Posts

Nhà khoa học chỉ cách đơn giản nhất để loại vi nhựa khỏi nước uống

Mới đây một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Y Quảng Châu và Đại học Tế Nam (Trung Quốc) đã tìm ra phương pháp đơn giản và hiệu quả để loại bỏ vi nhựa ra khỏi nước uống uống.

Vi nhựa đang dần trở thành một vấn nạn toàn cầu, khi chúng có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể của con người theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là qua con đường thức ăn và đồ uống.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, các vi nhựa gồm polystyrene, polyetylen, polypropylen và polyetylen terephthalate tồn tại trong nước máy mà ta uống mỗi ngày với số lượng khác nhau, tùy vào chất lượng nước tại từng khu vực.

Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (NAS) công bố mói đây nhất vào đầu tháng 1/2024 còn cho thấy trung bình mỗi lít nước đóng chai của các thương hiệu phổ biến có thể chứa 240.000 mảnh nhựa, gấp từ 10-100 lần so với các ước tính trước đây, làm gia tăng lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe con người.

Để nghiên cứu về các hạt nhựa nano trong nước đóng chai, các nhà khoa học đã ứng dụng phương pháp soi kính hiển vi tán xạ Raman kích thích (SRS), theo đó sử dụng 2 tia laser quét qua mẫu thử để tạo ra cộng hưởng phân tử cụ thể rồi sau đó tiến hành phân tích thông qua thuật toán máy tính. Kết quả nghiên cứu cho thấy mỗi lít nước đóng chai của 3 thương hiệu hàng đầu thị trường chứa từ 110.000 tới 370.000 mảnh nhựa, 90% trong số đó là hạt nhựa nano và 10% còn lại là hạt vi nhựa.

Trong đó loại nhựa xuất hiện nhiều nhất trong nước đóng chai là nylon, nhiều khả năng đến từ các bộ lọc nhựa dùng để lọc nước, và nhựa polyetylen terephthalate (PET) – nguyên liệu phổ biến trong sản xuất vỏ chai.

Cách tốt nhất để loại bỏ vi nhựa ra khỏi nước là lọc và đun sôi. Ảnh minh họa

Đồng tác giả nghiên cứu, Phó Giáo sư địa hóa học tại Đại học Columbia (Mỹ) Beizhan Yan, khuyến nghị người tiêu dùng cân nhắc sử dụng các nguồn nước thay thế, chẳng hạn như nước máy, nếu lo lắng về các hạt nhựa siêu nhỏ trong nước đóng chai.

Trước thực tế này, một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Y Quảng Châu và Đại học Tế Nam (Trung Quốc) đã tìm ra phương pháp tương đối đơn giản và hiệu quả để loại bỏ chúng khỏi nước uống. Đó là kết hợp giữa đun sôi và lọc bỏ bất kỳ chất kết tủa nào có trong nước. Phương pháp tưởng như đơn giản này, lại vô cùng hiệu quả để chống lại vi nhựa.

Theo nghiên cứu được công bố, có tới 90% nhựa nano và nhựa vi mô (NMP) có thể được loại bỏ bằng quá trình đun sôi và lọc, dù hiệu quả sẽ thay đổi tùy theo từng loại nước.

“Việc đun sôi nước trước khi uống là vô cùng đơn giản và hiệu quả. Phương pháp này được chứng minh là có thể “khử nhiễm” NMP khỏi nước máy gia đình, cũng như giảm bớt lượng NMP hấp thụ của con người thông qua việc tiêu thụ nước”, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chúng ta vẫn nên lọc qua nước trước khi uống, nhằm loại bỏ các cặn vôi (tên khoa học: canxi cacbonat) sau khi chúng hình thành từ quá trình đun sôi nước. Quá trình lọc nước này có thể được thực hiện đơn giản với một lưới lọc trà.

Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng với việc phổ biến tác hại của vi nhựa và cách loại bỏ chúng, thói quen uống nước đun sôi có thể trở nên phổ biến hơn trong bối cảnh chất thải nhựa vẫn còn là một vấn nạn trên thế giới.

Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/nha-khoa-hoc-chi-cach-don-gian-nhat-de-loai-vi-nhua-khoi-nuoc-uong-d219318.html

Mỗi người Việt Nam đã tiêu thụ tới 41kg nhựa trong năm 2019

Mỗi năm, Việt Nam thải ra biển khoảng 0,28-0,73 triệu tấn rác thải nhựa (6% tổng lượng nhựa thải ra biển của thế giới), đứng thứ 4 trong danh sách các quốc gia có lượng nhựa thải ra biển nhiều nhất.

Chất thải nhựa đang gây những tác hại cho hệ sinh thái và môi trường biển trên thế giới và cả Việt Nam.

Để thực hiện việc giảm thiểu chất thải nhựa vào môi trường và duy trì sự quản lý bền vững chất thải nhựa, Việt Nam cần có các chiến lược và hành động về quản lý nhựa thải; đồng thời cần tham khảo cách quản lý và xử lý của các quốc gia trên thế giới để hướng đến tái sử dụng, nhất là tạo ra các sản phẩm thay thế có nguồn gốc sinh học, hoặc có thể phân hủy sinh học.

Gia tăng cả về nguồn thải và lượng

Ở Việt Nam, lượng tiêu thụ sản phẩm nhựa đang tăng lên nhanh chóng. Hiệp hội Nhựa Việt Nam (2019) thống kê lượng sản xuất và tiêu thụ nhựa khoảng 5 triệu tấn năm 2015, trong đó 80% nguyên liệu sản xuất nhựa là nhập khẩu.

Lượng nhựa tiêu thụ bình quân đầu người năm 2019 là 41kg/người, gấp hơn 10 lần so với lượng tiêu thụ 3,8kg/người vào năm 1990.

Hiện, các thống kê và nghiên cứu ở Việt Nam vẫn chưa cung cấp các thông tin cụ thể về lượng, loại và thành phần của nhựa thải ra biển, mà chỉ có một số nghiên cứu về chất thải nhựa nói chung ở một số địa phương.

Nghiên cứu mới đây của nhóm tác giả Lê Thị Hoàng Oanh, Trần Thị Lan Anh và Nguyễn Thị Phương Loan thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội, cho thấy tại Việt Nam, ước tính lượng nhựa thải ra biển khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm (chiếm 6% tổng lượng nhựa thải ra biển của thế giới), đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia có lượng nhựa thải ra biển nhiều nhất.

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn, trong đó có nhựa thải là 80-100% tại các đô thị, 40-55% tại các khu vực nông thôn, trong cả nước 81% được xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Phân tích các thành phần chất thải đô thị có thể tái chế được ở thành phố Hội An, chất thải nhựa chiếm 8,4-14%.

Lượng chất thải nhựa tại các nhà hàng chiếm số phần trăm thấp nhất (8,4%), trong khi tỷ lệ này trong chất thải từ hộ gia đình, khách sạn và đường phố tương đương nhau và xấp xỉ 14%.

Tại thành phố Cần Thơ, lượng chất thải nhựa chiếm tỷ lệ ít hơn so với Hội An, với 6,13%. Cũng tại thành phố này, trong lượng chất thải nhựa, túi nylon mua hàng chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 45,72%.

Nghiên cứu chất thải nhựa cỡ lớn trên sông Sài Gòn trong năm 2019 cho thấy, nhựa PO mềm và PS-E thường xuyên chiếm tỷ lệ cao nhất.

Nhựa thải chiếm 6% trong chất thải rắn đô thị tại Huế và 8% trong chất thải nhựa tại Hà Nội. Lượng chất thải nhựa chiếm khoảng 3,2-8,3% tổng lượng chất thải trên sông Sài Gòn và thấp hơn tỷ lệ chất thải nhựa (16%) trong chất thải rắn đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ thu gom nhựa thải có mối liên hệ với tỷ lệ thu gom chất thải rắn.

Tỷ lệ thu gom này đạt 80-100% ở các khu vực đô thị và 40-55% tại các khu vực nông thôn, tỷ lệ xử lý đạt tiêu chuẩn quy chuẩn đạt 81%. Trong đó, tỷ lệ chất thải rắn thu gom được xử lý cao nhất ở Đông Nam Bộ (99,4%), tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng (88,9%) và mức 57,5% đối với các khu vực Tây Nguyên, 56,4% ở Trung du và miền núi phía Bắc.

Các công nghệ áp dụng xử lý chất thải rắn phổ biến là sản xuất phân compost, đốt và chôn lấp.

Phần lớn chất thải rắn tiếp nhận tại các bãi chôn lấp không được phân loại tại nguồn. Một lượng đáng kể chất thải nhựa được tái chế tại các làng nghề Việt Nam, như Trung Văn, Tân Triều, Tiên Dược (Hà Nội) và Minh Khai (Hưng Yên).

Tại các làng nghề này, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là các nguồn nước mặt. Không chỉ tái chế nhựa thải lấy từ các nguồn trong nước, các làng nghề này còn nhập khẩu phần lớn nguyên liệu nhựa thải từ nước ngoài.

Một số thành phố ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chất thải nhựa trôi nổi trên biển từ các nguồn chất thải đô thị, sinh hoạt, nông nghiệp, bệnh viện, nuôi trồng thủy sản và giao thông vận tải biển.

Chỉ tính riêng tại thành phố Hạ Long, mỗi ngày cơ quan chức năng thu gom khoảng 7 tấn chất thải rắn để đưa vào bờ xử lý. Sau 3 chiến dịch thu gom rác từ năm 2016 đến 2019, tại 4km của Vịnh Hạ Long đã thu được 4 tấn rác thải, chủ yếu là chất thải nhựa và túi nylon.

Tại Cát Bà, trên 50% số lượng phao xốp nuôi trồng hải sản trong tình trạng cũ hỏng, rách vụn, trôi nổi xung quanh khu vực nuôi trồng thủy sản; 4,1% chất thải nhựa từ các nhà hàng và 7,9% chất thải nhựa từ các khách sạn không thể tái chế.

Huyện Cát Hải thu vớt lượng 10m3/ngày rác trôi nổi trên Vịnh, trong đó có 70% là nhựa.

Tại thành phố Đà Nẵng, năm 2019, 8-10% số rác thải rắn được thu gom là túi nylon và chai nhựa. Chính quyền thành phố đã nghiêm cấm người dân, du khách đem thức ăn xuống bãi biển, từ đó hạn chế túi nylon, chai nhựa tràn ra biển.

Hầu hết các nguồn thải từ nước mưa đều xả ra biển, sông hoặc ao hồ. Ngoài ra, chất thải do các hoạt động dịch vụ ven bờ biển thải trực tiếp xuống bãi cát và được cuốn ra biển khi thủy triều lên.

Giải pháp hàng đầu là giảm thiểu và tái sử dụng

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Lê Thị Hoàng Oanh, Trần Thị Lan Anh và Nguyễn Thị Phương Loan thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, những biện pháp tái chế chất thải nhựa được chia thành 4 nhóm là sơ cấp, thứ cấp, tam cấp và tứ cấp.

Sơ cấp là xử lý cơ học mảnh nhựa có lịch sử rõ ràng để tạo thành sản phẩm có tính chất tương đương; thứ cấp là xử lý cơ học nhựa đã sử dụng, tạo ra sản phẩm có chất lượng thấp hơn ban đầu; tam cấp thu hồi những thành phần của nhựa và phụ gia; tứ cấp tức là thu hồi năng lượng từ nhựa thải.

Tái chế sơ cấp rất đơn giản, chi phí thấp, nhưng chỉ áp dụng cho loại nhựa nhất định, vừa sạch vừa không nhiễm các hóa chất.

Việc sản xuất chai nhựa mới từ chai nhựa cũ là một ví dụ. Cụ thể, tái chế thứ cấp là quá trình xử lý vật lý nhựa thải, tạo ra các hạt theo phương pháp đùn thông thường sau khi tách nhựa ra khỏi các tạp chất khác.

Quá trình này liên quan đến việc thu gom, phân loại, làm sạch, sấy khô, làm nhỏ, tạo màu hoặc kết dính, ép viên, đùn nhựa để tạo ra sản phẩm cuối cùng.

Tái chế tam cấp, hay tái chế hóa học, hoặc tái chế nguyên liệu nhằm phân hủy nhựa thành các đơn vị cấu trúc hay các mảnh có khối lượng phân tử thấp khác, sau đó tái tạo.

Tái chế tam cấp rất hữu ích vì nó tuần hoàn vật chất, giảm sử dụng năng lượng và nguyên liệu cho quá trình sản xuất nhựa. Tuy vậy, tái chế tam cấp không phổ biến rộng rãi do tốn năng lượng và chưa bền vững về mặt kinh tế.

Còn tái chế tứ cấp hay thu hồi năng lượng là phương pháp hiệu quả nhất để giảm thể tích nhựa thải, tuy nhiên lại phát thải ra các chất độc trong khí thải và tro thải nên đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ và không được ủng hộ theo quan điểm sinh thái.

Tiến sỹ Lê Thị Hoàng Oanh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định, về khía cạnh kỹ thuật, kinh tế, môi trường và xã hội, Việt Nam cần ưu tiên hàng đầu nhóm biện pháp giảm thiểu và tái sử dụng chất thải nhựa. Đặc biệt, chúng ta có cơ hội áp dụng các biện pháp thân thiện sinh thái trong quản lý nhựa.

Các biện pháp tái chế nhựa sơ cấp, thứ cấp và tứ cấp đã và đang được thực hiện tại Việt Nam, nhưng cần đầu tư lớn về công cụ kiểm soát ô nhiễm thứ cấp và các công cụ khác, như pháp lý, kinh tế và giao tiếp.

Việt Nam là quốc gia có lượng phát thải nhựa ra biển lớn hàng đầu thế giới, do hoạt động quản lý và xử lý chất thải nhựa còn nhiều bất cập.

Nhựa thải ở khu vực ven biển do các hoạt động đánh bắt cá và du lịch là nguồn thải trực tiếp vào đại dương, bên cạnh nguồn từ đất liền được vận chuyển theo các con sông ra biển.

Giống với các nước trên thế giới, hình thức tái chế sơ cấp, thứ cấp và tứ cấp được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, nhưng khả năng kiểm soát ô nhiễm thứ cấp còn hạn chế.

Việt Nam nên đẩy mạnh việc khuyến khích tái sử dụng và tạo ra các vật liệu thay thế nhựa có nguồn gốc sinh học hoặc có thể phân hủy sinh học./.

Hoàng Nam (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/moi-nguoi-viet-nam-da-tieu-thu-toi-41kg-nhua-trong-nam-2019/621752.vnp