Posts

Pháp dùng thuế quan để khuyến khích phát triển điện mặt trời

Một biện pháp thuế quan mới đã được đưa ra để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án quang điện trên các mái nhà lớn ở Pháp, theo một nghị định được công bố hôm 9/10.

Tất cả các dự án có quy mô nhỏ hơn 500 kilowatt (kW), hoặc 5.000 m³ diện tích bề mặt, sẽ được hưởng trực tiếp giá mua mà không phải thông qua đấu thầu. Trước đây, để hưởng ưu đãi này, dự án chỉ cần ở mức 100 kW.

Biện pháp này nhằm mục đích khuyến khích việc lắp đặt bề mặt lớn các tấm thu năng lượng mặt trời, ví dụ như trên mái của các trang trại nông nghiệp, nhà kho, trung tâm mua sắm… đồng thời hạn chế việc chiếm dụng không gian tự nhiên và đất tư, Bộ Chuyển đổi sinh thái Pháp cho biết.

Nghị định cũng quy định một khoản thưởng về thuế quan nếu công trình đạt được một số tiêu chí về thẩm mỹ.

Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời hoan nghênh quyết định này.

Liên minh Năng lượng tái tạo (SER) cho biết: “Chắc chắn sắc lệnh này sẽ tạo ra một động lực cho ngành”.

Enerplan, hiệp hội các chuyên gia năng lượng mặt trời Pháp, kêu gọi các công ty “nắm bắt cơ hội này”. “Đây là một tin tuyệt vời”, Chủ tịch của Enerplan, Daniel Bour, phản ứng.

Pháp có gần 12 gigawatt (GW) điện mặt trời được lắp đặt. Công suất này sẽ tăng gấp 3 lần trong 7 năm tới, để đạt được mục tiêu trong lộ trình năng lượng của đất nước (35 – 44 GW điện mặt trời vào năm 2028).

Nh.Thạch
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phap-dung-thue-quan-de-khuyen-khich-phat-trien-dien-mat-troi-628853.html

Triển vọng điện mặt trời áp mái tại Australia

Lần đầu tiên trên thế giới xuất hiện lưới điện mặt trời cho diện tích hơn 1 triệu km2. Vào ngày 11-2-2021, lần đầu tiên toàn bang Nam Australia được cung ứng 100% điện mặt trời trong 2 giờ đồng hồ.

Mạng lưới điện mặt trời của Australia trải dài dọc theo bờ biển phía Đông và Đông Nam, đi từ thành phố Cairns ở phía Bắc đến Adelaide ở phía Nam, qua các thành phố Brisbane, Sydney, Melbourne và thủ đô Canberra. Đây là một trong những mạng lưới điện dài nhất thế giới do thị trường điện quốc gia Australia (NEM) quản lý.

Ban Nam Australia có diện tích gấp đôi nước Pháp, dân số chưa đầy 2 triệu người tập trung phần lớn tại thủ phủ Adelaide. Bang Nam Australia kết nối với lưới điện quốc gia bằng hai đường dây cao thế, cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu năng lượng tùy theo nhu cầu địa phương.

Australia là quốc gia sản xuất điện năng phát thải nhiều carbon nhất trên thế giới do có nguồn than dồi dào, được sử dụng rộng rãi trong các nhà máy điện xung quanh hai thành phố Melbourne và Sydney. Tuy nhiên, khu vực Nam Australia lại khác, tại đây, bên cạnh các nhà máy nhiệt điện khí còn có các turbine điện gió và các tấm pin điện mặt trời.

Kỳ tích về điện mặt trời

Sản xuất điện mặt trời hiện đang được phát triển mạnh mẽ ở Nam Australia với 3 nhà máy có tổng công suất 315 MW. Tuy nhiên, con số này vẫn rất thấp so với công suất điện mặt trời áp mái được lắp đặt tại các hộ gia đình. Hiện có khoảng 288.000 hộ gia đình, chiếm khoảng 1/3 hộ dân ở Nam Australia, lắp đặt pin mặt trời với tổng công suất 1.700 GW.

Vào ngày 11-2-2021, toàn bang Nam Australia được cung ứng 100% điện mặt trời trong vòng 2 giờ đồng hồ. Từ 12 giờ đến 14 giờ, lần đầu tiên hệ thống điện được vận hành hoàn toàn bằng điện mặt trời. Trong đó, 80% công suất đến từ điện mặt trời áp mái của các hộ gia đình. Kỳ tích này đạt được nhờ vào một số yếu tố như bầu trời quang đãng giúp tận dụng tối đa ánh nắng hay nhiệt độ ôn hòa khiến tiêu thụ điện năng tương đối thấp.

Điện mặt trời áp mái tại Australia

Cần cân bằng hệ thống

Để hoạt động tối ưu, hệ thống điện cần phải ổn định cả về mức điện áp và tần số. Vì không thể lưu trữ điện năng, nên tại mọi thời điểm, sản xuất và tiêu thụ điện phải được cân bằng một cách có hệ thống. Nếu gặp rủi ro nhất thời, theo quán tính, máy phát điện xoay chiều trong các nhà máy nhiệt điện sẽ giúp ổn định hệ thống. Cũng giống như đi xe đạp, khi dừng đạp, xe đạp vẫn tiếp tục di chuyển về phía trước và giúp chúng ta giữ thăng bằng. Quán tính này cho phép chúng ta có những khoảng nghỉ ngắn mà không hề ảnh hưởng đến hành trình.

Tương tự, hãy hình dung khi xe đạp được đặt trên máy chạy bộ (các tấm pin mặt trời). Nếu muốn giữ thăng bằng, dù tốc độ của máy chạy bộ là bao nhiêu, chúng ta vẫn phải đạp một chút. Hệ thống điện cũng vận hành như vậy. Tuy nhiên, pin điện mặt trời không có máy phát điện xoay chiều để tạo quán tính, khiến hệ thống thiếu bền vững và có nguy cơ sụt giảm điện khi xảy ra rủi ro. Để tránh những vấn đề đó, bang Nam Australia vẫn duy trì hoạt động của các nhà máy nhiệt điện khí với số lượng tối thiểu.

Tuy nhiên, giải pháp này không phải là quan trọng nhất. Chúng ta có thể tạo ra quán tính điện giả bằng cách sử dụng máy bù đồng bộ. Trong năm tới, 4 cỗ máy này sẽ được đưa vào vận hành tại bang Nam Australia. Khi sản xuất đủ điện mặt trời, toàn bang sẽ ngừng sản xuất điện bằng khí đốt.

Ở Nam Australia dự kiến đạt tổng công suất 2.800 MW điện mặt trời vào năm 2030. Nếu xảy ra dư thừa năng lượng, Australia sẽ xử lý thế nào? Nguồn điện mặt trời hoàn toàn có thể được lưu trữ trong pin điện của hệ thống lưu trữ năng lượng Hornsdale Power Reserve. Đây là một loại pin khổng lồ có dung lượng 194 MWh và công suất 150 MW. Chúng ta có thể sử dụng nguồn năng lượng lưu trữ này vào buổi tối, hoặc chuyển hóa thành khí hydro cho các loại phương tiện sử dụng nguồn nhiên liệu này, hoặc cũng có thể xuất khẩu điện.

Điện mặt trời dư thừa cũng có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định của lưới điện do không thể lưu trữ điện. Vì thế, nhà điều hành thị trường năng lượng Australia (AEMO) đang phát triển các công cụ kỹ thuật mới cho phép can thiệp và ngắt kết nối từ xa trong trường hợp điện mặt trời áp mái bị quá tải.

Thông thường, 100% sản lượng điện do nhà máy sản xuất sẽ được tải lên mạng lưới truyền tải điện cao áp. Trong khi đó, hệ thống phi tập trung của bang Nam Australia tránh được bước này vì điện mặt trời được sản xuất ngay trên mạng lưới phân phối. Hệ thống này giúp người tiêu dùng kết nối với lưới điện mà không cần lưu tâm đến yếu tố địa lý.

Phương thức sản xuất phi tập trung mới này giúp tránh việc sử dụng mạng lưới điện cao áp vào ban ngày. Bà Audrey Zibelman, Tổng giám đốc AEMO, cho biết: Bang Nam Australia đang tăng cường lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. AEMO cũng có kế hoạch mua 36.000 thiết bị quang điện mới trong vòng 14 tháng tới. Điều đó có nghĩa lưới điện Nam Australia sẽ không còn truyền tải điện nữa vì điện mặt trời áp mái có thể đáp ứng 100% nhu cầu.

Mô hình của Australia cho thấy tiềm năng cao. Vì trước mắt, dù có xử lý kỹ thuật không kịp thời thì hệ thống điện mặt trời 100% (hay 100% năng lượng tái tạo) vẫn có thể hoạt động mà không gây nguy hiểm đến sự ổn định của lưới điện.

Điều đó cũng là minh chứng hùng hồn về tính khả thi của sản xuất điện mặt trời cục bộ và phi tập trung. Việc xây dựng các cánh đồng pin năng lượng mặt trời nay đã lỗi thời. Tuy nhiên, điện mặt trời và điện lượng gió vẫn không đủ cho đến khi công nghệ lưu trữ năng lượng quy mô lớn được đưa vào sử dụng. Do đó, việc duy trì tạm thời một số nhà máy nhiệt điện là điều cần thiết với Australia.

Sản xuất điện mặt trời hiện đang được phát triển mạnh mẽ ở Nam Australia với 3 nhà máy có tổng công suất 315 MW. Tuy nhiên, con số này vẫn rất thấp so với công suất điện mặt trời áp mái được lắp đặt tại các hộ gia đình. Hiện có khoảng 288.000 hộ gia đình, chiếm khoảng 1/3 hộ dân ở Nam Australia, lắp đặt pin mặt trời với tổng công suất 1.700 GW.

S.Phương
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/trien-vong-dien-mat-troi-ap-mai-tai-australia-604331.html

Xử lý tấm thu năng lượng mặt trời hết hạn: Biến rác thải thành… “tiền”

Mặc dù là nguồn năng lượng sạch, với sự phát triển một cách nhanh chóng, điện mặt trời vẫn khiến nhiều người cảm thấy quan ngại, tuy nhiên, theo các chuyên gia, loại rác thải này vẫn còn hữu ích…

Theo báo cáo hiện trạng toàn cầu về năng lượng tái tạo, trong các nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời đang tăng trưởng rất nhanh và hiện chỉ xếp thứ 3 (sau thủy điện và điện gió) về công suất lắp đặt với tổng công suất năm 2019 trên toàn cầu là 627GW. Việt Nam thuộc top 5 nước tăng trưởng nhanh nhất về công suất năng lượng mặt trời, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, tổng công suất điện mặt trời đưa vào khai thác tại Việt Nam năm 2019 là 4.8 GW, tăng mạnh so với mức 108 MW chỉ một năm trước đó.

Trước thực trạng sự phát triển “nóng” của các nhà máy điện mặt trời, không ít lo ngại đã xuất hiện từ dư luận về việc kim loại nặng từ tấm pin quang điện phế thải có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường khi hết vòng đời sử dụng…


Sự phát triển của điện mặt trời, bên cạnh những thách thức đã được đặt ra, còn là cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp Việt Nam – Ảnh: TN

Về mặt quản lý Nhà nước, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phần của các tấm pin mặt trời bao gồm khung nhôm, kính cường lực, màng bảo vệ, pin, tấm nền, dây dẫn và hộp kết nối. Tuổi thọ trung bình của các tấm pin năng lượng mặt trời từ 10-20 năm, tùy thuộc vào địa điểm và khu vực môi trường nơi triển khai dự án.

Tấm pin năng lượng mặt trời thải loại (hết thời hạn sử dụng) tại Việt Nam, được quản lý theo các quy định về quản lý chất thải, chủ nguồn thải có trách nhiệm phân định rác thải từ các tấm pin mặt trời theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại để quản lý cho phù hợp (QCVN 07:2009/BTNMT).

Trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đang chủ trì xây dựng và sẽ ban hành danh mục các chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải công nghiệp thông thường.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật, từ đó, việc quản lý các tấm pin năng lượng trời thải trong thời gian tới sẽ hoàn thiện và khoa học hơn, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.

Còn dưới góc nhìn chuyên gia, việc phát triển điện mặt trời hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay của thế giới, trong đó, vấn đề xử lý rác thải điện mặt trời sau khi hết hạn cũng đã được nhắm tới và bước đầu được triển khai, với những công nghệ hiện nay, tại Việt Nam, các doanh nghiệp hoàn toàn làm được và có thể đón đầu cơ hội kinh doanh mới.

Công nghệ hoà toàn toàn xử lý được các tấm thu năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng – Ảnh: VNN

Thông tin với báo chí, PGS.TS Võ Viết Cường (Khoa Điện – Điện tử, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) – người nghiên cứu về năng lượng tái tạo, chia sẻ: “Chúng ta phải xác định được rằng, không có gì là sạch tuyệt đối cả, nhưng năng lượng mặt trời giảm hệ số khí thải đến 90% so với các nguồn năng lượng truyền thống”.

Theo nghiên cứu của PGS.TS Võ Viết Cường, một dự án điện mặt trời vẫn tạo ra C02 như bình thường. Tính toán của ông cho thấy, hệ số khí thải của ngành điện Việt Nam (tùy cơ cấu các nguồn điện) khoảng 120-130 gam cacbon/kWh, trong khi đó, với điện mặt trời (phát sinh khí thải từ khai thác nguyên vật liệu thô, sản xuât ra tấm thu năng lượng, tái chế) khoảng 10 gam cacbon/kWh.

Ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) khi thông tin với báo chí cũng từng nhấn mạnh: công nghệ hoàn toàn xử lý được các tấm thu năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng, chứ không phải là “chỉ có vứt đi, không thể tái chế”.

Theo ông Dũng: “Đã có những công ty ở Mỹ, Pháp xử lý những tấm thu năng lượng mặt trời, khoa học công nghệ trong lĩnh vực này đang tiến bộ rất nhanh, tin tưởng rằng khoảng 20 năm nữa khi chúng ta có những tấm pin thải ra từ nhà máy, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn làm được. Tôi có tiếp xúc với một số doanh nghiệp, họ nói muốn đầu tư vào lĩnh vực này nhưng thị trường còn nhỏ quá nên chưa thể làm, tuy nhiên, trong tương lai, họ sẽ coi đó là một lĩnh vực kinh doanh tốt”.

Không chỉ có vậy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng khẳng định, tấm thu năng lượng mặt trời có tỷ lệ tái chế rất cao, vật liệu thu hồi có giá trị lớn nhất là Bạc (Ag), tuy trọng lượng không nhiều nhưng tỷ lệ trong giá thành là trên 50%.

Theo DDDN
https://petrotimes.vn/xu-ly-tam-thu-nang-luong-mat-troi-het-han-bien-rac-thai-thanh-tien-586358.html

Mỹ chọn điện gió hay điện mặt trời

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tiêu thụ năng lượng tái tạo tại Mỹ năm 2019 ghi nhận tăng năm thứ 4 liên tiếp, đạt mức kỷ lục 11,5 triệu tỷ BTU, tương đương 11% tổng tiêu thụ năng lượng tại Mỹ.

Trong số các nguồn năng lượng tái tạo được tiêu thụ, phần lớn năng lượng gió được sử dụng để sản xuất điện, chiếm tỷ trọng 24% trong cơ cấu tiêu thụ các nguồn năng lượng tái tạo của nước này. Các nguồn năng lượng rác và thủy điện chiếm tỷ trọng lần lượt 24% và 22%. Trong khi đó, năng lượng mặt trời chỉ chiếm tỷ trọng 9%, xong ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong số các nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2019.

Cũng trong năm 2019, Mỹ ghi nhận tổng mức tiêu thụ năng lượng tăng 1% so với năm 2018, trong đó tiêu thụ than giảm gần 15% do nước này tăng cường sản xuất khí thiên nhiên và phát triển các nhà máy điện khí thay thế cho các nhà máy nhiệt điện than đã cũ. Sản xuất điện từ than đá của Mỹ năm đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua và đạt mức thấp nhất trong vòng 42 năm.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/my-chon-dien-gio-hay-mat-troi-581748.html

Những công nghệ tiên tiến nào hỗ trợ đắc lực việc quản lý nhà máy điện mặt trời?

Trong ngành năng lượng tái tạo, cụ thể là trong lĩnh vực điện mặt trời, trí tuệ nhân tạo đã đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình vận hành và quản lý nhà máy điện mặt trời.

Hiện nay việc sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất như drones (thiết bị bay không người lái), máy học và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian trong quá trình thực hiện dự án. Cụ thể, công việc hỗ trợ từ việc khảo sát, theo dõi tiến độ xây dựng tới việc kiểm tra xác định những nguyên nhân làm giảm hiệu suất của nhà máy điện trong khi vận hành.

Thiết bị không người lái (drone)

Ở Việt Nam, khi nhắc đến thiết bị không người lái (drone) thường mọi người sẽ đơn thuần nghĩ đến thiết bị Flycam, tuy nhiên, trong thực tế các drone được sử dụng trong khảo sát điện mặt trời là những thiết bị chuyên dụng có gắn camera chụp ảnh nhiệt với độ phân giải cao và chất lượng ảnh luôn ổn định.


Trí tuệ nhân tạo đã đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình vận hành và quản lý nhà máy điện mặt trời

Đối với bất thường cần phải xác định bằng máy ghi nhiệt và không thể xác định bằng mắt thường, thiết bị bay với camera nhiệt có thể tìm ra các bất thường về nhiệt như tấm pin quá nóng và đo được nhiệt độ chính xác của các tấm pin lỗi này. Dữ liệu này cho phép biết mô – đun nào đang hoạt động không hiệu quả.

Dữ liệu được thu thập bằng thiết bị bay nhiệt cũng cho phép bạn xác định vị trí các lỗi trong nhà máy điện mặt trời ở các mô – đun. Thiết bị bay tuân theo tiêu chuẩn IEC 62446-3 cho phép đo nhiệt độ trên không của nhà máy điện mặt trời, chụp ảnh với độ phân giải 3-3,5cm/Px giúp đưa ra các chi tiết cụ thể trong báo cáo. Độ phân giải hình ảnh nhiệt càng cao thì độ chính xác của lỗi càng lớn.

Máy học (Machine clearning) và công nghệ Trí tuệ nhận tạo (AI)

Trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ sẽ đưa ra và thực hiện các quyết định dựa trên dữ liệu thông tin một cách độc lập liên quan đến các mục tiêu đề ra. Trí tuệ nhân tạo AI sử dụng công cụ là Machine clearning và khả năng tự động hóa hành vi thông minh để phân tích và đưa ra quyết định có độ chính xác cao.

Trong ngành năng lượng tái tạo, cụ thể là trong lĩnh vực điện mặt trời, trí tuệ nhân tạo đã đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình vận hành và quản lý nhà máy điện mặt trời. Có thể thấy, nếu những phát hiện nhờ ảnh nhiệt của một drone được xem là phần nổi của vấn đề thì gốc rễ của vấn đề sẽ được tìm ra nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo AI.

Bằng cách thu thập thông tin sơ đồ khu vực nhà máy, tạo phần mềm để tiếp nhận lượng dữ liệu dòng điện từ hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu của một hoặc nhiều tháng kết hợp với ảnh nhiệt chụp bằng drone, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích, tổng hợp giúp tìm ra được các lỗi một các chính xác nhất, các bất thường không chỉ nằm ở module, string mà có thể nằm ở inverter, cáp. Từ đó các chuyên gia phân tích sẽ đưa ra cách khắc phục hiệu quả cho nhà máy.

Việt Nam có tiềm năng về nguồn năng lượng mặt trời, có thể khai thác sử dụng cho các mục đích như: Đun nước nóng; Phát điện; Các ứng dụng khác như sấy, nấu ăn… Với tổng số giờ nắng trung bình của cả nước lên đến trên 2.500 giờ/năm và cường độ bức xạ trung bình 4,6 kWh/m2/ngày, theo hướng tăng dần về phía Nam là cơ sở tốt cho phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời.

Theo kết quả nghiên cứu đánh giá sơ bộ của cơ quan Trợ giúp năng lượng MOIT/GIZ thì tổng tiềm năng kinh tế của các dự án điện mặt trời trên mặt đất, nối lưới tại Việt Nam khoảng 20.000 MW, trên mái nhà từ 2000 đến 5000 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, công suất nguồn điện mặt trời sẽ đạt 850 MW vào năm 2020, 4000 MW năm 2025 và 12.000 MW năm 2030.

Đ.M
https://petrotimes.vn/nhung-cong-nghe-tien-tien-nao-ho-tro-dac-luc-viec-quan-ly-nha-may-dien-mat-troi-576714.html

Tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà máy điện mặt trời phát điện vận hành thương mại

Thời hạn để các chủ đầu tư điện mặt trời hưởng giá ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (giá FIT 2) không còn nhiều. Để các chủ đầu tư điện mặt trời có thể “cán đích” đúng tiến độ mong muốn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị trực thuộc đã hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các Nhà máy điện mặt trời bằng những giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Chủ động ban hành Quy trình thử nghiệm, công nhận Ngày vận hành thương mại (COD)

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư điện mặt trời trong việc đưa các nhà máy đi vào vận hành thương mại trước 31/12/2020 – thời hạn cuối để hưởng giá FIT 2 – Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa ban hành Quyết định 1010/QĐ-EVN ngày 10/7/2020 về Quy trình thử nghiệm và công nhận “Ngày vận hành thương mại” cho nhà máy điện gió và nhà máy điện mặt trời. Trong đó, quy định rõ các trình tự, thủ tục, các bước triển khai; trách nhiệm của từng đơn vị trong việc đăng ký thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại cho các nhà máy điện mặt trời.


EVN luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà máy điện mặt trời phát điện vận hành thương mại.

Theo Quyết định 1010/QĐ-EVN, để đăng ký thử nghiệm COD, đơn vị phát điện phải hoàn thành ghép nối SCADA của nhà máy điện trước ngày tiến hành thử nghiệm; không muộn hơn 20 ngày làm việc trước ngày tiến hành thử nghiệm công nhận COD, đơn vị phát điện có trách nhiệm gửi cấp điều độ có quyền điều khiển và Công ty Mua bán điện chương trình chạy thử nghiệm nhà máy điện; không muộn hơn 03 ngày làm việc trước ngày dự kiến bắt đầu chạy thử nghiệm, nghiệm thu, đơn vị phát điện đăng ký chính thức lịch chạy thử nghiệm, nghiệm thu với cấp điều độ có quyền điều khiển.

Ông Trần Đăng Khoa – Trưởng Ban Thị trường điện EVN cho biết, năm 2019, EVN cũng đã ban hành Quyết định số 578/QĐ-EVN ngày 10/5/2019 về Quy trình thử nghiệm và công nhận “Ngày vận hành thương mại” cho nhà máy điện gió và nhà máy điện mặt trời. Qua đó, quy trình đã được thực hiện thành công trong việc công nhận COD cho 86 nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trước ngày 30/6/2019 trong một thời gian ngắn đảm bảo an toàn và theo đúng quy định pháp luật, một sự kiện chưa từng có trong hệ thống điện Việt Nam. Tuy nhiên, Quyết định 578 gắn liền với Quyết định số 11/2017-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam hiện đã hết hiệu lực kể từ thời điểm sau ngày 30/6/2019. Trong bối cảnh thời gian từ nay đến cuối năm 2020 không còn nhiều, EVN đã chủ động và sớm ban hành Quyết định số 1010 thay thế Quyết định 578 để các nhà máy có thể nắm rõ và triển khai các quy trình thử nghiệm và công nhận “Ngày vận hành thương mại”.

Cũng theo Quyết định này, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký lịch chạy thử nghiệm, nghiệm thu, cấp điều độ có quyền điều khiển có trách nhiệm giải quyết và gửi phiếu đăng ký công tác thử nghiệm, nghiệm thu đã được giải quyết tới đơn vị phát điện. Cấp điều độ cũng có quyền thay đổi kế hoạch thử nghiệm để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia và phù hợp với các yêu cầu thử nghiệm, nhưng phải thông báo cho đơn vị phát điện…

Nội dung của Quy trình đã được thông tin cụ thể tới từng chủ đầu tư thông qua nhiều cuộc họp với các chủ đầu tư trong các năm 2019, 2020 với mục tiêu EVN sẽ phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, lên kế hoạch thử nghiệm hợp lý để phân bổ tối ưu thời gian và nguồn lực để đáp ứng tối đa các yêu cầu của các chủ đầu tư.

Song song với việc ban hành quy trình, EVN sẽ huy động nguồn lực, nhân lực tiến hành thực hiện thử nghiệm, công nhận COD từng phần hoặc toàn bộ nhà máy cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả các hạng mục, chủ đầu đầu tư cần đăng ký thử nghiệm sớm để Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia chủ động bố trí thời gian, nhân lực bố trí thử nghiệm đóng điện lần đầu và thử nghiệm COD cho các nhà máy.

Sẵn sàng hỗ trợ chủ đầu tư 24/24

Ông Nguyễn Xuân Nguyên – Giám đốc Trung tâm Điều khiển Nhà máy điện mặt trời Solar Park 1,2,3,4 (Long An) đánh giá cao sự hỗ trợ của EVN trong thời gian qua.

Nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, giảm thiểu các bước trung gian, EVN và các đơn vị như Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Công ty Mua bán điện… đã tích cực ứng dụng CNTT trong công tác triển khai các quy trình, thủ tục. Điển hình, EVN đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng kí COD của các chủ đầu tư thông qua website http://ppa.evn.com.vn. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng đưa vào vận hành Cổng dịch vụ trực tuyến phục vụ gửi hồ sơ đăng ký đóng điện lần đầu với các dự án năng lượng tái tạo. Các ứng dụng trên đều được các đơn vị thực hiện trên nền tảng số hóa, giảm thiểu tối đa các thủ tục cũng như thời gian đi lại cho các chủ đầu tư.

“Để hỗ trợ các nhà máy EVN đã lập nhiều group online sẵn sàng hỗ trợ 24/24 như group của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia hay của Công ty Mua bán điện… rất hữu ích đối với các chủ đầu tư” – Ông Nguyễn Xuân Nguyên – Giám đốc Trung tâm Điều khiển Nhà máy điện mặt trời Solar Park 1,2,3,4 (Long An).

Không chỉ có vậy, các đơn vị trực thuộc EVN còn tạo các nhóm trao đổi qua ứng dụng Viber với các chủ đầu tư, sẵn sàng hỗ trợ, trả lời các câu hỏi, vướng mắc của chủ đầu tư 24/24 giờ.

Với các nhà máy đã đi vào vận hành, việc phân bổ công suất cũng được EVN/A0 đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng; tận dụng tối đa khả năng tải của các đường dây, ưu tiên các nhà máy điện năng lượng tái tạo, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại của các chủ đầu tư.

Những nỗ lực của EVN và các đơn vị trực thuộc trong quá trình suốt từ đầu năm 2019 đến nay đã được các chủ đầu tư đánh giá cao. Ông Nguyễn Xuân Nguyên – Giám đốc Trung tâm Điều khiển Nhà máy điện mặt trời Solar Park 1,2,3,4 (Long An) chia sẻ: Thời gian qua, Solar Park đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ EVN cũng như các đơn vị như Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Nam, Công ty Mua bán điện, Tổng công ty Điện lực miền Nam trong việc đưa 2 Nhà máy Solar Park 1,2 đi vào vận hành thương mại từ tháng 6/2019. Hiện 2 nhà máy còn lại cũng đang nhận được sự hỗ trợ tích cực, để COD trong tháng 7/2020.

Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, từ nay đến cuối năm, còn khoảng 36 nhà máy điện sẽ đóng điện, đi vào vận hành thương mại. Tuy số lượng các nhà máy không nhiều nhưng sẽ tập trung đóng điện vào thời điểm cuối năm. Để quá trình thử nghiệm, đóng điện đưa vào vận hành được thuận lợi, EVN và các đơn vị trực thuộc bố trí nhân lực hỗ trợ tối đa các chủ đầu tư trong quá trình triển khai các quy trình, thủ tục.

Hải An
https://petrotimes.vn/tao-dieu-kien-thuan-loi-nhat-de-cac-nha-may-dien-mat-troi-phat-dien-van-hanh-thuong-mai-574470.html