại là “nhà đầu tư”. Phần lớn những người được hỏi đến từ Hoa Kỳ (84%), với những người đóng góp còn lại đến từ Canada (6%), Anh (4%), Ả Rập Xê-út (3%), Pháp (2%) và Bỉ (1%).

PV
https://petrotimes.vn/hon-80-cong-ty-nang-luong-dang-dau-tu-hoac-xem-xet-gia-nhap-thi-truong-hydro-636488.html