Posts

Phương pháp mới cho phép tự kiểm tra nồng độ PFAS có trong đời sống hàng ngày

Việc phát hiện sớm nồng độ PFAS trong máu có thể giúp giảm mức độ phơi nhiễm và sàng lọc y tế, từ đó tìm ra các giải pháp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Theo một nghiên cứu mới của Trường Đại học Bang Michigan (MSU), Mỹ, việc những người có nguy cơ phơi nhiễm PFAS cao dễ dàng tự kiểm tra có thể cải thiện khả năng tiếp cận thử nghiệm đối với các “hóa chất vĩnh viễn” này.

Từ đó, dẫn đến việc phát hiện sớm các tình trạng sức khỏe có hại. Nghiên cứu đã thử nghiệm một phương pháp cải tiến để mọi người có thể tự lấy mẫu máu xét nghiệm PFAS.

PFAS là viết tắt của các chất per- và polyfluoroalkyl. Đây là một nhóm gồm hơn 9.000 hóa chất được sử dụng rộng rãi để sản xuất các sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng. PFAS thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu” do tính bền bỉ cực cao trong môi trường cũng như cơ thể con người – nơi chúng có thể tồn tại trong nhiều năm.


Hóa chất vĩnh viễn PFAS có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người

Đối với những người có mức độ phơi nhiễm cao, thông qua nước uống hoặc nguy cơ nghề nghiệp, việc phát hiện sớm nồng độ PFAS trong máu có thể giúp giảm mức độ phơi nhiễm và sàng lọc y tế. Nhờ đó, bảo vệ chống lại tác hại liên quan đến gan, thận và tuyến giáp; hệ miễn dịch; sinh sản và phát triển cũng như nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

Các biện pháp can thiệp đặc biệt quan trọng để bảo vệ trẻ sơ sinh, trẻ em và phụ nữ mang thai. Bởi, PFAS tích lũy trong cơ thể suốt đời, đi qua nhau thai. Sau đó, chúng tích lũy trong bào thai và truyền vào sữa mẹ. Chúng có liên quan đến một loạt ảnh hưởng sức khỏe bao gồm cholesterol cao, một số bệnh ung thư, vô sinh và nhẹ cân.

Courtney Carignan – Giáo sư trợ lý tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp, Tài nguyên thiên nhiên và Thú y thuộc MSU, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Nhiều người thường muốn biết nồng độ PFAS trong máu của họ. Song, họ gặp khó khăn trong việc lấy máu và xét nghiệm.

Kết quả xét nghiệm máu có thể được sử dụng để ghi lại mức độ phơi nhiễm, so sánh với mức độ trong quần thể nói chung, thông báo mức giảm phơi nhiễm và thực hiện hành động bảo vệ sức khỏe”.

Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường. Các nhà khoa học đã kiểm tra mức độ phơi nhiễm PFAS được đo bằng cách tự lấy máu bằng cả phương pháp chích ngón tay mới và phương pháp lấy máu truyền thống trong số 53 người có tiền sử uống nước nhiễm PFAS.

Trước tiên, những người tham gia cung cấp một mẫu máu được lấy truyền thống. Sau đó, họ dùng kim chích chích vào ngón tay – phương pháp thường được sử dụng để xét nghiệm máu cho bệnh nhân tiểu đường.

Từ đó, lấy một lượng máu chính xác vào dụng cụ lấy mẫu mới. Các mẫu máu được phòng thí nghiệm Eurofins phân tích cho 45 loại PFAS cụ thể. Trong các phân tích, tác giả nghiên cứu đã báo cáo tần suất phát hiện tương tự và mối tương quan cao giữa hai phương pháp.

Ông Christopher Higgins thuộc Trường Mỏ Colorado và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết, phương pháp mới có thể đưa ra một bức tranh toàn diện hơn về PFAS trong máu, bao gồm các hợp chất như FOSA.

FOSA là một PFAS được phát hiện trong khoảng một nửa số mẫu máu toàn phần, nhưng không có trong bất kỳ mẫu huyết thanh nào.

Bảo Linh (t/h)
https://vietq.vn/phuong-phap-moi-cho-phep-tu-kiem-tra-nong-do-pfas-co-trong-doi-song-hang-ngay-d210750.html