Phát triển thành công vải làm từ tảo

Bằng cách sử dụng công nghệ in 3D, các nhà nghiên cứu tại Ðại học Delft (Hà Lan) vừa sáng chế thành công một loại vải “lai” từ tảo, có khả năng quang hợp như thực vật nhưng cũng rất bền chắc.

Loại vải in 3D thân thiện với môi trường này hứa hẹn giúp các ngành công nghiệp – đặc biệt là ngành dệt may – giảm sử dụng hóa chất độc hại và lượng khí thải carbon tạo ra trong quá trình sản xuất.

Ðầu tiên, các chuyên gia thu lấy cellulose – hợp chất hữu cơ được vi khuẩn sản xuất và bài tiết. Cellulose có nhiều đặc tính độc đáo như mềm dẻo, bền chắc và có khả năng giữ nguyên hình dạng ngay cả khi bị xoắn, vắt hoặc nhàu nát. Kế đến, họ dùng một máy in 3D để đặt tảo sống lên trên phần cellulose, giống như cách mà máy in thông thường phun ra mực lên trang giấy. Sự kết hợp giữa hai thành phần cuối cùng giúp tạo ra một loại vải độc đáo, sở hữu khả năng quang hợp của tảo và sự bền chắc của cellulose. Ðiều này đồng nghĩa vải mới có thể sử dụng ánh nắng để tự “nuôi lớn” sau nhiều tuần và có thể tái sinh bằng cách trồng lại một mẩu nhỏ khác.

Nhóm sáng chế nhận định vải mới có thể được ứng dụng để tạo ra nhiều vật dụng hữu ích, bao gồm lá nhân tạo có thể chuyển đổi nước và CO2 thành khí ôxy và năng lượng hoặc một loại da ghép quang hợp giúp vết thương mau lành.

HƯƠNG THẢO (Theo Study Finds)

https://baocantho.com.vn/phat-trien-thanh-cong-vai-lam-tu-tao-a134140.html