Posts

Hội thảo trực tuyến: Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trân trọng kính mời: Quý đại biểu

Tham dự “Hội thảo trực tuyến: Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững” do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức.

Hội thảo này được tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022.

  1. Mục tiêu hội thảo:

– Nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của than sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp.

– Kết nối và hợp tác để thúc đẩy ứng dụng và thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam trong chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học giá trị.

  1. Thời gian: 14h00 – 16h00, thứ Năm, ngày 28/04/2022
  2. Đầu cầu chính: Phòng 101 B6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
  3. Chủ trì: Lãnh đạo Vụ HTQT và đại diện UNIDO
  4. Hình thức:

– Trực tiếp tại đầu cầu chính: Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện UNIDO

– Trực tuyến: Lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT, các doanh nghiệp, hiệp hội, hội, hợp tác xã, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; các cơ quan truyền thông, báo chí.Quý đại biểu tham dự Hội thảo xin đăng ký tham dự trước ngày 27/04/2022 theo đường link sau: https://forms.gle/q2K1yeHjLQDtsgxo6.

Thông tin về phòng họp trực tuyến, ID và mật khẩu sẽ được gửi đến Quý đại biểu tham dự trực tuyến sau khi nhận được đăng ký. Chi tiết liên hệ với Văn phòng ISG, Vụ Hợp tác quốc tế (Đ/c Nhung: Tel: 024.3771.1736/0392.992.235; [email protected])

VNCPC

EU và Pháp hỗ trợ 20 triệu euro giúp Việt Nam hướng tới tương lai xanh

Liên minh châu Âu và Pháp, thông qua AFD vừa hỗ trợ 20 triệu euro giúp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu và quản lý nước, tài nguyên thiên nhiên.

Ngày 11/5, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) và ông Fabrice Richy, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam vừa ký một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác chung trong việc nâng cao khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và thiên tai tại Việt Nam, nhằm hướng tới một “tương lai xanh.”

Theo thỏa thuận, EU sẽ cung cấp viện trợ không hoàn lại 20 triệu euro (1 euro tương đương hơn 25.300 đồng) cho AFD.

Thông qua phối hợp với các chính quyền Trung ương và địa phương, AFD sẽ huy động Quỹ Quản lý Nước và Tài nguyên Thiên nhiên nhằm chuẩn bị và triển khai các dự án đầu tư được đồng tài trợ thông qua các khoản cho vay của AFD và các nguồn lực của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2029 với tổng nguồn vốn ước tính 200 triệu euro.

Dự kiến, Quỹ Quản lý Nước và Tài nguyên Thiên nhiên sẽ hỗ trợ cho việc chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư có tính chiến lược hơn, gồm cả hạ tầng “cứng” và “mềm” trong các lĩnh vực quản lý nước, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, cũng như ứng phó với những thách thức tại địa phương như lũ lụt và xói mòn đường bờ biển.

Ngoài ra, kinh nghiệm thu được từ các dự án sẽ đóng góp vào quá trình đối thoại chính sách chiến lược về khí hậu, môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Đại sứ EU, ông Giorgio Aliberti cho biết thích ứng với biến đổi khí hậu có vai trò hết sức quan trọng vì tính bền vững trong sự phát triển của Việt Nam, và nước và tài nguyên thiên nhiên chính là một nhân tố then chốt của vấn đề này.

Mục đích của khoản viện trợ không hoàn lại 20 triệu euro này là nhằm hỗ trợ Việt Nam trên con đường hướng tới một tương lai xanh hơn và kiên cường hơn. Việc viện trợ này hoàn toàn phù hợp với các ưu tiên toàn cầu của EU về các quan hệ đối tác quốc tế với yêu cầu đạt được các thỏa thuận xanh.

“Sự tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên sẽ giúp khôi phục và bảo tổn các hệ sinh thái, tăng cường sức chống chịu của người dân địa phương và giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19,” Đại sứ Giorgio Aliberti chia sẻ thêm.

Hùng Võ (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/eu-va-phap-ho-tro-20-trieu-euro-giup-viet-nam-huong-toi-tuong-lai-xanh/639623.vnp

Năm 2019 là năm nóng kỷ lục thứ 2 trong vòng 140 năm qua

WMO cho biết nhiệt độ cao có thể là nguyên nhân gây ra các hiện trượng thời tiết cực đoan như các vụ cháy rừng nghiêm trọng đang hoành hành tại Australia.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 15/1 khẳng định năm 2019 đã trở thành năm nóng kỷ lục thứ 2 của thế giới trong vòng 140 năm qua, kể từ khi các kỷ lục được ghi nhận.

WMO cho biết nhiệt độ cao có thể là nguyên nhân gây ra các hiện trượng thời tiết cực đoan như các vụ cháy rừng nghiêm trọng đang hoành hành tại Australia.

Theo WMO, nhiệt độ trung bình trong năm 2019 đã cao hơn 1,1 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp.

Theo ông Omar Baddour – chuyên gia thuộc WMO, 2019 là năm nóng kỷ lục thứ 2. Năm nóng nhất là năm 2016 do ảnh hưởng của El Nino.

Nhưng nếu như không có năm 2016, thì 2019 thực sự là năm nóng nhất mà không có hiện tượng El Nino. Theo đó, 2019 cũng là năm kết thúc giai đoạn 5 năm nóng nhất 2015-2019.

Các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu dường như đã góp phần khiến thời tiết trong năm 2019 trở nên khắc nghiệt mà điển hình là đợt nắng nóng kỷ lục tại châu Âu, hay siêu bão Dorian cướp đi sinh mạng của ít nhất 50 người khi đổ bộ vào Bahamas tháng 9 năm ngoái.

Trước đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới từng đưa ra cảnh báo về nguy cơ nhiệt độ Trái Đất có thể tăng từ 3-5 độ C nếu các quốc gia không tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn sự gia tăng lượng khí thải vốn đã tăng lên mức kỷ lục trong năm 2018./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nam-2019-la-nam-nong-ky-luc-thu-2-trong-vong-140-nam-qua/618751.vnp